Ứng đối với mọi người thế nào cho hợp lý, hài hòa là một việc rất khó và phức tạp. Trong cuộc sống, có nhiều trường hợp vì nghĩ đến mình nhiều hơn nghĩ đến người mà mình có những phản ứng sai lệch.
Một lần bỏ nhà đi
Lúc 10 tuổi, tôi rất thích làm ảo thuật. Đến khi có gánh hát Mai Thanh Cát đến diễn tại làng Vĩnh Kim (tỉnh Tiền Giang), mỗi đêm, tôi xin cô Ba cho đi xem ảo thuật. Vãn hát, tôi vội về nhà vì sợ cô đợi. Trong đêm biểu diễn chót, hôm sau gánh hát rời Vĩnh Kim, chủ gánh có thết tiệc đãi những người cộng sự. Vì thích tôi nên ông mời cả tôi ở lại dự tiệc.
Trong gánh hát, tôi có cảm tình với một nghệ sĩ nhỏ tuổi ngâm sa mạc rất hay. Đêm nào, sau buổi diễn, hai anh em chúng tôi cũng bịn rịn chia tay. Đêm nay là đêm cuối chúng tôi gặp nhau nên trong bữa tiệc, anh lại ngâm tặng tôi đoạn Thúy Kiều đờn cho Kim Trọng.
Tôi say mê trong không khí đó đến quên về nhà. Khi giựt mình nhớ lại, chạy về nhà thì gà đã gáy sáng. Cô tôi không ngủ, nằm trên võng đốt đèn đợi tôi. Đến khi tôi vào thưa cô thì cô giận quá, rầy: "Con mới hơn 10 tuổi mà đã bắt đầu đi chơi không nhớ giờ về, thì sau này lớn lên sẽ còn như thế nào nữa?".
Vừa nói, cô vừa quá giận nên lấy chân đạp vào bàn tay của tôi đang nắm trên đầu võng. Tuy biết mình có lỗi, nhưng lúc đó, nghĩ đến mình côi cút, không được cha mẹ nuông chiều, lại bị cô hắt hủi nên tôi vừa khóc vừa bước ra khỏi nhà.
Lúc đó, không còn suy nghĩ chi hơn nữa, tôi bỏ nhà vào trong ruộng sâu nằm giữa hai ngôi mộ của cha và mẹ mà khóc, không cơm nước chi cả. Khách qua đường tội nghiệp thằng bé mồ côi, cho tôi một gói xôi, một ly nước và khuyên tôi nên về nhà.
Tôi nhứt định ở ngoài ruộng hai ngày, một đêm. Đến khi cô tôi cho người đi kiếm gặp tôi, dẫn về nhà thì tôi thấy cô tôi mặt mũi bơ phờ. Có lẽ vì mấy ngày nay cô lo sợ không biết tôi đi đâu.
Khi tôi vừa bước về, cô ôm tôi trong vòng tay mà nói: "Cô rất thương con nhưng cũng phải nghiêm khắc dạy con. Đó là vì tình thương mà con không biết lại tưởng cô hắt hủi con. Con bỏ nhà ra ngoài mộ của ba má con. Cô rất buồn vì con không hiểu cô mà có những phản ứng làm cô rất đau lòng".
Tôi khóc òa lên, quỳ dưới chân cô, nói: "Con xin lỗi cô. Từ nay về sau, con sẽ không bao giờ lầm lỗi như thế".
Từ đó tới sau, tôi ăn năn hối cải trở thành một đứa bé ngoan ngoãn, đi thưa về trình, lại còn khuyên dỗ em Trạch của tôi đừng cau có, cãi lại cô tôi lúc bị cô rầy.
Các bạn thấy chăng, vì quá nghĩ tới thân phận của mình côi cút mà tôi quên sự chờ đợi lo lắng của người cô thay cha mẹ nuôi mình. Tôi chỉ làm một cử chỉ cho thỏa lòng buồn tủi của mình mà không nghĩ đến nỗi khổ của cô tôi.
Nói dối để được đi chơi với vị hôn thê
Dầu đã hứa với cô Ba như vậy năm 10 tuổi, nhưng hơn 10 năm sau, khi tôi đã trưởng thành, lại một lần nữa tôi đã nghĩ đến mình mà lại để xảy ra một việc đáng tiếc cho đến giờ tôi vẫn còn ghi nhớ mãi trong lòng.
Năm đó, tôi đang học y tại Hà Nội thì được cử vào Sài Gòn để chỉ huy dàn nhạc của trường đại học tham dự hội chợ để giới thiệu những bản nhạc của Lưu Hữu Phước.
Khi cô tôi biết tin này, cô rất vui và thu xếp việc nhà ở Vĩnh Kim để lên Sài Gòn.
Mỗi ngày, cô cháu gặp nhau từ bữa ăn sáng lót lòng đến mười giờ tối lúc hội chợ bế mạc, để tôi ở lại khách sạn với dàn nhạc rồi cô mới về. Nhưng năm đó cũng là năm tôi mới đính hôn với một người bạn học. Vị hôn thê của tôi cũng ước ao đi với tôi trong hội chợ nhưng chưa hôm nào được thong thả vì luôn có cô tôi bên cạnh. Cô hình như cũng hiểu được tâm trạng của chúng tôi nên nói rằng: "Hai con sẽ còn một cuộc đời mấy chục năm sống cạnh bên nhau. Cô chỉ còn ít năm nữa để cho cô hưởng trọn vẹn hạnh phúc cô cháu gần nhau".
Tuy thấy cô nói hợp lý nhưng trong thâm tâm, tôi muốn tìm cách để thong thả tự do với vị hôn thê. Nên thay vì trở lại Hà Nội trong hai bữa sau, tôi nói dối với cô rằng chiều hôm đó tôi sẽ rời Sài gòn. Cả gia đình đưa tiễn tôi ra ga. Lúc xe lửa chuyển bánh, tôi đứng trên toa chào mọi người. Nhưng khi tới đoạn khúc quanh nhà thờ Huyện Sĩ, xe lửa chạy chậm lại, tôi từ trên toa xe nhảy xuống đường, đi thẳng đến nhà ông nhạc gia để đêm đó dạo chơi cùng vị hôn thê tại hội chợ.
Về nhà, nhạc gia tôi lại dặn dò rằng sáng hôm sau, tôi không nên ở nhà trước vì thế nào cô cũng đến thăm ông và nhắc chuyện về tôi. Tôi ở nhà sau để khi cô tôi đến thì tôi mở cửa sau đi ra ngoài, để cô không gặp! Không ngờ, sáng hôm sau, cô gõ cửa trước thì không ai trả lời, cô đi vòng cửa sau đang mở, bước vô nhà thấy tôi đang ngồi gần vị hôn thê. Cô ngẩn người, buông rớt cây dù cầm trên tay, ngồi xuống ghế, hai tay ôm mặt khóc mà than rằng: "Cô đã cực khổ nuôi con, mười mấy năm trời mà con không thương cô bằng vị hôn thê mới gặp! Cô biết thân phận của cô nhưng không thể không đau lòng".
Hai chúng tôi quỳ dưới chân cô xin lỗi và… nói láo lần nữa: "Dầu sao chiều nay, con sẽ đi Hà Nội. Xin cô tha lỗi cho chúng con vì muốn đi chơi với nhau trong hội chợ một đêm, phải nói láo và làm buồn lòng cô. Con xin hứa từ đây đến sau sẽ không còn phạm lỗi như thế".
Tuy nói như vậy với cô nhưng thuở đó, việc đổi vé xe có chỗ nằm là việc không dễ. Vì thế ngay đêm đó, tôi không về Hà Nội mà vẫn đi chơi hội chợ với vị hôn thê nhưng thực sự trong lòng không vui thích gì. Niềm hối hận, giày vò tôi mãi đến hôm nay khi viết những dòng này cho các bạn.
Các bạn có thấy chăng, dẫu là chúng ta làm việc gì để mong ước đạt được ý riêng nhưng những sự việc đáng tiếc xảy ra, làm tổn thương đến người thân, người chung quanh ta thì niềm hạnh phúc, vui thú đạt ý riêng không bao giờ được trọn vẹn!
Một lựa chọn khó khăn
Năm 1944, sau cuộc hôn nhân được định đoạt theo ước nguyện của cô Ba tôi là mong có được một đứa cháu trai để nối dòng họ Trần, cháu Hải đã ra đời vào tháng 5 dương lịch. Cô Ba lúc ấy đang bị bịnh lao phổi vào giai đoạn thứ 3, khạc ra máu và trong máu có vi trùng Koch. Những người giao tiếp với cô đều phải thận trọng, chẳng những không cùng ăn chung một mâm mà cũng tránh không ngồi chung một phòng vì có thể bị lây truyền qua hơi thở hay cơn ho. Lúc cháu Hải được ba tháng, cô Ba viết thơ và nhắn tin nói rằng cô tha thiết muốn gặp cháu Hải, ôm cháu trong tay một lần trước khi vĩnh viễn ra đi. Cô viết: "Con ơi! Cô đã hy sinh một đời của cô để nuôi dưỡng anh em con mà cô chưa xin con điều gì cả. Hôm nay, cô chỉ xin con cho cô gặp và ẵm cháu Hải trong tay trước khi cô từ giã cõi đời".
Vì lòng hiếu đạo, tôi có ý cho mẹ con cháu Hải về thăm cô một ngày nhưng cũng rất e ngại hai mẹ con cháu có thể bị lây nhiễm. Tôi đến tìm bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chuyên trị bịnh lao để xin ý kiến. Bác sĩ Thạch trả lời: "Không phải sự gặp gỡ trong một ngày của người bịnh lao đến giai đoạn 3 và một người bình thường là có thể lây bịnh. Nhưng cháu Hải là đứa bé mới ba tháng, cơ thể chưa đủ sức đề kháng. Mẹ cháu là sản phụ còn non ngày tháng cũng dễ bị truyền nhiễm hơn người thường. Do đó, khả năng bị lây cũng cao hơn người thường nhiều. Tôi không dám khuyên anh đừng cho mẹ con cháu Hải đến thăm người cô của anh nhưng tùy anh quyết định giữ tròn chữ hiếu hay bảo vệ sức khỏe cho vợ con mình mà làm buồn người cô mình kính yêu".
Tôi về suy nghĩ cả mấy hôm, nếu cho mẹ con cháu Hải đi thăm thì tôi sẽ rất vui làm tròn chữ "hiếu" đối với cô tôi, nhưng đó chỉ là thỏa mãn cá nhân. Nếu không cho, tôi sẽ ân hận vì đã không tròn chữ "hiếu" và làm thỏa mãn một mong muốn nhỏ của người cô hy sinh suốt đời cho tôi. Nhưng ngược lại, tôi làm tròn bổn phận một người chồng và một người cha. Cuối cùng, tôi phải "dục hoãn cầu mưu"(7) nói với cô tôi rằng cháu Hải còn non ngày non tháng, bác sĩ không cho đi xa, bao giờ cháu bé cứng cáp hơn thì tôi sẽ cùng với hai mẹ con đi về thăm cô. Đến khi Hải được quá ba tháng, tôi cho chụp nhiều ảnh rất đẹp của cháu khi nằm, khi lật, khi cười định in ra lớn gởi về cho cô tôi biết mặt trước rồi sẽ gặp sau.
Tiếc thay, hình chưa kịp rửa xong thì tôi được tin cô tôi đã qua đời. Nhạc phụ của tôi và tôi đi xe đạp từ Sài Gòn xuống Vĩnh Kim để lo việc tống táng cho cô. Khi đứng gần linh cữu, tôi luôn luôn nói nhỏ rằng tôi vô cùng ân hận, chưa cho cô biết mặt đứa cháu sẽ nối dòng họ Trần, trước khi cô vĩnh viễn ra đi. Những giọt nước mắt chảy ra không làm tôi nguôi buồn, nguôi hối tiếc.
Đến nay khi viết những dòng này, lòng tôi vẫn còn xao xuyến nhưng không quá ân hận vì quyết định của mình. Bởi vì các bạn trẻ biết không, dẫu là yêu kính cha mẹ và người thân yêu của mình như thế nào thì người đàn ông, người chồng trong gia đình luôn phải bảo vệ và gìn giữ cho vợ và con vì còn cả một tương lai phía trước. Qua sách báo, tạp chí, có đôi khi, tôi đọc được những câu chuyện về gia đình có hai thế hệ chung sống với nhau. Người chồng vì quá yêu kính cha mẹ mình, không cân nhắc việc ứng xử dẫn đến việc chèn ép, ngược đãi, thiếu công bình với vợ. Người phụ nữ trẻ trong gia đình dẫu có chịu đựng, ép mình thế nào thì cũng có lúc cảm nhận tình yêu thương của chồng không được trọn vẹn, không được chồng bảo vệ và vì thế tình cảm gia đình sẽ đi lần đến sứt mẻ, đổ vỡ.
Chuyện đại hội ở Seoul
Năm 1983, Hội đồng Quốc tế âm nhạc truyền thống (thuộc UNESCO) tổ chức đại hội tại Seoul (thủ đô Nam Triều Tiên). Tôi là Phó chủ tịch của Hội đồng nên ban tổ chức đã gởi giấy mời tôi đến dự tại Seoul. Lúc bấy giờ, mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Cộng hòa Triều Tiên (sau này gọi là Đại Hàn hay Hàn Quốc) và Cộng hòa XHCN Việt Nam chưa được thiết lập.
Khi tôi đến sứ quán Nam Triều Tiên tại Pháp để xin thị thực nhập cảnh thì tòa lãnh sự trả lời rằng không thể cấp thị thực nhập cảnh trên hộ chiếu của một nước mà Cộng hòa Triều Tiên chưa có quan hệ ngoại giao. Ban tổ chức đại hội cho Hội đồng Quốc tế âm nhạc truyền thống gởi thơ riêng cho Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên với nội dung tìm một ngoại lệ để tôi có thể nhập cảnh tham dự Đại hội. Sau khi thảo luận nội bộ, Bộ Ngoại giao ra quyết định sẽ đặc biệt cấp thị thực nhập cảnh cho tôi trên một giấy riêng để lúc tôi trở về Pháp thì thu hồi giấy đó chỉ lưu giữ tại Bộ Ngoại giao mà không có dấu vết trên hộ chiếu của tôi. Hội đồng Quốc tế âm nhạc truyền thống mua vé máy bay tập thể tại hãng Korean Airlines cho cả ban chấp hành nên cũng không có vấn đề.
Đến ngày dự hội, theo thông lệ thì máy bay Korean Airlines đến phi trường của thành phố Seoul vào lúc 14 giờ nhưng hôm đó, máy bay bị trục trặc kỹ thuật nên đến trễ vào lúc 19 giờ. Cảnh sát biên phòng khi nhìn thấy thị thực nhập cảnh được cấp trên một tờ giấy thì liền tìm các giấy tờ của Bộ Ngoại giao gởi tới phi trường một bản sao y như giấy cấp thị thực; nhưng tiếc thay, nhân viên không tìm được mà giờ đó đã là giờ nghỉ tại các công sở. Vì vậy, cảnh sát biên phòng đề nghị tôi tạm nghỉ trong một khách sạn trong khu vực quốc tế của phi trường, đợi sáng hôm sau nếu liên hệ được với Bộ Ngoại giao có đủ giấy tờ cần thiết thì họ sẽ cấp giấy phép nhập cảnh.
Bên ngoài phi trường, ban tổ chức đại hội cho Hội đồng Quốc tế âm nhạc truyền thống đã gởi một phái đoàn đến đón tôi, đưa về khách sạn và mời tôi dự buổi tiệc khai mạc tại nhà hàng lớn. Các bạn cho người vào gặp cảnh sát biên phòng nhưng không giải quyết được. Lúc đầu, tôi có hơi bực dọc cho rằng đối với một khách mời mà việc tổ chức không chu đáo để tôi phải bị đưa vào khu vực quốc tế như một người hành khách không hợp pháp. Tôi trả lời với cảnh sát biên phòng nếu không cho tôi nhập cảnh chiều nay tôi không bằng lòng đợi tới ngày mai mà phải tìm một vé máy bay để tôi trở lại Pháp trong một, hai giờ tới. Anh đại diện ban tổ chức đề nghị tôi nên bình tĩnh đợi đến sáng hôm sau. Lúc đó, tôi vẫn nhứt quyết trở lại Pháp. Cảnh sát biên phòng khuyên tôi nên đợi thêm một giờ đồng hồ để ban cảnh sát đến nhà riêng cảnh sát trưởng trình bày trường hợp đặc biệt này. Tôi được mời vào trong một nhà hàng sang trọng ngồi nghỉ. Nửa giờ sau, cảnh sát trưởng đến có vẻ bối rối nhưng cũng nhìn nhận rằng đó là một thiếu sót của văn thư Bộ Ngoại giao.
Trong khi mọi người cảm thấy không an tâm khi xảy ra sự kiện, tôi giữ lại bình tĩnh và cảm thông với vấn đề nên không giữ ý định về Pháp ngay mà bằng lòng ở lại trong khu quốc tế đêm đó. Không khí nhẹ nhàng hẳn đi. Nhân viên phi trường chuẩn bị mang hành lý của tôi vào khách sạn trong khu quốc tế thì bỗng cảnh sát trưởng chạy mau đến gặp tôi cho biết rằng trong ban tổ chức tiếp đón có giáo sư Kwok On bằng lòng chịu trách nhiệm bảo lãnh cho tôi nhập cảnh. Cảnh sát trưởng có thể dựa vào sự bảo lãnh mà cấp cho tôi một giấy nhập cảnh tạm thời có giá trị đến 10 giờ sáng hôm sau, để tôi có thể ra khỏi phi trường dự tiệc tiếp tân và ở tại khách sạn đã qui định trước.
Khi đưa tôi ra cửa, anh cảnh sát trưởng một lần nữa xin lỗi tôi và ban tiếp tân hồ hởi tay bắt mặt mừng, đưa tôi về khách sạn và mở một chai sâm banh ăn mừng.
Sáng hôm sau, mới 9 giờ, có đại diện Bộ Ngoại giao mang một lẵng hoa đến chào mừng tôi và xin lỗi về những điều sơ sót ngày hôm qua. Từ giờ đó, tôi được tiếp đón như một thượng khách, có xe riêng đưa đón, có thông dịch riêng ở cạnh tôi và tôi được mời giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam với con trai Trần Quang Hải và con dâu Bạch Yến tại nhà hát lớn Sejong, được mời lên truyền hình.
Các bạn thấy không, nếu tôi giữ sự bực dọc vì "tiểu khí" thì tôi sẽ mất tất cả những điều "đại sự" để thực hiện trong thời gian mười ngày tham dự đại hội mà còn gây ra nhiều bối rối cho mọi người.
Chuyện ở chương trình âm nhạc Triều Tiên
Hai năm sau, nước Cộng hòa xã hội nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) đăng cai tổ chức Diễn đàn Âm nhạc châu Á, do Hội đồng Quốc gia âm nhạc của Bắc Triều Tiên phối hợp tổ chức với Hội đồng Quốc tế âm nhạc UNESCO tại Bình Nhưỡng. Hội đồng quốc gia yêu cầu UNESCO gởi một cố vấn đặc biệt để giúp cho hội đồng trong việc tổ chức diễn đàn và thiết lập chương trình âm nhạc Triều Tiên chiêu đãi khách quốc tế.
UNESCO đề nghị tôi đảm trách vai trò này. Trong lúc tổ chức, Hội đồng Quốc gia âm nhạc Bắc Triều Tiên thấy tôi dùng danh từ chuyên môn về âm nhạc truyền thống Triều Tiên một cách chính xác nên hỏi tôi đã học về lý thuyết âm nhạc Triều Tiên ở đâu. Tôi đã nói ra sự thật là đã gặp gỡ trao đổi về âm nhạc truyền thống các nước Á châu với các giáo sư Lee Hye Ku, Han Man Yung, những danh cầm Lee Chae Suk, toàn là chuyên gia ở Nam Triều Tiên.
Họ không nói gì nhưng trong chương trình nghệ thuật buổi bế mạc, họ đề nghị tôi sẽ là người lĩnh xướng hát bài ca ngợi Kim chủ tịch có dàn nhạc giao hưởng phụ họa. Họ nói đó là một vinh dự rất lớn dành cho khách quốc tế. Theo luật thường của UNESCO, người đại diện được quyền phát biểu trong các diễn văn, nói chuyện gì và cách nào cũng được chỉ ngoại trừ không được chỉ trích hay tôn vinh một chánh thể hay một lãnh đạo nào tại Á châu.
Bởi thế, tôi chưa trả lời dứt khoát và viện lẽ rằng chương trình làm việc của tôi rất nặng, vì vừa là đại diện cho Hội đồng Quốc tế âm nhạc thuộc UNESCO, chủ tịch hội đồng tuyển lựa và vừa là chủ tịch hội thảo quốc tế nên sợ e không đủ thời gian luyện tập nhuần nhuyễn để lãnh xướng.
Nhưng ban tổ chức đã gởi liền sáng hôm sau người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng để đánh nhịp cho tôi tập hát, lại thêm một danh ca lĩnh xướng đến tập cho tôi phát âm thật chỉnh những lời ca. Trước hoàn cảnh này, tôi tìm một lý do khác có thể thuyết phục mà không làm phật lòng ban tổ chức. Tôi đã nói: "Nếu hát một bài ca ngợi một thủ lĩnh mà lời không nghe rõ, nét nhạc không chỉnh là điều vô lễ đối với vị thủ lĩnh đó. Tôi chưa biết nói tiếng Triều Tiên từ mười lăm năm nay tôi chưa hát lĩnh xướng trong một dàn nhạc giao hưởng nào! Tôi không thể trong thời gian hai, ba ngày hoàn thành nhiệm vụ mà ban tổ chức giao phó". Sau đó, các bạn Triều Tiên cho tôi biết rằng chính lý do "sợ vô lễ với vị thủ lĩnh" là xác đáng nhứt.
Tôi rất vui vì không dối mình, dối bạn mà thực hiện được ý của mình và không làm mất lòng những người chung quanh.
Trong nhiều trường hợp, để ứng đối trọn vẹn với người, ta nên có thái độ mềm dẻo, đừng quá cứng rắn với lập trường của mình. Người khác đôi khi không phải muốn làm khó mình mà vì những thủ tục khắt khe trong chánh quyền hay trong ngoại giao.