Khiêm tốn là một trong những đức tính hết sức quý của mỗi người. Trong cuộc đời mình, tôi may mắn được chứng kiến những câu chuyện thú vị về đức khiêm tốn của những bậc thầy âm nhạc. Tôi xin kể cho các bạn nghe.
Một trong những người thầy lớn trong âm nhạc truyền thống Ấn Độ là nhạc sư Ravi Shankar.
Từ thuở nhỏ, ông đã có khiếu múa rất hay. Gia đình cho ông đi học múa, sau đó, ông biểu diễn nhiều lần trước công chúng những điệu múa cổ điển của Ấn Độ.
Nhưng Ravi Shankar cũng thích nhạc và tỏ ra có năng khiếu. Ravi được nhạc sư nổi tiếng Alaudin Khan nhận làm môn sinh. Chăm chỉ, say mê học nhạc, Ravi Shankar trở thành một người đàn sitar vào bậc nhứt.
Năm 1958, trong khuôn khổ hội nghị Âm nhạc Quốc tế do UNESCO tổ chức ở Pháp, ngoài chương trình hội thảo rất phong phú có một buổi hòa nhạc rất lớn tại phòng I - đó là thính đường lớn nhứt của UNESCO. Ban tổ chức mời nhiều nhạc sĩ nổi tiếng đương thời để biểu diễn âm nhạc truyền thống của nước mình cạnh bên âm nhạc phương Tây. Hai nhạc sĩ được nêu tên làm điển hình của sự gặp gỡ Đông - Tây là nhạc sĩ Yehudi Menuhin, chuyên đờn violon và nhạc sĩ Ravi Shankar, chuyên đờn sitar. Cùng trong chương trình đó có tiếng đờn koto (loại đờn tranh của Nhựt Bổn) của nhạc sĩ Yuize Shinichi, tiếng đờn setar (đờn khẩy Ba Tư 4 dây) của nhạc sĩ Ebadi, tiếng đàn santur (loại dương cầm của Ba Tư dùng que để gõ, đàn có 72 dây) của nhạc sĩ Hossein Malek và tiếng đờn cò, đờn tranh của tôi. Từ đó tên tuổi Ravi Shankar vang dội không chỉ ở nước Pháp mà khắp cả thế giới.
Tại Pháp có Hội Những người bạn của phương Đông (Association des Amis de l’Orient) thường tổ chức những buổi hòa nhạc Ấn Độ. Tôi được mời làm người dẫn chương trình nhạc châu Á của hội nên có dịp gặp nhạc sĩ trước buổi hòa nhạc để hiểu thêm về quan điểm râga (điệu thức) trong nhạc cổ điển Ấn Độ, quan điểm tâla (tiết tấu) và xuất xứ đặc điểm của cây đàn sitar, tiểu sử của nhạc sĩ để làm bài giới thiệu đầy đủ cho buổi hòa nhạc.
Nhờ những dịp như vậy mà tôi có dịp gặp nhạc sĩ Ravi Shankar và chúng tôi kết bạn với nhau.
Nhạc sĩ Ravi Shankar chẳng những thông hiểu nhạc Ấn Độ mà cũng muốn tìm hiểu nhạc phương Đông đặc biệt là nhạc Việt Nam. Năm 1986, một hôm ông mời tôi sang Bombay (Ấn Độ), ở tại căn nhà mới cất của ông cạnh bờ Ấn Độ Dương. Từ cửa sổ phòng ngủ lầu 1, nhìn ra đã thấy biển và đêm đêm tiếng sóng rì rào đưa ta vào giấc ngủ êm đềm. Lần đó, Ravi Shankar đề nghị có cuộc họp báo tại nhà ông để ông giới thiệu tôi như là một nhạc sĩ Việt Nam đồng điệu với ông.
Ông hỏi tôi: "Khi tôi sang Âu Mỹ, người ta mời tôi đờn trong một tiếng đồng hồ phải trả tiền thù lao cả ngàn đô la hay euro. Chiều nay, tôi lại mời báo chí để đàn cho họ nghe, chẳng những không được tiền mà phải tổ chức một tiệc rượu nhỏ để đãi báo chí, truyền hình và quan khách nhưng tôi rất vui vì hôm nay không chỉ đờn cho quan khách nghe mà cốt nhứt là đờn cho anh nghe và nghe anh đờn. Anh có muốn nghe loại râga nào đặc biệt không?".
Tôi trả lời: "Tại nhạc hội Shiraz năm rồi, anh giới thiệu râga bihaga (điệu thức bihaga) rất hay, nhưng vì đó là công chúng lạ trong một nhạc hội, anh phải mở đầu bằng một đoạn "gat" rộn ràng rồi mới trở lại đoạn mở đầu "alâp". Hôm nay, tôi thèm nghe anh đờn và ngẫu hứng nguyên vẹn râga bihaga".
Ông vỗ vai tôi trả lời: "Đồng ý". Tôi hỏi thêm: "Anh có cho phép tôi ghi âm lại buổi biểu diễn của anh hôm nay không?". Ông ngẫm nghĩ một chút rồi trả lời: "Tôi định hôm nay sẽ đờn ngẫu hứng nhiều cách rất đặc biệt để tặng anh. Mà khi ngẫu hứng rồi thì đôi lúc một nhạc sĩ lành nghề cũng có thể rớt nhịp. Nếu anh muốn ghi âm thì tôi sẽ biểu diễn những câu đờn mà tôi chắc chắn tròn trịa thì lại không có những câu ngẫu hứng như tôi định đờn chiều nay. Nhưng tôi muốn chiều lòng khách nên hỏi anh muốn nghe tôi đờn hay muốn giữ một ghi âm tư liệu?".
Tôi trả lời: "Tôi muốn nghe anh đờn". Ông nói ngay: "Vậy thì anh đừng ghi âm". Tôi vô cùng cảm động vì mặc dầu là một danh cầm và anh đã biểu diễn bihaga hàng trăm lần trong đời mà còn đủ khiêm tốn để nhận rõ ràng khi mình ngẫu hứng bay bổng lên còn có thể bị rớt nhịp. Nhận thấy sự rớt nhịp có lẽ là những nhạc sĩ chuyên nghiệp, còn chúng tôi và báo chí chỉ là người ngoại đạo. Vậy mà nhạc sĩ đã chân thực với mình và với người, không muốn giấu giếm những đoạn không thành công của mình bằng cách đờn lấp lên!
Một lần khác, khi ông giới thiệu nhạc Ấn Độ trong năm đêm liền tại Lincoln Center (Mỹ), chương trình gồm có những đêm các nhạc sĩ danh tiếng Ấn Độ độc tấu trên đàn chuyên môn của mình, mỗi đêm khán giả đều bị lôi cuốn trong tiếng nhạc thần tình và thưởng thức những đoạn ngẫu hứng tuyệt vời ít khi có được.
Đêm nào tôi cũng đến chia sẻ với ông niềm vui của tôi và không ngớt lời khen tặng các nhạc sư. Đêm cuối cùng, ông giới thiệu một buổi hòa nhạc gồm có tất cả những danh cầm đó nhưng họ không còn đờn tùy hứng mà phải đờn theo một cách giới thiệu râga của ông sắp đặt. Trên một tiết tấu vô cùng phức tạp, ít ai đờn được, là nhịp 7 rưỡi, phải đờn hết hai câu mới được 15 nhịp (tức 10+5).
Nhạc sĩ Ravi Shankar đứng ra chỉ huy. Dàn nhạc biểu diễn đúng theo bài bản nghe rất lạ tai. Tiếng trống mridangam (loại trống đặc biệt của miền Nam Ấn Độ) pha trộn với tabla (loại trống đặc biệt của miền Bắc Ấn Độ). Thính giả im lặng thưởng thức và dứt bài đứng dậy vỗ tay hoan nghinh. Đêm nay, trong tiệc rượu tôi chỉ đến cụng ly với ông và nói: "Mừng anh đã được hoan nghinh… như thường lệ". Ông không nói gì nhưng sau 10 phút gặp gỡ những người hâm mộ, ông đến tìm tôi, kéo tôi vào góc và hỏi nhỏ: "Hôm nay anh nghe bản nhạc đó như thế nào? Anh có thích không?".
Tôi trả lời thực sự: "Anh là một bậc thầy lớn trong âm nhạc Ấn Độ. Anh biết cách hòa âm phối khí phương Tây hơn tôi nhiều. Anh đã bỏ ra rất nhiều thời gian để suy nghĩ, sắp đặt dàn dựng một nhạc phẩm như hôm nay. Tôi chỉ là nhạc sĩ yêu nhạc nhưng ngoại đạo, đâu dám phê bình một thầy lớn như anh. Sự thích hay không thích của tôi đâu có quan trọng gì. Có thể tôi không thích vì còn chưa đủ sức thưởng thức nhạc phẩm quá đặc biệt như vậy!".
Ông không nói gì nhưng 10 phút sau, ông lại trở lại và quàng vai tôi, hỏi nhỏ: "Chúng ta có phải anh em ruột thịt không? Nếu phải thì dầu cho anh không muốn phê bình thì anh vẫn có bổn phận nói với tôi cảm tưởng của anh khi nghe biểu diễn bản nhạc đó".
Tôi bóp chặt tay ông và trả lời: "Anh đưa tôi vào thế mà không thể không nói cảm nghĩ của mình. Mặc dầu tôi có cảm giác nhạc phẩm được biểu diễn điệu nghệ nhưng trong buổi hòa nhạc hôm nay không có tiếng đàn huyền diệu của danh cầm Ravi Shankar vì ông đang bận điều khiển, đánh nhịp. Các nhạc sĩ hôm nay không biểu diễn bằng cách sáng tạo ngẫu hứng trên cây đờn của mình, theo một tứ nhạc của mình mà họ bắt bưộc tuân theo cách sắp đặt của người sáng tác và điều khiển. Tôi có cảm giác trong mấy đêm hòa nhạc trước, họ là những thiên thần còn đêm nay họ chỉ là những người nô lệ".
Ravi Shankar siết chặt tay tôi không nói gì cả nhưng từ đó đến sau, tôi không còn thấy bài nhạc đó được ông giới thiệu ở nơi khác. Và như vậy, tôi thấy rằng, mặc dầu là một người thầy ở bậc cao nhứt nước và cả trên thế giới mà còn giữ được tánh phục thiện, biết lắng nghe lời phê bình chân chính mà không phải lời khen.
Trong khi ông được tôn sùng như một vị thánh sống, ông không trọn vui và có lúc ông không đi biểu diễn mà vào một ngôi chùa để thiền định và chiêm nghiệm cuộc sống.
Ông quyết tâm truyền nghề cho một môn sinh có thể tiếp nối con đường của ông, nhưng trong các môn sinh người có tiếng đàn phong phú tuyệt vời lại là con gái của ông - cô Norah Jones. Cô này vì sống bên Mỹ nên mặc dầu tiếp nhận truyền thống nhạc Ấn Độ của cha nhưng vẫn say mê nhạc trẻ đương đại. Cô được xem là một nhạc sĩ trẻ đương đại hàng đầu có phong cách ở Âu Mỹ. Ông không buồn trách cô mà chỉ cố gắng đem hết những cái hay trong truyền thống Ấn Độ để trao lại cho con gái mình.
Ngày nay, tuổi đã đến 90, ông vẫn tiếp tục truyền lại ngón đàn sitar tuyệt diệu của ông cho những nhạc sĩ trẻ muốn gìn giữ trung thực vốn quý của các bậc tiền bối Ấn Độ để lại, đặc biệt cho con gái của ông với người vợ sau này, cô Anoushka Shankar.
Ngày nay, ông không còn sáng tác những bản nhạc để nhạc khí Ấn Độ biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng phương Tây như loại concerto cho đàn sitar với dàn nhạc giao hưởng. Dầu ông rất thích nhạc phương Tây và thường nghĩ rằng có thể phối hợp được hai loại nhạc trong một nhạc phẩm, nhưng sau khi thể nghiệm nhiều lần, ông rút kinh nghiệm và nhận thấy rằng đó không phải hướng đi đúng. Kể cả cách dạy nhạc truyền thống Ấn Độ bằng cách ký âm phương Tây, ông cũng không dùng nữa mà trở lại cách truyền khẩu, truyền ngón như ông từng theo đuổi. Khi bạn thân góp ý kiến về giá trị nghệ thuật của những bản ông sáng tác, nhiều lần ông đã biết phục thiện và không bao giờ cho rằng mình là người hiểu biết nhứt về âm nhạc Ấn Độ và nhạc phương Tây.
Tôi cũng nhìn thấy đức khiêm tốn ở ông Muhin Uddin Dagar - một nhạc sư Ấn Độ chuyên hát theo phong cách cổ điển trong truyền thống Ấn Độ gọi là dhrupad.
Một hôm, có sinh viên hỏi ông: "Ông có tính xem ông thuộc bao nhiêu bài hát cổ truyền hay không?". Ông lắc đầu, cười và nói: "Tôi không bao giờ muốn đếm số bài hát tôi đã thuộc, bởi có khi phải thối chí vì số bài hát mình biết là hột cát giữa bãi sa mạc của truyền thống. Có lúc mình lại tự mãn cho rằng số bài hát đó là quá cao so với một đời người. Hai phản ứng đó đều tiêu cực nên tôi không cần đếm số bài đã biết mà mỗi ngày tôi chỉ tìm học thêm một bài mới".
Tôi cho đó là sự sáng suốt và lòng khiêm tốn của những bậc thầy.
Các bạn ơi, ở đời tôi luôn luôn nghĩ rằng những điều tôi đã biết không nghĩa lý gì đối với những điều tôi chưa biết; những chuyện tôi đã nghe không nghĩa lý gì đối với chuyện tôi chưa được nghe; những việc tôi đã thấy chẳng nghĩa lý gì với những việc tôi chưa thấy. Và tôi tiếp tục học hỏi đến hơi thở cuối cùng.