Có rất nhiều câu nói hay bàn về sự học, như "Chuyện học cũng giống như đi thuyền trên dòng nước ngược, không tiến ắt sẽ lùi", "Học, học nữa, học mãi". Hay một câu nói của nhạc sĩ tài ba người Ấn Độ Mohinuddin Dagar: "Học nhạc cũng giống như đi trên biển. Cứ tưởng nơi mình thấy trước mắt là chân trời và muốn đi đến đó. Nhưng càng đi tới thì chân trời càng xa. Nhưng không vì vậy mà ngã lòng thôi không tiếp tục đi tới. Đời người có hạn mà kiến thức thì vô hạn".
Trong chuyện học, tôi xác định phải vận dụng tất cả những gì giúp mình nhớ để mà ghi nhớ thật đúng, thật lâu; đơn giản hóa những kiến thức phức tạp, đưa cả thơ ca, diễn xuất vào để việc học thú vị hơn…
Tôi may mắn có được trí nhớ tốt lắm. Năm tôi mới 2 tuổi, mẹ tôi dạy bảng chữ cái cho tôi. Rồi mẹ dùng lá bài cào cắt thành 24 chữ cái, tôi cầm xấp chữ cái trên tay, ném từng chữ lên bàn, dầu chữ nằm nghiêng ngả thế nào, tôi vẫn đọc chính xác. Học mà chơi là vậy.
Ngày nhỏ, mỗi lần tôi dạy em Trạch học, trước khi học, bao giờ hai anh em cũng cùng hát một lúc, nhờ vậy em Trạch không ngán mà thích những buổi học.
Học bài mới, tôi luôn tìm cách sao cho bài học thú vị, dễ nhớ và nhớ lâu nhứt. Khi trả bài ngụ ngôn Con chó sói và con chiên con của La Fontaine, tôi cùng lúc đóng hai vai, chó soi hung ác và chiên con nhút nhát.
11 tuổi, tôi được học bài Khuyến hiếu để:
Cha sanh mẹ dưỡng
Đức cù lao lấy lượng nào đong?
Thờ cha mẹ phải hết lòng
Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường
Chữ để nghĩa là nhường
Nhường anh, nhường chị, lại nhường người trên
Ghi lòng tạc dạ chớ quên
Con em hãy giữ lấy nền con em.
Tôi liền suy nghĩ cách trả bài sao cho thiệt sinh động, thu hút, và dễ thương. Hôm thầy kiểm tra bài, tôi có học chữ Hán nên tôi viết chữ "hiếu" vào lòng bàn tay mặt, chữ "để" vào lòng bàn tay trái và bắt đầu biểu diễn.
Tôi khoanh tay đọc:
Cha sanh mẹ dưỡng
Đức cù lao lấy lượng nào đong?
Thờ cha mẹ phải hết lòng
Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường
Đọc đến chữ "hiếu", tôi giơ bàn tay mặt ra. Rồi tôi tiếp:
Chữ để nghĩa là nhường
Đến chữ "để", tôi giơ bàn tay trái ra. Và tiếp:
Nhường anh, nhường chị, lại nhường người trên
Đến chữ "nhường anh", tôi đưa tay về phía trái ý chỉ nam tả, đến chữ "nhường chị", tôi đưa tay về phía phải, ý chỉ nữ hữu. Đến chữ "nhường người trên", tôi đưa nhẹ hai tay, tay trên, tay dưới.
Đến chữ "ghi lòng", tôi để tay mặt lên chỗ trái tim, đến chữ "tạc dạ", tôi để tay trái lên bụng, đến chữ "chớ quên", tôi đưa tay mặt thẳng về phía trước, cả bàn tay lắc qua lắc lại.
Bạn bè vỗ tay quá chừng. Thầy cũng khen tôi dữ lắm.
13 tuổi, thầy Thượng Tân Thị dạy tôi làm thơ Đường và tôi làm thơ không bao giờ sai niêm luật. Một hôm, thầy ra đề tài: vịnh một món đồ mà em yêu thích bằng một bài thơ 4 câu.
Hồi đó tôi rất thích chèo đò, phần vì nó như một cách tập thể dục, phần vì tôi thấy vui khi anh chèo đò có thể cầm nón quạt mát, nghỉ ngơi đôi chút. Nhiều lần đò cập bến, tôi nhìn thấy hình ảnh em bé chạy ra đón mẹ, mẹ âu yếm ôm em bé vào lòng, lấy quà bánh cho bé, bé cười thật tươi đón lấy. Hình ảnh ấy đáng yêu vô cùng. Tôi rất vui vì đã đưa người mẹ về với đứa con nhỏ.
Hay có lần tôi đang chèo thì có mấy đứa nhỏ lội đã thấm mệt, đưa tay cầu cứu. Tôi đưa cây chèo cho tụi nhỏ bám lấy rồi từ từ kéo tụi nhỏ lên đò.
Bao nhiêu kỷ niệm với chuyến đò ngang là vậy nên khi thầy cho bài tập, tôi quyết định làm bài thơ Vịnh cây chèo như sau:
Một mình làm chúa giữa dòng sông
Bát cạy ngược xuôi tiếng đập đùng
Quyết chí đưa người qua biển khổ
Hết lòng cứu kẻ thoát trầm luân.
(bát cạy tức là chèo cho đò quẹo tay trái, tay mặt)
Thầy ngạc nhiên dữ lắm, sau đó khen ngợi tôi hết lời: "Còn nhỏ mà đã có khẩu khí. Nếu mà con cứ tiếp tục như vậy nữa lớn chắc con… đi tu".
Thuở nhỏ, tôi học gì cũng giỏi nên được thầy cưng. Lại thêm có võ Thiếu Lâm nên bạn bè càng nể. Từ lớp nhỏ đến lớp học thi tú tài, tôi đều được xếp hạng nhứt. Càng được thương yêu, tôi tự nhủ càng phải cố gắng để không phụ lòng thầy và sự yêu mến của bạn bè. Thêm nữa, tôi rất ưa những gì mới lạ. Sự học cho tôi khám phá thêm những điều ấy. Và một điều tôi tâm niệm khi học đó là muốn đem sự học để nuôi thân, giúp đỡ hai em, giúp đất nước và rộng hơn nữa là giúp cả nhân loại.
Sáng tạo để ghi nhớ
Việc học không tránh khỏi những vấn đề phức tạp, khô khan, khó nhớ. Tôi tự nhủ muốn nhớ lâu những điều ấy thì phải vận dụng tất cả cách nhớ và tự tạo mẹo để nhớ.
Mỗi người thường có một cách nhớ của riêng mình. Có người thì nghe nói lại dễ nhớ hơn đọc sách (mémoire auditive), có người nhìn thấy chữ lại dễ nhớ hơn tai nghe (mémoire visuelle). Nếu chỉ dùng một cách nhớ, theo tôi, là chưa đủ; vì vậy trong mỗi bài học, tôi thường hay vận dụng tất cả các cách nhớ để một thời gian sau đó, có thể một trong những cách nhớ vẫn giúp mình nhớ được, không quên sự kiện đã xảy ra.
Thí dụ, khi học bài lịch sử nên áp dụng:
1. Nghe - nhìn: Nhìn và đọc to bài lên.
2. Chép - đọc lại: Viết ra giấy, viết lên bảng những điểm chính của bài học và đọc to lại. Khi chép lại bằng tay thì đã nhớ một phần, đọc lại giúp nhớ thêm một phần nữa bằng miệng đọc và tai nghe.
Trong học nhạc thông thường, trước khi cho nghe bài hát thì phải chép bản ký âm. Nhưng theo tôi, việc luyện cặp mắt cho tinh, luyện phản xạ cho nhanh chỉ là kỹ thuật bề ngoài. Trong khi đó, trí nhớ chưa được đem ra sử dụng và con tim cảm nhận cái đẹp cũng chưa bắt đầu làm việc. Theo cách dạy truyền thống, trước tiên phải luyện lỗ tai để nghe cho rõ và trí nhớ bắt đầu ghi lại những lời thơ, giọng nhạc, óc thẩm mỹ cũng bắt đầu hoạt động trước khi mắt nhìn thấy chữ hay tín hiệu. Như vậy, muốn rèn luyện cách nhớ lâu, chúng ta nên vận dụng tất cả các cách nhớ: nghe, nhìn, chép, đọc lại. Luyện lỗ tai trước khi luyện con mắt, luyện trí nhớ trước khi luyện phản xạ.
Khi học về một sự kiện quan trọng xảy ra trong một năm nào đó thì người học chỉ nói nhớ sự kiện đó mà thôi, nhưng tôi đặt cho mình một nguyên tắc: học một phải nhớ ba.
Thí dụ, khi nhắc đến năm 1789 thì sinh viên thường nhớ đến cuộc Cách mạng Pháp, nhưng tôi tìm trong lịch sử Việt Nam xem năm 1789 còn có sự kiện gì đáng nhớ hay không. Và tôi biết rằng năm đó là năm vua Quang Trung thắng trận Đống Đa đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi. Cùng năm ấy, vua Quang Trung phòng xa nên gởi phái đoàn hữu nghị đến vua Càn Long, tỏ ý muốn cầu hòa. Trong dịp đó, vua Càn Long nhà Thanh phong cho vua Tây Sơn là An Nam quốc vương. Cũng vì vậy mà tôi biết luôn vì sao đoàn nhạc của ta có mặt trong ban nhạc cửu tấu của nhà Thanh và có tên là An Nam quốc nhạc.
Hay thí dụ như khi học lịch sử Trung Quốc có những triều đại Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, chúng ta không thể nhớ những con số chính xác năm nào vào triều đại nào, bắt đầu và kết thúc vào năm nào vì có nhiều số lẻ. Tôi nhận thấy rằng, mỗi triều đại thường trải qua lối ba thế kỷ, chỉ có nhà Nguyên ngắn ngủi nhất là trên tám mươi (80) năm, tôi cho là một thế kỷ. Tôi giản dị hóa bằng cách nhớ:
Đời Đường có 3 thế kỷ VII, VIII, IX
Đời Tống có 3 thế kỷ X, XI, XII
Đời Nguyên có 1 thế kỷ XIII
Đời Minh có 3 thế kỷ XIV, XV, XVI
Đời Thanh có 3 thế kỷ XVII, XVIII, XIX…
Và nhờ vậy mà khi nói đến thời gian của các triều đại, tôi không bị sai lầm.
Thường văn vần dễ nhớ hơn văn xuôi, một câu văn xuôi dễ nhớ hơn một loạt chữ vô nghĩa, đại cương dễ nhớ hơn tiểu tiết. Ngày trước, Hội Truyền bá quốc ngữ đã áp dụng nguyên tắc trên rất thành công. Thay vì bắt học trò viết các chữ cái theo tuần tự, học trò khó nhớ; nhưng khi ghép lại, chẳng hạn, hai chữ i và t với một câu lục bát "i, t giống móc cả hai, i ngắn có chấm, t dài có ngang" thì người lớn và trẻ em đều dễ nhớ. Khi muốn dạy ba chữ o, ô, ơ thì đặt câu "o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì mang râu". Trẻ em rất mau biết mặt chữ với cách nhớ như vậy.
Người miền Nam thường không phân biệt dấu hỏi và dấu ngã do cách phát âm khi nói, đến khi viết thành văn bản thì rất bối rối. Nhà ngữ văn học Nguyễn Ngọc Trụ và học giả Hồ Hữu Tường ghi lại một số quy luật về thanh giọng trong những điệp từ:
Ngang - sắc - hỏi Huyền - nặng - ngã Thí dụ:
Ngang - hỏi: vui vẻ, thong thả, thanh thản…
Hỏi - ngang: vẻ vang, thở than, mở mang, nghỉ ngơi…
Sắc - hỏi: cứng cỏi, rắn rỏi…
Hỏi - sắc: khỏe khoắn, giỏi giắn…
Huyền - ngã: buồn bã, rầu rĩ…
Ngã - huyền: bẽ bàng, ngỡ ngàng, lỡ làng… Nặng - ngã: mạnh mẽ, sạch sẽ, lặng lẽ… Ngã - nặng: nhã nhặn, nghĩ ngợi…
Những từ Hán Việt dịch ra tiếng Việt cũng có đôi lúc theo luật đó.
Thí dụ:
Hỏi - sắc: Bỉnh (bánh) - Ẩm (uống) - Kỉnh (kính)…
Ngã - nặng: Mẫu (mẹ) - Mãnh (mạnh)…
Tôi xem trong Tự điển Hán Việt nhận thấy rằng đại đa số những tiếng Việt bắt đầu bằng chữ cái: d, v, l, m, n, ng, nh là dấu ngã; đa số những chữ bắt đầu chữ cái: ch, gi, kh, s, x là dấu hỏi.
Muốn cho dễ nhớ, tôi đặt ra hai câu như sau:
"Dễ và lễ mình nói ngã nhé". "Cha già không sợ xấu".
Chữ cái đầu tiên trong các chữ của câu cũng chính là những chữ cái phải nhớ. Đó cũng là những mẹo mình tự đặt ra để giúp cho mình nhớ.
Ở tuổi 90, tôi cũng không ngừng sáng tạo cách ghi nhớ. Ví dụ như để nhớ số điện thoại 08.35511249, tôi nghĩ rằng 5511 tức là 5 năm mới gặp một lần, 24 là ngày sinh của tôi, 9 là số thứ tự tầng trong khách sạn mà tôi thường ở. Còn 08 là mã của TP.HCM và số 3 là số thêm mới thì đã nhớ rồi. Vậy là đã nhớ hết dãy số!
Học và sinh hoạt văn hóa, thể thao
Tại trường Pétrus Ký, trong phòng học của sinh viên nội trú mỗi cấp có một tủ sách. Khi giám thị trường Pétrus Ký đề nghị có người giữ tủ sách cho toàn lớp thì không ai chịu tình nguyện cả. Nhiều bạn nghĩ thời gian đâu để mà lựa sách theo lời yêu cầu của học sinh, và hết hạn phải đứng đợi góp sách, kiểm tra xem sách có bị hư hao không, rồi xếp sách vô tủ theo mã số từng quyển.
Tuy mọi người đều ngán công việc này nhưng tôi lại tình nguyện đảm nhận, mỗi năm giữ tủ sách cho mỗi lớp khác nhau. Tôi vốn làm việc có quy củ và rất ham đọc sách. Đúng là có mất thời gian thật nhưng bù vào đó, khi tôi muốn đọc quyển nào thì không ai giành với tôi được. Mỗi học sinh chỉ được phép mượn một quyển sách trong một tuần. Riêng tôi, hễ đọc hết quyển sách đã mượn, lại có quyền đọc tất cả những quyển sách khác trong tủ. Nhờ đó, mà tôi luôn là người đọc nhiều sách nhứt của nhà trường. Việc mất thời gian khi nhận trách nhiệm giữ gìn tủ sách đã được bù đắp bằng việc đọc sách thỏa thuê!
Đến giờ tập thể thao, mỗi học sinh được quyền chọn lựa một bộ môn duy nhất để tham gia, chẳng hạn chọn đá bóng rồi thì không thể ở trong đội bóng rổ hay bóng chuyền. Tôi thích chơi bóng rổ lẫn bóng chuyền, và thích thi đấu với các trường khác. Do đó, khi có cuộc bầu cử Tổng thư ký Hội thể thao của trường trung học, tôi không ngần ngại ứng cử. Khi được lãnh trách nhiệm, tôi có thể chủ động viết thư mời các đội trường khác đến thi đấu. Tôi cũng có quyền sắp cho mình vào đội bóng rổ hay bóng chuyền và chỉ huy các đội tuân theo kỷ luật.
Nhờ có được kinh nghiệm trong tổ chức các cuộc gặp gỡ trong lãnh vực thể thao nên trong lãnh vực nghiên cứu sau này, tôi không thấy ngỡ ngàng trong cách tổ chức hội thảo, hội nghị.
Tại trường trung học Pétrus Ký, tôi là người đề xướng ra lễ đưa Ông Táo về trời trước khi nghỉ học vào dịp Tết. Trong buổi lễ, một phần lớn là dựng lại đủ nghi tiết của một cuộc lễ tế thần, khai xá hạc(1), sắp đặt bàn thờ có lư hương, chân đèn sáp. Sau đó là một chương trình nghệ thuật với sự cộng tác của dàn nhạc truyền thống.
Lúc đó trong trường chỉ có tôi là rành nghi lễ, nhờ cậu Năm của tôi từng dạy. Tôi lại thích biểu diễn trên sân khấu. Thuở nhỏ, tôi theo gánh hát cải lương của cô Ba để coi thỏa thuê, nên khi được phép tổ chức Lễ Ông Táo cho trường, tôi rất vui được thực hiện những gì mà trước kia người lớn làm mà bọn trẻ như tôi chỉ tham dự thôi.
Các bạn tôi sợ mất thời gian học tập nhưng tôi có cách bù vào thời giờ dành cho buổi lễ bằng cách học và làm bài trong ngày chủ nhựt, hơn nữa tôi học bài mau thuộc.
Trong khi vừa tổ chức Lễ Ông Táo, tôi lại phải dựng một dàn nhạc đặc biệt cho trường trung học Pétrus Ký mà tôi đứng ra chỉ huy. Sanh ra trong một gia đình có truyền thống đờn ca tài tử nên tôi thích chuyển những bản theo điệu Bắc vui tươi trở thành những bản có phối khí, có nhiều bè và có sự tham gia của những cây đàn phương Tây. Vì vậy, trong dàn nhạc Pétrus Ký ngoài đàn kìm, đàn cò và sáo trúc, tôi để thêm đàn mandoline, guitare Hawaiienne (lục huyền cầm Hạ uy di) và cây đàn violon do ba bạn Lưu Hữu Phước, Võ Văn Quan, Nguyễn Mỹ Ca biểu diễn. Tôi lại đem dàn nhạc đó ra làm dàn nhạc Scola club của Hội Đức Trí Thể dục, bổ sung thêm cây đàn piano và cây kèn saxophone. Dàn nhạc này biểu diễn những bản nhạc Tây được ưa chuộng lúc ấy như "C’est à Capri", "Les gars de la marine", "Marinella". Đây là hướng đi sai lầm mà mãi sau này, khi tôi đau nặng, phải ở dài hạn trong nhà dưỡng lao, tôi mới giác ngộ và đi theo con đường mà tôi đi đến ngày nay.
Nhờ kinh nghiệm tổ chức Lễ Ông Táo, sau này khi ra ngoài Hà Nội học đại học, tôi được giao cho phận sự tổ chức Đêm Sinh viên hàng năm. Lúc chiến sự lan rộng, tôi đã tổ chức ban kịch sinh viên lưu diễn ở các tỉnh để thâu tiền mua gạo cứu đói, thực sự tôi thấy những công việc này không còn khó khăn gì hết.
Tôi chỉ huy dàn nhạc của trường đại học Hà Nội. Kể ra, tôi phải dành khá nhiều thời gian cho sự luyện tập nhạc công phối khí nhiều bè, bởi vì tôi không phải nhạc sĩ chuyên nghiệp, lại chưa học ngày nào về cách phối khí hay chỉ huy. Tôi chỉ có lỗ tai rất thính và khéo bắt chước động tác của các nhà chỉ huy Pháp thời đó như Jacques Parmentier của đội binh lính khố xanh và ông Grégoire của đội thủy quân. Nhưng tôi được thể nghiệm một điều mà tôi mơ ước từ nhỏ là chỉ huy dàn nhạc.
Tôi nhớ lại lúc đó mà… giựt mình. Vì thật ra lúc đó tôi chỉ thuần bắt chước người ta mà thôi. Và tôi bắt chước giỏi chứ không phải chỉ huy dàn nhạc giỏi. Tôi lại còn kết hợp nhạc truyền thống của dân tộc với nhạc phương Tây. Sau này, tôi đã giác ngộ và nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam cũng là để chuộc cái lỗi phá hoại âm nhạc truyền thông Việt Nam ngày ấy.
Âm nhạc và bài học
Tính tôi thích hát, thích ngâm thơ. Cũng vì vậy mà khi học các bài thơ Tây, tôi cũng ngâm, cũng hát nhưng theo âm nhạc của Tây.
Khi học năm tú tài nhất ở trường trung học Pétrus Ký, một hôm, trong lớp học tiếng Anh, tôi được bà giáo sư gọi lên đọc bài thơ Twinkle, twinkle little star (Hãy nhấp nháy đi ngôi sao nhỏ), tôi thưa với thầy: "Em có thể hát thay vì đọc bài không?". Bà giáo sư ngạc nhiên: "Nhạc của ai?". Tôi đáp: "Dạ, nhạc của em". "Lạ quá nhỉ?! Em hát đi".
Tôi hát xong thì cả lớp vỗ tay rầm rầm. Bà giáo sư cho tôi 20/20 điểm.
Sau đó, trong lớp học tiếng Pháp, tôi lại được gọi trả bài một bài thơ bằng tiếng Pháp có tựa đề Tiếng than thở của cây đờn violin của Paul-Marie Verlaine. Tôi lại đề nghị được hát thay vì đọc, thầy cũng ngạc nhiên hỏi: "Nhạc của ai?". Tôi lại đáp: "Dạ, nhạc của em". Bạn bè tôi lại có dịp nghe một bài hát cũng là bài thơ học thuộc lòng.
Tất nhiên, không phải bài thơ nào cũng có thể ngâm hay hát mà chỉ có một số bài dễ thương như trên. Song, bấy nhiêu đó cũng đủ truyền cho bản thân tôi và các bạn học cảm xúc học tập thú vị và giúp tôi nhớ bài học thật lâu.
Cách ghi mẫu phiếu sách
Khi từ trung học lên đại học, người học thường bị bỡ ngỡ: giáo sư đại học không đưa ra những bài đã soạn sẵn để học thuộc lòng, mà cứ giảng thao thao bất tuyệt rồi bảo sinh viên tìm sách báo đọc thêm. Có thầy cẩn thận ghi sẵn một số sách cần phải đọc, và sinh viên phải vào thư viện hoặc tự tìm mua thêm để học.
Người sinh viên không còn thụ động như một học sinh mà phải chủ động tìm hiểu, phải dám đặt câu hỏi với thầy về những điểm mà mình chưa hiểu thấu hay mình có những nhận định khác với thầy.
Trong khi đi tìm sách báo có liên quan đến đề tài đang học, sinh viên cần biết cách làm phiếu về những quyển sách hay những bài đã đọc, để sau này muốn tìm trở lại thì khỏi phải mất công đi tìm nữa. Trong khi đọc sách, cũng phải biết cách ghi lại những ý, những câu nào liên quan hoặc phản biện đối với chủ đề đang học.
Ngày xưa, muốn tìm tư liệu chỉ có cách vào Thư viện Quốc gia lục các phiếu sắp thứ tự theo tên tác giả, theo đề tài nghiên cứu hay theo ngôn ngữ. Ngày nay có những phương pháp tìm trên mạng internet rất mau, dễ dàng mà giới trẻ đều biết; nhưng khi ghi lại tư liệu, nên nhớ làm phiếu riêng cho mình. Sau đây là một mẫu phiếu:
- Đối với sách:
Họ tên tác giả Việt Nam (Họ: viết chữ thường; tên hoặc bút danh: viết chữ IN HOA, còn nếu tác giả nước ngoài thì ngược lại), tên cuốn sách phải ghi bằng chữ nghiêng hoặc gạch dưới, nơi xuất bản, tên nhà xuất bản, năm phát hành, số trang của ấn phẩm.
Thí dụ:
Lệ VÂN: Hát ru ba miền - Montréal - Tác giả tự xuất bản, ấn hành 1996 - 239 trang
Mai Văn TẠO: Lời ru của mẹ - An Giang - NXB Văn
Nghệ Châu Đốc, ấn hành 1986 - 183 trang
- Đối với tạp chí:
Họ tên tác giả Việt Nam (họ: viết chữ thường; tên hoặc bút danh: viết chữ IN HOA, còn nếu tác giả nước ngoài thì ngược lại), tựa đề tài bài viết dùng chữ thường, tên tạp chí phải ghi bằng chữ nghiêng hoặc gạch dưới, nơi xuất bản, tên nhà xuất bản, tháng/năm ấn hành tạp chí, số thứ tự của trang nơi có đề tài muốn tham khảo.
Thí dụ:
Nguyễn Xuân KHOÁT: Hò Hà Nội - Tập san âm nhạc số 4 - Hà Nội, NXB Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tháng 10, 11, 12/1956 - trang 11-14.
Lê HUY: Hát ru Hà Nội - Tạp chí âm nhạc số 1 – Hà Nội, NXB Hội Nhạc sĩ Hà Nội, 1983 - trang 23 - 28.
Trên thế giới, cách làm phiếu đều như vậy.
Tiếp xúc với ngoại ngữ
Tôi ưa học ngoại ngữ vì tôi nghĩ hiểu một ngôn ngữ thì nhờ đó ta sẽ hiểu được một phần văn hóa của đất nước đó. Mai sau, nếu có dịp đến đó thì có thể tiếp cận ngay với người dân bản xứ.
Khi học một ngoại ngữ, tôi học thuộc các bài đối thoại. Học từ vựng cũng có nhiều cách học. Thí dụ như triển khai một động từ "đi" trong tiếng Anh thành đi lên, đi xuống, hay kết hợp động từ này với các từ khác để tạo thành cụm có nghĩa. Vừa học từ vừa đối chiếu từ ấy với các từ trái nghĩa, cùng nghĩa, cố gắng sử dụng từ thật chính xác…
Để rèn ngoại ngữ, tôi cũng siêng đi đến các CLB những người nói tiếng Anh hay trò chuyện bằng tiếng Pháp với bạn bè. Tôi luôn áp dụng nguyên tắc học 1 phải biết 2, 3 dầu học bất cứ môn gì. Và khi học phải hành.
Tôi biết tiếng Anh, tiếng Pháp, đọc và giao tiếp đơn giản được bằng tiếng Trung Quốc. Ngoại ngữ rất bổ ích trong việc nghiên cứu, giới thiệu, giảng dạy âm nhạc truyền thống Việt Nam của tôi tại nhiều nước trên thế giới.
Học vì đất nước
Dầu hoàn cảnh có lắm khó khăn, tôi vẫn cố gắng theo đuổi đường học. Tôi học không phải để có bằng cấp mà để thực hiện được lý tưởng cống hiến trọn vẹn cho âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Bằng cấp như đánh dấu một giai đoạn học tập và giúp tôi có phương tiện tiếp tục tiến lên trên con đường mình đã chọn. Bằng cấp không phải là mục đích của cuộc đời.
Khi diễn thuyết về âm nhạc truyền thống Việt Nam ở các nước châu Âu, khi thính giả biết luận án tiến sĩ của tôi là về âm nhạc dân tộc Việt Nam, lại giới thiệu tôi là tiến sĩ, thì các thính giả càng lắng nghe chăm chú và trân trọng hơn. Công việc thuyết giảng của tôi nhờ đó sẽ dễ dàng hơn.
Bạn trẻ thương mến! Dầu bạn học đến tiến sĩ, cùng đừng nghĩ rằng bạn đã giỏi hơn ai và đã đi tới đích. Bởi đường học là vô tận và giá trị con người không ở bằng cấp mà ở những việc người đó đã làm được.
Học là chuyện suốt đời, ở tuổi 90, tôi vẫn miệt mài học và có lẽ sẽ học đến ngày cuối cùng của hành trình đời người. Còn gì hạnh phúc hơn khi tìm được niềm vui trong sự học và đem tinh hoa chắt lọc từ sự học ấy dâng hiến trọn vẹn cho đời!