Như nhiều người châu Phi khác, tôi tin rằng số phận không tạo ra tôi, mà chính tôi mới là người tạo ra số phận của mình.
- Legson Kayira
Với hành trang là năm ngày lương thực đi đường, một quyển Kinh thánh, một cuốn sách có tựa đề Hành hương (The Pilgrim's Progress), cùng với một chiếc rìu làm vũ khí tự vệ và một tấm chăn, Legson Kayira hăm hở bắt đầu cuộc hành trình của đời mình. Cậu sẽ phải vượt qua một chặng đường dài từ Nyasaland (Cộng hòa Malawi ngày nay), nơi bộ tộc cậu đang sinh sống, ngược lên phía bắc rồi đi về hướng đông tới Cairo (Thủ đô Ai Cập) để lên tàu sang Mỹ tìm kiếm một tấm bằng đại học.
Đó là vào tháng 10 năm 1958, lúc cậu gần 17 tuổi. Cha mẹ cậu mù chữ nên chẳng biết nước Mỹ ở đâu và xa gần thế nào. Họ chỉ biết cầu chúc cho cậu thượng lộ bình an.
Với Legson, chuyến đi này bắt nguồn từ một ước mơ – dù đối với nhiều người đó chỉ là một sự điên rồ – một ước mơ đã khiến cậu nung nấu quyết tâm được đi học. Cậu muốn mình giống thần tượng Abraham Lincoln của cậu, một con người đi lên từ nghèo khổ rồi trở thành Tổng thống Mỹ và đấu tranh không mệt mỏi cho phong trào giải phóng nô lệ. Rồi cậu cũng muốn mình giống Booker T. Washington, người dám đứng lên phá bỏ xích xiềng nô lệ, trở thành nhà cải cách, nhà giáo dục vĩ đại, người đã mang lại niềm tin và phẩm giá cho cả nhân dân Mỹ.
Như các thần tượng của mình, Legson cũng muốn phục vụ nhân loại, cậu muốn làm một điều gì đó thật khác biệt cho thế giới này. Để nhận rõ mục đích của mình, cậu cần phải học, và học tại một trường hạng nhất. Vì vậy, cách tốt nhất là đến nước Mỹ.
Hãy khoan nghĩ đến việc Legson không một xu dính túi và bằng cách nào cậu có đủ tiền mua vé tàu đi Mỹ.
Hãy khoan bàn chuyện cậu ấy không hề có ý niệm gì về một trường đại học nào khi bước chân xuống tàu và ngay cả nếu có, liệu cậu có được chấp nhận vào học hay không.
Cũng đừng tự hỏi làm thế nào Legson có thể vượt 5.000 km xuyên qua lãnh địa của hàng trăm bộ tộc nói hơn năm mươi thứ tiếng khác nhau mà chẳng có thứ tiếng nào quen thuộc với cậu.
Các bạn đừng bận tâm đến những câu hỏi đó, bởi đó là những điều Legson phải làm và đã làm được. Trong suy nghĩ của cậu lúc đó không có gì ngoài khát vọng được đặt chân lên vùng đất nơi cậu nghĩ có thể thay đổi số phận của mình.
Không phải lúc nào cậu cũng kiên định như thế. Khi còn nhỏ, đôi lần cậu lấy cái nghèo của mình để biện hộ cho sự thua kém trong việc học và những thất bại của bản thân. Cậu từng tự nhủ rằng “mình chỉ là một đứa con nhà nghèo, biết làm sao bây giờ!”.
Như nhiều đứa trẻ khác trong làng, thật dễ hiểu khi Legson cũng cho rằng học hành đối với một đứa con nít Karongo tỉnh lẻ chỉ tổ phí thời gian. Nhưng sau khi đọc những quyển sách do các nhà truyền giáo trao tặng, cậu phát hiện ra thế giới còn có một Abraham Lincoln và một Booker T. Washington. Câu chuyện về hai bậc vĩ nhân này đã vén đám mây mờ đang che phủ cuộc đời cậu và rằng trước hết cậu cần phải học. Thế là cậu nung nấu ý định đi Cairo từ đó.
Sau năm ngày cuốc bộ khó khăn trên vùng đồi núi gồ ghề đầy đá tai mèo thuộc châu Phi hoang dã, Legson chỉ đi được vỏn vẹn 40 km trong khi lương thực mang theo đã cạn, nước uống đã hết và không tiền bạc trong tay. Hoàn thành chặng đường 4.950 km còn lại quả là chuyện không tưởng. Nhưng quay về đồng nghĩa với bỏ cuộc, là cam phận với cuộc sống nghèo khó và ngu muội. Thế rồi, cậu tự hứa với lòng mình: “Mình sẽ cố gắng đến hơi thở cuối cùng chứ nhất định không bao giờ dừng bước nếu chưa đến được nước Mỹ”. Và cậu lại tiếp tục lên đường.
Có những đoạn đường cậu đi cùng với người lạ, nhưng phần lớn thời gian - cậu làm kẻ lữ hành đơn độc. Đến mỗi ngôi làng mới, cậu thăm dò kỹ lưỡng trước khi tiến vào vì không biết họ sẽ có thái độ thân thiện hay thù địch đối với cậu. Đôi khi, cậu cũng kiếm được việc làm và một chỗ trú ngụ qua đêm. Còn thì cậu thường xuyên ngủ dưới trăng sao. Cậu tìm kiếm trái rừng và bất cứ loại cây cỏ nào có thể ăn được để sống qua ngày. Cậu trở nên gầy gò và ốm yếu dần theo cuộc hành trình của mình.
Đó là chưa kể một trận sốt rét thập tử nhất sinh mà cậu phải gánh chịu. Trời quả không phụ lòng người, cậu được vài người tốt bụng dùng thảo dược cứu chữa và cho trú lại đến hết cơn bạo bệnh. Kiệt sức và xuống tinh thần trầm trọng, một lần nữa cậu lại muốn quay về. Cậu lấy lý lẽ rằng quay về sẽ tốt hơn tiếp tục cuộc hành trình xuẩn ngốc, thậm chí là liều mạng này.
Nhưng, Legson đã lật lại những trang sách mà cậu vẫn luôn mang bên mình. Những dòng chữ quen thuộc làm cậu tin tưởng trở lại với mục đích của mình. Thế là cậu lại tiếp tục.
Ngày 19/01/1960, tức mười lăm tháng sau khi bắt đầu chuyến bộ hành thiên lý của mình, Legson đi được gần 1.600 km và đến Kampala, thủ đô của Uganda. Cậu bây giờ đã mạnh mẽ hơn về vóc dáng và khôn ngoan hơn trong cách sinh tồn. Cậu ở lại Kampala sáu tháng và làm đủ thứ nghề. Có điều đặc biệt là, cậu luôn dành từng phút rỗi rãi để vào thư viện và đọc ngấu nghiến mọi thứ.
Ở thư viện, tình cờ cậu bắt gặp một thư mục nói về các trường đại học ở Mỹ. Hình ảnh một ngôi trường nguy nga bề thế nhưng thân thiện in hình trên nền trời trong xanh, thanh thoát với những đài phun nước và những thảm cỏ được cắt tỉa khéo, lại được bao quanh bởi núi non hùng vĩ làm cậu thấy nhớ những đỉnh núi cao vời, uy nghi nơi quê nhà Nyasaland.
Đại học Skagit Valley ở vùng núi Vernon, bang Washington, đã trở thành hình ảnh thực tế đầu tiên trên con đường đi tìm tương lai tưởng như vô vọng của Legson. Ngay lập tức, cậu viết đơn gửi hiệu trưởng nhà trường trình bày hoàn cảnh của mình và xin một suất học bổng. Cùng lúc đó, cậu cũng cố gắng sử dụng hầu bao hạn hẹp của mình để gửi đơn đến nhiều trường khác vì sợ rằng Skagit không chấp nhận đơn của cậu.
Nhưng Legson không cần phải làm thế. Vì quá ấn tượng trước quyết tâm của cậu nên ngài hiệu trưởng trường Skagit không những cho phép Legson nhập học mà còn cấp cho cậu một suất học bổng và giới thiệu cho cậu một việc làm thêm để kiếm tiền trang trải chi phí ăn ở.
Một phần khát vọng của Legson đã trở thành hiện thực. Nhưng con đường của Legson vẫn còn rất nhiều chướng ngại phía trước. Theo luật pháp Mỹ, cậu phải có hộ chiếu và thị thực nhập cảnh. Nhưng để có hộ chiếu, cậu phải xuất trình giấy khai sinh. Tồi tệ hơn nữa, để được cấp thị thực, cậu cần phải có một tấm vé khứ hồi khi đến Mỹ. Một lần nữa cậu lại cần đến bút và giấy. Cậu viết thư cho các nhà truyền giáo, những người đã dạy dỗ cậu từ hồi tấm bé. Cuối cùng, mọi chuyện cũng được lo liệu ổn thỏa, trừ tấm vé máy bay khứ hồi để được cấp thị thực vào Mỹ.
Không hề nao núng, Legson tiếp tục cuộc hành trình đi Cairo với niềm tin rằng thế nào cậu cũng kiếm được đủ số tiền cần thiết. Cậu tự tin đến mức vét hết những đồng xu cuối cùng tậu một đôi giày mới để không phải đi chân đất qua cổng Skagit Valley.
Ngày tháng trôi qua, tin tức về cuộc hành trình dũng cảm của cậu bắt đầu lan rộng. Vào lúc cậu đến Khartoum (Thủ đô của Sudan) và rơi vào tình cảnh rỗng túi và kiệt sức, thì huyền thoại Legson Kayira đã tạo ra một nhịp cầu nối lục địa châu Phi với Vernon, Washington. Sinh viên trường Skagit Valley cùng sự đóng góp của người dân địa phương đã gửi đến cậu 650 đô la để mua vé khứ hồi sang Mỹ. Khi biết tin này, Legson đã bật khóc vì lòng biết ơn và nỗi vui mừng trước tấm lòng của các vị ân nhân của mình.
Tháng 12/1960, sau cuộc hành trình dài hơn hai năm, cuối cùng Legson Kayira cũng đã đặt chân lên đất Mỹ. Cậu hãnh diện bước vào ngưỡng cửa Đại học Skagit Valley với hai quyển sách báu ôm chặt trong tay.
Câu chuyện về Legson chưa kết thúc ở đó. Sau khi tốt nghiệp đại học, cậu học lên nữa và trở thành giáo sư Chính trị học của Đại học Cambridge, Anh, đồng thời là một tác giả có uy tín trên thế giới.
Như hai thần tượng của mình (Abraham Lincoln và Booker T. Washington), Legson Kayira đã vươn lên từ những khởi đầu hèn mọn và đã hoán cải thành công số phận của mình. Legson đã tạo nên một sự khác biệt và thực sự trở thành ngọn đèn soi sáng cho những người đi sau tiếp bước theo.
- Nguyễn Đoàn dịch
Theo Mission on the March
Một khi ƯỚC MƠ CỦA BẠN ĐỦ LỚN
thì tất cả những vấn đề khác
đều KHÔNG ĐÁNG PHẢI BẬN TÂM.
- Khuyết danh