S
andy con yêu,
Bố vừa nhận được thư cảm ơn của con về món quà bố mừng ngày con tốt nghiệp đại học. Bố bật cười khi đọc đến phần tái bút: “Con rất thích món quà của bố, nhưng con mong bố hãy truyền cho con những bí quyết để con chinh phục thế giới này và trở nên nổi tiếng”.
Sandy này, bố chẳng có bí quyết gì cho riêng mình cả. Cũng không ai truyền cho bố một lúc nhiều kinh nghiệm như vậy. Bố chỉ tích lũy từng chút trong cuộc sống của mình. Những điều bố sắp nói cho con sau đây thật ra chỉ là những điều rất đơn giản trong cuộc sống, nhưng giá trị của nó đã được minh chứng theo thời gian. Đó là những kinh nghiệm quý giá cho tất cả mọi người.
Nếu con không thể thay đổi thực tế,
thì hãy thay đổi thái độ, cách nhìn của mình.
Có lẽ thời kỳ đen tối nhất trong cuộc đời của bố là vào mùa đông năm 1942 - 1943. Khi đó bố là phi công lái máy bay chiến đấu ở Anh. Nơi bố đóng quân là một vùng hẻo lánh toàn sình lầy ẩm ướt. Dưới mặt đất, mọi người thường xuyên phải chịu những cơn rét buốt, khổ cực và nhớ nhà vô cùng. Còn trên bầu trời, mọi người bị lôi vào cuộc chiến bắn giết lẫn nhau. Tinh thần của mọi người đều sa sút, hoang mang, đặc biệt nguồn tiếp viện hầu như không có.
Nhưng viên trung sĩ chỉ huy tiểu đội của bố là một người vui vẻ, hài hước, và luôn lạc quan. Một hôm dưới làn mưa xối xả, bố thấy ông ấy cố hết sức dọn dẹp một pháo đài đã bỏ hoang nằm cạnh đường băng, để tận dụng nó như một ngôi nhà mà thực ra nó không khá hơn một bãi lầy. Vừa làm ông ấy vừa huýt sáo rất vui vẻ. Thấy thế, bố tự nhiên nổi cáu và hỏi:
- Thưa trung sĩ, ông vẫn có thể huýt sáo trong tình cảnh khốn khổ như thế này được ư?
Ông cười và bảo: “Nếu thực tế không thể thay đổi được, thì chúng ta phải thay đổi thái độ của mình để thích nghi với nó. Đơn giản vậy thôi”.
Con sẽ thấy khi đối mặt với khó khăn, có người sẽ xử lý rất thông minh, khéo léo; nhưng có người lại trở nên oán giận, thù hằn, cay đắng, thậm chí còn lẩn tránh. Con hãy lựa chọn cho mình một thái độ đúng nhất để đương đầu với những thực tế không lường trước được trong cuộc sống của mình.
Khi buổi khiêu vũ kết thúc, nhớ cởi đôi giày nhảy ra.
Khi còn nhỏ, bố thường nghe bà nội của bố bảo như thế. Bố cứ thắc mắc mãi vì không hiểu ẩn ý của câu nói đó. Khi bố lớn hơn một chút, bà mới giải thích câu đó cặn kẽ hơn cho bố.
Hôm đó, chị gái của bố đi chơi cuối tuần về, cảm giác tiệc tùng, chơi đùa, khiêu vũ với bạn bè vẫn còn rạng rỡ trên khuôn mặt chị. Nhưng khi vào nhà, chị ấy lại than thở về công việc hàng ngày, căn hộ chật chội, cuộc sống tù túng... Bà nội nhẹ nhàng bảo: “Này cháu, chẳng ai sống mãi trên đỉnh núi được. Thỉnh thoảng mới lên đến đó thì rất tuyệt, nhưng chỉ để tạo cảm hứng, và thu nhận một tầm nhìn mới mà thôi. Rồi sẽ đến lúc cháu phải đi xuống vì cuộc sống thực sự của chúng ta là ở dưới thung lũng kia. Nơi đó có đồng ruộng, vườn tược, cây trái, cày bừa… mọi việc đều phải được làm ở đấy cả. Và đó cũng là nơi để cháu áp dụng tầm nhìn mới mà cháu đã nhìn thấy ở đỉnh núi kia”.
Nếu nhận thức được điều này, con mới có thể kiên định, vững vàng trong cuộc sống. Khi thời gian vui chơi đã hết, hãy cởi đôi giày khiêu vũ của con ra và mang đôi giày thực tại của cuộc sống vào, con nhé!
Hãy thắp sáng hào quang của những người xung quanh.
Một sáng chủ nhật nọ, bố đang ngủ gà gật trên hàng ghế sau của nhà thờ. Bỗng bố loáng thoáng nghe ông mục sư đã cao tuổi nói với các giáo dân của mình: “Hãy ngừng lo cho hào quang của mình, mà hãy thắp sáng hào quang của người hàng xóm!”. Câu nói ấy đã khiến bố bật dậy và tỉnh táo hoàn toàn. Có lẽ đó là châm ngôn hay nhất về cách cư xử dung hòa với mọi người mà bố được nghe.
Bố thích sự ẩn ý trong câu nói đó, vì trong bất kỳ một lĩnh vực nào, con người cũng có một vầng hào quang để ngắm nhìn, thừa nhận. Đã đến lúc chúng ta “bớt chăm sóc bản thân mình và hãy dành thời gian quan tâm và chăm lo cho người khác”. Đồng thời, câu nói đó còn phản ánh một quy luật tâm lý rất sâu sắc của con người, đó là “nếu bạn mong muốn người khác đối xử với mình như thế nào, thì hãy đối xử với người khác như thế ấy”.
Đừng mặc áo mưa khi đứng dưới vòi sen.
Thời sinh viên, bố từng tham gia trong một nhóm hướng đạo. Người chỉ huy nhóm của bố là một nhân viên lâm nghiệp. Ông rất say mê nghiên cứu, khám phá thiên nhiên. Một lần, ông đưa cả nhóm thám hiểm xuyên khu rừng, nhưng dọc đường, ông không nói câu nào. Khi đến nơi, ông yêu cầu tất cả mọi người mô tả lại những gì đã thấy trên đường đi như cây cối, chim chóc, muông thú... Tuy nhiên, không câu trả lời nào làm ông ấy hài lòng. Lần đó, ông khoát tay vẽ một vòng tròn lớn trên không rồi bảo rằng: “Tất cả mọi điều của cuộc sống đều ở xung quanh các em, nhưng các em lại phớt lờ. Đừng cài nút áo lên tận cổ nữa! Đừng mất thời gian mặc áo mưa khi đứng dưới vòi sen!” .
Bố không bao giờ quên hình ảnh ví von trong câu nói đó. Thật buồn cười khi có một người đứng dưới vòi sen lại mặc áo mưa và cài nút kín tới cằm. Chúng ta nên cởi bỏ áo mưa để cuộc đời mình được trải nghiệm và tiếp thu những kinh nghiệm mới của cuộc sống.
Những lời khuyên này thực ra đều nhằm một mục đích giúp con có suy nghĩ chín chắn, sâu sắc hơn đối với cuộc sống. Tuy nhiên, điều này không phải tự nhiên mà có. Cuộc sống luôn công bằng, luôn dành cho mỗi người số giờ, số phút, số giây bằng nhau của một ngày. Thời gian đó chính là nguyên vật liệu, còn vận dụng nó như thế nào là tùy ở mỗi người.
Và điều cuối cùng mà bố muốn gởi gắm cho con là một câu nói mà bố thật tâm đắc, đó là: “Bi kịch không phải ở những điều mà ta chịu đựng, mà ở những điều ta đã từ bỏ. Hạnh phúc, thành công không đo bằng những gì ta đạt được hoặc có trong tay, mà chính ở những gì ta cảm nhận được trong cuộc sống”.
Con hãy nhớ những điều đó. Luôn yêu con!
- Bích Thủy dịch
Theo Minimaxims for my godson