Kỷ niệm 30 năm ngày mất của Trung tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Khánh, ngày 2-10-2010 Hội Khoa học Lịch sử tổ chức một cuộc sinh hoạt lịch sử tưởng niệm ông. Xin giới thiệu đôi nét về vị tướng Tâm, Tài, Đức này...
Tại Tổng hành dinh trong Mùa xuân toàn thắng năm 1975. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (giữa), Thiếu tướng Tổng tham mưu phó Cao Văn Khánh (trái ảnh), Đại tá Cục trưởng Cục Tác chiến Lê Hữu Đức (phải ảnh). Ảnh tư liệu
Kỷ niệm 30 năm ngày mất của Trung tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Khánh, ngày 2-10-2010 Hội Khoa học Lịch sử tổ chức một cuộc sinh hoạt lịch sử tưởng niệm ông. Xin giới thiệu đôi nét về vị tướng Tâm, Tài, Đức này.
Ông Cao Văn Khánh sinh ở Huế ngày 1-5-1917, xuất thân từ một gia đình trí thức yêu nước. Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, ông ra Hà Nội học Trường Đại học Đông Dương. Nhận tấm bằng cử nhân Luật, ông không chịu theo con đường làm quan mà trở về quê hương làm giáo viên Toán tại một trường tư thục ở Phú Xuân - Huế do anh ruột ông là Cao Văn Chiển làm hiệu trưởng.
Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, phong trào Việt Minh lên cao khắp mọi nơi trên toàn quốc. Ông Tạ Quang Bửu - một giáo viên dạy toán ở Huế - gặp, khuyên ông Cao Văn Khánh vào tổ chức Thanh niên Tiền tuyến Huế. Và ông đã nghe lời ông Tạ Quang Bửu. Tháng 7-1945, Thanh niên Tiền tuyến đã Việt Minh hóa.
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, các đồng chí Phan Hạo, Cao Văn Khánh được phân công tổ chức Ban Giải phóng quân, thành lập Giải phóng quân Thuận Hóa, lúc đầu có 15 trung đội sau phát triển thành 25. Trung đội trưởng hầu hết là các học viên Thanh niên Tiền tuyến. Cao Văn Khánh đã có lần chỉ huy một đơn vị Giải phóng quân đưa xe vào kho quân sự Nhật ở Mang Cá, tịch thu nhiều súng đạn, quân trang quân dụng của giặc đưa về trang bị cho các trung đội Giải phóng quân.
Cuối năm 1946, đồng chí Cao Văn Khánh nhận quyết định làm Khu trưởng Khu 5. Năm 1949, được điều ra Bắc, nhận nhiệm vụ làm Đại đoàn phó Đại đoàn 308 từ ngày thành lập (28-8-1948) ở Đồn Đu, Thái Nguyên. Đại đoàn phó Cao Văn Khánh vẫn thường tâm sự với các bạn những điều ông học được trong những trận chiến đấu bên Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ cùng rất nhiều cán bộ mưu lược, dũng cảm như Vũ Yên, Vũ Lăng, Thái Dũng, Đặng Quốc Bảo, Đặng Vũ Hiệp... và nhiều anh chị em văn công, văn nghệ luôn lạc quan yêu đời như Lương Ngọc Trác, Nguyễn Thành...
Tháng 2-1950, sau chiến dịch Lê Hồng Phong 1, Tư lệnh phó chiến dịch Cao Văn Khánh trực tiếp viết thư tay khen ngợi thành tích của anh chị em ngành quân giới đã chế tạo và sản xuất thành công loại súng không giật (SKZ), tạo điều kiện cho đại đoàn phá hủy những lô cốt kiên cố mà Pháp cho là “bất khả hủy hoại” ở Phố Lu, diệt tên đồn trưởng Gô-chi-ê, đưa đến chiến thắng lớn ở chiến dịch.
Tháng 8-1950, đồng chí Cao Văn Khánh cùng Đại đoàn Quân Tiên Phong có mặt ở chiến dịch lớn Biên giới, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp tham dự, chỉ đạo. Sau đợt tiêu diệt Đông Khê, Trung đoàn Bắc Bắc đánh chiếm Khâu Luông (Núi Lớn). Đại đoàn phó Cao Văn Khánh cùng Trung đoàn trưởng Phạm Hồng Sơn đứng trên đỉnh Khâu Luông quan sát khu vực Khâu Xiểm (Núi Nhọn). Phát hiện giặc Pháp xuất hiện rất nhiều ở đây, nơi có đường xuống Thất Khê, có cả đường lên Cao Bằng, các đồng chí bàn: “Địch đã tập trung quân theo đúng ý định của ta. Anh Vương Thừa Vũ rất muốn có mặt tại Khâu Luông trong trận đánh lớn này nhưng hiện bệnh xuất huyết dạ dày của anh đang tái phát, bác sĩ yêu cầu Đại đoàn trưởng phải nghỉ tại phía sau”. Tuy vậy, đồng chí Cao Văn Khánh vẫn qua điện thoại, liên lạc với đồng chí Vương Thừa Vũ. Đồng chí Vũ đưa ý kiến:
- Kiên quyết cầm chân binh đoàn Sác-tông. Càng cầm chân quân Sác-tông lâu thì quân Lơ Pa-giơ càng chóng bị tiêu diệt và cả hai binh đoàn đều sẽ bị tan rã.
Đơn vị đã kìm chân được binh đoàn Sác-tông tại cao điểm 477 rồi bắt Sác-tông ở Cốc Xá ngày 7-10, sau đó đến lượt tên Lơ Pa-giơ bị bắt ở Na-cao ngày 8-10-1950, cả hai binh đoàn đều bị tiêu diệt. Sau chiến thắng, đồng chí Cao Văn Khánh nhận nhiệm vụ trao trả hơn 800 thương binh địch cho đối phương. Đại tá bác sĩ Huy-a, đại diện Hồng thập tự Pháp ngạc nhiên thấy “vị chỉ huy quân Việt Minh thắng trận” này nói tiếng Pháp rất chuẩn, lịch sự và rồi biết ông đã tốt nghiệp cử nhân Luật Trường Đại học Đông dương, nơi Huy-a đã từng làm giảng viên từ trước năm 1945.
Sau chiến dịch Biên giới, Đại đoàn phó Cao Văn Khánh tiếp tục cùng Đại đoàn Quân Tiên Phong tham gia các chiến dịch Trần Hưng Đạo ở Vĩnh Yên, Phúc Yên, chiến dịch Hoàng Hoa Thám ở Quảng Yên, chiến dịch Quang Trung ở Hà-Nam-Ninh, chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Thượng Lào rồi chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong cuốn “Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ:
“Sau chiến dịch, đồng chí Cao Văn Khánh phụ trách tiếp quản khu Mường Thanh đưa tôi vào xem sở chỉ huy Tướng Đờ-cát... Trong hầm, giấy tờ ngổn ngang, có cả bức thư của vợ Đờ-cát gửi cho chồng. Tôi nhắc anh Khánh cho thu các giấy tờ của địch cẩn thận vì chúng sẽ còn giá trị lâu dài.
Anh Khánh cho biết thương binh địch trong khu thương binh dưới lòng đất rất nhiều, thật kinh khủng... Tôi nói với anh Khánh cần điều ngay một đội điều trị kết hợp với nhân viên y tế Pháp cứu chữa thương binh địch...”.
Thời gian này người yêu của đồng chí Cao Văn Khánh là chị Ngọc Toản cùng quê, đang học Trường Đại học Y Hà Nội tình nguyện gia nhập quân đội rồi đi chiến dịch, công tác ở Đội điều trị 2 đóng tại cây số 62 đường Tuần Giáo - Điện Biên.
Ngày 16-5-1954, y sĩ Ngọc Toản nhận điện lên khu trung tâm Mường Thanh gặp đồng chí Trần Lương ở cơ quan Chính trị (đồng chí Trần Lương sau này mang tên Trần Nam Trung, là Bộ trưởng Quốc phòng Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam).
Gặp y sĩ Ngọc Toản, đồng chí Trần Lương giao nhiệm vụ:
- Trong số tù binh ở Điện Biên có một nữ hộ lý Pháp là Giơ-ne-vi-e Đờ Ga-la. Biết chị là một sinh viên Đại học Y, một quân y sĩ giỏi tiếng Pháp nên chúng tôi mời chị lên nói để cô Ga-la và tù hàng binh Pháp biết về chính sách nhân đạo của Chính phủ ta, rồi cho cô Ga-la biết Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã đề nghị, được Hồ Chủ tịch phê chuẩn trả tự do cho cô để cô trở về với quân đội Pháp.
Cô Ga-la rất sung sướng và nhờ đồng chí Ngọc Toản gửi thư chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, cảm ơn lòng nhân hậu của Người.
Xong việc, quân y sĩ Ngọc Toản xin trở lại Đội điều trị 2. Đồng chí Trần Lương nói với cả hai đồng chí Cao Văn Khánh và Ngọc Toản:
- Tôi biết hai anh chị đã quen biết và yêu nhau từ lâu. Cuộc chiến tranh còn dài, hiếm có dịp gặp nhau như thế này. Tôi nghĩ hai anh chị nên làm lễ thành hôn ngay tại Điện Biên Phủ nhân dịp chiến thắng này. Tôi sẽ đứng ra làm chủ hôn.
Thấy cả hai còn do dự, đồng chí Trần Lương cho biết vừa qua cũng có đám cưới của hai dân công hỏa tuyến Điện Biên Phủ tổ chức ngay sau ngày chiến thắng, được mọi người hoan nghênh vì rất có ý nghĩa.
Sau đó, đám cưới cặp cô dâu, chú rể Cao Văn Khánh - Ngọc Toản được tổ chức ngày 22-5-1954 trong hầm Đờ-cát do đồng chí Trần Lương làm chủ hôn.
Tháng 10-1954 về giải phóng Thủ đô, Cao Văn Khánh nhận nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân huấn, được cử đi học Liên Xô, khi về nước, nhận quyết định làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn, sau đó được điều sang làm Phó tư lệnh Quân khu 3, một địa phương có tiềm năng kinh tế và nhân lực lớn.
Kháng chiến chống Mỹ, người ta lại thấy tướng Cao Văn Khánh tại các chiến trường Nam Bộ, Tây Nguyên, Khe Sanh, Đường 9-Nam Lào, Quảng Trị-Thừa Thiên.
Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Tổng Tham mưu phó Cao Văn Khánh được phân công phụ trách công tác huấn luyện-nhà trường toàn quân.
Khi giặc đến, Tổ quốc bị xâm lược, Trung tướng Cao Văn Khánh luôn có mặt chiến đấu trên khắp các chiến trường ác liệt, nhưng khi đất nước đã yên bình, ông lại trở về hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện, làm kinh tế.
Nhiều tập sách, bài viết của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo và nhiều nhà văn, nhà báo đã viết ca ngợi Trung tướng Cao Văn Khánh.
Và rồi ông đã vĩnh viễn ra đi về cõi vĩnh hằng ngày 3-10-1980 vì một căn bệnh hiểm nghèo. Bác sĩ cho biết ông đã bị di chứng chất dộc da cam sau nhiều năm chiến đấu trên các chiến trường miền Nam.
Bạn bè, đồng đội, người thân tiếc thương Trung tướng Cao Văn Khánh, một cán bộ chỉ huy, một nhà giáo mẫu mực trung thực, khiêm tốn, tài năng, đức độ.
Đỗ Nam Trung
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 15/10/2010)