Trong chiến đấu, anh Lê Trọng Tấn là người chỉ huy tài năng, dũng cảm, sáng tạo, mưu lược và quyết đoán. Trong kháng chiến chống Pháp, Đại đoàn 312 gắn với Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn đã cắm lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” trên nóc hầm Đờ Cát, bắt sống tướng Pháp và Bộ Tham mưu địch, được Bác Hồ thưởng cờ luân lưu… Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa xuân 1975, anh Lê Trọng Tấn là Đặc phái viên của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, trực tiếp chỉ huy cánh quân phía Đông – Quân đoàn 2...
QĐND - Ngồi bên chiếc bàn vuông kê gần cửa sổ, bác Phí Văn Bái kể về Đại tướng Lê Trọng Tấn (tên thật là Lê Trọng Tố): "Anh Lê Quý Giả từ lâu đã là người ở trong tổ chức Thanh niên Cứu quốc (do đồng chí Nguyễn Trí Uẩn phụ trách) và là em trai của anh Lê Trọng Tố. Sau Cách mạng Tháng Tám, anh Lê Quý Giả lấy biệt hiệu là Trịnh Quý Đông, làm Bí thư Tỉnh ủy Đảng Dân chủ ở Hưng Yên, đại biểu Quốc hội khóa I. Tôi và anh Nguyễn Trí Uẩn phụ trách Thanh niên Cứu quốc. Nhưng, việc giới thiệu anh Lê Trọng Tố với Việt Minh lại rất công phu" …
Ký ức ùa về làm đôi mắt thêm sâu thẳm dưới hàng mi bạc trắng của bác Phí Văn Bái:
- Một sáng chủ nhật, đầu năm 1943, tôi đến nhà cô Cái Thị Thất, một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện, nhìn ra phía cổng thấy có một người mặc quân phục nhà binh Pháp đi vào, tôi bèn lánh sang buồng bên ngồi với các em. Người quân nhân nói chuyện với cô Cái Thị Thất một lúc rồi về. Tôi ngờ ngợ thấy gương mặt người ấy quen quen như đã gặp ở đâu đó. À, thì ra là cầu thủ giỏi ở trung tâm hàng tiếp ứng (tiền vệ trung tâm) của đội Tia Chớp, có cặp giò dài, rất xuất sắc cùng hậu vệ bảo vệ khung thành và cũng rất xuất sắc khi băng lên tấn công với lối đá sắc sảo, thông minh. Hồi ấy, ở Hà Nội có các đội bóng: Tia Chớp, Thể thao Hà Nội. Tôi làm công cho một hiệu buôn ở phố Hàng Đào, rất thích bóng đá, thường ra bãi Phúc Xá ở bờ sông Hồng xem Tia Chớp … Giá như được người này vào Việt Minh thì hay quá!
Đồng chí Lê Trọng Tấn cùng vợ và con trai-Lê Đông Hải tại Hạ Hòa, Phú Thọ năm 1950, sau Chiến dịch Biên Giới. Ảnh do gia đình cung cấp
- Anh ấy đi lính cho Pháp đã lâu chưa? Tôi hỏi.
- Hồi cuối phong trào Mặt trận Bình dân-cô Cái Thị Thất nói. Dạo ấy, Hà Nội rộ lên các trò đá bóng, đua xe đạp, đánh ten-nít,… Bọn Pháp cũng muốn lập một đội bóng đá để thu hút sự chú ý của khán giả, nên mua anh Lê Trọng Tố vào quân đội Pháp chỉ để dạy đá bóng cho chúng ở Tông (Sơn Tây). Trước đây, anh Lê Trọng Tố với anh trai em là Cái Văn Phẩm thân nhau lắm. Bây giờ, anh Phẩm vào buôn bán ở Vinh. Anh Tố thỉnh thoảng vẫn qua lại thăm gia đình. Hiện nay, anh đeo lon đội.
- Nhà anh ấy ở đâu?
- Anh ấy bây giờ đã có vợ, cả hai đều ở Sơn Tây, còn gia đình thì trước ở làng Thanh Nhàn, ngay cạnh Lương Yên.
Tôi đến làng Thanh Nhàn. Trước chiến tranh, tôi phụ trách các buổi tối dạy truyền bá Quốc ngữ ở các trường tư thuộc khu nam Hà Nội. Làng Thanh Nhàn có anh Trần Ất cũng dạy truyền bá Quốc ngữ cùng với anh Nguyễn Văn Đào-bạn tôi. Tôi hỏi Trần Ất:
- Anh có biết anh Lê Trọng Tố không?
- Có biết. Tôi là học trò của cụ Đồ Lê là bố anh Lê Trọng Tố và anh Lê Quý Giả-anh Trần Ất nói.
Qua câu chuyện với anh Ất, tôi nhận thấy anh Lê Trọng Tố tuy đi lính cho Pháp, nhưng lại là con của một nhà Nho yêu nước, cách mạng nòi. Thật thuận lợi!… Phải tuyên truyền cho anh Lê Trọng Tố thôi. Tôi báo cáo trường hợp của anh Lê Trọng Tố với Thành ủy Hà Nội, anh Lê Quang Đạo tán thành cho gặp để giác ngộ. Tôi bảo cô Cái Thị Thất đưa tài liệu, còn anh Trần Ất thì đưa Báo Cứu quốc cho anh Lê Trọng Tố xem, sau đó đưa tiếp Báo Cờ Giải phóng. Anh Lê Trọng Tố rất mừng… Sau khi gặp mặt anh Lê Trọng Tố ở đền Hai Bà Trưng, tiến thêm một bước tôi bảo cô Cái Thị Thất mời anh Tố mua tín phiếu Việt Minh 10 đồng/phiếu (tương đương ba tạ gạo) để ủng hộ Việt Minh. Không ngờ anh Lê Trọng Tố mua bốn tín phiếu.
Mùa đông năm 1943, quân đội Liên Xô tiêu diệt 30 vạn quân Đức, bắt sống tên thống chế Pao-lút, giải phóng Xta-lin-grát,… Nhật-Pháp sẽ diệt nhau và ta chờ cơ hội nổi dậy. Những tin tức nóng hổi, cổ động lòng dân… Tôi cùng anh Nguyễn Trí Uẩn và anh Nguyễn Phong đề nghị với anh Lê Quang Đạo, Bí thư Ban Cán sự Thành ủy Hà Nội xin được ra Báo Khởi nghĩa. Nhưng in ở đâu? Tôi và anh Nguyễn Trí Uẩn muốn thử thách thêm vợ chồng anh Lê Trọng Tố, nên nhờ anh chị cho mượn địa điểm để in báo. Anh Lê Trọng Tố và vợ là Nguyễn Thị Minh Sơn (tức Nguyễn Thị Mùi) đã giúp nuôi hai cán bộ chuyên môn in là đồng chí Nguyễn Văn Hàm (tức Lang) và nhạc sĩ Văn Cao để viết chữ in li tô báo, truyền đơn và nuôi những anh em liên lạc qua lại nhà in năm có nạn đói; tiếp nhận bàn đá, đồ nghề in; cất giấu nguyên liệu giấy, mực, phơi khô và bảo quản báo; làm liên lạc đưa báo và truyền đơn đến các cơ sở cách mạng; tham gia di chuyển cơ quan khi e bị lộ sang làng Bát Tràng và quê ở làng Nghĩa Lộ (Hà Đông). Số 1, Báo Khởi nghĩa, chủ nhiệm kiêm chủ bút là đồng chí Nguyễn Trí Uẩn, ra mắt tháng 10-1944, ở ngôi nhà tranh làng Thanh Nhàn, phía ngoài đê sông Hồng, nơi chỉ có mấy mái nhà của những người rất nghèo, cây cối um tùm, lại tiện đường sông.
Đồng chí Lê Trọng Tấn giới thiệu cho cán bộ cao cấp, trung cấp về kinh nghiệm đánh tiêu diệt lớn quân địch trong công sự vững chắc (tháng 7-1971). Ảnh tư liệu
Tiếp sau thành công của tờ Khởi nghĩa, anh Lê Quang Đạo nhờ tôi và anh Nguyễn Trí Uẩn giúp Đảng Dân chủ in Báo Độc Lập, bài vở do Đảng Dân chủ lo. Số 1 Báo Độc Lập (1944) có in bài hát Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao, tại cơ sở gia đình anh Lê Trọng Tố.
Mùa đông năm 1944, sau hơn một năm thử thách, tôi báo cáo kết quả với đồng chí Lê Quang Đạo và nhận được sự đồng ý cho phép tôi giới thiệu anh Lê Trọng Tố vào Mặt trận Việt Minh.
Buổi tổ chức kết nạp, ở nhà hát cô đầu, phố Khâm Thiên có đồng chí Vũ Quý, Ủy viên Ban Cán sự Đảng bộ thành phố Hà Nội, tôi, Nguyễn Trí Uẩn, Nguyễn Thế Cát, Lê Quý Giả và Lê Trọng Tố… Nghe các cô đầu đàn hát xong, nhân lúc đợi họ chuẩn bị dọn bàn ăn, chúng tôi rủ nhau ra ban công để kết nạp. Tôi báo cáo:
- Báo cáo với đồng chí Vũ Quý, tôi và anh Nguyễn Trí Uẩn đã giao thiệp, tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho anh Lê Trọng Tố, Đội trưởng đội bóng đá của quân đội Pháp. Hôm nay chính thức giới thiệu để Thành ủy công nhận đồng chí Lê Trọng Tố vào Mặt trận Việt Minh.
Đồng chí Vũ Quý nói:
- Thay mặt Thành ủy, chúng tôi công nhận đồng chí Lê Trọng Tố vào Mặt trận Việt Minh và sẽ chuyển đồng chí Lê Trọng Tố vào tổ chức Binh sĩ cứu quốc.
Lê Trọng Tố là một quân nhân, còn chúng tôi hoạt động trong phong trào thanh niên, nên theo nguyên tắc, chúng tôi chuyển anh Lê Trọng Tố cho đồng chí Vũ Quý để đưa anh Tố hoạt động trong tổ chức Binh sĩ cứu quốc.
Lê Trọng Tố, tức Đội Tố, sau khi tham gia cách mạng đổi tên là Lê Trọng Tấn, một Đại tướng lừng danh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Người chép lại câu chuyện của bác Phí Văn Bái là bạn học với Lê Phi Nga, cháu nội Đại tướng Lê Trọng Tấn. Năm 1986, tôi thường đến nhà Nga, tức nhà của Đại tướng Lê Trọng Tấn ở 36C, phố Lý Nam Đế (Hà Nội) để ôn thi đại học. Đại tướng Lê Trọng Tấn trong ký ức của tôi là một người ông có gương mặt hiền lành, nho nhã, dáng người dong dỏng cao, khỏe mạnh, rất quý cháu. Mỗi lần đi ngang qua phòng ông, tôi thấy ông luôn bận bịu. Buổi tối, tôi lại nghe tiếng kẹt ở cửa, thấy ông cúi thấp người xuống ngang tay nắm cửa để mở cửa (phòng cuối ở tầng 2), nghiêng mái đầu tóc pha sương, ngắm nhìn chúng tôi.
Hay tin ông mất, tôi bàng hoàng. Trước đó mấy hôm, đi qua phố Lý Nam Đế, tôi còn thấy ông đầu để trần, mặc áo đại cán, ngồi trầm mặc, tựa lưng vào chiếc ghế bành gỗ sơn thẫm đặt giữa lối đi nối nhà trên với dãy nhà dưới, hai chân ông duỗi dài, tay nắm vào nhau, vẻ suy tư điều gì lung lắm... Khi đến nhà, tôi gặp bà Nguyễn Thị Minh Sơn, vợ Đại tướng Lê Trọng Tấn. Bà kể:
- Đúng 9 giờ sáng, mồng 5-12-1986, ông nhà tôi tiễn nhà văn Sơn Tùng tại phòng khách trước lúc đi họp, hẹn sẽ gặp lại nhà văn sau kỳ Đại hội Đảng lần thứ VI, để tiếp tục kể với nhà văn những kỷ niệm của ông với Bác Hồ, với anh Văn… Không ngờ! Buổi trưa, ông nhà tôi nói thấy người mệt, chếnh choáng. Ông ra gốc cây táo ở sân đứng đợi nhà bếp xào thêm đĩa thịt bò. Lúc vào bàn ăn, vừa ngồi nhấp chút rượu khai vị, thì cậu em Lê Ngọc Hiền đến. Ông nhà tôi gục xuống bàn ăn, bên cạnh người cháu đích tôn. Đội cứu thương cấp cứu tích cực nhưng không có kết quả. Đến chiều, ông nhà tôi… mất!
Bác Phí Văn Bái bồi hồi:
- Trong chiến đấu, anh Lê Trọng Tấn là người chỉ huy tài năng, dũng cảm, sáng tạo, mưu lược và quyết đoán. Trong kháng chiến chống Pháp, Đại đoàn 312 gắn với Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn đã cắm lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” trên nóc hầm Đờ Cát, bắt sống tướng Pháp và Bộ Tham mưu địch, được Bác Hồ thưởng cờ luân lưu… Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa xuân 1975, anh Lê Trọng Tấn là Đặc phái viên của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, trực tiếp chỉ huy cánh quân phía Đông – Quân đoàn 2 mà tướng Nguyễn An là Tư lệnh, giải phóng Huế, Đà Nẵng… lần đầu bắt sống hai tướng ngụy là Trung tướng Vĩnh Nghi và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang ở Phan Rang; tiếp đó kết hợp cùng các quân đoàn bạn và lực lượng vũ trang tại chỗ đánh thẳng vào Dinh Độc Lập, cắm lá cờ Giải phóng lên nóc Dinh Độc Lập, bắt Tổng thống Sài Gòn Dương Văn Minh đầu hàng, kết thúc chiến tranh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có lần nói với Đại tá Nguyễn Huyên-Trợ lý của Đại tướng: “Anh Lê Trọng Tấn xứng đáng hai lần Anh hùng!”
Khi tôi viết những dòng cuối cùng của bài báo này thì nhận được tin bác Phí Văn Bái, người tôi may mắn được hầu chuyện cách đây không lâu đã về với thế giới người hiền. Lòng ngậm ngùi, tôi lại nhớ tới câu nói của bác Bái: Khi tôi về thế giới bên kia với Bác Hồ, tôi mang theo hình ảnh anh Lê Trọng Tấn.
TRẦN MINH THU (ghi)
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 11/9/2014)