Một ngày chủ nhật đẹp trời cuối năm 2000, tôi đến thăm Thiếu tướng Bùi Cát Vũ, Phó tư lệnh Quân khu 7, tại nhà riêng ở bán đảo Tam Đa, bên sông Sài Gòn.
Đã có một vị khách đến trước tôi, được anh Vũ giới thiệu: “Anh Trần Công An tới từ thành phố Biên Hòa”. Vị khách mặc sơ mi màu xanh nhạt, tóc bạc trắng, da dẻ hồng hào, dáng chắc nịch nom rất đẹp lão. Ông chủ động giơ tay bắt và cười bảo, ông mới nghỉ hưu được ít bữa, nay đi thăm các bạn bè xưa ở Chiến khu Đ. Vị chủ nhà liền xen vào câu chuyện giữa chúng tôi:
- Từ thời chống Pháp, anh Trần Công An với biệt danh là “mãnh hổ Hai Cà” đã nghĩ ra cách đánh bí mật, chớp nhoáng. Bằng lối đánh đó, ngày 19-3-1948, đội du kích huyện Tân Uyên (nay là thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) của anh diệt gọn địch ở tháp canh cầu Bà Kiên.
Thiếu tướng Bùi Cát Vũ bên sông Đồng Nai. Ảnh tư liệu
Câu chuyện giữa chúng tôi trở nên sôi nổi, thân mật. Tôi chợt nghĩ: Mình đang được hầu chuyện hai... “hổ tướng”. Chữ “hổ” có thể hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Với tướng Bùi Cát Vũ, ông từng nổi tiếng ở miền Đông Nam Bộ là “Võ Tòng miền Đông” diệt được con cọp 3 móng; với Đại tá Trần Công An, ông thực sự như “mãnh hổ” khi trở thành người mở đầu cho cách đánh bí mật, bất ngờ rất hiệu quả sau này của bộ đội đặc biệt tinh nhuệ thời chống Mỹ.
Ông Trần Công An nói với ông Bùi Cát Vũ:
- Nhớ lần tôi đến xưởng chế vũ khí của anh để xin cấp một số mìn lõm và lựu đạn thì vừa xảy ra chuyện anh diệt được con cọp ba móng. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi cũng không còn nhớ được nhiều tình tiết của lần vào hang bắt cọp ấy, vả lại có nhà báo ở đây chắc cũng muốn được nghe lại câu chuyện khá hấp dẫn này.
Tướng Bùi Cát Vũ liền vui vẻ kể:
- Đầu năm 1948, ở rừng miền Đông Nam Bộ xuất hiện một con cọp, không hiểu sao 3 chân nó đều đủ 4 móng, chân còn lại chỉ có 3 móng. Nó rất hung dữ, chưa đầy hai tháng đã cướp đi hơn 50 mạng người, tính trung bình mỗi ngày nó vồ chết một người. Thường thì bộ đội ta hành quân mà gặp cọp, nó thấy quân ta đi đông là cụp đuôi chạy mất tăm. Ấy vậy mà một hôm ta phát hiện những mồ tử sĩ bị đào bới, trên nền đất in đầy dấu chân cọp. Rồi đến một buổi trưa, chị Bảy Cao, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Lạc An (Tân Uyên) tự dưng mất tích khi đang nghỉ trưa, xung quanh nhà thấy có dấu chân cọp, một chân 3 móng. Mọi người theo dấu chân vào rừng, đến một bụi cây um tùm, mùi cọp hôi thối sực lên và tìm thấy một phần thi thể xác định là của chị Bảy. Ngay ngày hôm sau, tôi đang ngồi làm việc ở công binh xưởng Tân Uyên, chợt một bóng đen to lớn lao vút vào chỗ võng nơi anh Chín Lượm đang nằm. Vừa kịp hoàn hồn thì thấy rõ một con cọp ngoạm anh Chín băng băng chạy vào rừng. Tôi hét mọi người cầm súng đuổi theo, được khoảng hai cây số đã thấy xác anh Chín bị bỏ lại trong vũng máu. Tôi bàn với mọi người: Nó chắc còn quanh quẩn đâu đây, thôi phải đành gạt nước mắt lấy thi thể anh Chín làm mồi nhử mà tiêu diệt con cọp ác ôn. Thế là mấy người trèo lên cây ở một phía, đạn lên nòng chờ đợi. Quả nhiên con cọp dữ lại mò đến, lần này nhìn rõ, nó to như con bò mộng, lông vàng vằn đen. Mấy người chúng tôi đều nổ súng một lúc. Tiếng gầm của cọp vang động cả khu rừng, khi khói bụi tan nó đã chạy mất tiêu. Nó chỉ bị thương và càng trở nên hung hãn. Ngày hôm sau, con gái của ông Chủ tịch xã An Lạc trở thành nạn nhân, cô bị cọp vồ ngay trên đường đi rẫy. Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Thủ Biên (Biên Hòa và Thủ Dầu Một) ra chỉ thị thành lập đội săn cọp, bằng mọi giá phải diệt được con cọp 3 móng, trả lại sự bình yên cho dân làng. Tôi lúc đó là giám đốc công binh xưởng, đã bàn với đội săn: Cài mấy quả mìn lõm có sức công phá mạnh dưới con mồi là một con lợn nặng nửa tạ. Kết cục đã tiêu diệt được con cọp 3 móng ác ôn ấy...
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Công An.
Ông An tiếp lời bạn:
- Nên từ đó Ba Vũ (Bùi Cát Vũ) được mệnh danh là “Võ Tòng miền Đông”.
Tướng Bùi Cát Vũ rót nước mời khách, rồi bảo với tôi:
- Việc tôi làm là chuyện nhỏ, sao sánh được với chiến công của “mãnh hổ Hai Cà” đã diệt gọn tháp canh cầu Bà Kiên. Anh Hai kể luôn về trận đánh lịch sử đó cho nhà báo ở đây nghe đi.
Thế là Đại tá Trần Công An vui vẻ kể về một trận đánh diễn ra ngay sau sự kiện Ba Vũ diệt được con cọp ba móng:
- Đầu năm 1948, tôi được anh Huỳnh Văn Nghệ, Chi đội trưởng Chi đội 10, cho đi xây dựng đội du kích huyện Tân Uyên. Lúc đó, quân Pháp đang triển khai “chiến thuật Đờ La tuya”, tức là xây hàng trăm bót, tháp canh dọc theo Quốc lộ 1, 13, 14 và Tỉnh lộ 24. Bộ chỉ huy Khu 7 xác định phá được hệ thống tháp canh là đánh bại “chiến thuật Đờ La tuya”. Đây trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quân dân miền Đông nói chung, Tỉnh đội Thủ Biên nói riêng. Huyện đội Tân Uyên hạ quyết tâm phải đánh sập tháp canh cầu Bà Kiên trên lộ 16, thuộc ấp Mỹ Chánh để mở đầu cho các trận đánh tháp canh tiếp theo. Nhận nhiệm vụ, tôi và mấy du kích đã vượt qua hàng rào dây thép, bò vào tận chân tháp canh để nắm tình hình, rồi về cho dựng một hiện trường y như thật, cùng các du kích cởi trần, bôi vào người thuốc hóa trang tự chế, cũng bò qua mấy hàng rào, leo lên tháp canh ném lựu đạn giả... Quá nửa đêm 18, rạng ngày 19-3-1948, tôi cùng 4 du kích bí mật tiềm nhập, rồi bất ngờ tập kích, đã nhanh chóng làm chủ trận địa, tiêu diệt 11 tên địch, thu 8 súng và 20 quả lựu đạn. Trận này được đánh giá là đã mở ra lối tác chiến mới, dựa vào dân, nắm chắc địch, lấy ít diệt nhiều khiến địch không kịp trở tay. Tỉnh đội Thủ Biên phát động phong trào du kích toàn tỉnh học tập lối đánh của chúng tôi, trở thành lối đánh của đặc công thời chống Mỹ. Sau trận đó hai năm, được sự trợ giúp về vũ khí mìn lõm FT có sức công phá lớn của anh Ba Vũ, chúng tôi lại đánh vào tháp canh cầu Bà Kiên lần thứ hai. Lần này địch phòng thủ kiên cố hơn lần trước, song tháp canh vẫn bị đổ sập hoàn toàn...
Cuối câu chuyện, ông Ba Vũ cho tôi biết thêm về người bạn chiến đấu của mình: Từ năm 1954 đến năm 1961, ông Hai Cà tập kết ra Bắc, làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 656, rồi trở lại miền Đông làm Đoàn phó Đoàn hậu cần U50, bảo đảm hậu cần cho các chiến dịch Đồng Xoài, Bình Giã. Giai đoạn cuối trong quân ngũ, ông là Tư lệnh Đoàn 600, miền Đông Nam Bộ. Ông đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
PHẠM QUANG