Hoàn toàn theo mới không chút do dự
Với các nước khác ở Viễn Đông, nước Việt Nam ta, cách đây hơn năm mươi năm sự tỉnh một giấc ngủ ngàn năm. Tuy không được như bà công chúa ngủ trong rừng của một truyện thần tiên nào, tỉnh giấc một cách êm đềm, trong một cách lộng lẫy, trước sự âu yếm của một ông hoàng đa tình, nhưng cũng còn hơn là cứ thiêm thiếp mai một giấc mơ vô cùng.
Giấc mơ ấy là cuộc đời cũ. Cũng như những giấc mơ khác, lúc tỉnh thoảng nhớ lại, cuộc đời ấy có vẻ nên thơ. Một cuộc đời giản dị, chất phác: trai thì ngâm phú, đọc văn để chờ khoa thi, gái thì dệt vải, giã gạo cho đến rằm tháng tám, rủ nhau cất tiếng hát những giọng tình tứ dưới trăng thanh.
Sự thật đâu có được đáng yêu như vậy. Bó buộc trong những lễ nghi, tập tục phiền phức, nhiều khi vô nghĩa lý, họ sống một cuộc đời phiền nhiễu, rắc rối. Trong gia đình, một cuộc đời ngấm ngầm đau khổ cho những người làm dâu, làm con; ngoài xã hội, một cuộc đời cũng nhiều đau khổ cho những người chân lấm tay bùn, ở hàng dưới nhất của sự tôn ti trật tự quá nghiêm khắc.
Nhưng số người không trông thấy sự thực thường không phải là ít. Những người thời buổi ấy còn sót lại vẫn cố giữ ảo tưởng của họ, vì cảm thấy lạc loài vào một thời buổi họ không hiểu. Với những người ấy, sẽ tiêu diệt cuộc đời và văn hóa cũ.
Văn hóa cũ chỉ còn rớt lại trong những tập tục một ngày một ít và ở trong óc của phái “Trung Dung”. Phái này ở trong nước ta rất thịnh hành và cũng rất có quyền thế. Họ nêu ra cái thuyết dung hòa văn hóa cũ và văn hóa mới, lời lẽ nghe ra có vẻ uyên thâm lắm. Còn gì hơn là giữ những điều gì hay của văn hóa Tàu làm vốn, thâu nhập những cái hay của văn hóa Pháp để thêm thắt vào, như vậy chẳng mấy lúc ta sẽ có hai văn hóa, ta sẽ hóa ra văn minh hơn hết thảy các nước trên hoàn cầu.
Những sự tơ tưởng ấy chỉ là một ảo tưởng. Hai văn hóa như hai dòng nước chảy trên một trái núi xuống: nhưng một dòng chảy về phía đông, dòng chảy về phía tây, không sao hợp lại làm một được: văn hóa Tây phương hiếu động, cốt ở chỗ luôn luôn thay đổi, không lúc nào ngừng; còn văn hóa Viễn đông cũ chủ tĩnh, luôn luôn đứng dừng lại một nơi.
Trong trường hợp thực tế, chủ nghĩa điều hòa của phái “trung dung” đã hoàn toàn thất bại. Vì muốn châm trước chọn lọc, họ đã do dự, rụt rè, không biết lấy tôn chỉ gì mà giữ lại hay tước bỏ. Thí dụ, như họ muốn thu thập chủ nghĩa cá nhân Tây phương vì họ nghĩ một cách xác đáng rằng: cá nhân có phát triển được tài năng, tiến hóa mới chóng thấy. Nhưng họ muốn giữ lại cái chế độ đại gia đình, và trong đại gia đình, điều cốt yếu là chủ nghĩa phục tùng cho nên họ lưỡng lự như con lừa của Bruidan đứng trước bát nước và nắm cỏ không biết uống hay ăn, hay như anh chàng hai vợ nằm giữa vợ cả và vợ lẽ, không biết ngoảnh mặt về phía nào. Sự lưỡng lự ấy không đưa họ đến một kết quả nào cả.
Họ chỉ lo những tiến cùng lùi, nên họ hóa đứng yên một chỗ như con ngựa đạp đất một nơi, ra vẻ hăng hái lắm, nhưng không đi được nửa bước.
Trước sự thất bại của phái Trung Dung, không còn gì hơn là ta theo mới, theo một cách quả quyết.
Theo mới nghĩa là Âu hóa
Âu hóa, không phải là ăn vận cho đúng mốt ở Paris, nhảy đầm cho đúng điệu, nặn mũi cho lõ, pha thuốc vào mắt cho xanh. Âu hóa, là phải tìm đến những cốt yếu của văn hóa Tây phương để áp dụng vào đời ta. Văn hóa Âu Mỹ đem sang trồng ở đất ta tự nhiên sẽ biến; những điều hợp với tinh thần riêng của dân tộc An Nam sẽ còn và nảy nở ra, những điều không thích hợp sẽ tự nhiên bị đào thải. Không nên lo ta sẽ hóa ra người Pháp nửa mùa, nói tiếng Pháp lai căng. Dân tộc ta bị hàng ngàn năm văn hóa Tàu đàn áp mà vẫn giữ được tư cách riêng, không đến nỗi hóa ra người Tàu cả. Vậy, bây giờ ta đem văn hóa Thái tây áp dụng vào cuộc đời, mũi ta không đến nỗi hóa lõ, và ta không đến nỗi mất tinh thần riêng của ta.
Những người thủ cựu thường cho những sự thay đổi cỏn con theo văn hóa Thái tây là những sự ác ghê gớm. Đàn bà mặc quần áo trắng hay rẽ đường ngôi lệch, họ đổ cho ngay là để phá hoại luân lý, hô hào theo chủ nghĩa cá nhân, họ định cho ngay là muốn phóng túng những dục vọng đáng bỉ. Nhưng bọn trẻ ta phải mặc họ, cứ thẳng đường mà tiến, không do dự, không ngã lòng. Tương lai sẽ đem những phần thưởng quý báu lại cho ta.
Lẽ tự nhiên trong lúc ồ ạt xô đẩy nhau vào cuộc Âu hóa, không khỏi có người đi lầm đường. Không khỏi có nhiều kẻ vì hiểu lầm văn hóa Tái tây mà coi cuộc đời như một nơi để hưởng những sự khoái lạc chốc lát. Nhưng không thể dựa vào những việc ấy mà bảo rằng Âu hóa là một điều không nên theo. Con dao có khi cắt đứt tay, nhưng nào có ai nói con dao là một đồ vật không nên dùng?
Vậy, mạnh bạo, hăng hái, chúng ta nên đua nhau vào con đường mới, rộng rãi và đầy ánh sáng của văn hóa Âu-Mỹ.
Tiến…
Không còn hoài nghi gì nữa, dân tộc ta, nước ta cần phải hoàn toàn theo mới.
Tiếp xúc với văn minh Thái tây đã già nửa thế kỷ mà đến bây giờ vẫn còn phải hô hào, như vậy là chậm lắm, chậm quá lắm rồi!
Ta cần phải đem hết nghị lực và lòng nhiệt thành ra làm việc để vớt lại thì giờ đã mất, để đền bù vào sự chậm chạp kia.
Không sợ lời dị nghị, cần phải quả quyết Âu hóa một cách mạnh bạo ngay từ hôm nay.
Ta cần phải có hai cuộc cách mạng. Một cuộc cách mạng trong lòng ta. Trước khi làm một việc gì, ta phải suy nghĩ để hành động của ta là hành động của một người có óc tân tiến.
Sau khi hành động, ta lại cần suy xét xem trong công cuộc, tư tưởng của ta có còn rớt cặn bã của óc thủ cựu hay không? để ta liệu khu trừ ngay.
Một cuộc cách mạng ngoài gia đình và xã hội. Một việc ta đã cho là hợp với tư tưởng mới, ta làm đã đành, nhưng ta còn phải giảng giải, dẫn dụ cho người chung quanh ta quy phục nữa. Mỗi người theo mới phải là trạng sư cho sự Âu hóa vậy.
Không nên ngã lòng vì những điều trở ngại, và lúc nào cũng ngờ rằng sau lưng ta, bao giờ cung có một số đông người cùng một ý tưởng muốn theo mới như ta ủng hộ, khuyến khích.
Nào nhưng ai thành thực muốn cho nước ta, dân ta sống một đời mới đáng sống… đứng cả dậy.