Cụm từ “Giấc mơ Mỹ” xuất phát từ câu chuyện về cuộc đời của Thomas Alva Edison (1847 – 1931). Cậu bé ưa thích khám phá đã quyết định bỏ học ở trường Port Huron, bang Michigan chỉ vài tuần sau ngày khai giảng vì thầy giáo gọi cậu là “đồ bỏ đi”. Mẹ của Edison vẫn tiếp tục kèm cặp con mình tại nhà. Cậu bé đã biến tầng hầm ngôi nhà thành phòng thí nghiệm đầu tiên của mình.
Ở tuổi mười hai, Edison bán bánh mì và bơ đậu phộng ở ga xe lửa Grand Trunk để có tiền mua hóa chất và dụng cụ thí nghiệm. Sau đó, cậu dời phòng thí nghiệm của mình ra toa hành lý của một đoàn tàu hỏa và tờ báo đầu tiên của cậu cũng được phát hành ngay trên một chuyến tàu đang hoạt động. Nhưng chẳng bao lâu sau, Edison bị tống ra khỏi tàu vì một số hóa chất của cậu đã phát hỏa làm cháy toa hành lý.
Năm 1869, Edison tới New York không một xu dính túi và chỉ mang theo quyết tâm kiếm sống bằng những phát minh của mình. Vài tháng sau, chàng thanh niên nhận được 40.000 đô-la vì đã cải tiến hệ thống bảng điện tử tại những sàn giao dịch chứng khoán. Với số tiền ấy, Edison bắt đầu sự nghiệp sáng chế lâu dài của mình. Edison miệt mài làm việc trong nhiều năm và được cấp bằng sáng chế cho hơn một nghìn phát minh. Chân dung tuyệt vời của Thomas Edison qua lời kể của cậu con trai Charles Edison sẽ cho chúng ta cái nhìn bao quát về một trong những bộ não vĩ đại nhất thế giới.
Sau khi bố trí lại phòng thí nghiệm ở thành phố Menlo Park thuộc New Jersey, Thomas Alva Edison đưa tay sửa lại mái tóc bù xù sang một bên trán. Mặc bộ đồ nhăn nhúm với những vết bẩn và vệt cháy xém của hóa chất, trông bố chẳng giống người đã phát minh ra những thứ tạo nên cuộc cách mạng cho thời đại của mình chút nào. Cách cư xử của bố lại càng không thể hiện mình là vua sáng chế của thế giới. Một lần, một vị quan chức viếng thăm đã hỏi bố tôi rằng ông có nhận được nhiều mề đay hay giải thưởng không. Bố tôi trả lời: “Ồ có chứ, mẹ chúng nó có cả hai thùng đựng đầy huy chương trong nhà”. “Mẹ chúng nó” chính là vợ ông và là mẹ của tôi đây.
Mỗi ngày, bố luôn thể hiện cho chúng tôi thấy con người tuyệt vời nơi ông. Bố tôi tuyệt vời bởi 1.093 phát minh đóng góp cho nhân loại. Nhưng đó không phải tất cả những gì tôi muốn nói về người cha vĩ đại của mình. Tôi nhớ đến bố bởi sự dũng cảm, sức sáng tạo và quyết tâm phi thường cũng như sự khiêm tốn và khiếu hài hước nơi ông.
Do khối lượng công việc đồ sộ nên thời gian bố dành cho gia đình khá khiêm tốn. Tuy vậy, ông vẫn thu xếp để đi câu cá và tham gia những sinh hoạt chung với gia đình. Bố thậm chí còn chơi cờ và nô đùa với anh em tôi khi chúng tôi còn nhỏ. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rất rõ chuyện xảy ra vào ngày Quốc khánh năm nọ trong ngôi nhà ba tầng có mái dốc hai bên của chúng tôi ở West Orange, bang New Jersey (Giờ đây, nó đã là di tích quốc gia). Bố thường kỷ niệm ngày Quốc khánh bằng cách ném một viên pháo vào thùng phuy ngay lúc sáng sớm để đánh thức chúng tôi cùng những người hàng xóm. Sau đó, chúng tôi sẽ ném pháo hoa dưới nhiều kiểu khác nhau. Có một lần bố ranh mãnh nói: “Chắc chắn là mẹ các con sẽ không thích đâu, nhưng ta cứ thử bỏ một lúc hai mươi viên xem thế nào”.
Bố luôn ủng hộ những thí nghiệm và khám phá của con mình. Ông đưa chúng tôi những mạch điện và một số thứ lặt vặt khác để lắp ráp rồi đặt ra nhiều câu hỏi để kích thích khả năng sáng tạo của chúng tôi. Khi tôi lên sáu tuổi, bố đã để tôi rửa những ống nghiệm trong phòng thí nghiệm của ông. Khi tôi lên mười, bố còn giúp tôi lắp ráp một chiếc xe hơi có kích thước bằng những chiếc xe thật. Chiếc xe không có sườn nhưng lại có một động cơ nhỏ hai thì và một hệ thống truyền động bằng dây đai. Tất nhiên là nó hoạt động rất tốt. Anh em tôi rất thích thú với chiếc xe này. Nhiều lần, anh Theodore và tôi chơi trò polo(*) trên bãi cỏ với chày chơi bóng vồ và ngựa được thay thế bằng những chiếc xe hơi chúng tôi chế tạo được. Dĩ nhiên, chẳng ai phản đối trò chơi của chúng tôi, trừ mẹ và những người làm vườn.
(*) Polo: Trò chơi thể thao gồm nhiều người cưỡi ngựa chia thành hai phe và cố dùng chày đưa bóng gỗ vào cầu môn của đối phương.
Dù ở nhà hay ở phòng thí nghiệm, bố lúc nào cũng tìm cách động viên người khác. Bố luôn thích truyền cảm hứng cho họ từ suy nghĩ của mình hơn là ra lệnh. Đây là một trong những bí quyết thành công của bố. Nhiều người cho rằng nhà khoa học là người làm việc đơn độc trong phòng thí nghiệm của mình; nhưng bố tôi thì không như vậy. Sau phát minh thành công đầu tiên là chiếc bảng điện tử giới thiệu giá cả và số lượng cổ phiếu bán ra ở thị trường chứng khoán giúp bố kiếm được bốn mươi ngàn đô-la, bố bắt đầu thuê những nhà hóa học, toán học, thợ chế tạo máy… và tất cả những ai có khả năng giúp ông giải quyết các vấn đề rắc rối. Theo cách đó, bố đã kết hợp khoa học và công nghệ với tư tưởng“làm việc nhóm” – tư tưởng mà ngày hôm nay đã trở thành một chuẩn mực trong tuyển dụng và kinh doanh.
Thỉnh thoảng, trong những lúc tình hình tài chính khó khăn, bố không thể trả lương cho những người cùng làm với ông. Nhưng có người đã nói với bố rằng: “Không có vấn đề gì cả. Chúng tôi đến đây để làm việc cùng nhau. Chúng tôi không thể làm việc nếu chỉ có một mình”.
Bản thân bố tôi cũng làm việc mười tám giờ hoặc hơn thế mỗi ngày. Ông thường nói với chúng tôi: “Hoàn thành công việc sẽ mang lại cho ta cảm giác thỏa mãn thực sự trong cuộc sống”. Có thể nói, bố tôi có khả năng ngủ ít hiếm thấy, thường không quá bốn tiếng một ngày. Bố đã nói: “Ngủ cũng như một chất gây nghiện vậy. Ngủ quá nhiều sẽ khiến con người ta trì trệ. Họ sẽ mất thời gian, sức sống và cả cơ hội chỉ vì ngủ quá nhiều”.
Hầu như ai ai cũng biết đến thành công của bố. Trong chiếc máy hát được phát minh năm ba mươi tuổi, bố đã lưu âm thanh vào những cái đĩa thu âm. Bóng đèn tròn của bố thắp sáng cả thế giới. Ông còn phát minh ra chiếc mi-crô, máy chụp X-quang dùng trong y học, cả pin ắc-quy và phim dùng trong lĩnh vực điện ảnh. Ngoài ra, bố còn cải tiến phát minh của người khác để chúng trở nên thiết thực hơn như điện thoại, máy điện báo và máy đánh chữ. Ông còn hình thành hệ thống cung cấp điện mà ngày nay chúng ta sử dụng rộng khắp.
Thỉnh thoảng, nhiều người đã hỏi bố tôi rằng: “Có bao giờ ông thất bại?”. Câu trả lời là có. Thomas Edison thường xuyên nếm trải thất bại. Phát minh đầu tiên của bố - chiếc máy kiểm phiếu chạy bằng điện - đã bị các nhà lập pháp thủ đoạn từ chối mua. Một lần khác, bố tôi đã đặt cược toàn bộ vận may của mình vào chiếc máy loại bỏ từ tính sử dụng trong quy trình khai thác kim loại giá trị thấp. Thế nhưng lần đó, công ty phụ trách khu vực khai khoáng Mesabi đã cho rằng chiếc máy đó lỗi thời và không đem lại hiệu quả kinh tế nên từ chối mua nó. Tuy nhiên, bố tôi chưa bao giờ chùn chân trước thất bại.
Lần nọ, bố an ủi một người hợp tác với mình trong suốt quá trình thí nghiệm thế này: “Chao ôi, tiếc quá! Nhưng không phải mọi chuyện chấm hết đâu. Bây giờ chúng ta đã biết được thí nghiệm nào thất bại, điều đó có nghĩa là ta đang tiến gần hơn tới thí nghiệm thành công”.
Thái độ của bố lúc có tiền cũng như không có tiền đều không có gì thay đổi. Ông coi tiền như một thứ vật liệu thô – tựa như kim loại – và nên sử dụng thay vì tích lũy. Chính vì thế, bố luôn dồn tất cả tiền của vào các thí nghiệm mới. Dù không ít lần cháy túi nhưng không vì thế mà bố để đồng tiền chi phối hành động mình.
Một ngày kia, bố đến thăm một nhà máy nghiền quặng. Vì cảm thấy không hài lòng với cách vận hành của chiếc máy nghiền đá nên bố bảo với người điều khiển:
- Hãy tăng tốc độ của nó lên.
Người điều khiển trả lời:
- Không được. Nó sẽ hỏng ngay.
Bố quay sang viên đốc công hỏi:
- Ed, cái máy này trị giá bao nhiêu?
- Hai mươi lăm nghìn đô-la.
- Chúng ta có chừng đó tiền trong nhà băng không? Được rồi, vậy thì tăng tốc cho nó đi.
Người điều khiển tăng công suất của máy lên; rồi tăng thêm lần nữa. Đoạn, ông quay sang cảnh báo:
- Nó đang phát ra tiếng gì đó rất kinh khủng. Nó sẽ làm chúng ta vỡ đầu mất.
Bố nói lớn:
- Quên cái đầu đi, cho nó vỡ tung cũng được!
Mọi người bắt đầu rút lui khi tiếng rầm rập phát ra ngày càng lớn. Ngay sau đó, một vụ nổ lớn đã xảy ra làm những mảnh vỡ tung tóe khắp nơi. Cái máy nghiền đá đã hỏng hoàn toàn.
Đốc công hỏi bố:
- Edison, ông rút ra được điều gì từ chuyện này cơ chứ?
Bố nở nụ cười rồi nói:
- Tôi đã tăng công suất của chiếc máy này lên bốn mươi phần trăm so với mức cao nhất mà nhà sản xuất ghi trên máy. Tôi sẽ tạo ra một chiếc máy tốt tương tự, nhưng nó sẽ có năng suất cao hơn.
Tôi đặc biệt nhớ chuyện xảy ra vào một đêm lạnh lẽo tháng mười hai năm 1914. Khi đó, phát minh về pin ắc-quy đã ngốn của bố gần mười năm. Những thí nghiệm về pin ắc-quy không cho kết quả đã khiến bố rơi vào tình trạng kiệt quệ về tài chính. Bố phải nhờ vào lợi nhuận từ phim ảnh để duy trì phòng thí nghiệm. Tối hôm đó, một tiếng hét lớn: “Cháy!” vang lên từ phòng tráng phim. Ngay sau đó, ngọn lửa lớn bùng phát và nhanh chóng lan rộng. Đội cứu hỏa của tám thị trấn được huy động đến nhưng chẳng thể khống chế được ngọn lửa.
Tôi thật sự lo lắng khi tìm quanh mà chẳng thấy bố đâu. Liệu bố có ngã quỵ không khi tất cả gia tài đã tan thành mây khói? Bố tôi đã sáu mươi bảy tuổi, không còn thời gian để bắt đầu lại. Thế rồi từ vườn cây, bố hớt hải chạy về phía tôi, hét lớn:
- Mẹ con đâu? Đi kiếm bà ấy ngay! Nói mẹ con gọi cả bạn bè bà ấy đến đây! Họ sẽ không bao giờ thấy đám cháy nào lớn hơn thế này trong đời đâu!
Năm giờ rưỡi sáng hôm sau, ngọn lửa đã được kiểm soát, bố gọi tất cả mọi người lại và thông báo:
- Chúng ta sẽ gầy dựng lại mọi thứ. Chúng ta luôn có thể lợi dụng mọi biến cố. Chúng ta sẽ dọn dẹp đống đổ nát này, xây dựng lại những cái lớn hơn và tốt hơn.
Nói xong ông cuộn áo khoác lại, thu mình trên ghế và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Những phát minh liên tiếp làm bố trở thành người có sức mạnh kỳ diệu và nhiều người gọi ông là “Phù thủy thành phố Menlo Park”. Điều đó đôi lúc khiến bố thích thú nhưng cũng không ít lần buồn phiền.
Ông nói:
- Phù thủy ư? Ôi dào. Đơn giản là làm việc thật chăm chỉ thôi.
Câu nói thường được trích dẫn nhất của bố là: “Thiên tài chỉ có một phần trăm là bẩm sinh, chín mươi chín phần trăm còn lại là lao động miệt mài”. Sự kiên nhẫn của bố thách thức mọi sự lười biếng và ù lì trong con người. Trong phòng thí nghiệm và nhà máy, bố tôi treo một câu nói được cho là của Hầu tước Joshua Reynolds: “Sẽ chẳng nảy ra một kế sách nào nếu người ta không chịu lao động trí óc thật sự”.
Bố chưa bao giờ quên ý thức trách nhiệm cũng như đánh mất sự khiêm tốn của mình. Một lần, trong buổi lễ khánh thành nhà hát đầu tiên của Mỹ có sử dụng những bóng đèn tròn ở Boston, bố đã tháo cà vạt và cái áo khoác đuôi tôm mà ông rất ghét để chui xuống tầng hầm tìm hiểu nguyên nhân gây mất điện. Còn ở Paris, ngay sau khi nhận huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh, bố đã lặng lẽ tháo cái nơ hoa hồng đỏ nhỏ xíu khỏi ve áo vì sợ mọi người nghĩ mình là người chải chuốt.
Sau cái chết của người vợ trước, bố cưới một phụ nữ khác - người sau này trở thành mẹ tôi. Tên bà là Mina Miller. Ông tìm thấy nơi mẹ sự tâm đầu ý hợp hoàn toàn. Bà là người điềm đạm, lịch thiệp và rất độc lập. Bà sẵn sàng điều chỉnh cuộc sống của mình để thích nghi với lịch làm việc bận rộn của bố. Cuộc hôn nhân của họ rất hạnh phúc. Chín ngày trước khi cưới mẹ, nhật ký của bố có đoạn viết: “Việc lo nghĩ tới Mina khiến mình suýt bị ôtô tông”.
Bố đã cầu hôn mẹ bằng một chuỗi ký hiệu Morse mà mẹ học được trong thời gian hai người tìm hiểu nhau. Sau này, mỗi khi bố ngồi tại bàn làm việc của mình, mẹ cũng ngồi cạnh để làm những công việc riêng của bà. Mẹ tôi hoạt động rất năng nổ trong lĩnh vực đấu tranh cho quyền lợi công dân.
Thỉnh thoảng, nhiều người đã mô tả về bố tôi là người không được giáo dục. Sự thật là bố chỉ học chính thức ở trường khoảng sáu tháng. Nhưng dưới sự kèm cặp của bà nội ở thành phố Port Huron, bang Michigan, ông đã đọc tác phẩm lịch sử “Sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã” lúc mới lên tám hay chín tuổi. Sau đó, khi đã trở thành cậu bé bán báo dạo rồi bán báo ở ga tàu hỏa Grand Trunk, bố vẫn dành thời gian để tới thư viện công cộng Detroit và đọc “từ trên xuống dưới” từng kệ sách. Trong nhà chúng tôi lúc nào cũng có đầy sách và tạp chí cộng với khoảng sáu tờ nhật báo.
Thuở thiếu thời, người đàn ông muốn làm được mọi thứ này là một cậu bé bị điếc. Bố chỉ nghe được những âm thanh thật lớn. Tuy nhiên, điều này chẳng làm ông khó chịu. Một lần, bố nói: “Bố không thể nghe tiếng chim hót từ năm lên mười hai tuổi, nhưng xem ra điều đó vẫn còn may mắn hơn bị khuyết tật nhiều”. Bố tin chính điều đó đã giúp ông sớm tìm đến sở thích đọc sách, làm tăng khả năng tập trung và ngăn ông không sa vào những chuyện phiếm không đâu.
Mọi người thường hỏi vì sao bố tôi không phát minh ra thiết bị trợ thính, ông trả lời rằng: “Trong hai mươi bốn tiếng vừa qua các vị đã nghe được biết bao nhiêu thứ. Nhưng nếu không nghe thì các vị có thấy ảnh hưởng gì không?”. Rồi ông nói tiếp: “Một người lúc nào cũng la lớn thì không thể nói dối được”.
Bố tôi rất thích âm nhạc và để nghe được giai điệu bài nhạc, ông sẽ “nghe” bằng cách ngậm đầu một cây bút chì và đặt phần đuôi tỳ vào vỏ máy hát. Sự dao động giữa hai đầu cây bút sẽ tạo thành nhịp điệu tuyệt vời. Vì thế vô tình cái máy hát trở thành phát minh yêu thích nhất của bố.
Do bị điếc, những cuộc trao đổi với bố lúc nào cũng đòi hỏi phải nói lớn hoặc dùng giấy viết câu hỏi và câu trả lời. Tuy nhiên, các phóng viên vẫn thích phỏng vấn bố vì ông luôn có những lời nhận xét súc tích mà lại rất sâu sắc. Một lần, người ta hỏi bố có lời khuyên nào dành cho giới trẻ không và ông trả lời: “Những người trẻ không thích bị khuyên bảo”. Bố không bao giờ cho hạnh phúc và sự thỏa mãn là những mục đích quan trọng nhất. Ông nói: “Hãy chỉ cho tôi một người luôn sống trong sự thỏa mãn, tôi sẽ cho anh thấy thất bại của anh ta”. Rồi người ta hỏi liệu sự phát triển của công nghệ có làm cho sản xuất trở nên dư thừa, bố đáp: “Sản xuất không bao giờ có thể đáp ứng đủ nhu cầu của con người. Sự đòi hỏi của con người là không có giới hạn, chỉ trừ cái dạ dày của họ mà thôi!”.
Bố được tặng rất nhiều món quà, trong đó có hai thứ làm ông đặc biệt hài lòng. Một là chiếc kỷ niệm chương bằng vàng mà bố được trao tặng vào ngày 21 tháng 10 năm 1929 cho phát minh ra cái bóng đèn tròn. Khi đó, Henry Ford đã tái dựng lại thành phố Menlo Park và phòng thí nghiệm ở Dearborn, bang Michigan thành một phần trong Nhà triển lãm các thành tựu văn hóa Mỹ ở khu Greenfield Village. Đó là cách ngài Ford bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với bố tôi trước những lời động viên kịp thời của bố trong lúc ngài Ford gần như tuyệt vọng vì những lời chỉ trích về dự án phát triển chiếc xe hơi đầu tiên trên thế giới. Chúng tôi có thể thấy bố đã tác động sâu sắc đến Ford như thế nào qua nụ cười của ngài.
Một buổi lễ chào mừng rầm rộ khác diễn ra vào năm 1928 ngay tại tòa nhà thư viện kiêm phòng thí nghiệm của bố. Suốt đời mình, bố tôi đã nhận rất nhiều danh hiệu cũng như huân chương từ khắp các quốc gia. Tuy nhiên, lần này, bố thực sự phấn khởi bởi huy chương mà bố nhận được chính là “Huy chương danh dự của Quốc hội Hoa Kỳ”. Chiếc huy chương này có ý nghĩa rất đặc biệt và được làm bằng vàng.
Bố tôi không bao giờ biết ngơi nghỉ hay bị ảnh hưởng vì tuổi già. Ở tuổi tám mươi, ông lấn sân sang một lĩnh vực hoàn toàn mới - thực vật học. Mục tiêu của bố là tìm ra được một nguồn cao su tự nhiên. Sau khi kiểm tra và phân tích mười bảy nghìn mẫu cây khác nhau, bố và các trợ lý đã thành công trong việc phát minh ra phương pháp chiết xuất nhựa mủ từ loài cây thuộc chi Solidago mọc ở châu Âu và Bắc Mỹ - loài có hoa màu vàng nở vào cuối mùa hè.
Ở tuổi tám mươi ba, khi nghe tin Newark là sân bay đông đúc nhất khu vực phía Đông, bố đã kéo mẹ tới đó để “biết một sân bay thực sự hoạt động thế nào”. Lần đầu thấy chiếc máy bay trực thăng, ông đã cười rõ tươi: “Nó giống y với những gì tôi nghiên cứu trong đầu”. Và ông bắt đầu cải tiến những phác họa ít ai ngờ về chiếc máy bay lên thẳng của mình.
Cuối cùng ở tuổi tám mươi tư, căn bệnh nhiễm độc hệ bài tiết làm bố tôi yếu dần. Hàng chục phóng viên luôn vây kín nhà tôi để đưa tin về ông. Cứ mỗi giờ trôi qua, người ta lại thông báo: “Ân nhân soi sáng nhân loại vẫn sống với chúng ta”. Nhưng vào 3 giờ 24 phút sáng ngày 18 tháng 10 năm 1931, bản tin đã ghi: “Ông đã ra đi”.
Ngày viếng cuối cùng của lễ tang, người ta định ngắt điện trên cả nước trong một phút. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ gây lãng phí và nguy hiểm cho một vài nơi nên cuối cùng, người ta quyết định sẽ làm yếu đi một số bóng đèn để không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của nhân loại, dù chỉ là trong một giây.
Và tôi dám chắc một điều, bố tôi, Thomas Edison cũng đồng ý như vậy.
- Charles Edison