Clara Barton (1821-1912) được biết đến như là Thiên Thần Nơi Chiến Trận nhờ vào việc giúp đỡ các thương binh trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Bà là người sáng lập ra Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ đồng thời cũng là một trong những người tiên phong trong các hoạt động nhân đạo.
Khi cơn đau đớn giảm đi đôi chút, Jack Gibbs dần tỉnh táo lại. “Mình sẽ không bao giờ được trở về nhà”. - Anh nghĩ thầm. - “Mà cho dù về được thì cũng chẳng còn lành lặn”.
Jack thở dài, cố gắng dịch chuyển đến một chỗ thoải mái hơn trên nền đá lạnh lẽo. Nhưng sự cử động này khiến anh đau điếng người, và anh hiểu rằng nếu muốn sống sót, anh cần phải nằm im như thế này.
Anh nghĩ: “Đến lúc họ chở mình về bệnh viện hậu phương thì có lẽ mình đã chết vì mất máu quá nhiều, hoặc chân mình cũng đã thối rữa ra và phải cắt bỏ đi. Một người đàn ông què quặt như mình sao có thể làm chồng của Sue được?”.
Bỗng một cơn choáng váng ập đến làm anh bất tỉnh.
Khi tỉnh lại, điều đầu tiên Jack nghĩ đến là anh đã chết và đang ở trên Thiên đường. Anh mở mắt ra và thấy một phụ nữ đang cúi xuống nhìn mình. Điều này không thể xảy ra trên chiến trường của cuộc Nội chiến được. Không phụ nữ nào muốn đến mặt trận! Chưa từng có người phụ nữ nào được ra mặt trận. Họ không được phép ra chiến trường!
Nhưng có một người phụ nữ đang hiện diện tại đây. Đó là Clara Barton.
Với sự giúp đỡ của hai người lính khỏe mạnh khác, Clara nhấc Jack lên chiếc võng được tháo ra từ một chiếc xe ngựa kéo. Bà băng bó vết thương rồi cho anh uống một liều thuốc giảm đau. Jack nuốt từng ngụm nước một cách yếu ớt và sau đó được đặt lên chiếc xe cứu thương thô sơ.
Mỗi ngày, Clara Barton chăm sóc và cứu chữa cho các thương binh được đưa về từ chiến trường. Bà giúp họ bớt sợ hãi đồng thời làm dịu các cơn đau của họ.
Từ khi cuộc Nội chiến nổ ra, Clara Barton luôn lo lắng cho số phận của những người lính chiến đấu ngoài mặt trận. Bà biết rằng những người lính bị thương sẽ bị bỏ mặc trên chiến trường. Họ chỉ được đưa đến những bệnh viện khá xa ở tuyến sau khi trận đánh đã kết thúc. Dù họ có sống sót trong trận chiến chăng nữa thì khi tới được bệnh viện, đa phần họ đều đã chết vì mất quá nhiều máu.
Đau lòng trước tình trạng này, Clara quyết định bằng mọi giá phải giúp đỡ những người lính bị thương. Đầu tiên, bà mua một chiếc xe tải, trang bị đầy đủ thuốc men và dụng cụ cấp cứu. Sau đó, bà tới gặp một sĩ quan chỉ huy mặt trận.
Thế nhưng, khi nhìn thấy vóc dáng mảnh dẻ của Clara, viên sĩ quan chỉ huy lắc đầu.
- Thưa bà Barton. - Ông nói. - Điều bà đề nghị hoàn toàn không thể được.
- Nhưng thưa chỉ huy. - Bà khăng khăng. - Tại sao lại không thể được? Tự tôi sẽ lái xe và giúp đỡ những người lính hết mức có thể.
Nhưng viên sĩ quan vẫn một mực lắc đầu:
- Chiến trường không phải là chỗ dành cho phụ nữ. Bà không thể chịu được cuộc sống gian khổ ngoài ấy đâu. Dù sao đi nữa, chúng tôi cũng đang cố gắng hết sức để cứu giúp binh lính của mình. Không ai có thể làm tốt hơn được.
- Nhưng tôi có thể. - Clara Barton tuyên bố. Sau đó, bà bắt đầu miêu tả lại những kế hoạch cho lần viện trợ đầu tiên của mình một cách hùng hồn.
Cuộc thương lượng của họ cứ lặp đi lặp lại. Sự từ chối kiên quyết của người sĩ quan không làm Clara nản lòng. Cuối cùng, ngài sĩ quan chỉ huy đành phải nhượng bộ và Clara Barton nhận được giấy thông hành ra vào chiến trường.
Trong suốt thời gian diễn ra Nội chiến, bà đã nỗ lực không ngừng để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Có lúc bà đã làm việc liên tục năm ngày không nghỉ. Tên tuổi của bà trở thành tấm gương trong quân đội và luôn được mọi người nhắc đến với tình yêu thương và lòng biết ơn.
Khi nhận ra những thành quả từ công việc của Clara, Chính phủ quyết định viện trợ cho công việc của bà nhiều hơn. Quân đội cung cấp thêm nhiều xe tải và tài xế. Sự viện trợ y tế cũng gia tăng theo.
Chiến tranh kết thúc, Clara Barton xứng đáng được nghỉ ngơi. Thế nhưng, lúc này, bà bị ám ảnh bởi nỗi đau của những gia đình bất hạnh khi họ không biết điều gì đã xảy ra với chồng, cha và anh em mình. Bà quyết định tham gia tìm kiếm tung tích của những người lính mất tích.
Clara Barton đã trực tiếp chứng kiến chiến tranh và biết rõ những hậu quả nặng nề mà nó để lại cho những người lính và gia đình của họ. Khi nghe tin về Jean Henry Dunant(*) - một người Thụy Sĩ - có kế hoạch cứu giúp những người lính trong chiến tranh, bà đã tìm đến xin tham gia. Dunant thành lập một tổ chức có tên gọi là “Hội Chữ Thập Đỏ” nhằm giúp đỡ mọi binh lính trên chiến trường, bất kể quốc tịch, chủng tộc hay tôn giáo.
(*) Jean Henry Dunant (1828 - 1910): Nhà kinh doanh và nhà hoạt động xã hội người Thụy Sĩ. Ông là một trong những người tiên phong sáng lập ra “Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế” và là một trong hai người đoạt giải Nobel Hòa bình đầu tiên vào năm 1901.
Ý tưởng này đã khuyến khích Clara Barton quay trở về Hoa Kỳ và thuyết phục Chính phủ tham gia cùng hai mươi hai quốc gia thành viên khác viện trợ cho tổ chức Chữ Thập Đỏ Quốc Tế. Chính Clara Barton cũng đóng góp một ý tưởng vào kế hoạch Chữ Thập Đỏ vĩ đại, gọi là “Tu Chính Án Hoa Kỳ”.
Bà từng nói: “Có rất nhiều tai họa xảy đến với nhân loại: động đất, lũ lụt, cháy rừng, bệnh dịch và lốc xoáy. Chúng tấn công đột ngột, làm chết và bị thương rất nhiều người, số còn lại thì mất hết nhà cửa, hoặc bị chết đói. Hội Chữ Thập Đỏ cũng cần giúp đỡ những nạn nhân này, bất kể là thảm họa xảy ra ở đâu”.
Ngày nay, Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế giúp đỡ hàng triệu người trên toàn thế giới. Đó chính là ý tưởng tuyệt vời của Clara Barton. Lòng dũng cảm, tình yêu thương và sự nhân hậu của bà sẽ mãi được ghi nhớ và kính trọng.