1. Ứng phó với áp thấp nhiệt đới và bão
1.1. Đặc điểm
Khi nhiệt độ nước biển vượt quá 26°C, một hỗn hợp nhiệt và hơi ẩm hình thành nên một vùng áp thấp trên biển. Hướng gió xoay xung quanh vùng áp thấp sâu, áp suất giảm nhanh theo hướng vào tâm (vận tốc gió đạt cấp 6 - 7 (39 - 62 km/h). Áp thấp này bị gió mậu dịch đẩy đi dọc theo các rãnh. Một vùng áp thấp sẽ trở thành bão khi vận tốc gió đạt tới cấp 8 trở lên (từ 63 km/h). Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và bão cũng có thể suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Bão từ cấp 10 đến cấp 11 được gọi là bão mạnh; từ cấp 12 trở lên được gọi là bão rất mạnh.
Hình 2.1. Một cơn bão đang đổ bộ vào đất liền
Hình 2.2. Thời gian xuất hiện của bão ở Việt Nam
Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 10 cơn bão, tập trung nhiều vào tháng 9 tháng 10. Số lượng bão đổ bộ nhiều nhất ở khu vực Trung Bộ, ít nhất ở vùng Nam Bộ. Thời gian xuất hiện bão có xu hướng đổ bộ từ Bắc xuống Nam.
1.2. Những tác hại của bão có thể gây ra
● Thiệt hại về người (gây thương tích và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng) - Các mảnh vỡ bị thổi bay trong bão, nhà bị sập đổ hoặc bị nước lũ cuốn trôi có thể gây thương tích về người. Thiệt hại của bão có thể tăng do lũ và do không có đủ lương thực dự trữ hoặc không được tiếp tế lương thực;
● Thiệt hại về vật chất - Các công trình (nhà cửa, bệnh viện, trường học…) bị hư hỏng, hoặc bị phá hủy do gió bão; tàu thuyền có thể bị lật hoặc hư hại;
● Cấp nước - Nước ngầm hoặc các vật dụng chứa, trữ nước có thể bị nước lũ gây ô nhiễm;
● Cây trồng, vật nuôi và nguồn cung cấp lương thực - Gió mạnh trong bão và mưa có thể làm hỏng hoa màu, cây trồng và lương thực dự trữ, đất nông nghiệp bị ô nhiễm bởi nước mặn khi xảy ra hiện tượng nước dâng trong bão, gia súc bị chết, thiệt hại thủy sản và cây bị bật rễ;
● Năng lượng, thông tin và hậu cần - Gió bão có thể làm gãy, đổ cột, đường dây điện, đường dây thông tin liên lạc, gây gián đoạn thông tin và điện. Giao thông có thể bị gián đoạn, thị trấn hoặc thành phố có thể bị cô lập;
● Các hiểm họa gián tiếp - Lũ, nước dâng do bão và sạt lở đất.
Hình 2.3. Hiện trường tìm kiếm các công nhân mất tích sau vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 (xã Xuân Phong, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế)
Hình 2.4. Thiệt hại về nhà cửa do bão gây ra
1.3. Các yếu tố cụ thể góp phần làm tăng thiệt hại do bão
● Do sinh sống ở các vùng đất thấp/hoặc vùng đất ven biển (chịu các ảnh hưởng trực tiếp của bão);
Hình 2.5. Sinh sống ở các vùng đất thấp dễ bị ngập lụt do hoàn lưu sau bão
Hình 2.6. Nhà tạm bợ dễ bị thiệt hại do bão
● Do sinh sống ở những vùng lân cận đó (chịu ảnh hưởng gián tiếp do mưa lớn, sạt lở đất và lũ lụt);
● Do yếu kém trong hệ thống thông tin liên lạc hay hệ thống cảnh báo;
● Các công trình nhẹ, công trình cũ, công trình xây dựng bằng các vật liệu có chất lượng kém;
● Tàu thuyền không được trang bị phao cứu sinh/vật nổi;
● Do cộng đồng thiếu nhận thức về mối hiểm họa do bão gây ra.
MỘT SỐ CƠN BÃO ÁM ẢNH NHẤT ĐỔ BỘ VÀO VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY
Tháng 9,10/2020, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã phải chịu ảnh hưởng liên tiếp của 5 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới. Bão lũ trong tháng 9, 10/2020 đã gây thiệt hại tới 28.800 tỷ đồng ở các tỉnh miền Trung.
Bão Molave - bão số 9 (2020) có gió mạnh nhất gần 20 năm qua đổ bộ vào đất liền (tâm bão tại Quảng Ngãi) với sức gió cấp 11-12 giật cấp 14-15. Mưa lớn đã gây ngập lụt trên diện rộng, lúc cao điểm tới 1,2 triệu người bị ảnh hưởng ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam. Đây là đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt, khi bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ, vượt lịch sử. Bão, mưa, lũ sạt lở đất đã làm 242 người chết và mất tích, trên 200.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng, phải mất rất nhiều thời gian, nguồn lực mới phục hồi, tái thiết lại được.
Bão Goni - bão số 10 (2020) là siêu bão thứ hai của mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương 2020. Sức gió duy trì trong một phút đạt 315 km/h (195 mph) và áp suất tâm tối thiểu ở mức 905 hPa (mbar; 26.72 inHg). Bão số 10 đã làm hàng trăm cột điện bê tông trên địa bàn Kỳ Anh (Hà Tĩnh) gãy đổ.
Bão Doksuri là cơn bão mạnh nhất và nguy hiểm nhất. Lần đầu tiên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phải đưa ra cảnh báo thiên tai cấp 4 (màu đỏ). Áp sát đất liền đến gần trưa 15/9/2017, bão Doksuri đổ bộ vào khu vực giáp ranh Hà Tĩnh - Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 12 (135 km/h), giật cấp 14-15. Bão làm 6 người chết, 37 người bị thương; hơn 800 nhà sập, hơn 190.000 nhà bị hư hỏng, 2 cột truyền hình và 2.855 cột điện gãy đổ. Tổng thiệt hại ước tính hơn 11.000 tỷ đồng.
Cơn bão nhiệt đới Damrey - bão số 12 là một cơn bão nhiệt đới, trong mùa bão ở Thái Bình Dương năm 2017. Lần thứ hai trong năm 2017, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra cảnh báo đạt ở mức cấp độ rủi ro thiên tai bậc cấp 4 (ở mức cảnh báo màu đỏ): 6h 30 phút sáng ngày 04/11/2017, bão số 12 đã đổ bộ vào Nam Trung Bộ và quét qua một phần nam Tây Nguyên làm 27 người chết, 22 người mất tích, hơn 500 ngôi nhà bị đổ sập cùng nhiều thiệt hại nặng nề khác.
“Quái bão” Mirinae năm 2016 hình thành từ vùng áp thấp nhiệt đới đêm 27/7/2016, bão đổ bộ vào khu vực Thái Bình - Ninh Bình, ảnh hưởng trực tiếp từ nam Quảng Ninh đến bắc Thanh Hóa.
Mirinea không phải một cơn bão mạnh, chỉ có sức gió tương đương cấp 8 - 9. Tuy nhiên đây lại là một “quái bão”, có quy luật khác thường khi vào đất liền, di chuyển chậm, có thời điểm hầu như không di chuyển và giữ nguyên cường độ suốt đêm, gây thiệt hại lớn. Bão làm 30 nhà đổ sập, 25.000 nhà khác tốc mái, quật đổ 17.000 cột điện, 12 tàu chìm.
Bão Nari là cơn bão số 11 đi vào biển Đông. Vào lúc 23h ngày 14 tháng 10 năm 2013, bão càn quét các tỉnh miền Trung làm tốc mái nhiều ngôi nhà, gây gãy cây lớn, ngã cột điện, làm thiệt hại diện tích cây công nghiệp, lâm nghiệp cùng khoảng 77 tàu thuyền bị hư hỏng. Thiệt mạng về người theo báo cáo có ít nhất 3 người chết và 49 người bị thương. Cơn bão kèm mưa lớn với lượng mưa từ 200 mm đến 400 mm sau đó gây ngập lụt, ách tắc giao thông Bắc Nam và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống dân cư địa phương. Siêu bão Hải Yến có sức gió lên đến 314 km/giờ và giật đến 379 km/giờ. Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất năm 2013 và là 1 trong 4 siêu bão mạnh nhất lịch sử. Vào đầu tháng 11/2013, bão Hải Yến đã đổ bộ vào Philippines và gây ra thảm họa. Trước những cảnh báo về sức tàn phá của siêu bão Hải Yến, nhiều tỉnh miền Trung đã lên phương án sơ tán dân. Nhưng sau đó, bão Hải Yến đột ngột thay đổi hướng di chuyển. Thay vì đi vào Thanh Hóa, bão Hải Yến đã đi lên phía Bắc, càn quét qua vùng biển các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình và đổ bộ vào Hải Phòng - Quảng Ninh. Bão Hải Yến khiến 13 người chết, 81 người bị thương.
Cơn bão thần tốc Sơn Tinh được hình thành từ một vùng áp thấp ngoài khơi Philippines vào ngày 23/10/2012. Ngày 25/10, sau khi vào Biển Đông, bão Sơn Tinh di chuyển thần tốc với tốc độ lên tới 30 km/h, là “cơn bão nhanh nhất trong gần 10 năm trở lại”, tiến thẳng vào đất liền Việt Nam. Ban đầu, cơn bão được dự báo sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thanh Hóa - Hà Tĩnh. Tuy nhiên, sau đó cơn bão bất ngờ thay đổi hướng di chuyển và cường độ bão tăng lên cấp siêu bão và dịch chuyển dần ra vùng biển Nam Định, Thái Bình. Bão gây hại trên 7.500 tỷ đồng.
Cơn bão đau thương nhất - Chanchu 2006 (Bão số 1) được hình thành ngày 08/5/2006 ngoài khơi Philippines. Mặc dù cơn bão không đổ bộ vào đất liền Việt Nam, nhưng đã càn quét vào trúng trú ẩn của ngư dân đánh bắt xa bờ ở Bắc Biển Đông. Cơn bão Chanchu đã cướp đi sinh mạng của 266 người dân miền Trung, trong đó có hơn 150 ngư dân Quảng Nam.
Bão Xangsane hình thành trên vùng biển phía đông Philippines ngày 25/9/2006. Ngày 01/10/2006, bảo Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng, một phần Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế gây thiệt hại rất nặng nề. Bão khiến 19.736 căn nhà bị sập và 69 người chết và 2 người ở Hà Tĩnh và Quảng Bình bị mất tích do lũ cuốn. Bão Xangsane khiến 273.744 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng.
(Nguồn: https://kenhthoitiet.vn)
Những việc hộ gia đình cần làm trước khi bão đến
● Theo dõi thông tin về bão;
Hình 2.7. Theo dõi thông tin về bão trên tivi
(Nguồn: Oxfam)
● Chặt tỉa cành to, cây khô quanh nhà và trong khu vực để giảm nguy cơ cây gãy đổ;
● Bảo quản các giấy tờ quan trọng trong túi ni-lông dán kín;
● Dự trữ lương thực, thực phẩm, chất đốt, nước sạch, thuốc chữa bệnh;
● Đưa gia súc, gia cầm tới nơi an toàn;
Hình 2.8. Gia cố, chằng chống nhà cửa trước khi bão đến
(Nguồn: Oxfam)
● Gia cố, chằng chống nhà cửa;
● Thực hiện kế hoạch của chính quyền nếu phải sơ tán.
Những việc hộ gia đình cần làm trong khi bão đến
● Chỉ nên dời chỗ trú ẩn vài giờ sau khi bão tan;
● Không trú ẩn dưới gốc cây, gần cột điện;
● Tránh các ổ điện ướt hoặc dây điện đứt;
● Chú ý nếu có mưa lớn liên tục có thể gây ra lũ lụt;
● Trông nom các em nhỏ, người già.
Hình 2.9. Ở trong nhà an toàn khi bão đến
(Nguồn: Oxfam)
Hình 2.10. Không trú ẩn dưới gốc cây khi bão đến
(Nguồn: Oxfam)
Những việc hộ gia đình cần làm sau khi bão xảy ra
● Tiếp tục nghe các thông tin về bão;
● Kiểm tra nguồn điện trong nhà trước khi sử dụng;
● Kiểm tra để phát hiện các thiệt hại của gia đình;
● Kiểm tra nguồn nước;
● Tham gia các công tác thu dọn, vệ sinh môi trường sau bão.
Hình 2.11. Thu dọn, vệ sinh môi trường sau bão
(Nguồn: Oxfam)
Hình 2.12. Tiếp tục nghe các thông tin về bão
(Nguồn: Oxfam)
Nguyên tắc xây dựng nhà ở vùng chịu ảnh hưởng của gió bão
Xây dựng các nhà ở kiên cố, thường xuyên chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới. Ở các cửa biển, ven biển, nơi trống trải, nếu nhà ở lợp bằng lá, tôn tráng kẽm, fibro xi măng, ngói có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có bão, áp thấp nhiệt đới.
Một số biện pháp chằng chống nhà cửa:
● Đối với nhà mái lá: Dùng giằng chữ A và dây neo để chống tốc mái, đổ nhà.
● Đối với nhà mái tôn, fibro xi-măng:
+ Chống tốc mái tôn, fibro xi-măng bằng bao cát:
● Đối với nhà mái ngói:
Kinh nghiệm ở một số vùng thường xuyên có bão, áp thấp nhiệt đới để bảo đảm an toàn tính mạng, người ta làm hầm trú ẩn như sau: Tìm một vùng đất cao không bị ngập nước, xung quanh không có cột điện, cây cối lớn. Sau đó đào sâu khu đất xuống khoảng 0,5m, dùng bao cát chắn xung quanh dày 2-3 lớp cao khoảng 1,5m, không nên chắn cao đề phòng gió cuốn, phía trên phủ bằng vật liệu nhẹ. Tùy theo độ rộng, mỗi hầm như vậy có thể cho vài chục người trú ẩn khá an toàn.
2. Ứng phó với lũ lụt
2.1. Đặc điểm
Lũ là mực nước và tốc độ dòng chảy trên sông, suối bình thường vượt quá mức bình thường.
Lụt xảy ra khi nước lũ dâng cao tràn qua sông, suối, hồ, đập và đê vào các vùng trũng, làm ngập nhà cửa, cây cối, đồng ruộng kéo dài một khoảng thời gian… Tại Việt Nam, có 3 loại lũ chính là lũ quét, lũ sông và lũ ven biển (nước biển lên cao).
Hình 2.13. Lũ quét
Hình 2.14. Lũ sông
Hình 2.15. Lũ ven biển
MỘT SỐ TRẬN LŨ LỤT LỚN NHẤT VIỆT NAM TRONG 20 NĂM QUA
Lũ lụt khắp miền Trung năm 2020 (hay còn được gọi là lũ chồng lũ) bắt đầu từ ngày 06/10/2020, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế của Bắc Trung Bộ, một phần Nam Trung Bộ gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Bắc Tây Nguyên. Lũ lụt miền Trung 2020 được xem là một đợt lũ lụt lịch sử mới, được đặt mức báo động IV, thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn của Việt Nam, ảnh hưởng sâu rộng và tác động gây tổn thất, thiệt hại toàn khu vực, phá hủy, trì hoãn và đẩy ngược nền kinh tế - xã hội của miền Trung.
Trận đại hồng thủy miền Trung tháng 10/1999: Mưa lớn kéo dài tại miền Trung đã khiến mực nước các sông lên đến mức kỷ lục, nhất là tại sông Hương. Theo Wikipedia, lúc đó, lượng mưa trong một ngày ở thành phố Huế lên đến 1.384 mm. Sau đó, đỉnh lũ ở sông Hương đã lên tới mức kỷ lục, cao nhất trong vòng 100 năm (tính đến năm 1999).
Trận lụt lịch sử tại miền Trung tháng 11/1999 được xem là trận lụt lớn nhất từ trước đến thời điểm đó xảy ra tại Việt Nam, đã làm ngập trắng 10 tỉnh, thành và khiến 595 người chết, thiệt hại tổng cộng hơn 3.773 tỷ đồng. Thiệt hại nặng nề nhất là các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng. Riêng tại Thừa Thiên - Huế, đã có 372 người chết và thiệt hại hơn 1.780 tỷ đồng.
Lũ lụt tại Hà Nội tháng 11/2008
Đợt mưa lớn trái mùa năm 2008 tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ đã vượt qua mọi dự đoán và gây ra trận lụt lịch sử tại Hà Nội. Đợt mưa lớn này được đánh giá là có lượng mưa kỷ lục trong vòng 100 năm tại đây (tính đến năm 2008). Tính đến chiều 01/11/2008, tổng lượng mưa ở khu vực Hà Nội phổ biến từ 350 - 550 mm. Tại Hà Nội đã có 17 người thiệt mạng, tuyến đê sông Hồng bị sạt mái, gần 13.000 hộ dân ven đê ngập nhà cửa, các hồ chứa bị tràn nước. Tổng thiệt hại ban đầu tại Hà Nội ước tính ít nhất là 3.000 tỷ đồng.
Mưa lũ lịch sử tàn phá Quảng Ninh tháng 7/2015
Tổng lượng mưa đo được tại một số điểm ở Quảng Ninh từ ngày 23 đến ngày 29/7/2015 đã vượt quá 1.500 mm. Theo đánh giá, đây là trận mưa lớn nhất trong vòng 55 năm tại Quảng Ninh (tính đến năm 2015), phá vỡ hàng loạt kỷ lục. Sau ba ngày mưa lũ, tổng thiệt hại về tài sản tại đây đã vượt quá con số 1.000 tỷ đồng, 23 người thiệt mạng và mất tích, gần 4.000 ngôi nhà bị ngập lụt.
Nguồn: https://www.tienphong.vn/
2.2. Lũ lụt có thể gây nên các tác động có hại
● Thiệt hại về người (gây thương tích và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng) - Thiệt hại về người chủ yếu do chết đuối; người bị thương do lũ khá phổ biến. Lũ có khả năng làm tăng mức độ lây nhiễm dịch bệnh (Ví dụ: Sốt rét, tiêu chảy, bệnh truyền nhiễm do vi-rút);
● Thiệt hại về vật chất - Nhà cửa, cơ sở hạ tầng có thể bị lũ cuốn trôi, làm sập, đổ do bị ngâm nước hoặc bị hư hỏng do các vật trôi nổi trong nước lũ va đập vào. Ở những nơi đất bị bão hòa có thể xảy ra hiện tượng sạt lở đất. Thiệt hại ở các vùng thung lũng sông thường lớn hơn so với những vùng đất trống. Tài sản của các hộ gia đình có thể bị hư hỏng, thất lạc;
● Cấp nước - Lũ có thể gây ô nhiễm nước mặt hoặc ô nhiễm các giếng khơi và tầng nước ngầm. Không có nước sạch;
Hình 2.16. Thiệt hại về đường sá do lũ quét
● Cung cấp lương thực, thực phẩm - Thu hoạch mùa vụ, kho trữ lương thực, thực phẩm dự trữ có thể bị thiệt hại do bị ngập nước. Vật nuôi, các công cụ sản xuất và hạt giống có thể bị cuốn trôi;
● Hiểm họa thứ cấp - Dịch bệnh, lan truyền dịch bệnh theo nguồn nước, gây sạt lở đất.
Hình 2.17. Lũ lụt làm giảm năng suất cây trồng
2.3. Các yếu tố cụ thể góp phần làm tăng thiệt hại do lũ lụt
● Vị trí khu dân cư ở những vùng dễ chịu tác động của lũ;
● Khả năng thấm của mặt đất bị suy giảm (do xói mòn hoặc bê tông hóa);
Hình 2.18. Nhà gần sông dễ chịu tác động của lũ lụt
● Nhà cửa, cơ sở hạ tầng không có khả năng chống chịu lũ;
● Cơ sở hạ tầng nằm trong vùng có rủi ro lũ cao;
● Kho chứa lương thực, thực phẩm, cây trồng, vật nuôi không được bảo vệ;
● Tàu thuyền không được trang bị áo phao, vật nổi thích hợp;
Hình 2.19. Thuyền không được trang bị áo phao, vật nổi dễ chịu tác động của lũ lụt
● Thiếu nguồn lực, kỹ năng cần thiết để ứng phó với lũ (Ví dụ như các trang thiết bị cứu hộ trên sông, kỹ năng cứu nạn trong lũ, khả năng bơi).
2.4. Những việc hộ gia đình nên làm trước khi lũ lụt xảy ra
● Theo dõi những thông tin về lũ lụt trên truyền hình, đài, loa phóng thanh;
● Bảo quản các giấy tờ quan trọng, đồ vật quý trong túi ni-lông và để ở nơi cao, an toàn;
● Dự trữ lương thực, thực phẩm, chất đốt, nước sạch, thuốc chữa bệnh cho gia đình trong ít nhất 1 tuần và để nơi cao, an toàn;
● Kê kích các đồ vật, tài sản lên cao;
● Chuẩn bị thuyền để sử dụng khi cần;
● Bảo vệ nguồn nước của gia đình (che đậy miệng giếng, bể chứa nước);
● Chuẩn bị tre và dây thừng để làm gác lửng trong nhà để ở tạm;
● Bảo vệ nhà bằng cách nhồi đầy cát vào bao tải và xếp chúng quanh nhà;
● Xác định địa điểm và phương tiện nếu phải di dời;
● Thực hiện kế hoạch của chính quyền nếu phải sơ tán.
Hình 2.20. Dự trữ lương thực, thực phẩm, chất đốt trước khi lũ lụt xảy ra
(Nguồn: Oxfam)
2.5. Việc hộ gia đình nên làm và không nên làm trong khi lũ lụt xảy ra
Nên |
Không nên |
● Nên bảo vệ trẻ em ● Nên mang theo áo phao, hay vật dụng nổi khi đi ra ngoài ● Nên cắt hết nguồn điện ● Nên đảm bảo nguồn nước sạch sử dụng (khử trùng nước bằng Cloramin B) ● Nên uống nước đã đun sôi (nhưng chỉ sử dụng nước đã lắng phèn) ● Hứng nước mưa dùng trong ăn uống ● Cảnh giác với dây điện hở, rắn rết, bờ đê sạt lở đất |
● Lội xuống nước nếu nhìn thấy dây điện hoặc cột điện bị đổ xuống nước ● Ở gần các bờ sông hoặc suối ● Cho trẻ em đến gần nơi dòng lũ ● Dùng nước lụt để uống và nấu ăn ● Ăn thức ăn đã bị ôi thiu hoặc ngập trong nước lụt |
Hình 2.21. Những việc hộ gia đình nên làm và không nên làm trong khi lũ lụt xảy ra
(Nguồn: Oxfam)
2.6. Một số biện pháp bảo vệ đàn trâu bò mùa mưa lũ
Trước mùa mưa lũ các hộ nuôi trâu bò nên:
● Tôn cao nền chuồng, làm sàn chuồng;
● Dự trữ thức ăn đầy đủ;
● Làm rèm che chắn, tránh mưa tạt, gió lùa;
● Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh (bệnh tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng...).
Trong mùa mưa lũ các hộ nuôi trâu bò nên:
● Di dời trâu bò lên những vùng đất cao nếu có nguy cơ ngập lụt;
● Bảo quản thức ăn dự trữ cho trâu bò ở nơi khô ráo, không bị ẩm mốc;
● Không cho trâu bò uống nước lũ đã nhiễm bẩn, cần cho uống nước đã lắng phèn hoặc khử trùng.
Sau mùa mưa lũ các hộ nuôi trâu bò nên:
● Vệ sinh chuồng trại, vệ sinh môi trường đảm bảo nền chuồng khô ráo, sạch sẽ;
● Tăng chất độn chuồng;
● Tăng lượng thức ăn tinh bột, bổ sung vào thức ăn lượng muối khoáng vừa đủ để tăng sức cho trâu bò;
● Đề phòng bệnh chướng hơi dạ cỏ do trâu bò ăn phải thức ăn ngấm bùn...
● Theo dõi nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh để chủ động phòng chống khi dịch bệnh có thể xảy ra.
Hình 2.22. Chuồng trâu bò vượt lũ
(Nguồn: http://vietbao.vn)
Hình 2.23. Đưa đàn trâu bò lên chuồng vượt lũ
2.7. Một số biện pháp bảo vệ đàn lợn mùa mưa lũ
Để bảo vệ đàn lợn của gia đình mình trong mùa mưa lũ các hộ dân nên:
● Cải tạo nền chuồng cao hơn từ 0,4 - 0,5 m so với mực nước lũ cao nhất;
Hình 2.24. Nền chuồng nuôi lợn cao hơn từ 0,4 - 0,5 m so với mực nước lũ cao nhất
(Nguồn: SRD)
● Làm thêm một ô sàn bằng gỗ để tránh lụt lớn cao 0,8 m so với nền chuồng;
● Kiểm tra, buộc lại mái chuồng, chằng chống lại chuồng vật nuôi;
● Không cho lợn uống nước lũ đã nhiễm bẩn, cần cho uống nước đã lắng phèn hoặc khử trùng.
Hình 2.25. Chuồng lợn cao tầng tránh lũ
(Nguồn: VOV)
2.8. Một số biện pháp bảo vệ đàn gà trong mưa lũ
Để bảo vệ đàn gà của gia đình mình trong mùa mưa lũ các hộ dân nên:
● Cải tạo chuồng nuôi cao đảm bảo không bị ngập;
● Trong chuồng làm thêm sàn đậu cho gà;
● Không cho gà uống nước lũ đã nhiễm bẩn, cần cho uống nước đã lắng phèn hoặc khử trùng;
● Thay nền đệm lót nếu bị ướt bởi ngập nước mưa, lũ;
● Nhỏ/tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gà (dịch tả)...
Hình 2.26. Làm thêm sàn đậu cho gà đảm bảo không bị ngập khi lũ lụt xảy ra
(Nguồn: SRD)
Hình 2.27. Chuồng nuôi gà cao đảm bảo không bị ngập khi lũ lụt xảy ra
(Nguồn: SRD)
2.9. Một số biện pháp bảo vệ cá nuôi trong mùa mưa lũ
Để bảo vệ đàn cá nuôi của gia đình mình trong mùa mưa lũ các hộ dân nên:
● Kiểm tra lại bờ ao, cống thoát nước;
● Đắp lại bờ nơi xung yếu;
● Đầm nện bờ chắc chắn, tránh rò rỉ, tràn bờ.
● Đắp các bờ ao cao hơn mức nước lũ cao nhất từ 0,4 - 0,5 m trở lên.
● Dọn sạch đăng cống để nước thoát nhanh;
● Tính lại thời vụ nuôi để thu hoạch trước mùa mưa lũ.
Hình 2.28. Vây lưới cao để bảo vệ đàn cá trong mùa mưa bão
Hình 2.29. Dọn sạch đăng cống để nước thoát nhanh
(Nguồn: http://baokhanhhoa.com.vn)
3. Ứng phó với hạn hán
3.1. Đặc điểm
Hạn hán xảy ra khi một vùng thiếu nước khi không có mưa trong một thời gian dài hoặc do khai khác và sử dụng nguồn nước không hợp lý, do lượng nước bốc hơi nước từ các sông, hồ lớn hơn lượng mưa (nắng nóng kéo dài); như khai thác quá mức nước ngầm, phá rừng).
MỘT SỐ ĐỢT HẠN HÁN: NGHIÊM TRỌNG NHẤT TRONG 100 NĂM QUA
Hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (2020) đến sớm và gay gắt. Nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thiếu hụt từ 20 - 35% so với trung bình nhiều năm, tình trạng thiếu nước. Mưa trái mùa xảy ra ít, kết hợp với việc sử dụng, khai thác tài nguyên nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập vùng thượng nguồn gia tăng, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy sản và diện tích trồng cây ăn trái ở đồng bằng sông Cửu Long.
Hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long (2016) được đánh giá là nghiêm trọng nhất và chưa từng có trong lịch sử. Việc này đã gây thiệt hại lớn đến tài sản của người dân và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế Việt Nam. Thống kê thiệt hại của Vụ Kinh tế Nông nghiệp cho thấy, tính đến hết tháng 5, số hộ thiếu nước sinh hoạt là 288.259. Thiệt hại về lúa lên tới 249.944 ha, hoa màu 18.960 ha, cây ăn quả 30.522 ha, cây công nghiệp 149.704 ha, thủy sản là 6.857 ha… Ước tính hạn hán, xâm ngập mặn đã làm thiệt hại khoảng 15.183 tỷ đồng.
Nguồn: https://vnexpress.net/
3.2. Hạn hán có thể gây ra các tác động có hại
● Không có đủ nước uống, nước sinh hoạt và sử dụng hàng ngày;
● Giảm sản lượng của hoa màu và cây trồng, do cây trồng bị chết hoặc không thể canh tác lại được nữa, có thể dẫn tới tình trạng thiếu lương thực;
● Tôm cá trong các ao, hồ sẽ chết khi ao hồ bị khô cạn;
● Gia súc như trâu, bò, lợn có thể sẽ bị bán hoặc nếu hạn hán diễn ra trong thời gian dài, chúng có thể bị chết khát hoặc bị bệnh;
● Các tác động về kinh tế: Làm giảm thu nhập của nông dân, giảm chi phí dành cho các hoạt động nông nghiệp; làm tăng giá lương thực nguyên liệu (ví dụ như thóc gạo), tăng lạm phát, tăng dịch bệnh do suy dinh dưỡng hoặc bệnh tật do vệ sinh, đặc biệt là đối với trẻ em và người già;
● Khi lưu lượng nước trong sông bị suy giảm, những vùng đất gần biển có thể bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn và nhiễm mặn.
Hình 2.30. Những tác động có hại của hạn hán
(Nguồn: Oxfam)
3.3. Các yếu tố cụ thể góp phần làm tăng thiệt hại do hạn hán
● Nằm trong vùng đất khô hạn, nơi các điều kiện khô hạn gia tăng do hạn hán;
● Canh tác trên các vùng đất có chất lượng thấp hoặc đất canh tác bạc màu;
● Thiếu các đầu vào cho canh tác để cải thiện sản lượng;
● Thiếu hệ thống quản lý nguồn nước;
● Thiếu nguồn giống và dự trữ lương thực;
● Các vùng đất phụ thuộc vào các hệ thống thời tiết khác đối với nguồn nước;
● Các vùng đất có lượng giữ ẩm trong đất thấp.
3.4. Những việc hộ gia đình nên làm trước khi hạn hán xảy ra
● Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trên truyền hình, đài phát thanh, loa truyền thanh để biết các thông tin cảnh báo hạn hán.
● Xây dựng và cải tạo hệ thống tưới tiêu.
● Tiết kiệm các nguồn nước tưới.
● Bảo dưỡng ống nước, vòi nước bị vỡ.
● Khai thác nhiều nguồn nước khác nhau, đặc biệt là nước mưa.
● Để dành cỏ, thực phẩm để nuôi gia súc.
● Trữ hạt giống mầm nơi an toàn.
● Khởi thông hệ thống kênh mương nội đồng.
3.5. Những việc hộ gia đình không nên làm trước khi hạn hán xảy ra
● Không lãng phí nước.
● Không khai thác và sử dụng các nguồn nước mà không có kế hoạch.
● Không đốt các phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch như rơm, rạ, trấu trên đồng ruộng mà tận dụng làm thức ăn cho gia súc.
Hình 2.31. Những việc hộ gia đình nên làm trước khi hạn hán xảy ra
(Nguồn: Oxfam)
3.6. Những việc hộ gia đình nên làm trong khi hạn hán xảy ra
● Theo dõi chặt chẽ thông tin trên truyền hình, đài báo để nghe các thông báo và lời khuyên của địa phương.
● Tiết kiệm nước đã dùng trong sinh hoạt, sử dụng lại để tưới cây, nhà vệ sinh…
● Thực hiện tốt các biện pháp tích trữ nước, đặc biệt là nước mưa.
● Khai thác nhiều nguồn nước khác.
● Thận trọng khi dùng lửa.
● Lấy nước ở nguồn nước an toàn gần nhà nhất.
● Cung cấp đủ nước cho cơ thể, vật nuôi cũng như cây trồng.
● Giám sát dịch bệnh.
Hình 2.32. Những việc hộ gia đình nên làm trong khi hạn hán xảy ra
(Nguồn: Oxfam)
4. Ứng phó với nắng nóng
4.1. Đặc điểm
Nắng nóng là một dạng thời tiết đặc biệt thường xảy ra trong những tháng mùa hè. Nắng nóng là sự biểu hiện khi nền nhiệt độ trung bình ngày khá cao và được đặc trưng ở nhiệt độ cao nhất trong ngày.
Nắng nóng có thể xảy ra trong trường hợp ít mây, độ ẩm tương đối của không khí thấp (thông thường giảm xuống dưới 55%) thì được gọi là hiện tượng khô nóng. Trường hợp nắng nóng xảy ra trong điều kiện nhiều mây, độ ẩm tương đối trong không khí tương đối cao khi đó thời tiết kèm theo nó là rất oi bức, cơ thể con người cảm thấy rất khó chịu.
Trong những ngày nắng nóng đôi khi có xảy ra mưa rào và dông vào lúc chiều tối. Tuy nhiên, do các yếu tố khí tượng có mối quan hệ khá chặt chẽ nên đơn giản mức độ nắng nóng được căn cứ theo nhiệt độ cao nhất trong ngày.
Hình 2.33. Dự báo nắng nóng gay gắt tiếp tục trải rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ
(Nguồn: vtv.vn)
Một ngày trên một địa phương nào đó được coi là có nắng nóng khi nhiệt độ cao nhất trong ngày 35oC ≤ Tx < 37oC, được coi là có nắng nóng gay gắt khi 37oC ≤ Tx < 39oC, còn khi Tx ≥ 39oC được coi là ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt. Khi nắng nóng diện rộng xuất hiện liên tục từ 02 ngày trở lên trong một khu vực dự báo thì được gọi là một đợt nắng nóng. Một đợt nắng nóng trên diện rộng được gọi là đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng khi đợt nắng nóng đó có ít nhất 01 ngày đạt tiêu chuẩn nắng nóng gay gắt diện rộng.
MIỀN BẮC LẬP KỶ LỤC NẮNG NÓNG KÉO DÀI NHẤT LỊCH SỬ TRONG VÒNG GẦN 50 NĂM
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 6/2020, ở Bắc Bộ đã xuất hiện khoảng 21 ngày nắng nóng diện rộng, riêng Thủ đô Hà Nội (tại trạm Hà Đông) xảy ra 26 ngày nắng nóng. Đây được đánh giá là đợt nắng nóng kéo dài nhất lịch sử trong chuỗi số liệu tính từ năm 1971 đến nay (49 năm).
Ở các tỉnh miền Trung, trong tháng 6 cũng có tới 27/31 ngày nắng nóng diện rộng, với ngưỡng nhiệt cao phổ biến từ 36-39 độ C. Tại Đô Lương (Nghệ An) cao nhất là 41,2 độ C, Hương Khê 41,1 độ C. Số ngày nắng nóng tại Trung Bộ chỉ ở mức trung bình bởi năm 2015 ở miền Trung xảy ra nắng nóng dài kỷ lục, 32 ngày ở khu vực Nam Trung Bộ, 36 ngày ở các tỉnh Trung Trung Bộ, 39 ngày ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Nền nhiệt trung bình trên cả nước trong tháng 6 đều cao hơn so với nền nhiệt chung từ 1 - 2 độ C; trong đó khu vực Tây Bắc cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 1,0 - 2 độ C; Việt Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cao hơn TBNN từ 1,5 - 2,5 độ C, có nơi 3 độ C.
Các tỉnh Trung Trung Bộ cao hơn TBNN từ 1,0 - 2,0 độ C; khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cao hơn TBNN từ 0,5 - 1,5 độ C. Các tỉnh Nam Bộ là nơi có sự biến động nhiệt độ ít nhất, nhưng cũng cao hơn TBNN khoảng 1,0 độ C.
Nguồn: http://danviet.vn
4.2. Cách phòng bệnh cho người trong thời tiết nắng nóng
Thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Bên cạnh đó, khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi.
Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ động.
- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
(Nguồn: http://vncdc.gov.vn)
Hình 2.34. Đề phòng sốc nhiệt hoặc cảm nắng trong thời tiết nắng nóng
4.3. Một số biện pháp bảo vệ đàn trâu bò trong thời tiết nắng nóng
Để bảo vệ đàn trâu bò của mình trong thời tiết nắng nóng các hộ dân nên:
● Cải tạo chuồng nuôi cho thông thoáng, phủ thêm lá cọ, rơm rạ, phun nước lên mái chuồng;
● Định kỳ phun thuốc sát trùng trong và xung quanh chuồng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt… - những tác nhân truyền và gây bệnh cho trâu bò trong thời tiết nắng nóng;
● Đảm bảo diện tích chuồng nuôi mỗi con trâu bò tối thiểu là 4 m2;
● Giữ nền chuồng khô ráo;
● Buổi sáng đi chăn thả sớm (6 giờ thả, 9 giờ về chuồng). Buổi chiều chăn thả muộn (4 giờ thả, 6 giờ về chuồng). Nên buộc trâu bò ở những nơi có cây xanh bóng mát;
● Cho trâu bò uống đủ nước mát, bổ sung thêm Vitamin C vào nước uống hoặc pha muối vào nước uống (10 - 15g muối/ 01 lít nước);
Hình 2.35. Chuồng trâu bò được chống nóng
● Tắm chải cho trâu bò 01-02 lần/ngày;
● Phòng các bệnh ngoài da cho trâu bò bằng thuốc Dipterrex, Virkon…;
● Tiêm vắc-xin phòng chống các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Hình 2.36. Chuồng trâu bò thoáng mát
4.4. Một số biện pháp bảo vệ đàn lợn trong thời tiết nắng nóng
Để bảo vệ đàn lợn của mình trong thời tiết nắng nóng các hộ dân nên:
● Cải tạo chuồng nuôi cho thông thoáng, phủ thêm lá cọ, rơm rạ, phun nước lên mái chuồng;
● Sử dụng quạt thông gió trong chuồng nuôi;
●Trồng cây xanh xung quanh chuồng (Ví dụ cây chuối);
● Đảm bảo chuồng đủ rộng để 01 con lợn nái có 3 - 4 m2, 01 con lợn thịt có khoảng là 2 m2;
● Cho lợn ăn thêm rau xanh, củ tươi;
● Cho lợn ăn thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát;
● Cho lợn uống có đủ nước mát;
Hình 2.37. Cho lợn ăn thêm rau xanh khi thời tiết nắng nóng
(Nguồn: doisongphapluat.com)
● Bổ sung vào nước uống Vitamin C, các chất điện giải hoặc muối ăn (khoảng 10 - 15g muối/01 lít nước);
● Tắm cho lợn 01 - 02 lần/ngày;
● Tiêm vắc-xin phòng các bệnh cho lợn (phòng thương hàn, tả, tụ huyết trùng).
Hình 2.38. Tiêm vắc-xin phòng các bệnh cho lợn khi thời tiết nắng nóng
(Nguồn: sonongnghiep.haiduong.gov.vn)
4.5. Một số biện pháp bảo vệ đàn gà trong thời tiết nắng nóng
Để bảo vệ đàn gà của mình trong thời tiết nắng nóng các hộ dân nên:
● Cải tạo chuồng nuôi cho thông thoáng, phủ thêm lá cọ, rơm rạ, phun nước lên mái chuồng;
● Tạo bãi chăn thả gà có vây lưới hoặc rào bằng vạt tre xung quanh,... sao cho thông thoáng chắc chắn. Chiều cao từ 1,3 - 1,5 m, tối thiểu là 02 - 03 m2/gà;
● Đảm bảo mật độ nuôi trong chuồng vừa phải, khoảng 8-10 con/m2;
Hình 2.39. Tạo bãi chăn thả gà có vây lưới
(Nguồn: SRD)
● Thay thế lớp đệm lót sinh học mới;
● Cho gà uống đủ nước mát;
● Cho gà uống Bcomplex, Vitamin C, chất điện giải;
● Nhỏ/Tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho gà (dịch tả, tụ huyết trùng).
Hình 2.40. Chuồng gà với mái chống nóng
(Nguồn:baoyenbai.com.vn)
4.6. Một số biện pháp bảo vệ đàn cá nuôi trong thời tiết nắng nóng
Để bảo vệ đàn cá nuôi ở trong ruộng khi thời tiết nắng nóng kéo dài các hộ dân nên:
● Đảm bảo lượng nước đầy đủ, tránh nước rò rỉ bằng cách đầm nén chặt bờ.
● Đào mương và tạo các chỗ trũng trong ruộng làm nơi trú ẩn cho cá vào những ngày nắng nóng kéo dài và cũng là nơi tập trung cho cá ăn, thu hoạch cá.
Hình 2.41. Nuôi cá trong ruộng lúa
Hình 2.42. Thiết kế mô hình nuôi cá trong ruộng lúa
● Nếu là ruộng nhỏ, đào một chỗ trũng, nếu là ruộng to đào 2 - 3 chỗ trũng ở giữa ruộng hoặc rìa ruộng, diện tích chỗ trũng chiếm 2 - 3% tổng diện tích ruộng. Hệ thống mương hình dấu cộng (+) hoặc hình chữ nhật để nối thông giữa các chỗ trũng, mương rộng 0,5 m, độ sâu 0,4 - 0,5 m.
Để bảo vệ đàn cá nuôi ở trong ao hồ khi nắng nóng kéo dài các hộ dân nên:
● Tẩy dọn sạch sẽ, nạo vét bùn, chỉ để lượng bùn vừa phải, sau đó phơi nắng đáy ao thật kỹ trước khi đưa vào nuôi;
● Ủ kỹ phân bón, lượng bón tùy theo điều kiện thời tiết và chất nước mà điều chỉnh cho thích hợp;
Hình 2.43. Đầu tư máy guồng nước để điều hòa nhiệt độ mặt nước, tăng cường ôxy cho cá sinh trưởng tốt
(Nguồn: http://baophutho.vn)
● Nuôi với mật độ cá vừa phải để đảm bảo môi trường đủ ôxy;
● Cho cá ăn nên áp dụng biện pháp 4 định: Định chất lượng, định số lượng, định thời gian và định địa điểm;
● Vứt bỏ thức ăn hàng ngày còn thừa;
● Chọn thời tiết có nhiệt độ thích hợp để vận chuyển cá. Nếu nhiệt độ quá cao, phải có biện pháp xử lý hạ nhiệt khi vận chuyển. Nhiệt độ nước chênh lệch trong vận chuyển không quá 2 - 5oC, đối với cá cỡ lớn, nhiệt độ thay đổi không quá 5oC, đối với con giống, không quá 2 - 4oC.
● Thường xuyên theo dõi sự biến đổi của môi trường để bơm nước sạch vào ao.
5. Ứng phó với rét đậm, rét hại
5.1. Đặc điểm
Rét đậm, rét hại là một dạng thời tiết cực đoan phổ biến ở miền núi phía Bắc Việt Nam vào mùa lạnh. Rét đậm: Khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực dao động phổ biến trong khoảng từ 13 đến 15 độ C (13oC < Ttb ≤ 15oC). Rét hại: Khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực giảm xuống dưới 13 độ C (Ttb ≤ 13oC).
NĂM 2008 THIỆT HẠI DO GIÁ RÉT LÊN TỚI GẦN 400 TỶ ĐỒNG
Đây là thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là lần đầu tiên trong lịch sử có một đợt rét đậm, rét hại kéo dài liên tiếp tính đến nay là gần 40 ngày, trong đó có 25 ngày rét hại gây thiệt hại lớn cho ngành Chăn nuôi. Số gia súc chết rét lên tới gần 52.000 con. Con số thiệt hại đối với ngành trồng trọt đã gần 200 tỷ đồng. Đã có trên 146.000 ha lúa, 9.500 ha mạ ở các địa phương bị chết do rét.
Nguồn: http://www.vovnews.vn
Nhiệt độ trung bình ngày dưới 15oC và 13oC phải gắn với hiện trạng thời tiết nhiều mây, đầy mây và có thể có mưa nhỏ khi đó mới được coi là rét đậm, rét hại. Trong thực tế vào những ngày trời quang mây về đêm nhiệt độ xuống rất thấp, nhưng ban ngày trời nắng nhiệt độ lên rất cao, nhiệt độ trung bình ngày vẫn có thể dưới 15oC nhưng không được coi là rét đậm được.
5.2. Một số biện pháp bảo vệ đàn trâu bò trong thời tiết rét đậm, rét hại
Để bảo vệ đàn trâu bò của gia đình mình trong thời tiết rét đậm, rét hại, các hộ dân nên:
● Để trâu bò tại chuồng nuôi, không thả trâu bò ở ngoài đồng;
● Che chắn chuồng trại tránh gió lùa bằng phên tre, nứa, bao tải, vải bạt…
● Trong chuồng nên có chất độn chuồng, giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ;
● Sưởi cho trâu bò trong chuồng bằng bóng điện hay củi, rơm, trấu;
● May áo giữ ấm cho trâu bò bằng các loại bao tải;
● Tăng cường cho trâu bò ăn thức ăn tinh, giàu đạm, đủ vitamin, các loại khoáng, muối ăn;
● Bổ sung cho trâu bò ăn các thức ăn ủ chua như thân cây lạc, lá sắn, củ khoai lang, rơm.
● Cho trâu bò ăn nhiều bữa trong ngày để đảm bảo cho trâu bò không bị đói.
● Cho trâu bò uống đủ nước ấm có hòa muối với lượng 5 g muối/100 kg thể trọng trâu bò;
● Phun thuốc sát trùng định kỳ lên nền chuồng và xung quanh chuồng;
● Rắc vôi bột xung quanh chuồng.
● Tiêm vắc-xin phòng chống các bệnh truyền nhiễm (lở mồm long móng, tụ huyết trùng) theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Hình 2.44. Trâu được mặc “áo” chống rét
Hình 2.45. Chuồng trâu bò được che chắn, dự trữ rơm đề phòng rét đậm, rét hại
5.3. Một số biện pháp bảo vệ đàn lợn trong thời tiết rét đậm, rét hại
Để bảo vệ đàn lợn của gia đình mình trong thời tiết rét đậm, rét hại, các hộ dân nên:
● Áp dụng nền đệm lót sinh học;
● Che chắn chuồng trại tránh gió lùa bằng phên tre, nứa, bao tải, vải bạt…;
● Sử dụng bóng điện sưởi ấm trong chuồng lợn (tốt nhất là dùng bóng tia cực tím);
● Cho lợn uống đủ nước ấm (37 - 38 độ C), nước ấm pha muối (khoảng 10 - 30g muối/10 lít nước);
● Tiêm phòng vắc-xin các bệnh cho lợn (lở mồm long móng, tụ huyết trùng, phó thương hàn, tả).
Hình 2.46. Chuồng lợn với nền đệm lót sinh học
(Nguồn: SRD)
Hình 2.47. Sưởi ấm cho lợn con bằng đèn khi trời rét đậm, rét hại
(Nguồn: SRD)
5.4. Một số biện pháp bảo vệ đàn gà trong thời tiết rét đậm rét hại
Để bảo vệ đàn gà của gia đình mình trong thời tiết rét đậm, rét hại, các hộ dân nên:
● Che chắn chuồng trại tránh gió lùa bằng phên tre, nứa, bao tải, vải bạt…;
Hình 2.48. Chuồng gà được che chắn đề phòng rét đậm, rét hại
● Sử dụng bóng điện sưởi ấm trong chuồng gà (tốt nhất là dùng bóng tia cực tím);
● Cho gà uống đủ nước;
Hình 2.49. Sưởi ấm cho gà bằng bóng điện khi trời rét đậm, rét hại
● Nhỏ/Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gà (cúm gia cầm, gumboro, newcastle, tụ huyết trùng).
5.5. Một số biện pháp bảo vệ cá nuôi khi trời rét đậm rét hại
Để bảo vệ đàn cá nuôi của gia đình mình trong thời tiết rét đậm, rét hại, các hộ dân nên:
● Chọn thả những loại cá có khả năng chịu rét tốt;
● Thả những con khỏe mạnh, đều con không xây xát, bệnh tật;
● Trước khi thả tắm cho cá bằng nước pha muối 3 phần nghìn trong 2 - 3 phút.
● Dùng tre làm giàn trên mặt ao che phủ ni-lông kín hoặc làm sọt cho cá tránh rét (Tạo một góc ao về phía Bắc sâu, dùng các sọt đan bằng tre lấy rơm rạ dùng nước vôi phun vào sát trùng, phơi thật khô ấn đầy vào sọt cắm cọc dìm xuống đáy ao, lúc trời rét cá chui vào tránh rét trên mặt ao thả 2/3 bèo tây về phía Bắc).
● Giữ mực nước sâu 1,5 m trở lên để đảm bảo nhiệt độ.
Hình 2.50. Che phủ mặt ao nuôi cá khi trời rét đậm, rét hại
Hình 2.51. Sử dụng bèo che mặt ao chống rét cho cá
● Cho cá ăn đầy đủ, sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao, khẩu phần phù hợp, bổ sung Vitamin C để tăng sức đề kháng. Khi nhiệt độ nước ao nuôi xuống dưới 15oC thì ngừng cho ăn, vào thời điểm nắng ấm trong ngày có thể cho ăn bằng thức ăn tinh, thức ăn chế biến, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh.
● Định kỳ dùng CaO, liều lượng 2 - 3 kg/100 m2 (01 lần/ tháng) bón xuống ao nuôi để phòng ngừa bệnh nấm, ký sinh trùng cho cá.
5.6. Một số biện pháp bảo vệ cây mạ trong điều kiện rét đậm, rét hại
Để bảo vệ cây mạ của gia đình mình trong thời tiết rét đậm, rét hại, các hộ dân nên:
● Dùng nước ấm 3 sôi 2 lạnh ngâm giống. Tùy điều kiện thời tiết để ngâm thời gian dài hoặc ngắn. Khi thấy hạt giống sưng mép đều thì vớt ra đem ủ ấm ở nơi kín gió, khi hạt giống nứt nanh và bật mầm ra rễ hoàn toàn là được;
● Gieo vào buổi trưa, chia mống ném làm 2 - 3 lần cho đều, ném úp tay để chìm mống;
● Làm vòm ni-lông chắn gió cho mạ, duy trì mức nước ruộng từ 1 - 2 cm. Nếu gặp trời nồm, nhiệt độ ngoài trời tăng đột ngột trên 25oC, cần phải mở hai đầu ni-lông vào ban ngày để thoát hơi nước, tránh cho mạ bị cháy xém do nhiệt độ tăng cao đột ngột, nếu đêm giá lạnh lại tiếp tục đậy ni-lông lại. Luôn giữ ẩm trên bề mặt luống để cây mạ khỏe, trẻ, dài và ra nhiều ngạnh trê;
● Đêm cho nước vào, ngày tháo nước ra, cho ngập 1/2 - 1/3 cây mạ;
● Bón bổ sung tro bếp để giữ ấm;
● Tăng cường bón phân kali;
● Chỉ cấy khi nhiệt độ cao hơn 15 độ C.
Hình 2.52. Che phủ ni-lông chống rét cho mạ
Hình 2.53. Bón tro bếp để giữ ấm cho cây mạ
6. Ứng phó với sạt lở đất
6.1. Đặc điểm
Sạt lở đất có thể là kết quả của (hoặc là sự kết hợp của): Sự xuất hiện các chấn động địa chất tự nhiên (Ví dụ như động đất), do hiện tượng phong hóa, hoặc do sự thay đổi độ ẩm trong đất (mưa kéo dài), hoặc do sự dịch chuyển của kết cấu bảo vệ ở phần chân của mái dốc, hoặc do xây dựng công trình trên sườn dốc, hoặc do hiện tượng phong hóa bề mặt sườn dốc và do các tác động của con người làm thay đổi hướng dòng chảy hoặc kết cấu của sườn dốc.
Hình 2.54. Hiện trường một vụ sạt lở tại km 74 + 400 trên Quốc lộ 279D, đoạn xã Tạ Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
(Ảnh: TTXVN)
Ngày 24/6/2018, lũ quét và sạt lở đất đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại Hà Giang, Lai Châu và một số tỉnh miền núi phía Bắc làm 33 người chết và mất tích; 176 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi; 1.270 nhà bị hỏng và di dời khẩn cấp; thiệt hại hơn 1.000 ha lúa; nhiều tuyến tỉnh lộ, quốc lộ bị sạt lở nghiêm trọng. Tổng thiệt hại ước tính đến ngày 02/7/2018 khoảng 535 tỷ đồng.
Nguồn: https://baotintuc.vn
6.2. Các yếu tố cụ thể góp phần gia tăng thiệt hại do sạt lở đất
● Xây dựng các khu dân cư trên sườn dốc, trên nền đất mềm yếu hoặc trên đỉnh vách đá;
● Xây dựng các khu dân cư ở chân sườn dốc, tại nơi các sông suối từ trong thung lũng đổ ra sông;
● Xây dựng đường giao thông, đường dây thông tin ở các vùng núi;
● Xây dựng công trình trên nền móng yếu;
● Xây dựng công trình trên nền đất có chôn lấp các đường ống cũ;
● Thiếu hiểu biết về hiểm họa sạt lở đất;
● Khai thác tài nguyên quá mức, tàn phá rừng trên lưu vực.
6.3. Các tác động có hại có thể gây ra của sạt lở đất
● Thiệt hại về người (gây thương tích và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng) - trượt lở sườn dốc thường gây ra chết người.
Hình 2.55. Tác hại của sạt lở đất gây ra
(Nguồn: Oxfam)
● Thiệt hại về vật chất - Bất kỳ thứ gì nằm trên đường trượt lở sẽ bị phá hủy. Đất đá có thể vùi lấp đường giao thông, cắt đứt đường dây thông tin, đường thủy. Các tác động không trực tiếp có thể bao gồm thiệt hại về năng suất nông nghiệp, đất rừng và lũ lụt.
6.4. Những việc hộ gia đình nên làm và không nên làm trước khi sạt lở đất xảy ra
Nên:
● Trồng cây để phòng tránh sạt lở đất.
● Tìm hiểu xem ở gần khu vực xung quanh nhà mình đã từng xảy ra sạt lở đất chưa.
● Tìm hiểu xem khu vực xung quanh nhà mình sinh sống có vết nứt bất thường nào không.
● Hướng dẫn cho trẻ em, người già, người khuyết tật những biện pháp phòng tránh cần thiết nếu xảy ra sạt lở đất.
● Chú ý quan sát và phát hiện các dấu hiệu lạ (cây cối nghiêng dần, những vết nứt trên tường nhà, sườn đồi hoặc các vệt lún trên đường, đất…)
● Khi thấy dấu hiệu lạ phải nhanh chóng thông báo cho chính quyền và mọi người xung quanh để kịp thời chuyển đến nơi an toàn.
● Thường xuyên theo dõi tin tức trên báo, đài, truyền hình về các đợt mưa lớn, kéo dài, nguy cơ sạt lở đất cao.
● Nói chuyện với mọi người trong gia đình và phân công những việc cần làm cho từng người nếu sạt lở đất xảy ra.
● Trước khi sạt lở đất có dấu hiệu xảy ra, cần phải sơ tán an toàn người và tài sản.
● Luôn cảnh giác nếu sống ở gần sông suối.
● Lắng nghe bất kỳ tiếng động không bình thường nào có thể chỉ do đất đá chuyển động gây ra. Ví dụ tiếng cây gẫy hoặc đá va vào nhau.
● Chú ý sự thay đổi của nước từ trong thành đục bởi vì có sự thay đổi như vậy là do có sạt lở đất ở phía đầu nguồn.
Không nên:
● Không nên xây nhà ở khu vực dễ có sạt lở đất như sườn dốc, sát chân núi, vùng ven sông hoặc gần bờ biển.
● Không nên bơi lội qua sông suối khi nước đổi màu từ trong thành đục.
Hình 2.56. Những việc hộ gia đình nên làm trước khi sạt lở đất xảy ra
(Nguồn: Oxfam)
6.5. Những việc hộ gia đình nên làm trong khi sạt lở đất xảy ra
● Sơ tán khẩn trương người và tài sản nhưng cần bảo vệ tính mạng trước tiên.
● Chạy nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm khi nghe hoặc nhận thấy tiếng động lớn hoặc dấu hiệu không bình thường.
● Tránh xa dòng chảy của sạt lở đất. Nếu không kịp chạy thoát hãy cuộn tròn người lại và lăn như một quả bóng và hai tay ôm lấy đầu.
● Không được lại gần tới khu vực sạt lở đất.
Hình 2.57. Những việc hộ gia đình nên làm trong khi sạt lở đất xảy ra
(Nguồn: Oxfam)
6.6. Những việc hộ gia đình nên làm và không nên làm sau khi sạt lở đất xảy ra
Nên:
● Tiếp tục nghe tin báo, đài, tivi về các thông tin liên quan đến khu vực xảy ra sạt lở đất.
● Tránh xa những khu vực bị sạt lở đất vì đất vẫn chưa ổn định và còn có nguy cơ sạt lở nữa.
●Tham gia cùng mọi người trong cộng đồng khắc phục hậu quả của sạt lở đất, ổn định đời sống.
● Di dời nhà cửa đến vùng an toàn hơn trong trường hợp chỗ ở cũ bị san lấp hoàn toàn hoặc ở trong vùng quá nguy hiểm.
● Trồng cây bảo vệ rừng.
Không nên:
● Đi qua và lại gần quanh khu vực xảy ra sạt lở.
● Vào bất kỳ ngôi nhà nào nếu chưa được kiểm tra kỹ lưỡng.
● Ở gần các khu vực có bom mìn, vật liệu nổ do lũ quét và sạt lở đất làm lộ thiên.
● Chặt phá rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn.
Hình 2.58. Những việc hộ gia đình nên làm và không nên làm sau khi sạt lở đất xảy ra
(Nguồn: Oxfam)
7. Ứng phó với lốc xoáy
7.1. Đặc điểm
Lốc xoáy là những xoáy nhỏ cuốn lên, có trục thẳng đứng, thường xảy ra khi khí quyển có sự nhiễu loạn và về cơ bản là không thể dự báo được. Nguyên nhân sinh gió lốc là những dòng khí nóng bốc lên cao một cách mạnh mẽ. Trong những ngày hè nóng nực, mặt đất bị đốt nóng không đều nhau, một khoảng nào đó hấp thụ nhiệt thuận lợi sẽ nóng hơn, tạo ra vùng khí áp giảm và tạo ra dòng thăng. Không khí lạnh hơn ở chung quanh tràn đến tạo hiện tượng gió xoáy, tương tự như trong cơn bão. Tốc độ gió của lốc xoáy tăng mạnh đột ngột trong một thời gian rõ rệt.
Cảnh hoang tàn cơn lốc xoáy ở Vĩnh Phúc
Khoảng 18h ngày 10/6/2020, trên địa bàn xã Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên), xảy ra mưa lớn, trong cơn mưa bất ngờ xuất hiện lốc xoáy làm sập một nhà xưởng của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kiều Thi Junma (kinh doanh gỗ) khiến 3 người tử vong và khoảng 20 người khác bị thương. Cơn lốc xoáy đã cuốn mái tôn của nhà xưởng ra xa tầm 2 km. Nhiều người dân trong xã chia sẻ, từ trước đến nay, trên địa bàn xã chưa bao giờ xảy ra vụ lốc xoáy lớn như lần này.
Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn
7.2. Các yếu tố có thể góp phần tăng thiệt hại do lốc xoáy
● Các công trình nhẹ, công trình cũ, xây dựng bằng các vật liệu có chất lượng kém;
● Thuyền đánh cá thiếu áo phao/vật nổi;
● Do cộng đồng thiếu nhận thức về mối hiểm họa do lốc xoáy gây ra.
7.3. Lốc xoáy có thể gây ra các tác hại
● Thiệt hại về người (gây thương tích và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng) - Các mảnh vỡ bị thổi bay trong lốc xoáy hoặc nhà bị sập đổ có thể gây thương tích về người;
● Thiệt hại về vật chất - Các công trình (nhà cửa, bệnh viện, trường học, v.v.) bị hư hỏng hoặc bị phá hủy do gió trong lốc xoáy;
● Cây trồng, vật nuôi và nguồn cung cấp lương thực - Gió mạnh và mưa trong lốc xoáy có thể làm hư hỏng cây trồng, hoa màu, lương thực dự trữ, làm chết vật nuôi, gây thiệt hại cho thủy sản, làm bật rễ cây;
● Năng lượng, thông tin và hậu cần - Gió trong lốc xoáy có thể làm gãy, đổ cột, đường dây điện, đường dây thông tin, gây gián đoạn thông tin liên lạc và điện. Giao thông có thể bị gián đoạn.
Hình 2.59. Lốc xoáy
Hình 2.60. Thiệt hại do lốc xoáy gây ra
7.4. Những biện pháp ứng phó với lốc xoáy
● Xây dựng các công trình, nhà ở kiên cố, thường xuyên chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng lốc xoáy. Ở các cửa biển, ven biển, nơi trống trải, nếu nhà ở lợp bằng lá, tôn tráng kẽm, fibro xi-măng, ngói có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có lốc xoáy (phương pháp chằng chống thực hiện theo hướng dẫn đối với mưa bão, áp thấp nhiệt đới);
● Chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, mục rỗng, nằm gần nhà ở, lưới điện…;
● Khi trời mưa lớn kèm theo dông, cần sơ tán người già và trẻ em ra khỏi những căn nhà tạm bợ, đến những nơi an toàn, vững chắc hơn. Khi xảy ra lốc xoáy mọi người phải tìm những nơi trú ẩn an toàn như các nhà kiên cố, tránh núp dưới bóng cây, nhà tạm bợ dễ bị ngã đổ gây tai nạn. Tuyên truyền, vận động đến các hộ dân có nhà kiên cố tiếp nhận những người dân trú ẩn khi xảy ra lốc xoáy với tinh thần tương thân, tương trợ lẫn nhau.
8. Ứng phó với mưa đá
8.1. Đặc điểm
Mưa đá bao gồm các hạt băng (nước đá) trong suốt hoặc không trong suốt có kích thước khác nhau, nhỏ như hạt đậu hay to như quả bưởi.
Khi đám mây dông phát triển theo chiều cao, những giọt nước trong đám mây bị đẩy lên cao, gặp không khí rất lạnh và bị đóng băng đủ lạnh rơi xuống thành những hạt mưa đá. Mưa đá chỉ xảy ra trong các cơn dông mạnh và thường kèm theo mưa rào với cường độ lớn trong khoảng từ vài phút đến vài chục phút. Nhưng không phải trong cơn dông nào cũng có mưa đá xảy ra, tần suất số cơn dông có mưa đá chỉ chiếm trên dưới 10%.
Ở nước ta mưa đá có thể xảy ra ở hầu hết các địa phương trên phạm vi cả nước. Nơi thường xảy ra mưa đá nhất là ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn. Ở Nam Bộ cũng quan sát thấy mưa đá vào thời kỳ chuyển tiếp từ mùa khô sang mùa mưa, nhưng chủ yếu là mưa đá nhỏ.
Mưa đá thường hay hình thành trong các tháng chuyển tiếp giữa mùa lạnh sang mùa nóng (tháng 4, 5 và 6) hoặc giữa mùa nóng sang mùa lạnh (tháng 9, 10 và 11).
Mưa đá xảy ra vào đêm 17 và ngày 18/3/2020 tại 8 tỉnh (Lào Cai, Tuyên Quang, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Kạn, Sơn La, Hà Giang) đã làm 3.188 nhà hư hỏng, tốc mái; 1.028 ha hoa màu gãy đổ; 214 con gia súc, gia cầm bị chết. Ước thiệt hại 14,06 tỉ đồng.
Mưa đá dày đặc xảy ra trên địa bàn thị trấn Si Ma Cai, xã Sán Chải và xã Nàn Sán (Lai Châu).
Nguồn: https://laodong.vn
8.2. Các tác hại do mưa đá có thể gây ra
● Phá hại mùa màng, cây cối nhà cửa, tài sản.
● Những viên đá lớn có thể làm cho người và gia súc bị thương nếu không kịp trú ẩn.
Hình 2.61. Mưa đá
Hình 2.62. Thiệt hại cây trồng do mưa đá