Những gì bạn sắp đọc có thể sẽ làm lung lay, thậm chí làm sụp đổ, nền tảng niềm tin của bạn về cơ thể, sức khỏe và việc chữa bệnh. Nhan đề Ung thư không phải là bệnh có thể gây bất an cho nhiều người, khiêu khích một số người, nhưng cổ vũ tất cả mọi người. Cuốn sách này có thể giúp bạn lĩnh hội được một phát kiến sẽ thay đổi cuộc sống của bạn một cách sâu sắc nếu bạn sẵn sàng đón nhận khả năng ung thư không phải là một căn bệnh thực sự. Nói đúng ra, bạn có thể đi tới kết luận rằng ung thư là một nỗ lực tự chữa lành tinh vi cuối cùng của cơ thể để sống sót lâu nhất trong hoàn cảnh cho phép; và như bạn sẽ phát hiện ra, những hoàn cảnh ấy hầu hết là ở trong tầm kiểm soát của bạn.
Có lẽ bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng nếu bạn khổ sở vì bất cứ căn nguyên sâu xa nào của ung thư (nó gây nên đau ốm thực sự), bạn chắc sẽ chết nhanh chóng nếu cơ thể bạn không sinh ra những tế bào ung thư. Trong cuốn sách này, tôi cung cấp lý lẽ giải thích ung thư là một quá trình chữa lành mà chúng ta nên ủng hộ chứ không phải trấn áp hoặc chống lại nó. Tôi cũng đưa thêm bằng chứng cho thấy phương pháp chữa ung thư không chính thống này hiệu quả hơn nhiều so với các phương pháp tiêu diệt nó.
Hơn nữa tôi khẳng định ung thư – một trong những cơ chế chữa trị tinh vi phức tạp nhất của cơ thể – sẽ chỉ hoạt động sau khi một hoặc hai điều kiện khá chắc chắn sau xảy ra:
1. Hệ thống loại bỏ chất thải và khử độc chính của cơ thể không còn hiệu quả
2. Một tình trạng cực kỳ căng thẳng về tâm lý – cảm xúc đã được giải tỏa và giờ không còn nữa trong đời một con người
Hai lý do chính góp phần phát triển ung thư này đòi hỏi một sự giải thích sâu sắc và tôi sẽ làm điều đó một cách chi tiết trong suốt cuốn sách các bạn đang cầm trên tay. Trong khi điều kiện thứ nhất có vẻ hợp lý với những người đã biết về mối quan hệ giữa ung thư và độc tố, thì điều kiện thứ hai mới đầu nghe có vẻ vô lý, nhưng tôi hứa nếu đọc tiếp bạn sẽ hiểu.
Bây giờ tôi sẽ chỉ ra rằng ung thư do căng thẳng sẽ không bao giờ phát tác trong chính thời kỳ đang căng thẳng thật sự, mà phải về sau, khi tình trạng căng thẳng kia đã được giải quyết ít nhiều hoặc qua đi thì nó mới xuất hiện.
Nguyên nhân gây căng thẳng có thể là thất nghiệp một thời gian, trải qua ly hôn đau khổ, người thân lâm trọng bệnh có thể không qua khỏi, bị ngược đãi về cả thể chất lẫn tinh thần, bị tai nạn gây chấn thương, bị mất nhà hoặc tài sản, và nhiều lý do khác nữa. Nếu ung thư thật sự là một cơ chế chữa lành, như tôi đã nói, thì việc các triệu chứng chữa lành, như khối u sinh trưởng, xảy ra sau chứ không phải trong thời kỳ khủng hoảng hay xung đột tâm lý – xúc cảm là điều hợp lý.
Có bằng chứng cho thấy cơ chế này không chỉ hoạt động trong sự phát triển ung thư mà còn trong hầu hết các điều kiện bệnh tật khác. Cả hai biểu hiện này thường trùng nhau (diễn ra cùng một lúc) nhưng không nhất thiết phải như vậy.
Trong những trường hợp xấu nhất, việc tiếp xúc với lượng lớn tác nhân gây ung thư (chất gây ung thư) có thể khiến lực lượng phòng vệ của cơ thể sụp đổ trong vài tuần hoặc vài tháng. Điều này có thể đòi hỏi khối u ung thư phải phát triển nhanh chóng và lấn át để đối phó với cuộc tấn công. Mặc dù vậy, nhìn chung, phải mất thời gian lâu hơn nhiều để thứ được gọi là u ác tính hình thành và có thể chẩn đoán rõ ràng.
Thật không may, những hiểu lầm cơ bản hoặc thiếu hẳn nhận thức về những lý do thực sự đằng sau sự phát triển khối u ác tính đã biến những tế bào không bình thường thành những con quái vật gian ác cố tình nhắm giết chúng ta, có lẽ để trả thù cho tội lỗi của chúng ta hoặc ngược đãi cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, như bạn sẽ khám phá ra, ung thư cùng phe với chúng ta chứ không chống lại chúng ta. Cũng không phải tự dưng mà nó xuất hiện.
Nếu chúng ta không thay đổi nhận thức về bản chất của ung thư, thì rất có thể ung thư sẽ chống lại việc điều trị, nhất là khi dùng các phương pháp y tế tiên tiến và phổ biến nhất. Nếu bạn bị ung thư và ung thư quả thực là một phần phản ứng sinh tồn phức tạp của cơ thể chứ không phải bệnh, thì bạn phải tìm được câu trả lời cho các câu hỏi quan trọng sau đây:
• Điều gì thúc ép cơ thể bạn phát triển các tế bào ung thư?
• Khi đã xác định được các lý do, chúng sẽ giúp bạn chữa lành cơ thể mình như thế nào?
• Điều gì quyết định loại và mức độ nghiêm trọng của ung thư mà bạn mắc?
• Nếu ung thư thật sự là một cơ chế chữa lành, bạn sẽ làm gì để cơ thể không phải sử dụng các biện pháp tự vệ cực đoan như thế, cả bây giờ và trong tương lai?
• Bởi lẽ thiết kế di truyền ban đầu của cơ thể luôn tạo điều kiện kéo dài sự sống và chống lại bất cứ tai ương nào, vậy làm thế nào mà cơ thể có thể cho phép thay đổi di truyền dẫn tới sự diệt vong của chính nó?
• Tại sao nhiều trường hợp ung thư tự biến mất, mà không có bất kỳ sự can thiệp y tế nào?
• Có đúng là xạ trị, hóa trị và phẫu thuật thật sự chữa lành ung thư ở một số người mặc dù các phương pháp điều trị triệt để này có tác dụng phụ không, hay bệnh nhân ung thư tự chữa lành?
• Nỗi sợ hãi, buồn bực, tự ti và cơn giận kìm nén có vai trò như thế nào trong việc phát sinh và kết cục của ung thư?
• Tại sao hiện nay nhiều trẻ em phát triển các khối u não và bệnh bạch cầu?
• Ung thư có hàm ẩn điều gì đằng sau sự phát triển tinh thần không?
Để chữa lành căn nguyên của ung thư, bạn phải tìm ra câu trả lời thuyết phục và thực tế cho các câu hỏi trên. Bạn sẽ phát hiện ra chúng khi bạn đọc hết cuốn sách này. Bất cứ khi nào tìm thấy câu trả lời, bạn sẽ cảm nhận rõ một sự tự tin không thể phủ nhận, một hiểu biết tường tận về sự thật, cùng với sự nhẹ nhõm và thậm chí hưng phấn.
Nếu bạn cảm thấy trong lòng thôi thúc muốn hiểu thêm sự kiện đổi đời này (ung thư), thì hãy đọc tiếp đi, sẽ rất có ích cho bạn đấy. Ung thư có thể là cơ hội lớn nhất giúp bạn khôi phục sự cân bằng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của chấn thương và đau khổ nghiêm trọng nếu bạn xem nó là một mối đe dọa cuộc sống. Dù thế nào, bạn sẽ biết rằng mình luôn có khả năng kiểm soát. Có thể bạn không thay đổi được một tình trạng cụ thể như chẩn đoán ung thư, nhưng chắc chắn bạn có thể kiểm soát phản ứng của mình với nó. Phản ứng của bạn là yếu tố quyết định cuối cùng rằng bạn sẽ toàn vẹn trở lại, hay bạn sẽ tan nát vì nghĩ mình là nạn nhân của một căn bệnh khủng khiếp.
Để sống trong một cơ thể bình thường, bạn phải có một nguồn năng lượng nhất định duy trì sự sống. Bạn có thể sử dụng nguồn năng lượng vốn có này vào việc nuôi dưỡng và chữa lành cơ thể, hoặc lãng phí nó vào cuộc chiến chống lại căn bệnh mà lý thuyết y học tin là đang giết chết bạn. Lựa chọn cuối cùng là ở bạn.
Trong trường hợp bạn cố ý hoặc vô ý bỏ bê cơ thể (hoặc chống lại nó) mà không quan tâm ưu ái và tôn trọng nó, thì rốt cuộc rất có thể nó sẽ phải tự chiến đấu cho mạng sống của nó. Cuối cùng, vấn đề chính không phải là liệu bạn có bị ung thư hay không, mà là bạn nhận thức như thế nào về nó và bạn sẽ làm gì với nó.
Ung thư chỉ là một trong nhiều cách khả dĩ mà cơ thể buộc bạn phải thay đổi cách nhìn nhận và đối xử với bản thân, trong đó có thể chất của bạn. Bạn có thể làm cho ung thư trở nên đáng sợ, biến bạn thành nạn nhân tuyệt vọng hoặc xem nó như một cơ hội để đứng lên bảo vệ bản thân, các giá trị của bạn và sự tự trọng của bạn. Điều này tất yếu gợi ra chủ đề về sức khỏe tinh thần, mà tôi tin rằng trong vấn đề ung thư ít nhất nó cũng quan trọng chẳng kém gì những nguyên nhân thể chất và tình cảm.
Ung thư có vẻ là một rối loạn rất khó hiểu và khôn lường. Dường như nó tấn công tất cả mọi người, từ những người rất hạnh phúc đến những người rất bất hạnh, từ người giàu đến người nghèo, từ những người hút thuốc đến những người không hút thuốc, từ những người khỏe mạnh đến những người không khỏe mạnh lắm. Và mặc dù ung thư đã từng cực kỳ hiếm gặp ở trẻ em, thì giờ nó đã không còn hiếm nữa.
Con người ta thuộc mọi tầng lớp hay mọi nghề nghiệp đều có khả năng bị ung thư. Tuy nhiên, nếu bạn dám nhìn vào mặt sau của các triệu chứng thể chất, như loại, vẻ ngoài và hành vi của khối u ung thư, bạn sẽ thấy rằng ung thư không phải là ngẫu nhiên hay không thể đoán trước, như nó có vẻ thế.
Điều gì làm cho 50% dân số Mỹ dễ mắc ung thư, khi nửa còn lại không bị rủi ro gì cả? Đổ lỗi cho gien chẳng qua chỉ một cái cớ để che đậy sự thiếu hiểu biết về những nguyên nhân thật sự hoặc để cám dỗ những người bị ung thư đổ tiền vào những chương trình điều trị và phòng ngừa tốn kém.
Phần sau cuốn sách, tôi sẽ thảo luận về các nghiên cứu gần đây nhất về các yếu tố di truyền có thể có, liên quan tới ung thư vú, phổi và nhiều bộ phận khác của cơ thể. Bạn sẽ kinh ngạc khi biết rằng gien liên quan rất ít, nếu có, khi các thành viên từ nhiều thế hệ của cùng một gia đình mắc cùng một loại ung thư. Trong thực tế, hiện nay các nhà nghiên cứu di truyền học hàng đầu đã khẳng định rằng hành vi gien suy cho cùng là do cách chúng ta ăn uống, suy nghĩ, biểu lộ cảm xúc và sống cuộc đời của chúng ta. Không phải bỗng dưng mà một ngày đẹp trời nào đó gien dở chứng, khiến chúng ta bị bệnh, rồi gây đúng bệnh ấy cho con cháu của chúng ta. Thực tế, nghiên cứu mới đây hoàn toàn mâu thuẫn với niềm tin lâu dài cho rằng đột biến gien có thể gây ra hoặc lan truyền ung thư.
Thật ra ung thư vốn cực kỳ hiếm gặp, ngoại trừ ở các quốc gia công nghiệp hóa trong 50 – 60 năm qua. Tuy nhiên, gien của con người không thay đổi đáng kể trong hàng nghìn năm qua. Tại sao bây giờ chúng lại thay đổi ghê gớm như thế, rồi đột nhiên quyết định tấn công và phá hủy cơ thể của gần một nửa dân chúng? Đáp án cho câu hỏi này, mà tôi sẽ phân tích chi tiết hơn trong cuốn sách, lại đơn giản đến bất ngờ: cho dù gien có thể bị đột biến vì nhiều lý do sẽ bàn đến sau đây, thì ngay cả khi bị hư hỏng hoặc bị lỗi, chúng vẫn không thể giết bất kỳ ai.
Điều quan trọng bạn phải biết là ung thư hiếm khi khiến người ta chết, mặc dù không thể phủ nhận rằng nhiều người bị mắc ung thư cũng đã chết. Tuy nhiên, trừ khi một khối u gây ra tắc nghẽn nghiêm trọng trong một cơ quan quan trọng sống còn, hoặc cản trở mạnh mẽ lưu lượng máu tới nó hoặc đường thoát bạch huyết từ nó, thì một bệnh nhân ung thư có nhiều khả năng chết vì những lý do dẫn tới đột biến tế bào và tăng trưởng khối u hơn so với chính bản thân ung thư.
Mọi phép trị liệu ung thư nên tập trung vào nguyên nhân gốc rễ của nó, nhưng hầu hết các bác sĩ chuyên khoa ung thư thường bỏ qua chúng. Ví dụ, chế độ ăn toàn thực phẩm vớ vẩn thường thiếu giá trị dinh dưỡng và năng lượng thật sự, gây ra tình trạng rối loạn, chấn thương cho cơ thể giống hệt như những tình trạng xuất hiện khi bị đói. Trong cuốn sách này, tôi sẽ giải thích kỹ càng về quá trình tự phá hủy như thế, nhân danh cơ thể, buộc phải có một phản ứng chữa lành lớn.
Càng ngày người ta càng biết rõ rằng hầu như tất cả các loại ung thư đều xuất hiện sau một số sự việc gây tổn thương trong quá khứ, chẳng hạn như ly hôn, người thân mất, tai nạn, mất việc hoặc mất tài sản, xung đột liên miên với ông chủ hoặc người thân, thảm họa quốc gia nghiêm trọng, hoặc tiếp xúc với độc tố mạnh. Cơ thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phản ứng với các yếu tố gây căng thẳng sâu sắc như vậy bằng những cơ chế sống sót hoặc ứng phó sinh học dự đoán được, có thể phát triển tế bào bất thường tạm thời. Mặc dù hầu hết các bác sĩ vẫn đồng ý với lý thuyết cho rằng khối u được sinh ra từ căng thẳng đó là một căn bệnh, chứ không phải là một cơ chế chữa bệnh, điều đó không có nghĩa nó là sự thật.
Khối u ung thư chỉ đơn thuần là triệu chứng của một căn bệnh gây ra bởi một thứ gì đó khác mà lúc đầu có thể không rõ ràng. Tuy vậy, rõ ràng là không phải vô cớ mà chúng xuất hiện. Trước hết, xung đột cảm xúc liên tục, oán giận, lo lắng, tội lỗi và nhục nhã xấu hổ có thể dễ dàng áp chế hệ miễn dịch, các chức năng tiêu hóa và quá trình trao đổi chất cơ bản của cơ thể, do đó tạo điều kiện phát triển khối u ung thư.
May mắn thay, mối liên hệ giữa căng thẳng (stress) và ung thư không còn chỉ là chuyện hư cấu và mơ hồ nữa. Với thừa đủ bằng chứng khoa học hỗ trợ, Các Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh (Centers for Disease Control and Prevention – CDCP) đưa ra tuyên bố quan trọng này trên trang web của họ: “Căng thẳng cường độ cao và kéo dài có thể dẫn tới một loạt các tác động tiêu cực ngắn hạn và dài hạn tới sức khỏe. Nó có thể làm phá vỡ sự phát triển não thời kỳ đầu và gây hại cho hoạt động của hệ thần kinh và hệ miễn dịch. Ngoài ra, căng thẳng thời thơ ấu có thể dẫn tới các vấn đề sức khỏe sau này bao gồm nghiện rượu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, bệnh tim, ung thư, và các bệnh mạn tính khác.”1
1 http://www.cdc.gov/violenceprevention/pub/healthy_infants.html (chú thích của tác giả, sau đây viết là TG).
Mặc dù có bằng chứng không thể phủ nhận ủng hộ các tuyên bố của CDCP, nhưng hầu hết các bác sĩ hiếm khi công nhận hoặc cố gắng điều trị những nguyên nhân gốc rễ gây bệnh, mà thay vào đó họ tập trung vào việc loại bỏ các triệu chứng của nó. Có lẽ sai lầm mấu chốt và có khả năng gây tử vong này lan tràn gần như toàn bộ lĩnh vực y tế, do thiếu sự thừa nhận mối liên hệ giữa căng thẳng và bệnh; mối quan hệ giữa tâm trí và thể xác chắc chắn không được dạy ở các trường y khoa.
Sau khi đã gặp hàng ngàn bệnh nhân ung thư trong khoảng ba thập kỷ qua, tôi bắt đầu nhận ra một kiểu tư duy, quan điểm và cảm nhận nhất định phổ biến ở hầu hết bọn họ. Cụ thể hơn, tôi chưa từng gặp một bệnh nhân ung thư người lớn nào lại không cảm thấy gánh nặng của hình ảnh tồi tệ về bản thân, của xung đột chưa được giải quyết, của lo lắng dai dẳng hoặc xung đột/chấn thương tình cảm trong quá khứ vẫn còn đeo bám dai dẳng trong tiềm thức và trí nhớ tế bào. Tôi tin rằng ung thư, căn bệnh thể chất ấy, không thể xảy ra nếu không có một dòng chảy ngầm mạnh mẽ của cảm giác bất an và thất vọng sâu kín.
Bệnh nhân người lớn bị ung thư thường thiếu lòng tự trọng hoặc cảm giác về giá trị bản thân, và thường có một thứ mà tôi gọi là “công chuyện dở dang” trong đời. Ung thư thật ra có thể là một cách tiết lộ nguồn gốc của một xung đột nội tâm chưa được giải quyết. Hơn nữa, ung thư có thể giúp họ chịu chấp nhận một xung đột như thế, và thậm chí chữa lành nó hoàn toàn. Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc. Chúng ta nên điều trị ung thư như thế, nếu không, thế nào nó cũng tái phát.
Tôi thường nghe thấy người ta lập luận rằng mối quan hệ giữa căng thẳng cảm xúc và ung thư có thể xảy ra ở người lớn, nhưng chắc chắn không xuất hiện ở trẻ nhỏ đã bị bệnh bạch cầu hoặc ung thư não. Tôi không đồng ý với điều đó. Quan điểm của CDCP trong vấn đề này đã khẳng định cách hiểu của tôi. Theo CDCP, căng thẳng thời thơ ấu có thể dẫn tới ung thư, và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người bị căng thẳng từ sớm, thậm chí trước khi được sinh ra.
Một số ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới trẻ có thể xảy ra ngay khi trẻ vẫn còn ở trong bụng mẹ. Đó là một thực tế khoa học. Người ta đã chứng minh rõ ràng rằng trải nghiệm tình cảm và thể chất của người mẹ có tác động lớn đến tình trạng cảm xúc và sức khỏe thể chất của con. Ví dụ, nghiên cứu được trích dẫn trong cuốn sách của tôi, Timeless Secrets of Health & Rejuvenation (Bí mật ngàn đời về sức khỏe và sự trẻ hóa), mô tả chi tiết các phản ứng nghiêm trọng của thai nhi đối với siêu âm sản khoa, có thể dẫn đến các vấn đề về phát triển sau này.
Có thêm bằng chứng cho thấy việc đẻ mổ chứ không đẻ thường có thể gây sang chấn lên trẻ sơ sinh. Ngoài ra, không cho trẻ sơ sinh bú hoặc để bé ở phòng riêng có thể gây ra một tổn thương do chia tách con với mẹ, thậm chí có thể dẫn tới hiện tượng trẻ đột tử khi ngủ. Không cảm nhận được nhịp tim người mẹ có thể kích thích tâm lý lo lắng nghiêm trọng ở trẻ nhỏ. Trẻ sinh non có thể chịu tổn thương do lo lắng khi bị tách khỏi mẹ.
Hơn nữa, tiêm vắc xin có thể gây ra phản ứng sốc sinh học, tương tự như đột quỵ nhẹ, ngoài việc trẻ tiếp xúc với nhiều chất gây ung thư có trong vắc xin. Ngày càng nhiều trẻ em bị dị ứng mạnh với các thành phần của vắc xin, nó có thể làm trẻ tổn thương và thậm chí tử vong. Với trẻ em nhạy cảm, cơn đau do tiêm và hệ quả là phản ứng chữa lành cũng có thể để lại hậu quả sang chấn.
Chúng ta biết rằng trẻ không được bú mẹ có thể bị các vấn đề tâm lý, cảm xúc và phát triển khi đến tuổi thiếu niên.
Tiếp xúc trực tiếp với bức xạ phát ra từ điện thoại di động ngay từ khi ở trong bụng mẹ và sau đó có thể ảnh hưởng sâu sắc tới sức khỏe của trẻ nhỏ. (Xem chương 2.)
Một chế độ ăn uống không thích hợp bao gồm đường, sữa bò thanh trùng, protein động vật, đồ ăn rán và đồ ăn nhanh, đồ ăn vô bổ khác cũng ảnh hưởng rất lớn tới trẻ. Và nếu người mẹ uống rượu, hút thuốc, ăn đồ ăn vô bổ hoặc uống thuốc trong khi mang thai, đi tiêm phòng vắc xin, thì sức khỏe và sự phát triển của thai nhi cũng bị ảnh hưởng xấu.
Một phát hiện rất đáng lo ngại cho thấy các tia X chiếu chụp cho các thiếu nữ làm tăng nguy cơ bị ung thư vú ở họ. Ngay sau những báo cáo gần đây cho thấy có quá nhiều xét nghiệm chẩn đoán bệnh đang được thực hiện trên người lớn, liền có nhiều báo cáo mới xuất hiện, cảnh báo rằng một số xét nghiệm không chỉ gây ung thư ở trẻ em mà còn có thể gây ra những loại ung thư mới ở trẻ đang điều trị ung thư. Ví dụ, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan - Kettering ở thành phố New York cho biết những cô gái từng được chiếu phóng xạ vào ngực để điều trị ung thư lúc nhỏ có nguy cơ phát triển ung thư vú khá cao ở tuổi thanh thiếu nữ. Các nhà khoa học cho biết, kể cả khi những người điều trị bệnh ung thư thông thường ở liều nhẹ cũng phải đối mặt với nguy cơ cao bị ung thư vú sau này.
Trong một báo cáo khác, tập san y khoa Anh Lancet cho rằng chụp cắt lớp vi tính (CT) cũng có thể gây ung thư ở trẻ em. Việc chụp cắt lớp có thể cung cấp những hình ảnh chấn thương ở đầu, viêm phổi biến chứng và nhiễm trùng ngực để cứu sinh mạng bệnh nhân. Nhưng nếu một đứa trẻ tiếp xúc với phóng xạ chỉ từ hai tới ba lần quét, thì nguy cơ phát triển ung thư não tăng gấp ba lần. Năm tới mười lần quét có thể tăng gấp ba lần nguy cơ mắc bệnh bạch cầu.
Bên cạnh đó, việc điều trị cho trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng bằng kháng sinh cũng gây tổn hại nghiêm trọng tới hệ miễn dịch đang phát triển của chúng.
Một nghiên cứu của Tổ Công tác Môi trường (Enviromental Working Group – EWG) đã chỉ ra rằng mẫu máu từ trẻ sơ sinh chứa trung bình 287 độc tố, bao gồm thủy ngân, chất chống cháy, thuốc trừ sâu, các chất phụ gia thực phẩm, hóa chất từ các sản phẩm chăm sóc cơ thể, các chất ô nhiễm không khí, các hợp chất nhựa độc hại, và hóa chất Teflon. Nhiều chất độc trên có tính gây ung thư cao.
Theo báo cáo của EWG, trong tháng chuẩn bị sinh, dây rốn chuyển ít nhất khoảng 284 lít máu từ nhau thai tới trẻ đang phát triển. Điều này có nghĩa là trẻ sơ sinh có lượng chất hóa học giống như mẹ. Hơn nữa, những bà mẹ không có sức khỏe tốt mà vẫn cho con bú sữa mẹ thực ra đang tiếp tục truyền hóa chất độc hại cho con.
Người ta phát hiện ra chất bisphenol-A (BPA) trong sản phẩm nhựa, một chất gây rối loạn nội tiết, có thể dẫn tới lỗi nhiễm sắc thể ở thai nhi đang phát triển và gây sẩy thai tự nhiên hoặc tổn thương gien. Hóa chất độc hại này được tìm thấy ở 96% thai phụ tham gia xét nghiệm.
Nhìn chung, nghiên cứu đã phát hiện hẳn một hỗn hợp chất hóa học thực sự trong 99 – 100% phụ nữ mang thai, đủ để nảy sinh ung thư chớm phát ở thai nhi.
Ngoài ra, một nghiên cứu dịch tễ học quy mô lớn được thực hiện vào năm 2006 đã chỉ ra bằng chứng rõ ràng ở 151 nghiên cứu độc lập rằng tiêm phòng bệnh lúc nhỏ làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển ung thư sau này. Tôi sẽ trình bày chi tiết hơn về phần nghiên cứu quan trọng này trong chương 1.
Một loạt các nghiên cứu cho thấy chất florua (fluoride) độc hại, được thêm vào nước uống ở các thành phố của nước Mỹ và các quốc gia khác, rõ ràng liên quan đến ung thư xương (osteosarcoma), cũng như các loại ung thư khác. May là sau khi đã xác nhận florua có trong nước uống mấy chục năm qua, CDCP đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp vào tháng 1 năm 2011 về việc mức độ florua trong nước uống hiện tại có thể gây hại nghiêm trọng cho trẻ em. Thật không may, nhiều bà mẹ chưa hiểu rõ vẫn sử dụng nước máy có florua để pha sữa bột cho bé.
Kẹp dây rốn quá sớm, thay vì 40 – 60 phút sau sinh như yêu cầu, có thể làm giảm ôxy hóa trong máu của em bé tới hơn 40%, và ngăn quá trình nhau thai lọc độc tố ra khỏi máu. Người ta nhận ra thói quen tương đối mới này gây hại nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ.
Bất cứ điều gì ảnh hưởng tới thể chất của trẻ cũng ảnh hưởng tới tình cảm và tâm lý của trẻ. Nói cách khác, không phải người trưởng thành mới bị tổn thương về mặt tình cảm.
Kết quả nghiên cứu cũng chứng minh rằng căng thẳng thời thơ ấu có thể ảnh hưởng tới sức khỏe khi trưởng thành. Một trong những nghiên cứu lớn nhất thuộc loại đó, Nghiên cứu về những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu (ACE), đã chứng minh mối liên hệ giữa:
1. Những tác nhân gây căng thẳng đặc biệt hồi nhỏ liên quan đến bạo lực, trong đó có việc bị ngược đãi, bị bỏ mặc, liên tục chứng kiến người thân đánh chửi nhau và
2. Những hành vi nguy cơ và các vấn đề sức khỏe ở tuổi trưởng thành1
1 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/MC3232061/ (TG).
Nghiên cứu ACE, hợp tác giữa Các Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh (CDCP) và Phòng khám Đánh giá sức khỏe của tập đoàn Kaiser Permanente ở San Diego, được thực hiện trên 17.000 người lớn từ năm 1995 tới năm 1997 đã thu thập và phân tích thông tin chi tiết của những người này về tình trạng bị ngược đãi, bị bỏ mặc và gia đình không hạnh phúc trong quá khứ cũng như hành vi và tình trạng sức khỏe hiện tại.
Kết quả nghiên cứu của ACE đã được công bố trong hơn 30 bài báo khoa học. Những bài báo này tiết lộ rằng bị ngược đãi, bị bỏ mặc và có những trải nghiệm tiêu cực khác lúc còn bé là tình trạng phổ biến. Gần hai phần ba số người tham gia nghiên cứu đã báo cáo rằng đã trải qua ít nhất một trải nghiệm tiêu cực lúc nhỏ và hơn 1 phần 5 số người nói có từ ba trải nghiệm xấu trở lên. Những phát hiện của nghiên cứu ACE gợi ra rằng một số trải nghiệm là những yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tật và tử vong, cũng như chất lượng cuộc sống kém ở Hoa Kỳ. Hãy nhớ rằng, căng thẳng cảm xúc kéo dài có thể gây hại cho hệ miễn dịch, do đó cơ thể dễ mắc gần như tất các loại bệnh, bao gồm cả ung thư. Tôi sẽ trở lại chủ đề quan trọng này sau.
Cuối cùng, để trẻ em tiếp xúc với bức xạ ion hóa thông qua chụp cắt lớp vi tính sau khi chúng bị va đập mạnh vào đầu là một việc không cần thiết và rất nguy hiểm, có thể dễ dàng và nhanh chóng dẫn tới ung thư não và các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác. Theo một nghiên cứu lớn trên hơn 40.000 trẻ em bị chấn thương ở đầu do vật tù cho thấy quan sát đơn giản là cách tiếp cận tốt nhất và ít nguy cơ nhất. Các kết quả được đăng trong tạp chí Pediatrics (Nhi khoa) số ra tháng 6 năm 2011 (được công bố trực tuyến vào ngày 9-5- 2011). Tất nhiên, bộ não đang phát triển ở trẻ có rất ít hoặc không có sự bảo vệ nào chống lại bức xạ ion hóa.
Chương đầu tiên của cuốn sách này cung cấp những hiểu biết sâu sắc về bản chất và ý nghĩa của ung thư xét trên phương diện thể chất. Đó là một cách hiểu về ung thư mà có thể trước đây bạn chưa bao giờ gặp. Cách hiểu mới mà thực ra đã được biết từ lâu này mở ra những lối tiếp cận mới nhắm vào việc chữa lành nguyên nhân thật sự của ung thư, thay vì chỉ điều trị các biểu hiện triệu chứng.
Trong chương này, bạn cũng sẽ tìm hiểu về những khám phá đáng kinh ngạc của các nhà nghiên cứu ung thư hàng đầu, họ đã chứng minh rằng ung thư không chỉ do đột biến tế bào gây ra, mà còn do sự hô ứng và tham gia của toàn bộ cơ thể. Hơn nữa, bạn hãy chú ý tới những phát hiện mới cho thấy lý do tại sao rất nhiều khối u được chẩn đoán là ung thư thật ra hoàn toàn vô hại và tự biến mất.
Chương 2 và chương 3 lần lượt đề cập tới nguyên nhân thể chất và tình cảm hoặc tinh thần. Để trình bày rõ ràng hơn, tôi đã cố gắng tách bạch các tiêu chí này, dù biết rằng phân chia như thế là tùy tiện và không đúng với thực tế. Tôi làm thế chỉ với một mục đích: nhấn mạnh rằng quá trình chữa lành các nguyên nhân gây ung thư phải bao gồm việc khôi phục cả sức khỏe thể chất lẫn tình cảm và tinh thần. Bỏ mặc một trong những yếu tố trên sẽ làm giảm cơ hội bình phục hoàn toàn và cuối cùng dẫn tới tái phát (rất nhiều trường hợp ung thư tái phát sau khi được điều trị). Ở mức tối thiểu, cách tiếp cận không đầy đủ như thế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần và thể chất, và quan trọng hơn cả là tới trạng thái hạnh phúc và niềm tin vào bản thân.
Phát biểu sau đây như sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt toàn bộ cuốn sách, rất quan trọng khi xem xét đến ung thư: “Ung thư không gây bệnh cho người ta mà căn bệnh của người đó gây ra ung thư.” Và tôi sẽ bổ sung thêm điều này: “Một khi ung thư xuất hiện, mục đích chính của nó là đưa người bệnh về lại trạng thái cân bằng giữa tâm trí, cơ thể và tinh thần.”
Điều này quá mâu thuẫn với những gì y học truyền thống và truyền thông thuyết phục bạn đến nỗi nghe có vẻ thật khó tin. Nhưng, việc ung thư chữa lành hay dẫn bạn tới cái chết thực ra có liên quan đến những gì đang diễn ra trong cuộc sống của bạn hơn là đến chính ung thư (tức là vấn đề nó xâm lấn như thế nào hoặc nó được phát hiện sớm đến mức nào).
Hãy lấy Dave làm ví dụ. Ở tuổi 58, ông được chẩn đoán là ung thư phổi trong một lần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Mặc dù trước khi chẩn đoán ông cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh nhưng chỉ trong hai tuần sau đó, sức khỏe của ông đã đi xuống nhanh chóng. Ông ăn không thấy ngon, gần như không ngủ được, hơi thở rất nông và còn bị những cơn hoảng loạn nghiêm trọng cùng chứng đau thắt ngực. Ông chết sau 20 ngày được chẩn đoán bị ung thư. Giấy chứng tử viết ông chết vì ung thư phổi nhưng rõ ràng nếu không được chẩn đoán ung thư, thì đã không xuất hiện bất cứ hiệu ứng quá sức chịu đựng nào do căng thẳng gây ra.
Không còn nghi ngờ gì nữa, căng thẳng về cảm xúc làm tê liệt hệ miễn dịch và không chỉ ngăn cản quá trình chữa lành của cơ thể, mà thực ra còn làm tình trạng trầm trọng thêm. Có những bằng chứng y khoa cho thấy trong thời gian căng thẳng nghiêm trọng, người ta có thể chết vì một cơn đau tim dù không có tiền sử bệnh tim hay tắc động mạch.
Khả năng phục hồi sức khỏe của bạn đòi hỏi bạn trở nên và cảm thấy toàn vẹn một lần nữa trên mọi cấp độ của cơ thể, tâm trí và tinh thần. Một khi nguyên nhân gốc rễ của ung thư và những trở ngại khác đối với việc cảm nhận toàn vẹn đã được xác định đúng, chúng ta sẽ nhận thức rõ cần làm gì để phục hồi hoàn toàn. Đây là chủ đề của các chương sau trong cuốn sách này.
Có một thực tế y khoa là trong cả đời mình, mỗi người đều có hàng triệu tế bào ung thư trú ngụ tại cơ thể. Đây không phải là dấu hiệu cho thấy chúng ta có vấn đề gì bất ổn. Ngược lại, như chúng ta sẽ thấy, đây là một phần thiết yếu trong việc duy trì trạng thái cân bằng lành mạnh của cơ thể.
Hàng triệu tế bào ung thư này vẫn không bị phát hiện trong các đợt xét nghiệm bình thường. Tuy nhiên, một khi nhân lên tới vài tỷ, chúng sẽ xuất hiện dưới dạng các khối u. Khi bác sĩ thông báo tới bệnh nhân ung thư của họ rằng các phương pháp điều trị bệnh mà họ chỉ định đã loại bỏ thành công tất cả tế bào ung thư, là họ chỉ tính tới các khối u ung thư có kích thước đủ để phát hiện, có thể xác định bằng xét nghiệm mà thôi.
Điều trị ung thư tiêu chuẩn có thể giảm số lượng tế bào ung thư tới mức không thể phát hiện ra, nhưng chắc chắn không thể loại bỏ tất cả tế bào ung thư. Chừng nào nguyên nhân gây phát triển khối u vẫn tồn tại, thì chừng đó ung thư có thể tái phát bất cứ lúc nào, ở bất kỳ bộ phận cơ thể nào và với bất kỳ tốc độ nào.
Chữa ung thư không liên quan nhiều lắm đến việc loại bỏ một nhóm các tế bào ung thư có thể phát hiện được. Các phương pháp điều trị như hóa trị và xạ trị (dùng phóng xạ) chắc chắn có khả năng gây độc hoặc đốt cháy nhiều tế bào ung thư, nhưng chúng cũng tiêu diệt cả các tế bào khỏe mạnh trong tủy xương, đường tiêu hóa, gan, thận, tim, phổi, v.v., thường dẫn tới tổn hại lâu dài, không thể hồi phục cho toàn bộ các cơ quan và hệ thống trong cơ thể.
Liệu có bất kỳ ai băn khoăn rằng tác dụng phụ số một của hóa trị chính là ung thư? Quả thực, hóa trị giết chết nhiều người vì gây ra ung thư mới hơn so với việc nó chữa khỏi ung thư. Do các thuốc hóa trị làm teo khối u nên chúng khuyến khích các tế bào ung thư mạnh hơn phát triển, phân chia, nhân lên và trở nên kháng thuốc. Chính điều này làm xuất hiện nguy cơ ung thư thứ cấp. Ngoài ra, do tần suất xuất hiện tác dụng phụ kinh hoàng vốn được biết quá rõ của hóa trị là rất cao nên gần như bất cứ ai uống những thuốc gây độc tế bào này đều có hiện tượng tăng vọt một loại protein sinh ra do căng thẳng, được gọi là yếu tố sốc nhiệt 1 (HSF-1). HSF-1 cho phép các tế bào ung thư bị tổn hại do các loại thuốc này có thể tự sửa chữa và phục hồi các hoạt động ung thư.
Xạ trị cũng thế. Phơi nhiễm phóng xạ với liều lượng 100 mSv1 hằng năm thì nguy cơ mắc ung thư trong đời tăng lên là điều hiển nhiên. Theo nghiên cứu, liều gây tử vong là 10.000 mSv2. Liều công phá cơ thể là 20.000 – 80.000 mSv, tùy loại ung thư. Không gì có thể gây tử vong nhiều hơn là xạ trị. Nếu so sánh với xạ trị thì rò rỉ phóng xạ sau động đất năm 2011 ở Nhật Bản có thể coi là vô hại.
1 Ký hiệu mSv (milisievert) chỉ đơn vị cơ bản để đo nồng độ phóng xạ (TG).
2 Để biết thêm chi tiết, đọc bài báo của Mike Adam trên NaturalNews.com: http://www. naturalnews.com/032136_radiation_exposure_chart.html (TG).
Hóa chất độc hại trong thuốc hóa trị có thể gây viêm nhiễm nghiêm trọng ở mọi tế bào trong cơ thể đến mức ngay cả các nang tóc cũng không thể giữ được sợi tóc nữa. Một phương pháp điều trị ung thư thực sự sẽ không phát huy tác dụng với cái giá là phá hoại các bộ phận quan trọng khác trên cơ thể. Chỉ có thể điều trị thực sự khi giải quyết được nguyên nhân phát triển mất kiểm soát của các tế bào ung thư và cơ thể được hỗ trợ đúng cách qua cơ chế chữa lành tự nhiên của nó. Ung thư là quá trình chữa lành mà cơ thể lựa chọn để tái thiết sự cân bằng nội môi. Không nhận ra ung thư là cơ chế chữa lành có thể dẫn tới tử vong và thường là như thế.
Cuốn sách này nhằm vạch ra những nguyên nhân gây ra ung thư và đề xuất cách xử lý những nguyên nhân này hơn là triệu chứng của nó. Coi ung thư như thể một căn bệnh là cái bẫy mà hàng triệu người đã sa vào và phải trả một cái giá quá cao vì không nhắm đến các nguyên nhân gốc rễ.
Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng ung thư là giai đoạn chữa lành cuối cùng, chứ không phải bệnh, nhưng tôi cũng biết rõ hầu hết mọi người đều cho rằng ung thư là một căn bệnh rất đáng sợ. Tôi không tuyên bố rằng quan điểm về ung thư của tôi là duy nhất đúng, mà tôi cho rằng nó là một trong nhiều quan điểm đúng.
Người xưa thường nói: “Kiến thức khác nhau ở các trạng thái khác nhau của ý thức”, ngụ ý là chân lý là phép chiếu chủ quan của tâm trí, trong ý thức hoặc tiềm thức. Nói cách khác, nếu bạn khăng khăng cho rằng ung thư là một căn bệnh đáng sợ có thể cướp đi mạng sống của bạn, thì rất có thể chính niềm tin chết chóc đó sẽ thực hiện đúng như bạn trông chờ. Hãy nhớ rằng chấn thương tình cảm có thể ức chế hệ miễn dịch và ngăn cản sự chữa lành. Tương tự, nếu bạn cho rằng ung thư là giai đoạn chữa lành nhằm lấy lại sự cân bằng nền tảng, thì niềm tin chân lý đó sẽ giúp bạn đạt được kết quả tích cực, đúng như kỳ vọng lạc quan của bạn. Nghiên cứu gần đây về não đã tiết lộ rằng sức mạnh của sự kỳ vọng tích cực là nhân tố thực sự duy nhất thúc đẩy chữa lành cho cơ thể1.
1 Để biết thêm thông tin, hãy đọc bài báo của tôi về những kỳ vọng tích cực trên http:// www.ener-chi.com/articles/positive-expectation-a-medical-miracle/ (TG).
Thật không may là nhìn chung giới y học không khuyến khích bệnh nhân tham gia, hoặc tác động đến, quá trình điều trị của chính họ. Vai trò của bệnh nhân hiếm khi được tính đến trong quá trình chữa lành. Thay vào đó, điều trị y khoa được tuyên truyền là phương pháp chữa bệnh duy nhất hiện nay. Thực ra, chữa lành được hay không tùy thuộc thể chất, tinh thần, tâm trí của mỗi cá nhân. Chấp nhận điều này là một thực tế có thể đem lại những hiệu ứng tự trang bị sức mạnh cho bản thân rất mạnh mẽ mà tôi cho là rất cần thiết để xuất hiện sự chữa lành hiệu quả.
Xin lưu ý: Nếu có chỗ nào trong cuốn sách này bạn thấy tôi viết ung thư là bệnh gây chết chóc, người ta chết vì ung thư, hay ung thư tàn phá dữ dội và chỉ có nước chết,... xin nhớ rằng tôi viết như thế để trình bày quan điểm chính thức trong nghiên cứu và các lý thuyết y học. Tuy nhiên, tôi muốn nói cho rõ rằng cách hiểu và lý giải của tôi về hiện tượng ung thư không thống nhất với quan điểm y học chính thống hiện nay. Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng ung thư giết người và tôi sẽ tiếp tục bàn sâu hơn lập trường của mình qua cuốn sách này.
Nếu khối u ung thư không làm tắc nghẽn cơ học hoặc gây sưng tấy rồi gây chết ngạt các cơ quan, đe dọa mạng sống, thì ung thư không thể bị coi là gây hại hoặc giết chết cơ thể. Mà đúng ra, ung thư là cơ chế chữa lành hoặc cơ chế sống sót, diễn ra khi mạng sống của một người bị đe dọa bởi một hoặc vài nguyên do được thảo luận trong cuốn sách này. Ung thư là một dấu hiệu thông báo cơ thể đang mất cân bằng trầm trọng và có thể chết bởi bất cứ điều gì đang làm nó mất cân bằng. Khi bạn nghe thấy rằng bức xạ ion hóa hoặc viên thuốc aspirin gây ra một số ung thư nghiêm trọng và tác oai tác quái nhất, xin lưu ý rằng ung thư ấy chính là nỗ lực sinh tồn hoặc chữa lành của cơ thể, chứ không phải bệnh.
Cuốn sách này phân biệt rõ ràng giữa nguyên nhân và triệu chứng của ung thư. Các triệu chứng, chẳng hạn như sự phát triển khối u ung thư, chỉ cho thấy rằng cơ thể đang cố gắng giải quyết các nguyên nhân ngầm ẩn của ung thư. Nếu chúng ta không hỗ trợ cơ thể trải qua quá trình chữa lành này mà lại tấn công nó bằng phương pháp điều trị y tế có hại, thì ung thư – quá trình chữa lành – có thể vẫn chưa hoàn tất và tiếp tục phát triển, do đó bị xem như vô phương cứu chữa.
Mục đích của cuốn sách này là cung cấp cho bạn kiến thức và niềm tin vào trí tuệ và sự thông minh vô hạn của cơ thể, mà nhờ đó quá trình chữa lành này có thể hoàn thiện và cơ thể có khả năng quay trở lại trạng thái cân bằng và sức sống tự nhiên của nó.
Andreas Moritz