Một người chào đời trong nó
đang sống như thể trong mơ,
sai lầm như nhìn đám mây mà tưởng con voi.
Theo cùng cách ấy,
những ham muốn và tưởng tượng của bạn
là kết quả từ sự tác động của thể xác và giác quan;
tất cả chúng đều là ảo ảnh,
giống sợi dây trông như một con rắn.
Cho nên mục tiêu là nhận ra Brahman,
thực tại tối thượng,
với hàng ngàn tên gọi khác nhau,
chẳng hạn như Vishnu và Brahma.
Kỷ luật là con đường duy nhất.
Nirvan Upanishad
Thế giới này là phù du... Từ “phù du” này nghĩa là nó tồn tại và nó đang kết thúc ở mỗi khoảnh khắc. Phù du không có nghĩa là không ở đây; thế giới chắc chắn là ở đây, không có gì để nghi ngờ về sự tồn tại của nó.
Nếu thế giới không ở đó thì sẽ không có khả năng bạn bị trói buộc vào nó hay bị nó lường gạt. Nếu thế giới không ở đây thì chẳng cần phải thoát khỏi nó. Thế giới tồn tại là một thực tế. Nhưng đồng thời, thế giới không vĩnh cửu. Sự tạm thời này nghĩa là nó biến đổi trong mọi khoảnh khắc, bất cứ điều gì tồn tại ở khoảnh khắc này sẽ không còn y nguyên ở khoảnh khắc tiếp theo. Chẳng có gì y nguyên, dù chỉ trong một khoảnh khắc.
Đó là lí do tại sao Đức Phật đã nói: “Thế giới này là một chân lí tạm thời.” Nó đúng chỉ trong một tích tắc.
Heraclitus, triết gia Hi Lạp, nói: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông.” Dòng sông chảy liên tục – bạn không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông, bởi vì nước mà bạn tắm lần đầu đã chảy đi vào thời điểm bạn tắm lần thứ hai. Cũng có thể nói rằng bạn không thể nhìn hai lần vào cùng một thế giới – trong chớp mắt, thế giới đã thay đổi.
Đức Phật đã nói rằng từ “là” là sai. Đây là một phát biểu vĩ đại. Ông nói không nên dùng “là” bởi vì mọi thứ luôn trong trạng thái “trở thành”. Chẳng hề có trạng thái “là”. Khi chúng ta nói một người nào đó là trẻ, thì cách dùng từ ấy sai. Đức Phật sẽ nói: “Người này hiện đang trẻ.” Cuộc sống là một sự vận động, một quá trình. Chẳng có gì vĩnh cửu dù ở bất cứ đâu. Chúng ta miêu tả một người là già: Khi chúng ta đang nói điều đó, có vẻ như già là một trạng thái tĩnh. Nhưng Đức Phật sẽ nói: “Người này hiện đang già.” Chẳng hề có trạng thái “là”, tất cả các trạng thái đều ở dạng “trở thành”.
Có rất nhiều khó khăn khi Kinh Thánh lần đầu tiên được dịch sang tiếng Myanmar. Tiếng Myanmar phát triển chậm chạp, sau khi Phật giáo đã được thiết lập ở Myanmar. Những giáo lý Phật giáo cơ bản đã bước vào trong tiếng Myanmar một cách sâu sắc. Trong tiếng Myanmar, chẳng có từ nào có thể được dịch thành “là”. Bất cứ từ nào cũng đều có nghĩa “nó đang xảy ra”. Nếu một người muốn nói: “Đó là dòng sông” thì khi dịch sang tiếng Myanmar, nó sẽ thành dòng sông đang hiện hữu, hoặc đang trở thành. Trong hầu hết các trường hợp, điều này không quá quan trọng, nhưng khi dịch “Chúa Trời là” trong Kinh Thánh sang tiếng Myanmar, nó chỉ có thể thành “Chúa Trời đang là” hoặc “Chúa Trời đang trở thành”. Thật vô cùng rắc rối.
Đức Phật đã nói: “Chẳng có gì là, mọi thứ đều đang trở thành.” Ông ấy đúng. Chúng ta thấy một cái cây và nói: “Đây là cái cây”, nhưng vào thời điểm bạn dứt lời, cái cây đã trở thành một cái cây khác, cái cây đã bị thay đổi. Một cành hoặc một lá mới có thể đã mọc ra vào khoảnh khắc đó, một chiếc lá già có thể đã rụng, một nụ hoa có thể đã phát triển thành bông hoa hay một bông hoa có thể đã nở; một bông hoa tàn có thể đã rụng xuống mặt đất, rễ sẽ hút nước và lá sẽ hấp thu nhiều tia nắng mới. Trong thời gian bạn nói: “Cái cây là” thì cái cây đó đã thay đổi rất nhiều, nó không còn như cũ. Không có trạng thái tĩnh trong thế giới, mọi thứ đều là một quá trình. Upanishad cũng đang nói như thế.
Vị hiền nhân tạo nên kinh Upanishad này nói:
Thế giới này là phù du.
Một người chào đời trong nó đang sống như thể trong mơ...
Vĩnh cửu nghĩa là không thể có sự chuyển hóa nào, không thể có sự biến đổi nào. Chỉ khi một thứ vẫn y nguyên như nó luôn vậy thì nó mới có thể được gọi là vĩnh cửu. Nhưng chắc chắn thế giới không giống như thế, nó đang liên tục biến đổi. Nó trông giống như “là” nhưng nó đang không ngừng chuyển hóa, biến đổi. Thế giới đang chuyển động – một sự chuyển động liên tục, một sự tồn tại thoáng qua.
Nhưng bạn tạo ra những ảo tưởng, cho nên với bạn, mọi thứ có vẻ vĩnh cửu. Với bạn, có vẻ thân thể cố định, nhưng thực ra nó là một dòng chảy. Nếu bạn hỏi một nhà khoa học, ông ta sẽ xác nhận rằng trong vòng bảy năm, mọi tế bào của cơ thể bạn sẽ thay đổi, không còn một tế bào cũ nào. Trong một giai đoạn bảy năm, tất cả tế bào cơ thể chết đi và cơ thể được làm mới hoàn toàn. Một người sống đến 70 tuổi thay đổi toàn bộ cơ thể của mình mười lần. Mỗi tế bào đang thay đổi trong từng khoảnh khắc.
Dường như bạn nghĩ rằng bạn chỉ chết một lần, nhưng cơ thể bạn đã chết cả ngàn lần rồi. Mỗi tế bào của cơ thể đang thay đổi và chết đi. Thức ăn thúc đẩy sự ra đời của những tế bào mới hằng ngày, những tế bào cũ đang bị ném ra ngoài và bị thải ra thông qua nhiều cánh cửa của cơ thể. Những tế bào cũ đang liên tục bị ném ra ngoài. Bạn có thể chưa ngẫm nghĩ về điều này: Khi bạn cắt móng tay và tóc, bạn không hề cảm thấy đau đớn. Sự vắng mặt của nỗi đau chỉ ra rằng chúng là những phần đã chết. Nếu chúng là những phần đang sống của cơ thể, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy đau. Có những phần đã chết bị ném ra ngoài như móng, tóc, phân và mồ hôi. Trong lúc ấy, cơ thể đang sinh ra những tế bào mới từ thức ăn được đưa vào. Cơ thể cũng giống như một dòng sông, nhưng người ta ảo tưởng rằng nó vĩnh cửu.
Cách đây ba trăm năm, người ta mới bắt đầu biết rằng máu lưu thông trong cơ thể. Trước đó, người ta nghĩ rằng máu đứng yên trong cơ thể, bởi vì chúng ta không thể cảm nhận được dòng chảy của máu. Máu ở chân tại một khoảnh khắc trước vươn tới đầu tại khoảnh khắc tiếp theo, máu đang lưu thông với một tốc độ cao. Sự lưu thông là cần thiết để nuôi dưỡng những tế bào mới và loại bỏ những tế bào cũ.
Máu đang hăng hái liên tục ném những tế bào cũ ra ngoài. Trong thế giới này, có một ảo tưởng rằng mọi thứ tồn tại, nhưng thực ra chẳng có gì vẫn nguyên như cũ trong từng khoảnh khắc. Mọi thứ liên tục biến đổi và hiền nhân mô tả sự biến đổi không ngừng này là “phù du”.
Hạnh phúc được kết nối với bất hạnh, tình yêu được kết nối với căm ghét còn tình bạn kết nối với thù hận.
Có một lí do nữa để gọi thế giới là phù du. Nếu bạn thấu hiểu đúng bản chất tạm thời này của thế giới, bạn sẽ không tạo ra bất cứ sự mê đắm vĩnh cửu nào với bất cứ điều gì trong thế giới. Nếu bản chất của thế giới là phù du và mọi thứ đều đang biến đổi thì bạn sẽ không níu bám vào mọi thứ, nghĩ rằng chúng là của bạn mãi mãi. Tuổi trẻ đơn giản là nằm trên con đường đến tuổi già chứ không gì khác. Tuổi trẻ chỉ là một sự già đi. Tuổi trẻ không phải cái đối lập của tuổi già, mà là một phần của cùng dòng chảy. Tuổi trẻ là cái nằm đằng sau, cách một vài bước, còn tuổi già là cái nằm đằng trước, cách một vài bước, nhưng cùng là một dòng chảy. Bờ của tuổi trẻ và bờ của tuổi già đều nằm trên cùng một dòng sông.
Nếu bạn hiểu rằng trong thế giới này, mọi thứ đang chết đi trong từng khoảnh khắc, thì sự ham sống điên khùng của bạn cũng sẽ tiêu tan. Cái mà bạn gọi là sinh ra chỉ là bước đầu tiên tới cái chết. Không muốn chết thì đừng nên sinh ra, chẳng có cách nào khác. Nếu bạn được sinh ra, bạn sẽ chết đi. Ngày mà bạn được sinh ra, hành trình đến cái chết đã bắt đầu; bước đầu tiên đã được thực hiện. Sinh ra là bước đầu tiên của cái chết và cái chết là bước cuối cùng của sinh ra. Sẽ dễ hiểu hơn nếu bạn nhìn vào điều này như một dòng chảy. Nếu bạn nhìn vào nó như những sự kiện, thì sự sinh ra và chết đi, tuổi trẻ và tuổi già có vẻ như tách rời.
Nhưng hiền nhân nói rằng thế giới này là một dòng chảy ngắn ngủi, sự sinh ra được nối liền với sự chết đi và tuổi trẻ nối liền với tuổi già. Hạnh phúc kết nối với bất hạnh, tình yêu kết nối với căm ghét còn tình bạn kết nối với thù hận.
Người nào ước mong kiểm soát dòng chảy tất yếu này sẽ chịu nhiều đau đớn. Mối lo âu của loài người là luôn khao khát kiểm soát dòng chảy, nhưng chẳng bao giờ có chuyện có thứ sẽ dừng lại và ở cùng bạn mãi mãi. Bạn muốn bất cứ cái gì bạn coi trọng phải mãi còn với bạn. Bạn muốn rằng nếu ai đó yêu bạn, tình yêu này phải là vĩnh viễn.
Tất cả những người yêu nhau muốn tình yêu của họ là vĩnh viễn – đó là lí do tất cả những người yêu nhau trở nên bất hạnh. Trong thế giới này chẳng có gì là vĩnh viễn, kể cả tình yêu. Mọi thứ thay đổi... đây là bản chất của thế giới. Bất cứ ai muốn điều gì đó trở thành vĩnh cửu sẽ trở nên bất hạnh. Thế giới này không tồn tại theo ham muốn của bạn. Nó có luật của riêng nó, vận động của riêng nó.
Nếu bạn ngồi dưới một cái cây và ao ước rằng lá của nó mãi xanh, bạn sẽ gặp khó khăn – và đó không phải lỗi của những chiếc lá hay cái cây. Đó không phải lỗi của thế giới, chính những khao khát của bạn tạo ra khó khăn. Bởi vì ngày hôm nay chiếc lá xanh, ngày mai nó sẽ khô héo; sự xanh tươi của nó là hành trình đến khô héo. Nếu bạn có thể nhìn thấy chiếc lá khô cũng là một phần của chiếc lá xanh thì bạn sẽ hiểu rằng thế giới này là phù du. Nếu bạn có thể nhìn thấy người già đang hấp hối trong một đứa trẻ đang chào đời, bạn sẽ hiểu rằng thế giới này là phù du. Nếu bạn có thể nhìn thấy sự nhạt phai của tình yêu trong cơn thủy triều dâng của tình yêu, bạn sẽ hiểu rằng thế giới này là phù du.
Mọi thứ đều như thế, nhưng bạn đang sống trong một khoảnh khắc; bạn chỉ thấy khoảnh khắc đó và tin rằng nó là tất cả. Bạn quên những khoảnh khắc quá khứ và tương lai. Bởi thế nên bạn lo âu, bạn đau khổ.
Nguyên nhân gốc rễ cho khổ đau của con người là anh ta muốn dừng điều không thể dừng được, anh ta muốn trói buộc điều không thể trói buộc, anh ta muốn cứu vãn điều không thể cứu vãn. Bạn khao khát ban sự bất tử cho những thứ về bản chất là cái chết. Thế rồi bạn lo âu. Nỗi lo âu phát sinh trong bạn là do sự không chắc chắn của bạn về tương lai: “Liệu ngày mai tôi có tiếp tục yêu người mà hôm nay tôi yêu?
Những người ngày hôm qua đã trân trọng tôi có trân trọng tôi ngày hôm nay? Tôi có tiếp tục có được thiện cảm của những người ngày hôm qua đã tin rằng tôi tốt đẹp?” Đây là nỗi lo âu duy nhất. Đó là lí do tại sao, khi chủ nghĩa vật chất gia tăng trên thế giới, những lo âu cũng gia tăng. Nếu ngày nay phương Tây nhiều lo âu hơn phương Đông thì chỉ bởi lí do này.
Ở phương Đông chắc chắn có nhiều khổ sở hơn: Có đói nghèo, lụt lội. Ở phương Tây, nạn đói không tồn tại, bệnh tật được kiểm soát, tuổi thọ đã tăng lên. Có phồn thịnh, tiện nghi, sung túc và sức khỏe tốt hơn – nhưng có nhiều lo âu hơn. Thực ra, đáng lẽ phải có nhiều lo âu ở phương Đông hơn ở phương Tây; những tính toán theo toán học phải dẫn chúng ta tới kết luận đó. Ở phương Tây ít đói kém hơn, ít bệnh tật hơn và có tất cả sự sung túc. Nếu ai đó không làm việc, anh ta vẫn có thể sống. Có lẽ trong khoảng 25 năm tới, ở phương Tây, rất ít người sẽ phải làm việc, bởi vì tất cả các ngành đang trở thành tự động. Ở mỗi quốc gia phát triển tự động hóa, họ sẽ thêm vào hiến pháp của mình nội dung, từ lúc sinh ra, mỗi công dân có quyền được nhận tiền mà không cần làm việc. Đúng vậy, điều này nên là một trong những quyền từ lúc sinh ra khi có đủ tiền – khi tất cả công việc đều do máy móc thực hiện thì mỗi công dân phải có quyền từ lúc sinh ra là được nhận tiền mà không cần làm việc.
Nhưng lo âu lại đang gia tăng. Tôi tin rằng ngày mà tất cả công việc ở phương Tây đều do máy móc thực hiện thì con người sẽ thấy mình gặp khó khăn lớn. Sẽ khó cứu vãn con người. Lí do duy nhất cho điều này là phương Tây chỉ để mắt đến vật chất, và cho rằng chỉ cần vật chất là có thể hạnh phúc trọn vẹn. Điều đó là không thể.
Hiền nhân nói rằng thế giới này là phù du, và nỗ lực biến nó thành vĩnh cửu là điên khùng.
Chấp nhận bản chất phù du của nó là trí huệ. Phải thấu hiểu điều này nhưng không phải bởi lắng nghe tôi, không phải bởi học tập, mà bởi trải nghiệm, bởi thực sự sống trong ngôi trường của trải nghiệm đang mở khắp mọi nơi. Tính tạm thời hiển hiện ở khắp mọi nơi, nhưng con người thật đáng kinh ngạc: Bất chấp điều này, anh ta sống như thể mọi thứ là vĩnh cửu. Chẳng có gì bền vững, mọi thứ biến đổi, nhưng sự mù quáng của bạn thì không thể nào tin nổi – bạn đã nhắm mắt lại. Khi mọi thứ đang dịch chuyển trong một dòng chảy thì bạn tự mãn, mơ mộng rằng mọi thứ sẽ vẫn nguyên như cũ. Hiền nhân yêu cầu chúng ta mở mắt ra và nhìn nhận sự thật rằng thế giới này là phù du – và bất cứ ai sinh ra trong nó đều đang sống như trong một giấc mơ.
Nhìn nhận thế giới và giấc mơ ở cùng một cấp độ là một trong những đóng góp quan trọng nhất của trí huệ Ấn Độ. Không dân tộc nào khác đủ can đảm đến gần kết luận này: Thế giới này chỉ là một giấc mơ. Thật khó để nói điều này, bất cứ ai cũng có thể thách thức nó và nói rằng một kết luận như vậy là sai. Bạn có thể chứng tỏ điều này chỉ bằng cách nhấc một hòn đá lên và tự đập nó vào đầu mình! Tác dụng của cú đánh sẽ chứng minh rằng thế giới là một thực tại quá rõ ràng chứ không phải một giấc mơ. Để chứng tỏ điều này không cần thiết phải sử dụng nhiều logic, đập một hòn đá vào đầu bạn là đủ. Khi máu chảy và đầu đau, thực tại được hiển lộ. Nếu thế giới là một giấc mơ, hòn đá cũng là một giấc mơ, thì sao bạn lại cảm thấy đau thật? Nhưng ý niệm thế giới này là một giấc mơ của Ấn Độ rất can đảm.
Cần nhớ vài điều có liên hệ với chuyện này. Khi các hiền nhân nói thứ gì đó giống như một giấc mơ thì không có nghĩa là nó không tồn tại. Một giấc mơ tồn tại thật không kém bất cứ thứ gì khác. Giấc mơ có tồn tại, nó cũng có thực tại của nó. Giấc mơ cũng là một sự kiện và có thể được trải nghiệm.
Điều thú vị về giấc mơ là mỗi khi nó được trải nghiệm, nó được trải nghiệm như một sự thật. Đã bao giờ trong lúc mơ mà bạn cảm thấy là bạn đang mơ chưa? Nếu bạn nhận ra trong lúc bạn đang mơ rằng nó là một giấc mơ, bạn sẽ tỉnh dậy. Trong mơ, bạn luôn cảm thấy rằng bất cứ điều gì được nhìn thấy đều là thật, tuy nhiên, ngay khi giấc mơ tiêu tan, bạn biết rằng nó là một giấc mơ. Khi bạn biết giấc mơ là giấc mơ, nó tiêu tan. Điều kiện cần cho sự tiếp diễn của giấc mơ là bạn phải thấy nó là thật; nếu không, giấc mơ sẽ tiêu tan. Vào ban đêm, con người có những giấc mơ vô cùng ngớ ngẩn, thế nhưng trong giấc ngủ, anh ta không thể hoài nghi chúng.
Leo Tolstoy đã viết ở đâu đó rằng ông từng mơ một giấc mơ hàng ngàn lần. Khi tỉnh dậy, ông luôn luôn cảm thấy giấc mơ mới ngớ ngẩn làm sao! – “Làm sao một giấc mơ phi lí như thế có thể đến với mình hết lần này đến lần khác?” Nhưng trong lúc ngủ, thế giới giấc mơ lại có vẻ thật một cách tuyệt đối.
Tolstoy viết rằng trong chuỗi giấc mơ, hết lần này đến lần khác, một sa mạc lớn hiện ra và trong sa mạc xuất hiện hai chiếc giày. Ông nhìn thấy hai chiếc giày bước đi nhưng không có chân và không có con người, chỉ có những chiếc giày bước đi. Giấc mơ này lặp đi lặp lại. Mỗi khi thức dậy, ông đều thấy nó thật ngớ ngẩn, nhưng trong lúc ngủ, việc đôi giày tự biết đi có vẻ hoàn toàn bình thường. Vào buổi sáng, ông sẽ lại cảm thấy băn khoăn vì ông nhận ra rằng đôi giày không thể bước đi nếu không có ai đó xỏ chúng vào.
Hết lần này đến lần khác, giấc mơ đó tự nó lặp lại. Giấc mơ của Tolstoy về một sa mạc vô tận, đôi giày đó, và chúng bước đi mà không có ai xỏ, cứ diễn ra đi diễn ra lại. Và khi ông trở nên hoảng sợ thì giấc mơ tan biến. Thậm chí sau khi đã mơ cùng giấc mơ ấy nhiều lần thì lần nào nó cũng có vẻ là thật.
Khi bạn đang mơ, với bạn, nó không phải một giấc mơ, nó là thật. Khoảnh khắc bạn cảm thấy rằng nó là một giấc mơ, bộ phim chấm dứt, tấm màn tưởng tượng tan đi và bạn ra khỏi giấc mơ.
Một người chào đời trong nó đang sống như thể trong mơ, sai lầm như nhìn đám mây mà tưởng con voi.
Hiền nhân đang nói rằng điều mà bạn thấy ngay cả sau khi thức dậy cũng là một giấc mơ. Bây giờ điều này thật quá thể! Nhà bạn, gia đình bạn, bạn bè bạn, vợ bạn, con bạn, sự giàu sang của bạn, tất cả chúng đều có vẻ thật – tại sao những thứ này cũng là những giấc mơ?
Hiền nhân nói, có một dạng thức tỉnh khác được đạt tới thông qua vivek, trí tuệ tỉnh táo, sự nhận biết. Khi bạn thức tỉnh và đi vào trong trạng thái này, bạn sẽ nhận ra rằng thế giới này – thế giới mà bạn thấy sau khi tỉnh dậy – cũng là một giấc mơ. Để biết giấc mơ là giấc mơ, trạng thái ý thức của một người phải thay đổi. Chỉ khi đó mới có thể có sự so sánh. Hệt như việc một giấc mơ có vẻ thật trong giấc ngủ và chỉ khi tỉnh dậy vào buổi sáng bạn mới biết nó không thật – theo cùng cách ấy, hiền nhân nói, khi bạn thức tỉnh trong trạng thái ý thức mới đó, thậm chí cái bạn thấy khi đã thức dậy cũng giống như một giấc mơ.
Bảo nó giống như giấc mơ chỉ là một phép ẩn dụ. Điều này không có nghĩa là trong trạng thái mới đó, nếu có người đánh vào đầu bạn thì máu sẽ không chảy. Ngay cả trong mơ, nếu ai đó đánh vào đầu bạn, máu sẽ chảy – ngay cả trong mơ! Trong giấc mơ, nếu ai đó tấn công bạn, ngồi lên ngực bạn và gí dao vào bạn, tim bạn sẽ đập nhanh hơn, huyết áp của bạn sẽ gia tăng và bạn sẽ run rẩy. Ngay cả khi đã tỉnh dậy, tim bạn sẽ vẫn tiếp tục đập nhanh hơn trong một lúc – ngay cả sau khi bạn nhận ra rằng nó chỉ là một giấc mơ và chẳng có ai đang ngồi lên ngực bạn; chỉ có cái gối đang ở trên ngực bạn thôi. Bạn đã thức dậy nhưng trái tim tiếp tục đập nhanh, máu chảy qua các tĩnh mạch ở một tốc độ cao hơn, huyết áp của bạn tăng lên. Nếu trong mơ ai đó chết đi, bạn có thể khóc sụt sùi. Nhưng khi bạn thức dậy và giấc mơ tan vỡ, những giọt lệ vẫn ở đó trên mắt bạn, giấc mơ đã bước quá sâu vào bên trong.
Nhưng bạn sẽ có thể biết nó là giấc mơ chỉ bằng cách bước ra khỏi nó, không còn cách nào khác.
Nhưng trong số chúng ta có một vài người có trí huệ và trí xét đoán, những người có khả năng biết điều gì đang xảy ra nhờ sự nhận biết trọn vẹn của họ. Họ kinh ngạc nhận thấy có quá nhiều người sống như thể đang ngủ, sống trong những giấc mơ. Chỉ những người đã thức tỉnh mới có thể biết điều này, không phải bạn, bởi vì tất cả các bạn sống trong những giấc mơ tương tự. Cho nên mỗi khi ai đó trong số các bạn thức tỉnh, tất cả các bạn đều trở nên rất khó ở. Bạn cố gắng lôi anh ta xuống và làm cho anh ta quay về giấc ngủ bằng cách giảng giải cho anh ta những giấc mơ của bạn ngọt ngào thế nào!
Đức Phật rời khỏi cung điện của mình và vương quốc của cha mình bởi vì ông cảm thấy rằng nếu ông ở lại trên mảnh đất của cha ông, một ngày nào đó, ông có thể bị bắt về. Cho nên ông đi tới vương quốc láng giềng. Khi vị vua ở đó biết được con trai của bạn mình đã trở thành một sannyasin1, ông ta trở nên rất băn khoăn.
1 Người thực hành sannyas, hay có thể tạm hiểu là sự từ bỏ.
Ông tìm Đức Phật, ngồi xuống bên cạnh và khuyên: “Cậu còn quá trẻ. Cậu chưa có kinh nghiệm về cuộc đời. Sao cậu điên rồ như thế này? Nếu cậu không hài lòng với cha mình thì không thành vấn đề – cậu có thể ở lại với ta. Ta sẽ gả con gái ta cho cậu cùng một nửa vương quốc của ta.”
... trong số chúng ta có một vài người có trí huệ và trí xét đoán, những người có khả năng biết điều gì đang xảy ra nhờ sự nhận biết trọn vẹn của họ.
Đức Phật đáp: “Tôi chạy khỏi vương quốc của mình và nghĩ rằng sẽ không ai đuổi theo tôi, nhưng giờ ngài lại tới!”
Nhà vua một lần nữa cố gắng thuyết phục ông: “Cậu vẫn còn quá trẻ, cậu chưa có hiểu biết gì về cuộc đời. Cậu nên quay về nhà đi.”
Bất cứ nơi nào Đức Phật tới, ông cũng bị người này hay người khác khuyên nhủ, những người tự cho là mình hiểu thế giới và muốn Đức Phật ngủ tiếp – đây là phản ứng của bạn với những người đã thức tỉnh.
Mỗi khi ai đó bắt đầu đi vào chiều hướng thức tỉnh thì từ khắp mọi hướng, những bàn tay nặng nề sẽ nắm lấy anh ta như vòi bạch tuộc. Từ khắp mọi nơi, anh ta sẽ bị bắt và ép quay lại ngủ. Đủ các kiểu cám dỗ sẽ được trình ra để làm anh ta ngủ. Mỗi khi ai đó trong số các bạn thức tỉnh, bạn trở nên khó ở bởi vì anh ta bắt đầu đánh giá mọi thứ một cách khác biệt. Anh ta nói: “Bạn đang trong giấc ngủ sâu, trong trạng thái của những giấc mơ. Bạn đang không ý thức được thực tế là cuộc sống trần tục này là phù du và bạn chắc chắn sẽ mất nó.” Với một người đang xây một ngôi nhà mới, nếu bạn nói rằng cuộc đời này là tạm thời, một thứ thoáng qua, thì chẳng khác nào tước đi mạng sống của anh ta. Anh ta không sẵn sàng để tin rằng ngôi nhà của anh ta cũng sẽ trở thành một đống gạch vụn như nhiều ngôi nhà khác được xây trước đó.
Cách đây hai hay ba năm, tôi ở Mandavgad1, nơi người ta tổ chức một trại thiền. Mới sáu trăm năm trước, thành phố đó có dân số sáu trăm ngàn người.
1 Một thành phố cổ nằm ở nơi mà ngày nay là thị xã Mandav thuộc quận Dhar, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ.
Có một biển thông báo nằm gần trạm xe buýt cho biết hiện nay dân số nơi này chỉ có 913 người. Tôi đã rất ngạc nhiên: Một thành phố từng có dân số sáu trăm ngàn mà nay chỉ thấy những biểu hiện hoang tàn. Có những nhà thờ Hồi giáo rộng lớn đủ cho mười ngàn người cầu nguyện cùng một lúc. Ngày nay, thậm chí không có đến mười người cầu nguyện. Có những trạm nghỉ rất rộng rãi mà hàng trăm người ở được. Bây giờ, trong cả thành phố đó chỉ có 913 người, đâu đâu cũng chỉ là phế tích. Vậy mà một người xây nhà ở đó sẽ không bao giờ bận tâm đến những phế tích nọ. Anh ta xây nhà của mình hăng hái như thể ngôi nhà sẽ mãi mãi tồn tại.
Người đã thức tỉnh nhắc nhở bạn về những vấn đề khiến bạn không vui. Những vấn đề này gây ra buồn phiền bởi vì một khi đã biết chúng, bạn không thể sống như trước. Bạn sẽ phải thay đổi chính mình, bạn sẽ phải tạo ra những sự thay đổi sẽ chuyển hóa bạn. Nhưng bạn muốn tiếp tục sống như bạn đang sống, bởi vì sự chuyển hóa yêu cầu nỗ lực và bạn thì không muốn gây rắc rối cho bản thân.
Hiền nhân nói:
Thế giới này là phù du.
Một người chào đời trong nó đang sống như thể trong mơ, sai lầm như nhìn đám mây mà tưởng con voi.
Khi bầu trời bị mây che phủ, bạn có thể tưởng tượng chúng biến đổi thành bất cứ hình dạng nào. Nếu thích, bạn có thể thấy một con voi trên bầu trời. Lũ trẻ nhỏ tưởng tượng những điểm tối trên mặt trăng thành bức tranh một bà già đang quay tơ! Bạn đang nhìn thấy chính ước vọng của mình, bạn có thể phóng chiếu bất cứ điều gì bạn khao khát. Bạn có thể thấy một cỗ xe ngựa chạy cắt ngang bầu trời, bạn có thể thấy một con voi, bạn có thể thấy một phụ nữ xinh đẹp, những apsara1, những tiên nữ, bất cứ điều gì bạn muốn. Trong thực tế, chẳng có gì trong những đám mây, mọi thứ bạn thấy là ở trong mắt bạn. Một đám mây chỉ là một đám mây, bạn có thể thấy trong nó điều mà bạn thích.
1 Một dạng tiên nữ trong Hindu giáo và thần thoại Phật giáo.
Các nhà phân tâm học phương Tây đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về sự phóng chiếu tâm thần. Họ sử dụng những vết mực, chẳng hạn như những vết xuất hiện trên giấy thấm, để nghiên cứu các bệnh nhân của mình. Họ đưa những vết mực cho bệnh nhân và yêu cầu các bệnh nhân mô tả những gì họ nhìn thấy. Bệnh nhân sẽ phóng chiếu hình ảnh một cái gì đó trong tâm trí của mình vào vết mực, điều này sẽ cho một manh mối về trạng thái tâm trí anh ta. Thực ra, chẳng có hình ảnh nào ở đó.
Tôi từng nghe:
Mulla Nasruddin có lần đến gặp một bác sĩ tâm thần. Đầu óc anh ta lộn xộn và rối loạn, nên anh ta tới để xin lời khuyên. Bác sĩ tâm thần muốn biết nguyên nhân gốc rễ cho tình trạng lộn xộn của tâm trí Mulla, nên ông đưa Mulla một tờ giấy có vết mực và hỏi xem anh ta thấy gì. Mulla trả lời: “Hình như đây là một người đàn bà.” Bác sĩ tâm thần nghĩ bệnh nhân của mình đã đi đúng đường, bởi vì bệnh tật lớn nhất của đàn ông là đàn bà và của đàn bà là đàn ông. Không có nhiều chứng bệnh khác. Bác sĩ tâm thần cho anh ta xem một tờ giấy khác. Mulla nói: “Người đàn bà này khỏa thân hoàn toàn.” Bác sĩ thậm chí càng hài lòng hơn vì ông sẽ dễ dàng tìm ra nguyên nhân cho sự lo âu của Mulla. Ông đưa Mulla một tờ giấy thứ ba và hỏi lại. Mulla nói: “Tôi có thực sự phải trả lời không? Người đàn bà này đang làm điều gì đó thô tục!”
Bác sĩ tâm thần nói: “Bây giờ tôi đã tìm ra điều gì đang diễn ra trong tâm trí anh, bệnh của anh rõ ràng rồi.” Mulla nói: “Cái gì cơ? Trong tâm trí tôi sao? Những bức tranh này là của ai, của ông hay của tôi? Ai đã làm ra chúng, ông hay tôi? Dường như chính tâm trí của ông mới bệnh hoạn vì như thế mới tạo ra những bức tranh này. Hôm nay tôi đang vội, nhưng ngày mai tôi sẽ quay trở lại. Và... nhân tiện, ông cho tôi mượn những bức tranh này qua đêm để tôi có thể thưởng thức chúng vào thời gian rỗi được không?”
Cuộc sống trần tục này giống như những con voi trên bầu trời. Bầu trời thì trống rỗng, nhưng những mảng mây thì giống như những vết mực – bạn có thể thấy bất cứ thứ gì bạn muốn thấy ở chúng. Điều bạn thấy không thực sự ở đó mà là sự phóng chiếu tâm thần của cái đang diễn ra bên trong bạn. Nó là sự sáng tạo của riêng tâm trí bạn, thế giới mà trong đó mỗi người các bạn sống. Bạn không biết gì về thế giới vượt ra khỏi tâm trí bạn và vượt ra khỏi sự sáng tạo của bạn. Thế giới đó chỉ những ai đã trở nên tự do khỏi tất cả tư duy mới biết đến. Chừng nào tâm trí ở đó thì sự phóng chiếu còn ở đó và nó tiếp tục làm việc từ bên trong bạn.
Bạn thấy một gương mặt đẹp, nhưng bạn có biết rằng có vài người sẽ thấy khuôn mặt đó xấu không? Bạn thấy một người đầy đức hạnh, chẳng có gì ngoài đức hạnh, nhưng bạn có biết rằng anh ta cũng có những kẻ thù chỉ thấy sự đồi bại ở anh ta? Bất cứ điều gì bạn thấy ở anh ta chỉ là sự phóng chiếu của bạn. Anh ta chỉ là cái cớ, giống như đám mây kia ở trên bầu trời. Trên thực tế, anh ta chỉ là chính anh ta và anh ta không thể sống theo những khao khát và phóng chiếu của bạn.
Bạn trở nên bất hạnh bởi vì bạn đã tin một điều có thể thỏa mãn khao khát của bạn là thật. Không hôm nay thì ngày mai, mong đợi đó chắc chắn sẽ khiến bạn khổ sở và phiền não.
Một người mỉm cười với bạn, nói những điều đẹp đẽ và tán dương bạn, cho nên bạn quyết định anh ta là người tốt. Anh ta ở với bạn đêm đó rồi trộm tiền của bạn và cao chạy xa bay, thế là bạn nghĩ: “Kiểu người gì đây nhỉ? Anh ta có vẻ là một người tốt, thế mà tại sao anh ta lại ăn cắp như thế này? Chuyện gì đã xảy ra cho gương mặt tươi cười của anh ta và lời tán dương anh ta trút lên mình?” Bạn đã có những mong đợi nhất định về anh ta, cho nên bạn quy cho anh ta những phẩm chất nhất định; bạn không bao giờ mong đợi anh ta sẽ ăn cắp! Việc anh ta có ăn cắp hay không thì liên quan đến thế giới bên trong của anh ta.
Bạn nhìn thấy một con voi trong những đám mây – ai có thể nói con voi ấy sẽ còn ở đó bao lâu? Trong một khoảng thời gian ngắn, đám mây đó sẽ dịch chuyển và trở thành thứ gì đó khác: Thế là bạn gào khóc vì con voi mà bạn thấy đã biến mất. Rồi bạn cảm thấy bị lừa dối và thất vọng. Mong đợi của bản thân bạn đánh lừa bạn. Mỗi cá nhân chỉ là chính người đó. Bạn quy điều gì đó cho anh ta và rồi cảm thấy bị phản bội khi những mong đợi của bạn được chứng tỏ là sai. Bởi thế, chừng nào bạn có một tâm trí, bạn sẽ cảm thấy bị người khác đối xử tệ bởi vì bạn sẽ tiếp tục phóng chiếu cái sai.
Tâm trí chỉ biết tưởng tượng, tưởng tượng là năng lực duy nhất của nó.
Mạng nhện của tâm trí bạn là thế giới giấc mơ của bạn. Tâm trí của bạn là thế giới của bạn. Vượt qua tâm trí này là vượt qua thế giới này. Tâm trí là một giấc mơ, và vượt qua tâm trí là vượt qua giấc mơ.
Theo cùng cách ấy, những ham muốn và tưởng tượng của bạn là kết quả từ sự tác động của thể xác và giác quan; tất cả chúng đều là ảo ảnh, giống sợi dây trông như một con rắn.
Nó giống như một sợi dây nằm trên mặt đất, đối với ai đó sẽ trông giống một con rắn. Không khó để nhìn một sợi dây mà tưởng con rắn. Bất cứ người hay lo sợ nào cũng sẽ thấy con rắn ngay lập tức, ở bất cứ đâu; anh ta sẽ nhìn một sợi dây và chạy trối chết. Khi anh ta nhìn sợi dây mà tưởng con rắn, anh ta sẽ chạy toát mồ hôi. Tim anh ta đập nhanh hơn và chân tay anh ta run rẩy. Khi anh ta nhìn sợi dây mà tưởng con rắn, anh ta sợ hãi như thấy một con rắn thực sự, chẳng có khác biệt nào. Chừng nào bạn còn bị nó làm khiếp đảm thì chẳng có khác biệt nào cả. Nhưng sợi dây sẽ không dễ chịu với hành vi của bạn và tự hỏi bạn là loại người gì mà thấy nó là bỏ chạy!
Tâm trí chỉ biết tưởng tượng, tưởng tượng là năng lực duy nhất của nó. Không thể biết chân lý thông qua tâm trí, tâm trí chỉ có thể tưởng tượng. Bất cứ điều gì bạn đã biết thông qua tâm trí đều giống như nhìn sợi dây mà tưởng con rắn. Bạn nhìn thấy điều không có ở đó, bạn nghe thấy điều không được nói, bạn chạm vào điều không tồn tại. Bạn tiếp tục sống trong những ảo tưởng của riêng bạn, nuôi dưỡng chúng, tạo ra một mạng nhện ảo tưởng khắp xung quanh mình. Bạn không có bất kì liên hệ nào với chân lí.
Hiền nhân nói rằng sannyasin đang tìm kiếm cái đúng như nó là, không phải cái tâm trí anh ta nói.
Anh ta sẽ phải lựa chọn một trong hai: Nếu anh ta muốn cái đúng như nó là thì anh ta sẽ phải từ bỏ tâm trí của mình, còn nếu tâm trí được coi trọng hơn thì anh ta sẽ không thể tìm ra điều gì ngoài một mạng nhện do trí tưởng tượng của riêng anh ta tạo ra.
Cho nên mục tiêu là nhận ra Brahman, thực tại tối thượng, với hàng ngàn tên gọi khác nhau, chẳng hạn như Vishnu và Brahma.
Mục tiêu là biết chân lí. Chỉ bằng cách biết cái thực sự đang có đó, một người mới có thể tự do khỏi khốn khổ và bất hạnh; chỉ thế thì tất cả lo âu và tất cả đau đớn mới chấm dứt. Chỉ bằng cách biết cái thực sự đang có đó, một người mới có thể thực sự tự do. Chỉ bằng cách biết cái thực sự đang có đó, chân lí mới có thể được trải nghiệm và cùng với nó là sự bất tử. Biết cái thực sự đang có đó, là biết sự bất diệt.
Nhưng cái thực sự đang có đó có nhiều tên gọi. Chắc chắn phải như vậy, bởi vì không đặt tên cho mọi thứ thì bạn không thấy thoải mái. Đó là lí do tại sao hiền nhân nói mục tiêu là biết cái thực sự đang có đó đằng sau một ngàn cái tên. Vài người gọi nó là Brahma, vài người gọi nó là Vishnu, vài người gọi nó là Rama, vài người gọi nó là Rahim và vài người gọi nó là Thượng Đế. Biết chân lí đó, thứ nằm đằng sau hàng ngàn cái tên, chính là mục tiêu.
Thực ra, chân lí không có tên – và đó là lí do tại sao nó có thể được đặt hàng ngàn cái tên. Hãy nhớ rằng, nếu nó có một cái tên thì nó không thể bị gọi bằng hàng ngàn cái tên. Bởi nó không có tên, nó có thể được gọi bằng bất cứ cái tên nào. Nhưng con người, có những ngôn ngữ khác nhau, ở những thời đại khác nhau và thông qua những kinh nghiệm khác nhau, đã đặt cho nó rất nhiều, rất nhiều cái tên. Chúng đều chỉ cùng một thứ, dù ngôn từ khác nhau.
Điều này đã tạo ra nhiều vấn đề, chính vì thế mà diễn ra những cuộc thập tự chinh. Kẻ cuồng tín cố chấp vào cái tên đến nỗi chẳng ai quan tâm đến cái Một trong cái tên mà họ đang chiến đấu vì nó. Người gọi nó là Rama chiến đấu với người gọi nó là Rahman. Gươm được mài sắc – người gọi nó là Allah giết người gọi nó là Bhagwan. Những kẻ sống trong tâm trí thậm chí có thể tưởng tượng ra những thần linh giả: Họ bắt đầu nhìn dây mà tưởng rắn, và nhìn tên mà tưởng chân lý.
Cái tên chỉ là cái tên, nó chỉ là gợi ý. Tất cả gợi ý trở thành không cần thiết một khi người ta đã biết cái được gợi ý. Nếu tôi dùng ngón tay của mình để chỉ cho bạn thấy mặt trăng ở đâu mà bạn lại nhìn ngón tay tôi và gọi nó là mặt trăng thì việc này sẽ tạo ra vấn đề nan giải! Ngón tay tôi chẳng có giá trị gì, cái được chỉ mới quan trọng. Hãy quên ngón tay đi và nhìn mặt trăng! Nhưng người ta nhìn thấy ngón tay trước và không muốn nhìn thấy mặt trăng. Đó là cách mà bạn mắc kẹt với những cái tên. Ở Ấn Độ, những người đã biết cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm của những cái tên, nhưng đến tận hôm nay nhiều người vẫn chưa nhận ra mối nguy hiểm này.
Các hiền nhân Ấn Độ nói đi nói lại rằng chân lí có hàng trăm cái tên. Đặt cho nó bất cứ cái tên nào cũng được. Không cái tên nào là đủ và tất cả những cái tên đều có tác dụng, cái tên cũng có thể giúp ích.
Chỉ vì lí do này mà người Hindu chưa bao giờ quan tâm đến việc cải đạo mọi người thành tôn giáo của họ, không có lí do nào khác cho việc đó. Khi tất cả những cái tên đều thuộc về cái Một thì người gọi nó là Allah cũng đang khẩn cầu cùng một chân lí giống như người gọi nó là Rama. Chân lí được biểu lộ trong kinh Koran là cùng chân lí được biểu lộ trong kinh Veda, cho nên việc chuyển hướng một người yêu kinh Koran sang yêu kinh Veda là vô nghĩa. Nếu kinh Koran có tác dụng với anh ta thì thế là đủ, công việc đã được làm xong. Nếu Kinh Thánh có tác dụng với ai đó thì thế là đủ. Không thể tạo ra được một thái độ rộng lượng và khoan dung hơn thái độ của Hindu giáo. Nhưng thái độ này đã tỏ ra là một tai họa cho người Hindu, và nó chắc chắn phải trở thành như vậy. Trong thế giới đang ngủ này, khi những người đang ngủ bắt đầu sử dụng lời của những người đã thức tỉnh, đó có thể là tai họa.
Mọi cái tên đều thuộc về chân lí. Không có sự đối nghịch, cho nên không cần phải bất hòa. Tất cả những cách biểu lộ đều hữu ích. Hiền nhân nói: Gọi nó là Brahma, Vishnu hay Shiva, bất cứ cái gì bạn thích – mục tiêu là như nhau. Cái thực sự phải được biết là vĩnh hằng, bất biến và vĩnh cửu: Ngày hôm qua nó đã như vậy, ngày hôm nay nó vẫn như vậy và ngày mai nó sẽ vẫn như vậy. Nó không cũ cũng không mới. Điều gì có thể thay đổi thì có thể cũ hoặc mới, nhưng điều gì là vĩnh hằng thì không thể cũ hay mới. Cái không thể cũ đi thì không thể gọi là mới. Nó chỉ là nó thôi.
Biết cái thực sự có đó là mục tiêu duy nhất. Nhưng để biết nó, bạn sẽ phải vứt bỏ các ý niệm và khái niệm của mình. Bạn đang nhìn vào thế giới với đôi mắt bị lấp đầy. Bạn sẽ phải nhìn vào nó với đôi mắt trống không. Bạn đang nhìn vào thế giới với những ý niệm lấp đầy tâm trí bạn, bạn sẽ phải nhìn với tâm trí trống rỗng. Bạn tiếp cận thế giới với những định kiến và bạn nhìn qua tấm màn của những định kiến đó.
Nếu bạn thực sự muốn thấy cái đích thực – hiện hữu, chân lí – thì bạn sẽ phải trở nên trống rỗng, im lặng, trống không, trần trụi. Tất cả những lớp quần áo khái niệm sẽ phải bị cởi bỏ. Tất cả những lớp quần áo suy nghĩ sẽ phải bị cởi bỏ. Chỉ người đứng im lặng, không có suy nghĩ, trống rỗng, trống không, mới có thể trải nghiệm chân lí – chân lí đó là vĩnh hằng, bất biến và vĩnh cửu.
Kỷ luật là con đường duy nhất.
Kỷ luật của cái gì? Kỷ luật của tâm trí. Con đường chính là rèn luyện kỷ luật cho các hoạt động của tâm trí vốn luôn luôn phóng chiếu những định kiến của nó, dừng chuyển động của nó lại và làm nó vững chãi. Trong những câu rất ngắn trên chứa đựng những sự soi rọi lớn lao; đúng là một câu ngắn: Kỷ luật là con đường. Hiền nhân đang nói rằng rèn luyện kỷ luật cho tâm trí vốn luôn sinh ra những giấc mơ là con đường duy nhất. Con đường là dần dần làm tiêu tan tâm trí này.
Có một thiền sư tên là Lâm Tế. Khi ông tới gặp sư phụ của mình lần đầu tiên, ông hỏi ông ta: “Con phải làm gì với tâm trí của con để biết chân lí?”
Nghe vậy, sư phụ cười lớn và đáp: “Bất kể điều gì con có thể làm với tâm trí thì thông qua nó, con cũng không bao giờ có thể biết chân lí.”
Lâm Tế hỏi: “Vậy thì con sẽ không bao giờ biết được chân lí ư?”
Sư phụ trả lời: “Ta không nói vậy. Con sẽ có thể biết chân lí, nhưng hãy nghe ta, đầu tiên con phải từ bỏ tâm trí của mình.”
Vô trí là thiền. Sự dừng lại của tâm trí là thiền.
Đừng cố gắng làm bất cứ điều gì với tâm trí, dù là điều tốt hay điều xấu. Đừng cố gắng trao cho nó bất kỳ màu sắc nào. Đừng làm nó thành tâm trí của thánh nhân hay tội nhân. Tâm trí không thể đạt được gì cả, bởi vì bất kể nó là loại tâm trí nào, nó cũng sẽ phóng chiếu. Tâm trí tốt sẽ phóng chiếu những điều tốt và tâm trí xấu sẽ phóng chiếu những điều xấu – phóng chiếu là bản chất của nó. Nhưng khi có vô trí, mạng lưới của sự tưởng tượng nằm giữa bạn với chân lí sẽ rơi rụng ngay lập tức. Bấy giờ bạn sẽ có thể thấy bạn là gì.
Cái mà tôi gọi là thiền chính là vô trí – tống khứ tâm trí – cho nên việc rèn luyện kỉ luật cho tâm trí này là con đường đến chân lí.
Trước tiên, một cách chậm rãi và cẩn trọng, hãy bắt đầu hành trình của bạn. Khi bạn đứng trước một cái cây, hãy từ bỏ tất cả định kiến về những cái cây và nhìn nó như chính nó. Đừng để tâm trí bạn xen vào và diễn giải rằng nó đẹp, đó chỉ là một ý tưởng cũ kĩ. Đừng cho phép tâm trí bạn nói cái cây là xấu xí. Đừng để nó bước vào giữa, hãy để tâm trí không nói gì cả. Bảo tâm trí bạn im lặng và điềm tĩnh, đừng can thiệp. Hãy ngắm nhìn cái cây mà không có tâm trí.
Bạn đang ngồi dưới ánh mặt trời: Tâm trí sẽ nói trời nóng quá. Hãy bảo tâm trí bạn giữ yên lặng. Hãy bảo nó rằng bạn muốn trải nghiệm mặt trời một cách trực tiếp. Tâm trí có thể nói rằng tắm nắng thật ấm áp, dễ chịu và êm dịu: Hãy bảo tâm trí im lặng và đừng xen vào. Khi làm điều này, bạn sẽ thấy điều gì đó khác lạ xảy ra: Lúc ấy, bạn sẽ có thể trải nghiệm mặt trời như là chính nó. Tâm trí sẽ không định nghĩa và diễn giải.
Tất cả định nghĩa đều thuộc về tâm trí.
Hiền nhân nói: “Bạn sẽ phải rèn luyện kỷ luật cho tâm trí này. Bạn sẽ phải dần dần làm tan rã nó. Bạn sẽ phải trải nghiệm khoảnh khắc mà bạn có thể nói rằng bây giờ không có tâm trí.” Có ý thức, có chân lí. Nơi không có tâm trí, ý thức và chân lí gặp gỡ. Và có phúc lạc. Và có sự nhận ra, có kinh nghiệm về cái vĩnh hằng.