Không thể để người dân sống bên cạnh tài nguyên thiên nhiên phong phú mà lại không được hưởng lợi. Thay vì cấm đoán thì nên hướng dẫn bà con làm đúng.
Đó là chuyện “đội đá vá trời” ở vườn quốc gia Tràm Chim (thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp).
Thấy mới tin
Ông Dương Văn Thắng, sinh năm 1948, ở ấp K9, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, không thể tin được có ngày mình lại đường đường chính chính được vào vườn quốc gia Tràm Chim mà thảnh thơi đánh bắt thủy sản. Là bởi bao năm nay đất của vườn là vùng bảo tồn thiên nhiên, là khu cấm kỵ. Ấy thế mà rồi một sáng tháng 9 năm 2013, lần đầu tiên ông được vườn mời lên cấp thẻ cho phép vào vườn mưu sinh. Cùng vợ, con, cháu đùm túm đồ nghề vào dựng lều bạt ở phân khu A1 của vườn. Chiều chiều, 4 giờ ông đi thả lưới, móc mồi câu, đặt lợp, lờ, xà vi, trúm. Sáng hôm sau, 3 giờ cả nhà đã dậy cơm nước để 4 giờ chèo thuyền đi thăm lưới, đổ lợp, cất câu… Về đến lều lại ai vào việc ấy nhặt, phân chia từng loại cá lóc, cá rô, cá tra, lươn… rồi chở ra vựa đổ cho thương lái. Ông Thắng được cấp phép vào vườn khai thác trong ba tháng mùa nước nổi. Hết mùa, vườn đóng cổng thì ông cũng thu ngư cụ.
Ba tháng trong vườn, ông Thắng mới hiểu cán bộ, nhân viên của vườn ngày ngày xét nét từng li từng tí không phải để giữ cho riêng mình mà để vì lợi ích chung. “Thì đấy, nếu dùng xung điện cá nào cũng chết; đánh lưới mắt thưa vét từ con non vét đi; mùa cá đẻ mà đánh mất trứng thì lấy đâu mà nở, lần sau mình lấy gì mà kiếm”. Hiểu thế nên bây giờ ông uốn lưỡi câu lớn hơn, đan mắt lưới rộng hơn, bắt được con cá, cua, tôm… nhỏ quá thì thả lại cho nó lớn. Và về ấp, lúc nhấp chén trà, khi khề khà ba xị đế, ông Thắng đều kể chuyện ấy với anh em, bạn bè…
Gắn bó với dân
Vườn quốc gia Tràm Chim có tổng diện tích là 7.313 ha, được xem là lá phổi xanh của vùng Đồng Tháp Mười với rừng tràm nguyên sinh có diện tích gần 3.000 ha và những bưng, trấp, lung, bàu đầy sen, súng, lau sậy, cà na, gáo… cùng gần 1.000 ha lúa trời nằm rải rác. Đến đây bất cứ ai cũng sẽ ngợp mắt trước sân chim rộng hàng chục hec-ta trên những vạt rừng rộng mênh mông, hàng chục loài chim nước sinh sống và làm tổ quanh năm như trích mồng đỏ, cồng cộc, le le, diệc, vịt trời… Nhiều hơn cả vẫn là đàn cò trắng hàng chục nghìn con. Tràm Chim đẹp nhất vào mùa nước nổi, lúc ấy nước từ sông Mê Kông kéo về phủ ngập cánh đồng, biến Tràm Chim thành một ốc đảo giữa trời nước mênh mông, rực lên màu vàng hoa điên điển, màu tím hoa súng pha lẫn sắc hồng của những cánh sen, màu xanh mướt của rừng tràm… Tài nguyên thủy sản của vườn rất phong phú với 130 loài cá (chiếm 40% số loài của vùng đồng bằng sông Cửu Long), 174 loài thực vật nổi, 110 loài động vật nổi, 23 loài động vật đáy cùng các loài lưỡng cư, bò sát khác…
Mỗi mùa nước nổi, vườn quốc gia ước có từ 250 đến 300 tấn cá, tôm… xuôi con nước nô nức tìm về. Theo nguyên tắc bảo tồn, 20% số lượng trên được phép khai thác. Tháng 7 hằng năm là mùa cá sinh sản thì không được phép đánh bắt.
Gắn bó với đất này đã 30 năm, từ lúc nơi này mới chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên; lăn lộn với rừng, sống với bà con, đi từ một cán bộ nghiên cứu khoa học đến giám đốc vườn quốc gia nên anh Nguyễn Văn Hùng đau đáu lắm. Chu vi của vườn là hơn 70km, có 50.000 người dân sống quanh vườn. Sống cạnh mỏ vàng thế mà nhiều người dân vẫn đói, nghèo. Đau nhất là mùa nước nổi, nhìn từ lá sen, cọng súng bạt ngàn đến tôm cá ê hề, đâu cũng ra tiền mà bà con nông dân đành bó gối vì là đất của vườn quốc gia. Người liều lĩnh vượt rào vào đánh bắt trộm thì hoặc sấp sấp ngửa ngửa nên thu hoạch chẳng được là bao. Khi bị cán bộ vườn bắt quả tang thì hai bên lại sinh hằn học. “Không thể đập bể nồi cơm của người dân”, kiên quyết vậy nên năm 2009, anh Hùng đề xuất ý tưởng để người dân vào khai thác nguồn lợi nông nghiệp, thủy sản trong khu vực vườn. Nghe thế, nhiều người công tác ở vườn, lãnh đạo ở tỉnh Đồng Tháp và bộ tài nguyên và môi trường giãy nảy. Người bảo làm như thế là trái nguyên tắc bảo tồn. Người ở vườn thì lo không quản lý được; lo nhất là áp lực của người ngoài bảo tại sao vườn quốc gia lại cho dân vào khai thác. Anh Hùng nhớ lại: “Nhiều người sợ mất chức nên không dám làm. Tôi thì thấy cái gì lợi cho người dân mà vẫn bảo tồn được thì quyết tâm làm. Làm gì cũng có rủi ro nhưng thà hướng dẫn người ta làm đúng, làm tốt còn hơn là cấm đoán để rồi người ta phải làm vụng trộm; rằng mình có ba đầu sáu tay cũng không quản lý được nếu người ta quyết tâm phá… Thế nên điều quan trọng là làm sao hài hòa được lợi ích của các bên, người dân vẫn mưu sinh được, mình vẫn bảo tồn được mà lại giáo dục được môi trường cho chính họ. Khi bà con đã hiểu thì lại đi tuyên truyền tốt hơn nữa tới người khác”. Kiên quyết như vậy nên anh quyết tâm đề xuất chủ trương cho cộng đồng dân cư vào khai thác tôm, cá, củi, cỏ… trong thời gian ba năm, từ năm 2009 đến năm 2013. “Tội vạ đâu tôi chịu”, anh Hùng khẳng khái.
Vốn từ xưa đến nay đã nói được làm được nên anh Hùng được mọi người tin tưởng; lần này lại thấy anh quyết liệt lo chuyện người dưng; lý lẽ đưa ra lại thuyết phục nên dần dà mọi người cũng xiêu lòng.
Anh Lê Chế Linh, nhân viên Trung tâm Du lịch và Giáo dục môi trường, Vườn quốc gia Tràm Chim, cho biết: Để được vào vườn khai thác tài nguyên thiên nhiên, người dân sinh sống ở vùng đệm của vườn quốc gia Tràm Chim, thuộc năm xã và một thị trấn của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp phải lên đăng ký với ủy ban nhân dân xã/ thị trấn, chính quyền xét duyệt thành phần gia đình xem có đúng đối tượng (hộ nghèo, cận nghèo, chính sách) không rồi gửi danh sách lên Tổ sử dụng khôn khéo tài nguyên thiên nhiên của Vườn quốc gia Tràm Chim. Tổ cấp thẻ cho mỗi hộ gia đình một người được vào vườn khai thác và thu phí quản lý 100.000 đồng/thẻ/tháng. Ngày ngày, cán bộ của vườn đi tuần tra để kiểm tra thẻ, ranh giới hoạt động, sản lượng khai thác của từng người. Nếu phát hiện ai vi phạm lần đầu thì tịch thu ngư cụ, lần hai là cắt hợp đồng. Khắt khe như vậy nên các hộ gia đình vào khai thác đều chấp hành tốt quy định của vườn.
Lợi cả đôi đường
Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) - Chương trình Việt Nam đã chung tay góp sức bằng việc tài trợ dự án Quản lý cảnh quan và phát triển sinh kế bền vững trong và xung quanh Vườn quốc gia Tràm Chim. 278 hộ nghèo ở các xã xung quanh vườn là Phú Thọ, Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B, Tân Công Sính và thị trấn Tràm Chim, được chính quyền địa phương cấp thẻ sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 2 hằng năm để khai thác cỏ năn khô, bông súng, rau muống, rau trai; chặt, đốn cây mai dương và các cây tràm bị đổ, chết về làm củi… Đến nay đã có hơn 8.700 lượt người vào vườn khai thác, thu hoạch được trên 12,3 tấn thủy sản, hơn 18,5 tấn ốc và trên 2.000m3 củi tràm, cây mai dương.
Đánh giá của Ban quản lý vườn quốc gia Tràm Chim cho thấy, hiệu quả của của cách làm này trong thời gian qua đã làm giảm mật độ các loài thực vật ngoại lai xâm hại; giảm lớp thực bì gây cháy tại các điểm khai thác; tăng thu nhập ổn định cho các hộ nghèo tham gia; giảm đáng kể số vụ người xâm phạm trái phép vào vườn và các nguồn tài nguyên khi khai thác được phục hồi, phát triển nhanh hơn so với trước khi sử dụng...
3Quan trọng nhất là đã góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn tài nguyên, phòng, chống cháy và kiểm soát chặt chẽ các loài ngoại lai xâm hại... Đồng thời, từng bước xã hội hóa công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên bên trong vườn quốc gia một cách bền vững, góp phần hạn chế thấp nhất nạn cháy rừng xảy ra vào mùa khô. Cách làm này đang được tiếp tục thực hiện đối với những hộ nghèo ở các xã xung quanh vườn chưa tham gia dự án. Điều làm anh Hùng vui nhất là khi về địa phương họ giao lưu, tuyên truyền với bà con nhân dân nên góp phần đắc lực vào việc tuyên truyền bảo vệ vườn.
Gần một vạn lượt đồng bào nghèo sống ở vùng đệm của vườn vừa kiếm được kế mưu sinh mà vườn vẫn làm tốt được công tác bảo tồn và giáo dục môi trường. Chuyện phá rào của anh Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, ngày nào thật quý giá!