Người dỏng tai chờ tin báo để rồi vượt nắng thắng mưa đi giải cứu thú rừng. Người thì chăm chút thú hoang như con để mong chúng… sớm bỏ mình ra đi. Người ước mình sớm… được thất nghiệp.
Họ làm nghề cứu hộ thú.
Như cứu hỏa
Tôi theo chân anh Trần Anh Tú, nhân viên chăm sóc thú của Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (số 50, tỉnh lộ 15, ngã tư An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh), thăm cơ ngơi rộng 4.000m2 của nơi được xem là bệnh viện cho thú hoang lớn nhất khu vực phía Nam này.
Vừa thấy bóng người đến, chuồng rái cá đã om sòm tiếng ríu rít. “Tú, lại đây con!”, nghe anh Tú gọi, một con rái cá nhỏ lao ra, thò đầu ra ngoài mắt lưới, lè lưỡi liếm tay anh làm chúng tôi mắt tròn mắt dẹt. Anh Tú kể: Sáu cá thể rái cá này đang bị nuôi nhốt trong một nhà hàng ở Cần Giờ để chờ ngày lên bàn nhậu thì may mắn được một vị khách nước ngoài phát hiện và báo tin cho Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh đến giải cứu và mang về đây. Do bị nuôi nhốt lâu ngày và chăm sóc không đúng quy cách nên chúng đều rất yếu và mang nhiều bệnh tật. Con nhỏ nhất đàn, anh phải pha sữa đổ vào bình rồi đưa vào miệng cho nó bú. Vì bú sữa bột, khó tiêu hóa nên nó không đi vệ sinh theo cách thông thường được. Muốn nó ị, anh phải lấy cái tăm bông thấm nước rồi cọ qua cọ lại nhẹ nhàng ở cửa lỗ hậu môn đến năm, bảy phút nó mới chịu đi cho. Nếu không làm như vậy thì nó chẳng bao giờ tự đi ngoài, cứ ăn vào đầy bụng rồi chết. Được chăm sóc chu đáo và yêu chiều như thế nên cu cậu qua cơn nguy kịch, phổng phao rất nhanh và cũng luôn quyến luyến, làm nũng người chăm sóc. Yêu quá nên anh Tú mới lấy ngay tên mình để đặt cho cu cậu.
Hai cá thể cu li kia thì lại có số phận khác. Một buổi chiều, chị Đỗ Thị Thanh Huyền, Quản lý Chương trình giáo dục bảo tồn, Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) nhận được điện thoại của một phụ nữ nước ngoài bảo đến ngay khu Phú Mỹ Hưng (quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) đón khách. Vù đến nơi Huyền mới biết chị kia đi trên đường thấy người ta bày bán hai con cu li, thương quá nên mua và nhờ các chuyên gia của WAR cứu hộ, chăm sóc rồi trả về thiên nhiên.
Cá thể khỉ đuôi lợn mắt lim dim ra chiều tư lự kia thì có số phận thật đặc biệt. Sáng sớm một ngày, vừa trở dậy, chưa kịp đánh răng rửa mặt, điện thoại đường dây nóng (0976067646) réo liên hồi, ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc điều hành Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã, vội vàng bắt máy. Một người dân ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh giục giã: “Các anh đến giải cứu con khỉ ngay đi! Vợ chồng người ta vừa về quê”… Hóa ra vợ chồng hàng xóm của người điện thoại nuôi nhốt cá thể khỉ đực này đã chín năm. Lấy nhau đã lâu mà chưa có con nên họ dồn hết tình thương cho Mỹ Hầu Vương (tên do họ đặt). Chú ta bị nhốt trong lồng tù túng, không có không gian vận động, lại ăn uống vô độ nên sinh béo phì. Thời gian khỉ mới về trạm, cứ cách hai ngày vợ chồng người chủ cũ lại chở nhau lên thăm cục cưng, lễ mễ mang lên cả đống thức ăn nào mì gói, chuối, kẹo, bánh… để tẩm bổ cho chú. Hết giờ thăm nuôi, thì sụt sùi mãi không muốn rời xa. Hiện các cán bộ của trạm đang phải giảm cân cho cá thể khỉ này kết hợp với việc phục hồi bản năng hoang dã rồi mới thả nó về vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (tỉnh Tây Ninh).
Được thành lập từ tháng 9 năm 2006, Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi do Chi cục Kiểm lâm thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) thực hiện đã cứu hộ, chăm sóc hơn 2.000 cá thể thuộc hàng chục loài động vật hoang dã quý hiếm. Trong đó, hơn 1.100 cá thể đã được thả về thiên nhiên. Các bệnh thú khi nhập viện được phân loại, chữa bệnh (thường gặp nhất là giun sán vì điều kiện nuôi nhốt không bảo đảm), phục hồi bản năng gốc rồi thả về thiên nhiên. Nhưng cũng có cá thể phải an trí ở đây mãn đời. Trong số 63 cá thể gấu ngựa và gấu chó đang cư ngụ ở đây, có tới năm cá thể gấu ngựa bị cụt chân, tay, có cá thể bị cụt đến sát nách. Chỉ một con đang tập tễnh nơi góc chuồng, chị Huyền cho biết: “Cá thể đó được cứu hộ vào tháng 2 năm 2012 tại nhà một hộ dân ở tỉnh Bình Dương. Bàn tay phải của nó đã bị cụt, có thể bị cụt do mắc bẫy trong rừng, hoặc bị tháo khớp để ngâm rượu, làm thuốc... Nó đang được chăm sóc chu đáo, phục hồi sức khỏe và bản năng hoang dã, mặc dù sẽ không bao giờ có may mắn được trở về rừng”. Những cá thể mèo rừng, khỉ, don… sập bẫy thợ săn, bị dập nát chân, tay, các cán bộ đành tháo khớp và nuôi suốt đời ở đây chứ có thả về thiên nhiên, chúng cũng không sinh tồn được. Đau đầu nhất là đối với các cá thể rùa tai đỏ. Đây là loài động vật có nguồn gốc từ Mỹ, người dân thiếu hiểu biết nên mang về Việt Nam nuôi rồi bán để cho người đi chùa phóng sinh. Đón chúng từ bể cảnh các chùa về đây nuôi ăn rồi chờ chúng chết chứ thả về thiên nhiên thì sẽ gây mất cân bằng sinh thái.
Ngoài ra, nhiều cá thể bị thương quá nặng thì các anh, chị đành thắt ruột mà an tử (tiêm thuốc để cho chúng chết nhẹ nhàng).
Phục hồi bản năng gốc
Một trong những yêu cầu tối thượng của những người cứu hộ động vật hoang dã là không được tiếp xúc thân mật với chúng. Bởi điều này lại có thể làm chúng thuần hóa, trong khi mục đích là khi bình phục, thú vẫn giữ bản năng hoang dã.
Dẫn tôi đi một vòng quanh khu bệnh xá của Trung tâm Cứu hộ gấu Cát Tiên (thuộc vườn quốc gia Cát Tiên, thành lập ngày 29 tháng 3 năm 2005), anh Dương Duy Cường, cán bộ phụ trách, cho biết 42 bệnh thú ở đây, con thì mắc bẫy thợ săn nên khi được đưa về đây, chúng hung hãn lắm; con thì do bị người dân nuôi nhốt lâu ngày để hút mật nên mình gầy xác ve, ghẻ lở đầy người và hầu như mất hết bản năng hoang dã. Sau giai đoạn hồi sức cấp cứu, khi thấy sức khỏe của chúng bình ổn, họ chuyển sang giai đoạn huấn luyện. Anh em phải chuẩn bị trái cây, sáp ong… về treo lên để gấu tập đánh hơi và leo trèo. Khi chúng thành thục kỹ năng đó mới tiếp tục được thử sức với những bài tập khó hơn: tìm thức ăn ở những nơi cất giấu, kiếm ăn theo mùa… Tỉ mỉ nhất là khâu chế biến thức ăn làm giàu cho gấu. Đó là loại thức ăn tinh (khô). Có cả một danh sách dài các loại thực đơn như vậy, mỗi ngày đổi một khẩu phần. Mật ong ướp đá, yến mạch đựng trong hồ lô, sữa chua trộn lẫn quả khô, kem phết, dầu mẻ xịt… Sau khi pha chế, họ thả vào trong các ống tre, hộp nhựa, gáo dừa… rồi cho vào tủ đông lạnh. Tới bữa, các ống, hộp thức ăn được treo, chôn… trong chuồng để gấu leo trèo, tìm bới mà nhâm nhi, liếm láp. Hằng ngày, các cá thể gấu đủ sức khỏe được thả ra khu bán hoang dã để di chuyển, leo trèo, đánh hơi tìm kiếm thức ăn. Việc này giúp khơi gợi bản năng tự nhiên và quên đi những tập tính bị con người thuần dưỡng khi nuôi nhốt. Dần dần chúng sẽ lấy lại bản năng hoang dã để thích ứng khi được thả về rừng.
Theo ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc điều hành Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã, số lượng động vật hoang dã được cứu hộ rất nhỏ so với số đang bị buôn bán, tiêu thụ, nuôi nhốt trái phép.
Cô Stephanie Pace, tình nguyện viên của Trung tâm Cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên (vườn quốc gia Cát Tiên), không bao giờ quên cảm giác đón nhận thành quả đầu tiên khi được thả thú về rừng. Cô hào hứng chia sẻ: “Cửa lồng vừa mở, những cá thể vượn vọt ra, lúc lắc đầu nhìn xung quanh rồi nhảy tót lên cây. Tiếp đó chúng chuyền từ cành này sang cành khác rồi biến mất vào rừng, chỉ để lại tiếng kêu vang vọng cả khu rừng. Trông chúng lúc ấy giống như bọn trẻ đi xa nay được về nhà”.
Tôi hỏi nếu có một điều ước thì cô ước gì, Stephanie Pace, mắt dõi vào hư vô bảo: “Ước gì người dân đừng săn bắt, nuôi nhốt động vật hoang dã nữa. Lúc ấy, những người làm nghề như tôi sẽ hạnh phúc vì được bớt việc!”…
Box
Hiện cả nước có ba nơi có chức năng cứu hộ nhiều loài động vật hoang dã là: Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn (thành phố Hà Nội), Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) và Trạm cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me (tỉnh Kiên Giang).
Ngoài ra còn có nhiều trạm tập trung cứu hộ từ một đến hai loài hoặc một nhóm loài như: linh trưởng, rùa ở vườn quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình), gấu ở vườn quốc gia Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), linh trưởng ở vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước)...
Nhưng danh sách động vật hoang dã ở Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng dày thêm, hiện đã lên gần 1.000 loài. Nguyên nhân là do người dân săn bắt, buôn bán trái phép để làm thực phẩm, bào chế thuốc và làm cảnh.