Đa phần, con người đều thích nghe những lời nói tốt đẹp, đặc biệt là những câu nói mang tính chất khen ngợi mình, thì dù có nghe hoài cũng không chán.
Chuyện kể rằng, vào thời cổ đại có hai người học trò cùng đến xin thầy chỉ dạy cho những điều cần thiết khi ra làm quan. Thầy nói: “Thói đời ngày nay, khi gặp một ai đó nếu ta chỉ nói toàn những lời chân thật thì công việc sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, khi các cậu cộng tác với một người nào đó mà không ngại nói lời “tâng bốc” họ, thì mọi việc trong cuộc sống tự nhiên được thuận lợi suôn sẻ”.
Khi nghe thầy dạy xong, một người học trò nhanh nhảu đáp: “Lời thầy dạy quả thật vô cùng chính xác, nhìn xem xã hội ngày nay có được mấy người thẳng thắn, lại còn không thích nói lời “tâng bốc” như thầy chứ! Thầy giáo vừa nghe học trò nói xong, trong lòng rất đỗi vui mừng. Rời khỏi nhà thầy ra về, người học trò kia liền quay sang bảo anh ta: “Chẳng phải anh vừa mới nói “lời tâng bốc” với thầy đó sao?”
Một chiếc mũ cao dường như ai cũng thích đội, nhưng nếu đội nhiều quá sẽ thấy rất nặng, và làm cho người ta không thể chịu nổi. Đội chiếc mũ cao tất nhiên sẽ được người khác khen ngợi, thế nhưng khen ngợi ở mức vừa phải mà không nên quá trớn, như vậy mới có thể để lại “ấn tượng sâu sắc” trong lòng người khác.
Nếu gặp người đã đứng tuổi, bạn không nhất thiết phải ca ngợi cô ta là trẻ trung xinh đẹp đâu, mà chỉ cần khéo khen cô ấy là người có khí chất tao nhã, thông minh sáng láng. Còn với hạng người chậm tiến, bạn cũng không cần tâng bốc anh ta là tài hoa hơn người, mà bạn có thể nói anh ta là người hiền lành lương thiện, thật thà dễ gần là được rồi.
Một lời khen ngợi đúng thời điểm, sẽ mang lại cho người một làn gió xuân ấm áp, khi đó ta sẽ giành được thiện cảm và sự yêu mến từ người khác. Khi xưa, rất nhiều những quan văn tướng võ, chỉ vì nhận được một lời tán dương của nhà vua mà có khi họ nguyện không ngại hy sinh cả tính mạng của mình.
Ca ngợi là một nghệ thuật, và cũng là trí tuệ. Những lời tán thán không sợ quá nhiều. Thông thường, mọi người hay tán dương công đức đối với tín đồ Phật giáo rằng: “Người này phát tâm rất mạnh mẽ, người kia lòng từ bi rộng lớn, người nọ thường hay thích làm việc thiện v.v. Thực ra, chiếc mũ có rất nhiều màu sắc đa dạng, không nhất thiết phải đội một kiểu. Cũng vậy, bạn có thể khen ngợi người khác bằng nhiều cách khác nhau như: đạo tâm kiên cố, phúc đức trí tuệ, nhiệt tâm nhiệt tình, có tài lãnh đạo v.v.
Trẻ em luôn cần được người khác cổ vũ khích lệ, vì khích lệ chính là ngợi khen các em vậy. Ngoài ra, người lớn cũng cần được cổ vũ tinh thần. Một lời khen ngợi đúng lúc, cũng giống như vị hiệp sĩ có được chiếc mũ sắt và luôn cảm thấy an toàn. Với người ở vùng giá lạnh, bạn có thể tặng cho họ một chiếc mũ len để chống chọi với trời rét. Và khi trời nắng chói chang, bạn chỉ cần tặng cho người một cái mũ rơm thì đã đủ giúp họ che nắng rồi.
Ca tụng cũng không nhất định cần người khác phải ban tặng, vì vậy tiên sinh La Tư Phu Cao cũng có nói: “Nếu chúng ta không tự khen ngợi khích lệ mình, thì sẽ nhận về rất ít niềm vui trong cuộc sống”. Cho nên, con người thường hay có thói quen tự tâng bốc chính mình.
Những chiếc mũ lộng lẫy có thể khiến cho người ta kiêu hãnh hơn. Trước đây, người châu Âu thường hay đội những chiếc mũ vừa cao vừa nhọn, sau này Napoléon ra lệnh bỏ đi những kiểu mũ cao đó, và dần dần nó đã bị lỗi thời theo năm tháng.
Ngày xưa, các tầng lớp quan lại ở Trung Quốc tự cho mình là thanh cao, rồi tự ý không đội những chiếc mũ cao mà thay vào đó họ lại đội những chiếc “mũ quả dưa” 1. Những người không thích đội mũ cao thì tâm tính thường thật thà chất phác, điều đó dĩ nhiên là rất tốt. Khi được người khác khen ngợi cũng nên phát huy những điểm mạnh mà người ta đã dành những lời tán dương cho mình. Nếu những khích lệ đó có thể tạo động lực cho bản thân, thì hãy phát tâm lập nguyện: Làm người phải làm người nhân đức, làm việc nên làm việc trọng đại. Có như thế, mới không hổ danh với những lời khen ngợi mà người khác đã dành cho mình.
1 Mũ quả dưa: Mũ có hình như nửa quả dưa, thường ghép thành sáu mảnh hoặc đoạn vải nhung đen.