Thuở nhỏ, đa phần mỗi người đều có kinh nghiệm thả diều của riêng mình. Thả diều là một trò chơi của trẻ em, có thể truyền cảm hứng giúp chúng có những nhận thức mới mẻ hơn về không gian và thời gian trong vũ trụ, làm phong phú hơn vốn kiến thức liên quan đến hướng gió, lực tác động v.v.
Khi thả diều, việc đầu tiên là cần phải có không gian rộng rãi, như vậy mới có thể quan sát được hướng gió, gắng sức chạy ngược chiều gió, mượn sức gió để nâng cánh diều từ từ bay lên cao.
Đối với việc thả diều, thông thường không thể qua một lần là có thể đưa diều bay lên không trung một cách dễ dàng, mà cần phải kiên trì thả đi thả lại nhiều lần. Không ngại vất vả, chẳng sợ thất bại, kiên trì như vậy mới có thể thành công được.
Thả diều không đơn thuần là trò chơi dành cho trẻ con, đến người lớn cũng cần có những cuộc thi thả diều của riêng mình. Những cuộc thi thả diều không chỉ dựa trên ý tưởng sáng tạo, mà còn phải dựa vào sự đồng tâm hiệp lực của số đông. Đôi khi là những con diều khổng lồ, nhưng làm cách nào để nó có thể ngược gió bay cao, thì cần phải phát huy được tinh thần đồng đội và sáng tạo tập thể, như vậy mới có khả năng mang lại chiến thắng. Cho nên, thả diều không những giúp cho cơ thể được khỏe mạnh mà còn có công năng giáo dục và giúp cho sự vận dụng trí tuệ linh động hơn. Thực tế cho thấy, đây là một môn thể thao lành mạnh, rất cần được phát triển rộng rãi.
Hiện nay, chúng ta thấy có rất ít người chơi thả diều, chính phủ cũng không đề cập đến việc cần tạo ra những địa điểm thích hợp để người dân có thể vui chơi ngoài trời. Vì thế, đa phần mọi người chỉ biết tham gia các môn thể thao như leo núi, bơi lội mà thôi. Nhưng do thiếu kiến thức chuyên môn, và vì không trang bị đủ các thiết bị hỗ trợ nên thường xảy ra các rủi ro đáng tiếc, khiến con người ta phải hối hận khôn nguôi. Hoạt động thả diều ít được để ý tới cho thấy họ không xem trọng việc dạy học ngoài trời, cũng như không quan tâm đến tinh thần giáo dục tập thể.
Khi thả diều, bạn cần phải nắm chặt sợi dây mới có thể điều khiển con diều như mong muốn. Nếu diều bị đứt dây, tất nhiên nó sẽ không bao giờ trở lại. Song, đôi khi kéo dây quá căng hay buông dây quá chùng, cũng khiến cho diều không thể dễ dàng bay lên cao, cho nên người chơi cần phải uyển chuyển cuộn vào hay nới dây ra một cách linh động. Làm người cũng giống như việc thả diều vậy, có thể nắm lại được thì cũng có thể buông ra được. Bình thường chúng ta nói ra điều gì, hễ nói được thì phải làm cho bằng được. Nếu đã bỏ tiền đầu tư vào sự nghiệp thì phải thu lại vốn liếng như lúc ban đầu, vì thế cần thường xuyên theo dõi thị trường, nếu không thua lỗ thì làm sao đây!
Tháng 7 năm 1752, Benjamin Franklin và con trai của mình là William Franklin ở trong một túp lều rách nát, ông đã dùng diều để tiến hành một cuộc thí nghiệm nhằm kiểm tra liệu có các điện tích trong tia sét hay không. Sau khi sấm chớp vừa xẹt qua con diều, cha con họ nhìn thấy sợi dây dựng đứng lên. Benjamin Franklin rất lấy làm lạ, nên đã đưa tay chạm thử, bỗng nhiên giữa đầu dây kim loại và chìa khóa trên thân diều đều phát ra tia lửa, nửa thân trái của ông bỗng nhiên tê cứng. Lúc này, Benjamin Franklin mừng rỡ nói với con trai: “Đây chính là điện!”
Ánh sáng của thế giới ngày nay cũng được phát minh từ việc thả diều. Năm đó, David Dwight Eisenhower đã chỉ huy quân Đồng minh đổ bộ thành công vào bờ biển Normandy, bởi khéo quan sát hướng gió nên đã giành được chiến thắng.
Thả diều đã truyền cảm hứng cho Benjamin Franklin phát hiện ra được điện năng, đây là sự cống hiến vĩ đại đối với nhân loại ngày nay. Đặc biệt, nghệ thuật thả diều chứa đựng đầy những triết lý nhân sinh vô cùng sâu sắc! Chúng ta làm người cũng nên giống như cánh diều vậy, phải biết quan sát một cách khéo léo về các yếu tố như hướng gió, không gian, thời gian, khí hậu, thiên thời, địa lợi, nhân hòa v.v. Một khi thông suốt được những vấn đề tinh tế này, làm người mới có thể tùy duyên tiến thoái, viên mãn tự tại.