Buổi tối, khi đi một mình bạn nên thận trọng đề phòng nguy hiểm có thể xảy ra trong bóng đêm. Lúc bạn ở nhà có một mình, chẳng những cẩn thận các vật dễ cháy, cửa ngõ, mà còn phải canh chừng kẻ xấu rình rập. Khi bạn lái xe một mình và cảm thấy mỏi mệt, nhưng lại không có ai trò chuyện, những lúc như thế rất dễ buồn ngủ và có thể gây nên tai nạn giao thông.
Lúc bạn sống một mình, không những phải đối diện với những nguy hiểm đang tiềm ẩn khắp nơi, mà còn chịu sự chi phối của vọng tưởng tà niệm dấy lên trong tâm, do không được người khác kiểm thúc. Vì thế, Khổng Tử từng nói: “Kẻ tiểu nhân rảnh rỗi, thường làm điều xấu xa, việc gì cũng dám làm”, và Tăng tử lại nói: “Bậc quân tử thấy rõ hành vi của mình, cho nên làm việc thường hay cẩn trọng”. Đây chính là muốn nhắn nhủ tới mọi người phải “cẩn thận khi ở một mình”.
Một sợi tơ khó làm nên sợi dây, một cây chẳng thể thành rừng. Ngược lại, nhiều cây sẽ tạo nên rừng, đông người sẽ thành chúng. Nhắc đến thôn Độc Gia khi xưa, đều khiến cho người ta nhớ đến nỗi khó khăn vất vả của người trong thôn mà không được ai tới giúp. Một người sống với đại chúng, nếu có thể tùy thuận mà sống, tùy duyên làm việc, thì không chỉ nhận được rất nhiều sự giúp đỡ và chỉ dạy, mà còn có thể nhận được vô số sự ủng hộ trợ duyên.
Thực ra, “một” không phải là không tốt. Đức Phật từng dạy: Chỉ có pháp Nhất thừa, không hai cũng không ba. Mặt trời chỉ có một, mặt trăng chẳng có hai và chân lý cũng luôn là duy nhất mà thôi. Đối với vợ chồng cũng là một vợ một chồng, và con cái chỉ cần một trai, một gái thì càng quý hơn. Tuy nhiên, khi sống một mình bạn phải là người đứng đắn đàng hoàng, có đủ sức mạnh mới hy vọng có thể trở thành người tỏa sáng được. Nếu bản thân chẳng phải là người có căn cơ Đại thừa, thì khi ở nơi khắc nghiệt bạn sẽ chẳng chịu được sự lạnh giá đâu.
Chúng ta thấy rằng, sức mạnh của “một” bị giới hạn rất nhiều. Ví như, một chiếc đũa không thể gắp được thức ăn; một câu nói khó mà diễn bày hết đạo lý; một bàn tay sao dễ mang nổi vật nặng. Vì lẽ đó, chỉ có một mình thì quá lẻ loi, khó mà quán xuyến được hết mọi việc. Nếu bạn là người quân tử hay là bậc Thánh nhân, tuy sống một mình nhưng bạn có thể khép mình vào khuôn khổ, hơn nữa còn tỏa ra năng lượng từ trường tích cực của mình, vậy thì khi đó dù là ở một mình cũng chẳng có gì đáng lo. Người bình thường, khi thích sống một mình, họ cũng thích chơi với một người bạn mà thôi. Đối với tất cả những điều này, thì bạn không thể không có sự cảnh giác với các mối nguy hiểm đang tiềm ẩn bên trong mình đâu nhé!
Xã hội ngày nay, đều chú trọng đến đời sống tập thể, ở những thành phố lớn hay các thị trấn, hoặc chốn thôn quê, mọi người thường qua lại giúp đỡ lẫn nhau. Một viên đại tướng cần phải chiêu mộ binh sĩ, giống như việc “một cây làm chẳng nên non” vậy. Đối với những loài động vật sống nơi thảo nguyên châu Phi, như một con hổ gặp một đàn chó rừng, thì hổ cũng không thể chống đỡ nổi; và một con sư tử chạm trán với bầy ruồi, nó cũng không cách nào kháng cự được, bởi vậy khi sống một mình phải hết sức “cẩn thận”.
Một bàn tay thật khó mà vỗ thành tiếng, tuy có người có thể nghe được âm thanh đó, nhưng đòi hỏi người đó phải là người đạt được cảnh giới cao nhất, mới có thể nghe được “tiếng vỗ của một bàn tay”. Cho nên, “một” không phải không tốt. Vì vậy, khi bạn chưa đạt tới cảnh giới cao nhất, thì vẫn phải “cẩn thận” khi sống một mình nhé. Trong Phật giáo cũng có câu nói: “Nhất thiết pháp đều do duyên sinh”, và các mối nhân duyên đó đều nằm trong cuộc sống của chúng ta, cho nên không thể không xem trọng được.