Con người sống ở đời, nếu chỉ dùng đôi mắt để nhìn nhận sự việc thì vẫn chưa đủ, còn phải nhờ vào khối óc và đôi tai để “nhắm chuẩn tiêu cự”, như vậy mới có thể nhìn thấu đầu đuôi câu chuyện và nắm được mấu chốt vấn đề. Sở dĩ người ta không nhìn rõ được sự việc một cách khách quan là bởi họ không nắm được điểm trọng tâm. Giống như chụp hình, một khi không canh chuẩn tiêu cự sẽ cho ra tấm ảnh xấu tệ.
Trong xã hội, bất luận bạn là một chính trị gia, nhà doanh nhân, nhà ngoại giao hay nhà kinh tế, mỗi ngành mỗi nghề đều đòi hỏi bạn phải khéo léo vận dụng những kỹ năng chuyên môn, dùng tâm để hiểu và thấy rõ vấn đề, đây chính là “nhắm chuẩn mục tiêu”. Ngay cả trong gia đình, người chồng cư xử với vợ cũng cần nắm rõ tâm lý và nhận ra điều cô ấy cần. Nếu không khéo điều chỉnh “khoảng cách” giữa hai người, thì tình cảm vợ chồng khó mà gắn bó dài lâu.
Đôi khi bạn bè chơi với nhau, nếu không biết người biết ta cũng như giữ khoảng cách nhất định, thì rất dễ xảy ra những chuyện đáng tiếc. Trên bầu trời cũng có những khoảng cách tối thiểu của nó, như sự xoay chuyển giữa các hằng tinh, hành tinh và vệ tinh. Nếu không có khoảng cách, một khi ba thứ này va vào nhau, chắc chắn trái đất mà chúng ta đang ở sẽ bị tổn hại không nhẹ. Cho nên, trong tất cả các mối quan hệ giữa bạn bè hay đồng chí với nhau, dù thân thiết đến đâu thì cũng phải khéo giữ một khoảng cách nhất định, như vậy đôi bên mới thấy được “điểm tốt” của nhau. Như khi ta lái xe trên đường, vì muốn giữ an toàn cho mình và người, bắt buộc phải tuân thủ khoảng cách an toàn giao thông.
Không chỉ khi chụp hình, khi lái xe, khi biểu diễn trên sân khấu mới phải chú ý đến khoảng cách, mà ngay cả sắp xếp đồ vật trong nhà cũng vậy. Thậm chí khi nói chuyện, ghi âm hay quay phim đều phải tuân thủ những quy tắc nhất định mới có thể đạt được chất lượng tốt nhất. Đặc biệt, nếu tiêu cự của mắt chúng ta phát sinh sự sai lệch, thường gọi là “cận thị”, chúng ta sẽ không thể nhìn rõ những vật ở xa, lúc này cần phải mang kính cận. Tiêu cự của mắt càng phải điều chỉnh cho hợp lý mới có thể nhìn rõ mọi vật dù là ở xa hay gần.
Có câu: “Không theo quy củ, không thành quy chuẩn”. Hành vi của con người nếu không dựa trên những chuẩn mực đạo đức thì sẽ bị mọi người gièm pha, giữ luân thường đạo lý chính là khép mình vào những khuôn khổ phép tắc vậy. Thời Chiến quốc xa xưa từng áp dụng sách lược “quan hệ xa, tấn công gần”. Thời kháng chiến chống Nhật, Tưởng Trung Chính cũng áp dụng kế sách “không gian quyết định thời gian” nên đã chiếm được ưu thế, tất cả là nhờ hiểu rõ sách thuật chiến đấu nên giành được thắng lợi.
Mọi việc trên đời cần phải xem trọng tính chính xác của “khoảng cách”. Lập nghiệp hay dùng người cần biết nắm bắt khoảng cách. Khi xây dựng một tòa nhà cũng phải đo đạc, tính toán chính xác phương hướng và khoảng cách giữa các vị trí. Ngay cả mối quan hệ xã giao với nhau, cũng cần phải chú ý đến khoảng không gian riêng của đôi bên, xem là giữ khoảng cách như vậy có ổn hay chưa, nếu ta làm được như thế, mới có thể hiểu được đạo lý huyền diệu của “khoảng cách an toàn” vậy.