Quan điểm sống của thanh niên hiện đại: “Phục vụ là cội nguồn của hạnh phúc”. Xu hướng xã hội ngày nay, đều xem trọng tính xả thân phục vụ. Ví như tại những đất nước có mấy chục triệu dân, mà trong đó có gần một triệu người hiện đang làm nhân viên phục vụ.. Điều này cho thấy, con người hiện nay rất coi trọng công việc phục vụ, và nó đã hình thành nếp sống tốt đẹp trong xã hội hiện đại. Nhưng bên cạnh đó, vẫn tồn tại song song một số thành phần không chịu nuôi dưỡng thói quen tốt đẹp này. Nếu người khác có yêu cầu giúp đỡ điều gì, họ đều viện đủ lý do để trốn tránh cự tuyệt. Vì vậy xã hội ngày nay hiện tồn tại hai quan điểm đối lập là “Yes” và “No”.
Mỗi khi có ai xin ý kiến hay yêu cầu điều gì với chúng ta, việc nằm trong khả năng của mình dễ như trở bàn tay, lẽ ra nên nói “được”, vậy mà họ lại trả lời “không” để khước từ người xin được giúp đỡ.
Khi có người hỏi đường, thay vì giúp đỡ thì họ lại trả lời là “tôi không biết”. Ví như có người nhờ viết dùm những văn bản mẫu hiện nay, tuy việc đó rất đơn giản nhưng vẫn trả lời là “tôi không viết được”.
Hoặc có người xin nghỉ nhờ dưới mái hiên nhà, thì bạn lại nói “không tiện”. Hay có ai đó đậu xe tạm trước cửa nhà bạn, lúc này đuổi khéo là “chỗ này sắp có việc rồi, xin đừng đậu”. Người mù chữ nhờ bạn đọc giúp lá thư, đã không chịu giúp thì thôi, đằng này lại còn cự tuyệt một cách vô tình “tôi không đọc”. Hoặc anh chị em trong nhà muốn mượn vài chiếc bàn ghế, bạn cũng “không cho mượn”. Những điều vừa nêu rất giống với quan niệm sống của Dương Chu thời Chiến quốc: “Chẳng vì cái lợi lớn trong thiên hạ, mà chịu mất đi dù một sợi lông chân của ta!”
Ví như có người đang đi ngoài đường, bỗng chột dạ mà kiếm không ra nhà vệ sinh công cộng, vội đến nhà người ta xin đi nhờ, vậy mà cũng có người từ chối thẳng thừng: “Nhà tôi không có phòng vệ sinh”. Khi trời nóng bức khô cổ, người ta chỉ muốn xin một ly nước để giải tỏa cơn khát, ấy thế cũng bị từ chối là “nhà tôi hết nước”. Ngay cả những người tuy đã được giáo dục, có học vấn đàng hoàng, thế mà khi có người không biết làm toán hoặc không hiểu ngữ nghĩa câu thành ngữ cổ, rõ ràng biết mà khi được hỏi đến bạn lại nói “không biết”.
Mạnh Tử từng nói: “Bảo người ấy nhặt lấy cành cây cho người già, người ấy nói: ‘Việc này tôi không thể làm được’. Đó là do ta không chịu làm, chứ không phải không làm được vậy”. Nếu việc gì cũng từ chối và nói “No”, vậy thì cuộc đời của bạn còn ý nghĩa gì nữa chứ? Nếu từ nhỏ đã tạo thói quen xấu hay nói “No” như vậy, thì khi trưởng thành muốn họ phục vụ và cống hiến cho xã hội, điều này thật khó biết bao!
Trong lịch sử Trung Quốc có câu chuyện về Trương Lương nhặt giày giúp Hoàng Thạch Công. Mặc dù bị Hoàng Thạch Công cố ý làm khó hết lần này đến lần khác, nhưng Trương Lương vẫn chưa từng nói là “không làm”. Ngày xưa có không ít những nhân sĩ nghĩa hiệp gia cảnh khó khăn, tuy nhiên một khi bạn bè có việc cần giúp đỡ, họ vẫn luôn cố gắng hết sức và nói “giúp được”, chứ không bao giờ nói hai từ “không thể”.
Một người có năng lực và biết cách hành sự, thì mọi việc đều “Ok”. Giả sử làm không được, họ sẽ đưa ra phương cách giúp đỡ khác để thay thế. Sở dĩ ta hay từ chối giúp đỡ người khác, hoặc cự tuyệt nhân duyên với họ, là do tự mình năng lực còn hạn chế, cũng như chưa đủ từ bi và đạo đức. Nếu một người cứ mãi từ chối tất cả nhân duyên và cơ hội đến với mình, dần dà lâu ngày sẽ mất đi mọi thứ. Ngược lại, nếu biết trân trọng cơ hội và tùy thuận nhân duyên đối với hết thảy mọi người, nhờ đó bạn sẽ có cơ hội học tập nhiều hơn. Vì thế, muốn biết một người thành công hay không, còn phải xem người đó thường nói “Yes” hay là “No”.