Vạn vật trên thế gian đều không giống nhau. Nói về con người, có sự khác nhau về chủng tộc, phong tục, tập quán, dân tình, tính cách. Thậm chí cùng là con người nhưng cũng có sự khác biệt giữa nam nữ, già trẻ, cao thấp, cho đến thiện ác, tất cả đều khác nhau. Dù là cùng một dân tộc, cùng một quê hương, cùng một dòng họ, nhưng tâm tư của mỗi người đều khác nhau. Địa lý, khí hậu, rừng rậm, động vật trên trái đất, cho đến núi cao biển cả cũng đều không giống nhau. Bởi không giống nhau, nên khi mong muốn của các thành viên trong gia đình bất đồng thì liền dẫn đến mất hòa khí. Khi nhu cầu của người dân trong xã hội khác nhau, thì ngay đó dẫn đến tranh chấp.
Mọi người trên thế gian, hễ “có tâm tư giống nhau, sẽ dễ thông cảm cho nhau”. Nhưng thực tế cho thấy “lòng người không giống nhau, mặt mũi cũng khác nhau”. Có bao nhiêu người, là bấy nhiêu tâm ý. Vì thế, nhân loại cần “tìm đến một điểm đồng nhất, nhưng vẫn giữ được nét riêng”, vậy mới có thể chung sống hòa bình, tồn tại và phát triển lâu dài được.
Khuôn mặt, màu da, dáng vẻ gầy béo thấp cao của mỗi người đều không giống nhau, song đây chỉ dựa trên hình tướng mà nói thôi, còn về vô tướng thì càng có nhiều điểm khác biệt hơn nữa. Chẳng hạn như tài hoa, tư tưởng, quan điểm, tinh thần, trí tuệ của mỗi người đều khác biệt. Trong rất nhiều điểm khác nhau ấy, nếu chúng ta mong muốn tốt đẹp hơn, vĩ đại hơn thì phải dựa vào sự nỗ lực riêng của mỗi người, như vậy mới đạt được những mục tiêu và thành tựu được kết quả cho bản thân.
Con cái cùng một bố mẹ sinh ra, nhưng do quá trình giáo dục của mỗi đứa không giống nhau, giao du với bạn bè khác khau, đọc sách vở không giống nhau, hoàn cảnh môi trường khác nhau, dẫn đến quan điểm sống cũng có nhiều điểm cách biệt, ảnh hưởng tác động dẫn đến những nhìn nhận khác nhau về xã hội loài người. Ví như, các đảng phái có những chủ trương, chính sách không giống nhau, thậm chí cá nhân trong cùng một đảng cũng có những quan điểm chính trị bất đồng. Vì vậy, sống trong một xã hội dân chủ, bất luận bạn có bao nhiêu điều không giống nhau chăng nữa, nhưng nhất thiết bạn phải tuân theo tổ chức, phục tùng lãnh đạo, trung thành với chủ nghĩa, thực thi theo chỉ đạo. Một khi cuộc họp đã quyết định việc gì rồi, thì hội chúng không được có ý kiến khác.
Thế gian này có quá nhiều sự khác biệt. Ví như, sau khi nghe xong một lời nói, mỗi người sẽ có cách cảm nhận và giải thích của riêng mình; cùng một thời tiết, nhưng mỗi người lại có cảm nhận nóng lạnh chẳng đồng.
Cùng một con đường, cùng một kiến trúc, cùng một phương hướng, vì có người giàu kẻ nghèo nên họ đem số mệnh của mình ra để giải thích về địa lý, phong thủy khác nhau.
Cùng một hạt giống, cùng một mầm non, lại cùng gieo trên một mảnh đất, nhưng khi lớn lên lại cho quả nhiều ít khác nhau. Hạt giống do nhân duyên, do nghiệp lực, do bản chất không giống nhau nên khi lớn lên tự nhiên sẽ có rất nhiều điểm khác nhau.
Trong vô vàn những điểm khác ấy, nếu chúng ta nhìn theo quan điểm của Phật giáo sẽ thấy rõ, tuy trên sự có khác nhau, nhưng về mặt lý bạn phải thấy được bản chất bình đẳng như nhau của vạn vật. Cho nên, phải nhìn ra được trí tuệ của mỗi người, dùng đôi mắt trí tuệ để quan sát thế gian, sẽ nhận ra rằng dù có rất nhiều điểm khác nhau nhưng kỳ thật “người có tâm tư giống nhau, dễ thông cảm cho nhau hơn”. Tất cả vạn vật đều cùng một nhân duyên sinh diệt, đều nằm trong định luật nhân quả, vậy có gì là không giống nhau chứ?