Trong tín ngưỡng dân gian và tôn giáo tự ngàn đời, hầu như đều phổ biến tập tục “Thắp nén hương đầu tiên”.
Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, vào ngày mùng một, người người đều muốn đến chùa “thắp nén hương đầu tiên” để bày tỏ lòng thành kính. Ngay cả vào ngày sinh của Quan Thánh Đế Quân hay ngày tế thần của Ma Tổ Nương Nương, thì tín đồ của họ cũng đến đền thờ vào lúc nửa đêm để làm lễ “thắp nén hương đầu tiên”.
Thực ra, “thắp nén hương đầu tiên” không có quy định về thời gian, cũng không cần phải chen lấn “đốt hương” trước người khác. Một “nén hương đầu” đúng nghĩa chẳng cần phải trước hay sau, mà quan trọng là ở tâm thành kính.
Trong Phật giáo có câu chuyện: Một lần nọ, Đức Phật lên cung trời Đao lợi thuyết pháp cho hoàng hậu Maya. Đến khi Ngài trở về nhân gian, Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc dành đón Phật trước. Đức Phật liền bảo: “Thực ra, người đến đón Như Lai đầu tiên chẳng phải là Tỳ kheo ni đâu, mà là Tôn giả Tu Bồ Đề”. Liên Hoa Sắc nghe vậy liền thưa: “Bạch Đức Thế Tôn! Bây giờ, Tôn giả Tu Bồ Đề còn đang ngồi thiền ở trong núi Kỳ Xà Quật. Trước đó, con có thỉnh Tôn giả ấy đến đón Ngài trước, nhưng Tôn giả vẫn ngồi yên bất động!” Đức Phật lại dạy: “Này Liên Hoa Sắc, Tu Bồ Đề hiện đang nhập định quán Không, thân tâm của Thầy ấy đã khế hợp với chân lý nên có thể gặp được Ta, đây mới chính là người đầu tiên nghênh đón Như Lai vậy”.
Trong bảy mươi hai vị đệ tử hiền tài của Khổng Tử, Nhan Hồi là người nghèo khó nhất nhưng lại được Khổng Tử ngợi khen là người có tài đức vẹn toàn nhất. Từ đó cho thấy, ý nghĩa của việc “thắp nén hương đầu tiên” không phải phụ thuộc vào thời gian trước hay sau, quan trọng là trong lòng người đó có tương ưng với tâm và hạnh của Phật hay không, đó mới chính là “đốt nén hương đầu tiên” vậy.
Đem việc “thắp nén hương đầu tiên” trong tín ngưỡng làm ví dụ, đối với một số nhân vật chính trị hiện nay, đa phần người dân dùng tâm nịnh bợ và bám lấy quyền thế của họ để mong được ưu tiên khen thưởng. Nếu như, quy tắc lễ nghĩa của những người làm quan cao chức lớn mà giống như Đức Phật hay Khổng Tử trước đây, thì họ nên dùng tấm lòng chân thành ngay thẳng, âm thầm làm thiện, lặng lẽ phục vụ nhân dân, đó mới thật sự là người cùng chung chí hướng với mình. Chứ đừng thấy người ta đón rước mình một cách long trọng rồi tán dương ủng hộ để được khen thưởng, mà cho rằng họ là người trung thành.
Một nén hương không phải dùng để so đo kẻ trước người sau, chỉ cần tâm mình chân thành thì dù cho ở bất cứ nơi đâu, bất kể khi nào, hoặc là ở bàn thờ Phật trong nhà, cũng thể hiện được lòng thành kính của mình. Đó được gọi là, “đốt nén hương đầu tiên” vậy.
Thắp hương và lễ Phật, không thể dùng tâm phàm phu để mong được tương giao với tâm của bậc Thánh. Ví như, vào ngày mùng chín tháng Giêng hàng năm, mọi người thường cúng bái thần tài, mong cầu tiền của, nguyện được giàu sang; nhưng thực ra họ đã quên mất rằng chỉ có chính bản thân họ mới là thần tài mà thôi. Bạn thấy đó, khi xã hội gặp hoạn nạn nguy cấp, có người lập tức xuất tiền của ra cứu giúp, bố thí chỗ này, đóng góp chỗ kia, những việc làm đó chứng tỏ mình mới chính là thần tài, thế thì tại sao còn phải đi cầu thần tài bên ngoài đến giúp chứ?
Đốt hương là để tỏ bày tâm ý thành kính khiêm hạ của mình, giống như ngọn nến có thể cháy hết mình mà soi sáng cho người khác. Vì thế, chúng ta nên đốt cháy lòng tham dục của mình, mới được của cải không cầu mà tự đến; dập tắt sân giận trong lòng mình, mới đạt được tâm từ bi vô lượng; và thiêu đốt cái ngu si của bản thân, thì mới có được ánh sáng trí tuệ. Đồng thời, cần phải thiêu sạch hết những thứ như thất tình lục dục, phiền não thống khổ, nghi ngờ tật đố, vọng tưởng đảo điên, có như thế mới mong đạt được sở nguyện của mình.
Dâng hương, là sự giao thoa giữa con người với chư Phật Bồ tát, nghĩa là một nén tâm hương biến khắp mười phương. Bởi vậy, khi chúng ta chuẩn bị “thắp nén hương đầu tiên”, thì mọi người cũng nên suy nghĩ một chút: Tôi đã thật sự thắp lên được nén tâm hương của mình hay chưa?