Có một người nọ, nuôi một con mèo và một con chó để làm thú cưng trong nhà. Mỗi ngày, anh ta đều tự tay mình chăm sóc cho chúng. Lúc anh ấy cho chú chó ăn, trong lòng nó liền nghĩ: “Hằng ngày, ông chủ đều yêu thương chăm sóc mình mà chưa hề đòi hỏi báo đáp, người có tấm lòng đại từ đại bi như thế lẽ nào là một vị thần chăng?” Ngược lại, mèo con lại nghĩ: “Mỗi ngày người này đều cho mình những đồ ăn ngon, lại còn ân cần trọng đãi với mình, phải chăng mình là thần linh ư?
Thực ra, cho chó mèo ăn đều giống như nhau, chỉ là cách nghĩ của chúng khác nhau, nên khiến cho sự phân biệt của chúng có chênh lệch lớn như thế! Vì lẽ đó mà những việc đúng sai, thiện ác, tốt xấu trên đời này đều xuất phát từ quan điểm khác biệt của mỗi người, kỳ thực rất khó để đặt ra một tiêu chuẩn nhất định.
Những người con trong một gia đình, đều cùng một cha mẹ sinh ra. Thế nhưng, có người nghĩ nhớ công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ, mỗi khi mặc áo ăn cơm thường nghĩ đến:
Mảnh áo thân con trẻ,
Đường kim tay mẹ khâu.
Họ luôn cảm thấy mang ơn cha mẹ rất nhiều, tự nhủ sau này nhất định sẽ báo hiếu ân đức sinh thành. Ngược lại, cũng có người luôn cảm thấy cha mẹ chăm lo cho các anh chị em khác có phần ưu ái hơn mình, còn bản thân thì không được như vậy. Vì thế, nó bỏ nhà ra đi, rời xa quê hương và cắt đứt liên lạc với cha mẹ, thậm chí còn nghĩ rằng cha mẹ nợ mình quá nhiều, nhất định có một ngày sẽ đòi lại sự công bằng cho bản thân. Điều mà người ta gọi là “cùng một hạt gạo, nuôi dưỡng trăm loại người”, quả thật chẳng sai chút nào.
Cách suy nghĩ là để con người phân chia ranh giới giữa thiện ác, tốt xấu, đúng sai. Một người lúc nghèo khổ khốn khó được bạn mình tặng cho một bữa ăn, sau này khi làm nên sự nghiệp anh ta lấy cả trăm mẫu ruộng tặng lại cho bạn mình. Điều này chính là muốn nói:
Ơn nghĩa bằng giọt nước,
Báo đáp cả dòng sông.
Lại có một người khác, lúc cùng đường bí lối liền được một người bạn cưu mang, giúp anh ta có nơi ăn chốn ở. Về sau, người nhà bạn ngày càng đông, không đủ chỗ ở, người bạn mới thuê một căn nhà bên cạnh mời anh chuyển sang. Chuyện này đã khiến anh ta ôm hận trong lòng, thề sẽ làm cho bạn mình nhà tan cửa nát. Cái gọi là một đấu gạo nuôi một người ân nghĩa và một tạ gạo nuôi kẻ thù, cả hai điều này đều do suy nghĩ khác nhau mà hình thành nên.
Có những người nghèo khổ thiếu thốn nhưng biết an phận thủ thường, lại còn cảm ơn sự chở che đùm bọc của xã hội, họ cảm nhận sâu sắc về nghĩa tình đáng quý của đất nước. Người giàu có nhà lầu xe hơi, cuộc sống đầy đủ, vậy mà họ đem lòng oán hận nước nhà vì sưu cao thuế nặng, một mực muốn ra nước ngoài sinh sống. Thế mới biết, suy nghĩ của chúng ta có thể nghĩ đến thiên đường, cũng có thể tạo ra địa ngục, tất cả đều nằm trong trí tưởng tượng của mỗi người vậy.
Trong Di giáo kinh có ghi:
Người nào thường biết đủ,
Nằm trên đất vẫn vui,
Như ở thiên đường rồi.
Nhưng người không biết đủ,
Dẫu thiên đường cư ngụ,
Như địa ngục sầu u.
Tuy cùng một cảnh giới, nhưng do tâm thức của người thấy không giống nhau, cho nên họ nắm giữ những quan điểm sẽ khác nhau. Trong kinh lại có một ví dụ: “Cùng là nước nhưng lại có bốn cách thấy khác nhau”. Tục ngữ cũng có câu: “Trong mắt người tình thì ai cũng đẹp như Tây Thi”. Người thông minh việc gì cũng đều suy nghĩ theo hướng tích cực, dùng tâm vui vẻ nghĩ những điều may mắn, tự nhiên có được cuộc sống hạnh phúc. Kẻ ngu si thì mọi việc đều suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực, càng nghĩ càng khổ, rồi cuối cùng họ tự chuốc lấy cuộc sống phiền muộn.
Trong Duy thức học cũng có câu: “Ba cõi do tâm, vạn pháp do thức”, vốn dĩ mọi việc trên thế gian đều như thế, đều nằm trong một niệm của chính mình. Nếu chúng ta nhìn thế gian bằng tâm của bậc Thánh, thì tất cả mọi người đều là Thánh nhân. Nếu chúng ta nhìn mọi người bằng tâm của trộm cướp thì ai ai cũng là đạo tặc. Bởi suy nghĩ khác nhau nên mới nảy sinh sự phân biệt giữa thiên đường và địa ngục, đủ thấy rằng sức ảnh hưởng của suy nghĩ đối với mối quan hệ giữa mình và người quan trọng như thế nào!