“Thuyết tương đối”, là một phát hiện mới của vật lý học vào thế kỷ XX, đồng thời gây chấn động cho cả thế giới, và đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển khoa học. Thuyết này trình bày sự tương đương giữa khối lượng với năng lượng, động với tĩnh, thời gian với không gian của vạn vật. Tất cả sắc tướng như lớn nhỏ, sáng tối, đẹp xấu v.v. đều mang tính tương đối.
Trong cuộc sống thường nhật giữa người với người, một lời nói thốt ra nếu không to thì là nhỏ, không tốt thì sẽ xấu, chẳng có thì là không, chẳng phải thiện sẽ là ác. Cho đến tất cả cái thấy nghe hiểu biết như khổ vui, nặng nhẹ, tĩnh động, lạnh nóng, khó dễ, Đông Tây, Nam Bắc, mình và người, đúng sai v.v đều không nằm ngoài “thuyết tương đối”.
“Thuyết tương đối” có đơn giản có phức tạp khác nhau. Thuyết đơn giản đến từ sự trải nghiệm trong đời sống, còn những thuyết phức tạp thì không phải ai cũng có thể nhận ra, ngay cả tầng lớp tri thức đôi khi cũng chẳng thể lĩnh hội.
Cuối đời của Albert Einstein, người đã sáng lập ra “thuyết tương đối”, có một số sinh viên trẻ hỏi ông tại sao lại có thuyết như vậy? Ông trả lời bằng một ví dụ rất sinh động hài hước: “Khi bạn ngồi bên một cô gái xinh đẹp hai giờ đồng hồ, bạn cảm thấy thời gian dường như chỉ trong một phút; nhưng nếu ngồi cạnh một bếp lửa đang cháy hừng hực, e rằng chỉ mới ngồi một phút mà bạn lại có cảm giác như hai tiếng vậy. Đây chính là “thuyết tương đối”.
Trong Viên giác kinh có nói: “Mây bay mà thấy trăng chạy, thuyền lướt mà thấy bờ đi”, điều này thuyết minh tính tương đối giữa cái động và cái tĩnh của vạn vật. Trong Bát nhã tâm kinh cũng có ghi: “Sắc tức là không, không tức là sắc”, đây là sự đối đãi giữa chất và lượng của muôn vật. Trong Lục Tổ đàn kinh có một đoạn công án rất nổi tiếng “gió động hay phướn động”, nói lên tính tồn tại tương đối giữa tâm và cảnh. Đây là phương tiện khai thị của Lục Tổ sau khi đã thể hội được thật tướng của các pháp.
Ngoài ra, Lục Tổ còn nêu ra “ba mươi sáu pháp đối”. Trong đó, có năm pháp đối liên quan đến “loài vô tình” ở ngoại cảnh: Trời và đất, mặt trời và mặt trăng, sáng và tối, âm và dương, nước và lửa. Diễn bày về “pháp tướng” thì có mười hai pháp đối: Tiếng nói đối với pháp, có đối với không, hữu sắc đối với vô sắc, hữu tướng đối với vô tướng, hữu lậu đối với vô lậu, sắc đối với không, động đối với tĩnh, trong đối với đục, phàm đối với Thánh, Tăng đối với tục, già đối với trẻ, lớn đối với nhỏ. “Tự tính khởi dụng” sinh ra mười chín pháp đối: Dài đối với ngắn, tà đối với chính, si đối với tuệ, ngu đối với trí, loạn đối với định, từ bi đối với độc ác, giới đối với phi giới, ngay thẳng đối với cong vẹo, chân thật đối với dối trá, nguy hiểm đối với yên bình, phiền não đối với Bồ đề, thường đối với vô thường, bi đối với hại, hoan hỷ đối với sân giận, bố thí đối với bỏn xẻn, tiến đối với thoái, sinh đối với diệt, pháp thân đối với sắc thân, hóa thân đối với báo thân.
Các pháp trên thế gian đều mang tính đối đãi, vì có đối đãi nên sinh ra muôn vàn sự phân biệt, lúc như thế này lúc lại thế kia, kéo theo phiền não chấp trước không ngừng sinh khởi. Thật ra, Phật pháp lấy “Trung đạo” làm nền tảng, nếu các pháp đối đãi lìa Trung đạo thì dù cho là nói không hay nói có, giảng sắc hay giảng tâm đều không phải là cứu cánh. Vì trong chân lý thật tướng, tất cả các pháp vốn dĩ đều là không, không nằm trong vòng đối đãi của thị phi tốt xấu, sinh diệt hữu vô.
Cho nên, điều quan trọng nhất của người học Phật chúng ta là có thể lìa được mọi sự chấp trước nhị biên, ngay cả thiện ác cũng đều phải buông bỏ. Một khi đã thông đạt các pháp đối đãi của thế gian, chúng ta mới có thể vượt qua nó, tức là có thể vượt qua chính mình, siêu việt sự đối đãi, trải qua một đời sống tự tại giải thoát.