Đời người, ảnh hưởng lớn nhất đối với bản thân đó là hai chữ “Phản ứng”. Bạn khen ngợi tôi, tôi phấn khởi, tôi thích thú, tôi vui mừng, đây là phản ứng. Bạn làm tổn thương tôi, tôi đau khổ, tôi ấm ức, tôi không thể chịu đựng được, thậm chí đau khổ khóc lóc, đây cũng là phản ứng.
Những hoạt động của con người, như ăn uống vui chơi, du sơn ngoạn thủy, tìm cầu ngũ dục, ham muốn kích thích v.v. đều là những phản ứng tự nhiên, xuất phát từ sở thích hưởng thụ của mỗi người. Khi một người có những hành động như: trốn tránh, xa lìa và sợ hãi nỗi đau, đây cũng chính là phản ứng của cảm xúc khi không muốn chịu đựng sự tổn thương. Có thể nói, cuộc sống con người mỗi ngày đều chịu sự ảnh hưởng từ phản ứng, không vui vẻ thì cũng là đau khổ.
Thật ra, ngoài những phản ứng về đời sống hay về tình người, còn có những phản ứng khác. Ví dụ phản ứng qua các phương diện như: thân thể, tâm lý, tình cảm, tinh thần v.v.
Trong Phật giáo gọi thân thể là xúc giác, những sinh hoạt thường ngày, như ăn mặc đi ở đều thuộc về xúc giác. Thông qua xúc giác, sẽ cho ta những cảm giác như mềm mại, thô cứng, nóng lạnh, thoải mái v.v. từ đó có những phát sinh tâm lý ưa thích hoặc chán ghét.
Tâm lý giống như sợi dây đàn trong âm nhạc, chỉ cần vừa chạm vào sẽ phát ra âm thanh lớn nhỏ khác nhau, mang đủ cung bậc cảm xúc vui buồn giận hờn. Phản ứng tâm lý hết sức nhạy bén và nhanh chóng. Phản ứng tâm lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phản ứng cảm xúc, kể cả phản ứng tinh thần.
Phản ứng tinh thần nếu tốt thì trong lòng sẽ phấn khởi, hăng hái, mạnh mẽ. Và ngược lại, phản ứng xấu thì tình trạng sẽ buồn rầu thất vọng, mệt mỏi chán nản. Trong đời người, đọc sách cần có tinh thần, làm việc cần có tinh thần, phục vụ cũng cần có tinh thần; động lực tinh thần của một người phải dựa trên sự hăng hái tích cực trong tư tưởng. Cho nên, làm người lúc nào cũng cần phải có một tinh thần tràn đầy nhiệt huyết, không ngừng nỗ lực hướng đến những điều tốt đẹp.
Ngoài những phản ứng này ra, còn có sự phân hóa ngưng tụ của vật chất, sự co dãn của không khí theo nhiệt độ cao thấp, đường truyền của âm thanh, ánh sáng hay sóng điện v.v. Đây đều là những phản ứng vật lý hay sinh hóa, kết quả sẽ sản sinh ra một dạng năng lượng và có sức ảnh hưởng đến sự hình thành, hủy diệt của vạn vật trong vũ trụ.
Trong những phản ứng đã nêu ở trên, thì tình cảm con người là loại phản ứng khó xử lý nhất. Phản ứng tình cảm, chẳng hạn như bạn được người khác tôn trọng hay bị xem thường, ức hiếp oan uổng, hoặc cảm thấy rất uy phong v.v tất cả đều sẽ đưa đến những phản ứng tốt hoặc xấu khác nhau.
Có sai khác, có kháng cự, ắt sẽ có phản ứng. Sau khi phản ứng, thì có thiện ác, có lớn nhỏ, có khó dễ, và có tốt xấu. Phản ứng tốt sẽ đáp lại bằng những thái độ cử chỉ tôn trọng, lễ phép, cung kính, giúp đỡ, khen ngợi. Còn phản ứng không tốt sẽ thể hiện bằng thái độ như: khinh thường, đố kỵ, làm khó và tổn hại, những biểu hiện này đều là những đối kháng tiêu cực.
Tuy nhiên, cùng gặp phải chuyện giống nhau, nhưng phản ứng của mỗi người sẽ khác nhau. Có người sẽ phản ứng quá đáng, có kẻ lại phản ứng chậm chạp. Có người đối với những việc nhỏ nhặt lại phản ứng thái quá, vì thế làm cho chuyện bé xé ra to. Điều này sẽ khiến chúng ta thấy được rằng, tâm lý con người thật sự rất phức tạp. Có những người, dù cho bạn đối xử tốt với họ thế nào chăng nữa, song họ lại hiểu lầm lòng tốt của bạn nên thường tỏ vẻ giận dữ bất mãn. Cũng có khi, dù bạn có ác ý với người, nhưng bởi họ là một người có chiều sâu và tu dưỡng, nên có thể cảm thông, bao dung cho bạn. Thông thường, trẻ con không thể kiểm soát được những cảm xúc vui buồn giận hờn, nên dễ dàng bộc phát hơn. Còn những người có nhân cách cao quý, dù gặp những cảm xúc vui buồn giận hờn làm tổn hại, nhưng họ đều có thể bình thản cho qua.
Con người là động vật có tình cảm, nên mỗi khi gặp chuyện đều sinh ra phản ứng là lẽ rất tự nhiên, nhưng phản ứng cũng cần phải có chừng mực. Khi người khác vui thì cùng chung vui với họ, lúc cần khen ngợi ai đó thì nên vui vẻ ngợi khen một cách chân thành. Như vậy, mới thấu hiểu trọn vẹn nhân tình thế thái, và đây cũng chính là cách phản ứng hài hòa nhân tâm giữa con người với con người vậy.