Đời người, có được ắt sẽ có mất, những chuyện trong nhân gian chẳng qua cũng chỉ nằm trong phạm trù giữa được và mất mà thôi! Trong được sẽ có mất, trong mất ắt có được. Dù được hay mất, cũng sẽ hết một đời.
Tiền bạc, có được sẽ tiêu tán. Địa vị, có được sẽ có lúc sa cơ. Tình yêu, có được rồi cũng sẽ đến hồi ly biệt. Đôi khi, được ở nơi này nhưng lại mất ở chỗ kia; có thể được lúc này, nhưng lại mất lúc khác. Có người được nhưng lại mất, có người mất rồi lại được; được được mất mất, mất mất được được, rồi cũng trôi qua một đời.
Thường thì, người ta chỉ thích được hơn là mất, như trong truyện “Tái ông mất ngựa, sao biết không phải là phúc”. Người xưa có câu: “Mất cái này, sẽ có được cái khác”. Cho nên, trong Phật Quang thái căn đàm có nói: “Đời người được mất là lẽ tự nhiên”.
Đôi khi, tiền bạc châu báu mất đi, nhưng đổi lại có được sự bình yên của cả nhà. Mất, đương nhiên sẽ buồn; được, chắc hẳn sẽ vui. Như có người kết giao được một vài người bạn nhậu, có thêm vài chủ nợ; đánh mất những mối thâm giao đạo nghĩa cũng như những người bạn chí cốt; được mất như thế, thực chẳng có giá trị gì!
Xưa, Chu Văn Vương vì có được Khương Tử Nha mà lập nên triều đại nhà Chu, tạo dựng cơ nghiệp trải dài suốt 800 năm; Lưu Bị nhờ có Ngọa Long, Phượng Sồ mà thu phục được thiên hạ, đáng tiếc Phượng Sồ mất sớm, Ngọa Long với một lòng trung kiên nên giúp Lưu Bị tạo ra thế đứng chân vạc giữa ba nước Ngụy, Thục và Ngô. Tam tạng Đại sư Huyền Trang có được Khuy Cơ nên tạo đà xiển dương mạnh mẽ tông Duy thức; Đại sư Huệ Năng nhờ có được Thần Hội nên đã giúp cho dòng thiền Nam tông của Ngài phổ biến rộng khắp cả nước Trung Hoa.
Từ xưa đến nay, nghìn quân dễ có, một tướng khó cầu. Có người vì nhờ vào một người mà thiên hạ được hưng thịnh, nhưng cũng có kẻ chỉ vì một người mà mất cả giang sơn. Điển hình như Trụ Vương có Đát Kỷ, U Vương có Bao Tự. Trong được và mất thường bao hàm cả tốt và xấu. Được, chưa chắc đã vui; mà mất, cũng không hẳn là buồn. Giả như trong nhà có một đứa nghịch tử phá hoại, thì khó mà nén được nỗi ngậm ngùi thở than, chẳng biết nên làm thế nào cho phải!
Như một nhà giàu nọ, có một đứa đầy tớ trung thành, khéo giữ gìn tài sản và giúp cho gia đình ấy luôn được hưng thịnh. Một người nuôi được một chú chó trung thành biết giữ nhà, thậm chí có thể xả thân cứu chủ, nhờ vậy anh ta sẽ được phát đạt. Tô Tần vì có được Âm phù binh pháp của Khương Tử Nha, nên hiến kế sách liên minh được các nước chư hầu, nhờ vậy cùng lúc giữ chức thừa tướng của sáu nước thời Chiến Quốc. Trương Lương khiêm tốn hạ mình nên được Hoàng Thạch Công tặng cho bí kíp binh pháp, nhờ vậy mà giúp cho Hán Cao Tổ chinh phục được cả thiên hạ, bày mưu lập kế, trăm trận trăm thắng.
Nói về được mất, dù là được hay mất,mọi thứ đều có nhân duyên của nó. Hễ là của mình, ắt không cần phải tranh giành, tự nhiên sẽ thuộc về mình. Còn như đã không phải của mình, thì dẫu cho có trăm phương nghìn kế đoạt lấy, cuối cùng cũng sẽ bị gió cuốn trôi. Có khi được cũng không phải điều tốt, đôi lúc mất cũng chẳng phải chuyện xấu, giữa được và mất, mỗi người mỗi nhân duyên, đừng nên ngưỡng mộ kẻ khác. Khi có được rồi, nên dùng sao cho hợp lý; khi mất đi, chỉ cần hội đủ nhân duyên thì nó sẽ trở về lại bên bạn.
Chuyện kể rằng, có người nọ vì xả thân cứu người nên được đối phương trả ơn, đã mang tặng cho anh ta một chiếc khăn rách và bảo rằng chiếc khăn đó có thể giúp anh thành tựu được tất cả những điều mà anh ta mong cầu. Vào một ngày nọ, sau khi rửa tay sạch sẽ, anh ta thuận tay dùng chiếc khăn ấy lau tay, bỗng nhiên có một chiếc chậu bằng vàng xuất hiện. Vừa nhìn thấy chiếc chậu vàng, ngay lập tức anh ta vứt chiếc khăn rách đi, chính trong lúc ấy, chậu vàng cũng biến mất theo. Sau khi hiểu rõ sự việc, anh ta nhặt lại chiếc khăn, chậu vàng quả nhiên hiện ra lại như cũ. Anh ta vội vàng mang chiếc khăn bỏ vào trong chậu, từ đó mới giữ được chiếc chậu vàng. Câu chuyện này cho ta thấy, những đồ vật cũ cũng đâu thể vứt đi. Cũng vậy, chúng ta có được thành tựu như ngày hôm nay cũng không được phép quên đi nguồn cội. Đây chính là ý muốn nói: Làm người không được qua cầu rút ván.
Đời người, vàng bạc vật chất mất đi sẽ có lúc được lại; nhưng nếu mất đi nhân cách, đạo đức thì khó mà có được như xưa. Có được người thì dễ, nhưng được lòng người mới khó; được lòng người là khó, nhưng mất đi lòng người lại rất dễ. Kỳ thật, đây là một triết lý giàu tính nhân sinh.