Nhân loại chúng ta vốn rất xem trọng về luân lý đạo đức. Từ xưa đến nay, dù là một đứa trẻ chỉ mới mười tuổi, khi lên ngôi hoàng đế, thì dẫu có là hoàng thúc hay hoàng bá đều phải cúi đầu hành lễ với đứa trẻ này. Bởi vì, ngoài thứ bậc trong gia đình ra còn phải tuân thủ đạo lý vua tôi nữa.
Đến thời đại ngày nay, khi cháu làm chủ tịch tập đoàn, còn cô dì chú bác của đứa cháu này chỉ đứng ở vị trí tổng giám đốc. Khi chủ tịch giao phó cho công việc gì, thì họ không thể không đảm nhận nhiệm vụ, càng không thể cậy mình là bậc trưởng bối mà từ chối, nếu như vậy thì trật tự của công ty sẽ đảo loạn lên sao. Mặc dù, bình thường có sự phân biệt vai vế ai lớn ai nhỏ rõ ràng, nhưng nếu trong gia đình có thứ bậc lớn nhỏ, thì trong công ty cũng có thứ tự trên dưới, giống như lễ nghĩa quân thần thời xưa không thể thiếu được.
Hơn nữa, Hội Phật Quang Sơn quốc tế chi nhánh tại Paris, từng xảy ra một câu chuyện khá thú vị như sau: Con gái là hội trưởng phân hội, cha là phó hội trưởng, mẹ là tổng thư ký kết quả là sau khi bầu chọn xong, cả gia đình cô ấy đều trở thành trò cười cho mọi người. Ấy thế mà, gia đình họ lại phân chia công việc rất rõ ràng, dù là trong cuộc họp hay công việc, hầu như không ảnh hưởng đến nguyên tắc công sở.
Trong một xã hội tiến bộ, phải có sự phân chia vai vế rõ ràng, cho nên thứ bậc cũng được phân thành nhiều loại như: trật tự gia tộc, chức vụ công ty, nguyên tắc chính trị, đạo nghĩa thầy trò, và cấp bậc giáo phẩm v.v.
Trong Phật giáo, giữa Đại thừa và Tiểu thừa đều có câu chuyện cùng làm thầy của nhau, điều này thấy được tôn ti trật tự ở mặt chân lý. Lại có điển tích, trước là bạn học sau là thầy trò, đây chính là luân lý đạo đức ở góc độ tu hành. Bồ tát Quán Thế Âm, do thành tựu hạnh nguyện cứu độ chúng sinh nên Ngài đã trở thành Bồ tát Nhất sinh bổ xứ, đây cũng là tiêu chuẩn trật tự cụ thể ở trong đạo.
“Ba phần thầy trò, bảy phần bạn hữu”, đối với đời sống sinh hoạt trong chùa, không thể vì tuổi cao mà làm bậc trưởng thượng, không vì tuổi hạ lớn mà làm quản lý, càng không có chuyện vào chùa trước mà muốn làm gì thì làm.
Đúng vậy, vào chùa trước trở thành người có niên cao lạp trưởng, nên được gọi là bậc trưởng lão. Song, cũng giống như câu chuyện “Tam thú độ hà”1 và “Tam điểu phi không”2 mà thôi.
1 Ba con vật qua sông, chỉ cho con thỏ, con ngựa và con voi. Ví dụ này để chỉ cho hàng Tam thừa (Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát) có sự mê ngộ khác nhau.
2 Ba con chim bay trên không, là chim sẻ, chim bồ câu và chim nhạn, thể lực của chúng không giống nhau. Ví dụ này chỉ cho giai vị tu chứng của các vị Bồ tát không đồng nhau.
Con nước tuy không có sâu cạn, nhưng vệt nước thì có; bầu trời dù chẳng có xa gần, nhưng lại có dấu chim bay. Như vậy, tự nhiên lại có sự phân chia cấp bậc cao thấp. Cũng chính vì thế, mà lối sống nề nếp trong chùa như một bức tranh đẹp hài hòa.
Trong các ngôi chùa hay chốn tùng lâm lớn, tuy trụ trì là chủ của một ngôi chùa, nhưng trước khi đi ra ngoài thì thầy ấy cũng sẽ nói qua với tri khách một tiếng, đó chính là nét đẹp trong giao tiếp ứng xử. Thời đại dân chủ như ngày nay, dù có là tổng thống của một nước đi nữa, thì cũng phải xin Bộ Ngoại giao cấp hộ chiếu cho.
Chủ tịch của một công ty khi ngồi xe riêng ra ngoài, cũng không được can dự quá nhiều vào việc lái xe của tài xế, đây chính là đạo lý tôn trọng lẫn nhau. Một người quản lý tuy có quyền hành, nhưng không vì thế mà xem thường những người phụ tá hay cố vấn của mình, bởi vì mỗi cấp bậc đều có vai vế trật tự khác nhau.
Trong một trận chiến, có người thắng kẻ bại, không phải hoàn toàn chỉ dựa vào sức mạnh vũ khí, mà phải xem tinh thần đồng đội có được phát huy hay không? Cũng như quân đoàn trưởng chỉ huy sư đoàn trưởng, còn sư đoàn trưởng thì chỉ thị các trung đoàn trưởng, liên đoàn trưởng, trung đội trưởng, cùng các tiểu ban ở dưới; khi binh nhất ra lệnh thì binh nhì không được chống đối, đó là duy trì lễ tiết trong quân đội. Chiến đấu có thể dành được thắng lợi, là vì họ tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật thép trong quân đội. Vậy nên, “chấp hành quân lệnh” là yếu tố then chốt quan trọng đưa đến chiến thắng.
Trong xã hội ngày nay, cha con không ra cha con, thầy trò không ra thầy trò; giữa ông chủ và người làm chẳng có một chút trật tự lớn nhỏ nào, thì làm sao cả hai cùng tỏa sáng cho được? Cũng chính vì điều đó nên mới nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “Luân lý đạo đức”, sao lại có thể dễ dàng xem thường!