Suốt đêm đó ông Chiến ngồi đốt thuốc lào. Bà vợ lúi húi chăm con chẳng ăn uống, người gầy sọp, như cây dưa héo. Hoa lúc ngủ lúc mê. Trong cơn mê cô thét lên, rót vào bóng đêm nỗi ghê rợn, kinh hãi. Nhìn con, tim bà Chiến như có ai đang xé ra từng miếng. Mái tóc bết bát mồ hôi của con dính vào trán. Gương mặt buồn rầu đau khổ của con vẫn hiện lên vẻ dịu dàng. Nhìn con gái lúc này tội nghiệp làm sao. Bà muốn thức để nhìn ngắm mãi nó, như chỉ sợ nhắm mắt lại, con bà sẽ bốc hơi ngay tức khắc.
Sáng, vợ chủ tịch Hỗn mang tiền đến, hách dịch kẻ cả như người mang tiền đến bố thí. Ông Chiến ném trả “Bà mang tiền của bà về, mang thứ bẩn thỉu này đi. Gia đình tôi không cần. Bà cút đi”.
Vốn chỉ quen quát mắng người khác, nay bị quát lại, vợ ông Hỗn căm tức, mặt hằm hè chửi bới om xòm lấy oai rồi mới ưỡn ẹo ngồi lên xe phóng về. Mụ nhổ một bãi nước bọt ngoài đầu ngõ, khinh bỉ.
Mụ đi rồi, nhà tạm yên, bà Chiến mới hỏi ông. Chẳng phải ông đã quyết định đưa con đi phá thai sao, cũng đã nói sẽ nhận tiền của người ta. Ông Chiến thở dài, kéo vợ lại:
- Bà nó à, tôi tính đi tính lại rồi. Mang con đi phá, nghe nói là cũng phức tạp. Lại ảnh hưởng về sau nữa đó. Chẳng may sau này nó không thể có con thì tội. Tôi tính thế này, hay là cứ để nó sinh con ra. Tôi với bà chăm sóc cả hai mẹ con nó. Hai đứa nhỏ kia cũng phụ giúp được. Mình không ác được, bỏ đi, tội chết. Nó cũng là một sinh linh...
Giọng bà Chiến chợt chùng xuống. Vẻ mặt bà rất tán đồng.
- Đêm qua tôi cũng chẳng chợp mắt. Tôi nghĩ nếu có đứa cháu sớm thì cũng vui cửa vui nhà đấy. Vất vả thêm một chút nhưng bù lại được người. Tôi nghĩ là mình không nên phá bỏ. Chuyện thất đức đó đừng nên làm. Để tôi khuyên nhủ con gái xem sao.
Cả hai đi đến quyết định nhanh chóng. Bà Chiến đi vào động viên con. Ai ngờ, Hoa ngó khuôn mặt phờ phạc của mình ra bảo: “Mẹ muốn làm gì cũng được”. Dường như Hoa muốn buông xuôi. Cô ngồi bất động như một hòn đá bị nước chảy bào mòn, hao gầy. Cô đã quá đau, giờ chai sạn, chẳng còn cảm giác, hoặc chẳng muốn làm bất cứ việc gì. Với cô có lẽ thế là đã đủ mùi vị của khổ hạnh, không còn một cơ hội nào để tiếp tục cuộc sống vui vẻ. Cô đang chán ghét bản thân mình. Một thân thể rệu rã muốn tan ra thành sương, hoặc bốc hơi, tan vào gió vào mây xanh.
- Đừng thế mà con gái - bà Chiến cố níu - con phải tự quyết chứ. Còn bố mẹ, muốn con để lại đứa bé. Chuyện đã xảy ra rồi, mình giữ đứa bé, sau này sinh ra nhà ta nuôi nó. Nó sẽ là thành viên của gia đình, được yêu thương. Con sẽ thấy niềm vui.
- Con chả thiết gì nữa. Đôi mắt sưng mọng của Hoa cũng như đang nói điều đó. Đôi mắt ngơ ngác, vô hồn, cứ ứa ra những hàng nước mắt - đêm qua, con tưởng mình sẽ chẳng tỉnh lại nữa. Nếu không tỉnh lại nữa thì tốt biết mấy, sẽ chẳng còn thấy đau đớn, xấu hổ nữa. Nhưng lại tỉnh mất rồi. Con muốn chết đi thôi.
Người bố ôm chặt lấy con. Khuôn mặt ông vô cùng căng thẳng. Mái tóc bết lại, cứng đơ cứ rung rinh. Với ánh mắt tuyệt vọng, ông Chiến động viên con:
- Đừng nói dại. Hãy kiên cường lên. Con phải sống, phải vì bản thân con, vì cái thai trong bụng.
Không ai có thể hiểu nổi lòng ông lúc này.
***
Cuối cùng Hoa cũng đưa ra quyết định. Cô khẳng định muốn nhìn thấy mặt con, muốn thấy nó sẽ như thế nào khi ra fofegi. Cô bảo giữ lại thai. Một phần vì cô tò mò, một phần vì cô thấy có con cũng tốt. Trong cô chưa thật sự có được tinh thần quyết liệt, giành mạng sống cho con vì tình yêu của một người mẹ. Cô chưa có cảm thức ấy. Dẫu rằng cô vẫn còn quá non nớt để hiểu đời. Càng quá non nớt để sinh con. Bố mẹ Hoa nghĩ nên đưa cô đi khám thường xuyên cho an toàn. Những người hàng xóm cũng góp ý như vậy. Họ cũng chuẩn bị tâm thế để đón một thành viên mới. Ngôi nhà với ngôi vườn, với bầu không khí quá nhàm chán rồi. Giờ là lúc nó nên đổi khác. Có lúc người bố nghĩ như thế, Hoa nghĩ thế. Chỉ có điều, giá được đổi khác theo kiểu khác đi thì tốt hơn. Đây chỉ là tình thế bất đắc dĩ. Một sự đã rồi, một nỗi khó xử đang lớn dần và không ai biết nó sẽ gây ra hậu quả gì.
Giữ lại thai nhưng Hoa rất lo lắng. Cô sợ khuôn mặt con có vết sẹo giống như mình. Một sự tiếp nối đáng ghét nào đó có thể xảy ra, ôi, nếu như vậy thì tai hại quá. Đớn đau nhân đôi. Ngôi nhà sẽ lại tiếp nhận những giọt nước mắt và niềm đau nối dài. Những con người đang như cỏ cây héo rũ sẽ lại phải chịu thêm gió nóng. Cô mong sao đừng như thế, đừng bao giờ xảy ra chuyện đó, đừng để thằng Tích làm hại cô thêm.
Ngày lại ngày trôi đi. Hoa bớt căng thẳng và những suy nghĩ tiêu cực. Cô thích nhìn xuống bụng mình, thích từng tí một, theo từng ngày, mỗi ngày một chút. Cô ao ước được nhìn thấy khuôn mặt con xinh xắn. Nó sẽ xinh xắn. Cô nghĩ. Nó sẽ xinh như cô và khi lớn lên, không phải chịu những gì mẹ nó phải chịu. Cũng theo đó, suy nghĩ của cô ngày một chính chắn hơn. Từ bị động, cô chủ động nghĩ về con và không ngờ là bản thân có thể có một đứa con. Mình sắp có một đứa con đó. Sẽ như thế nào nhỉ? Nó gọi mình bằng mẹ. Hoa cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ đến một ngày con oe oe khác chào đời, trong nhà sẽ có tiếng nô đùa của trẻ, có tiếng bi bô gọi mẹ. Cô nghĩ và cười với mình. Có lúc mẹ Hoa thấy con gái người, cũng mừng thầm. Hướng và Dương thấy chị le lói niềm vui, cũng vui lây.
Bố mẹ chiều con gái, không muốn Hoa làm việc. Cô thích thì có thể dắt bò đi chăn một đoạn, bằng không chỉ việc nghỉ ngơi, chờ ngày sinh. Họ muốn con gái an toàn. Họ càng không muốn con phải giáp mặt thằng Tích. Tránh hắn ra là hơn. Hắn sẽ chẳng có trách nhiệm gì đâu. Gia đình cũng không cần hắn có trách nhiệm. Hoa càng chẳng muốn hắn chia sẻ niềm vui có con. Hắn không xứng.
Cô thích ra đồng vào cuối chiều và đi xa hơn, qua con đê lớn chứ không phải đê làng. Ngoài đó gió lộng và hào phóng. Đứng lên đê, cô phóng tầm mắt ra xa. Bãi ngô trải rộng ra mép nước của sông, kéo dài men theo bờ đê vô tận. Ra đây, cô thấy thanh thản và bản thân như lớn hơn. Cô cũng đã thật sự trưởng thành hơn khi khám phá nó, một thế giới có màu đo đỏ của nước sông, màu xanh của ngô, màu bồng bềnh trắng của mây và rộn rịp cánh cò, nơi cách nhà cô hai cây số. Đây là một thế giới, Hoa nghĩ, mình ra thường đến đây cho thanh thản. Tự dưng cô muốn hòa mình với thiên nhiên.
Nhưng từ lâu rồi, thế giới này đã bị cày xới. Hiện vẫn đang bị cày xới. Hoa quan sát điều đó và nhận thấy thật sự là tai hại. Đầu tiên là nhưng lò gạch với các ống khói đen ngòm được mọc lên. Người ta khoét dần đất để đóng gạch, những xe tải chở than, củi nườm nượp đổ về, rồi những viên gạch hồng ra lò được chở đi. Bãi sông, chân đê, cánh đồng, tất cả đang bị đầu độc, bị chém và nhận về những vết thương nham nhở. Hoa cảm giác chính mình cũng bị thương, trái tim non nớt mười bảy của cô bị cào tơ tướp. Ai mà biết được, có phải chính những bãi gạch, những nhà máy chính là thủ phạm cướp đi bao sự phát triển bình thường của nhiều đứa trẻ. Để đến nỗi, chúng đã sinh ra đứa thì thiếu tay, đứa thiếu chân, đứa khác oặt ẹo ngồi xe lăn và đứa thì đến hai mươi tuổi vẫn mang vóc dáng của một đứa trẻ. Con người cứa vào chính cộng đồng họ đớn đau, phải thế không? Con người nơi vùng đất này vì mưu sinh mà phải hy sinh nhiều giá trị khác, cướp đi bao cuộc sống trọn vẹn. Một cái giá quá đắt. Rồi sẽ còn những tai họa khác, tiềm tàng, chất lên vai con người trong bể đời đầy trầy trật,
Tự dưng Hoa thấy sợ. Một nỗi sợ đã thành hình hài, lớn dần. Đến nỗi cô cảm tưởng nó áp vào sau lưng mình, và thoáng chốc run lập cập. Con người có tội với chính cộng đồng mình, với thế giới xanh bát ngát cánh đồng, những hàng cây. Cưỡng hiếp và cày xới môi trường thật sự là một thảm họa. Cùng chung tay cày xới thế giới xanh bát ngát ấy là rất nhiều người dân ở làng Hoa, là bà con của cô, là ông Hỗn và những người anh em của ông ta. Cô biết đó là công việc, phải có vật liệu xây dựng nhà cửa, một diễn biến tự nhiên. Nhưng cô ngậm ngùi tiếc. Tại sao một nơi chốn đẹp nhường ấy lại bị xử tử nhường chỗ cho lò gạch? Có lần, cô đem câu ấy hỏi ông nội, ông nói không đốt lò ở đấy thì ở đâu. Bãi sông là nơi xa dân nhất, nhu cầu nhà cửa ngày càng nhiều thì cũng cần rất nhiều gạch. Tự dưng Hoa thấy ghét những người làm gạch, tất nhiên, đó chỉ là một ý nghĩ mà cô không dám thổ lộ với ai, kể với Hướng và Dương.
Dẫu biết thế giới màu xanh không còn bình yên, nhưng Hoa vẫn thường đến khi có thời gian, nhất là vào buổi chiều. Cô mang cái bụng đang lùm lùm lớn. Có lẽ đứa con đang nghĩ, cô thì thầm, nó chắc muốn đi cùng mình. Một lối đi đã thành quen, một hành trình hào hứng và thích thú. Nhưng tiềm tàng nỗi xót xa cho khung cảnh mà cô thấy. Cô cứ đi, cho đến khi hồi chuông đầu nhà thờ vang lên thì về.
Ông Chiến vẫn thường kể cho cả nhà nghe về những trận đánh nhau của đám thanh niên ngoài bãi gạch. Nhất là cánh “cậu ấm” con các chủ lò. Thằng Tích là một điển hình cho các trò quậy phá. Lò gạch nuôi cho gia đình hắn trở nên giàu có, cũng tăng thêm mức độ hách dịch của những đứa con vốn thích xài tiền hơn làm lụng, và chẳng bao giờ phải nếm mùi vất vả. Trước đây ông Chiến từng làm thuê ở đó. Những người họ hàng của Hoa cũng làm. Nay bố cô đã nghỉ, vì công việc quá nặng nhọc và nguy hiểm. Ông Chiến trở lại với ruộng đồng và chăn nuôi. Nhưng ruộng đồng, nhiều vụ bị khói lò làm mất mùa. Người dân đã kiến nghị, song tiếng kêu của họ không được quan tâm. Họ vẫn chịu hậu quả của khói lò, cộng với hậu quả từ nguồn nước thải của những nhà máy cách đó vài cây số.
Thật xót xa. Khoảng hơn hai chục lò đã và đang nhả khói, phải đến tận nơi thế giới của lò gạch, Hoa mới thấy hết sự nặng nhọc mà con người nếm trải. Lần đầu tiên cô nhận ra sự mưu sinh khắc nghiệt thế nào và cách mà con người bán sức cho nhau để có miếng cơm. Sự tất bật diễn ra, năng suất tăng lên thì cũng đồng nghĩa với việc nhiều thửa ngô bị ngoặm, cánh đồng cũng phải nuốt những vòi khói khổng lồ ngột ngạt. Hoa từng hỏi bố về những thửa ruộng mới đang san gạt kia. Ông nói người đã xin phép Ủy ban và đền bù cho các hộ dân. Họ không muốn cũng phải gật đầu để người ta lấy ruộng. Rồi những thủa ruộng còn lại, đôi khi bị bỏ vì chẳng thể canh tác. Dù có chịu canh tác cũng cho thu nhập rất ít.
***
Một hôm, Hoa thấy thằng Tích ở gần cánh đồng ngô. Nó cưỡi xe máy phi vèo vèo cuốn cát mịt mù bay. Bố hắn cũng cưỡi một xe máy rất khác người đi sau. Họ tiến về phía lò gạch của gia đình. Chẳng ai ở trong xã có chiếc xe máy như thế. Đám thanh niên bảo chiếc xe đó “hoành tráng”. Ừ. Nó thể hiện sự giàu có khủng khiếp của chủ tịch Hỗn. Một người vừa biết giấu mình vừa khéo léo khoe khoang, rất đặc biệt. Ông ta cũng có cách biến tấu rất khá trong các tình huống. Ngay cả ông cho phép anh em trong họ mạc mình dễ dàng trúng thầu làm gạch, cũng là cách gây dựng bè phái kiếm chác cùng có lợi với một nhóm người. Và thật lạ, việc làm của họ qua mặt được cơ quan cao hơn khi họ về kiểm tra môi trường. Bằng cách nào đó, thằng Tích nhìn thấy Hoa ở ngoài đê. Hắn đã thình lình ú òa Hoa từ phía sau khiến cô giật bắn, hai chân co rúm. Trời ơi. Tim cô như muốn vỡ ra. Không kịp nói câu nào, thấy hắn là cô bỏ chạy. Cô cắm cổ cắm đầu chạy thục mạng trong lật phật cánh đồng ngô đang chuẩn bị trổ bông. Thằng Tích tức tốc đuổi theo. Hoa không biết hắn có mục đích gì, nhưng hắn rất quyết tâm. Hắn gần tới nơi thì cô tăng tốc. Những thân ngô lùi lại phía sau, sắc diệp lục tấp lại phía sau. Hoa hổn hển lo lắng như lần chúng đã vây hãm và làm hại cô. Tự dưng xóc bụng, một tay Hoa đỡ lấy và cố chạy. Đến nỗi sợ quá, cô vấp vào một gốc ngô và ngã nhào. Mặt cô cắm xuống đất. Cả cái bụng cũng bị rơi xuống đất. Thằng Tích tới nơi, Hoa lóp ngóp ngồi dậy, người đau điếng, mặt mũi bê bết cát. Hoa lê người lùi lại. Hắn tiến tới, nhìn trừng trừng khiến mặt cô gái tái nhợt. Gió lay động lá ngô sột soạt. Tích đã không làm gì. Hắn bỏ đi.
Hắn đã không làm gì, nhưng trật rượt đuổi làm Hoa ngã đã khiến cô đau bụng vì ra máu. Tối đó về gia đình tất tưởi đưa con gái đi bệnh viện. Phải mất ba ngày điều trị, cái thai mới giữ được và đến ngày thứ tư Hoa được xuất viện. Bác sĩ dặn tránh vận động nhiều. Ông bà Chiến cấm con gái không được ra đồng nữa, khỏi chạm mặt thằng Tích. Cũng may, hắn mà cưỡng hiếp cô lần nữa, chẳng hiểu hậu quả là gì nữa.