Sau hôm bị thằng Tích rượt đuổi, bị động thai, từ dưng Hoa nghĩ nhiều. Cái ý vượt qua số tuổi của cô. Như thế người ta gọi là “cụ non”. Cô đã thành “cụ non”. Có lúc cô cũng tự vấn, tại sao mình lại nghĩ những điều lạ lùng như thế. Ngay từ khi bị vết thương kỳ dị trên khuôn mặt, cô đã nghĩ nhiều rồi, nhưng thật sự cô không thể nhận ra là mình nghĩ rất nhiều. Rồi cô liên tưởng sự kỳ dị của vết thương có lẽ cùng một nguyên nhân như nhiều thanh niên, đứa trẻ khác trong làng, xã. Đó là một di chứng, hay là một kết quả của việc đối xử tàn bạo với thiên nhiên. Liệu có phải là như thế?
Cô cũng thường hay quên. Ví như quên nỗi sợ phải giáp mặt thằng Tích và đồng bọn của hắn. Bọn chúng sẽ lại tiếp tục làm những gì có hại cho cô chỉ để mua vui. Chúng mua vui bằng nỗi đau của người khác. Như thể chúng đã mua vui bằng cách ném đất đá xuống chỗ chị Huệ chuyên sống bằng nghề mò cua bắt ốc. Chúng ném làm chị tóe máu đầu, đến nỗi phải lặn xuống nước trốn. Chị khó thở, ngóc đầu lên, chúng tiếp tục ném và cười ha hả. Hoa đã từng nhìn thấy cảnh đó. Cô lại muốn đi, hai tay đỡ bụng và đi. Cô đến “gò hủi”, nơi có hai mẹ con bà Nắng sinh sống. Kể từ khi họ bị đuổi ra gò đất giữa đồng, nơi được cho là trước đây từng chôn cất mấy người bệnh hủi, thì nơi đây bị gọi là “gò hủi”. Cùng với những đồn đoán về ma quỷ diễn ra ở làng, thì kẻ dát nát kẻ bạo, “gò hủi” cũng được coi nhà nhà của mà quỷ. Nơi đó thường phát ra những tiếng kêu ai oán, những đốm lửa bốc lên kỳ lạ và kèm theo rất nhiều lời miêu tả rùng rợn. Bởi vậy chẳng ai dám bén mảng tới, nhất là bọn trẻ con. Trẻ chăn trâu bạo dạn thế, chúng cũng chẳng dám đến đó, dù biết nơi đó rất nhiều hoa quả.
Hoa đã dám đến. Cô chẳng tin ở đó có ma quỷ. Tất cả chỉ là lời đồn, người này nói qua người kia nói lại. Sự thêu dệt từ lâu đã trở thành làn sóng tai hại ở biết bao làng quê. Cách đây hơn chục năm, người ta còn đồn ở “gò hủi” có loại ổi, mà người con gái ăn vào về nhà sẽ có chửa, cứ như cây ổi đó có phép thuật. Trong thâm tâm, cô chỉ biết đây là một chỗ ít người lui đến. Đơn giản nó gần như không thuộc về thế giới của người làng. Nó thuộc về hai mẹ con bà Nắng. Hoa chỉ mang máng thế, cô chưa gặp hai mẹ con bà bao giờ. Cô quên luôn cả lệnh cấm bất thành văn của người làng. Cả ông Hỗn nữa. Hai mẹ con bà Nắng vẫn bị khinh miệt vì mang bệnh hủi, không bao giờ được vào làng. Ông nội đã từng nói họ trông rất dữ tợn. Người ta sẽ nghĩ họ là ma nếu bất ngờ gặp chỗ vắng người, từ bụi rậm đi ra, buổi đêm càng khủng khiếp hơn. Như vậy thì càng khổ thân họ, hai mẹ con sẽ bị khinh miệt cho đến chết. Điều này khiến Hoa dâng lên niềm cảm thông hiu hắt. Một luồng gió cay bất chợt ùa tới và cô cảm giác khó chịu. Cô không sợ lây bệnh, chắc chắn rồi.
Hoa hơi rùng mình, nhưng đó không phải do nỗi sợ lây bệnh gây ra. Đó là nỗi sợ của một sự dấn thân. Người làng sẽ làm gì khi cô tự ý đến đây, là vùng cấm? Cả bố mẹ cô nữa. Họ có đủ can đảm để vượt qua, trút bỏ sự kỳ thị bấy lâu? Mím chặt môi, cô lấy lại can đảm và tiếp tục bước. Cô tiến gần đến chỗ gò hủi. Trong đầu cô, hiện ra biết bao thắc mắc. Mẹ con bà Nắng không phải là người sao! Họ cũng là những con người, mà đã là con người thì có quyền như nhau. Chỉ Thượng Đế là có quyền tối cao hơn cả.
Cô đứng nhìn lên gò. Xung quanh gò đất là đầm nước um úm. Có những chỗ có thể dùng làm nơi cấy lúa, nhưng vì sợ hãi mà người ta xa lánh những thửa ruộng đó. Cô tự giải thích cho mình thế.
Từ làng đi đến đây phải qua nhiều đoạn đường đồng nhỏ gập ghềnh. Có nghĩa là thế giới nhỏ bé này ở rất xa làng. Phải rồi, họ không hề coi hai mẹ con bà là những con người. Không may mắn cho họ, vì mang bệnh mà phải sống xa…Con Người.
Hoa cất tiếng gọi. Chẳng phải chờ lâu thì đã có người chạy ra, đó là một con bé, có lẽ chừng tuổi Hoa, khoác lên mình bộ quần áo xỉn màu rách tươm. Cô cũng nhìn thấy trên đó dấu tích chứng tỏ nó được vá víu nhiều lần. Đứa con gái có một khuôn mặt nhem nhuốc, à không, chắc chắn là một khuôn mặt to tròn, và đẹp nữa. Chỉ có điều nó bị phủ bởi nhiều vết bẩn lấm láp. Còn đầu nó thì xù lên bởi tóc, cũng vàng vọt, chắc bị đốt bởi nắng đồng.
- Mày đến đây làm gì?
Đến chỗ Hoa, con bé hỏi bằng giọng vênh váo khó tả. Có lẽ nó rất ít được nói chuyện với ai, và chưa chắc được hỏi ai câu hỏi như thế. Đôi mắt nó nhìn vào chiếc xe lăn với sự dò xét.
- Tao đến chơi với bà Nắng, cả mày nữa.
Câu trả lời đó nhận càng nhiều ngạc nhiên của đứa kia. Nó không thôi quan sát Hoa từ đầu đến chân, và cả vết sẹo kỳ dị trên khuôn mặt cô.
- Tao chưa thấy ai dám đến đây đâu. Nhưng tao có thể đi hỏi mẹ tao. Tao tên Vẹt nhé. Mày muốn đến chơi cũng được. Tao thấy mày không có ác ý.
Lát sau, đi theo Vẹt là một người đàn bà, là mẹ nó. Bà ta đi hơi gù, dáng chậm chạp và khó nhọc. Hoa thấy bà ta tỏ ra khó chịu, đối nghịch với sự rạng rỡ của Vẹt. Cô cảm giác mình mang một luồng gió mới thơm đến cho nó, và cơn gió cay đến với bà mẹ. Bà Nắng nhìn Hoa dò xét, một đứa con gái có vết sẹo kỳ dị to bất thường trên mặt, và không thể thiếu những câu hỏi.
- Mày đến đây làm gì. Đến đây chắc chắn là không có lợi lộc gì đâu. Bạo gan ghớm nhỉ! Người ta không nói cho mày biết là đừng nên đến đây sao?
Hoa lắc đầu, cô tỏ ra là mình không giống những người khác. Cô chứng tỏ mình là người có trái tim nhân hậu và không hề muốn xa lánh ai. Sau rất nhiều nghi vấn của bà Nắng, Hoa còn đọc được sự hằn học trong đó nữa. Bởi vì bà chưa từng nhận được sự nhẹ nhàng nào từ phía người làng, nên bà muốn lên giọng với đồng loại của họ là cô. Bà bảo cô nên về đi, nơi đây không phải chỗ cô có thể đến. Sau rất nhiều lời chối từ, để Hoa về, thì cô thốt lên:
- Cháu không sợ gì hết, cháu muốn chơi với bà, với Vẹt, Hoa quả quyết. Cuộc sống này là của chung chúng ta, không ai có quyền cấm đoán ai cả.
Bà Nắn gần như khóc khi nghe nói thế. Trong chốc lát, sự chai sạn đã bị xua tan, bà trở nên mềm yếu và dịu dàng hơn. Khi bà dịu dàng thì bà đáng yêu như bao người mẹ khác. Thôi được, bà thở phào. Bà hỏi cô muốn gì. Cô nói muốn vào thăm thế giới của bà. Bà Nắng đồng ý.
Đó là một thế giới xơ xác. Một ngôi nhà lè tè thấp và tơ tướp. Nó không giống chỗ dành cho con người, nhưng nó đã che trở cho hai mẹ con bà Nắng trong suốt ngần ấy năm. Phần lớn chỉ là những tấm lá, những tấm áo mưa ghép lại, cột vào trụ là bốn thân cây. Bà Nắng có vẻ rất tự hào vào sung sướng khi nói đến nhà của mình. Hoa tin rằng, vào mùa mưa, mẹ con bà sẽ phải vất vả để chống lại sự nghiệt ngã của mưa gió. Bà nhận được ở Hoa sự ấm áp lạ thường. Một cô gái có sức hấp dẫn và đặc biệt đáng yêu. Bà hứa sẽ tâm sự nhiều hơn với Hoa vào lần gặp sau, còn giờ đã đến lúc để cô phải về nhà…
Sợ bí mật bị đánh cắp, Hoa sẽ giấu kín chuyện cô đã đến “gò hủi”. Cô cho rằng đó là một bí mật cô khám phá ra. Vì thực chất mẹ con bà không bị hủi, không hề. Đứa con gái của bà còn là một đứa con gái xinh xắn nữa. Cô sẽ từ từ tìm hiểu mọi chuyện, và vì sao mẹ con bà lâm vào hoàn cảnh ấy.
***
Đúng ngày hẹn, Hoa tìm cơ hội để đến “gò hủi”, nơi mẹ con bà Nắng nương náu. Nhưng cô vừa ra khỏi đầu làng thì hai em cũng chạy đến nơi, đầu tóc chúng tứa mồ hôi. Cô không biết tại sao chúng lại đi theo cô. Chúng muốn cô cho chúng đi theo.
- Hai đứa mày biết tao đi đâu mà đòi đi theo?
- Chúng em biết bí mật của chị rồi - thằng Hướng nói - em đã thấy chị viết thư tâm sự với chị Xuyến. Chị nói bà Nắng ở gò đó không bị hủi, chúng em muốn đi theo.
Khuôn mặt chúng tỏ ra rất quan trọng khiến Hoa vui, nhưng cô vẫn tỏ ra nghiêm nghị, hỏi chúng: “Không sợ lây bệnh chứ?”. Cả hai lắc đầu không, chị đi được chúng em cũng đi được. Chỗ này, con bé út rất quyết tâm.
- Đúng là tao không muốn chúng mày dính vào chuyện này. Người làng mà biết thì sẽ bị ăn đòn đấy.
Hướng và Dương đồng thanh:
- Không sợ gì hết.
Cả ba cùng đi. Đường đồng lắt léo khó bước. Vài cánh cò nhớn nhác kiếm mồi. Cái Vẹt đã đợi sẵn ở dưới dốc. Sự xuất hiện của ba chị em làm nó vui khôn xiết. Nhưng sự viếng thăm lần đầu của hai người bạn nhỏ khiến bà Nắng lo lắng. Sự lo lắng của bà đựơc xoá bằng những khẳng định của Hoa: chúng nó là em cháu, rất ngoan và có lòng nhân ái. Chúng cháu không sợ bất kỳ cái gì. Hai đứa em khẳng định tiếp lời chị y như thế. Bà Nắng cười, một nụ cười của con người đã từng chịu nhiều cay đắng.
Tiếp sau, bà Nắng đã khiến cả ba chị em kinh ngạc. Điều này được giấu giếm như một bí mật thực sự. Bà Nắng không phải là người đàn bà xấu xí, với dáng đi còng còng khắc khổ. Sự thật là bà rất đẹp, không, là cô rất đẹp. Khi cô ấy đi thẳng người, bỏ chiếc khăn trùm đầu ra và rửa cho khuôn mặt sạch sẽ. Cái Vẹt cũng vậy, nó cũng khiến cả ba chị em sững sờ, khi nó rửa mặt, hết lớp lấm lem, chải đầu tóc mượt. Đến nỗi, cái Dương phải thốt lên “Chị ấy xinh quá chị Hoa ơi!”. Hai con người xấu xí bỗng chốc thành hai cô tiên.
Ba chị em há hốc, nuốt từng lời của “cô tiên” lớn - người mẹ nhiều đau khổ. Càng lúc, những lời lẽ đó càng mở ra một bí mật. Mỗi phần bí mật đó đều làm trái tim Hoa quặn thắt, hai đứa em cũng xót xa. Lần đầu tiên trong đời, chúng hiểu thế nào là sự phức tạp của người lớn. Cái Vẹt, một đứa con gái xinh, chính là sản phẩm của một cơn mưa gió tình tang giữa cô Nắng và ông Hỗn. Sản phẩm của sự nhẹ dạ cả tin hay thèm khát khó cưỡng. Một mối tình vụng trộm khi ông Hỗn đã có gia đình. Ông Hỗn đã không mong sự có mặt của nó trên đời, nhưng người mẹ này thì có. Và nó đã được sinh ra trong rất nhiều oan ức, rất nhiều nước mắt. Sự đau khổ và hắt hủi đã thấm vào trí nhớ nó. Thốt nhiên, những ngày tháng bĩ cực này, nó sống trong mặc cảm và thèm khát tình thương. Mẹ dạy cho nó căm thù, dạy cho nó sống không cần bàn tay của bố. Nhưng không, không một điều gì có thể bù đắp những trống vắng trong nó. Cô Nắng nhiều khi không thể làm nó vui, và một vài lần, nó đến với người làng. Nhưng nó bị xua đuổi.
Cô Nắng đã kể cho ba chị em chuyện của mình. Chẳng hiểu sao cô lại tin và kể điều đó. Cô đã từng có những ước mơ đẹp, vì cô là một người con gái đẹp trong thời thanh xuân của mình. Ông Hỗn ngày đó còn trẻ, đã nhen nhóm cho những ước mơ cô, và sau đó làm nó tắt ngấm. Kết quả là cô Nắng bị đẩy ra ở một thế giới khác, không phải chỗ dành cho con người.
Đúng là có tình yêu của cô Nắng dành cho ông Hỗn. Còn ông Hỗn thì không. Và tất nhiên phải có sự hiến dâng, không gì khác là thân xác. Cô Nắng đã hiến dâng thân xác với niềm hy vọng mong manh. Nhưng đó là một sai lầm lớn không thể nào đổi khác. Ân hận cũng không kịp nữa. Một số người biết chuyện ông Hỗn làm với cô, nên ngày đó ầm ĩ làng vì chuyện sinh đẻ của cô Nắng. Ông Hỗn không mảy may một trách nhiệm nào. Cô chỉ biết im lặng. Không ai tin cô vì cô là con của một người ăn xin nghèo khó. Mẹ cô cũng đã mất sớm. Sau đó cô bị luồng gió khinh miệt của người làng nổi lên và xua đuổi. Ông Hỗn cho rằng những dư luận đáng ghét kia là do cô Nắng gây ra, ông đã thẳng tay coi đó là người con gái lẳng lơ, vu oan. Người ta đứng về phe ông, vì gia đình ông có thế lực. Kết quả là cô Nắng bị cấm không được về làng. Cô an cư ở một gò đất hoang liêu giữa đồng xa.
Vậy vì sao có chuyện bệnh hủi ở đây. Bạn sẽ không phải đợi lâu. Ngày đó, cô Nắng sinh con, khó khăn bủa vây. Bệnh tật thi nhau tấn công cô. Tình yêu con đã giúp cô vượt qua tất cả. Những mụn nhọt trên mặt cô đã biến thành bệnh hủi khi cô về chợ mua đồ cho con. Người ta tung tin cô bị hủi. Và sự nghiệt ngã đó, cộng thêm những khinh miệt trước đó, vô tình đã vẽ vào đời người đàn bà cực khổ này căn bệnh quái ác. Nó càng ngày càng lớn lên. Người ta càng lấy cớ đó để xa lánh con bệnh. Đời hai mẹ con trượt dài trong tăm tối.
***
Ba chị em bàn sẽ đi hỏi ý kiến ông nội, ông nội sẽ chỉ cho ba chị em phải làm gì để giúp cô Nắng. Chưa biết chừng ông có cách hay. Thế là ba chị em cùng đến gặp ông. Ông thực sự tỏ ra lo lắng, vì đó là một nơi không phải dành cho ba chị em. Đó là gò hủi, rất dễ lây bệnh. Hoa giải thích là họ không bị bệnh, mà họ chỉ bị đời ngược đãi. Vì người ta ngược đãi mà họ đã tự nhận mình bị hủi. Thực chất không hề có chuyện đó. Nhưng ông không tin. Ông cũng bị đóng đinh ý nghĩ cay nghiệt đó vào trong đầu. Ông cho đó là người đàn bà mất nết, lại còn định đổ oan cho ông Hỗn. “Các cháu nên từ bỏ ý định đến đó lần thứ hai, sẽ không lợi lộc gì ở đó” Ông nói. Điều đó làm Hoa vô cùng thất vọng, ngay cả ông nội cũng không hiểu cô. Ông đã không hiểu cô thì những người khác sẽ từ chối để hiểu. Và chẳng bao giờ có cơ hội kéo mẹ con cô Nắng về với cộng đồng.
Cùng với một ý chí, và sự ngây thơ hồn nhiên trong ý nghĩ của Hướng và Dương có tấm lòng nhân hậu, khiến cho Hoa dũng cảm nói chuyện này với bố mẹ. Cô nói ba chị em đã đến đó, chỗ mà cô đã không trốn được hai đứa em. Cô thề với bố mẹ những gì cô nói là sự thật. Cô Nắng là người đàn bà đẹp, cô ấy không mắc bệnh gì hết, cô ấy cũng không bị còng. Những lời cô nói bị cha mẹ phủ nhận: “Con mụ đó còng như chính mẹ nó, mới hôm qua người ta còn nhìn thấy dáng còng đó lội sông”.
Dù đã bị cấm, một cách tuyệt đối gay gắt, nhưng ba chị em vẫn đến “gò hủi”. Chính thức là Hoa đã trốn cả các em vì sợ liên luỵ chúng. Nhưng bằng cách nào đó, không hiểu nổi, chúng vẫn bám theo cô, và chỉ khi gần đến nơi, chúng mới xuất hiện. “Chị không muốn các em đến đây nữa, chị không muốn các em bị liên luỵ”. Hai đứa kia nói: “Chúng em cũng như chị, đều thương chị Vẹt, chị đi được chúng em tại sao không? Sẽ không bao giờ đến đây mà không có cả ba chị em”. Thằng Hướng còn dằn mạnh mấy từ cuối. Chúng đã chứng tỏ tâm hồn vĩ đại trước tuổi của chúng. Điều đó làm Hoa vui, ít nhất còn có hai đồng minh.
Giấc mơ cứu giúp hai mẹ con cô Nắng chưa thành thì tai họa đã giáng vào ba tâm hồn non nớt. Chuyện ba chị em dám đến “gò hủi” đã bị người làng phát hiện. Và ngay tức khắc tin này lan nhanh, còn hơn loại bệnh dịch hiểm nghèo. Những đứa trẻ dè bỉu, những ánh mắt người lớn cay nghiệt. Ba chị em cũng bị coi là kẻ nhiễm bệnh hủi. Người ta đòi phải mang chúng đi, ít nhất là sống cho xa dân làng.
Bố mẹ Hoa khóc ngất. Họ đến nài van ông Hỗn, mong ông tìm cách để các con không bị đuổi. Ông Hỗn làm mặt nghiêm trọng. Đó là vấn đề lớn. Ông ta có tật giật mình, nên không bao giờ muốn khơi lại chuyện cũ. Trong đầu ông ta cân nhắc, phải làm êm chuyện này, nếu không chuyện ông bán đất của tập thể lấy tiền riêng đút túi cũng bị bại lộ. Cô Nắng biết điều đó. Nếu cô ta nói ra thì chẳng có lợi cho ông chút nào.
Thế rồi, chính ông Hỗn đến tìm gặp cô Nắng, nói sẽ bù đắp, chỉ yêu cầu hai mẹ con hãy đi nơi khác. Một tin sét đánh đối với cô Nắng. Sống ở đây đã là đường cùng rồi, giờ biết đi đâu? Ông Hỗn đưa một bọc tiền, nói: đền bù, chỉ xin chuyện của họ mãi là bí mật. Cô Nắng khóc, hai hàng lệ tứa: “Ông hãy ôm lấy bí mật của ông, sẽ không ai phơi nó ra cả. Cũng chẳng cần ông phải bù đắp”. Cô ném trả ông Hỗn bọc tiền. Ông Hỗn lại dúi lại: “Anh đền cho con, nếu không sẽ khó khăn lắm. Hãy đi càng xa càng tốt. Số tiền này đủ em làm lại cuộc đời”. Cô Nắng hét lên: “Tôi không thèm, tôi không đui mù, tự nuôi được con. Tiền này đâu phải của ông, mà của làng, của dân. Tôi biết hết, tôi luôn biết việc ông làm. Tôi không lấy tiền của dân”.
Cô Nắng thét lên, đuổi ông Hỗn đi. Đuổi thằng. Thật ra, cô Nắng muốn ra đi từ lâu, nhưng một điều gì đó khó nói đã níu giữ. Dù sao, những ngày tháng mốc thếch sống xa Con Người, hai mẹ con đã nếm trải đầy đủ cơ cực. Cô những hy vọng người đàn ông đó trả cho cô cái cô cần được nhận, nhưng không, cô không cần gì nữa. Họ chuẩn bị đi xa, thật xa.
Vẹt đến tạm biệt Hoa để theo mẹ ra đi. Hoa trao cho nó một sợ dây chuyền nhỏ: “Hãy giữa lấy để luôn được may mắn”.
Hướng và Dương, cả con Cún nữa, cũng có mặt trong cuộc chia tay, chúng thể hiện tình cảm bằng việc chúc Vẹt may mắn. Chỉ Hoa là u ủ nỗi buồn trên khuôn mặt trong cuộc chia tay này.
- Mẹ và bạn đã quá khổ sở. Bạn đi may mắn và luôn nhớ đến chúng tớ. Hoa nói.
- Tớ hứa, sẽ nhớ mà. Ngay lúc này cũng nhớ rồi - Vẹt nói.
- Chính tớ đã làm liên lụy đến hai mẹ con. Bình yên của mẹ con bạn đã bị tớ đánh cắp. Vì tớ mà...
Cô Nắng nói:
- Không, chính cháu đã thúc đẩy cô làm một điều tốt cho mình. Cô phải đi, vì có đi cô và Vẹt mới được sống thật, chứ không phải che đậy nữa.
Họ đi thật. Đi cho vơi nỗi đau, cho vơi hận thù. Hoa thấy sự việc sao mà diễn ra nhanh vậy. Cô xốn xang chẳng biết mình làm vậy có đúng không, dù cô Nắng nói là đã đúng. Cô thật sự không thể đoán nổi, ngoài gây tai họa cho cô Nắng, ông Hỗn còn làm hại ai trong vùng. Chắc chỉ ông ta mới biết được.