Hoa không ở yên trong ngôi làng Hòa Mịch của mình. Một ngôi làng đã từng xảy ra biết bao chuyện. Những điều đó có lẽ thế hệ ông nội và bố hiểu hơn. Hoa còn ít tuổi để hiểu những gì đã từng diễn ra trong ngôi làng. Và chắc chỉ họ mới thống kê được những tội lỗi mà ông Hỗn gây ra. Đời ông Hỗn làm ác, giờ lại đến đời con. Sự bất công sẽ đổ dài. Hoa không muốn khám phá nữa. Như khám phá vừa rồi, đã chẳng giúp cho người khác, mà khiến họ khổ hơn. Ở làng, bao nhiêu người là nạn nhân giống như cô Nắng. Hoa chỉ sợ, động vào chỗ nào cũng sẽ bục mủ và nhức nhối. Nghĩ và thấy rùng mình. Còn chuyện đấu tranh. Ai đấu tranh? Ai có tiếng nói và sức lực để đấu tranh. Cô Nắng đã không chịu được, đi rồi. Anh Tõn không chịu được, đi rồi. Hoa bị bắt nạt, bị đâm, bị cưỡng hiếp, có nên trốn đi không? Cô vẫn ở làng, cô tắm trong nỗi đau. Cô phải sinh con ra. Bố mẹ cô nghĩ sinh con ra và sống tốt là cách để xoa dịu nỗi đau. Nhưng Hoa chẳng biết mình có làm tốt không nữa. Mọi thứ có thể vượt xa tầm kiểm soát của gia đình cô. Bố mẹ cô, những người dân lành hiền, đâu đủ mưu mẹo để đấu tranh, bắt những kẻ như thằng Tích và bố hắn phải đền bù những thiệt hại đã gây ra cho con gái mình. Và âm ỉ, mầm mống tật bệnh ngấm dần, đầu độc những người vô tội bởi những “cỗ máy” gây ô nhiễm và khói bụi. Những bớt xén, đút lót, chia chác, cưỡng bức của quan thôn xã, ai là người đủ sức để ngăn cản. Hay những sự việc nhức nhối cứ ủ bệnh, khiến cho cơ thể sống từng ngày thối rữa, và sau đó tất cả thành chuyện đã rồi?
Như thế, những mong mỏi của người dân cũng chỉ thả vào cao rộng bầu trời, rồi trôi theo cánh én về phương nào xa lắc. Chắc biết là sẽ bay đến đâu.
Ngồi trên đồi ông Lẫm, thôn Tiều Khu, nơi Hoa từng bị cưỡng hiếp, Hoa nghĩ về mình. Cô quên luôn mình bị cưỡng hiếp ở đây. Cô bị cảnh sắc cuốn hút. Đêm qua cô mơ thấy mình thành con ếch, rồi thành con gián. Những con sinh vật nhỏ nhen trong thế giới vạn vật. Cô mơ hồ nhận ra mình cũng chỉ giống như con gián, những đứa con gái con trai yếu thế trong làng nghĩ vậy. Đứa tật nguyền càng bi quan nghĩ, thậm chí chúng còn nhỏ bé hơn cả con gián. Vì con gián còn có thể chạy nhảy, đằng này chúng bị bệnh tật đè lên.
Mình có thể nhờ ông nhà thơ không nhỉ. Nhưng biết bao giờ ông ấy sẽ về. Hoa nghĩ, ông nhà thơ có bút danh Hàn Vũ, nghe như một cơn gió, nói về sẽ về thăm. Nhưng phải làm sao để ông ấy về bây giờ, vì ít nhất viết thư lên, đợi thư lại và quyết định đi hay không của nhà thơ, cũng phải mất cả tuần. Nếu gặp nhà thơ Hàn Vũ, mình sẽ nhờ ông ấy điều gì. Lật qua lật lại trong đầu. Hoa chưa biết sẽ nhờ như thế nào. Viết một bài về đời cô ư? Không đủ. Hay viết một cuốn sách về cô? Chắc gì ông ấy chịu đầu tư. Cô thầm thĩ đọc mấy câu thơ trong bài mà Hàn Vũ tặng. Cô chỉ nhớ được hai câu, còn đâu đã quên sạch, phải đọc lại mới nhớ ra.
Một bất ngờ thú vị đến vỡ òa, khi nghe tiếng ai đó gọi, Hoa quay đầu lại. Thì ra nhà thơ Hàn Vũ. Vẫn dáng vẻ bụi bặm, có phần cũ cũ, cổ lỗ như thế, nhưng kèm theo là nụ cười tươi. Mặt Hoa bỗng nhiên trở nên rạng ngời, xua tan bao phiền muộn trước đó. Đôi mắt sụp xuống vì khóc tự nhiên tươi hơn.
- Chú đến rồi ạ? Cháu đang nghĩ về chú và bài thơ chú tặng.
Nói trong run rẩy vì sung sướng, bởi cô thấy chỉ ngồi nghĩ về nhà thơ, thì ông đến.
- Thiêng quá phải không? Ừ, chú có việc phải đi qua vùng này. Tự dưng lại đến đây, vô tình gặp cháu. Nghe trong lá thư trước, cháu bảo có nhiều chuyện muốn tâm sự với chú phải không?
Hoa gật đầu, rồi cười, cô nói muốn gặp và tâm sự, rồi đến lúc gặp rồi lại chẳng biết nói thế nào. Còn Hàn Vũ, thật ra ông còn là một nhà báo uy tín. Một vài bài báo nhỏ về những vấn đề trong vùng đã khiến ông có một dự đoán chẳng lành. Tìm hiểu, hỏi han bà con, ông ngộ ra mảnh đất này có nhiều kỳ bí. Và một sự kỳ bí đến khó tin là vết sẹo trên khuôn mặt của cô gái trước mặt ông đây. May thay, Hoa đã không dám tiếp xúc với mấy nhà báo trẻ và họ cũng chưa thể chụp được ảnh cô để tung lên báo. Hàn Vũ không đến chỉ để viết bài, ông thấy thân phận của người dân, được thể hiện trong dáng dấp của một lớp trẻ đang phải chịu thiệt thòi, bất hạnh. Chính là những người như Hoa, những chàng trai cô gái tật nguyền thể xác. Thân phận họ làm nên những ước mơ nghẹn ngào của họ. Trong mỗi cô cậu yếu ớt ấy, vẫn tiềm tàng khát vọng. Chỉ có điều họ chưa có cơ hội để bứt lên.
- Nào, cháu đã nhớ ra chưa?
Sau một hồi tâm sự, Hàn Vũ hỏi lại Hoa. Cô gái luýnh quýnh về cuộc gặp gỡ đường đột này. Dường như cô quên mất, hay thấy khó xử khi phải nói ra những điều cô đang trăn trở. Khuôn mặt cô chợt ỉu xìu, biến sắc, giọng trầm xuống, như cơn gió thao thiết quệt nhẹ cái môi của nó vào không gian.
- Cháu mong nhiều thứ. Thứ nào cũng mong chú ạ. Nhưng không thể được đâu. Không ai giúp được. Chú có chở ước mơ của cháu đi được đâu. Ước mơ tuổi mười chín, đôi mươi bọn cháu nó trẻ con lắm.
- Thì cháu phải nói ra, biết đâu chú giúp được gì.
- Quê cháu thời gian qua xảy ra biết bao chuyện. Cháu ước gì đừng xảy ra những chuyện như thế. Nhưng nó đã xảy ra và những người cháu biết đã xa làng. Cái Xuyến bạn thân nhất của cháu, anh Tõn người cháu ngưỡng mộ, rồi bạn Vẹt người cháu mới quen. Họ đã đi thực hiện khát vọng của họ rồi chú ạ. Họ may quá.
Hàn Vũ nói:
- Cháu cũng có thể thực hiện điều của cháu.
Hai hàng nước mắt đã tràn ra má Hoa, cô xòe tay đặt lên:
- Cháu thì làm được gì. Cháu đã bị cưỡng hiếp, giờ có thai, sắp sinh rồi. Cháu cũng không hiểu vì sao lại muốn giữ thai để sinh ra. Nhưng cháu rất sợ. Nó chẳng may không lành lặn...
- Hãy có niềm tin. Cháu muốn giữ thai để sinh ra, chắc chắn là một khát vọng nhìn thấy mặt con, nuôi và chăm con. Đó là khát vọng thực hiện điều thiện - Hàn Vũ nhấn mạnh - cháu làm thế là đúng. Chú từng nghĩ, đau khổ cũng là một tài sản, bởi chú đã trải qua rất nhiều đau khổ trong thời tuổi trẻ của mình. Chú đã gượng dậy và cảm thông với hoàn cảnh của cháu.
Hàn Vũ ớn lạnh sau mỗi tiếng thời dài của Hoa. Chắc trong thâm tâm cô gái rất nhiều nỗi khổ. Tội nghiệp.
Sau ít phút im ắng, cuối cùng, Hoa thốt lên với nhà thơ:
- Chú viết cho cháu bài thơ, hoặc bài gì đó gửi vào trời cao này, để ông trời thấu hiểu cháu và nâng đỡ cháu.
Hàn Vũ thừa biết, khát vọng kiểu đó có phần viển vông, nhưng nó là kiểu khát vọng của một con người vẫn còn niềm tin, dù từng khủng khoảng không biết bấu víu vào đâu.
Hoa đề nghị thêm:
- Chú cũng dạy cháu làm thơ, để cháu tự viết khát vọng của cháu, được không ạ?
- Được chứ, chú tin là cháu sẽ viết hay đấy.
Họ ngồi nói chuyện đến cuối chiều. Khi mặt trời đỏ rực nép mình sau hàng cây phía xa xa. Những cánh cò chấp chới tìm đường về, đang định hướng đi trên nẻo không trung bình yên. Hàn Vũ đã truyền đạt cho Hoa những điều cơ bản về thơ và cách làm thơ. Ở mỗi bài đều là tình cảm chân thật, có gắn nhạc điệu. Theo ông, thơ là bản nhạc lòng. Ông tin, khi Hoa trút tâm sự vào đó, sẽ khiến tâm hồn nhẹ bớt.
Ông nhà thơ trở về thành phố với công việc của mình. Ông mang theo hơi thở và ước vọng của Hoa. Ngay tối đó về, cô viết thư cho Xuyến nói về ông nhà thơ xuất hiện một cách kỳ diệu, đúng lúc cô gái đang nghĩ về. Hẳn là Xuyến sẽ vui lắm, khi trong thư Hoa bật lên bốn câu thơ mà cô gái cho là xúc động, và là kết quả hữu hiệu nhờ ông Hàn Vũ hướng dẫn.
Chúng ta sinh ra lớn cùng đau thương
Quê hương thì nghèo lòng người khó đoán
Ai cũng có khát vọng và hy vọng
Để tuổi đôi mươi nhọc nhằn tiến đến ngày mai.
***
Lại quên nỗi sợ chẳng may gặp phải thằng Tích, Hoa ra bờ sông, nơi cô đã thấy những lò gạch nhả khói và con người đang ngoạm vào dòng sông những vết thương mới. Dẫu đã có lệnh cấm dùng lò thủ công, nhưng ở đây người ta vẫn ngang nhiên cho hoạt động cả đại công trường sản xuất. Mấy hôm trước hàng chục hộ dân lên Ủy ban xã phản ánh các lò gạch làm cháy xém hoa màu, làm đất đai nhuốm bụi, ám khói. Đây là chuyện diễn ra thường xuyên và thực tế một số chủ lò đã tiến hành đền bù. Có hộ đã nhận tiền có hộ thấy không xứng đáng. Nhưng khói tạt sâu và xa hơn do số lượng lò nhân lên và liếm vào những thửa ruộng màu mỡ. Các bô lão phản ánh rát cổ trong các buổi họp thôn nên kiến nghị giảm bớt cấp phép lò, đằng này số lượng tiếp tục tăng, không thể để tình trạng đó diễn ra mãi và việc đền bù chẳng xuể, khi người nông dân yêu đất bị đẩy ra khỏi đất đai của họ. Họ chẳng có quyền định đoạt phần đất đai của mình nữa. Những bãi ngôi ven sông chịu thiệt hại nặng nề hơn cả. Chỉ mấy tuần thôi, Hoa không đến và cô nhận thấy cả một vùng rộng lớn đã dành cho lò. Tất nhiên, bờ bên kia sông vẫn còn màu xanh, cả dọc chân đê xa tít tắp. Chắc chắn, con chim bay qua được khu lò cũng mỏi rã rượi cánh. Khói lò tràn ra cay cay. Xe tải trùng trình cào vào thân đê. Máy xúc moi cát từ những trảng cát xa bờ. Cô có cảm giác chẳng bao lâu, toàn bộ khu vực này sẽ biến thành thùng vũng, thân đê bị làm cho mỏi mòn oằn mình muốn ngã, và màu xanh hoa màu đang bị đầu độc bởi khói bụi than gạch. Ôi chao, đó là một tai họa!
Nhưng cô thì làm gì có tiếng nói trên mảnh đất quê hương. Cô nói được với ai? Cô chỉ là một đứa con gái bị cưỡng hiếp, không hơn không kém. Một đứa trẻ ranh với vết thương kỳ dị trên mặt, lo cho bản thân còn chẳng xong, làm sao quan tâm đến cánh đồng. Dẫu vậy, cô thấy đau xót khi chứng kiến cảnh này. Khi bố mẹ đang cùng những người dân khác đôn đáo đòi chính quyền cứu cánh đồng ngô và đậu tương. Khuôn mặt ai cũng buồn rầu. Những khuôn mặt mang vết thương của đồng, ám ảnh không khí ám muội của đồng. Chẳng biết bao giờ sự tươi mới và quyền lợi chính đáng họ cần được hưởng được trả lại.
Tiến sâu hơn xuống bãi làm gạch, Hoa không ngờ mình lại tiến đến khu vực của ông Hỗn. Thằng Tích có mặt ở đó. Hắn đang chuẩn bị một trận chiến thì phải. Ngoài khu vực bãi gạch này, những mâu thuẫn khốc liệt thường xuyên diễn ra. Thằng Tích đầu gấu bất kham muốn hành hung ai bố hắn cũng chẳng can thiệp. Hắn sẵn sàng đánh đập người làm thuê và tổ chức đàn áp những chủ lò khác để dành thị phần nhiều hơn. Đã giàu lại thêm giàu. Lần này, Tích cùng đồng bọn vác gậy đến uy hiếp một chủ lò già, đánh ông này bể đầu chỉ vì ông đã cưu mang một người thợ bị Tích đánh đập, bỏ lò ra đi. Ỉ thế làm càn, Hắn đến uy hiếp chủ lò Vạn An vì ông này hạ giá gạch nên mới ký được mấy cái hợp đồng mùi mẫn.
Tối đó về ông Chiến hỏi con gái đã đi đâu. Hoa kể lại chuyện đã ra bờ sông lớn và nhìn thấy sự việc cậy thế làm càn của thằng Tích. Ông Chiến toát mồ hôi lo lắng. Con ơi sao dại thế, nó lại làm gì, ảnh hưởng đến con thì sao. Ông ôm con gái vào lòng, dỗ dành, từ nay trở đi đừng bén mảng đến đó, chỉ chuốc lấy phiền phức thôi. May mà chúng không nhìn thấy con gái, chúng mà thấy, rồi làm hại cái thai thì không biết hậu quả sẽ thế nào. Nghĩ lại, Hoa thấy rùng mình.
- Chúng đã quên, thì cứ để chúng quên đi - ông Chiến nhắc lại - con đừng đến gần chúng, để phải chịu thiệt thân, nghe chưa?
- Vâng ạ!
Sáng sau, nhà thơ Hàn Vũ viết thư. Ông nói vẫn giữ thói quen viết thư cho bạn bè thân, dù internet rất phát triển và sự tiện lợi của điện thoại giết chết thói quen viết thư của nhiều người. Cùng với đó là thư của Xuyến. Xuyến nhanh tay quá nhỉ. Nhà thơ Hàn Vũ nói đã chia sẻ chuyện của Hoa với rất nhiều người. Một bài thơ mới viết về Hoa và mảnh đất này đã được đăng báo. Hàn Vũ có gửi kèm báo đăng thơ. Hoa vui sướng biết chừng nào. Ôi, nếu Xuyến có ở đây, cô sẽ ôm chặt cổ bạn và khoe rằng, cô quen một nhà thơ tuyệt vời, biết chia sẻ và mang ước mơ của cô đi xa. Với tâm hồn của một nhà thơ, ông ấy sẽ mang những suy tư của Hoa vào thơ, những trang viết và hơn thế là ông ấy còn trở lại.
Cô gái còn đang vui sướng với hai lá thư cùng một lúc, thì nghe ngoài kia ồn ào. Cô chạy ra. Thằng Tích lại gây chuyện. Hắn định cưỡng hiếp Gấm, cô gái đang chuẩn bị được gả cho chàng trai bên kia sông. May mà người mẹ nhìn thấy đã kịp thời can thiệp, nên không hắn chưa thực hiện được ý đồ. Song hắn đã khiến cánh tay Gấm bị trầy xước, và người mẹ đã bị hắn đạp chân ngã đập đầu vào tường. Đầu bà tóe máu. Tức tối nhưng bà có thể làm gì hắn. Bà chọn cách im lặng. Một cách mà những người dân bé nhỏ nhịn nhục thường làm. Họ đấu tranh chỉ bằng nước mắt, có hay chăng là những gào thét, sự xin xỏ, cam phận. Những tưởng vết thương cầm máu, sẽ sớm lành, nhưng từ vết sẹo trên đầu mẹ Gấm, mọc lên những bó thịt hình rễ cây, y như đã xảy ra với Hoa. Gấm khóc, mẹ cô cũng khóc. Vậy thì chữa trị làm sao được. Một người như Hoa, được bố mẹ đưa đi khắp nơi, được đền tiền còn chẳng chữa chạy được, làm sao bà có tiền mà đi. Vả lại, bà tin bệnh của mình không thể chữa được. Không ai biết gì về vết sẹo kỳ dị đó, bác sĩ cũng chịu. Một hiện tượng chưa từng có tiền lệ. Trường hợp thứ hai là mẹ Gấm. Bà quyết định ở nhà, sống chung với nó. Nghĩ cơ cực, bà đến ông Hỗn đòi tiền. Thương tích này do con trai ông ta gây ra. Ông chửi rủa thậm tệ, rồi cuối cùng cũng chịu ném cho mẹ Gấm mấy đồng. Bị xúc phạm, bà đã không nhận. Bà còn lòng tự trọng. Bà nuôi ý chí căm thù. Bà sớm già trước tuổi. Nay những nếp nhăn càng hiện rõ, như sóng cuộn. Nhưng chỉ đến thế thôi. Bà không biết làm gì cho hả giận. Cả trăm người vẫn chịu uất hận như thế.
Bà ra về. Vết sẹo dường như lớn dần mỗi khi bà nóng giận.