Trước khi sinh con, Hoa tìm đến mẹ Gấm hỏi thăm. Cô quan tâm đến vết thương của bà. Vậy là bà ấy thành kẻ thứ hai bất hạnh. Nạn nhân thứ hai chịu đựng vết thương quái đản. Nhưng bà may mắn hơn, vì bà đã có tuổi, vả lại vết thương ở phía sau đầu chứ không phải trên khuôn mặt như Hoa. Không phải gương mặt hoa hồng bị chọc cho một vết thương. Hoa rờ tay lên vết thương của mẹ Gấm. Cô thấy nó có hình dáng giống với vết thương trên mặt mình. Hình rễ cây đâm rủ. Đôi lúc ngứa ngáy khó chịu. Mẹ Gấm đã khóc rất nhiều, phần vì sợ phần vì không biết kêu ai. Sao những con người bé nhỏ cứ luôn gặp tai bay vạ gió thế? Ông trời ơi, ông ở đâu?
Hoa sinh con trai, hơn ba cân. Một bé trai xinh xắn trắng trẻo. Nhìn thấy khuôn mặt giống mình, như thiên thần của con, cô thở phào nhẹ nhõm. Vậy là không có chuyện gì xảy ra. Vậy là khuôn mặt của con thành hình hài khôi ngô tuấn tú bình thường. Nó thừa hưởng nét đẹp của mẹ và khuôn mặt thánh thiện đến khó tả của người được coi là hoa khôi của trường ngày đó. Niềm hạnh phúc vô bờ dâng lên trong trái tim non nớt của người mẹ trẻ. Nó cho phép cô tự tin bước tiếp và hy vọng cuộc sống của mình sẽ đổi khác. Qua bao đắng cay, giờ là lúc cô được hưởng nụ cười. Ông bà Chiến luýnh quýnh vì cháu xinh xắn đáng yêu, mẹ tròn con vuông. Ngôi vườn hoa lá tốt tươi cổ vũ. Ngôi nhà rúc rích tiếng cười của Hướng và Dương, hai đứa em đã tích cực giúp đỡ chị thời gian vừa qua. Thời gian mà người chị mang nặng cùng những ý nghi tiêu cực thi thoảng lại bốc lên. Chị ấy thật kiên cường. Chị ấy vẫn nghĩ được cho người khác, như chị Vẹt, cô Nắng, hay mẹ chị Gấm chẳng hạn. Chị ấy có trái tim nhân hậu và sự hồn nhiên chưa bị mất đi, dẫu đã khóc nhiều thật nhiều. Đôi môi của chị ấy là mùa xuân của tuổi đôi mươi rất đẹp, dẫu đã phải thốt lên những lời lẽ yếu mềm, tiêu cực. Chị thật đáng để chúng em học tập. Hướng và Dương nói.
Còn Hoa hết lời ca ngợi và nể phục Hồng Xuyến, đã luôn là một sinh viên xuất sắc. Cô ấy luôn muốn học tốt và sẽ xung phong về bệnh viện huyện nhà công tác. Nơi đó còn thiếu những người có tài và tâm huyết. Xuyến vẫn nói đi nói lại về chuyện đó và cô ấy đang tiến đến sự thành công trong mơ ước của mình. Xuyến muốn gần cư dân quê hương, bố mẹ của mình, nơi cô được sinh ra, nơi bố mẹ nghèo khó đã bằng mọi cách chắp cánh ước mơ cho con. Gia đình Xuyến nghèo thật nghèo, nhưng họ luôn lạc quan vui vẻ và mỗi thành viên đều biết nghĩ cho nhau.
- Chị có con, chị Xuyến chưa, nhưng chị tin Xuyến sẽ sớm lấy chồng và có con, sống hạnh phúc - Hoa nói với hai em - các em cũng học cho giỏi, để bứt mình ra khỏi lũy tre làng, phải ra ngoài lập nghiệp.
Thằng Hướng cái Dương đồng thanh:
- Vâng ạ, và chị phải khỏe mạnh đấy nhé. Chúng em sẽ lấy chị Xuyến làm tấm gương để học tập.
Nghe thế, Hoa cười toe toét.
Dáng đi của cô vẫn thật đẹp, sau khi đẻ xong, người cô sớm gọn gàng, như chưa hề sinh con.
Bước chân của cô vẫn mỹ miều, nhan sắc. Chỉ khuôn mặt là không thể trở lại như xưa. Sự đóng dấu của cuộc đời khắc nghiệt không cách nào xóa được.
Những tưởng mọi chuyện đã êm đềm tốt đẹp. Hoa sẽ sống vui vẻ với một đứa con bất đắc dĩ và nguôi ngoai nỗi đau về khuôn mặt. Nhưng đứa con lại có vấn đề. Sinh linh bé bỏng ấy đã đổi khác sau tháng thứ hai có mặt trên đời. Khuôn mặt thiên thần của bé nổi hình ca-rô. Ban đầu là vài vết mờ ngang dọc. Những vết đó rõ dần, rõ dần như vết sẹo của gai rạch và mau chóng vây kín khuôn mặt. Phần bụng và lưng cũng mọc vài vết ngang dọc hình ca-rô, nhưng khuôn mặt dày đặc hơn cả. Cứ như ai đó vẽ lên đó. Từ một khuôn mặt thiên thần trở thành dị dạng. Trời ơi, lại cú sốc lớn, một sự sụp đổ. Hoa gần như phát điên. Cô hết khóc thét bên con, đến nỗi chan nước mắt vào mặt con, rồi tự cào vào mặt mình. Con ơi con làm sao thế này, ông trời lại bắt tội con sao. Tại sao tại sao tại sao. Cô đã có những dự cảm không lành, những lo lắng khó giải thích khi mang bầu. Giờ thì tai họa xảy ra.
Ông bà Chiến cũng bàng hoàng trước sự việc. Họ không biết phải động viên con gái thế nào vì đây là một thảm họa khủng khiếp. Tội nợ là từ đâu? Từ thằng Tích hay chính những lò gạch mà bố con hắn gây dựng đang đầu độc tất cả cư dân một vùng? Ai là người phải nhận trách nhiệm. Không ai dám lên tiếng.
- Hay là vứt nó đi bố mẹ nhé - Hoa nói với bà Chiến - con không dám nhìn mặt nó.
Bà Chiến bảo:
- Không thương nó sao mà con định vứt bỏ nó. Dù sao con cũng đứt ruột đẻ nó ra. Không thể làm điều ác.
Hoa thêm:
- Con không muốn làm điều ác, nhưng con không cam tâm. Con sợ lắm mẹ ơi.
Hoa bỏ rơi con năm ngày. Thằng bé đòi sữa và hơi ấm mẹ khóc oe oe. Ai trong họ mạc đến thăm cũng không chuyên nổi. Hễ nhìn thấy con là cô gái run lập cập. Đến nỗi, bà Chiến phải mang thằng bé nuôi ở buồng trong, để Hoa ở giường ngoài. Ông bà bảo nhau thuyết phục dần con gái. Nó quá tội nghiệp. Cũng được bố mẹ sinh ra, vậy mà tai họa cứ nhằm nó mà giáng xuống. Như thể kiếp trước nó làm điều gì có tội lớn. Như thể ông bà Chiến đã mắc nợ đấng bậc nào đó từ tiền kiếp, để giờ con gái ông chịu thay.
Bà Chiến không đi làm. Bà quyết định ở nhà nuôi thằng bé, gắn với nó hầu như suốt cả ngày. Làng có mấy người mới sinh, bà lặn lội đến xin họ bố thí, cho cháu bà chút sữa mỗi khi thằng bé khát sữa mẹ. Hơn hai tháng, nó đủ sức để dùng sữa ngoài mà lớn lên, nhưng bà thấy thương cháu quá. Nó đâu có tội tình gì. Đêm đêm, thằng bé vẫn oe oe khóc. Và phải bước sang ngày thứ sáu rời con, khi con khóc ngặt, khóc đến đỏ mặt tía tai, bỏng cổ, thì người mẹ trẻ tội nghiệp cảm động, òa khóc, lao vào bên con. Cảm như, giây phút đó, tình mẫu từ bùng lên, lay thức, khiến họ phải hòa làm một. Lạ quá, ngay tức khắc, thằng bé nín bặt. Nó ọ ẹ ngoáy đầu, rồi nằm im. Nhìn con, Hoa tràn trề nước mắt. Bà Chiến cảm động, cũng khóc. Bà ôm con gái, cũng là ôm cháu vào lòng vỗ về. Thôi cố gắng con ạ. Nó có tội tình gì. Nếu bỏ nó thì cả nhà sẽ dằn vặt đến chết. Cứ phải nuôi nó. Con không nuôi bố mẹ vẫn nuôi. Bằng mọi giá phải nuôi thằng bé. Nhìn thế thôi, chứ nó cũng có nét lắm. Biết đâu nó là đứa trẻ đặc biệt.
Chuyện buồn của Hoa làm cảm động đến nhà thơ Hàn Vũ. Ông đã về phản ánh hiện tượng này, xin các nhà khoa học làm sáng tỏ. Hồng Xuyến ở Hà Nội cũng về động viên. Hai người bạn, một từ tấm bé, một mới quen, đã dùng hết lời lẽ để Hoa an tâm nuôi con. Hoa gật đầu. Phải rồi, nó là con của mình, mình đã hy vọng và yêu thương nó khi còn ở trong bụng. Mình sẽ nuôi nấng nó, làm sao bỏ nó được.
Hàn Vũ và Hồng Xuyến cho Hoa quyết tâm. Một quyết tâm vững chắc và một hơi thở hắt đã xì ra, đủ để cô trút bỏ muộn phiền và có một sự can đảm đến mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu với bất kỳ tai ương nào khác. Cô coi đó là số phận và sẽ chiến đấu để không sống vô nghĩa. Nghe được cây nói “để không sống vô nghĩa” của Hoa, Xuyến rất vui. Xuyến hứa sẽ giúp đỡ Hoa, khi tốt nghiệp và xin được về bệnh viện huyện nhà.
***
Chủ tịch Hỗn thôi chức vì bệnh ung thư. Một sự việc xảy ra nhanh chóng đến khó ngờ. Có người buồn, có người vui, nhưng các bô lão ngầm thông tin rằng ông ta mất đi sẽ giúp cho nhiều cuộc sống trở lại bình yên. Cũng bởi con người có thói ích kỷ và lòng tham vô bờ. Ông Hỗn còn giữ nhiều bí mật về những việc làm sai trái của mình. Bị ung thư giai đoạn cuối, và sẽ chết là một cái kết rất suôn sẻ đối với ông. Với mọi người thì đó là một cú hạ cánh an toàn trong chốn đời rệu rã. Chỉ có gia đình ông ta mới lao đao, như lửa cháy dưới đáy nồi bị rút vợi củi. Thằng Tích sẽ yếu thế hơn dẫu hắn đã tổ chức một hệ thống vây cánh côn đồ thôn xóm.
Người dân hỏi nhau, chẳng biết ông Hỗn có ăn năn vì những việc đã làm. Và rút cục thì ông đã có bao nhiêu đứa con trong các cuộc tình vụng trộm, làm bao nhiêu người con gái phải khóc cạn nước mắt. Ông có tự kiểm đếm không, hay ông thần công bằng của cuộc đời sẽ tự tìm ông tính sổ?
Làng trên xóm dưới người ta bàn tán ông sống được hơn một tháng, người khác bảo hai tháng. Sống thêm được một ngày, hai chỉ một giờ, với ông ta là vô cùng quan trọng, giây phút ông mất đi, chắc chắn với nhiều người đó là khoảnh khắc được chờ đón. Và họ đã nhận được câu trả lời. Ông Hỗn lĩnh án tử vì ung thư phổi. Cả đời ông làm giàu không chính đáng, cổ vũ cho những việc làm đầu độc môi trường sống của mình và đồng loại. Ông đã bị tử thần cướp đi, cộng tổng vào con số chết vì ung thư toàn xã trong vòng năm năm qua là chín mươi tám người. Gậy lưng đập lưng ông ư? Hay cả đời gieo gió giờ gặt bão?
Sau cái chết của ông Hỗn, thì chỉ một tháng sau tử thần lại đón hai thành viên mới, là con dân của xã vào thế giới của chúng. Vì ung thư. Ung thư khiến làng trên xóm dưới liểng xiểng, ám ảnh. Xuyến thư về cho Hoa nói là hậu quả của mấy chục năm lò gạch nhả khói độc và các nhà máy đầu độc nguồn nước. Xuyến học rộng hiểu nhiều. Cô ấy biết nguyên nhân của những nỗi đau. Hậu quả đã hiển hiện liên tiếp. Làng nhận nhiều nỗi đau, vừa là nỗi đau của sự cưỡng bức, vừa là sự áp bức tự nhiên. Xuyến trao đổi với Hoa về một dự định. Đó là “dự án” trồng cây xanh mà cô nghĩ ra. Cô về bệnh viện huyện làm, cũng qua Hoa thân quen với nhà thơ Hàn Vũ. Hàn Vũ lại thân quen với nhiều người khác và họ là “mạnh thường quân” để Xuyến làm... dự án. Họ cung cấp cây giống, tiền công. Người trực tiếp “triển khai” là Hoa. Cô yêu thiên nhiên, cỏ cây, cô có khả năng thắp màu xanh. Cô sẽ làm cho màu xanh lớn dần. Xuyến tin tưởng tuyệt đối vào bạn. Cô cũng nói với Hoa: Chăm cho những cái cây, là hình thức bạn gửi ước mơ vào thế giới.
Vậy thì mình sẽ gửi thật nhiều ước mơ vào thế giới bao la, Hoa nghĩ.
Tân chủ tịch xã là người rộng mở, khi Xuyến cùng Hoa đề xuất chương trình trồng cây xanh ở những khoảng đất trống ngoài đồng, những con đường làng, đường đồng, bờ các kênh mương. Chỗ nào cây có thể sống được, cung cấp bóng mát sẽ dùng trồng cây. Tân chủ tịch đồng ý ngay và lập tức, Hoa bắt tay vào việc. Cô cùng người thân vừa chăm con vừa trồng cây. Hướng và Dương cũng tham gia. Một số bạn trẻ khác trong thôn tự nguyện tích cực đóng góp công sức. Hoa vui với việc làm ý nghĩa ấy. Cô quên nỗi bi đát của mình. Cô vui vì cây reo vui và con từng ngày lớn lên. Nó biết hóng chuyện, cười toe toét rồi. Nó hồn nhiên như cái cây, và cô mong trái tim con sẽ nở hoa, có tâm hồn rộng lượng.