Bão tan, mọi người dân về lại làng, dọn dẹp cửa nhà, dựng lại những ngôi nhà bị đổ. Như đã dự báo, nước lớn, cuốn đổ tất cả các lò gạch lớn nhỏ. Một phần gạch bị nước cuốn theo sông, một phần tràn vào ruộng đồng, lẫn với đất cát. Rất nhiều nỗ lực của cư dân làm gạch bị san phẳng. Ngay cả khoản tiền lớn mà thằng Tích giấu trong ngăn tủ ngoài nhà lò cũng bị nước cuốn. Tiền trôi theo nước, nhiều người đã nhặt được, họ mừng thầm khi biết Tích đang sôi sục vì mất của.
Hàng trăm héc-ta hoa màu của người dân bị mất trắng. Thiệt hại về người và của không thể nào thống kê hết, bởi chỉ mười người thiệt mạng, nhưng kèm theo đó sẽ có biết bao người bị bệnh tật, rồi vì mất cửa nhà mà lâm bệnh. Ai trở ra đồng, bờ xôi ruộng mặt, thấy cảnh đau lòng này cũng như bị xé nát tim gan. Khi còn lúp xúp nước, Hoa đã đi thăm những hàng cây. Thật lạ, rất nhiều thứ đã bị tàn phá, thì những hàng bạch đàn, xà cừ và các khu vực trồng keo chỉ bị nghiêng ngả, toàn thân bị nhuốm bùn. Hoa nghĩ, có nghĩa là chúng sẽ sống được. Cô và nhóm thanh niên dùng cọc tre, cắm xuống đất buộc cây tựa vào, tránh bị giày xéo.
Chỉ ba tháng sau cơn bão lớn, những hàng cây đã cho màu xanh. Con trai của Hoa, với những vết sẹo hình ca-rô trên mặt trở thành đứa trẻ đặc biệt. Nó cứng cáp hơn bao giờ hết, chín tháng đã biết đi, điều mà chưa một đứa trẻ nào trong vùng làm được. Cũng chẳng bao lâu sau khi biết đi, nó bi bô gọi mẹ, gọi bà. Nó mang niềm vui đến cho các thành viên. Hoa yêu nó hơn bao giờ hết. Từ chỗ tuyệt vọng, giờ cô nhận lại niềm vui từ con, hơi ấm từ con. Có nó, cô cảm thấy vết sẹo trên mặt mình chẳng thành nghĩa lý gì. Nó chỉ còn là một nốt ruồi nhỏ như bất cứ ai cũng có. Trái lại, nụ cười cô luôn tươi rói, tràn đầy sức sống. Cô tiếp tục nhận hỗ trợ từ Xuyến và trồng cây. Thân đê được vá lại cũng được trồng kè tre tránh sạt lở. Các xã xung quanh đến học hỏi kinh nghiệm. Họ cũng muốn nhân lên màu xanh. Có phải khi mất đi một thứ gì đó giá trị, con người mới nhìn nhận lại những hành động của mình?
Vợ Tích sinh con gái. Chính hắn đã không dám nhìn con mình, khi trên khuôn mặt đứa trẻ có những vết sẹo hình ca-rô. Không giống như con trai của Hoa, phải hơn hai tháng sau sinh mới xuất hiện những vết kỳ dị, nó mọc ngay khi con gái Tích được sinh ra. Năm ngày sau đứa bé chết. Cả dòng họ bàng hoàng. Người ta nói Tích có vấn đề. Hắn được đưa đi khám chữa. Nhưng không ai có thể tìm ra nguyên nhân. Người làng nói, hắn gây thương tích cho bất cứ ai, thì người đó cũng đều mang sẹo kỳ dị, điển hình như Hoa, mẹ Gấm. Những lời đồn đoán khiến Tích hoảng loạn. Tích thích đánh người, hễ ai làm hắn nóng mắt là hắn xông vào, không cần biết phải trái. Sau hai năm chữa trị khắp nơi, Tích lại muốn có con. Lần thứ hai hắn cũng không toại nguyện, và cả họ chỉ chuốc lấy nỗi lo. Mẹ hắn là người đàn bà sắt đá, thì nay nỗi sợ tuyệt tự cũng xâm lấn bà. Bà đã hy vọng ở đứa cháu thứ hai, nhưng thất vọng. Khuôn mặt nó cũng y như đứa trước, và chỉ sống được năm ngày rồi mất. Tích điên tiết, hắn đánh vợ, hắn đuổi vợ đi, cứ như tất cả lỗi lầm là do vợ, như thể đẻ ra những đứa trẻ dị dạng là do vợ. Mẹ Tích đưa con dâu đi khám. Bác sĩ kết luận cô ta bình thường. Vậy thì chỉ có thể là do Tích. Do nó đã tích tội lỗi từ tấm bé đến giờ, và đang chịu sự trừng phạt. Càng nghĩ người mẹ càng sợ. Bà ta đi đền chùa, khắp nơi, cầu khấn tai qua nạn khỏi. Bà quên mất mình từng ác thế nào. Giờ bà cầu xin thần phật nhủ lòng thương.
Một ngày, vì quá khát cháu, vợ Hỗn đứa Tích đến gặp gia đình Hoa. Họ xin đón Hoa và cháu về nuôi để chuộc tội. Không ai chấp nhận điều đó. Không một ai muốn làm hòa kiểu “hết nạc thì vạc đến xương” đó.
- Anh làm thì anh phải chịu thôi - Hoa nói với Tích - sao không ngồi ở nhà mà cộng sổ, xem mình đã gây ra bao nhiêu tội để ăn năn cho từng tội. Đừng đến đây ăn nói hàm hồ.
Tích quỳ mọp dưới đất, trông tội nghiệp. Hắn không giống một gã trai hống hách cậy thế cậy của năm nào. Hoa nghĩ, có lẽ, đó là một cái giá phải trả. Trong thâm tâm, cô không trách gã nữa, bởi gã đã phải chịu hình phạt. Từ trong sâu thẳm, Hoa lo một nỗi lo khác, là thế hệ tương lai của làng sẽ ra sao, khi sinh ra rất nhiều những đứa trẻ không trọn vẹn hình hài. Vết thương đó, phải vá lại làm sao, phải khắc phục làm sao? Và những vết thương cưỡng bức, mà cô là điển hình, thì xóa nhòa được không.
Hoa tự nhủ:
- Ôi, đó là vết thương thế hệ, khó mà ngày một ngày hai dịu lại. Nhưng mỗi con người cần phải nghĩ khác, để sống khác.
HẾT