Trên đường lái xe về nhà, Bob suy nghĩ nhiều về hướng giải quyết cho tình huống giả định mà Giám đốc Hiệu quả vừa đặt ra cho anh. Anh đang cố gắng liên kết những tiêu chí của việc làm đúng đắn, hay chữ P thứ hai, với những giải pháp đang dần hình thành trong anh. "Liệu chúng có ăn khớp với nhau như lời Giám đốc Hiệu quả nói không?”, anh tự hỏi.
Khi đi ngang qua tòa tháp đôi, anh bắt gặp tấm biển lớn có đề ngày “11/9/2001” và dòng chữ “Chúng ta sẽ không bao giờ quên”. Theo quy luật tự nhiên, những sự kiện xảy ra quá lâu sẽ trở thành ký ức và phai mờ dần theo năm tháng.
Nhưng không chỉ riêng Bob mà tất cả những ai yêu hòa bình đều không thể quên cái ngày khủng khiếp đó. Và ngay lúc đó, tất cả những diễn biến của sự kiện đau buồn ấy lại hiện về trong tâm trí Bob một cách sống động như thể mới xảy ra hôm qua.
Bất ngờ Bob la lên: “Mình hiểu ra rồi!” khi anh nhớ lại hành động dũng cảm của những hành khách trên chuyến bay 93 của hãng hàng không United Airlines. Họ chính là những dẫn chứng hoàn hảo cho “Tiêu chí của chuẩn mực”: họ đã làm điều đúng đắn, với lý do chính đáng khi quyết định phá hủy máy bay để cứu hàng ngàn sinh mạng khác; họ đã biết kết hợp với người phù hợp là những hành khách dũng cảm khác; đã thực hiện vào thời điểm thích hợp khi cho máy bay rơi cách xa khu vực đông dân cư. Dù trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc, họ cũng biết làm theo một trình tự hợp lý khi phối hợp cùng nhau vạch ra kế hoạch và lao vào hành động. Chỉ cần một thành viên trong nhóm tỏ vẻ chần chừ khi đưa ra quyết định và hành động, thì không ai có thể lường trước kết quả của buổi tối định mệnh đó. Những con người anh dũng này đã chấp nhận hy sinh bản thân để hành động vì một mục tiêu lớn lao.
Bob thật sự bắt đầu hiểu ra rằng việc xác định các ưu tiên rõ ràng và chắt lọc chúng thông qua “Tiêu chí về những việc làm đúng đắn” có thể giúp anh điều chỉnh bản thân, trở thành một con người biết làm việc đúng giờ và không trễ hạn mục tiêu. Nhưng anh không chắc rằng đây chỉ là xu hướng tạm thời trong giai đoạn đang thử thách này hay có thể thay đổi bản thân anh một cách triệt để.
Sau bữa tối, Bob vào phòng làm việc, lấy ra một tập giấy rồi đặt bút viết ngay những gì anh đang suy nghĩ:
KHÓ KHĂN:
• Công ty đang thua lỗ
• Các cổ đông đang yêu cầu thay đổi nhân sự
GIẢI PHÁP KHẢ THI:
• Giảm biên chế một số nhân viên
• Tăng doanh thu bằng cách tìm kiếm những thị trường mới với dịch vụ khách hàng và sản phẩm được cải tiến
• Sáp nhập với một đối thủ cạnh tranh
KẾT QUẢ CÓ THỂ XẢY RA:
• Giảm chi phí cho ngân sách của công ty
• Xoay chuyển tình thế kinh doanh một cách ngoạn mục nhờ mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm mới.
• Việc sáp nhập sẽ cứu công ty khỏi tình trạng phá sản.
• Mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm sút. Phải bán giảm giá sản phẩm. Lòng tin của khách hàng bị giảm sút.
• Công ty phá sản. Toàn bộ nhân viên bị thất nghiệp.
Sau khi viết xong, Bob đọc lại bảng danh sách: chỉ có hai vấn đề, nhưng lại có đến ba giải pháp khả thi và năm kết quả có thể xảy ra.
“Dường như có gì đó không ổn nhưng rồi mình sẽ tìm cách giải quyết ổn thỏa”, Bob tự nhủ.
Anh thấy mình cần xem lại những bài thực hành về hai chữ P mà Giám đốc Hiệu quả đã đưa cho anh. Anh nhanh chóng nhận ra được vấn đề.
Chữ P thứ nhất – xác định sự ưu tiên – sẽ giúp những người hay trì hoãn như anh giải quyết được sự CHẬM TRỄ. Chữ P thứ hai – tiêu chí của những chuẩn mực - sẽ giúp giải quyết được tình trạng LÀM VIỆC KÉM HIỆU QUẢ.
Bob bắt đầu phân tích từng dữ kiện, bắt đầu là những điều ưu tiên: “Tôi tin rằng công ty vẫn đang cung cấp sản phẩm có giá trị và dịch vụ chất lượng. Công ty cũng tạo điều kiện cho những người có năng lực phát huy tối đa tiềm lực bản thân. Vì vậy ưu tiên của mình sẽ là giúp công ty ổn định về tài chính để có thể tiếp tục cung cấp các sản phẩm, dịch vụ và công ăn việc làm”.
Tiếp theo, Bob chuyển sang tiêu chí của những việc làm đúng đắn. Đầu tiên là tiêu chí “Làm với lý do chính đáng”: “Mình cho rằng hành động thích hợp nhất trong tình huống này là giữ lại đội ngũ nhân viên đồng thời vẫn bảo vệ quyền lợi của khách hàng và cổ đông. Lý do chính đáng cho việc này là đảm bảo tài chính trong tương lai cho nhân viên và các nhà đầu tư”.
Đến tiêu chí “Làm việc đúng đắn với những người phù hợp”, Bob cho rằng: “Chắc chắn mình phải là một nhân viên có khả năng và phù hợp, vào lúc này hay lúc khác, nếu không thì mình đã không được cất nhắc vào vị trí quản lý. Vậy thì trong vai trò người quản lý, mình phải làm gì? Giải quyết vấn đề cắt giảm nhân viên thông qua hình thức nghỉ việc theo luật lao động quy định? Hoặc nên cho nhân viên nghỉ hưu sớm? Những quyết định này đều ảnh hưởng đến con người và cuộc sống của họ. Thật là một quyết định khó khăn!”.
Bob ghi chú vào giấy rồi lại tiếp tục với tiêu chí “Làm việc đúng đắn vào thời điểm thích hợp”: “Dường như một người quản lý tồn đọng công việc đến phút cuối thường trì hoãn bất kỳ quyết định nào cho tới khi quá muộn. Thế thì dù mình quyết định ra sao trong bất kỳ tình huống nào thì mình cũng phải thực hiện vào thời điểm phù hợp.
Có nên làm ngay lập tức không? Hay thỉnh thoảng cũng cần cầm cự với hy vọng tình huống sẽ biến chuyển?”.
Bob nghĩ có lẽ anh sẽ tìm ra câu trả lời ở tiêu chí “Làm việc đúng theo trình tự hợp lý”. Trình tự đúng có thể là chú trọng vào doanh số, cắt giảm lương và tiền thưởng của các nhà điều hành, chờ đợi một số nhân viên đến tuổi nghỉ hưu sẽ nghỉ việc và giải pháp cuối cùng là giảm biên chế nhân viên.
Bob tiếp tục đưa ra những giải pháp với hai tiêu chí còn lại là “Làm với tất cả sự nhiệt tâm” và “Làm với mong muốn đạt được những kết quả cao nhất”. Rồi anh nhập toàn bộ kế hoạch của mình vào máy tính và tự tin rằng đây là một kế hoạch được vạch ra rất chu đáo.
Sáng hôm sau, trên đường lái xe đến gặp Giám đốc Hiệu quả như đã hẹn, Bob có cảm giác hồi hộp không biết chữ P thứ ba là gì.