Hôm sau, Bob có mặt tại phòng Giám đốc Hiệu quả sớm hơn năm phút. Với tác phong mạnh mẽ và dứt khoát của mình, Giám đốc Hiệu quả đi thẳng vào công việc:
- Anh nghĩ gì về chữ P thứ hai?
- Tối hôm qua, tôi đã nhận ra rằng “sự đúng đắn” giúp chúng ta không chỉ xác định những việc ưu tiên, mà còn định hướng hành động để bảo đảm rằng những việc chúng ta làm là có giá trị cao. - Bob nói một cách tự tin.
- Anh nói đúng. Chính xác là như thế.
- Tôi nghĩ rằng phải mất một thời gian tập luyện, tôi mới có thể áp dụng bản “tiêu chí của chuẩn mực” này cho tất cả các ưu tiên của mình theo một nền tảng nhất quán.
- Ai cũng như thế cả. - Giám đốc Hiệu quả gật đầu xác nhận. - Nhưng tôi sẽ hướng dẫn anh cách thực hiện chúng nhanh chóng và hiệu quả hơn.
- Chúng ta bắt đầu được chưa? - Bob nôn nóng.
- Tôi đang thực hiện một chương trình chia sẻ những giá trị sống với toàn bộ nhân viên của Algalon. Hằng ngày, máy tính của tôi sẽ gởi vào địa chỉ email của mọi người một câu nói của người nổi tiếng hoặc một thành ngữ, tục ngữ được đúc kết từ sự trải nghiệm của người xưa. Tôi tin điều này dần dần sẽ góp phần làm thay đổi thái độ và hành vi của mọi người.
- Chị có thể cho tôi một ví dụ? - Bob hơi hoài nghi hỏi.
- Có chứ. Chắc anh đã nghe câu nói này rồi: “Gieo cây nào, gặt quả nấy”.
- Hoặc ngắn gọn hơn là “Gieo gì gặt nấy” đúng không chị? - Bob tiếp lời.
- Đúng đó. Tất nhiên, khi đọc câu này, ai cũng biết được rằng đây chỉ là một hình ảnh vay mượn, hoàn toàn không nói gì về quá trình gieo trồng mà đề cập chủ yếu đến những khía cạnh trong cuộc sống. Chẳng hạn như, nếu cha mẹ không quan tâm đến con cái khi chúng còn nhỏ, không hướng dẫn những điều hay lẽ phải của cuộc sống, không dành thời gian chia sẻ, định hướng suy nghĩ và ước mơ của chúng thì sau này họ không thể trông mong vào sự trưởng thành, chín chắn của con. Họ cũng không nên phiền trách khi thấy chúng không gắn bó gần gũi với cha mẹ. Thế nên chăm sóc con cái chính là một ưu tiên.
- Tôi hiểu. - Bob nói với tâm trạng vẫn còn cảm thấy mình có lỗi vì sự việc tối hôm trước.
- Chắc anh đã nghe câu “Đừng viện cớ bào chữa” rất nhiều lần?
- Vâng, thỉnh thoảng tôi vẫn sử dụng câu này đối với nhân viên của mình.
- Còn nữa, “Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn được đối xử”.
- Chúng đều là những câu quen thuộc. - Bob nhận xét.
- Tôi chỉ sử dụng những triết lý quen thuộc và dễ tiếp nhận với mọi người. Những triết lý đó không chỉ áp dụng trong cuộc sống mà còn trong cả môi trường kinh doanh của chúng ta. Tôi sẽ lấy một ví dụ để anh hiểu rõ thêm. Khi anh trễ hẹn với khách hàng, trừ những trường hợp bất khả kháng, còn lại anh không thể nói rằng do công ty thiếu nhân lực, do nguồn cung cấp hàng không đủ, do thiết bị bị hỏng hóc,… để giải thích cho sự chậm trễ này. Khách hàng không cần điều đó, họ chỉ muốn biết anh sẽ giải quyết vấn đề này ra sao. Anh cần phải đưa ra phương án chứ không phải tìm cách biện minh.
- Vâng, tôi hiểu! - Bob bối rối nói.
- Còn câu nói “Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn được đối xử” chính là kim chỉ nam cho cách thức kinh doanh của chúng ta trong hiện tại cũng như trong tương lai.
Bob gật đầu để xác nhận sự lắng nghe của mình, Giám đốc Hiệu quả tiếp tục bằng giọng rất hào hứng:
- Mục tiêu lâu dài của công ty là bảo đảm rằng mọi người đều phải tiến xa hơn – dù cho đó là nhân viên hay nhà quản lý và điều hành cấp cao; dù cho đó là khách hàng, là nhà cung ứng, hay là đối thủ cạnh tranh của chúng ta. Khi tất cả cùng phát triển, chúng ta càng có nhiều cơ hội để thể hiện khả năng và chất lượng kinh doanh của mình.
- Đó là một mục tiêu rất ấn tượng! Nhưng tôi muốn hỏi về tiêu chí thực hiện đầu tiên: “Làm với lý do chính đáng”. Làm cách nào để phân biệt được việc làm “chính đáng” và “không chính đáng” vì ranh giới của chúng không phải lúc nào cũng rõ ràng. - Bob thẳng thắn.
- Vậy theo anh, chúng ta nên làm thế nào? Giám đốc Hiệu quả đặt ngược câu hỏi lại cho Bob.
- Tôi nghĩ là dựa vào bản năng. - Bob trả lời.
- Trong một số trường hợp đặc biệt, bản năng có thể đem lại hiệu quả, nhưng thông thường, chúng ta nên áp dụng phương pháp Đánh giá Đạo đức, gồm ba câu hỏi:
1. Việc ấy có hợp pháp không? Tôi có vi phạm luật dân sự hay quy định của công ty?
2. Việc ấy có công bằng không? Có công bằng cho tất cả những người có liên quan trước mắt cũng như về lâu dài không? Nó có đem lại mối quan hệ đôi bên cùng có lợi không?
3. Việc ấy khiến tôi cảm thấy như thế nào về bản thân? Nó có làm tôi tự hào không? Tôi có cảm thấy ổn nếu gia đình và bạn bè biết việc đó?
Câu hỏi thứ nhất là về tính pháp lý, câu thứ hai là về sự công bằng và câu thứ ba liên quan đến cảm nhận bản thân. Hầu hết mọi người chỉ hỏi câu hỏi mang tính pháp lý. Tuy vậy, có những sự việc hợp pháp nhưng lại không được mọi người ủng hộ.
- Chị có thể cho tôi một ví dụ không?
- Ví dụ rõ nhất là trong lĩnh vực kế toán. Nếu theo luật kế toán thì mọi con số, dữ liệu cần phải công khai, nhưng điều này đôi khi lại ảnh hưởng đến tính bí mật của chiến lược kinh doanh và kế hoạch phát triển của công ty.
Bob ngẫm nghĩ lời nói của Giám đốc Hiệu quả một lúc rồi nói:
- Đúng vậy, sự việc dù hợp pháp nhưng chưa chắc đúng đắn.
- Còn một nguyên tắc nữa: Khi làm với lý do chính đáng thì cần phải chấp nhận mọi khả năng có thể xảy ra. - Giám đốc Hiệu quả nói chậm rãi.
- Tại sao lại phải như thế? Tôi nghĩ rằng nếu đã có lý do chính đáng thì kết quả cũng sẽ phải nằm trong khả năng dự đoán chứ? - Bob không khỏi thắc mắc.
- Vì không phải lúc nào sự chính đáng của người này cũng là sự chính đáng của người khác, do đó không thể nói rằng sự chính đáng là nhất quán cho tất cả mọi người. Lấy ví dụ về con người vĩ đại Martin Luther King. Cả cuộc đời ông ấy đã đấu tranh cho quyền công dân. Nhưng ông ấy làm điều đó để được nổi danh? Để được giàu có? Hay để giúp đỡ hàng triệu người dân có được sự bình đẳng?
- Bình đẳng! - Bob trả lời ngắn gọn.
- Đúng vậy. Chính những nỗ lực xóa bỏ ranh giới chủng tộc và màu da mà ông theo đuổi đã làm ông trở thành một con người vĩ đại. Và đó là một kết quả không hề nằm trong mục tiêu hoạt động ban đầu của ông.
- Thế nhưng ông ấy lại chết vì viên đạn của một kẻ ám sát. - Bob bổ sung.
- Đó cũng là một kết quả ngoài mong đợi.
Nhưng Martin Luther sẵn sàng hy sinh vì chính nghĩa. Để làm việc đúng vì những lý do chính đáng, đôi khi bạn cần phải dũng cảm bước ra khỏi ranh giới của sự an toàn cá nhân. Những nhà quản lý còn tồn đọng công việc đến phút cuối thường làm mọi thứ có thể để bảo đảm an toàn cho riêng bản thân họ, còn những nhà lãnh đạo thật sự sẽ làm những gì cần thiết và trong mọi khả năng có thể để giữ sự an toàn cho tất cả mọi người có liên quan.
- Vâng, tôi đã hiểu được vấn đề. Còn tiêu chí thứ hai, “Làm việc đúng đắn với những người phù hợp” thì sẽ như thế nào?
- Khi làm việc với người khác, có hai mức độ tương tác, đó là hình thức và thực chất. Hình thức là các loại công việc và cách thức thực hiện công việc ấy. Thực chất thể hiện ở một mức độ sâu hơn: “từ trái tim đến trái tim” và “từ giá trị đến giá trị”. Theo anh thì điều gì quan trọng hơn? Hình thức hay thực chất?
Bị hỏi bất ngờ, Bob tỏ ra lúng túng. Thấy vậy, Giám đốc Hiệu quả phân tích:
- Thực chất luôn quan trọng hơn hình thức.
Chúng ta cần phải hiểu rõ đối tượng tương tác của chúng ta trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Nếu người cộng tác không thể chia sẻ các giá trị của bạn thì trước sau gì cũng sẽ nảy sinh những mâu thuẫn và xích mích. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh, chữ tín luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu hôm nay tôi chia sẻ một bí mật cho ai đó nghe thì tôi không muốn toàn công ty biết đến nó vào ngày hôm sau.
- Nhưng không dễ tìm kiếm những giá trị tương đồng trong một môi trường phức tạp như ngày nay.
- Đó là một thực tế không mấy dễ chịu mà bất cứ ai cũng phải học cách chấp nhận. Ngay cả những nhà quản lý giỏi nhất không hẳn lúc nào cũng có thể nhận ra ai là phù hợp. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tránh được những sai lầm hiển nhiên nhất. Chúng ta sẽ không đến thợ sửa ô tô để chẩn đoán các vấn đề về sức khỏe, và cũng không yêu cầu các bác sĩ điều chỉnh động cơ cho xe của chúng ta.
Bob bật cười trước ví dụ ngộ nghĩnh của Giám đốc Hiệu quả.
- Tiếp theo là “Làm việc đúng đắn vào thời điểm thích hợp”. Tất cả lại bắt đầu từ việc xác định mức độ ưu tiên. Khi đang trong giai đoạn ký kết hợp đồng, anh cần phải gặp khách hàng.
Khi có mối quan ngại về sức khỏe, anh buộc phải gặp bác sĩ. Vì không thể làm mọi việc cùng lúc nên chúng ta phải xác định mức độ ưu tiên, và để từng công việc đạt hiệu quả cao nhất thì chúng ta cần làm mỗi việc vào đúng thời điểm. Do đó, việc nhận biết “thời điểm thích hợp” là rất quan trọng. Nếu tôi muốn xây dựng một gia đình riêng thì tôi nên nghĩ về điều đó khi nào? Khi tôi ba mươi tuổi? Hay khi tôi bảy mươi tuổi?
- Tất nhiên là khi ba mươi tuổi.
- Và nếu công ty chúng ta muốn duy trì sự thành công thì tất cả các nhà quản lý phải chủ động ý thức về việc sử dụng thời gian. Một số trường hợp đòi hỏi chúng ta không chỉ đúng giờ mà còn phải sớm hơn đôi chút. Một nhà quản lý còn tồn đọng công việc đến phút cuối có thể đáp ứng đúng thời hạn, nhưng một người quản lý hiệu quả không chỉ hoàn thành trước thời hạn mà còn bảo đảm kết quả đạt được là chuẩn mực, là hoàn hảo và tránh những sơ suất không đáng có.
- Có phải ý chị muốn nói rằng một chút thời gian trước thời hạn sẽ giúp ta làm “nhiều hơn, tốt hơn, nhanh hơn, khác biệt hơn” và ít có khả năng mắc lỗi hơn?
- Anh đã hiểu đúng rồi đấy, Bob ạ! Những nhân viên hiệu quả nhất cần phải hiểu rằng một vài sự việc cần được thực hiện trước những sự việc khác, theo tiêu chí “Làm việc đúng theo trình tự hợp lý”.
- Cũng có nghĩa là điều quan trọng nhất phải được giải quyết trước cả những điều quan trọng khác? - Bob nhận xét.
- Chính xác! - Giám đốc Hiệu quả tiếp lời. Một người thợ xây không thể lợp được mái nhà nếu các bức tường chưa được xây lên, các bức tường cũng không thể mọc lên nếu chưa được đổ móng. Rồi muốn đổ móng thì cần phải san đất.
Rồi trước khi san đất, phải có kỹ sư đến đo đạc công trình và kiến trúc sư vẽ bản vẽ, v.v. Tất cả tạo thành một chuỗi thứ tự công việc liền mạch và có tầm quan trọng tương đương.
- Tôi cũng đã thấy quy trình đó vào dịp gia đình tôi xây nhà cách đây vài năm. - Bob góp lời.
- Ai cũng phải công nhận rằng không thể xây nhà mà thiếu bản thiết kế, cũng như không thể thành lập công ty khi chưa có kế hoạch kinh doanh. Có những trình tự buộc chúng ta phải tuân thủ nghiêm ngặt, không thể đảo ngược hay trì hoãn được. Ở Algalon, kế hoạch kinh doanh thể hiện qua bản “Tôn chỉ hoạt động” – mục tiêu và tầm nhìn tương lai của công ty. Tôi tin rằng những nhà quản lý hiệu quả luôn xem bản “Tôn chỉ hoạt động” làm kim chỉ nam cho hành động của mình.
- Tôi rất tiếc khi phải nói rằng cái gọi là “tầm nhìn” ấy vẫn chưa giúp gì nhiều cho tôi. - Bob thú nhận.
- Cụ thể anh muốn nói gì? - Giám đốc Hiệu quả ngạc nhiên hỏi.
- Thật ra, tôi thấy bản “Tôn chỉ hoạt động” của chúng ta dài dòng và không cô đọng, thậm chí rất chung chung, chẳng hạn như: “Nhiệm vụ của chúng ta là trở thành nhà cung ứng hàng đầu cho thị trường bằng cách cung cấp kịp thời các sản phẩm cải tiến về kỹ thuật và những dịch vụ cá nhân hoàn hảo cho khách hàng”.
Giám đốc Hiệu quả hỏi lại:
- Có phải anh đang muốn nói “tôn chỉ hoạt động” hay “tầm nhìn” phải càng đơn giản càng tốt?
- Vâng, đúng như vậy!
- Thật sự, tôi không nghĩ rằng anh sẽ đặt câu hỏi này sớm như thế. Đúng là bản tôn chỉ của Algalon còn sử dụng những ngôn từ hoa mỹ, dài dòng; thiếu sự dứt khoát, rõ ràng và ngắn gọn mà một bản tôn chỉ cần phải có. Chúng tôi đang tiến hành điều chỉnh lại bản tôn chỉ này, sao cho bất cứ ai - dù là cấp quản lý hay nhân viên - cũng đều hình dung được tương lai của công ty với những giá trị cụ thể.
- Tương lai với những giá trị cụ thể ư?
- Chắc anh cũng nhận thấy rằng khi tầm nhìn không rõ ràng thì kết quả cũng sẽ mờ nhạt theo.
Mọi người có xu hướng chần chừ khi họ không có một hình ảnh rõ ràng về việc họ là ai, đang ở vị trí nào và muốn đi đâu. Xét cho cùng, nếu không biết mình đang đi đâu thì chúng ta sẽ không định hướng được hành động tiếp theo của mình.
- Tôi hiểu vấn đề rồ i! Sẽ chẳng có ai lại hành động khi không rõ kết quả cả. Trong những trường hợp như thế, tôi thà không làm việc gì còn hơn!
- Đúng như thế! - Giám đốc Hiệu quả tỏ ý hài lòng. - Trong công việc, ưu tiên hàng đầu là hoàn thành các nhiệm vụ hướng đến mục tiêu của công ty. Vì thời gian trong một ngày chỉ có giới hạn nên những việc nào không đóng góp gì cho tầm nhìn này, trong đó có cả việc đọc tạp chí mà tôi và anh đã nói đến, sẽ phải bị loại ra khỏi chương trình.
- Tôi hy vọng Algalon sẽ sớm có được bản tôn chỉ, tầm nhìn hoạt động xứng với tầm vóc của công ty chúng ta. - Bob chân thành bày tỏ.
- Chắc chắn rồi! Tất cả mọi nhân viên sẽ được cùng tham gia vào việc này. Một tầm nhìn thuyết phục sẽ phụ thuộc vào nền tảng, thành tựu trong quá khứ nhưng vẫn chú trọng vào xu hướng tương lai. Vì vậy mục đích của mọi việc mà chúng ta làm trong hiện tại sẽ được thiết kế lại để dẫn dắt chúng ta vào tương lai. Tôi muốn toàn bộ nhân viên của Algalon đều nhận ra những đóng góp của mình, biết được mình sẽ làm gì để công ty phát triển hơn và mình sẽ được hưởng lợi những gì từ sự thành công của công ty.
- Vâng, tôi đã hiểu. Giờ đây, tôi đang rất háo hức muốn học hỏi thêm về những điểm đáng chú ý khác trong bản “Tiêu chí về những chuẩn mực”.
Giám đốc Hiệu quả mỉm cười:
- Tôi thích sự nhiệt tình của anh đối với chương trình thử thách này.
- Tôi phải nhiệt tình chứ. Vì điều này liên quan đến công việc của tôi mà!
- Chính xác hơn là liên quan đến tiêu chí tiếp theo: “Làm với tất cả sự nhiệt tâm”.
- Với tiêu chí này, tôi đoán chị sẽ nói rằng chúng ta phải để cả trái tim vào những việc mình làm. - Bob hào hứng nói.
- Đúng thế! Nhiệt tâm vừa là sự nhiệt tình, vừa là đam mê, vừa là kỹ năng, và vừa là sự thành tâm không chút do dự. Anh biết đấy, những ngôi sao thực thụ trong lĩnh vực thể thao không chỉ nổi tiếng bởi tài năng, cá tính mà còn bởi phong độ ổn định. Họ không dễ dàng đầu hàng chỉ vì thất bại trong một trận đấu, hay sa sút phong độ khi phải nghỉ thi đấu một thời gian vì chấn thương. Trong mọi trường hợp, họ luôn dùng ý chí để chiến đấu với bản thân mình.
Khi nghe Giám đốc Hiệu quả nói, Bob liên tưởng đến Lance Armstrong, vận động viên đua xe đạp huyền thoại người Mỹ mà anh rất ngưỡng mộ. Armstrong đã chiến đấu và chiến thắng căn bệnh ung thư để trở lại đường đua và tiếp tục xác lập nhiều kỷ lục trong giải đấu Tour de France nổi tiếng thế giới. Bob nhận xét:
- Vậy là khi sự việc trở nên càng khó khăn thì chúng ta càng phải biết nỗ lực.
- Đó là một câu nói mà tất cả mọi người đều biết nhưng không phải ai cũng có thể vận dụng được. Bản thân tôi tin rằng sự nhiệt tâm luôn ẩn chứa bên trong một sức mạnh, vì thế khi sự việc trở nên khó khăn thì sức mạnh đó sẽ tạo động lực giúp chúng ta sớm vượt qua mọi trở ngại.
- Thật sự tôi chưa bao giờ nhìn nhận sự việc ở góc độ này. - Bob thú nhận.
- Tôi cho rằng hoàn cảnh không tạo nên con người mà chính con người mới tạo nên hoàn cảnh. Một môi trường làm việc tốt không phải lúc nào cũng tạo ra những nhà quản lý giỏi mà ngược lại, chính những nhà quản lý đúng giờ, đúng mục tiêu, làm việc hiệu quả mới tạo nên môi trường làm việc tốt.
- Để làm được điều đó, thì một người quản lý, như tôi chẳng hạn, cần phải làm như thế nào?
- Tôi sẽ gợi ý cho anh bốn điểm chính:
• Luôn là tấm gương mẫu mực cho nhân viên học hỏi,
• Tìm cách đáp ứng những mong muốn, nhu cầu của người khác.
• Biết đòi hỏi những gì mình cần từ người khác.
• Biết công nhận và đánh giá cao những đóng góp của người khác.
- Xin chị giải thích thêm đôi chút!
- Anh có thích xem bóng đá không?
- Vâng, đó là niềm đam mê của tôi!
- Anh thấy đó, chiến thắng trong một trận bóng đá chắc chắn không phải là công sức của riêng một cầu thủ ghi bàn mà là nỗ lực của một tập thể đoàn kết. Các cầu thủ đều xem chiến thắng là mục tiêu cao nhất, nhưng họ cũng xem mỗi lối chơi là một phần của chiến thắng. Nếu lối chơi của một cầu thủ có thể đưa trái bóng đi xa hơn một vài mét tại khu vực tấn công nhằm tạo nên một cú ghi bàn trực tiếp – một bàn thắng – thì lối chơi ấy sẽ góp công vào chiến thắng.
Nhưng nếu không có bàn thắng nào được ghi, hoặc bị đối phương chặn được – hoặc tệ hơn là một quả phạt đền…
- Thì sẽ không có đóng góp nào để tạo nên bàn thắng. - Bob tiếp lời.
Giám đốc Hiệu quả gật đầu đồng ý:
- Sau đó, khi tiếp tục phát huy lối chơi tích cực của mình, cầu thủ đó sẽ tạo nhiều cơ hội ghi bàn khác. Họ không bao giờ để mất đi nhiệt tâm và với lối chơi xông xáo của mình, họ cũng đã tạo cảm hứng cho các đồng đội nỗ lực hết sức mình.
Bob hào hứng:
- Giờ thì tôi đã hiểu! Những nhà quản lý tồn đọng công việc đến phút cuối quá chú trọng vào thời điểm trước mắt đến nỗi họ không nhìn thấy bức tranh tổng thể. Những thất bại nhỏ làm hao mòn dần nhiệt tâm nên họ không thể phát huy hết năng lực của mình. Những nhà quản lý hiệu quả như những cầu thủ xông xáo chỉ chú tâm vào cách tiến hành trận đấu, quyết tâm đưa đội bóng tiến đến mục tiêu cao nhất, đó là chiến thắng.
- Anh hiểu vấn đề rồi đấy, và tôi để ý thấy rằng anh đã nói “những cầu thủ” chứ không phải chỉ là “một cầu thủ”. Rõ ràng là anh nhận ra rằng không một cầu thủ nào có thể tự mình giành chiến thắng dù có tài giỏi đến đâu chăng nữa. Và ngược lại, cũng không có đội bóng nào có thể chiến thắng nếu thiếu đi một hạt nhân xuất sắc.
- Vậy là sự nhiệt tâm phải là một phần của tầm nhìn chung. - Bob nhận xét. Giám đốc Hiệu quả hài lòng khi nghe câu nói ấy:
- Chính xác! Tôi nghĩ anh đã sẵn sàng xem xét tiêu chí cuối cùng: “Làm với mong muốn đạt được những kết quả cao nhất”. Anh có thường xuyên gặp khó khăn khi phải quyết định một việc gì đó?
- Thật sự thì… - Bob cảm thấy rất lúng túng trước câu hỏi này.
- Hầu hết mọi nhà quản lý đều phải cân nhắc rất nhiều khi phải đưa ra những quyết định lớn, nhất là những quyết định liên quan đến con người. Một trong những tình thế khó xử nhất là khi công ty cần phải giảm biên chế do hoạt động kinh doanh khó khăn. Xét cho cùng, không nhà quản lý nào lại muốn đẩy nhân viên của mình vào tình cảnh mất việc.
- Đúng vậy! Đó quả là một quyết định không hề dễ dàng. - Bob đồng ý.
- Tuy nhiên, đây là một thực tế. Giả sử công ty đang thua lỗ và đứng trên bờ vực phá sản thì anh có quyết định cho nghỉ việc một số người, hay anh vẫn tiếp tục duy trì lực lượng như cũ với lòng tin rồi tình thế sẽ chuyển hướng?
Bob ngẫm nghĩ câu hỏi một lúc rồi cuối cùng kết luận:
- Như tôi đã nói, đó là một quyết định khó khăn.
- Được rồi, hãy cho là tình hình tệ hại hơn nữa. Trong khi chúng ta tin rằng vẫn có thể hồi phục công ty mà không cần phải cắt giảm nhân sự, thì có một nhóm cổ đông lại không nghĩ thế.
Họ gặp nhau tại đại hội cổ đông và yêu cầu chúng ta phải đưa ra những quyết định mạnh mẽ hơn để ổn định công ty, đồng nghĩa với ổn định cổ phiếu mà họ đã đầu tư. Trong trường hợp này, anh sẽ phản ứng ra sao?
- Tôi sẽ đứng về phía nhân viên của mình bởi công việc của nhân viên quan trọng hơn mối quan ngại của các cổ đông.
- Suy nghĩ của anh rất tích cực. - Giám đốc Hiệu quả thừa nhận. - Nhưng nếu một trong các cổ đông là bố mẹ anh, những người trông đợi vào vụ đầu tư cổ phiếu của công ty để sinh sống trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, thì anh có thay đổi quyết định của mình không?
- Tôi thật sự thấy bối rối! - Bob thừa nhận.
- Tất cả đều có liên quan với nhau. Để giải quyết vấn đề đó, anh phải liên kết tất cả các “điều đúng đắn” thành một quyết định hợp thời điểm, đúng mục tiêu. Một nhà quản lý tồn đọng công việc đến phút cuối thường bị nỗi sợ hãi làm nhụt chí. Thường thì đó là nỗi sợ đưa ra một quyết định sai lầm. Vì thế, họ sẽ chần chừ, tránh đưa ra bất kỳ quyết định nào. Lúc này, sự trì hoãn đã trở thành một kẻ phá hoại, gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng như nhân viên bất mãn vì thiếu việc làm, công ty bị mất niềm tin nơi khách hàng và cổ đông, giá trị cổ phiếu của công ty trên thị trường ngày càng sụt giảm, và bố mẹ anh có khả năng mất số tiền đã đầu tư vào cổ phiếu. Một vòng quay liên tục.
- Quả là tất cả mọi sự việc đều nối kết với nhau!
- Chắc chắn là như thế. - Giám đốc Hiệu quả nói. - Nhiệm vụ tiếp theo của anh cho ngày mai là suy nghĩ xem anh sẽ làm gì trong tình huống phức tạp này. Đầu tiên, anh hãy xác định các ưu tiên của mình, sau đó xem lại bản “Tiêu chí về những chuẩn mực”. Tôi tin chắc anh sẽ phác thảo được một kế hoạch xuất sắc.
Nói xong Giám đốc Hiệu quả đứng dậy tiễn Bob ra cửa.
- Còn chữ P thứ ba? - Bob nói khi vừa bước ra cửa. - Tôi muốn biết về chữ P tiếp theo. Liệu đó có phải là phương tiện có thể giúp tôi quyết định không?
- Có thể, nhưng không phải ngay bây giờ. Tôi sẽ cho anh biết chữ P thứ ba khi nghe câu trả lời của anh vào sáng ngày mai.
- Lại là một thách thức của Giám đốc Hiệu quả đây. - Bob thầm nghĩ và ra về với tâm trạng tương đối thoải mái vì anh đã học hỏi được rất nhiều điều trong lần nói chuyện này. “Nhưng phải chi Giám đốc Hiệu quả cho mình biết luôn về chữ P thứ ba thì tốt biết mấy”, Bob lại tự nhủ với chính mình.