L
ần đầu tiên sau một khoảng thời gian rất dài, tôi mới có thể lại mỉm cười khi nhìn vào bức ảnh của vợ và các con đặt trên bàn làm việc. Giờ đây, tôi mong mình có nhiều thời gian hơn để được ở bên họ.
Cách đây ba năm, tôi được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc. Thoạt đầu, mọi chuyện diễn ra rất thuận lợi. Sự nhiệt tình, say mê của tôi đối với công việc đã xua tan mọi lo âu của cấp trên – những người đã đề cử tôi, cũng như trở thành điểm tựa cho các nhân viên dưới quyền. Hiệu quả kinh doanh cũng như tinh thần làm việc tăng lên thấy rõ – những điều mà trước khi tôi nhậm chức luôn bị nhắc đến trong các cuộc họp.
Tuy nhiên, sau những tín hiệu đầu tiên tốt đẹp ấy, doanh số của công ty bắt đầu từ từ tuột xuống, ban đầu chầm chậm và sau đó nhanh chóng hơn. Thành tích giảm sút đã bắt đầu ảnh hưởng, và, như một hệ quả tất yếu, tinh thần làm việc cũng dần dần xuống thấp. Và, bất kể tôi có chăm chỉ tăng ca, làm thêm giờ, bất kể tôi cố gắng đến đâu đi nữa, thì tôi cũng không thể kìm hãm được sự tuột dốc đáng sợ đó. Tôi như mất phương hướng và thất vọng về chính bản thân mình. Cứ như thể rằng, hễ tôi càng làm việc cố gắng hơn, thì mọi việc lại càng trở nên tồi tệ hơn.
Tôi đã làm việc như điên, ngày nào cũng làm thêm đến tối mịt, tăng ca vào cả thứ Bảy, và thậm chí là Chủ nhật. Nhưng tôi vẫn không sao đưa công ty mình trở về với phong độ cũ được. Áp lực đè nặng lên tôi từng giây từng phút, và tâm trạng đó thật kinh khủng. Có những lúc tôi sợ. Tôi sợ đến một lúc nào đó mình sẽ phát điên vì phải quay cuồng trong những suy nghĩ không lối thoát đó.
Và tôi cũng nhận ra rằng tất cả những điều đó dần dần ảnh hưởng đến trật tự cuộc sống riêng của tôi. Tôi bắt đầu hiếm khi có mặt ở nhà và để mặc cho Sarah, vợ tôi, tự mình cáng đáng gần như tất cả mọi chuyện. Khi về tới nhà, tôi gần như kiệt sức, trong đầu lúc nào cũng quẩn quanh toàn những chuyện liên quan đến công việc. Có khi tôi còn về nhà vào lúc nửa đêm, chỉ kịp thay vội quần áo và lên giường ngủ.
Các con của tôi dần trở nên xa cách với bố, bởi tôi hầu như chẳng còn thời gian để chơi đùa hay chuyện trò với chúng nữa. Nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Nói cho cùng thì tôi cũng vẫn là người có trách nhiệm. Tôi phải làm sao cho công việc đạt kế hoạch đã đề ra và công ty ngày một phát triển. Tôi là giám đốc!
Sếp tôi, Alice Kelly, dù vẫn chưa có bất cứ lời phàn nàn hay phê bình nào đối với tôi, nhưng trong thái độ và cách làm việc của bà đã bắt đầu có chút khác biệt. Bà thường xuyên yêu cầu tôi gửi báo cáo về tình hình hoạt động của công ty. Rõ ràng là bà đã bắt đầu giám sát chặt chẽ hơn trong mọi việc.
Có vẻ như Alice đánh giá cao việc tôi đã không gõ cửa phòng bà để mong được bà cầm tay chỉ việc. Nhưng tôi biết bà cũng đang rất quan tâm đến tình hình hoạt động của công ty. Tôi cũng biết rằng mình không thể để cho tình trạng này kéo dài thêm nữa, nên đã quyết định xin bà một cuộc hẹn.
Trong buổi nói chuyện, tôi thú nhận với Alice rằng trong thời gian gần đây, mọi chuyện đang không được tốt lắm nhưng tôi vẫn chưa thể tìm ra cách nào để cải thiện tình hình. Tôi còn nhớ mình đã nói với bà rằng áp lực công việc khiến tôi cảm thấy như mình đang phải làm thêm việc của hai người khác nữa và câu trả lời của bà khiến tôi không thể nào quên được:
- Cho tôi biết hai người đó là những ai? Tôi sẽ cân nhắc xem cần phải sa thải người nào trong hai người đó – bởi chúng ta không nên trả lương cho nhân lực thừa.
Rồi bà hỏi tại sao tôi lại không chuyển giao bớt công việc cho những người thuộc cấp. Câu trả lời của tôi là nhân viên của tôi chưa đủ khả năng để đảm nhận phần trách nhiệm ấy. Và một lần nữa, bà đáp lại câu nói của tôi theo một cách mà tôi không thể nào quên được:
- Vậy thì kể từ bây giờ, công việc của cậu là khiến cho họ phải đủ khả năng. Tình hình này thật sự khiến tôi rất khó chịu, và như Benjamin Franklin đã nói:
Thật là khó khi phải làm việc dưới một người sếp lúc nào cũng căng thẳng, khó chịu, đặc biệt khi bạn chính là nguyên nhân của sự khó chịu, căng thẳng đó.