Cuốn sách này tập hợp 45 bài báo đã được đăng trên các phương tiện truyền thông điện tử và truyền thống trong khoảng thời gian sáu năm, từ 2016 đến 2022. Tôi viết những bài báo này nhằm đề cập đến các sự kiện quan trọng trong bảo tồn di sản và phát triển đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội. Vì mang tính thời sự, nên chủ đề của các bài viết có thể rời rạc. Tuy nhiên, bằng cách tập hợp chúng lại thành chương, mỗi chương được sắp xếp theo nội dung thay vì theo trình tự thời gian, tôi đã cố gắng chỉ ra đề tài xuyên suốt của những bài viết này, với hy vọng giúp người đọc hiểu hơn về quan điểm của tôi và có thể suy ngẫm về chúng.
Tôi bắt đầu tham gia mạng xã hội để quảng bá cho cuốn sách Hanoi Promenade (Hà Nội, một chốn rong chơi) xuất bản năm 2014, đồng thời nỗ lực hành động nhằm nâng cao nhận thức về di sản đô thị. Hai năm sau đó, với sự khích lệ và ủng hộ của Đoàn Thị Thùy Hương (bút danh: Thiên Điểu), phóng viên báo Tuổi Trẻ, tôi dấn thân vào truyền thông truyền thống của Việt Nam. Tôi thực sự biết ơn những chỉ dẫn của cô ấy về cách thức gửi gắm thông điệp và thái độ, khiến cho nhiều bài báo trở nên rõ ràng và có sức ảnh hưởng hơn rất nhiều.
Việc lựa chọn chủ đề cho các bài báo có sự đóng góp to lớn từ bạn bè Việt Nam, những người đã thông báo cho tôi biết về các di sản có nguy cơ bị phá hủy, hoặc các cuộc thảo luận về phát triển đô thị đang diễn ra. Tôi cảm thấy vinh dự khi họ tìm đến tôi với niềm tin là những bài viết của tôi sẽ tạo ra sự khác biệt. Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến những người bạn đã thông báo và giúp tôi chú ý đến nhà thờ cổ Bùi Chu hai tuần trước thời điểm dự kiến phá dỡ.
Tôi vô cùng biết ơn các nhà báo Việt Nam đã giúp phổ biến quan điểm của tôi. Nguyễn Hồng Phúc và Lưu Hà đã đăng nhiều bài tôi viết vào chuyên mục “Góc Nhìn” đầy uy tín của họ trên trang web VNExpress. Và Đoàn Thị Thùy Hương là người thúc đẩy việc đăng tải nhiều bài báo khác trên Tuổi Trẻ. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến Nguyễn Duy Thông (Tạp chí Người Đô Thị), Lê Bích Vương (Tạp chí Kiến Trúc) và Vũ Thúy Vi (trang VNExpress International).
Một bài viết trong cuốn sách này đã được in trong tuyển tập tuyệt đẹp của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội. Tôi cảm ơn Trần Thị Thanh Thủy đã mời tôi tham gia, và cũng cảm ơn nhóm của cô ấy đã có những đóng góp to lớn trong việc nâng cao nhận thức về di sản ở Việt Nam.
Các bài viết trong cuốn sách này cũng đã được đăng hoặc biên tập lại trên các báo Phụ Nữ TP. HCM, Tiền Phong, Việt Nam Mới, Tin Việt Nam, Thời báo Kinh tế Sài Gòn và tạp chí Di sản Việt Nam, các trang web Ashui.com, Doanh Nhân và Redsvn.net, cũng như các trang web của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và TP. HCM. Các báo Lao Động, Nhân Dân, Thể Thao & Văn Hóa và cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã đăng các bài viết của tôi. Tôi biết ơn Đoàn Thị Thùy Hương và Nguyễn Duy Thông đã giúp tôi kết nối với các kênh truyền thông này.
Hai trong số các bài báo này không phải do tôi viết. Giang Công Thế (bút danh: Hiệu Minh) đã phỏng vấn tôi ở Washington và công bố những suy ngẫm thiện chí của anh ấy về cuộc trò chuyện giữa chúng tôi trên tạp chí Người Đô Thị. Và Hoa Chanh đã viết cho Thể Thao & Văn Hóa một bài báo sinh động, được dùng làm lời tựa cho cuốn sách này. Tôi thấy ngượng trước những lời khen ngợi quá mức của cô ấy, nhưng chúng cũng khiến tôi vô cùng xúc động.
Điều quan trọng không kém so với các bài báo là những chiến dịch cộng đồng mà chúng hỗ trợ. Xin cảm ơn Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhóm Friends of Vietnam Heritage (Những người bạn của di sản Việt Nam), nhóm Urban Sketchers Ha Noi (Ký họa đô thị Hà Nội), và nhiều tổ chức khác đã tích cực hưởng ứng một số chiến dịch bảo tồn được đề cập trong cuốn sách.
Bởi tính chất nhạy cảm, thách thức lớn nhất trong các chiến dịch bảo tồn di sản chính là chiến dịch liên quan đến nhà thờ cổ Bùi Chu. Mặc dù không thể tránh khỏi kết cục bị phá dỡ, tôi vẫn vô cùng biết ơn Đoàn Thị Thu Hương và Trần Thị Lan Hương đã không ngừng nỗ lực mang sự việc đến với công chúng Việt Nam và tiếp cận các lãnh đạo cấp cao của đất nước.
Trên tinh thần tương trợ ấy, những hình ảnh minh họa làm duyên cho cuốn sách này là của Đặng Viết Lộc, một thành viên tài năng của nhóm Urban Sketchers Ha Noi (Ký hoạ đô thị Hà Nội). Nhờ anh ấy, với cách diễn đạt nằm ngoài khả năng của ngôn từ, người đọc có thể cảm nhận được vẻ đẹp và ý nghĩa của những di sản đang bị đe dọa.
Tôi cũng cảm ơn Nguyễn Băng Ngọc, một nhà thơ mà tôi đã lựa chọn để dịch các bài báo gốc của mình. Vài bài trong số này chỉ từng được xuất bản bằng tiếng Anh. Hầu hết những bài viết còn lại được rút gọn và biên tập để phù hợp với nhu cầu báo chí. Nhưng với ngôn từ của mình, cô ấy đã giúp khôi phục phong cách lắng đọng và giàu cảm xúc của bản gốc. Đặng Thị Thu Hương và Tạ Phương Dung cũng đã khéo léo góp phần hoàn thiện bản tiếng Việt của cuốn sách.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tôi muốn cảm ơn anh Đỗ Kim Cơ, chủ sở hữu đồng thời cũng là Giám đốc của Tri Thức Trẻ Books, vì sự hỗ trợ hào phóng của anh ấy. Lớn lên trong một gia đình từng hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, tôi có thể nhận ra ngay ở anh tình yêu dành cho các ý tưởng, sự tâm huyết với các ấn phẩm và sự chú tâm đến từng chi tiết đặc trưng của những người thực sự yêu sách. Thái độ tuyệt vời đó khiến chặng cuối trong quá trình sản xuất cuốn sách này đem lại cảm giác như được trở về nhà.
Xin gửi đến tất cả lời cảm ơn chân thành nhất!