Vẻ đẹp duyên dáng của Hà Nội có sự đóng góp không nhỏ của hơn một nghìn biệt thự kiểu Pháp. Một số ít đã được cải tạo có tính thẩm mỹ, trong khi các biệt thự khác có dấu hiệu bị bỏ quên hàng thập kỷ. Có những biệt thự bề thế giữa khu vườn tươi tốt, trong khi nhiều căn gần như đứng chen chúc nhau. Một số biệt thự có vẻ đẹp thanh lịch hoa mỹ của phong cách Beaux Arts (Phong cách Mỹ Thuật), trong khi những căn khác lại có hơi thở hiện đại theo phong cách Art Déco (Trang trí Nghệ Thuật).
Chú thích:
* Một chương trong cuốn Ấn tượng Hà Nội - Từ ký họa những công trình thời Pháp, cuốn sách ảnh được thực hiện bởi nhóm Ký họa đô thị Hà Nội và xuất bản bởi Nhà xuất bản Kim Đồng vào tháng 10 năm 2020.
Bất cứ ai cũng công nhận rằng, dù trong bất cứ tình trạng nào, với kích thước hay phong cách ra sao thì những căn biệt thự này đều đẹp theo cách riêng của chúng. Nếu đứng độc lập, những tòa nhà này là ví dụ hoàn hảo của kiến trúc Pháp thời kỳ đỉnh cao, khi Paris còn là kinh đô nghệ thuật của thế giới. Nhìn tổng thể, chúng góp phần hình thành cá tính mạnh mẽ của Hà Nội, một thành phố đặc biệt, nơi hội tụ và giao thoa giữa truyền thống Á Đông và văn hoá phương Tây.
Ít ai nhận ra rằng những di sản đô thị đặc biệt này chứa đựng linh hồn rất Việt Nam. Mặc dù có kiến trúc Pháp không thể nhầm lẫn, phần lớn các biệt thự này đã là nơi sinh sống của nhiều thế hệ người Việt. Những câu chuyện cá nhân bên trong những ngôi nhà từng là tổ ấm của họ, đã góp nặn nên đặc điểm của thành phố này. Sáu câu chuyện trong số đó được kể dưới đây sẽ giúp khắc họa rõ nét về một thời chưa hẳn đã quá xa xôi của Hà Nội.
Ngôi biệt thự lộng lẫy ở số 8 phố Chân Cầm từng là dinh thự của một vị quan đại thần triều đình Huế ở Bắc Kỳ. Cao hơn hầu hết các biệt thự Pháp khác ở Hà Nội, cầu thang đôi uy nghi dẫn đến một tầng chuyên dành để thết đãi khách khứa vui chơi, đôi khi được sử dụng như một phòng khiêu vũ. Những bức ảnh cũ chụp ở đó cho thấy một đời sống xã hội hào nhoáng, ngập tràn những cuộc chiêu đãi, lễ kỷ niệm và những sự kiện trọng đại. Theo một cách nào đó, ngôi biệt thự này hiển lộ sự phô trương nhưng bạc nhược của những kẻ thống trị phong kiến Việt Nam, sẵn sàng cúi đầu trước quyền lực thực dân để đổi lấy một cuộc sống vinh hoa.
Không mất nhiều thời gian để các trí thức Việt Nam nhận ra giá trị giao thoa giữa những gì tốt đẹp nhất của văn hóa Pháp với văn hóa Việt Nam. Vào những năm 1920, hai họa sĩ vĩ đại, một người Pháp và một người Việt Nam, đã thành lập École des beaux-arts de l’Indochine (Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), nơi đã đào tạo một số nghệ sĩ tinh hoa nhất của đất nước trong gần ba thập kỷ. Cũng tại đây, những nhóm kiến trúc sư bản địa đầu tiên đã ra đời và một vài người trong số đó đã phối hợp hài hòa các yếu tố của kiến trúc Việt vào các biệt thự kiểu Pháp. Ngôi nhà thanh nhã số 78 phố Phan Đình Phùng với cổng vào, mái và ban công đậm chất Á Đông, chính là sản phẩm của thời kỳ rất sáng tạo này trong lịch sử Hà Nội.
Tuy nhiên, ngưỡng mộ nền văn hóa thực dân không đồng nghĩa với chấp nhận chế độ thuộc địa. Khi thành phố trải qua thời kỳ hưng thịnh về nghệ thuật và sáng tạo thì cũng là lúc phong trào đấu tranh giành độc lập đang phát triển mạnh mẽ. Song song với việc lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại chế độ thực dân, Bác Hồ cũng kêu gọi sự ủng hộ từ các chuyên gia danh tiếng của Việt Nam. Trong đó phải kể đến chủ nhân của ngôi nhà quyến rũ số 15 phố Chân Cầm, một bác sĩ người Việt đã mua lại nó từ một kiến trúc sư người Pháp - người đã giám sát xây dựng Nhà hát Lớn Hà Nội. Chắc chắn là vị bác sĩ này rất yêu ngôi biệt thự của mình. Thế nhưng, ông đã hiến tặng Nàng cho phong trào cách mạng, một nghĩa cử nói lên rất nhiều về lý tưởng và đức hy sinh của thế hệ ông.
Sau thất bại của chế độ thực dân, nhiều biệt thự Pháp ở Hà Nội đã được phân cho các hộ gia đình, mỗi hộ một phòng, nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng mà thành phố phải đối mặt. Những năm sau đó, lấy mốc từ cuộc chiến tranh chống Mỹ lần thứ nhất và sau đó là thời kỳ bao cấp, đời sống vật chất và văn hóa trở nên nghèo nàn đến thê thảm. Nhưng thể theo lý tưởng cách mạng thời bấy giờ, một trong những ngôi biệt thự Pháp đặc biệt nhất của Hà Nội đã được phân cho các văn nghệ sĩ. Đây là bối cảnh mà ngôi nhà bề thế số 65 Nguyễn Thái Học trở thành tổ ong của các họa sĩ và nhạc sĩ, một ốc đảo sáng tạo nghệ thuật giữa bộn bề khó khăn khắc nghiệt.
Trải qua nhiều biến cố bất ngờ, chính tình trạng quá tải dẫn đến việc phân bổ các biệt thự Pháp cho nhiều hộ gia đình lại khiến nhiều biệt thự trong số này được bảo vệ. Với nhiều cư dân qua bao thế hệ, không ai được ủy quyền hợp pháp để phá dỡ, xây mới, hay bán các căn biệt thự này cho các nhà đầu tư. Mặt khác, vẫn có một số biệt thự thuộc sở hữu tư nhân. Trong đó có ngôi nhà rộng lớn mang phong cách Art Déco ở số 13 phố Trần Hưng Đạo. Chủ nhân của Cô ấy là một bác sĩ Việt Nam giàu có, người được phép giữ lại Cô ấy sau ngày độc lập. Ông yêu ngôi nhà của mình đến mức chỉ cho phép bốn người con thừa kế tài sản với điều kiện họ phải bảo tồn căn nhà đến từng chi tiết nhỏ nhất, kể cả màu sắc của tường. Chính nhờ tình yêu của ông mà ngôi nhà bề thế này vẫn còn nguyên vẹn qua nhiều thập kỷ.
Biệt thự Pháp cổ số 43 Trần Hưng Đạo
Cách đó không xa, tại số 43 phố Trần Hưng Đạo là ngôi biệt thự Pháp từng là nhà của tôi trong suốt những năm tôi sống ở Hà Nội. Hầu hết những đặc điểm của Cô ấy đều nguyên vẹn. Toàn bộ sàn nhà được lát đá cẩm thạch với các họa tiết hoa lá tinh xảo đã được bảo tồn một cách tuyệt diệu. Cầu thang gỗ thanh lịch vẫn vắt ngang phòng khách như một sàn diễn thời trang, đây dường như là di sản của vị kiến trúc sư muốn chiêm ngưỡng người vợ xinh đẹp của mình mỗi khi nàng đi lên đi xuống. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình ở Việt Nam, việc phải rời bỏ ngôi biệt thự tuyệt vời này khiến tôi cảm thấy như thể kết thúc một câu chuyện tình. Nỗi đau từ cuộc chia ly khiến tôi khâm phục gia đình Việt Nam đầu tiên sống ở đó sau ngày độc lập. Ông là một lãnh đạo cấp cao của chính phủ và với chức vụ của mình, ông được phân căn biệt thự này. Thế nhưng sau khi ông qua đời, người vợ goá của ông đã quyết định trao Cô ấy lại cho nhà nước, như một minh chứng cho sự liêm khiết của gia đình họ.
Những biệt thự Pháp trong sáu câu chuyện nhỏ kể trên nằm trong số những biệt thự đẹp nhất của thành phố. Thế nhưng, vai trò của chúng đối với di sản của thành phố không chỉ nằm ở kiến trúc trang nhã, mà khát vọng và hoài bão của những người Việt Nam sinh sống tại đó cũng góp phần hình thành nên một Hà Nội chúng ta biết đến. Tất nhiên, với hơn một nghìn ngôi biệt thự Pháp vẫn còn đứng vững, có thể còn nhiều câu chuyện có sức ảnh hưởng lớn cần được kể. Hy vọng rằng trước khi chúng biến mất cùng với cư dân của mình, những câu chuyện ý nghĩa nhất sẽ được sưu tầm và lưu lại để làm phong phú hơn hiểu biết của mọi người về cuộc sống trong thành phố này.
Cũng quan trọng như những câu chuyện đã diễn ra là những câu chuyện sẽ diễn ra ở những căn biệt thự kiểu Pháp này trong những năm sắp tới. Liệu cư dân của những căn nhà này sẽ sáng tạo hay chỉ phô trương thuần túy? Họ sẽ đầy lý tưởng hay bạc nhược? Liệu họ sẽ yêu ngôi nhà của họ hay chỉ đơn giản là muốn kiếm tiền từ chúng? Liệu họ có liêm khiết như gia đình từng sống trong ngôi nhà ở Hà Nội của tôi hay không?
Những câu chuyện riêng tư đủ loại chưa diễn ra sẽ định hình sự phát triển của thành phố. Và chúng sẽ là căn cứ để xác định xem có bao nhiêu trong số hơn một nghìn biệt thự Pháp của Hà Nội vẫn tiếp tục tồn tại, như một di sản chung được trân trọng bởi các thế hệ người Hà Nội trong tương lai.