Vào tháng 10 năm 2019, cảm xúc dâng trào ở Hà Nội khi Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô đồ sộ bị nhấn chìm trong biển lửa. Toàn bộ phần bên trong của công trình bị cháy rụi và một phần mái vòm lớn bằng xi măng bị sập, làm dấy lên nhiều nghi ngại về tương lai của tòa nhà này. Hầu như cùng thời điểm tại Washington, rất nhiều người vui vẻ tụ tập ăn mừng tại Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Kennedy không kém phần đồ sộ. Tại đây vừa khánh thành một gian nhà hiện đại được kỳ vọng sẽ mang lại sức sống mới cho tổ hợp già nua này.
Chú thích:
* Bài viết đã được biên tập và đăng trên báo Tuổi Trẻ vào ngày 27 tháng 10 năm 2019.
Không mấy người ở Hà Nội và Washington biết rằng hai tòa nhà này là “anh em ruột”, tuy chúng được sinh ra ở hai phía đối lập của hành tinh nhưng đều là con đẻ của Chiến tranh Lạnh.
Trong hai anh em, có một bên theo phong cách kiến trúc Xô viết, bên còn lại theo phong cách quốc tế, nhưng thực ra đây chỉ là những tên gọi khác nhau của cùng một nguyên tắc kiến trúc. Mục tiêu của cả hai phong cách này là để chức năng của một tòa nhà định hướng hình thức của nó, loại bỏ mọi chi tiết trang trí thừa. Cả hai đều muốn dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ… và môi trường xung quanh. Sắc thái duy nhất là phong cách Xô viết cố gắng truyền tải các thông điệp chính trị về sự trỗi dậy của con người mới trong một xã hội mới.
Tại Hà Nội, Cung Văn hóa Hữu nghị được khởi công vào tháng 01 năm 1978, vài năm sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, và được hoàn thành vào năm 1985. Xây dựng theo phong cách Xô viết là một lựa chọn tất yếu vào thời điểm đó. Từ giữa những năm 1960, các thế hệ kiến trúc sư mới của Việt Nam đã được đào tạo tại các nước thuộc Liên Xô cũ, đồng thời các chuyên gia Xô viết nổi tiếng cũng thường xuyên đến Việt Nam để giảng dạy và hỗ trợ trong những dự án lớn.
Một trong số những cố vấn Xô viết có ảnh hưởng lớn nhất là Garold Grigorievich Isakovich, người đã đến thăm Việt Nam nhiều lần vào đầu những năm 1970. Ông đã tham gia làm công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tượng đài Lenin, cùng với các công trình khác. Ông cũng là người thiết kế chính Cung Văn hóa Hữu nghị. Tòa nhà ấn tượng này dựa trên một dự án trung tâm triển lãm và trung tâm thể thao ở Moscow, sau đó được nhân rộng trên khắp Liên Xô.
Tại Washington, quyết định xây dựng Trung tâm Kennedy đã được đưa ra từ năm 1958, không lâu sau khi Liên Xô phóng Sputnik - vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Nhưng cú hích thực sự thúc đẩy việc xây dựng tòa nhà chỉ xảy ra vài năm sau đó, khi nhà hát Bolshoi Ballet bắt đầu lưu diễn vòng quanh thế giới, khiến công chúng kinh ngạc về nghệ thuật và kỹ thuật của Liên Xô. Tổng thống Mỹ đương thời - John F. Kennedy đã quyết tâm giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh trên mọi mặt trận. Đối với ông, việc xây dựng một trung tâm biểu diễn nghệ thuật đồ sộ với sức chứa 7.000 khán giả cùng lúc trong các nhà hát kịch, nhà hát opera và khán phòng biểu diễn hòa nhạc rộng lớn… sánh ngang với việc đưa một người lên mặt trăng về phương diện văn hoá.
Công trình được khởi công vào năm 1964, không lâu sau vụ ám sát Tổng thống Kennedy, và được khánh thành vào năm 1971, đúng vào giai đoạn đỉnh điểm trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam. Tòa nhà được thiết kế bởi Edward Durell Stone, một kiến trúc sư thành công về mặt thương mại, người đã rất ngưỡng mộ phong cách quốc tế. Thế nhưng nó đã không thật sự được đón nhận nồng nhiệt. Trên tờ The New York Times, tòa nhà được nhắc đến như “một thảm kịch quốc gia”, “cỗ quan tài bằng đá cẩm thạch” hay “một thất bại về thị giác và nghệ thuật”. The New York Times cũng mô tả một cách xác đáng rằng Trung tâm Kennedy “gợi nhớ đến sự trống rỗng quá mức của các cung văn hóa Xô viết”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đều không có thiện cảm với phong cách quốc tế. Ví dụ, tại TP. HCM, thời gian gần đây đã nổi lên phong trào truyền thông xã hội sôi động, ủng hộ việc bảo vệ nhiều công trình và nhà cửa được xây dựng theo phong cách này từ thời kỳ trước khi đất nước thống nhất.
Ở Hà Nội, thời kỳ trước Đổi mới cũng để lại nguồn di sản công trình kiến trúc kiểu Xô viết phong phú. Nguồn lực hạn chế khiến nhiều tòa nhà trong số này có tỷ lệ rời rạc và vật liệu khiêm tốn. Cung Văn hóa Hữu nghị hoành tráng là một ngoại lệ, bởi kinh phí xây dựng được Liên Xô tài trợ toàn bộ. Điều thú vị là hầu hết các tòa nhà kiểu Xô viết này được dành cho mục tiêu xã hội hoặc văn hóa. Nhà hát công nhân, nhà hát thanh niên và nhà hát rối nước, trung tâm thể thao, sân vận động, chợ… và tất nhiên không thể không kể đến một rạp xiếc phi thường trên phố Trần Nhân Tông. Sự tập trung vào các mục tiêu văn hóa - xã hội cho thấy rõ những ưu tiên của Việt Nam trong một giai đoạn khó khăn.
Có một yếu tố nữa khiến các tòa nhà Xô viết ở Hà Nội trở nên đặc biệt, đó là lối trang trí khô cứng của chúng. Thông thường, họ sử dụng các chi tiết hình học giống nhau được lặp đi lặp lại liên tục trên khắp mặt tiền tòa nhà. Cách trang trí đó trông như những cá thể nhỏ bé, thẳng thắn và không phô trương, đẹp đẽ trong sự đơn giản của chúng, tạo ra một điều gì đó lớn lao hơn trong chính tổng thể, bằng cách đứng cạnh nhau vai kề vai, không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân chói tai. Ngay cả khi một họa tiết được làm nổi bật, thì về bản chất nó cũng không khác với những họa tiết nhỏ hơn xung quanh. Nó chỉ nổi bật như một nhà lãnh đạo bẩm sinh, người sẽ truyền tải tiếng nói của tập thể mà anh ta/cô ta đã bước ra từ đó, nhưng không có ý định vượt lên trên quần chúng của mình.
Các tòa nhà Xô viết là một phần không thể thiếu trong lịch sử Hà Nội. Ở khía cạnh này, chúng cũng như những đình chùa truyền thống hay những biệt thự Pháp đang làm duyên cho thành phố. Nhưng khác với đình chùa và biệt thự, các tòa nhà Xô viết hiếm khi được xem là một phần của di sản kiến trúc Hà Nội.
Bảo tàng Hồ Chí Minh với lối kiến trúc Xô viết đặc trưng
Hiện nay số phận của Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô và Trung tâm Kennedy rất khác nhau. Một trong hai anh em thời Chiến tranh Lạnh này đang phải vật lộn với khó khăn, trong khi bên còn lại phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng người ta chỉ có thể hy vọng rằng theo thời gian, kiến trúc Xô viết sẽ được bảo tồn và nuôi dưỡng ở Hà Nội cũng như ở Washington ngày nay.