Trong khi cố gắng cứu bức tranh tường cổ động cách mạng của họa sĩ Trường Sinh, tôi có thể cảm nhận rõ thái độ hoài nghi của nhiều người Việt Nam. Đối với họ, phong cách xã hội chủ nghĩa được thể hiện trên bức tranh này gắn liền với một thời kỳ kinh tế cực kỳ khó khăn. Đó cũng là giai đoạn kiểm soát xã hội chặt chẽ, khi mà các nghệ sĩ không thể tự do sáng tạo.
Chú thích:
* Bài viết đã được biên tập và đăng trên báo Phụ nữ TP. HCM ngày 02 tháng 7 năm 2020.
Là một nhà kinh tế, tôi không nghi ngờ rằng cơ chế bao cấp đã dẫn đến tình trạng khan hiếm và đói nghèo. Tôi cũng tin rằng tự do sáng tạo là động lực cho đổi mới và sự năng động về kinh tế. Nhưng vâng, tôi cũng trân trọng di sản văn hóa của thời kỳ đó như một phần không thể thiếu trong lịch sử hiện đại của Việt Nam. Bất chấp những bó buộc, các họa sĩ, nhà văn và kiến trúc sư thời đó vẫn tìm ra những cách tuyệt vời để bày tỏ cảm xúc và ý tưởng của họ.
Tôi đặc biệt trân trọng những tòa nhà xuất hiện vào thời kỳ này, bởi nhiều người Việt Nam đã bươn chải trong đó mà lớn lên, đến mức những tòa nhà ấy đã trở thành một phần ký ức chung của họ về cuộc sống tập thể mà họ từng trải qua cùng nhau. Hà Nội có rất nhiều các dự án nhà ở tập thể (Khu Tập Thể) được xây dựng từ những năm 1960 đến 1980. Gần đây, những cuốn sách như Kim Liên một thuở đã truyền tải một cách xúc động những hoài niệm ngọt ngào về những trải nghiệm lớn lên trong Khu Tập Thể.
Tôi nhận ra rằng quan điểm của tôi có thể không phổ biến. Người Việt ngày càng đánh giá cao sự tinh tế của phong cách Pháp: những biệt thự thanh lịch dọc theo những con đường rợp bóng cây, những bức họa của sinh viên trường École des beaux-arts de l’Indochine (Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), những tác phẩm văn học của các nhà văn, nhà thơ như Xuân Diệu… Sự ghi nhận này rất đáng kể, bởi nó cho thấy sự chín chắn để phân biệt rõ giữa chủ nghĩa thực dân đáng khinh và văn hóa thực dân phi thường.
Nhưng than ôi, chưa có ghi nhận tương tự nào đối với các phong trào văn hóa đã định hình đời sống trong giai đoạn từ khi Độc lập đến thời kỳ Đổi mới. Có lẽ thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa vẫn còn quá gần, khiến người ta khó công bằng với nó.
Thông qua nỗ lực giải cứu bức tranh tường của họa sĩ Trường Sinh, tôi muốn khuyến khích người Hà Nội tạm gác lại câu chuyện ý thức hệ thời bấy giờ và hướng suy nghĩ về các nghệ sĩ, kiến trúc sư và trí thức Việt Nam, những người đã để lại cho chúng ta những sáng tạo phi thường bất chấp mọi khó khăn.
Lấy sáng tạo trong kiến trúc làm ví dụ. Ở khía cạnh nào đó, các Khu Tập Thể đã phản ánh được lý tưởng xã hội chủ nghĩa, một tầm nhìn hướng đến các mục tiêu chung trong cuộc sống hàng ngày. Trong thời kỳ đầu, để phù hợp với lý tưởng đó thì một vài hộ phải dùng chung thậm chí cả nhà bếp và phòng tắm. Dần dần, tính riêng tư được chú trọng hơn nhưng thiết kế vẫn luôn đặc biệt chú ý đến các không gian chung, nơi trẻ em có thể chơi đùa và những người hàng xóm có thể tụ tập.
Tuy nhiên, bất chấp lý tưởng xã hội chủ nghĩa, các Khu Tập Thể thực ra được thiết kế theo nguyên tắc kiến trúc hiện đại, một phong trào bắt nguồn từ Tây Âu trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến. Phong trào kiến trúc có tầm ảnh hưởng này gắn với kiến trúc sư người Thụy Sỹ - Le Corbusier. Cả hai biến thể kiểu phương Tây và kiểu Xô viết của phong trào kiến trúc này đều thể hiện quan điểm chung rằng: chức năng của một tòa nhà phải xác định hình dạng của nó, tránh trang trí thừa, và vẻ đẹp thực sự của một không gian đến từ hình dạng và ánh sáng.
Nhiều người có lẽ không biết rằng, phong trào kiến trúc hiện đại cũng có ảnh hưởng rất lớn ở miền Nam Việt Nam thời kỳ trước thống nhất. Các bậc thầy của phong trào kiến trúc này ở miền Nam bao gồm Huỳnh Tấn Phát, người tốt nghiệp École des beaux-arts de l’Indochine (Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) năm 1940 tại Hà Nội và Ngô Viết Thụ, một kiến trúc sư tài giỏi được đào tạo ở Paris và được quốc tế công nhận. Có phần trớ trêu là kiến trúc của các Khu Tập Thể, vốn được cho là đặc trưng phong cách xã hội chủ nghĩa, thực ra lại là một đặc điểm kiến trúc chung của Hà Nội và TP. HCM.
Cá nhân tôi rất yêu các Khu Tập Thể, thậm chí tôi đã dành một chương của cuốn sách Hanoi Promenade (Hà Nội, một chốn rong chơi) để nói về chúng. Tất nhiên, các Khu Tập Thể được xây dựng bằng vật liệu rẻ tiền hiện đã xuống cấp. Và tình trạng nhếch nhác, lộn xộn của các “chuồng cọp” do người dân cơi nới khiến các Khu Tập Thể trông thật ảm đạm. Nhưng kích thước của chúng lại rất phù hợp với các khu vực trung tâm thành phố Hà Nội và không gian công cộng của chúng thì luôn tràn đầy sức sống.
Tôi đặc biệt thích cầu thang của các Khu Tập Thể. Hình dạng và kích cỡ của chúng cho phép các kiến trúc sư tài năng thể hiện tính sáng tạo của họ ngay cả khi bị hạn chế về nguồn lực và sự cầu kỳ bị coi là “tư bản”. Nỗ lực này đã khai sinh ra một phong cách thẩm mỹ tối giản, hướng đến cái đẹp hơn là hướng tới lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Các khe hở được cố ý lặp lại trên tường để lọc ánh sáng mặt trời và tạo ra các họa tiết trong nhà đẹp như tranh vẽ. Một số nhiếp ảnh gia tài giỏi của Hà Nội chuyên chụp những hoa văn này, đặc biệt là dưới ánh sáng mùa thu.
Cầu thang của một Khu Tập Thể với các khe hở được sắp xếp để ánh sáng lọt qua
Tôi thực sự yêu các Khu Tập Thể đến mức đã chọn một căn hộ trên con phố Tôn Thất Thiệp để làm ngôi nhà Hà Nội của riêng mình. Trong vài năm, với sự giúp đỡ của một người bạn Việt Nam, tôi đã cải tạo toàn diện căn hộ tập thể này. Tôi coi nỗ lực này như một “bằng chứng” cho nhận định: các tòa nhà theo phong cách xã hội chủ nghĩa hoàn toàn có thể là một trong những không gian đáng sống nhất ở Hà Nội. Và tôi luôn mong ngóng được dành thời gian ở căn hộ tập thể của mình mỗi khi về Việt Nam.
Tôi cũng tin rằng nên bảo vệ ít nhất một vài Khu Tập Thể của Hà Nội như đã làm với bức tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh. Với tư cách là Giám đốc tại Trung tâm Phát triển bền vững đô thị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tôi muốn tiến hành nghiên cứu cách thức để thực hiện điều này trong thực tế.
So với việc cứu bức tranh cổ động cuối cùng của Hà Nội thì ý tưởng này có thể mất nhiều thời gian và công sức hơn để thực hiện. Nhưng tôi chỉ có thể hy vọng rằng, đến lúc đó người dân Việt Nam sẽ coi trọng phong cách xã hội chủ nghĩa như một phần di sản của họ, giống như cách họ coi trọng phong cách Pháp ngày nay.