Không còn nghi ngờ gì nữa, Covid-19 chính là điểm nổi bật trong thời đại của chúng ta. Là một thách thức hoàn toàn mới, với sức tàn phá chết người, nó đã buộc các chính phủ trên toàn thế giới phải phản ứng nhanh chóng để kiềm chế thiệt hại về người, đồng thời cố gắng duy trì nền kinh tế phát triển.
Chú thích:
* Bài viết đã được biên tập và đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số báo đặc biệt Tết, tháng 02 năm 2020.
Trên cả hai phương diện y tế và kinh tế, Việt Nam đã làm tốt hơn nhiều so với nhiều nước khác, kể cả những nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới. Lệnh siết chặt ban đầu tuy rất hà khắc nhưng cũng rất hiệu quả, và chỉ trong vài tuần, cuộc sống gần như trở lại bình thường. Chính phủ và người dân xứng đáng nhận được nhiều lời ngợi khen vì thành quả ngoạn mục đó.
Một quyết định quan trọng góp phần cho thành công này là lệnh nghiêm ngặt đóng cửa biên giới. Năm 2020, cuộc sống diễn ra bình thường ở trong nước, nhưng lại hoàn toàn cô lập với thế giới. Sau nhiều thập kỷ nhanh chóng hội nhập toàn cầu, đột nhiên việc đi du lịch đến Việt Nam trở nên gần như không thể.
Đã qua rồi cảnh hàng triệu du khách nước ngoài dạo chơi khắp Hà Nội, để rồi không tránh khỏi phải lòng Nàng. Nhưng việc đóng cửa biên giới cũng ảnh hưởng đến chính người Việt Nam, khiến họ không thể đoàn tụ cùng người thân ở nước ngoài trong nhiều tháng liên tiếp. Còn với tôi, đã gần một năm kể từ lần cuối cùng tôi trở về Hà Nội… giờ tôi đang cảm thấy phát ốm vì nhớ nhung Nàng!
Tuy nhiên, những thời kỳ dài bị cô lập không phải là điều mới mẻ đối với người Việt Nam, và đặc biệt là với người Hà Nội. Trong suốt một giai đoạn lịch sử gần đây, thành phố đã từng bị cô lập với thế giới bên ngoài, chia cắt nhiều gia đình, đôi tình nhân và bè bạn. Từng sống và làm việc tại Hà Nội, năm dài chia ly này khiến tôi nhớ lại những câu chuyện cá nhân đầy xúc động mà các đồng nghiệp Việt Nam của tôi từng chia sẻ.
Nhiều đồng nghiệp của tôi sinh ra trong thời kỳ chiến tranh, khi mà thanh niên được huy động để bảo vệ nền độc lập non trẻ của đất nước. Hồi đó, mỗi thanh niên phải đi nghĩa vụ quân sự vài năm và chỉ được nghỉ phép rất ngắn để về thăm nhà. Tệ hơn nữa, việc đi lại đường dài trong những năm đó thực sự là một thách thức lớn.
Anh Việt - bạn tôi, kể về chuyện cha anh ấy đi thực hiện nghĩa vụ ở Sa Pa vào cuối những năm 1950 và ông chỉ được nghỉ phép hai ngày để về gặp người vợ trẻ của mình, người mà ông đã phải chia xa ngay sau đám cưới. Cha của Việt đã không còn cách nào khác là phải chạy (theo đúng nghĩa đen!) từ Sa Pa đến Lào Cai để từ đó ông có thể bắt một chuyến tàu, rồi một chuyến tàu khác nữa để về quê ông ở Thái Nguyên. Phần lớn thời gian trong hai ngày nghỉ phép đã dành cho việc đi lại, và ông chỉ còn lại vài giờ để được ở bên người vợ trẻ của mình.
Đến lượt câu chuyện của chính bạn tôi, Quang, là một trong số rất nhiều trẻ em sơ tán khỏi Hà Nội trong những năm tháng tàn khốc cuối cùng của cuộc chiến tranh. Cậu bé Quang cùng anh chị được chở bằng xe đạp đến một làng gần Sơn Tây, cách Hà Nội khoảng 40km, nơi mà họ phải ở cả năm trời. Nhưng bố mẹ anh phải ở lại Hà Nội vì công việc, và anh nhớ bố mẹ vô cùng. Trong trận bom trút xuống Hà Nội cuối năm 1972, Quang và anh chị của mình có thể nhìn và nghe thấy tiếng nổ từ xa và vô cùng lo lắng sợ hãi cho sự an nguy của cha mẹ mình.
Rồi đến thời kỳ bao cấp, khi mà nhiều tài năng trẻ Việt Nam được gửi đi học ở Liên Xô và Đông Âu. Họ hầu như phải ở nước ngoài trong nhiều năm ròng, không có cơ hội về thăm Việt Nam. Nhiều người trong số họ cảm thấy nhớ nhà và cô đơn. Nhưng vào những năm 1970, các quy định rất nghiêm ngặt: sinh viên Việt Nam không được hẹn hò, không được tiệc tùng và không được hòa nhập với người dân địa phương. Những người trẻ sáng láng này chỉ có thể khỏa lấp tình trạng cô lập của mình bằng những cách được kiểm soát chặt chẽ, chẳng hạn như dự các buổi hòa nhạc hay thăm các viện bảo tàng.
Một câu chuyện chưa được xác thực đã tiết lộ về tình trạng cô lập tột cùng mà những du học sinh này phải đối mặt. Có một số sinh viên ở Saint Petersburg (trước đây là Leningrad) tìm thấy niềm an ủi khi đến thăm bảo tàng Hermitage để chiêm ngưỡng một tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp của nghệ sĩ người Pháp Auguste Rodin. Với tên gọi Eternal Spring (Mùa xuân vĩnh cửu), tác phẩm thể hiện một người đàn ông và một người đàn bà khỏa thân đang ôm nhau say đắm, trong sự pha trộn lôi cuốn giữa khêu gợi và cảm xúc. Điều này là quá mức quy định, hẳn thế, và các sinh viên này đã bị kỷ luật vì niềm khao khát yêu đương của họ.
Quy định được nới lỏng vào những năm 1980, khi sinh viên Việt Nam ở nước ngoài có thể đi lại tự do hơn. Nhiều người trong số họ vẫn cảm thấy nhớ nhà, đặc biệt là vào những ngày mùa đông khắc nghiệt, nhưng họ đã được phép về nước ít nhất một lần giữa các khoảng thời gian dài ở nước ngoài. Được gọi một cách hài hước là “sex tourism” (du lịch tình ái), những hành trình trở về nhà này thường kéo dài hơn một tuần để đi tàu từ Nga qua Trung Quốc, trước khi họ đến được với vợ/chồng hay người yêu ở Việt Nam.
Trận bùng phát dịch Covid-19 mà Việt Nam phải đối mặt vào năm 2020 có những điểm tương đồng với các cuộc chiến tranh và những gian khổ mà đất nước phải chịu đựng trong thế kỷ 20.
Nhưng tổn thất lần này đã giảm đi đáng kể, vì số người chết ít hơn nhiều và nền kinh tế tiếp tục phát triển ổn định. Gia đình, người yêu và bạn bè vẫn bị cách ngăn do đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại, nhưng những chia ly này ít đau đớn hơn vì giờ đây họ có thể trò chuyện qua Internet.
Nếu có điều gì có thể khiến tôi tin rằng đất nước Việt Nam sẽ một lần nữa vượt qua nghịch cảnh và hồi sinh mạnh mẽ hơn bao giờ hết thì đó chính là các câu chuyện từ những đồng nghiệp người Việt của tôi. Chắc hẳn tất cả mệt mỏi trong suốt hành trình dài từ Sa Pa trở về nhà đã tan biến khi cha của Việt được ngã vào vòng tay người vợ trẻ yêu dấu. Tôi biết rằng cậu bé Quang và anh chị trở nên gắn bó thân thiết với gia đình người nông dân ở Sơn Tây, nơi họ học cách chăn vịt và nhiều thứ khác nữa. Tôi tin rằng hành trình “sex tourism” của những du học sinh Việt Nam đã mang lại những cuộc đoàn tụ cảm động, đồng thời khiến tình cảm của họ trở nên keo sơn, gắn bó.
Những đứa trẻ được sinh ra trong hội ngộ, những gia đình, đôi lứa vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt để bên nhau thật tuyệt vời. Phải chăng đây là một trong những lý do khiến Việt Nam tỏa sáng như ngày hôm nay. Nghịch cảnh buộc tất cả mọi người cùng với người thân và bạn bè của họ phải đối mặt với vô vàn thử thách khó khăn, nhưng cũng khiến họ trở nên kiên cường. Hành trình đó khiến họ nhận ra những giá trị thực sự quan trọng trong cuộc sống của mình.
Còn tôi, tôi không thể hứa rằng mình sẽ kiên cường và thành công như các đồng nghiệp của mình. Nhưng tôi hy vọng rằng sự chia cách đằng đẵng và đau đớn với Hà Nội bởi Covid-19 sẽ củng cố thêm mối quan hệ tuyệt vời giữa tôi và Nàng.