C
hảo Thị Yến (sinh năm 1990) là con thứ ba trong gia đình có 4 anh chị em ở thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Yến là cô gái đầu tiên của xã vùng cao biên giới Việt - Trung nhận được học bổng toàn phần với trị giá hơn 50.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng) từ ngôi trường danh tiếng - Đại học Gottingen (Đức).
Tốt nghiệp lớp 9 trường THCS Nậm Chạc, Yến nghỉ học. Cũng như bao gia đình miền núi khác, bố mẹ cô không có đủ điều kiện cho con tiếp tục đến trường.
Mỗi lần Yến xin bố mẹ cho đi học, dân bản lại xầm xì nhỏ to: “Đã nghèo rồi còn đi học, đi thì lấy ai lên nương phụ bố mẹ. Con gái đi học, sau về cũng nuôi nhà người ta.” Nghe thấy thế, bố mẹ Yến lại càng cương quyết giữ cô ở nhà.
Không được đến trường, ngày ngày, Chảo Thị Yến vác cuốc lên rẫy lao động cùng gia đình. Càng nếm trải sự cực khổ của nghề làm rẫy bao nhiêu, Yến lại càng quyết tâm quay về với con đường học vấn bấy nhiêu. Suốt 3 năm trời, gần như không ngày nào Yến không nhắc đến việc đi học.
Trước quyết tâm cao của Yến cộng với sự giúp đỡ của thầy Bùi Chí Thanh - Hiệu trưởng trường THCS Nậm Chạc, bố mẹ cô cuối cùng cũng xuôi lòng cho con gái học tiếp cấp 3.
Yến có suy nghĩ khác với hầu hết những người sinh ra và lớn lên từ núi rừng vì cô sớm thấy được nhiều điều khác biệt giữa đời sống dân bản và mức sống bên ngoài.
Cô nói: “Nhà nghèo, lên nương vất vả nhưng bao nhiêu người làm quần quật cả năm vẫn không đủ ăn. Thầy Hiệu trưởng từng nói cần phải đến trường để thoát nghèo, mình có niềm tin vào lời thầy.”
Học xong cấp 3, Yến thi vào trường Đại học Lâm nghiệp (Hà Nội), ngành Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường với mong muốn “trở thành kiểm lâm bảo vệ rừng, ngăn cho cây không bị chặt phá bừa bãi.”
Hết kì học đầu tiên, Chảo Thị Yến nộp đơn vào hệ Tiên tiến của trường với số điểm vừa đủ. Việc một sinh viên người Dao nói tiếng Anh bập bẹ như Yến chủ động tham gia lớp học trên là một quyết định khá mạo hiểm ở thời điểm đó. Tuy nhiên, cô gái vùng cao xem đây là một thử thách mới để phá bỏ rào cản ngoại ngữ, nâng cơ hội kiếm được việc làm sau khi ra trường.
Đúng như dự đoán, học kì đầu tiên ở lớp mới, Chảo Thị Yến gần như bị tách biệt với môi trường xung quanh khi cô không thể hiểu bài giảng tiếng Anh của giáo viên bản xứ. Cô gần như sắp bỏ cuộc vì ngại.
Sang năm thứ 2, Yến quyết tâm thay đổi cách học. Cô tích cực trau dồi kỹ năng phát âm và giao tiếp tiếng Anh để sớm “hòa nhập với cộng đồng”. Chính sự hy sinh của em trai Yến - người từ bỏ đại học để nhường chị gái cơ hội học hệ Tiên tiến, không cho phép cô lùi bước.
Vậy là, từ một sinh viên có điểm trong tầm “nguy hiểm”, Yến đã vươn lên thành học sinh xuất sắc của lớp. Từ năm thứ 3 đại học, kì nào Yến cũng giành học bổng cho học sinh xuất sắc. Điểm khóa luận tốt nghiệp của cô cao thứ 2 toàn khóa.
Tốt nghiệp năm 2014, vừa đi làm, Chảo Thị Yến vừa kiên trì xin học bổng du học. Sự kiên trì cuối cùng cũng được đền đáp khi Yến chính thức nhận được học bổng của chương trình SUFONAMA, theo học thạc sĩ ngành Quản lý Tài nguyên rừng bền vững của trường Đại học Gottingen (Đức). Cơ hội du học lần này là bước đi mang tính quyết định thứ hai trong chặng đường chinh phục tri thức của cô gái dân tộc Dao.
Ước mơ của Yến sau khi học xong là có một công việc ổn định, đủ tiềm lực kinh tế lập quỹ khuyến học cho những em nhỏ ở quê mình, giúp các em gái thay đổi tư duy, không tự trói mình vào những lề thói lạc hậu.
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Nhân vật trong câu chuyện này, bạn Chảo Thị Yến, từng đúc kết rằng: “Người ta hay nói cầu vồng sẽ xuất hiện sau mưa, nhưng bạn đừng ngồi đợi sau mưa để thấy cầu vồng mà hãy tự tạo ra nó như trò phun nước mình hay chơi.” Quả thực, Yến đã lập được kì tích cho bản thân và cho chính những người đồng bào của mình khi không chấp nhận số phận “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Cô gái ấy đã vượt lên những rào cản của nếp sống lạc hậu ở quê nhà, quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình và trở thành tấm gương vượt khó cho những em nhỏ vùng sâu vùng xa. Bài học rút ra ở đây là: Đừng bỏ cuộc, việc học không bao giờ là muộn, vì cơ hội vẫn ở phía trước chờ đợi những ai dám vượt lên, dám khát khao, dám dấn thân cho tri thức.