Ở ông có một phẩm chất cao quý của người lãnh đạo, đó là thương dân, thương bộ đội, cầu thị, lắng nghe, liêm khiết, giản dị, nhân hậu.
Khi là Bí thư Thành ủy TP.HCM dù bộn bề công việc song ông vẫn thường thăm các đơn vị, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của cấp dưới, của đồng chí, đồng bào. Có lần ông căn dặn đồng chí thư ký chuyên trách về công tác hành chính may cho Trần Hữu Phước - người được ông mời về để trợ giúp hoạt động văn hóa - văn nghệ, từ bộ quần áo, cho đến thay đôi dép cao su mà Phước mang từ Hà Nội vào. Hàng tháng ông đều bố trí xe cộ để Phước có dịp về quê thăm mẹ già sau 20 năm đi tập kết ra Bắc.
Ông sống chan hòa với những người quanh mình, thời ấy chỉ gọi nhau bằng bí danh mà bí danh cũng thường thay đổi, vậy mà ông vẫn nhớ tên nhớ nết của từng người. Đội cận vệ đi theo chăm sóc ông có những chàng trai chỉ 15-17 tuổi, nhiều lúc ham ngủ quên việc song ông không bao giờ trách móc mà rất thương các cậu còn tuổi ăn tuổi lớn. Ông không để cận vệ ngủ bên ngoài mà kéo vào hầm ngủ chung, anh này khi ngủ mê còn gác chân lên ngực, lên bụng ông. Ông cũng chẳng trách mắng mà còn trải ni lông ngủ dưới đất nhường chỗ cho anh cận vệ. Tính tình dân chủ, cởi mở, đôi khi ông cũng bị cận vệ “quát ầm trời.”
Phong cách làm việc, chỉ đạo của ông khiến cho dân quân vùng Tây Nam Bộ nhớ mãi. Ông là người đưa ra chủ trương cấm uống rượu và thực hiện nghiêm túc cả ở cấp lãnh đạo trong Thường vụ Khu ủy, trang bị quân trang chỉnh tề cho các trung đoàn chủ lực, không để họ ăn mặc “lè phè”.
Thương dân, quan tâm đến đời sống của người cần lao. Khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, một anh cán bộ vui mừng bắt xe về trường Pétrus Ký - nơi tập kết của cơ quan Thành ủy thành phố Sài Gòn - Gia Định. Ông liền hỏi anh này có trả tiền cho hai anh lái xe không, rồi căn dặn phải trả tiền công cho người ta mới được, họ làm thuê cực khổ lắm. Trong thời gian đầu sau giải phóng, ông phát động TP.HCM hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho thiếu nhi, nếu chưa có được xã hội chủ nghĩa cho tất cả mọi người thì hãy có xã hội chủ nghĩa cho các cháu thiếu nhi trước.
Nghĩa hiệp là một trong những nét nổi bật trong cá tính của Võ Văn Kiệt. Ông đã dấn thân bảo vệ bao nhiêu đồng chí bị vùi dập oan uổng, gặp hoạn nạn. Có đồng chí bị nghi án như Nguyễn Tài, nếu ông biết rõ và rất tin tưởng, ông sẽ không ngần ngại đến thăm hỏi tại nhà riêng, động viên, giúp đỡ, thúc đẩy làm sáng tỏ những oan uổng và kiên trì kiến nghị khôi phục đầy đủ và khen thưởng cho đồng chí này.
Đi làm việc ở các địa phương, ông luôn kiểm tra và nhắc nhở việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng. Ông là một trong những lãnh đạo khởi xướng hình thức khen thưởng, phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Trái tim nhân hậu của ông cũng đã để lại những tình cảm sâu đậm trong lòng cựu Thanh niên xung phong Việt Nam. Ông rất để tâm việc giải quyết tồn đọng về chính sách đối với liệt sĩ, thương binh và cựu Thanh niên xung phong. Mỗi lần về làm việc với các địa phương, nhất là vào dịp lễ Tết, ông đều tranh thủ đi thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ, các gia đình liệt sĩ hoặc Mẹ Việt Nam anh hùng.
Dù ít khi nói về những mất mát của gia đình mình song ông vô cùng xót xa, chia sẻ với những gia đình có người mất vì pháo nổ, những người dân đánh cá đã chết và mất tích trong bão. Khi nhà báo ngỏ ý phỏng vấn ông về người con đã mất trong cuộc chiến, ông đáp rằng “Tôi thật sự bất ngờ về cuộc gặp này cùng tấm lòng của bác đối với tôi. Sự hy sinh của cháu Dũng cũng như hàng vạn thanh niên khác của Việt Nam khi đất nước có ngoại xâm. Tôi cũng như hàng ngàn, hàng vạn gia đình có chồng, con hy sinh đều coi đó là sự mất mát to lớn. Nhưng nghĩ đến mất mát, đau thương là nghĩ đến những việc phải làm để cuộc sống ngày mai tốt đẹp hơn”.
Ông là lãnh đạo chính phủ duy nhất chưa hề nhận một tấm huy chương hoặc huy hiệu của các ngành kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội dành tặng cho những đồng chí lãnh đạo. Với công trình đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam, ông cũng dành tấm huy hiệu cho Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải đang thụ án, vì theo ông, sai lầm thì phải chịu hình phạt pháp luật song đã góp công sức thì xứng đáng nhận huy hiệu như bao người lao động khác. Với ông, tình cảm quý hơn tiền bạc, ông luôn từ chối các loại quà biếu, nhất là tiền bạc.
Dù khi xưa ít học song sau khi đất nước hòa bình, có cơ hội, ông rất mê đọc sách, thường theo dõi báo chí, truyền hình, nghe đài, và dành tình cảm đặc biệt đối với anh chị em làm công các báo chí, văn nghệ, các đoàn văn công. Ông giữ mối quan hệ thân thiết với giới văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Nguyễn Duy. Ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn xuất phát từ một lần nhạc sĩ đến thăm Hà Nội và cùng trò chuyện cảm hứng với Võ Văn Kiệt. Nhiều người nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ đã có nhiều kỷ niệm sâu sắc với ông, có thể kể đến NSND Phùng Há, họa sĩ Lê Duy Ứng, nhà văn Trầm Hương. Nhiều nhà thơ đã viết nên những bài thơ cảm động về ông: bài Đôi mắt người ấy của Lê Thị Kim, Trên sông Nhà Bè của Tăng Thế Phiệt, Còn của Trần Việt Phương.
Đối với quê hương Vĩnh Long đã gắn bó từ tuổi thơ đến khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, Võ Văn Kiệt luôn quan tâm đến phát triển kinh tế, văn hóa, chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ. Ngay cả đến trước lúc mất, ông mãi trăn trở về đất nước, về nạn bão lụt miền Trung nên chuẩn bị sang Hà Lan để tìm hiểu, song đáng buồn thay ông đã ra đi trước khi thực hiện mong muốn của mình. Không chỉ với nhân dân, đồng chí, ông còn trở thành nguồn cảm hứng với tình yêu bao la trong trái tim của con, cháu, cho con cháu ý chí để phấn đấu học hành trở thành người có ích. Sự ra đi của ông đã để lại bao tiếc thương cho nhân dân, song những cống hiến của cuộc đời và sự nghiệp Võ Văn Kiệt sẽ sống mãi cùng đất nước.