Những di sản để lại cho ngành ngoại giao đóng vai vô cùng quan trọng cho đất nước hôm nay. Sau những năm tháng bền bỉ và quyết tâm triển khai đường lối đối ngoại "đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tể” do Võ Văn Kiệt tiên phong, tháng 7/1995 đất nước ta cùng lúc gặt hái được nhiều thành quả ngoại giao với ba sự kiện lớn: Việt Nam gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và ký Hiệp định khung hợp tác với Liên minh châu u. Đây là những sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử ngoại giao của ta. Cùng với những cột mốc có ý nghĩa lịch sử khác như triển khai các mặt quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản, một trong ba trung tâm kinh tế lớn của thế giới và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với một số nước công nghiệp phát triển như Hàn Quốc, Australia... tất cả đều mang đậm dấu ấn năng động và quyết liệt của ông. Trong quan hệ quốc tế, Võ Văn Kiệt đã tạo dựng được tình thân với nhiều nhà lãnh đạo các nước với tính cách chân thành, thẳng thắn, thiết thực của mình. Qua góc nhìn báo chí quốc tế, ông là nhà lãnh đạo đầy kinh nghiệm và cởi mở, hết lòng vì sự nghiệp đổi mới, cải cách kinh tế giúp đất nước thoát đói nghèo và cô lập, đã giúp đặt quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Singapore.
Trên mặt trận đối ngoại, ông đề ra chiến thuật hoa sen nở để phá thế cấm vận bao vây, tức là phải đi từ trong ra, trước hết với ASEAN rồi đến Trung Quốc, tiếp đó là quan hệ với các nước xa hơn vùng Tây Thái Bình Dương và cuối cùng là EU. Ông là người có nhãn quan sâu sắc, quyết đoán. Khi được đồng chí khác hỏi về việc có nên gia nhập ASEAN tại thời điểm đó không bởi còn nhiều thách thức, Võ Văn Kiệt quả quyết nếu đắn đo sẽ bỏ lỡ cơ hội.
Không chỉ quan tâm về kinh tế - xã hội mà ông còn rất chú trọng ở lĩnh vực báo chí, văn hóa, văn nghệ. Dù tự nhận ít học, song ông luôn suy tư, tìm cách đưa khoa học vào cuộc sống để thực sự giải quyết những vấn đề thực tế của xã hội, luôn mong mỏi đất nước chan hòa hạnh phúc, không còn nghèo khổ thất học. Ông luôn lo nghĩ đến sự nghiệp bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Ông có quan niệm rất cởi mở về tự do ngôn luận và báo chí. Ông từng phát biểu, cần có sự phân biệt rõ rệt hơn nữa giữa bất đồng chính kiến với phản động hay phá hoại an ninh trật tự. Khi thấy báo chí truyền hình đưa tin rất muộn với nội dung sơ sài do quá trình lấy tin, ông liền đề nghị cách giải quyết, nhờ đó phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có thể tiếp cận thông tin nhanh hơn, nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó ông cũng rất quan tâm đến vấn đề thể thao, ông nói rằng thể dục, thể thao là mùa xuân của mọi lứa tuổi.
Về vấn đề công giáo, ông luôn tìm mọi cách tạo điều kiện cho đồng bào Công giáo hòa nhập vào xã hội mới. Qua báo Công giáo và dân tộc, ông đã có nhiều cuộc gặp gỡ thường xuyên với Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, tạo nên được sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau.
Về vấn đề lịch sử, văn hóa dân tộc, ông dành một sự quan tâm đặc biệt. Ông theo sát các phát hiện mới về khảo cổ học, các công trình nghiên cứu về văn hóa và góp tiếng nói trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Một trong nhiều ví dụ, khi nghe tin phát hiện di tích Hoàng thành Thăng Long tại số 18 Hoàng Diệu, ông ra tận hiện trường khai quật, cùng các nhà khảo cổ xem từng di tích, di vật. Ngoài ra, tầm nhìn chiến lược về giáo dục đại học được thể hiện qua chính sách chấm dứt sự can thiệp trực tiếp của bộ quản lý ngành và các bộ chức năng vào hoạt động giáo dục, hai đại học quốc gia đa lĩnh vực có quyền tự chủ cao ra đời đánh dấu mốc đổi mới sâu sắc trong cơ cấu hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.