Học nấu ăn, tìm hiểu và tự trồng rau như người Thụy Điển. Từ những buổi dã ngoại cho đến ăn uống điều độ theo ẩm thực Tân Bắc Âu, đây là tất cả những gì bạn cần biết về ăn uống kiểu lagom.
FIKA
- “ngày mai trời lại sáng”
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Năm 2012, trung bình mỗi người Thụy Điển tiêu thụ 7,32 kg cà phê, so với mức 4,83 kg ở Liên minh châu Âu.
Thụy Điển nằm trong ba nước tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới, một thói quen gắn liền với văn hóa fika. Thời còn học trung học, có những buổi chiều tôi dành hàng giờ để ngồi cà phê trò chuyện với bạn bè, và tôi rất trân trọng những kỷ niệm đó. Không có gì đặc biệt lagom về việc xưa kia tôi được uống thứ cà phê đen tuyền được châm thêm miễn phí liên tục, nhưng đặt vào bối cảnh và nghi thức của fika thì chắc hẳn nó làm tăng thêm sự cân bằng của ẩm thực truyền thống Thụy Điển.
Fika theo phong cách lagom
Trong một nền văn hóa thích các bữa ăn cân bằng và ăn uống lành mạnh thì fika chính là niềm hy vọng. Vào một ngày thông thường, fika chỉ với một chiếc bánh quy là đủ. Nhưng nếu đó là một phần của buổi hẹn, fika có thể đi kèm một lát bánh mì sandwich và trái cây trước khi bánh quế xuất hiện, nhưng thường thì một bữa fika cuối tuần đúng chuẩn lại chỉ toàn là đồ ăn vặt: một bàn đầy bánh ngọt và bánh quy, những ly cà phê xinh xắn và tất nhiên là không thể thiếu nến. Người Thụy Điển vẫn “xả láng”, nhưng nhìn chung là không quá đáng. Điều này nghĩa là họ có thể lấy mỗi vị một cái bánh quy, nhưng không ăn hai cái bánh ngọt, và không bao giờ ăn miếng bánh cuối cùng còn lại. Phải là trẻ con hoặc không phải người Thụy Điển thì mới được ăn miếng bánh cuối cùng trong giờ fika, nếu không thì miếng bánh cuối cùng vẫn sẽ luôn còn đó.
Fika đối với người Thụy Điển như quán rượu đối với người Anh và rượu khai vị đối với người Ý, là lúc thư giãn không cần làm việc. Trong một thời đại mà mạng xã hội cập nhật liên tục và hộp email công việc cứ báo tin suốt 24/7, fika có thể là một cách để tạm dừng, thư giãn và kết nối – với chính mình, với người thân, đồng nghiệp hoặc với một cuốn sách. Bỏ đi yếu tố liên tục châm đầy tách, fika có vẻ thực sự rất lagom so với một đêm uống nhiều bia rượu và ăn ô-liu miễn phí.
KANELBULLAR
- bánh quế
Không có bánh ngọt hay bánh nướng nào có thể đại diện cho fika như bánh vị quế, đi cùng với một chút hương thơm của bạch đậu khấu. Hãy tưởng tượng đến mùi nồng ấm hương cay lan tỏa khắp nhà trong khi những chiếc bánh đang được nướng trong lò, và bạn sẽ sớm hiểu được vì sao người Thụy Điển có một mối quan hệ gần như thiêng liêng với quế.
Số lượng: 10 bánh
• dầu hướng dương, 300ml sữa
• 1 muỗng cà phê hạt bạch đậu khấu xay
• 50g bơ
• 425g bột mì, thêm một ít để phủ lên bánh
• 7g men bột nở, men khô
• 50g đường làm bánh
• ½ muỗng cà phê muối nhuyễn
• 1 quả trứng, đánh khuấy nhẹ
Làm nhân bánh:
• 75g bơ, để mềm
• 50g đường nâu hạt mịn
• 2 muỗng cà phê quế xay
• ½ muỗng cà phê muối nhuyễn
Làm kem phủ:
• 1 quả trứng, đánh nhẹ
• đường hạt to dạng thô hoặc đường nâu chưa tinh luyện để rắc lên trên bánh
Tráng nhẹ lớp dầu lên giấy nướng bánh cỡ to, hoặc dùng 9 khuôn bánh bằng thiếc đường kính 8cm.
Cho sữa vào chiếc chảo nhỏ, thêm hạt bạch đậu khấu và để đến khi đáy chảo sôi sủi bọt. Tắt lửa, cho bơ vào khuấy cho đến khi bơ tan và để hỗn hợp cô đặc lại cho đến khi ấm.
Trộn những nguyên liệu khô vào một tô lớn. Tạo một miệng giếng ngay giữa, đập trứng vào rồi khuấy hỗn hợp bơ sữa đang để ấm. Từ từ trộn cho đến khi một khối bột nhão hình thành ở thành tô.
Đưa khối bột ra ngoài trên bàn bếp được bôi ít dầu (không phủ bột) và nhào bằng tay trong 5 phút. Ban đầu khối bột trở nên mềm và dính, nhưng sau đó càng nhào nặn càng bớt dính. Tương tự, có thể dùng máy xay đứng loại cố định có gắn móc câu.
Tráng ít dầu vào tô, cho khối bột vào. Phủ lên một lớp màng phim hoặc một chiếc khăn lau bát đĩa và để bột nở ở nơi nhiệt độ ấm trong 30-60 phút hoặc đến khi bột nở to gấp đôi.
Trong khi đợi bột nở thì làm nhân bánh. Trộn hết nguyên liệu vào một tô khác cho đến khi thật mềm.
Cuốn bột lại trên nền bàn bếp được phủ bột trên mặt bàn thành hình chữ nhật với kích thước 35 x 25cm và dày 3mm. Rải nhân bánh quế trên bột và bắt đầu từ cạnh dài, cuộn bột chặt như bánh cuốn Thụy Sĩ, kết thúc với một đường nối bên dưới. Cắt thành 10 cuộn bánh dày chừng 2,5cm.
Đặt lên giấy nướng bánh, chừa khoảng cách giữa các bánh, hoặc cho vào từng khuôn bánh hoặc từng phần, sau đó đậy lại, để trong nhiệt độ ấm tầm 30 phút cho đến khi bột bánh có cảm giác đàn hồi khi chạm nhẹ vào.
Về lớp phủ bánh, quét lên bánh hỗn hợp trứng đánh và rải đường lên trên. Trong khi đó, làm nóng lò ở 200°C.
Nướng bánh trong 20-25 phút cho đến khi chín vàng rượm.
Đặt bánh lên giá đỡ và để một lúc cho nguội bớt. Bánh ăn ngon nhất khi còn ấm.
VAI TRÒ CỦA ẨM THỰC TRONG XÃ HỘI
- chúng ta biết nói gì khác đây?
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Ước tính cứ mười người Thụy Điển thì có một người ăn chay hay thuần chay.
NGƯỜI THỤY ĐIỂN LÀ NHỮNG NGƯỜI SÀNH ĂN CẦU KỲ?
Cũng có thể như vậy lắm. Với họ, quá trình thưởng thức cũng quan trọng như kết quả sau cùng là ăn no. Vậy nên nếu bạn hỏi ý tôi, thì tôi cho rằng đây là một cách tiếp cận khá lagom trong ăn uống.
Mùa hè năm ngoái chỉ một chút nữa thôi là tôi trở thành người ăn thuần chay. Chúng tôi đến Thụy Điển ở chơi vài tuần và được phục vụ nhiều món chay ngon miệng, đến độ thịt bỗng trở thành món vô nghĩa với tôi. Ngoài ra, các trang blog về ẩm thực thuần chay cũng như sách hướng dẫn nấu chay xuất hiện nhan nhản ở đất nước này cũng là một động lực rõ ràng để những người như tôi trở thành người ăn chay.
Dĩ nhiên xu hướng ăn chay không chỉ xuất hiện ở Thụy Điển, nhưng thường thì người Thụy Điển sẽ tìm hiểu đến nơi đến chốn mọi xu hướng mới và họ sẵn sàng học nướng loại bánh nổi tiếng nhất. Có khi họ còn thử làm tại nhà món da-ua dừa. Không lagom lắm, phải không? Để hiểu cách người Thụy Điển tiếp cận với ẩm thực, bạn phải xem xét vai trò xã hội của nó. Được xem là rất hữu dụng, được sử dụng ở mức vừa phải và không bao giờ bị lãng phí chỉ vì sự lịch thiệp, thức ăn không chỉ đơn thuần là trải nghiệm về cảm giác đói-no. Đối với người không quen nói chuyện phiếm, ẩm thực trở thành một đề tài thảo luận. Người Thụy Điển nói về đồ ăn, nếm thử món ăn của nhau, chia sẻ công thức nấu ăn hoặc đơn giản là thưởng thức trong im lặng. Chúng tôi lên kế hoạch ăn món gì, nấu ăn và thưởng thức. Lượng thức ăn không quan trọng – việc thực hiện và trải nghiệm mới là mấu chốt.
Bổ sung nguyên liệu lagom
Từ quan điểm lagom, ẩm thực thực sự rất ý nghĩa. Tất cả chúng ta đều cần ăn, và bằng việc kết hợp nhu cầu thiết yếu này với trải nghiệm xã hội – có lẽ là bằng cách gặp gỡ những người hàng xóm để cùng làm kẹo nhân dịp Giáng sinh hoặc cùng nhau làm món mì ống đơn giản mỗi khi bạn bè đến chơi – bạn đã hướng đến sự cân bằng thông qua việc giảm chi phí cũng như các chất phụ gia, thêm vào đó là cơ hội để bạn thực sự chú tâm vào thời điểm hiện tại. Các bữa tiệc theo kiểu mỗi người đều mang theo món ăn để góp với chủ nhà rất phổ biến ở Thụy Điển, và các buổi dã ngoại là một phần của đời sống xã hội.
TỔ CHỨC MỘT BUỔI DÃ NGOẠI
- tiệc tùng theo cách lagom, rẻ và dễ dàng
BUỔI DÃ NGOẠI YÊU THÍCH CỦA TÔI?
Một buổi tiệc sinh nhật ở công viên.
Hãy quên các trung tâm vui chơi vô hồn hoặc cảnh lũ trẻ đạp rầm rầm vào tường nhà bạn.
Hãy quên việc đặt bàn tại nhà hàng lớn và cảm giác khó xử khi chia tiền để trả hóa đơn. Tự phục vụ các món ngon mình thích hoặc yêu cầu bạn bè góp thêm thức ăn – với một tấm trải dưới những tán cây xanh, một cây đàn guitar hoặc chiếc loa di động, một bữa tiệc dã ngoại khiến cho một sự kiện trở nên khiêm tốn nhưng đáng yêu.
Tôi yêu thích các buổi dã ngoại từ khi còn rất nhỏ. Hồi còn đi học mẫu giáo, chúng tôi đi dã ngoại ở rừng vì đó là hoạt động tất yếu của trường. Mỗi khi hè về, chúng tôi lại có tiệc dã ngoại ở sau vườn nhà cùng với các trò chơi trốn tìm hay lắc vòng hula và trò lộn nhào. Khi lớn hơn một chút, tôi bắt đầu hẹn gặp bạn bè trong công viên hoặc bên cạnh hồ những khi trời đẹp (ánh nắng mặt trời là một điều rất thiêng liêng đối với người Thụy Điển, không phải là chuyện để đùa hay xem thường). Và sau này chúng tôi vẫn thường mang vài lon bia, ôm cây guitar ra công viên để tiệc tùng vì giá cả trong những quán bar có vẻ đắt đỏ còn không gian trong đó thì lại chật hẹp.
Khác với những sự kiện khác, các buổi dã ngoại thường bổ trợ cho một số hoạt động khác của người Thụy Điển. Hãy hỏi người Thụy Điển về phần hay nhất của những kỳ nghỉ trượt tuyết, chắc chắn họ sẽ nhắc đến bánh sandwich và một cốc sô-cô-la nóng trên những triền núi đầy nắng. Có thể không giống buổi dã ngoại truyền thống của bạn, nhưng nhìn chung thì thức ăn ngon luôn chuẩn bị sẵn chờ bạn thưởng thức.
Nghĩ về chuyện dã ngoại
Tôi yêu thích những chuyến dã ngoại là do mọi thứ có thể linh động và được sắp xếp dễ dàng. Bạn có thể chọn đi biển, núi, hoặc chỉ đơn giản là vào công viên với mấy người bạn. Thức ăn mang theo thì có salad mì ống, salad hoa quả, bánh ngọt, bánh sandwich và một chiếc bình cà phê giữ nhiệt là được. Nếu bạn là mẫu người thích sự ngẫu hứng, hãy ghé cửa hàng mua một ít bánh mì, trứng và sốt. Nếu có thể mang theo một chiếc chăn thì thật tuyệt vời. Nếu không thì dùng áo khoác cũng được. Dù cách nào thì bạn vẫn sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ so với việc đi ăn ngoài quán. Đã thế bạn còn được tận hưởng ánh nắng mặt trời, không khí trong lành và những khoảnh khắc bên bạn bè.
“Ánh nắng mặt trời là điều rất thiêng liêng đối với người Thụy Điển, không phải là chuyện để đùa hay xem thường.”
NƯỚC MẬT HOA CƠM CHÁY
Hoa cơm cháy (elderflower) tươi mát, hương mùa hè và có rất nhiều công dụng. Nếu muốn tìm thì bạn có thể thấy nó mọc đầy trong công viên cũng như ở những cánh đồng. Hoặc bạn cũng có thể tự trồng một ít trong vườn nhà. Khi có sẵn nước mật hoa cơm cháy trên kệ bếp, bạn có sẵn thức uống ngon để làm hài lòng cả trẻ con lẫn người lớn.
Định lượng: khoảng 2 lít
• 20 đầu cụm hoa, lắc cho côn trùng rớt ra nếu có
• 3 trái chanh, cắt lát
• 25g acid citric (có bán trên mạng)
• 1 lít nước
• 1kg đường kính trắng hoặc đường làm bánh
Đặt đầu cụm hoa cơm cháy, mấy lát chanh, acid citric vào một tô cách nhiệt.
Cho nước và đường vào một chảo lớn, đun riu riu ở nhiệt độ thấp cho sôi, thỉnh thoảng khuấy cho đến khi đường tan hết.
Đổ xi-rô đường vào hỗn hợp nguyên liệu trong tô và khuấy đều, để nguội. Dùng màng bảo vệ thực phẩm bọc lại và để qua đêm.
Chiết hỗn hợp qua rây, lọc qua một tấm vải mùng mỏng, đổ vào chai thủy tinh vô trùng rồi đóng nút chai. Đặt chai ở nơi có nhiệt độ mát để có thể bảo quản được đến 6 tháng.
NƯỚC GIẢI NHIỆT HOA CƠM CHÁY
Cho dù đó là thời gian dã ngoại hay bạn đang chuẩn bị cho tiệc thịt nướng trong vườn, món nước mật hoa cơm cháy nhà làm của bạn sẽ rất có ích khi mang lại một thức uống ngon, tươi mát và đặc biệt cho tất cả mọi người. Tiệc của người lớn? Hãy thêm vào chút rượu và cùng thưởng thức!
• 1 trái chanh xanh
• 5 trái chanh vàng
• Một vài nhánh bạc hà
• Vài viên nước đá
• Nước mật hoa cơm cháy
• Nước lạnh hoặc nước soda
Vắt chanh xanh vào ly lớn hoặc bình có tay cầm, sau đó làm tương tự với chanh vàng và cho vỏ chanh đã vắt vào cùng với bạc hà và vài viên nước đá.
Đổ đầy bình với 1 phần nước mật hoa cơm cháy và 10 phần nước hoặc soda nếu bạn thích uống nước có ga rồi khuấy lên.
BÁNH MÌ LÚA MẠCH ĐEN CÓ HẠT
Từ smörgåsboard cho tới sandwich một lát và bữa sáng đầy đủ, một công thức nướng ổ bánh mì lúa mạch đen là thiết yếu cho một người hâm mộlagom.
Số lượng: 1 ổ 900g
• Dầu hướng dương
• 250g bột lúa mạch đen
• 250g bột lúa mạch trắng, và thêm một ít để quét phủ trên bánh
• 2 muỗng cà phê muối nhuyễn
• 500ml nước sôi
• 2 muỗng cà phê bột nở
• 2 muỗng canh xi-rô màu tối hoặc mật ong đen
• 75g lúa mạch đen hạt tấm hoặc lúa mạch đen hạt vụn
• 75g hạt hướng dương
• 75g hạt lanh
Dùng dầu quét lên khuôn bánh bằng thiếc cỡ 900g.
Trộn các loại bột và muối lại với nhau trong một tô lớn. Rót nước sôi vào và trộn hỗn hợp thành một lớp bột nhão, mỏng. Để nguội.
Cho men bột nở và xi-rô hoặc mật ong khô vào hỗn hợp cùng với các hạt lúa mạch đen hạt tấm hoặc lúa mạch đen hạt vụn và gần hết các loại hạt, để dành một ít để rắc lên ổ bánh. Cho khoảng 2 muỗng canh nước vào rồi khuấy đều để hỗn hợp quện lại với nhau thành bột mềm nhưng không quá dính.
Đặt bột lên trên bàn bếp và nhào khối bột trong 5 phút cho đến khi thấy hỗn hợp mềm và kết cấu tốt. Tương tự, có thể dùng máy xay đứng loại cố định gắn móc câu để xay bột.
Tạo hình khối bột thành từng thanh như xúc xích với chiều dài bằng với khuôn ổ bánh. Đặt vào khuôn bánh đã chuẩn bị sẵn, quét nước lên mặt trên ổ bánh và rắc những loại hạt còn lại lên trên.
Che phủ bằng vải sạch ẩm và để ở nơi khô ráo, thoáng mát trong vài giờ, tốt nhất là qua đêm, cho đến khi khối bột nở hơn một chút – bột bánh sẽ không nở to gấp đôi, chỉ nở thêm tầm ¼.
Khi đã sẵn sàng mọi thứ, bật lò nướng ở nhiệt độ 200°C, Khi lò nóng, đặt một khay nướng chứa nước ở dưới đáy lò. Nướng bánh ở nhiệt độ trên trong 35-40 phút cho đến khi ổ bánh chuyển màu nâu, mặt trên bánh và phần đáy có vẻ rỗng khi bạn dùng tay gõ vào. Lấy bánh ra để trên giá đỡ và để nguội hoàn toàn trước khi cắt lát.
ẨM THỰC TÂN BẮC ÂU
- quay về với sự cơ bản bằng cách tự hái lượm và trồng trọt
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Có một tuyên bố về ẩm thực các nước Tân Bắc Âu được thiết lập năm 2004 bởi Claus Meyer và được một số đầu bếp nổi tiếng ở vùng này tham gia ủng hộ.
Trong số rất nhiều điều được đề cập đến, bản tuyên bố kêu gọi các đầu bếp nấu món ăn phù hợp với những thay đổi theo mùa và kết hợp nhu cầu ăn ngon với những kiến thức mới về sức khỏe.
Khi nhà hàng Noma của René Redzepi và Claus Meyer ở Copenhagen đạt được danh hiệu Nhà hàng Tốt nhất Thế giới vào năm 2014 lần thứ tư trong 5 năm, người ta biết rằng rõ ràng cơn sốt về ẩm thực của các nước Bắc Âu là có thật và cơn sốt này nhanh chóng lan tỏa trên toàn cầu. Ẩm thực Bắc Âu chính là vừa thưởng thức thức ăn, vừa lagom, vừa tôn trọng thiên nhiên.
Đầu bếp Magnus Nilsson là người tiên phong trong xu hướng này: một người đàn ông mạnh khỏe với bộ râu ấn tượng, phục vụ thực khách những món ăn từ nguyên liệu nhà trồng, tự hái lượm và săn bắn bằng chính đôi bàn tay của mình, trong một ngôi nhà ở vùng nông thôn, xung quanh không có gì ngoài núi rừng. Daniel Berlin, một trong những đầu bếp giỏi của Thụy Điển theo bảng xếp hạng trong lĩnh vực ẩm thực, cũng có tư tưởng tương tự và nhấn mạnh rằng việc cắt bỏ khâu trung gian là để kiểm soát chất lượng, quý trọng những gì chúng ta có và tận dụng được các nguyên liệu chất lượng ở địa phương.
Tham gia vào phong trào thức ăn chậm
Săn bắn có thể gặp phải các câu hỏi hóc búa về mặt đạo đức đối với một số người, nhưng xu hướng tự trồng trọt đang bùng nổ. Ban công của các căn hộ chung cư ở Thụy Điển tràn ngập cà chua và hương thảo, còn các khu vườn thì trồng rất nhiều cải bắp, cải ngọt và cà rốt.
Ở thời đại trái đất nóng dần lên và lãng phí thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối, có một cái gì đó rất lagom khi bạn tự trồng trọt và tiêu thụ thành quả lao động của chính mình. Theo đó, tự cung theo mô hình này không cần phải đi nửa vòng trái đất như thực phẩm nhập khẩu, chi phí phải chăng và bạn có thể lên thực đơn dựa trên những gì bạn có quanh góc vườn.
ALLEMANSRÄTTEN – QUYỀN “TỰ DO LANG THANG”
Allemansrätten là cách nói về quyền tự do lang thang của người Thụy Điển, cho phép một cá nhân được tiếp cận, đi bộ, đạp xe, lái xe, trượt tuyết và cắm trại tại bất cứ khu vực nào không thuộc tài sản cá nhân của người khác hoặc thuộc đất trồng trọt.
BÍ QUYẾT
Lên xe, đạp đến những khu rừng hoặc nơi có những giậu cây và dành cả ngày để nhặt nhạnh và hái lượm hoa trái trong không gian yên bình. Đừng quên tận hưởng giờ fika với một bình sô-cô-la nóng hoặc cà phê và một lát sandwich. Sau đó hãy về nhà với hoa cơm cháy để làm nước mật, quả mọng để làm mứt hoặc một giỏ đầy nấm rừng để rán bơ, ướp muối biển, tiêu đen và dọn ra ăn cùng bánh mì giòn.
Xu hướng tự hái lượm không có gì mới. Vào mùa hè, những khu rừng ngập tràn quả việt quất; mùa tựu trường đến, nấm mồng gà bắt đầu vàng rực, Instagram vì thế cũng đầy hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp khi mọi người cùng túa vào rừng. Trong mắt người ngoại quốc, những hình ảnh đó có thể nhìn như có sự sắp đặt, nhưng cảm xúc là thật – có lẽ nó liên quan đến allemansrätten. Chính allemansrätten khiến cho đất nước Thụy Điển trở thành không gian hợp pháp cho mọi công dân cũng như khách du lịch.
Tự nướng bánh và tự chưng cất
Để lagom ngay trong nhà, hãy nướng bánh – tự làm bánh mì hoặc thử công thức làm bánh lúa mạch đen như đã đề cập ở phần trước, hoặc thử chưng cất. Xu hướng bia tươi có thể đang phát triển mạnh trên toàn cầu, nhưng người Thụy Điển đặc biệt quan tâm đến việc tự chưng cất rượu bia. Có một cộng đồng những người đam mê chưng cất cho bất cứ ai cần được tư vấn, bên cạnh vô số các cửa hàng bán dụng cụ chưng cất. Cả việc nấu nướng tại nhà và chưng cất đều có những lợi ích bổ trợ cho lối sống lagom.
CÚ HÍCH CUỐI HÈ
- ăn mừng quà tặng của thiên nhiên
Liệu hình ảnh một nhóm người lớn đội mũ ngớ ngẩn, vừa hát vang vừa xì xụp ăn tôm càng thì có ngược lại với lagom không? Để tôi giải thích. Lễ hội tôm càng hàng năm có nguồn gốc từ một lệnh cấm đánh bắt tôm càng của Thụy Điển vì lo sợ đánh bắt vô tội vạ sẽ khiến tôm càng bị tuyệt chủng. Ngư dân không được phép đánh bắt tôm càng trong tháng Sáu và tháng Bảy; một số nơi cấm đánh bắt trước ngày 7 tháng Tám. Chính vì vậy, ngày 8 tháng Tám là ngày ăn mừng tôm càng rộng rãi trên toàn quốc.
Giống như các truyền thống khác của người Thụy Điển, những buổi tiệc ăn tôm càng vui vẻ được là nhờ thời tiết khô ráo, vì tiệc này tốt nhất nên tổ chức ngoài trời, lý tưởng nhất trong khung cảnh gần sông nước. Trong những bữa tiệc đứng smörgåsbord này, tôm càng tất nhiên là món chính, ngoài ra còn có các món khác như bia, các loại salad, rượu và bánh kít. Quan trọng nhất, bạn bè và gia đình cùng quây quần bên nhau, tận hưởng thiên nhiên để ăn mừng – và bạn nhớ cho, họ có thể chọn đề tài ẩm thực để bàn luận.
BÁNH KÍT PHÔ MAI VÙNG VÄSTERBOTTEN
Bánh kít phù hợp với cách ẩm thực lagom không chỉ vì loại bánh này phù hợp như một món của tiệc đứng mà nó cực kỳ đa năng khi luôn là món hoàn hảo để mang đến tiệc góp món hoặc dã ngoại. Công thức với thành phần phô mai này đặc biệt thích hợp cho tiệc ăn mừng và những dịp đặc biệt.
Dành cho: 6 người (hoặc nhiều hơn nếu làm món của tiệc đứng)
Làm vỏ bánh:
• 175g bột mì
• 125g bơ mặn giữ lạnh, cắt hạt lựu
• 2 muỗng canh nước đá
Làm nhân bánh:
• 3 quả trứng
• 100ml sữa
• 150ml sữa kem béo
• 150g phô mai Västerbottensost bào vụn
• Một chút muối
• Hạt tiêu tươi vừa nghiền
• Làm nóng lò ở 220°C.
Để làm vỏ bánh, đặt bột mì và bơ trong một cái tô, dùng ngón tay miết cho đến khi có một tô bột thật tơi. Khuấy nước vào vừa phải, trộn hỗn hợp thành một khối bột nhão.
Nhào hỗn hợp bánh có đường kính 24cm thành hình tròn hoặc khuôn bánh bằng thiếc. Nướng bánh trong 10-12 phút cho đến khi vàng.
Làm nhân bánh, khuấy trứng, sữa và kem với nhau trong tô cho đến khi hỗn hợp đều và mịn, sau đó cho thêm phô mai vụn vào và khuấy tiếp. Nêm muối và tiêu. Cho hỗn hợp bột vào khuôn bánh và nướng trong khoảng 20 phút cho đến khi nhân bánh đặc lại. Để nguội.
MỨT VIỆT QUẤT VÀ VANI
Tùy vào nơi bạn ở mà có thể bạn sẽ không thưởng thức được món tôm càng vào tháng Tám, cũng có thể bạn không có sẵn bánh kít phô mai để ăn với tôm càng. Nhưng quả việt quất thì luôn dễ kiếm – trong cửa hàng có bán sẵn, hoặc bạn có thể tự thu hoạch quanh nhà nếu đủ may mắn.
Định lượng: khoảng 1 lít
• 900g quả việt quất tươi
• 450g đường mứt
• 4 muỗng canh nước
• ½ tép hạt vani
Đặt hai đĩa trong ngăn tủ lạnh làm đá.
Cho tất cả các nguyên liệu vào một cái chảo lớn, đáy chảo dày hoặc chảo giữ nhiệt. Đun sôi từ từ trên lửa nhỏ, thỉnh thoảng khuấy cho đến khi đường tan ra, rồi đun lửa nhỏ trong 10 phút.
Tăng lửa, đun sôi nhanh trong 15-20 phút hoặc cho đến khi mứt đặc lại. Thử xem mứt đặc chưa bằng cách đặt một muỗng canh đầy mứt vào đĩa lạnh và để nguội trong vài phút. Dùng tay ấn nhẹ vào để kiểm tra mứt đặc lại hay chưa.
Nhấc chảo ra khỏi bếp và để cho mứt nguội. Gắp vỏ tép hạt vani ra, sau đó đong mứt vào hũ đã được vô trùng và đậy kín. Trữ ở nơi mát, khô, tối.
TÌNH YÊU VỚI KHU VƯỜN
- chuyên gia tự-trồng-trọt chia sẻ bí quyết
GẶP GỠ JESPER JANSSON
Jesper, 33 tuổi, là một tài xế tàu điện ngầm và nghệ sĩ vẽ hoạt hình tự do. Anh sống trong một căn hộ tại khu ngoại ô Bandhagen ở Stockholm với sambo (có nghĩa là người bạn đời mà bạn chung sống) Sofia, 35 tuổi, cùng con gái Alva 5 tuổi và Ellidhi sắp 1 tuổi (đứa con mà hiện giờ anh đang nghỉ phép để chăm con). Jesper và Sofia có riêng cho mình một khu vườn để trồng trọt từ năm 2010, khi họ quyết tâm sống tự cung tự cấp dù đang sống ở một thành phố lớn.
Nếu chủ nghĩa tiêu dùng cùng với hàng hóa đa quốc gia là đối nghịch với lối sống thân thiện với môi trường và tiêu dùng vừa phải, thì còn gì lagomhơn việc có thể sản xuất lương thực ngay cạnh nhà, kiểm soát được việc chăm bón cây bằng chất không gây hại môi trường và kiểm soát luôn việc mình sẽ trồng gì. Một người làm vườn dày dạn kinh nghiệm chia sẻ.
Tác động của cuộc sống tự trồng trọt
“Ban đầu, chúng tôi đã tập trung vào việc làm sao để có khả năng tự cung tự cấp và tiết kiệm tiền bằng cách tự trồng rau. Chúng tôi đã lựa chọn một số lượng lớn các loại cây trồng có thể trữ lâu như khoai tây và tỏi và thực sự chúng tôi đã có thể tự cung tự cấp những loại đó trong vài năm đầu.
Sau một thời gian, việc trồng trọt bắt đầu được thực hiện ở một chức năng cao hơn nhiều. Ngoài chức năng cung cấp các nguyên liệu tươi ngon, những khu vườn này đã trở thành một ốc đảo để chúng tôi tìm đến mỗi khi muốn thoát khỏi thế giới bên ngoài. Đó thực sự là một nơi yên bình và tươi đẹp.
Mỗi khi mệt mỏi với cuộc sống bên ngoài, chúng tôi có thể ra “ốc đảo” đó và trở về với thiên nhiên ngay trong chính căn hộ của mình. Còn gì tuyệt hơn thế.
Những việc mà chúng tôi thường làm vào một ngày bình thường đó là cắt cỏ, dọn vườn; ngoài ra chúng tôi còn chơi đùa với con cái và tất nhiên là chế biến những món ăn chay.”
TRỒNG TRỌT TRONG KHÔNG GIAN CHẬT HẸP
Bạn không có khu vườn riêng nào ư?
Hãy bắt đầu trên ban công hoặc mái hiên với các loại thảo mộc, ớt hoặc các loại rau diếp khác nhau, tất cả những cây này tương đối dễ trồng trong các thùng nhỏ và tốn rất ít không gian. Bạn cũng có thể thử trồng một vài giống khoai tây trong một cái xô.
LỜI KHUYÊN TỪ CHUYÊN GIA
# 1: Trước hết, hãy nghĩ kỹ
Bạn muốn làm gì với cây trồng của mình và có thể xử lý được bao nhiêu? Không có gì tồi tệ hơn là có một vụ mùa bội thu nhưng rồi không thể ăn hết những gì mình trồng, cũng không thể xử lý kịp thời trước khi tất cả đều bị hỏng.
# 2: Kết hợp trồng với các loại hoa
Chúng tôi luôn cố gắng trồng xen kẽ một số loại hoa giữa các luống rau xanh. Việc này không chỉ giúp hạn chế bớt cỏ dại, bảo vệ cây trồng khỏi một số loại sâu bệnh mà còn tạo ra những khoảng không gian đẹp tuyệt vời.
# 3: Thử bón phân xanh
Bón phân xanh là cách giúp đất phục hồi. Lưu ý, nên trồng nhiều loại cây có nhu cầu sử dụng chất dinh dưỡng trong đất khác nhau, và sau khi thu hoạch thì nhớ diệt cỏ.
# 4: Canh tác luân phiên
Bằng cách luân phiên cây trồng ở các góc vườn khác nhau qua mỗi mùa, bạn có thể ngăn ngừa xói mòn đất đồng thời kiểm soát được dịch bệnh.
# 5: Gieo mầm mùa đông
Gieo mầm mùa đông, có nghĩa là vào mùa đông bạn gieo hạt trong chậu mini và sau đó mang chúng ra ngoài trong các hộp được đậy kín khi thời tiết bớt lạnh, cây của bạn sẽ bắt đầu mọc sớm hơn. Áp dụng với hầu hết các loại cây trồng và rất hữu ích trong điều kiện khí hậu lạnh.
Thành quả lao động
“Hầu như lúc nào chúng tôi cũng trồng tỏi, dưa chuột, cà chua và khoai tây; ngoài ra còn có các loại cải xoăn và cải bắp, vì những loại này cần ít sự chăm sóc và có thể sống sót qua mùa đông. Các món yêu thích khác là bí đỏ, bí xanh, củ cải đường và các giống rau củ quả khác, tất cả đều dễ trồng và phù hợp với khí hậu của Thụy Điển.
Chúng tôi cũng có một số thảm rau củ với quả phúc bồn, quả lý gai, các loại thảo mộc khác nhau kéo dài suốt mùa đông như húng tây, hẹ, bạc hà, ngải giấm, và chúng tôi thường để cho cây sen cạn leo lên giàn cây trồng của mình, vì hoa sen cạn rất đẹp và ăn cũng ngon nữa.”
MỌI THỨ ĐIỀU ĐỘ
- tiết kiệm, thưởng thức đồ ngọt và ăn sáng nghiêm túc
Nếu không phù hợp với ẩm thực kiểu Tân Bắc Âu và không có ý định tự trồng rau, làm thế nào bạn có thể trau dồi mối quan hệ lagom với thực phẩm trong cuộc sống hàng ngày? Hãy để người Thụy Điển mách nước.
Pyttipanna và quý trọng đồ ăn thừa
Nếu bạn đang tìm kiếm trải nghiệm người sành ăn, hãy chịu khó bỏ công. Nhưng nếu bạn muốn một bữa ăn nhanh chóng và dễ dàng để giảm thiểu sự lãng phí thực phẩm đồng thời tiết kiệm tiền, thì pyttipanna là lựa chọn rất tốt. Tình yêu của người Thụy Điển dành cho đồ ăn thừa là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy họ không phải là người sành ăn đua đòi; họ sẽ không chỉ vui vẻ phục vụ Snabbmakaroner (mì ống ăn liền) và xúc xích cắt sẵn từ hôm qua cho bữa ăn tối, mà thậm chí còn làm được cả món ăn truyền thống của quê hương chỉ dựa vào đồ ăn thừa. Cắt nhỏ khoai tây, thịt viên, cà rốt, xúc xích hoặc những gì còn sót trong tủ lạnh, sau đó chiên bơ, thêm vào một quả trứng chiên hoặc củ cải đường. Và thế là món pyttipanna sẵn sàng, một món mới hoàn toàn được nấu bởi đồ ăn thừa.
Bản thân tôi biết cách nấu nhanh món Bolognese rau củ chay với bất cứ thứ gì trong tủ lạnh hoặc trong bếp. Tôi sẽ cắt nhỏ cà rốt, cà chua, thêm vào cần tây, hành tây, đậu đỏ và một thìa bơ hạt. Đó là sự sáng tạo kết hợp với việc không kỳ vọng đòi hỏi cầu kỳ, đổi lại là ta có thể tiết kiệm thời gian, tiền bạc và hạn chế được tác động của mình đối với môi trường.
Lördagsgodis – món thưởng tuần một lần
Nói một cách thẳng thắn thì không có gì lagom về lördagsgodis, truyền thống “ngày thứ Bảy ăn kẹo”. Vào ngày này, người Thụy Điển sẽ ăn sạch sành sanh nhiều loại kẹo khác nhau được đựng trong một túi giấy to. Theo nhiều cách, đó chẳng khác nào ăn như lợn, và người Thụy Điển lại thích điều này. Nhưng đặt “ngày thứ Bảy ăn kẹo” này vào đúng bối cảnh, bạn sẽ thấy nó phản ánh rõ sự “điều độ” của người Thụy Điển. Nếu bạn để dành chuyện ăn các món chiên giòn riêng cho fredagsmys và chỉ ăn kẹo khi lördagsgodis, có lẽ bạn đang rất điều độ đấy thôi.
Bữa sáng – bữa ăn quan trọng nhất trong ngày
Trong tất cả những cú sốc văn hóa ẩm thực mà tôi đã trải qua kể từ khi rời quê hương, thì cấu trúc của bữa ăn trong ngày có lẽ là khó hiểu nhất. Các lớp học kinh tế gia đình Thụy Điển vốn là lớp bắt buộc phải học ở trường, đều nhấn mạnh thông điệp về tallriksmodellen, “mô hình dĩa”, cho rằng mỗi bữa ăn được làm từ một số lượng cụ thể của ngũ cốc và carbohydrate, đạm và rau củ quả, cùng với học thuyết về lương thực của người Thụy Điển – rằng bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Hãy quên đi ngũ cốc ăn liền và bánh mì trắng. Bỏ qua những xu thế gần đây về việc cắt giảm bữa ăn sáng để giảm cân. Cách lagom là ăn đầy đủ trong suốt cả ngày – không quá ít và không quá nhiều – và giữ mức đường trong máu của bạn ổn định hết mức có thể. Điều đó bao gồm một bữa sáng chất lượng, có thể là cháo và quả mọng hoặc bánh mì gạo lứt và trứng.
Mellis hoặc món ăn nhẹ lagom
Sau bữa ăn sáng đủ đầy, người Thụy Điển có mellis – một bữa ăn nhẹ đáng kể – và sau đó là một bữa trưa với thức ăn được nấu, tiếp theo là mộtmellis và một bữa ăn tối với thức ăn được nấu. Mỗi mellis có thể được thay thế hoặc bổ sung bằng fika. Điều bí ẩn lớn nhất trên thế giới đối với người Thụy Điển là làm thế nào mà trẻ em ở nơi khác có thể không ăn gì khác ngoài bánh sandwich và khoai tây chiên giòn cho bữa ăn trưa ở trường mà vẫn có năng lượng để học. Tất nhiên, bọn trẻ vẫn có năng lượng để học hành đấy thôi, nhưng việc này ngược lại với quan điểm của người Thụy Điển nên họ vẫn không thể tin được. Ăn ít và ăn thường xuyên không phải là mốt ở Thụy Điển – mà việc ăn uống hoàn toàn tự nhiên, miễn là những gì bạn ăn được nấu chín và điều độ. Bạn không cần đến tám miếng khoai tây khi mà chỉ hai giờ sau đó sẽ đến bữa ăn nhẹ lành mạnh.
ĂN MỪNG NHƯ MỘT NGƯỜI THỤY ĐIỂN
- với các món ăn nhà nấu và món ăn vặt theo mùa
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Mỗi năm, người Thụy Điển tiêu thụ khoảng 20 triệu bánh semlor hay còn gọi là bánh mì Mùa Chay.
Với lördagsgodis và fika trong tâm trí, không có gì ngạc nhiên khi người Thụy Điển biết cách ăn mừng. Ăn mừng là cách hoàn hảo để đánh dấu các sự kiện lớn trong cuộc sống, nhưng người Thụy Điển không ăn mừng bằng việc tiêu thụ vô độ những thực phẩm chế biến sẵn mà bằng cách sử dụng những món quà của thiên nhiên và di sản ẩm thực địa phương. Truyền thống ẩm thực Thụy Điển thường liên quan đến các mùa và lễ hội cụ thể.
BÁNH MERINGUE DÂU
Bánh meringue dâu mẹ tôi làm luôn khiến tôi nhớ về những dịp sinh nhật hồi mình còn nhỏ; nhưng với công thức kinh điển của Thụy Điển thì món bánh này có thể được dùng trong những tiệc hè hoặc fika.
Số lượng: 10 – 12 người dùng
Đối với bánh xốp:
• dầu hướng dương
• 3 lòng đỏ trứng
• 150g đường cát trắng
• 1 muỗng canh đường vani
• 75ml (5 muỗng canh) sữa tươi
• 50g bơ, đã tan và để nguội
• 150g bột mì
• 2 muỗng cà phê bột nướng bánh
Đối với meringue
• 4 lòng trắng trứng
• 150g đường làm bánh
• 65g hạt hạnh nhân nướng và cắt nhỏ
Đối với nhân bánh và trang trí:
• 400ml kem đặc béo hoặc kem bông tuyết
• 400g dâu tây, đã làm sạch và cắt lát
Làm nóng lò ở 180°C.
Lót giấy nướng bánh vào hai khuôn bánh tròn 20cm và phết nhẹ dầu lên.
Đối với bánh, đánh lòng đỏ trứng, đường làm bánh và đường vani (hoặc chiết xuất vani) chung trong một tô lớn cho đến khi mịn như bông gòn và có màu nhạt. Rót sữa và cho bơ vào. Rây bột làm bánh và bột nướng bánh trong một tô, sau đó nhẹ nhàng gấp lại thành hỗn hợp đã nhào. Đổ đều hỗn hợp bột vào khuôn nướng bánh đã chuẩn bị.
Đối với meringue, trong một tô lớn riêng, thật sạch và không có dầu mỡ, hãy khuấy lòng trắng trứng cho đến khi chúng tạo hình chóp đứng vững, sau đó khuấy đường vào cho đến khi hỗn hợp dẻo và láng bóng, cách này sẽ tạo ra một meringue dẻo và dai. Trải đều lên hỗn hợp bánh mứt trên bánh bột và rắc hạt hạnh nhân. Nướng trong 20 phút cho đến khi vàng.
Để bánh nguội trong khuôn, sau đó tháo ra và tách vỏ giấy nướng bánh được lót ban đầu.
Quết nhẹ kem bông bằng cây đánh trứng cho đến khi kem tạo hình dạng đỉnh mềm. Cắt một nửa bánh đặt một bên lên dĩa, bên còn lại xếp dâu cắt lát và kem bông. Phần còn lại làm tương tự vào đĩa và đầu với chỉ hơn một nửa kem và một nửa dâu tây cắt lát. Tương tự với nửa bánh còn lại và thêm kem bông và dâu tây.
GLÖGG
- rượu nóng để nhâm nhi
Mùa Vọng là một thời gian rất đặc biệt ở Thụy Điển. Trong bốn ngày Chủ nhật trước Giáng sinh, người Thụy Điển bắt đầu thắp những ngọn nến, tô điểm cho cửa sổ bằng đèn sao và nến Mùa Vọng đồng thời nướng bánh để chuẩn bị cho mùa lễ hội. Trong khi lễ Giáng sinh được xem là một bữa tiệc thịnh soạn dễ khiến người ta choáng ngợp bởi thức ăn và màu sắc thì Mùa Vọng rất lagom. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người Thụy Điển thực sự thích Mùa Vọng hơn cả ngày lễ trọng đại Giáng sinh. Cứ mỗi cuối tháng Mười Một hàng năm, tôi thường đã sẵn sàng tinh thần đón Giáng sinh – tất nhiên không thể nào thiếu glögg.
Số lượng: khoảng 15 cốc nhỏ
• Chai rượu vang đỏ 75cl
• 250ml nước ép táo không đường
• 2 lát nhỏ gừng khô hoặc 2,5cm lát gừng tươi
• 1 lát vỏ cam đắng
• 2 thỏi quế nhỏ
• 10 cây đinh hương
• ½ muỗng cà phê tép bạch đậu khấu
Trình bày:
• Lát cam
• Thỏi quế nhỏ
• Đại hồi
• Nho khô và hạnh nhân đã chần qua (tùy chọn)
Cho tất cả nguyên vật liệu, trừ những thứ để trình bày, vào một cái chảo và đun nóng ở lửa nhỏ cho đến khi thấy hơi bốc lên từ hỗn hợp trong chảo, khuấy đều tay.
Tắt lửa, đậy chảo lại và để nguội qua đêm.
Khi đã sẵn sàng để phục vụ, hãy hâm nóng nhẹ và cho vào ly nhỏ với lát cam, một cây quế nhỏ, một hoa đại hồi và rắc vài hạt nho khô và hạnh nhân đã chần qua, nếu thích.
Chúc sức khỏe hoặc skål*!
* Skål: đồng nghĩa “cheers” trong tiếng Anh, nghĩa là “chúc sức khỏe”.