(Oxford ngày 23/2/2016)
Tôi rất vinh dự có cơ hội nói về những trải nghiệm khi quốc tế hóa Vạn Đạt tại tiết học mở của trường Đại học Oxford, do thời gian có hạn, tôi xin phát biểu ngắn gọn, thời gian còn lại dành cho mọi người đặt câu hỏi. Tiêu đề của bài nói chuyện là “Quốc tế hóa Vạn Đạt”, nói về 4 điểm:
1 - LÝ DO QUỐC TẾ HÓA
Một là làm doanh nghiệp lớn. Có một số ngành muốn làm quy mô lớn buộc phải có đầu tư quốc tế, đặc biệt ngành giải trí, thể thao, thị trường nước ngoài phát triển hơn Trung Quốc, đây là nguyên nhân quan trọng để quốc tế hóa Vạn Đạt.
Hai là trở thành doanh nghiệp quốc tế. Năm 2015, có một lá đơn xin nghỉ việc nổi tiếng cả Trung Quốc, vị giáo viên viết trong đơn xin nghỉ việc rằng: “Thế giới rộng lớn như vậy, tôi muốn đi xem thử.” Tôi muốn mượn câu này để nói về Vạn Đạt, “Thế giới rộng lớn như vậy, tôi muốn xông pha một chuyến.”
Cốt lõi văn hóa doanh nghiệp của Vạn Đạt luôn là 8 chữ. Khi thành lập năm 1988, tôi đưa ra cốt lõi văn hóa doanh nghiệp là: “Thật thà làm người, sáng suốt làm việc”. Hồi đó Trung Quốc vừa cải cách mở cửa, làm ăn lừa đảo rất nhiều. Chúng tôi coi trọng thành thật, đề xướng “Thật thà làm người”, nhưng cũng phải “sáng suốt làm việc”, người khác lừa tôi một lần là lỗi của anh ta, nhưng lừa tôi hai lần thì là lỗi của tôi. Phát triển vài năm, công ty tích lũy được khối tài sản nhất định, cốt lõi văn hóa doanh nghiệp lại đổi thành: “Cùng tạo của cải, công ích xã hội”, đề xướng mọi người cùng tạo ra của cải, cùng đóng góp cho xã hội. Năm 2004, Vạn Đạt đã nâng cấp toàn diện văn hóa doanh nghiệp, rà soát tổng kết mục tiêu công ty, tôn chỉ phát triển và nguyên tắc kinh doanh của Vạn Đạt, đề xuất “Quốc tế Vạn Đạt, doanh nghiệp trăm năm”. Lúc đó hiểu được “doanh nghiệp trăm năm” là làm một doanh nghiệp trường tồn, nhưng “quốc tế Vạn Đạt” là thế nào thì còn chưa rõ, vì thế sau khi đưa ra khẩu hiệu này, quốc tế hóa vẫn chưa được thực hiện ngay, cho đến năm 2012 Vạn Đạt mới chính thức bắt đầu quốc tế hóa, nhưng điều này cho thấy chí hướng quốc tế hóa của Vạn Đạt đã có từ lâu.
Nói về việc quốc tế hóa Vạn Đạt còn có một câu chuyện, hình như là ý trời. Tên gọi sớm nhất của Vạn Đạt là Công ty Phát triển nhà Tây Cương, chủ yếu là khai thác phát triển bất động sản, năm 1992, công ty thực hiện chế độ cổ phần, thấy cái tên này quá quê mùa, quyết định đổi tên. Hồi đó còn tổ chức cuộc thi đặt tên công ty có thưởng, giải thưởng là 2.000 tệ, khoảng 200 người tham gia, chọn ra 10 người, từng người giới thiệu về logo và tên mà họ đặt, phương án của người thứ 3 và thứ 4 được tôi sử dụng. Đó là logo Vạn Đạt hiện nay, màu xanh đậm, chữ cái phiên âm WANDA của từ Vạn Đạt tạo hình thành sóng biển và con tàu. Vì sao lại dùng màu xanh? Vì Vạn Đạt là doanh nghiệp ra đời ở ven biển. Vì sao bên ngoài lại vẽ một vòng tròn? Người thiết kế nói là đi ra thế giới. Chúng tôi thấy ngụ ý này hay nên cho dùng luôn, hồi đó Vạn Đạt còn chưa đi khắp Trung Quốc. Vì thế, ngay từ thuở ban đầu, Vạn Đạt đã có chí trở thành doanh nghiệp quốc tế, nếu không có chí hướng và mục tiêu này e không thể đi đến ngày hôm nay.
Ba là tránh rủi ro kinh doanh. Có câu nói là, không nên để trứng trong một giỏ, phát triển xuyên quốc gia cũng có nghĩa là giảm bớt rủi ro kinh doanh cho doanh nghiệp. Một quốc gia phát triển tốt đến mấy thì cũng phải có lúc điều chỉnh kinh tế, nhưng xác suất kinh tế toàn thế giới cùng xuất hiện điều chỉnh lớn, suy thoái mạnh là cực kỳ thấp. Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc sắp xếp tài nguyên trên toàn cầu, tận dụng thị trường toàn cầu. Vì vậy, từ góc độ tránh rủi ro kinh doanh cho doanh nghiệp, chúng ta cũng nên đi con đường toàn cầu hóa.
2 - CHIẾN LƯỢC QUỐC TẾ HÓA
2.1 M&A là chính
Đầu tư tại hải ngoại của Vạn Đạt lấy sáp nhập là chính, đầu tư là phụ. Vì sao phải làm vậy? Vì từ cuộc cách mạng công nghiệp Anh đến nay, thị trường thế giới, đặc biệt là một số lĩnh vực thị trường chủ chốt, về cơ bản đều bị các công ty vào trước phân chia rồi. Như ngành tài chính, không thông qua sáp nhập, tự xông pha tạo dựng lại, tuy không thể nói là tuyệt đối không có cơ hội, nhưng cơ hội cơ bản là không có. Hiện nay Vạn Đạt làm lĩnh vực thể thao, quyền sở hữu, quyền phát sóng các giải thể thao thương hiệu quốc tế, cơ bản đều bị các công ty gia tộc lâu đời hoặc công ty xuyên quốc gia phân chia, chúng ta muốn nhập cuộc, chỉ có thể dựa vào việc mua lại. Có người nói trên truyền thông Trung Quốc rằng Vạn Đạt “chỉ biết mua mua mua”, tôi liền hỏi anh ta, nếu không mua, anh cho tôi biết phải làm thế nào?
2.2 Liên quan đến nhau
Có người nói doanh nghiệp Trung Quốc không mua trúng, chỉ mua đắt. Nhưng trọng điểm quốc tế hóa Vạn Đạt là ở chỗ mua trúng. Thế nào gọi là mua trúng? Chúng tôi có hai tiêu chuẩn, một là có liên quan đến sản nghiệp hiện có của Vạn Đạt. Lĩnh vực Vạn Đạt bước vào quốc tế hóa đều là những thứ Vạn Đạt đang làm, bất kể là bất động sản hay văn hóa, thể thao, du lịch, đều là những sản nghiệp mà Vạn Đạt hiện đang làm. Làm vậy lợi ở chỗ chúng tôi đã có tích lũy kiến thức và dự bị nhân sự nhất định, hiểu ngành đó là thế nào. Hai là M&A xuyên quốc gia hay đầu tư dự án, Vạn Đạt đều yêu cầu những nghiệp vụ này có thể chuyển về Trung Quốc, có thể phát triển nhanh hơn ở Trung Quốc. Lấy ví dụ vụ M&A công ty thể thao, năm 2015, Vạn Đạt thực hiện phi vụ sáp nhập với Công ty WTC (Mỹ) lớn nhất thế giới, sáp nhập chưa đến nửa năm, chúng tôi đã đưa giải đấu của WTC về Hạ Môn và Hợp Phì, Trung Quốc. Trước đây giải đấu này ở Trung Quốc không ai biết đến, sau khi chúng tôi quảng bá, mọi người mới biết ba môn phối hợp là gì. Số người tham gia ba môn phối hợp này ở Trung Quốc ít vô cùng, 1,3 tỷ dân nhưng chỉ hơn 200 người tham gia. Chúng tôi quảng bá giải đấu này ở Trung Quốc, ít ra cũng thu hút được vài trăm nghìn người tham gia. Trung Quốc đang bước vào thời đại chăm sóc sức khỏe, thời đại toàn dân chạy bộ, có không gian phát triển rộng mở. Ở nước ngoài, WTC rất khó thực hiện tăng trưởng nhanh, thường thì tăng vài phần trăm là đã tốt lắm rồi, chỉ có ở Trung Quốc mới có thể thực hiện nhiều điểm tăng trưởng hơn, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn.
3.2 Nhân tài bản xứ
Quốc tế hóa Vạn Đạt nhấn mạnh sử dụng nhân tài bản xứ. Năm 2012 khi Vạn Đạt mua lại Hệ thống rạp chiếu phim AMC của Mỹ, do AMC là kênh sản xuất và phát hành phim nên chính phủ Mỹ có hạn chế nhất định với các vụ M&A loại công ty này. Tôi đến gặp ông Lạc Gia Huy, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, nhờ ông viết cho tôi một lá thư giới thiệu gửi đến chính phủ Mỹ. Đầu tiên, ông Lạc hỏi tôi, Vạn Đạt mua lại AMC, có phải định bán hàng loạt phim Trung Quốc sang Mỹ không? Tôi nói điều này không khả thi cho lắm, dù tôi có muốn bán phim Trung Quốc sang Mỹ thì cũng phải xem liệu có đông khán giả đến xem không, phim không hay, khán giả họ sẽ bỏ về ngay. Sau đó ông Lạc lại hỏi, có phải Vạn Đạt định cử người sang Mỹ quản lý không? Tôi nói sẽ không có chuyện đó, sau khi sáp nhập, các nhà quản lý cấp cao công ty đi hết, cũng có nghĩa là vụ M&A đã thất bại. Ông Lạc rất vui, liền viết thư giới thiệu cho chúng tôi, cộng thêm một số nhân tố khác, cuối cùng thương vụ Vạn Đạt mua lại AMC cũng được chính phủ Mỹ phê chuẩn.
Sau khi sáp nhập với AMC, Vạn Đạt chỉ cử sang một nhân viên liên lạc. Sáp nhập xong nảy sinh một vấn đề: Cổ đông công ty chúng tôi sáp nhập đều là công ty xuyên quốc gia tầm cỡ, người khác làm không được, Vạn Đạt dựa vào cái gì để có thể làm tốt chứ? Chúng tôi phát hiện, sáp nhập doanh nghiệp, cách quản lý tốt nhất là giữ lại đội ngũ quản lý cũ, tạo điều kiện cho họ làm việc tốt hơn. Phi vụ Vạn Đạt mua lại AMC được Trường Kinh doanh Harvard lấy làm tài liệu dạy học. Vị Giáo sư làm giáo án này đến công ty chúng tôi điều tra nghiên cứu, chỉ nói hai câu rất kinh điển. Một là mọi thứ đều không thay đổi. Vẫn là Công ty AMC, tên không đổi, đội ngũ quản lý không đổi, địa điểm kinh doanh không đổi. Hai là tất cả đều thay đổi, công ty đã có sự thay đổi sâu sắc. Không hổ danh là Giáo sư làm nghiên cứu, tổng kết rất chuẩn. Tôi từng nói, chút tư tưởng về quản trị của doanh nghiệp Trung Quốc trước đây cơ bản đều là học của phương Tây, nhưng chúng ta có ưu thế của mình về mặt ứng dụng. Điều cơ bản nhất trong quản lý là “xây dựng cơ chế”, trong đó cốt lõi nhất là khơi dậy được tính tích cực của nhân viên, chứ không phải lấy cơ chế để đối đãi với nhân viên như phòng kẻ gian. Đương nhiên, tiền đề là sau khi sáp nhập, Vạn Đạt đã khiến AMC có chủ nhân thực sự. Các tập đoàn Morgan Stanley, Carlyle, Black Stone nắm giữ cổ phần của AMC trước đây đều là những công ty tầm cỡ ở Mỹ, nhưng mấy công ty cùng nắm cổ phần, hơn nữa lại gần bằng nhau, không ai làm chủ được, bây giờ Vạn Đạt là người quyết định. Khi Vạn Đạt mua lại AMC, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn còn, việc làm không ổn định như bây giờ, chúng tôi ký hợp đồng làm việc 5 năm với đội ngũ quản lý, hơn nữa còn quy định, nếu lợi nhuận vượt mục tiêu kinh doanh, đội ngũ quản lý và Vạn Đạt sẽ ăn chia theo tỷ lệ 1:9, mọi người liền tích cực hẳn lên, khiến công ty một năm sau thay đổi, năm thứ hai niêm yết thành công. Việc này đã khiến tôi ngộ ra một điều, đến bất cứ quốc gia nào trên thế giới sáp nhập công ty hay đầu tư, đều phải cố gắng giữ lại đội ngũ quản lý cũ, sử dụng nhân tài bản xứ, nghĩ cách khơi dậy tính tích cực của họ, đừng nghĩ đi đâu cũng cử người Trung Quốc qua.
2.3 Tiến triển quốc tế hóa
Vạn Đạt đã trở thành đại diện cho doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là công ty tư nhân thực hiện quốc tế hóa, hơn 3 năm kể từ năm 2012 đến nay, Vạn Đạt đã đầu tư tại hơn 10 nước trên thế giới, vốn đầu tư hơn 15 tỷ USD, trong đó riêng ở Mỹ đã đầu tư 10 tỷ USD, vì thế tôi rất được đón nhận ở Mỹ. Năm 2012 khi mua lại AMC, tôi cam kết trong vòng 10 năm đầu tư ít nhất 10 tỷ USD tại Mỹ. Hôm sau một cơ quan truyền thông Mỹ đăng bài với tiêu đề: “Ông Vương, hy vọng ông giữ lời!” Chỉ 3 năm sau, năm 2015, Vạn Đạt đã đầu tư 10 tỷ vào Mỹ. Tôi bảo trợ lý của mình nói với họ, hy vọng họ đăng thêm một bài: “Ông Vương đã thực hiện cam kết trước thời hạn!” Vạn Đạt đầu tư ở Anh 1,2 tỷ Bảng Anh, có hơn 2.600 nhân viên. Tại lễ công bố toàn cầu bản tiếng Anh “Triết học Vạn Đạt” hôm qua, chúng tôi và chính phủ Anh còn đàm phán một dự án đầu tư lớn, hy vọng có thể sớm thực hiện.
Thời gian quốc tế hóa của Vạn Đạt tuy chưa lâu, nhưng nhịp bước rất mạnh mẽ, hơn nữa tiến triển cũng khá thuận lợi, nhưng tôi đã nhìn nhận sự phát triển xuyên quốc gia của Vạn Đạt từ góc độ biện chứng: chưa thất bại cũng có nghĩa là đang rất gần thất bại, trong tiến trình quốc tế hóa sau này của Vạn Đạt không loại trừ khả năng bị vấp ngã, nhưng chúng tôi có một nguyên tắc, miễn là không xuất hiện nguy cơ đường cong đảo ngược thì vẫn kiên trì làm. Thật ra dũng cảm cất bước này mới thấy, quốc tế hóa cũng không có gì ghê gớm.
2.4 Mục tiêu quốc tế hóa
Một là doanh thu ở hải ngoại tăng mạnh. Năm ngoái, Vạn Đạt đưa ra mục tiêu chiến lược mới cho 5 năm tới, đến năm 2020 thực hiện mục tiêu “2211”, có nghĩa là đến năm 2020, tài sản của doanh nghiệp vượt 200 tỷ USD, vốn hóa vượt 200 tỷ USD, doanh thu vượt 100 tỷ USD, lợi nhuận ròng vượt 10 tỷ USD, trong đó hơn 30% doanh thu đến từ hải ngoại. Doanh nghiệp có nghiệp vụ quốc tế, một loại là sản xuất sản phẩm trong nước, sau đó bán ra khắp nơi trên thế giới, như vậy chỉ có thể coi là quốc tế hóa sản phẩm; một loại là đầu tư ở một, hai nước, nhưng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong toàn bộ nghiệp vụ, cách quản lý, kết cấu nhân sự và văn hóa doanh nghiệp đều chưa đạt chuẩn công ty xuyên quốc gia. Vì vậy, công ty xuyên quốc gia thật sự không chỉ yêu cầu quy mô doanh nghiệp phải đủ lớn, chí ít cũng vài chục tỷ USD, mà doanh thu hải ngoại tối thiểu phải là 30%. Doanh thu hải ngoại của Vạn Đạt năm nay sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD, còn khoảng cách khá xa để đạt mục tiêu năm 2020, cần phải tiếp tục nỗ lực mới có thể thực hiện được.
Hai là trở thành công ty xuyên quốc gia hàng đầu. Vạn Đạt không chỉ trở thành công ty hàng đầu, mà còn phải thêm một từ nữa, phải trở thành công ty xuyên quốc gia hàng đầu. Nếu thực hiện được mục tiêu “2211”, xếp hạng tài sản doanh nghiệp, doanh thu và lợi nhuận ròng của Vạn Đạt chắc chắn có thể đứng trong hàng ngũ top vài chục công ty của thế giới. Mục tiêu này đang khích lệ công ty chúng tôi, khích lệ cả bản thân tôi tiếp tục cố gắng. Có người nói tôi là thương gia thành công nhất Trung Quốc, rất nhiều người hỏi tôi vì sao thành công, tôi đã nói rất nhiều nguyên nhân, kỳ thực điểm cốt lõi nhất là siêng năng cần mẫn, nếu không cần mẫn thì mọi điều kiện đều không thể trở thành hiện thực. Chính vì Vạn Đạt có tầm nhìn xa rộng, nên bây giờ vẫn duy trì mức tăng trưởng nhanh, doanh thu, tài sản, lợi nhuận ròng năm 2015 tăng khoảng 20% so với năm 2014. Mọi người thấy tốc độ tăng trưởng này rất nhanh, nhưng với Vạn Đạt, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm mức tăng rơi xuống dưới 30%. Trước đó, hàng năm chúng tôi đều duy trì tăng trên 30%, cùng với sự điều chỉnh to lớn của kinh tế toàn cầu, kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại, tốc độ tăng trưởng của chúng tôi cũng giảm xuống một chút, nhưng vẫn giữ tốc độ tăng trưởng khá nhanh, đây cũng là sự bảo đảm để Vạn Đạt trở thành công ty xuyên quốc gia hàng đầu.
Xin cảm ơn!