VĂN HÓA DOANH NGHIỆP
Khi mới thành lập, Tập đoàn Vạn Đạt chỉ là một công ty nhỏ ít người biết đến. Sau gần 30 năm phát triển, đã trở thành doanh nghiệp quy mô lớn với 5 mảng chính là: công nghiệp văn hóa, bất động sản thương mại, chuỗi trung tâm thương mại, đầu tư du lịch và khách sạn cao cấp; tốc độ phát triển khiến mọi người ngỡ ngàng.
Không hề quá lời khi nói rằng Tập đoàn Vạn Đạt sở dĩ có thể phát triển nhanh chóng như vậy là nhờ vào tuyệt chiêu quản trị doanh nghiệp của Vương Kiện Lâm.
Trong quá trình quản lý công ty, Vương Kiện Lâm rất coi trọng tinh thần nhân văn của doanh nghiệp. Khi mới thành lập công ty, ông đã kiên trì quan niệm văn hóa “lấy con người làm gốc”, quan tâm chăm sóc nhân viên, vì thế Tập đoàn Vạn Đạt mới chiêu mộ được nhân tài xuất sắc đến từ các nơi trên thế giới. Sự quan tâm chăm sóc của Vương Kiện Lâm dành cho nhân viên chủ yếu thể hiện ở các mặt:
Thứ nhất, Tập đoàn Vạn Đạt dành chế độ đãi ngộ tốt nhất cho nhân viên, về tiêu chuẩn lương bổng cùng ngành nghề, mức lương Tập đoàn Vạn Đạt dành cho nhân viên cao nhất cả nước.
Đối với nhân viên tuyến cơ sở, Vạn Đạt thực hiện chế độ lương theo thâm niên công tác: nhân viên của Vạn Đạt ngoài thu nhập bình thường ra, tiền lương sẽ tăng 1.200 tệ/năm; làm cho Vạn Đạt được 5 năm, thì lương cơ bản có thể lên đến 6.000 tệ. Đây là mức lương nhân viên cùng ngành ở công ty khác không dám tưởng tượng.
Chính vì Tập đoàn dành cho nhân viên chế độ đãi ngộ hậu hĩnh như vậy nên họ mới tri ân công ty, dốc hết sức mình đóng góp công sức xây dựng công ty. Có thể nói, đây là một yếu tố quan trọng giúp Tập đoàn Vạn Đạt phát triển nhanh chóng.
Thứ hai, Tập đoàn Vạn Đạt xây dựng cơ chế đào tạo bồi dưỡng toàn diện cho nhân viên.
Chỉ riêng tiền dành cho đào tạo bồi dưỡng nhân viên, hàng năm, Tập đoàn Vạn Đạt đều chi hơn 100 triệu tệ. Không chỉ có vậy, Tập đoàn còn đầu tư 700 triệu tệ xây dựng Học viện Vạn Đạt rộng 200 mẫu ở Lang Phường, Hà Bắc.
Tổng diện tích xây dựng Học viện lên đến 120 nghìn m2, có thể chứa 3.000 người, bên trong có tòa nhà hành chính, tòa nhà giảng đường, sân vận động ngoài trời, nhà thi đấu trong nhà, ký túc xá, phòng truyền thống công ty, nhà ăn... Toàn bộ thiết bị phục vụ dạy học đều dùng sản phẩm tốt nhất của Trung Quốc. Với điều kiện “cứng” tuyệt vời đó, Học viện trở thành học viện doanh nghiệp nhất nhì Trung Quốc.
Sau khi Học viện được khánh thành và đi vào hoạt động, hàng năm, Tập đoàn Vạn Đạt đều cử nhân viên quản lý cấp cao của công ty đến giảng dạy, bồi dưỡng và đã đào tạo được rất nhiều nhân tài quản lý xuất sắc cho Tập đoàn, điều này đã đặt cơ sở vững chắc cho việc phát triển nhanh chóng của Tập đoàn.
Thứ ba, Tập đoàn Vạn Đạt rất coi trọng việc quan tâm chăm sóc nhân viên.
Vương Kiện Lâm yêu cầu, bắt buộc phải xây nhà ăn cho nhân viên, hơn nữa, bất kể là trụ sở chính hay công ty con đều cung cấp bữa ăn miễn phí cho nhân viên. Ngoài ra, nội bộ Tập đoàn Vạn Đạt còn thực hiện chế độ “nghỉ dưỡng hạnh phúc”, nếu được bình chọn là nhân viên xuất sắc thì sẽ được hưởng chế độ này. Không những được chọn điểm đến có khách sạn Vạn Đạt trong cả nước, mà còn được công ty thanh toán vé máy bay hai chiều và tiền khách sạn cho mình cùng hai người nhà đi kèm. Chế độ đãi ngộ hậu hĩnh đã tăng thêm cảm giác hạnh phúc của nhân viên, khiến họ nỗ lực làm việc hơn để đạt được danh hiệu “nhân viên xuất sắc”, điều này vô hình trung đã từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Song song với việc khiến nhân viên cảm thấy được yêu mến và coi trọng, cách quản lý mang tính nhân văn của Tập đoàn Vạn Đạt vô hình trung cũng giảm thiểu tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên. Trong số các công ty cùng ngành nghề, tỷ lệ xin nghỉ việc ở Vạn Đạt là thấp nhất.
Vương Kiện Lâm bày tỏ, văn hóa doanh nghiệp cũng phải nhấn mạnh tinh thần nhân văn, quan tâm nhân văn. Nhìn tổng thể các công ty hàng đầu thế giới, văn hóa doanh nghiệp của họ đều bộc lộ tinh thần nhân văn và quan tâm nhân văn. Vì vậy, muốn trở thành doanh nghiệp vượt trội, cần phải “lấy con người làm gốc”, đồng thời thể hiện tinh thần nhân văn cũng như quan tâm nhân văn. Vậy thì, thế nào là quan tâm nhân văn? Thế nào là tinh thần nhân văn?
Vương Kiện Lâm lý giải tinh thần nhân văn và quan tâm nhân văn từ các phương diện:
Thứ nhất, có thể khiến nhân viên chủ động cống hiến cho công ty.
Về cơ bản, công ty là một tổ chức xã hội, không giống như trong “kinh tế học bảng đen” vẫn nói chỉ là công cụ theo đuổi lợi ích. Trên thực tế, công ty đã thỏa mãn nhu cầu thích ứng xã hội của con người, chẳng hạn như thỏa mãn các nhu cầu: được chung sống với người khác, cùng được tín nhiệm và nhận được lợi ích…
Thật ra, với tư cách là một tổ chức xã hội, doanh nghiệp đã gánh vác trách nhiệm tạo ra của cải vật chất, nhưng đây không phải là toàn bộ nội dung của doanh nghiệp. Bởi vì doanh nghiệp còn tập trung mọi người lại với nhau, để mọi người hình thành sức sản xuất xã hội to lớn hơn, đồng thời, gánh vác nghĩa vụ và trách nhiệm cùng sinh tồn với môi trường, không ngừng ảnh hưởng lẫn nhau về thông tin, tư tưởng và tín ngưỡng. Một khi công ty thiếu đi môi trường nhân văn hỗ trợ nhân viên thể hiện năng lực, trao đổi và hiểu lẫn nhau, thì nhân viên sẽ không chủ động cống hiến cho sự phát triển của công ty.
Thứ hai, có thể khiến nhân viên trở thành cầu nối giữa khách hàng và xã hội.
Tạo ra giá trị cho khách hàng là gốc rễ để công ty sinh tồn và phát triển, vậy thì, ai sẽ là người sáng tạo và phát hiện nhu cầu của khách hàng? Đương nhiên là nhân viên tuyến cơ sở.
Nền tảng để doanh nghiệp phát triển lớn mạnh chính là hiệu quả công việc của nhân viên tuyến cơ sở. Họ là cầu nối để công ty liên hệ với khách hàng và xã hội. Giả sử công ty không có quan niệm văn hóa lấy con người làm gốc, không chân thành quan tâm nhân văn thì sẽ cắt đứt mối liên hệ giữa nhân viên với khách hàng và xã hội, điều này gây bất lợi cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng quan niệm văn hóa lấy con người làm gốc, đồng thời quan tâm nhân văn nhân viên, nhất là nhân viên tuyến cơ sở, như vậy, nhân viên mới có thể trở thành cầu nối giữa khách hàng và xã hội, dốc sức vì sự phát triển của doanh nghiệp.
Thứ ba, có thể khơi dậy sức sáng tạo của nhân viên.
Ngày nay, khi thực hiện hiện đại hóa quản trị, sức sáng tạo của nhân viên luôn là tiền đề quan trọng quyết định liệu doanh nghiệp có thể phát triển nhanh chóng hay không. Doanh nghiệp không chỉ đứng trên lập trường lợi ích, mà cần đối đãi với nhân viên bằng góc nhìn nhân văn, có thế thì sức sáng tạo của nhân viên mới được phát huy tối đa, như vậy giá trị của công ty cũng mới được tăng lên tối đa.
Nếu nhân viên làm việc trong môi trường lạnh lẽo, trong công ty suốt ngày đấu đá lẫn nhau, thì họ còn tâm trí đâu để phát huy sức sáng tạo? Vì vậy, công ty phải tạo cho nhân viên môi trường làm việc nhân văn, như vậy không chỉ khiến nhân viên cảm thấy thư thái nhẹ nhõm, mà vô hình trung còn nâng cao giá trị cốt lõi của công ty, vậy thì vì sao lại không làm chứ?
Quan niệm lấy con người làm gốc, tạo môi trường nhân văn, linh hoạt trong xây dựng chế độ cùng chế độ đãi ngộ hậu hĩnh đã giúp cho Tập đoàn Vạn Đạt thu hút nhân tài xuất sắc trong phạm vi rộng lớn hơn, đó là nguồn lực bất tận cho sự phát triển của công ty.
CON ĐƯỜNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Xuyên suốt lịch sử phát triển của Tập đoàn Vạn Đạt, nổi bật nhất là “đổi mới sáng tạo”. Có thể nói, đổi mới sáng tạo đã đóng vai trò không thể thay thế trong những thành tựu Vạn Đạt có được, còn Vương Kiện Lâm cũng cực kỳ coi trọng năng lực sáng tạo của doanh nghiệp, ông cho rằng đổi mới sáng tạo là sức cạnh tranh cốt lõi để doanh nghiệp phát triển vượt bậc.
Ông từng nói với báo giới: “Theo tôi, năng lực tạo ra lợi nhuận và năng lực đổi mới sáng tạo là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.” Từ câu nói này có thể thấy ông rất coi trọng năng lực sáng tạo của doanh nghiệp.
Bất kể là mô hình kinh doanh, tiếp thị sản phẩm, hay tư tưởng quan niệm và cách quản lý, từ khi thành lập đến nay, Tập đoàn Vạn Đạt luôn coi trọng năng lực sáng tạo, chính điều này giúp công ty tạo ra vô số lần thứ nhất, trở thành cánh chim đầu đàn trong ngành bất động sản.
Năm 1989, thị trường bất động sản hồi đó vô cùng hỗn loạn, nhưng Tập đoàn Vạn Đạt đã nổi lên, phá vỡ giới hạn về tiêu chuẩn diện tích xây nhà, đây cũng là “cái đầu tiên” trên thị trường bất động sản, đương nhiên khiến không ít người phải ngạc nhiên. Không chỉ có vậy, Tập đoàn Vạn Đạt còn du nhập các khái niệm mới mẻ đầy sáng tạo trong thiết kế như phòng khách, phòng vệ sinh đều có cửa sổ, sáng tạo này khiến bên ngoài có ấn tượng sâu sắc hơn với Vạn Đạt.
Ba năm sau, Vạn Đạt lại gạn đục khơi trong, dẫn đầu đưa ra sản phẩm tòa cao ốc và nhà ở phong cách châu Âu, động thái mang tính sáng tạo này đã dấy lên “phong trào Âu Á” trên thị trường bất động sản.
Nhìn lại hàng loạt sáng tạo của Tập đoàn Vạn Đạt, ý tưởng mang tính đại diện nhất là mô hình “bất động sản theo đơn đặt hàng”. Mô hình này bắt đầu được tìm tòi triển khai từ năm 2001, đến nay đã tạo ra rất nhiều kỳ tích, thành quả mà nó mang lại khiến người trong giới sửng sốt: mô hình “bất động sản theo đơn đặt hàng” của Tập đoàn Vạn Đạt không chỉ đưa Tập đoàn bước lên vị trí dẫn đầu trên thị trường bất động sản, mà còn giúp tạo ra lợi nhuận khả quan.
Mô hình “bất động sản theo đơn đặt hàng” độc đáo của Tập đoàn Vạn Đạt khiến Vạn Đạt Plaza sau khi khai trương ở mỗi thành phố đã phát triển bùng nổ, được mọi người đánh giá cao, mô hình này trở thành ưu thế cạnh tranh lớn nhất của Tập đoàn Vạn Đạt.
Mô hình kinh doanh thành công của Vạn Đạt được rất nhiều chuyên gia công nhận, hơn nữa đều nhất trí cho rằng, đó là mô hình kinh doanh không thể “copy”.
Mô hình này của Vạn Đạt đi đến đâu cũng tạo nên khu vực sầm uất nhất ở địa phương đó, đồng thời lôi kéo sự phát triển kinh tế và thu thuế của thành phố đó, tin rằng cũng chỉ có Vạn Đạt mới làm được việc này. Thu hút các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước đi theo Vạn Đạt, vào kinh doanh tại Vạn Đạt Plaza, tin rằng việc này cũng chỉ có Vạn Đạt làm được. Sau khi đến một nơi mới, thuê trước xây sau, còn đảm bảo lấp đầy gian hàng trong ngày khai trương, hơn nữa còn rất sầm uất, làm được như vậy, tin rằng cũng chỉ có Vạn Đạt.
Mô hình kinh doanh sáng tạo này của Tập đoàn Vạn Đạt không chỉ được Chính phủ ghi nhận, mà còn được quốc tế đánh giá cao. Không còn nghi ngờ gì nữa, mô hình đã thành công. Vậy thì, mô hình sáng tạo này hà cớ gì lại xuất hiện ở Tập đoàn Vạn Đạt chứ?
Thứ nhất, xuất phát từ triết lý “doanh nghiệp trăm năm”.
Như mọi người đều biết, triết lý doanh nghiệp hiện nay của Tập đoàn Vạn Đạt là “Vạn Đạt quốc tế, doanh nghiệp trăm năm.” Vạn Đạt muốn trở thành doanh nghiệp có tuổi đời trăm năm thì buộc phải có nền móng vật chất và văn hóa doanh nghiệp ổn định. Văn hóa doanh nghiệp, Tập đoàn Vạn Đạt đã có rồi. Nền móng vật chất ổn định, nói một cách đơn giản chính là dòng tiền mặt ổn định lâu dài, mà sở dĩ Tập đoàn Vạn Đạt xây dựng trung tâm mua sắm, mục đích chính là mưu cầu dòng tiền mặt ổn định lâu dài.
Qua thảo luận phân tích, đội ngũ quản lý cấp cao của Vạn Đạt quyết định, giải quyết vấn đề dòng tiền mặt ổn định bằng cách thu tiền thuê mặt bằng. Nói cụ thể hơn, một là làm dự án rủi ro thấp mà quy mô lớn, hai là “thu tiền thuê mặt bằng của Top 500 công ty”. Theo đó, Tập đoàn Vạn Đạt bắt đầu hợp tác với Walmart, dự án đầu tiên hai công ty hợp tác thu được thành công đã thúc đẩy Vạn Đạt tiếp tục đi theo mô hình này.
Thứ hai, sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, môi trường cạnh tranh khốc liệt đã đặt ra yêu cầu cao hơn cho doanh nghiệp.
Ngành bán lẻ truyền thống Trung Quốc tồn tại hai điểm bất cập:
Một là hình thức kinh doanh đơn điệu. Sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc mở cửa hàng bán lẻ với toàn cầu, hình thức kinh doanh “từ A đến Z” thịnh hành trên quốc tế bắt đầu du nhập vào Trung Quốc, nó đã tác động mạnh đến ngành bán lẻ truyền thống Trung Quốc. Đứng trước tình hình này, Tập đoàn Vạn Đạt quyết định xây dựng trung tâm mua sắm “từ A đến Z”, không chỉ thỏa mãn nhu cầu của người dân mà còn đáp ứng nhu cầu của ngành bán lẻ.
Hai là chiến đấu một mình. Ngành bán lẻ truyền thống Trung Quốc về cơ bản đều là chiến đấu một mình, điều này không thích hợp cho con đường phát triển sau này. Sở dĩ những thương hiệu đình đám như Walmart, Carrefour có sức tiêu thụ mạnh, được người tiêu dùng chấp nhận, chủ yếu là vì họ được mua sắm tập trung, ngày nào cũng được mua với giá bình dân.
Thật ra, xu thế thịnh hành nhất của ngành bán lẻ toàn cầu là kinh doanh chuỗi, chỉ cần doanh nghiệp làm được kinh doanh chuỗi mới có thể mua sắm tập trung, như vậy mới có thể hạ giá sản phẩm, để doanh nghiệp có ưu thế cạnh tranh.
Trước tình hình này, cũng giống như những tổ chức chuỗi đó, cứ đến khu vực mới, Tập đoàn Vạn Đạt lại xây dựng Vạn Đạt Plaza, đáp ứng nhu cầu ăn, ở, mua sắm, đi lại của người dân. Chính nhờ biện pháp này, Vạn Đạt mới nổi trội trong số các công ty cùng ngành bất động sản, trở thành doanh nghiệp được người dân tin tưởng. Cân nhắc đến những yếu tố ấy, Tập đoàn Vạn Đạt mới quyết định làm mô hình kinh doanh “bất động sản theo đơn hàng”.
Thứ ba, mô hình “bất động sản theo đơn hàng” có thể áp dụng quy luật kinh doanh của công ty xuyên quốc gia.
Nhìn tổng quát các công ty xuyên quốc gia cỡ lớn trên thế giới, mô hình kinh doanh của họ cơ bản đều là thuê cửa hàng kinh doanh. Ví dụ như Tập đoàn Tricon nổi tiếng của Mỹ, hay công ty kinh doanh lĩnh vực ăn uống KFC và Pizza Hut ai cũng biết tiếng, họ mở hơn 1.000 cửa hàng ở Trung Quốc, nhưng chỉ mua một cửa hàng, còn lại toàn đi thuê.
Công ty Walmart nổi tiếng sở hữu hơn 5.000 cửa hàng trên toàn thế giới, nhưng đa phần đều kinh doanh theo mô hình thuê mặt bằng, chỉ có chưa đến 20% cửa hàng thuộc quyền sở hữu của công ty. Có thể nói, tất cả các công ty xuyên quốc gia cỡ lớn, ngoài gây dựng ngành nghề, tuyệt đại đa số đều dựa vào thuê mặt bằng để kinh doanh. Sau khi nhìn thấy đặc điểm này, Tập đoàn Vạn Đạt bắt tay vào làm “bất động sản theo đơn hàng”, để các công ty xuyên quốc gia này thuê mặt bằng của mình.
Thứ tư, không gian thị trường khá lớn, có thể làm doanh nghiệp lớn.
Dân số Mỹ chỉ hơn 200 triệu người, nhưng có tới hơn 10.000 trung tâm mua sắm. Dân số Trung Quốc hơn 1,3 tỷ người, thu nhập bình quân đầu người so với Mỹ tuy còn khoảng cách nhất định, nhưng dự kiến đến năm 2020, thu nhập đầu người của Trung Quốc có thể đạt mức của Singapore hiện nay, có không gian xây dựng cho 20.000 trung tâm mua sắm. Nhìn từ góc độ này, không gian xây dựng trung tâm mua sắm ở Trung Quốc vô cùng rộng mở, mà Vạn Đạt bước vào thị trường này tất nhiên có thể làm lớn, điều đó cũng phù hợp với triết lý làm “doanh nghiệp trăm năm”.
Ngoài ra, mô hình kinh doanh “bất động sản theo đơn hàng” còn có đặc điểm lợi nước lợi dân: Tập đoàn Vạn Đạt xây Vạn Đạt Plaza không chỉ tạo thêm nhiều công ăn việc làm, mà còn đóng góp to lớn cho nguồn thu ngân sách địa phương.
Không chỉ có vậy, cứ đến mỗi thành phố mới, cao ốc Vạn Đạt xây đều trở thành công trình biểu tượng của địa phương, nó không chỉ nâng cao hình ảnh thành phố, mà còn nâng tầm giá trị thương mại của thành phố, hỗ trợ chính quyền rất nhiều trong hoạt động kêu gọi thu hút đầu tư, vì vậy, chính quyền cũng ủng hộ mạnh mẽ Tập đoàn Vạn Đạt xây dựng trung tâm mua sắm.
Có thể dễ dàng nhận ra, mô hình kinh doanh đầy sáng tạo “bất động sản theo đơn hàng” của Tập đoàn Vạn Đạt không chỉ thuận theo nhu cầu thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân đối với ngành bán lẻ, mà còn đóng góp to lớn giúp phát triển kinh tế địa phương, điều quan trọng hơn là, mô hình kinh doanh này còn mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho Vạn Đạt.
Tập đoàn Vạn Đạt còn có rất nhiều biện pháp mang tính sáng tạo: Vạn Đạt là doanh nghiệp thực hiện cải tạo khu dân cư cũ sớm nhất, cũng là doanh nghiệp thực hiện chiến lược phát triển xuyên khu vực sớm nhất… Hàng loạt biện pháp này đã khiến Vạn Đạt từng bước trở thành doanh nghiệp đầu tàu trong nước, đồng thời viết nên huyền thoại thương mại Vạn Đạt.
CHÍNH QUYỀN VÀ DOANH NGHIỆP TƯƠNG TÁC, QUÁN TRIỆT CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG
Mọi người thích so sánh lời nói và việc làm của các doanh nhân đứng dưới ánh đèn pha, đối tượng này đại đa số là bạn bè và người cùng ngành với Vương Kiện Lâm. Trong số các doanh nhân giàu có ở Trung Quốc, tuy bối cảnh trưởng thành và quan niệm khác nhau, nhưng họ đều “tương tác” với chính trị bằng một cách nào đó.
Về các chủ đề công khai, Nhiệm Chí Cường còn được gọi là “Nhiệm đại bác” cũng thường xuyên có những “phát ngôn gây sốt” khi tham gia hoạt động chính trị. Trong thời gian Hai kỳ họp năm 2014, ông từng đưa ra quan điểm và ý kiến về giá nhà: “Trung Quốc không nên đánh thuế nhà ở, vì đất đai ở Trung Quốc không thuộc về cá nhân. Thuế nhà ở của Trung Quốc không bao gồm đất, còn đất nông thôn, đất tập thể đều nên đánh thuế, tất cả đất sinh lợi đều nên đánh thuế.”
Một tỷ phú bất động sản khác thường xuyên tương tác với Nhiệm Chí Cường trên weibo - Phan Thạch Ngật - cũng là “sao” trong các chủ đề công khai, đề án tham chính của ông từng bị phê là “đại diện cho lợi ích cá nhân”. Tại hai kỳ họp năm 2009, Phan Thạch Ngật từng có 3 góp ý: “Một là đề nghị giảm thuế cho thuê mặt bằng thương mại; Hai là đề nghị Bắc Kinh dỡ bỏ quy định ‘về giá và diện tích nhà ở’; Ba là để thị trường giao dịch đất đai được minh bạch hơn.” Sau đó có người cho rằng, nội dung “giảm thuế cho thuê mặt bằng thương mại và để thị trường giao dịch đất đai được minh bạch hơn” trong đề án của Phan Thạch Ngật đều liên quan đến lợi ích của công ty do ông làm chủ. Góp ý của ông trước tiên là để đảm bảo lợi ích cá nhân, sau đó mới là lợi ích ngành. Có lẽ bị dư luận dị nghị, nên đề án mấy năm gần đây của Phan Thạch Ngật đều khá “sát dân”. Năm 2013, ông chuyển sang quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường, tự bỏ tiền ra mua máy móc, đo chỉ số PM 2.5 trong không khí, kêu gọi người dân bảo vệ môi trường; đồng thời góp ý về thuế sở hữu hai căn nhà, để người dân tự chọn nộp thuế theo diện tích hay số lượng căn hộ.
Các đại gia bất động sản tham gia hoạt động chính trị cũng đang cố gắng giảm thiểu những chủ đề liên quan đến mình. Thân phận kép của các thương gia chẳng khác gì con dao hai lưỡi. So với các nghị sĩ chuyên trách ở nước ngoài, các ủy viên Chính hiệp thương gia Trung Quốc càng dễ bị công chúng hoài nghi về trách nhiệm xã hội và lợi ích cá nhân.
Đối với các tỷ phú bất động sản như Vương Kiện Lâm, làm thế nào để có được một chỗ đứng khi bị kẹp giữa hai giới chính trị và doanh nghiệp, cho đến hôm nay, họ vẫn đang trong quá trình không ngừng tìm tòi. Ngoài ra, cùng với sự chuyển đổi mô hình kinh tế - xã hội, tương lai có lẽ vẫn còn đầy rẫy rủi ro.
Về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền, khi trả lời phỏng vấn của một cơ quan truyền thông, Vương Kiện Lâm từng nói: “Anh đừng nghĩ rằng có thể trở thành lợi ích nhóm, trở thành anh em với ai đó, sở dĩ Vạn Đạt có thể chống chọi với sóng gió chính trị, chỉ có duy nhất một điều: làm tốt việc tự bảo vệ mình.”
Thành công của Vạn Đạt không hề dựa dẫm vào chính quyền, mà dựa vào sự hiểu biết đúng đắn của Vương Kiện Lâm về chính trị. Trong quản lý thường ngày tại doanh nghiệp, ông rất coi trọng công tác xây dựng Đảng trong nội bộ tập đoàn.
Là hình mẫu về xây dựng Đảng trong khối doanh nghiệp dân doanh, Vạn Đạt thường xuyên đón nhân viên công tác Đảng tại cơ quan chính quyền các cấp đến tham quan, học hỏi. Hai năm qua, trong số các quan chức chính phủ đến tham quan, có quan chức cấp cao của Ban tổ chức Trung ương, lãnh đạo Ban Xây dựng Đảng toàn quốc, Phó bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh.
Mỗi lần có được dự án phát triển ở một thành phố mới, Tập đoàn Vạn Đạt đều thành lập Tổ chức Đảng tại đơn vị triển khai dự án, ngang hàng với các bộ phận chủ chốt của Ban Quản lý dự án. Ở Vạn Đạt, vào Đảng cũng là việc vô cùng quan trọng, Đảng viên có ưu thế hơn nhân viên bình thường cả về đãi ngộ phúc lợi đến phát triển nghề nghiệp, điều này quả thật hiếm thấy trong các công ty tư nhân trong cả nước.
Sự coi trọng công tác xây dựng Đảng của Vạn Đạt còn thể hiện trong các hoạt động hàng năm. Năm 2010, tại nơi triển khai dự án Trường Bạch Sơn Vạn Đạt, đúng vào dịp kỷ niệm 89 năm thành lập Đảng, 58 Đảng viên mới phát triển của Vạn Đạt tập trung tuyên thệ tại nghĩa trang liệt sĩ Dương Tĩnh Vũ; năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Đảng, 90 Đảng viên mới lại đáp máy bay tới Cát An, Giang Tây, tổ chức kết nạp Đảng tại Tỉnh Cương Sơn.
“Hiểu chính sách, đi theo nhịp bước của Đảng, xử lý tốt quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp là nền tảng phát triển của Vạn Đạt.” Câu nói này của Vương Kiện Lâm là sự thể hiện rõ nét nhất mối quan hệ thân thiện hài hòa giữa Vạn Đạt và chính quyền. Ngoài ra, hàng ngày, Vương Kiện Lâm đều đọc tạp chí Đảng, nghiên cứu phương châm chính sách mới.
Vương Kiện Lâm kinh doanh bằng cả trái tim và sự khéo léo nên đã nhận được sự khen thưởng và ghi nhận của chính phủ. Ngày 21/3/2012, tại Hội nghị Công tác xây dựng doanh nghiệp phi công hữu toàn quốc, ông được lãnh đạo Nhà nước tiếp; là một trong số khách mời ít ỏi, hôm sau, ông lại được mời tham gia cuộc hội đàm về công tác xây dựng Đảng, chia sẻ những điều tâm đắc trong công tác xây dựng Đảng ở doanh nghiệp; ngày 10/4 cùng năm, ông được lãnh đạo Nhà nước tiếp với tư cách đại diện nhận “Giải thưởng Từ thiện Trung Hoa”.
Thực tế cho thấy, việc phối hợp nhịp nhàng với chính sách của Nhà nước đã đảm bảo cho Vạn Đạt không đi “lạc lối”.
CHÍNH SÁCH GẦN, CHÍNH TRỊ XA
Thái độ tích cực trong công tác xây dựng Đảng của Vạn Đạt không cần bàn cãi, là một Ủy viên Chính hiệp toàn quốc, Vương Kiện Lâm không giống các nhân vật nổi tiếng hay doanh nhân chỉ biết giơ tay tán thành, ông phát huy cá tính của mình, tận dụng tiếng tăm trong công chúng để phát huy tầm ảnh hưởng vô hình của mình trong không gian chính trị hữu hạn.
Tại Hai kỳ họp năm 2012, Vương Kiện Lâm từng nói thẳng, đề án mình trình lên Hai kỳ họp một năm trước chẳng những không được thông qua, mà còn bị Bộ Tài chính làm lấy lệ cho qua chuyện. Việc này cho đến tận bây giờ vẫn được phóng viên của Hai kỳ họp bàn tán sôi nổi.
Tại Hai kỳ họp năm 2011, Vương Kiện Lâm đã trình lên đề án giảm thuế nhập khẩu hàng xa xỉ. Để đảm bảo tính thẩm quyền và thực tế của đề án, cá nhân ông đã chi hơn 1 triệu tệ thuê Công ty Nielsen tiến hành điều tra ở nước ngoài, thu thập thống kê số liệu chi tiêu hàng xa xỉ của người Trung Quốc. Đề án này kiến nghị Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, dưới sự dẫn dắt của Bộ Thương mại, phối hợp ban hành chính sách nhằm giảm thuế nhập khẩu hàng xa xỉ, thu hút nhóm tiêu dùng hàng xa xỉ Trung Quốc đang ngày càng mở rộng quay trở lại trong nước, tăng tốc chuyển đổi kinh tế Trung Quốc.
Đương nhiên, đề án này không đến nỗi chìm nghỉm, không có hồi âm, Vương Kiện Lâm từng tiết lộ, đề án nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của một số lãnh đạo, “tiếc là vẫn chưa được thực hiện”. Sau hai kỳ họp năm 2012, bộ ngành liên quan gửi thư riêng cảm ơn sự quan tâm của ông trong vấn đề tài chính quốc gia, nhưng sau đó cho biết: “thuế quan không phải là nguyên nhân đẩy giá hàng xa xỉ lên cao, qua tính toán, giá thành thuế quan bình quân chỉ chiếm khoảng 2% giá bán lẻ.”
“Họ đang lừa phỉnh tôi!” Vương Kiện Lâm đã nói như vậy sau khi đọc hết thư trả lời. “Tôi rất nghiêm túc chuẩn bị đề án này, nếu có thể giảm thuế nhập khẩu hàng xa xỉ, lôi kéo nhu cầu mua sắm ở nước ngoài của người Trung Quốc về nước thì đều có lợi cho mở rộng tiêu dùng, tăng việc làm.”
Khi gửi đi một bản đề án, để đảm bảo đã lý giải đầy đủ đề án cũng như coi trọng kiến nghị của từng Ủy viên, cơ quan tổ chức đều gửi kèm một bản phản hồi xử lý văn bản, gồm “khá hài lòng, cơ bản hài lòng, không hài lòng, rất không hài lòng”. Vương Kiện Lâm chẳng nói chẳng rằng, liền đánh dấu vào cột “rất không hài lòng”. Sự việc sau đó là, Bộ Tài chính cuối cùng đứng ra giải thích việc này, nhưng Vương Kiện Lâm không hề tỏ ra “hài lòng” với “lời giải thích”.
Trên thực tế, chất lượng góp ý và đề án của các Ủy viên Chính hiệp với phản hồi và thiện chí của cơ quan hành chính giống như cuộc “giao tranh” đã trở thành điểm nóng tại Hai kỳ họp mấy năm gần đây. Tuy không hài lòng với kết quả trả lời đề án Hai kỳ họp, nhưng Vương Kiện Lâm vẫn trước sau như một, tích cực thực hiện vai trò tham chính nghị chính của mình.
Đề án Vương Kiện Lâm đề xuất tại Hai kỳ họp năm 2012 “khai hỏa” với Bộ Tài chính là: “Khôi phục mức lãi suất ưu đãi 30% cho khoản vay mua nhà lần đầu và mua nhà cải thiện điều kiện ở lần đầu.”
“Thúc đẩy giá nhà trở lại mức hợp lý” là khẩu hiệu mới nhằm điều tiết và kiểm soát thị trường nhà đất năm đó của chính phủ. Song, Vương Kiện Lâm cho rằng, “cho dù giá nhà trong cả nước giảm khoảng 20% thì người dân cũng chẳng được lợi gì.” Bởi vì, đi đôi với việc giảm giá, trong bối cảnh Nhà nước thực thi chính sách điều tiết vĩ mô đối với ngành bất động sản, các ngân hàng lần lượt hủy chính sách mức lãi suất mua nhà lần đầu được hưởng ưu đãi 30%, như vậy thì chẳng những không giảm nhẹ gánh nặng cho người mua nhà, mà còn khiến việc mua nhà của một số người càng thêm trắc trở.
Theo Vương Kiện Lâm, trong đợt điều tiết vĩ mô liên quan đến lợi ích của chính phủ, công ty bất động sản, người mua nhà và ngân hàng này, ngoài ngân hàng sướng âm ỉ đến cùng, các bên còn lại đều chẳng được lợi lộc gì.
Vương Kiện Lâm không trực tiếp bày tỏ bất đồng với chính sách điều tiết và kiểm soát bất động sản, mà trên cơ sở đồng thuận, hy vọng ngân hàng có thể khôi phục mức lãi suất ưu đãi cho khoản vay mua nhà lần đầu, kích thích sức mua nhà của tầng lớp trung lưu, để người mua nhà được hưởng lợi nhiều hơn, khiến thị trường bất động sản sôi động. Qua đó có thể thấy sự nhạy bén và nhận biết đúng đắn của Vương Kiện Lâm với định hướng của chính phủ và ý muốn của đại chúng.
Về thân phận Ủy viên Chính hiệp của mình, Vương Kiện Lâm nói, là tầng lớp xã hội mới, chủ công ty tư nhân không chỉ phải có thiện tâm, làm việc thiện, mà còn phải có trách nhiệm xã hội, cần tích cực tham gia chính trị, phát huy năng lực gánh vác của mình với nền chính trị dân chủ của đất nước, thế mới là trách nhiệm của tầng lớp xã hội mới.
Ngoài việc phê bình sắc bén với các cơ quan Nhà nước, Vương Kiện Lâm còn nhiều lần bày tỏ rằng môi trường kinh tế đã gây ức chế tinh thần cho các doanh nhân, nhưng điều khiến ông canh cánh bên lòng là, những năm 80 của thế kỷ 20, giới thương mại nổi lên như vũ bão, các thương gia thế hệ đầu tiên đều là vừa làm vừa mò mẫm, tuy thế vẫn có không ít “con chim đầu đàn” hùng mạnh, nhưng Trung Quốc hôm nay lại ngày càng khó xuất hiện những thương gia xuất chúng.
Ông nói: “Vấn đề lớn nhất của Trung Quốc hiện nay vẫn không phải là kinh tế tăng trưởng nhanh một chút hay chậm một chút, vấn đề lớn nhất là sự xói mòn tinh thần của các doanh nhân. Cuối thập niên 80 đầu thập niên 90, rất nhiều quan chức, sĩ quan, giáo sư quyết định ‘ra khơi’ làm kinh doanh kiếm tiền. Nhưng bây giờ, rất nhiều người không có dũng khí này. Môi trường khởi nghiệp, môi trường dư luận, môi trường vốn, môi trường chế độ của Trung Quốc đều có lợi cho công ty lớn phát triển, nhưng lại không có lợi cho các nhà khởi nghiệp nhỏ xuất hiện.”
Hiện nay, ngày càng nhiều thương nhân coi trọng việc hưởng thụ, họ không còn đam mê với thành công và tiến bộ trong sự nghiệp, mà sau khi có được chút thành công là rút lui, vứt bỏ công ty mà mình từng phấn đấu vì nó. Chứng kiến tình cảnh này, Vương Kiện Lâm vô cùng xót xa và tiếc nuối. “Nếu đại đa số doanh nhân đều không còn có tinh thần phấn đấu, đều bán công ty đi để hưởng thụ, thì quốc gia này sẽ đi tong.”
Cũng chính nỗi lo này đã thôi thúc Vương Kiện Lâm nỗ lực tham chính nghị chính, mong muốn thúc đẩy điều chỉnh các chính sách liên quan, hy vọng có một môi trường thích hợp hỗ trợ các doanh nhân và người khởi nghiệp. Ngoài việc góp ý kiến trong các trường hợp chính thức tại Hai kỳ họp với tư cách Ủy viên Chính hiệp, bình thường, Vương Kiện Lâm cũng thường xuyên thông qua báo giới bày tỏ quan điểm về những chủ đề nóng hổi như dân sinh, giá nhà…
Từ năm 2014 đến nay, thị trường bất động sản trong cả nước bước vào thời kỳ ảm đạm, lượng giao dịch giảm sút, một số thành phố loại 1 thậm chí còn xuất hiện hiện tượng lượng giao dịch “chết yểu”, nhiều người còn gắn với tin đồn trước đó thị trường nhà đất “sập sàn”. Ông trùm bất động sản Vương Thạch cũng dự báo, thị trường Trung Quốc năm nay “rất tồi tệ”.
Về việc này, tháng 2/2015, Vương Kiện Lâm cho biết: “Luận điệu sập sàn xuất hiện năm nay chỉ là một kiểu tiếp diễn của luận điệu trước đây.” Ông luôn duy trì quan điểm của mình. Ngay từ 10 năm trước, đã có luận điệu nói rằng thị trường nhà đất Trung Quốc sắp sập sàn, trong đó có không ít nhân sĩ chuyên ngành và nhà kinh tế nổi tiếng. Nhưng sau 10 năm, cái gọi là sập sàn chưa từng xảy ra.
Vương Kiện Lâm rất có lòng tin với chính sách điều tiết và kiểm soát thị trường của chính phủ: “Tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc còn chưa đến 40%, Hội nghị về công tác đô thị hóa kiểu mới sau Hội nghị Trung ương lần thứ 3 khóa 18, Nhà nước lần đầu tiên coi đô thị hóa là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế quốc gia, là động lực chính thúc đẩy phát triển đất nước.”
Đương nhiên, những lúc này, phát biểu của Vương Kiện Lâm có chút mơ hồ, giống như các thương gia chỉ hô hào vì lợi ích của ngành mình. Gần gũi chính phủ, rời xa chính trị là sách lược cơ bản của Vương Kiện Lâm trong xử lý mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Nhưng với tư cách là Ủy viên Chính hiệp, Vương Kiện Lâm tích cực mà không cấp tiến phát biểu về việc công, thể hiện một cách hợp lý ý thức của người trong cuộc.
HOA HỒNG CHO ĐI, HƯƠNG THƠM Ở LẠI
Ngoài khối tài sản khổng lồ từ kinh doanh bất động sản thương mại và công nghiệp văn hóa, Vương Kiện Lâm còn có một vai trò khác: ông là nhà từ thiện hào phóng.
Tập đoàn Vạn Đạt, dưới sự lãnh đạo của Vương Kiện Lâm, luôn chú trọng quảng bá đóng góp của mình cho từ thiện và công ích. Trên trang web chính thức của Tập đoàn Vạn Đạt, các giải thưởng lớn nhỏ về từ thiện của công ty và cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị được đưa vào chuyên mục “Niềm vinh dự của doanh nghiệp”, đặt ở vị trí nổi bật.
Ngày 3/8/2014, huyện Lỗ Điện, thành phố Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam xảy ra trận động đất mạnh 6,5 độ Richter, Vạn Đạt triệu tập cuộc họp ngay trong giờ phút đầu tiên, lập tức quyết định quyên góp 10 triệu tệ cho khu vực chịu thiên tai.
Đứng trước thiên tai, Vạn Đạt đã rất nhiều lần chia sẻ với địa phương gặp nạn. Trận động đất khủng khiếp xảy ra ở Vấn Sơn năm 2008, Vạn Đạt quyên góp ngay 5 triệu tệ, sau đó liên tục bổ sung, tổng số tiền quyên góp cuối cùng lên đến 359 triệu tệ. Năm 2010, 5 tỉnh thành phố Tây Nam Trung Quốc gồm: Vân Nam, Quảng Tây, Tứ Xuyên… hứng chịu nạn hạn hán chưa từng có trong lịch sử, Vạn Đạt đã quyên góp 40 triệu tệ. Chỉ một tháng sau, tháng 4/2010, huyện Ngọc Thụ, Châu tự trị dân tộc Tạng Ngọc Thụ, tỉnh Thanh Hải xảy ra trận động đất mạnh 7,1 độ Richter, Vạn Đạt lại quyên góp 100 triệu tệ.
Trong hơn 20 năm kể từ khi thành lập đến nay, Vạn Đạt tổng cộng đã quyên góp cho các giới xã hội số tiền lên đến hơn 3,7 tỷ tệ, là doanh nghiệp quyên góp từ thiện nhiều nhất trong các công ty dân doanh Trung Quốc. Vạn Đạt từng 7 lần nhận giải thưởng Từ thiện Trung Hoa do Bộ Dân chính Trung Quốc trao tặng, Vạn Đạt là công ty dân doanh nhận giải này nhiều nhất.
Những cống hiến của Vương Kiện Lâm trong lĩnh vực công ích và từ thiện cũng mang lại cho ông rất nhiều danh hiệu xã hội. Ông đảm nhiệm chức Chủ tịch danh dự Hội Từ thiện Trung Hoa, từng nhận danh hiệu “Cá nhân tiên tiến trong hỗ trợ người tàn tật toàn quốc” do Quốc vụ viện trao tặng và danh hiệu “Tấm gương điển hình trong khắc phục hậu quả thiên tai” do Trung ương, Quốc vụ viện và Quân ủy Trung ương trao tặng.
Vương Kiện Lâm cũng tích cực thúc đẩy đổi mới sáng tạo quan niệm và chế độ trong lĩnh vực từ thiện. Năm 2013, Vương Kiện Lâm đưa ra dự án từ thiện “Chương trình khởi nghiệp của sinh viên Tập đoàn Vạn Đạt”. Dự án này dự kiến vận hành trong 10 năm, đến năm 2023, tổng số tiền rót vào lên đến 500 triệu tệ. Hàng năm sẽ chọn ra 100 nhóm và cá nhân khởi nghiệp xuất sắc, mỗi dự án khởi nghiệp sẽ được đầu tư 500 nghìn tệ tiền vốn ban đầu, mỗi năm đầu tư 50 triệu tệ.
Ngoài ra, Vạn Đạt còn kiến tạo giá trị quan cốt lõi: “Giá trị vật chất thấp hơn giá trị con người, giá trị cá nhân thấp hơn giá trị doanh nghiệp, giá trị doanh nghiệp thấp hơn giá trị xã hội.” Hay nói cách khác, ở Vạn Đạt, giá trị xã hội cao hơn mọi giá trị; khi lợi ích cá nhân, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích xã hội nảy sinh mâu thuẫn, Vạn Đạt phải phục tùng giá trị xã hội. Vạn Đạt luôn nhấn mạnh, doanh nghiệp cần phải gánh vác trách nhiệm xã hội, điều này chủ yếu thể hiện ở 4 phương diện:
Thứ nhất, từ thuở mới khởi nghiệp, Vạn Đạt đã rất coi trọng quyên góp từ thiện.
Khi mới thành lập được 2 năm, Vạn Đạt đã quyên góp cho xã hội. Hồi đó, Vạn Đạt đang trong giai đoạn đầu, nguồn tiền chưa được dồi dào, nhưng khi biết tin quận Tây Cương, Đại Liên muốn xây trường mầm non mà không có tiền, Vương Kiện Lâm liền cắn răng trích ra 1 triệu tệ quyên góp xây dựng trường mầm non trong khi dòng tiền mặt của công ty không hề dư dả; năm 1991, Vạn Đạt lại chi 2 triệu tệ xây dựng Quảng trường nhân dân Đại Liên, cải tạo đường xi măng trong quảng trường thành thảm cỏ.
Khi đó, Vạn Đạt còn mua cả thiết bị phun nước tưới cỏ. Hồi đó, thiết bị tưới trong nước sản xuất giá chỉ 700 nghìn tệ, nhưng thời gian sử dụng có hạn. Sau khi biết việc này, Vương Kiện Lâm quyết định mua thiết bị phun tưới nhập khẩu, bộ thiết bị này có thể dùng 30 năm, mà còn điều khiển bằng máy tính, kỹ thuật khá tiên tiến, nhưng giá lại cắt cổ lên tới 2 triệu tệ. Bây giờ nhìn lại, quyết định của Vương Kiện Lâm vô cùng sáng suốt, thiết bị nhập khẩu này đã dùng 22 năm vẫn chạy tốt.
Năm 1993, Vạn Đạt quyên góp 20 triệu tệ xây dựng nhà thi đấu Tây Cương. Con số này lúc đó đúng là con số trên trời, nhưng Vương Kiện Lâm quan tâm hơn đến việc xây dựng Đại Liên.
Cùng với sự phát triển lớn mạnh của Vạn Đạt, sự nghiệp từ thiện cũng càng làm càng lớn. Tháng 8/2010, Đan Khúc Tam Túc xảy ra lũ bùn lũ quét nghiêm trọng, sau khi biết tin, Vạn Đạt lập tức triệu tập đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn thương lượng việc này. Cuối cùng, Vạn Đạt quyết định thông qua Hội Từ thiện Trung Hoa quyên góp cho Đan Khúc 10 triệu tệ.
Được biết, khoản tiền 10 triệu tệ Vạn Đạt quyên góp là số tiền quyên góp giá trị lớn đầu tiên Đan Khúc nhận được sau khi xảy ra thiên tai. Qua đó có thể thấy, miễn là quốc gia cần, Vạn Đạt đều xông pha nơi tuyến đầu, điều này cũng thể hiện tình yêu nước nồng nàn của Vạn Đạt.
Thứ hai, Vạn Đạt coi giáo dục là trọng điểm của công tác từ thiện.
Kể từ khi thành lập đến nay, Vạn Đạt lần lượt quyên góp xây dựng hơn 40 trường tiểu học và trung học trong cả nước. Ví dụ, Vạn Đạt quyên góp xây dựng trường trung học Hoa Phủ. Thật ra vốn định xây trường tiểu học, nhưng qua điều tra phát hiện, trường tiểu học ở khu vực Tây Cương quá nhiều trong khi lại thiếu trường trung học, thế là Vạn Đạt quyết định đầu tư thêm 50 triệu tệ, xây trường trung học: trường trung học Hoa Phủ được xây ở trung tâm thành phố Đại Liên, khu vực đất vàng.
Không chỉ có vậy, Vạn Đạt còn xây cho trường Hoa Phủ bể bơi, sân chơi tennis và nhà thi đấu. Một trường trung học được trang bị nhiều cơ sở thể thao như vậy là hiếm có trong cả nước.
Năm 2003, Vạn Đạt quyên góp 50 triệu tệ xây dựng trường trung học trực thuộc Đại học Sư phạm Trường Xuân, tổng diện tích của ngôi trường này lên đến 40 nghìn m2 với 48 lớp học.
Vạn Đạt cũng từng quyên tiền cho một số đại học. Ví dụ, năm 1994, Vạn Đạt từng quyên góp cho Đại học Đại Liên 500 triệu tệ. Do hồi đó Đại học Đại Liên vừa mới thành lập chưa lâu, gồm phân hiệu Đại học Tự nhiên Đại Liên, Đại học Y Đại Liên và Đại học Sư phạm sáp nhập lại, rất nhiều trang thiết bị không đạt tiêu chuẩn, vì thế trường bị Bộ giáo dục thổi còi, hủy tư cách tuyển sinh. Đứng trước tình hình đó, chính quyền thành phố Đại Liên mong Vạn Đạt với tư cách là doanh nghiệp tiên tiến của thành phố Đại Liên quyên tiền cho Đại học Đại Liên xây dựng trường mới.
Vạn Đạt lúc đó đứng trước sức ép rất lớn, nhưng cuối cùng vẫn khắc phục được khó khăn chồng chất, hoàn thành xây dựng trường. Sau đó, Vạn Đạt lại lần lượt quyên góp thêm cho Đại học Đại Liên 25 triệu tệ.
Bất kể là đầu tư xây dựng trường trung học hay tiểu học, hay quyên tiền cho trường đại học, từ các hoạt động quyên góp từ thiện có thể thấy sự coi trọng của Vạn Đạt với sự nghiệp giáo dục.
Thứ ba, Vạn Đạt coi việc làm từ thiện của nhân viên là thành tích.
Ở Vạn Đạt, làm việc thiện gắn với thành tích công việc, nhân viên đều được trọng dụng và khen thưởng như đóng góp cho công ty. Vạn Đạt còn ban hành các quy định và tiêu chuẩn khen thưởng.
Công ty có một nhân viên tên là Dương Dĩnh, cậu ấy làm ở Ban Quản lý nhà chung cư của Vạn Đạt. Hồi mới vào làm, lương mỗi tháng chỉ hơn 1.000 tệ. Dù lương không cao, nhưng cậu ấy vẫn dành thời gian làm việc thiện.
Cuối tuần, Dương Dĩnh đến thôn “Tình yêu bên bờ biển” để dạy học miễn phí cho trẻ em ở đây. Do chỗ này cách trung tâm thành phố rất xa, mỗi lần đến, Dương Dĩnh phải mất vài tiếng đồng hồ, bắt nhiều chuyến xe buýt.
Để tiện cho việc chăm sóc trẻ em ở đây, Dương Dĩnh phải chuyển nhà vài lần, lần nào chuyển nhà cũng để tiện cho việc bắt xe đến thôn này. Cứ như vậy, Dương Dĩnh lặng lẽ dạy học cho các em nhỏ. Cho đến 2 năm sau, việc làm ý nghĩa của Dương Dĩnh được đồng nghiệp nói ra trong một hoạt động do công ty tổ chức, nghĩa cử của cậu mới được lãnh đạo công ty biết đến. Sau đó, Dương Dĩnh được tăng lương gấp đôi, được đề bạt làm Phó giám đốc Ban Quản lý nhà chung cư.
Đương nhiên, đây không phải trường hợp cá biệt ở Vạn Đạt. Vạn Đạt còn có rất nhiều nhân viên như Dương Dĩnh. Lý Kiện Dân ở Công ty bất động sản Nam Xương Vạn Đạt cũng là người như vậy.
Lý Kiện Dân là Phó giám đốc công ty, anh kiên trì làm việc tốt hơn 10 năm, hỗ trợ tiền cho mấy chục trẻ em không được đến trường, nhưng Lý Kiện Dân chưa từng nói với ai chuyện này.
Một lần, Lý Kiện Dân ra ngoài có việc, lúc đi qua cầu Cán Giang, nhìn thấy một chiếc xe 7 chỗ bị lật dưới chân đê. Lúc đó có rất nhiều người trông thấy vụ tai nạn này, cũng có rất đông người xúm lại xem, nhưng lại không có ai ra tay giúp đỡ. Thấy vậy, Lý Kiện Dân liền xuống xe, nhảy xuống đê cứu người. Hôm đó trời lại mưa, đê cao hơn chục mét, vừa cao vừa dốc, việc cứu người vô cùng khó khăn. Nhưng Lý Kiện Dân không bỏ cuộc, cố gắng hết sức, cuối cùng cũng cứu được người lên.
Hôm đó vừa vặn có phóng viên Đài truyền hình Nam Xương đi qua, họ liền quay lại quá trình Lý Kiện Dân cứu người. Sau đấy, Đài truyền hình Nam Xương phát đoạn băng, nghĩa cử cứu người của Lý Kiện Dân cũng được lãnh đạo cấp cao Vạn Đạt biết. Sau khi Vạn Đạt tìm hiểu về Lý Kiện Dân, phát hiện anh đã kiên trì làm việc tốt hơn 10 năm, cũng biết việc anh hỗ trợ tiền cho vài chục trẻ em thất học, những chuyện đó khiến lãnh đạo cấp cao Vạn Đạt vô cùng khâm phục: một người thỉnh thoảng làm việc thiện thì dễ thấy, nhưng kiên trì 10 năm làm việc thiện quả thật không hề đơn giản.
Để tuyên dương Lý Kiện Dân, Vạn Đạt mời anh phát biểu tại hội nghị tổng kết năm của Tập đoàn, đồng thời kêu gọi toàn thể nhân viên học tập Lý Kiện Dân. Không chỉ có vậy, còn tăng một bậc lương cho Lý Kiện Dân, đề bạt lên làm Giám đốc.
Qua chế độ khen thưởng nhân viên làm việc tốt có thể thấy trách nhiệm xã hội của Vạn Đạt.
Thứ tư, việc nhân viên Vạn Đạt làm từ thiện đã “phát triển thành phong trào”.
Rất nhiều công ty xảy ra tình huống thế này: Sếp của công ty quyên góp làm từ thiện ngoài xã hội, nhưng nhân viên công ty lại không hề tích cực. Thật ra, làm từ thiện không phải việc của cá nhân ông chủ doanh nghiệp, mà phải tạo ra bầu không khí để làm từ thiện phát triển mạnh mẽ thành phong trào trong công ty, lan tỏa lòng nhân ái trong tất cả nhân viên.
Văn hóa doanh nghiệp của Vạn Đạt là phải làm “công ích cho xã hội”, gánh vác trách nhiệm xã hội, được hun đúc trong môi trường văn hóa này, nhân viên của Vạn Đạt đều sốt sắng làm việc tốt. Hưởng ứng phong trào từ thiện, Đảng viên mới hàng năm đều chủ động quyên góp cho vùng sâu vùng xa nghèo khó, hỗ trợ kinh phí cho trẻ em không được đến trường. Không chỉ có thế, các công ty con của Vạn Đạt đều thành lập trạm lao động công ích, mỗi một nhân viên của Vạn Đạt mỗi năm làm tối thiểu 1 giờ lao động công ích.
Những ví dụ sống động trên đã cho thấy sự coi trọng của Vạn Đạt đối với trách nhiệm xã hội. Vạn Đạt không chỉ đứng ra gánh vác một cách vô tư khi quốc gia cần, làm rung động người Trung Quốc bằng việc làm từ thiện, điều quan trọng hơn là Vạn Đạt cực kỳ coi trọng hành động làm việc thiện của nhân viên công ty. Cũng chính vì sự coi trọng và ủng hộ của Vạn Đạt mới khiến phong trào làm từ thiện phát triển rầm rộ ở Vạn Đạt, hình thành văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ. Tin chắc rằng, dưới sự dẫn dắt của văn hóa doanh nghiệp này, ước mơ “Doanh nghiệp trăm năm” của Vạn Đạt sẽ trở thành hiện thực.
SUY TÍNH PHÍA SAU
Bất kể là trung tâm thương mại Vạn Đạt, chuỗi rạp chiếu phim Vạn Đạt, hay bất động sản thương mại Vạn Đạt, mảng du lịch văn hóa và khách sạn cao cấp..., đó đều là sự phát triển đồng bộ với tư duy đa dạng hóa của Vạn Đạt, cơ hội và rủi ro là như nhau. Đối với Vạn Đạt, có một mối rủi ro rất cơ bản không được phép coi nhẹ, đó là rủi ro chu kỳ kinh tế hay còn gọi là chu kỳ kinh doanh.
Kinh tế Trung Quốc phát triển như vũ bão trong 30 năm qua là điều kiện môi trường quan trọng cho Tập đoàn Vạn Đạt trỗi dậy, tương tự, xu thế kinh tế đi xuống trong tương lai cũng sẽ cấu thành mối đe dọa chí mạng cho Vạn Đạt.
Nếu đà kinh tế đi xuống, rủi ro Vạt Đạt phải đối mặt sẽ là rủi ro mang tính hệ thống. Điều này không chỉ tác động đến việc tiêu thụ nhà ở và cao ốc: huyết mạch mang lại lợi nhuận cho Vạn Đạt, mà còn tạo ra cú sốc mạnh cho các mảng bách hóa, khách sạn và du lịch văn hóa của Vạn Đạt. Đặc trưng ngành nghề và quy mô kinh doanh của Tập đoàn Vạn Đạt đều khiến mối quan hệ giữa Vạn Đạt và chu kỳ kinh tế càng mật thiết hơn.
Còn về tương lai phát triển kinh tế Trung Quốc, quan điểm của các giới xã hội cũng khác nhau.
Từ năm 2012 đến nay, thị trường bất động sản xuất hiện các trường phái khác nhau, các cuộc tranh luận liên tiếp không ngừng, ảnh hưởng sâu xa.
Tại lễ động thổ dự án Thành phố văn hóa du lịch Vạn Đạt Vô Tích, Vương Kiện Lâm từng chỉ trích những người rêu rao thị trường nhà đất lao dốc là có ý đồ xấu, ông rất lạc quan về hướng đi của nền kinh tế Trung Quốc, cho rằng tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc hiện nay mới là 51%, muốn đạt được tỷ lệ đô thị hóa khoảng 75% như các nước phát triển phương Tây, cũng có nghĩa là còn 250 triệu người phải dời đến sống ở thành phố, nó sẽ tạo ra nhu cầu khổng lồ, cũng là yếu tố quan trọng nhất giúp thị trường bất động sản Trung Quốc duy trì đà phát triển tốt.
Vương Kiện Lâm thậm chí còn dự báo một cách lạc quan rằng, đến năm 2022, tổng lượng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, trở thành nước số 1 thế giới. Dựa trên phán đoán này, Tập đoàn Vạn Đạt mới tiếp tục duy trì đà đầu tư mạnh và tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, số liệu năm 2014 lại cho thấy, xu thế suy sụp của thị trường bất động sản rất rõ rệt, lượng giao dịch ở các thành phố loại 1 như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến giảm gần 30%, lượng hàng tồn kho cao khiến nguồn vốn của ngành bất động sản đều rất căng thẳng, có không ít công ty nhà đất bị phá sản do nguồn vốn đứt gãy.
Những gì Vương Kiện Lâm từng đề cập đến chỉ là không gian tăng trưởng về lý thuyết. Trong lịch sử phát triển của các nước, có thể duy trì phát triển liên tục trong hơn 30 năm như Trung Quốc là rất hiếm, còn nếu tiếp tục phát triển thuận lợi thêm 20 năm như giả thuyết của Vương Kiện Lâm thì không phải là không thể.
Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc ngày 16/7/2014 công bố số liệu cho thấy, nửa đầu năm 2014, diện tích tiêu thụ nhà thương phẩm là 480,365m2, giảm 6,0% so với năm ngoái, doanh thu đạt hơn 3,11 tỷ tệ, giảm 6,7% so với cùng kỳ. Có thể thấy, đà phát triển thị của trường bất động sản có phần chậm lại, tốc độ tăng vốn đầu tư giảm rõ rệt.
Cuộc “đại nhảy vọt” của thị trường bất động sản thương mại mấy năm qua là do rất nhiều công ty, bao gồm cả công ty chạy theo mô hình của Vạn Đạt như Đại Duyệt Thành, Phú Lực, ồ ạt tham gia vào thị trường địa ốc thương mại, không chỉ làm chậm tốc độ tiêu thụ, mà thu hút đầu tư càng khó khăn hơn, doanh thu từ cho thuê mặt bằng giảm sút, điều này đều tác động trực tiếp đến Vạn Đạt.
Từ tháng 6/2014, hàng chục chính quyền địa phương hủy bỏ quy định hạn chế mua nhà, trong khi đó chính quyền Trung ương cũng thông qua chính sách nới lỏng có định hướng, tức là Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cho vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Phát triển Nhà nước, tăng cường rót tiền, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng như: cải tạo thêm các khu ổ chuột, đường sắt cao tốc... Có thể thấy trước, chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng dần. Đối với Tập đoàn Vạn Đạt, điều này không những có thể giảm chi phí vốn và tài chính trong ngắn hạn, mà còn giúp nâng nghiệp vụ địa ốc cho các công ty con.
Thương mại điện tử đã tạo ra sự thay đổi quan trọng trong mô hình kinh doanh, chu kỳ kinh tế đã tạo ra sự chuyển đổi trong môi trường kinh doanh, những thay đổi này đã tạo ra những thách thức bên ngoài to lớn cho mô hình kinh doanh của Vạn Đạt. Với Vương Kiện Lâm và Vạn Đạt, còn hai thách thức quan trọng nữa là: bộ khung quản lý của Vạn Đạt làm thế nào duy trì được hiệu quả, kết cấu quyền sở hữu cổ phần của Vạn Đạt làm thế nào nâng đỡ đế chế thương mại không ngừng mở rộng?
Mô hình quản lý những năm đầu của Vạn Đạt cơ bản là tham khảo mô hình quản lý và kiểm soát trong định hướng vận hành và tập trung quyền lực của Walmart, song song với quy mô tài sản và quy mô vận hành ngày một mở rộng, khu vực kinh doanh không ngừng vươn xa, các điểm kinh doanh lại ngày càng phân tán, trong tình huống này, nếu muốn đứng vững lâu dài thì buộc phải coi trọng năng lực quản trị kinh doanh, điều phối tổ chức và kiểm soát rủi ro.
Hiện tại, Vạn Đạt có các mảng chức năng cốt lõi gồm: quản trị chiến lược, quản trị góp vốn đầu tư, quản trị nhân lực, quản trị thu hút đầu tư, xây dựng kế hoạch, quản lý công trình, quản trị tiêu thụ, quản trị vận hành, quản trị thông tin.
Hệ thống quản trị thông tin của Vạn Đạt có cơ sở hạ tầng, cổng thông tin và nền tảng quản lý, hệ thống quản trị thông tin bao trùm hệ thống mời thầu và đấu thầu, hệ thống quản trị quá trình triển khai dự án, hệ thống quản trị vận hành, hệ thống quản trị tiếp thị, hệ thống tài chính và hệ thống nguồn nhân lực. Trong đó, hệ thống OA là mặt bằng làm việc đồng bộ của Tập đoàn Vạn Đạt, chức năng chính bao gồm: quản lý hồ sơ, quản lý quy trình phê duyệt, công bố thông cáo báo chí…
Cuộc đời quân ngũ của Vương Kiện Lâm không chỉ là bộ gen tư tưởng trong quản lý theo mô hình kim tự tháp, mà còn xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhấn mạnh năng lực điều hành của Vạn Đạt. Tuy nhiên, tư duy quản lý này làm thế nào thích ứng với hệ thống nghiệp vụ khác nhau là một vấn đề cần giải quyết ngay.
Các mảng nghiệp vụ thương mại điện tử, tài chính, du lịch văn hóa và đầu tư ra nước ngoài đều có quy luật ngành nghề riêng, những ngành nghề này và mô hình quản lý quân sự hóa tập trung quyền lực cao độ xây dựng trước đó chưa chắc đã thích hợp, Vạn Đạt buộc phải đổi mới sáng tạo trong quản trị mới có thể theo kịp nhịp bước phát triển nghiệp vụ.
Tập đoàn Vạt Đạt có hơn một trăm nghìn nhân viên, có nghiệp vụ tại hơn 90 thành phố trong cả nước, có công ty con nắm giữ 100% vốn góp ở khắp nơi trên thế giới, bao trùm các lĩnh vực: bất động sản thương mại, trung tâm thương mại, du lịch văn hóa, rạp chiếu phim, thương mại điện tử, nghiệp vụ đầu tư và tài chính…, việc quản lý là thách thức to lớn. Trong một tổ chức khổng lồ như vậy, làm thế nào duy trì hiệu quả, duy trì đổi mới sáng tạo mà không mắc bệnh chủ nghĩa quan liêu của các công ty lớn, điều này chủ yếu dựa vào kinh nghiệm những năm trong quân ngũ của Vương Kiện Lâm. Ông từng mời công ty tư vấn về quản lý nổi tiếng thế giới điều chỉnh bộ máy của Tập đoàn Vạn Đạt, tăng cường điện tử hóa trong quản lý giám sát và đưa ra quyết sách.
Nói như khi bất động sản thương mại Vạn Đạt niêm yết: “Một mặt, kinh doanh xuyên khu vực chịu ảnh hưởng khá lớn bởi sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, văn hóa của các khu vực; mặt khác, quy mô nghiệp vụ mở rộng nhanh chóng đã kéo dài khoảng cách về quản lý của công ty, từ đó buộc công ty phải nâng cao yêu cầu về năng lực quản trị và vận hành trong quá trình duy trì nghiệp vụ và tăng trưởng nhanh. Nếu công ty không thể áp dụng biện pháp quản lý mang tính đối tượng hơn trong các mặt kiểm soát kiểm trị, nguồn nhân lực, kiểm soát rủi ro, phương thức marketing sẽ khiến các mảng nghiệp vụ của công ty khó mà phát huy hiệu ứng đồng bộ, sẽ ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển nghiệp vụ trong tương lai của công ty.”
Theo những bài diễn thuyết công khai của Vương Kiện Lâm, ông đã rút khỏi công việc quản lý tuyến đầu, chỉ phụ trách thẩm duyệt. Tuy nhiên, cũng có truyền thông đưa tin, Vương Kiện Lâm vẫn là linh hồn của Vạn Đạt, các quyết sách quan trọng của Vạn Đạt vẫn dựa cả vào ông. Vạn Đạt không phải là công ty công chúng, đánh giá của bên ngoài cũng chỉ là cái nhìn phiến diện, còn chưa đủ để đưa ra kết luận.
Một vấn đề hóc búa trong quản lý là nút thắt nhân tài. Khi doanh nghiệp phát triển đến một quy mô nhất định, nhất là công ty tập đoàn đa lĩnh vực, nhân tài dần trở thành nguồn tài nguyên quan trọng nhất. Vương Kiện Lâm cho biết, để có được nhân tài, dù ông có 8 lần thậm chí 10 lần đến lều tranh, Vạn Đạt cũng không tiếc tiền trọng dụng.
Hơn 50 công ty săn đầu người hợp tác với Vạn Đạt sẽ mang nhân tài đến cho Vạn Đạt. Để giải quyết vấn đề thiếu nhân tài, Vạn Đạt còn xây dựng “Học viện Vạn Đạt”, thông qua đào tạo để bồi dưỡng thêm nhiều nhân tài đa kỹ năng.
Tuy nhiên, cùng với nghiệp vụ ngày càng đa dạng và phức tạp, nút thắt cổ chai về nhân tài của Vạn Đạt vẫn là điểm nóng trong các cuộc thảo luận trong ngành.
Về bình diện quyền sở hữu cổ phần, Tập đoàn Vạn Đạt là công ty riêng của Vương Kiện Lâm. Cho dù chuỗi rạp chiếu phim Vạn Đạt hay thương mại Vạn Đạt thuộc Tập đoàn Vạn Đạt tách ra niêm yết, nhưng Vương Kiện Lâm vẫn là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Vạn Đạt, về ý nghĩa quyền sở hữu cổ phần, Tập đoàn Vạn Đạt là một “công ty gia tộc”.
Vương Kiện Lâm cũng không cần vội vàng cân nhắc về người kế nhiệm tập đoàn, một là ông vẫn rất sung sức, vẫn có thể làm nhiều năm nữa cho Vạn Đạt, ngoài ra ông đã có một người kế nhiệm: con trai ông - Vương Tư Thông. Vương Tư Thông được đào tạo bài bản tại Anh, là thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Đạt, sở hữu riêng một công ty đầu tư. Theo nguồn tin công khai, Vương Kiện Lâm cho Vương Tư Thông 500 triệu tệ để khởi nghiệp, nếu thua lỗ hết thì phải về Vạn Đạt làm việc.
Song, cho đến nay, hiệu quả đầu tư của Vương Tư Thông vẫn rất khả quan, ngoài ra, với hào quang “con trai tỷ phú”, Vương Tư Thông đã tích lũy được lượng lớn fan hâm mộ thông qua các nền tảng truyền thông như weibo. Phong cách của Vương Tư Thông tuy không được như mong đợi của Vương Kiện Lâm, nhưng Vương Tư Thông hoàn toàn có thể trở thành người kế nhiệm mà Vương Kiện Lâm lao tâm khổ tứ bồi dưỡng đào tạo, tiếp nhận cây gậy tiếp sức, làm người cầm lái tương lai của Vạn Đạt vào thời điểm then chốt.