CON ĐƯỜNG ĐI RA THẾ GIỚI
Bất kể là bất động sản thương mại, chuỗi rạp chiếu phim hay tiến quân vào bóng đá, cùng với thời gian, cục diện của Vạn Đạt đã đạt đến một tầm cao mới, tầm nhìn ngày càng rộng mở. Sản phẩm liên tục được nâng cấp và chuỗi sản nghiệp không ngừng vươn xa, Vạn Đạt đã có nội lực, có thực lực, Vương Kiện Lâm không còn câu nệ vào trong nước, ông đã chuyển mục tiêu ra hải ngoại, mưu cầu sự phát triển lớn hơn.
Vương Kiện Lâm luôn hy vọng Vạn Đạt trở thành doanh nghiệp đẳng cấp thế giới, đứng trong Top 500 công ty mạnh nhất thế giới, ông muốn gây dựng Vạn Đạt thành thương hiệu tiếng tăm trên phạm vi quốc tế, giành vinh quang cho doanh nghiệp Trung Quốc. Lòng yêu nước giản dị và tham vọng kinh doanh giao thoa một cách kỳ diệu trong con người Vương Kiện Lâm.
Vương Kiện Lâm từng nói thế này khi trả lời báo chí: “Tôi mang trong mình trách nhiệm. Các anh chị cứ nhìn việc xây dựng rạp chiếu phim Phương Đông thì biết, đây là dự án gánh vác trọng trách xây dựng thương hiệu thế giới văn hóa Trung Quốc và ước mơ Vạn Đạt. Tôi làm lĩnh vực văn hóa là vì mục tiêu này, có nghĩa là làm thương hiệu thế giới cho văn hóa Trung Quốc, hơn nữa còn xây dựng biểu tượng văn hóa Trung Quốc mang tính thế giới trên một số phương diện. Vì vậy, đó không chỉ đơn giản là vì danh tiếng của Vạn Đạt hay sự chuyển đổi mô hình, quả thật tôi còn có một chút trách nhiệm xã hội nữa.”
Ngày 18/12/2011, Tập đoàn Vạn Đạt ký kế hoạch đào tạo tập huấn hải ngoại thanh thiếu niên mang tên “Ngôi sao hy vọng Trung Quốc” với 3 câu lạc bộ của Tây Ban Nha là Madrid, Valencia và Villareal. Vạn Đạt đã đầu tư cho kế hoạch trên 200 triệu tệ, đồng thời trao trọng trách này cho Thạch Tuyết Thanh vừa từ chức Tổng giám đốc mảng văn hóa doanh nghiệp của Vạn Đạt. Vương Kiện Lâm vung tiền khiến bên ngoài đua nhau suy đoán, mọi người không ai bảo ai đều cho rằng Tây Ban Nha sẽ là lựa chọn đầu tiên để Vạn Đạt ra mắt ở hải ngoại.
Năm 2012, tại buổi họp báo trong thời gian Hai kỳ họp, Vương Kiện Lâm đã có lời phát biểu liên quan đến định hướng phát triển công nghiệp văn hóa của Vạn Đạt, ông cho biết Vạn Đạt sẽ triển khai kế hoạch mở rộng ra hải ngoại. Tháng 4 cùng năm, khi diễn thuyết tại Đại học Thanh Hoa, thái độ của ông càng rõ rệt hơn: “Trong vòng 1 năm tới, Vạn Đạt chủ yếu tập trung vào vận hành xuyên quốc gia, sẽ có những phi vụ M&A chấn động thế giới.”
Năm 2012, tại Bắc Kinh, Tập đoàn Vạn Đạt ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, ngân hàng sẽ ủng hộ công nghiệp văn hóa, du lịch cùng nghiệp vụ M&B xuyên quốc gia của Vạn Đạt.
Ngày 21/5/2012 là ngày khiến nhân viên Tập đoàn Vạn Đạt sửng sốt. Buổi chiều hôm đó, Vương Kiện Lâm ký thỏa thuận mua bán sáp nhập Hãng rạp chiếu phim AMC của Mỹ với số tiền lên tới 3,1 tỷ USD, cũng có nghĩa là kể từ ngày này, Vương Kiện Lâm trở thành cổ đông mới của hãng rạp chiếu phim lớn thứ hai thế giới. Sự kiện trên đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của xã hội. Chủ đề nhạy cảm mua lại doanh nghiệp trong nước, sáp nhập doanh nghiệp nước ngoài này lại một lần nữa dấy lên tranh luận.
Tiêu điểm của các cuộc tranh luận là: hành động này của Vương Kiện Lâm e rằng lại là vụ “Người Mỹ nợ tiền, người Trung Quốc thanh toán hóa đơn”, bởi vài năm trước, CEO Tập đoàn Lenovo Liễu Truyền Chí cũng từng làm như vậy, mua lại mảng kinh doanh PC của Hãng IBM Mỹ. Nhiều năm sau, không ít người nghĩ, các phi vụ mua bán - sáp nhập ở nước ngoài có được bao nhiêu ý nghĩa thực tế, rốt cuộc thì các doanh nghiệp Trung Quốc phải trả bao nhiêu học phí mới có thể hiểu rõ lý lẽ “cá lớn nuốt cá bé”?
Về việc này, thái độ của Vương Kiện Lâm là: Đối với doanh nghiệp Trung Quốc mà nói, nếu muốn thực hiện các phi vụ M&A xuyên quốc gia, nộp một khoản học phí nhất định là việc đương nhiên. Nhưng liệu có phải nộp học phí thật không thì còn phải bàn thêm, vì cho dù là doanh nghiệp Trung Quốc hay doanh nghiệp nước khác, thực hiện toàn cầu hóa doanh nghiệp cũng luôn là ước mơ chung: chỉ có quy mô hóa doanh nghiệp mới có được thực lực mạnh mẽ hơn, mới có thể thực sự trở thành ông chủ trong ngành, mới có “quyền phát ngôn”.
Vì thế, Vương Kiện Lâm cho rằng, Vạn Đạt mua lại AMC, không phải vấn đề có phải nộp học phí hay không, mà là vấn đề liệu doanh nghiệp Trung Quốc có thật sự “đi ra ngoài” được hay không, đồng thời cũng là vấn đề thử thách tầm nhìn chiến lược của các doanh nghiệp Trung Quốc. Hay nói cách khác, bất kể là sáp nhập giữa các doanh nghiệp trong nước hay các doanh nghiệp quốc tế, là một doanh nghiệp, mục đích của họ đều dễ nhận ra, đều xuất phát từ “lợi ích”.
AMC có 360 rạp chiếu phim trên toàn thế giới, là công ty vận hành rạp chiếu phim 3D lớn nhất toàn cầu, từ vị trí hàng trăm rạp chiếu phim ở khu vực Bắc Mỹ có thể thấy: các rạp đều được chọn đặt ở vị trí trung tâm của các thành phố, thế nên dù có các rạp khác thì cũng không thể thay thế vai trò và tầm ảnh hưởng. Qua phi vụ này, Vạn Đạt liền trở thành nhà quản lý chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất toàn cầu. Đến thời điểm ấy, Vạn Đạt kiểm soát 428 rạp chiếu phim với 5.758 phòng chiếu. Song, Vương Kiện Lâm vẫn chưa hài lòng, ông tuyên bố rằng, Vạn Đạt sẽ không ngừng điều chỉnh chiến lược doanh nghiệp để thích ứng với sự phát triển của thị trường, vì thế sẽ làm đến cùng định hướng phát triển xuyên quốc gia.
Hồi đó, bên ngoài đều gọi việc Vạn Đạt mua lại AMC là “kiến nuốt voi”, nhưng với Vương Kiện Lâm, AMC không phải một con voi, Vạn Đạt cũng không phải một con kiến mà là một đàn kiến. AMC là con lạc đà gầy gò sắp chết, Vạn Đạt là đàn kiến có sức tấn công mạnh mẽ, sau những cuộc đàm phán kéo dài hai năm, cuối cùng đã đi đến kế hoạch M&A, diễn vở “kiến nuốt voi” khiến thế giới sửng sốt.
Nhìn từ góc độ khách quan của phát triển kinh tế, không ít nhà kinh tế đều có quan điểm như Vương Kiện Lâm, hiện tượng kiến nuốt voi không hiếm gặp trong giới thương mại, chẳng qua là vụ Vạn Đạt mua lại AMC diễn ra ở hai nước khác nhau: Một nước là Hoa Kỳ giàu mạnh nhất thế giới; một nước là Trung Quốc đang trong giai đoạn bứt phá, “kiến” của Trung Quốc đã nuốt “voi” của Mỹ, thế nên mới thu hút sự quan tâm của mọi người.
Về việc này, Vương Kiện Lâm cũng bày tỏ, nếu là doanh nghiệp Mỹ mua lại doanh nghiệp Trung Quốc thì mọi người sẽ không sửng sốt như vậy. Mà theo ông, bất kể là doanh nghiệp nước nào đi nữa, bị doanh nghiệp nước khác mua lại đều là hoạt động thương mại bình thường, cho dù là bên mua hay bên bị mua lại thì đều xuất phát từ việc khiến doanh nghiệp có thể phát triển tốt hơn trong tương lai thông qua hình thức mua lại toàn bộ hoặc sáp nhập một phần.
Đầu năm 2016, Tập đoàn Vạn Đạt tuyên bố mua lại đa số cổ phần của Hãng phim Legendary Picture với giá 3,5 tỷ USD tiền mặt (khoảng 23 tỷ Nhân dân tệ). Đây là thương vụ sáp nhập xuyên quốc gia lớn nhất trong lĩnh vực văn hóa của doanh nghiệp Trung Quốc từ trước đến nay. Tại lễ ký kết, Vương Kiện Lâm cho biết, muốn thông qua thương vụ này để tăng quyền phát ngôn của Vạn Đạt trong ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu. “Tiếng nói của Vạn Đạt trong lĩnh vực điện ảnh Trung Quốc rất có trọng lượng, nhưng còn chưa đủ. Thị trường điện ảnh mang tính toàn cầu, chúng ta nhất định phải giành giật quyền phát ngôn trên thị trường điện ảnh toàn cầu. Hiện nay, quyền phát ngôn về điện ảnh trên thị trường thế giới cơ bản vẫn do vài hãng lớn của Mỹ kiểm soát, cục diện này trông cậy vào ai thay đổi, chính là dựa vào chúng ta thay đổi từng chút một.”
GÂY DỰNG HÀNG KHÔNG MẪU HẠM VĂN HÓA
Thương vụ Vạn Đạt mua lại Hãng AMC Mỹ lắng xuống, bóng dáng Vạn Đạt tiến quân vào lĩnh vực điện ảnh cũng dần lộ rõ trước mắt mọi người, rất nhiều người không còn gắn Vương Kiện Lâm với bất động sản thương mại nữa, mà nhìn nhận và đánh giá ông bằng con mắt hoàn toàn mới, điều này khiến “tham vọng văn hóa” của ông càng lớn hơn.
Trong giới bất động sản thương mại ai cũng biết tham vọng của Vương Kiện Lâm, còn về mặt công nghiệp văn hóa, ông chỉ mất 8 năm để gây dựng một đội ngũ khiến người ngoài phải ngưỡng mộ: Tập đoàn Công nghiệp văn hóa Vạn Đạt. Đây vốn là đội kỵ binh ít ỏi dưới trướng của Vạn Đạt, nhưng chỉ sau 8 năm lăn lộn đã trở thành lực lượng trung kiên không thể coi nhẹ trong nền công nghiệp văn hóa Trung Quốc.
Công nghiệp văn hóa Vạn Đạt thu hút sự quan tâm của mọi người chỉ trong 8 năm ngắn ngủi, không thể không nói đó là một kỳ tích. Mặc dù sau lưng có Tập đoàn Vạn Đạt và Vương Kiện Lâm với thực lực hùng hậu, nhưng là một doanh nghiệp, nó không chỉ đơn giản là “dựa vào cây cao bóng cả”, đằng sau sự nổi lên của tập đoàn công nghiệp văn hóa này chứa đựng bao tâm huyết của Vương Kiện Lâm và quan niệm kinh doanh độc đáo của ông.
Vương Kiện Lâm từng nói, dù sao ông cũng không phải nghệ sĩ, mà là doanh nhân, điều mà doanh nhân cần suy nghĩ là làm thế nào mở rộng quy mô doanh nghiệp, gây dựng thương mại quốc tế cho doanh nghiệp; còn về Tập đoàn Công nghiệp văn hóa, mục tiêu phát triển của công ty, xét về định hướng lớn, cũng hoàn toàn có thể phát huy văn hóa dân tộc.
Trong số bất động sản thương mại mà Vạn Đạt kinh doanh, có một dự án là khách sạn Vạn Đạt, Tập đoàn Vạn Đạt đã hợp tác cùng với 5 tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế lớn trên thế giới, mở 32 khách sạn Vạn Đạt. Trong quá trình quản lý khách sạn Vạn Đạt, Vương Kiện Lâm luôn kiên trì một sách lược: đi ra, mang về, mở ra.
Chỉ có “đi ra ngoài” mới phát hiện những khiếm khuyết của bản thân, mới có thể “mang về” quan niệm quản lý tiên tiến của các công ty nước ngoài, cuối cùng mới có thể thực hiện doanh nghiệp tự mình “mở ra” thị trường toàn cầu.
Qua nhiều năm kinh doanh khách sạn, khách sạn Vạn Đạt đã trải thảm cho Tập đoàn Văn hóa Vạn Đạt “đi ra ngoài”, việc Vạn Đạt sáp nhập Hãng AMC Mỹ đã đặt nền móng vững chắc để khách sạn Vạn Đạt thực hiện mở rộng và sáp nhập ở hải ngoại.
Còn về Vạn Đạt làm thế nào “đi ra ngoài”, Vương Kiện Lâm có rất nhiều kinh nghiệm. Trong mắt những người ngoại đạo, Vạn Đạt “có tham vọng lớn”, đó là sự thật, nhưng mới chỉ là một phần. Là thuyền trưởng của con tàu “Hàng không mẫu hạm Văn hóa Trung Quốc”, Vương Kiện Lâm có niềm tin chắc chắn sẽ chèo lái con tàu ra khỏi bến cảng châu Á, đồng thời suôn sẻ cập bến bờ bên kia đại dương, để nó trở thành “tàu khu trục” thật sự.
Trong quá trình phát triển mấy chục năm, bất kể sự phát triển nhanh chóng về quy mô hay giá trị, Vạn Đạt đều khiến rất nhiều doanh nhân phải sửng sốt, điều Vương Kiện Lâm thấy tâm đắc nhất trong thời gian này chính là sự sáng tạo và đột phá trong mô hình vận hành bất động sản. Dưới sự dẫn dắt của Vương Kiện Lâm, Vạn Đạt đã sở hữu mô hình vận hành doanh nghiệp quốc tế, mà trong tương lai không xa, Vạn Đạt chắc chắn sẽ giương buồm ra khơi.
ƯỚC MƠ HOLLYWOOD
Vạn Đạt tiến quân vào công nghiệp văn hóa mới chỉ 8 năm, trong thời gian này, Vương Kiện Lâm đã gây dựng con tàu “hàng không mẫu hạm văn hóa” khiến mọi người sửng sốt, trở thành ông trùm chuỗi rạp chiếu phim trong nước, đồng thời cũng trở thành bá chủ hiếm ai bì kịp ở châu Á, sau khi mua lại Hãng AMC, quy mô và thực lực của Vạn Đạt bước lên tầm cao mới, trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này.
Trong 3 năm trước khi được Vạn Đạt mua lại, Hãng AMC luôn trong tình trạng thua lỗ, sau khi “về tay” Vạn Đạt vào năm 2012, ngay năm sau đã kinh doanh có lãi, khiến rất nhiều người phương Tây cảm thấy ngỡ ngàng. Vì trong mắt các công ty nước ngoài, Vạn Đạt chỉ là một doanh nghiệp Trung Quốc “vô danh tiểu tốt”, lẽ nào có khả năng xoay chuyển càn khôn?
Tháng 9/2013, tại lễ khởi công rạp chiếu phim Phương Đông diễn ra tại Thanh Đảo, Sơn Đông, những chất vấn như vậy đối với Vạn Đạt đã bị báo giới thổi phồng. Về việc này, Vương Kiện Lâm tránh không bàn luận, chủ đề không hề đề cập đến sự thay đổi của AMC, mà cứ chĩa vào khu công nghiệp điện ảnh truyền hình Phương Đông Thanh Đảo sắp khởi công. Vương Kiện Lâm cho biết, bất kể về vốn đầu tư hay quy mô, đô thị điện ảnh Phương Đông nhìn tổng thể trong và ngoài nước đều là dự án chưa từng có từ trước đến nay.
Dự án chiếm tổng diện tích 3,76 triệu m2, tổng diện tích xây dựng lên đến 5,4 triệu m2. Trong đó, không chỉ có khu công nghiệp điện ảnh truyền hình (nó tuy đóng “vai chính” trong dự án này, nhưng chỉ là một phần của toàn bộ dự án), còn có các hạng mục liên quan đến điện ảnh truyền hình như: Bảo tàng Điện ảnh, Trung tâm hội chợ triển lãm điện ảnh truyền hình, Bảo tàng sáp các nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực điện ảnh truyền hình… Ngoài ra còn có Đô thị du lịch Vạn Đạt, tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng, câu lạc bộ du thuyền, show biểu diễn đua xe F1, phố quán bar ven biển, bệnh viện quốc tế... Từ đó có thể thấy, Vạn Đạt lần này đầu tư vào Thanh Đảo Sơn Đông không chỉ là đầu tư xây dựng cơ sở điện ảnh truyền hình theo ý nghĩa đơn thuần.
Vương Kiện Lâm cho biết, lần này triển khai dự án ở Thanh Đảo Sơn Đông, sẽ hợp lực xây dựng cơ sở điện ảnh truyền hình và đô thị nghỉ dưỡng lớn nhất thế giới, cùng với việc khởi động dự án đô thị điện ảnh Phương Đông Thanh Đảo Sơn Đông của Tập đoàn Vạn Đạt, ước mơ nhiều năm của Vương Kiện Lâm cũng bày ra trước mắt mọi người.
Vạn Đạt đầu tư hơn 50 tỷ tệ vào toàn bộ dự án Thanh Đảo Sơn Đông, động thái chi tiền mạnh tay như vậy đương nhiên sẽ thu hút sự quan tâm của bên ngoài. Không chỉ hầu hết các cơ quan truyền thông trong nước đua nhau đưa tin về việc này, mà ngay cả báo giới nước ngoài cũng góp vui, trong đó, tờ báo tài chính nổi tiếng thế giới “Nhật báo phố Wall” còn có bài phỏng vấn riêng Vương Kiện Lâm.
Ông Vương Kiện Lâm cho biết, Vạn Đạt đầu tư số vốn khủng như vậy vào dự án đô thị điện ảnh Phương Đông, là vì muốn xây dựng một “Hollywood” của người Trung Quốc.
Về ước mơ lớn này của ông, có không ít lời ong tiếng ve. Tuy Vạn Đạt tài chính hùng hậu, Vương Kiện Lâm làm việc lại mạnh dạn, đô thị điện ảnh Phương Đông được cho là lớn nhất thế giới nếu có thể so với Hollywood tiếng tăm lừng lẫy thật, vậy phần thắng là bao nhiêu vẫn còn là ẩn số.
Vương Kiện Lâm hiểu rất rõ, văn hóa Đông - Tây tồn tại sự khác biệt nhất định, cho dù sự khác biệt này cũng đã thu hẹp trong tiến trình toàn cầu hóa kinh tế và văn hóa, nhưng nó vẫn tồn tại. Cũng chính sự khác biệt văn hóa này đã tạo ra quan niệm hay tác phẩm điện ảnh của người phương Đông khác với phương Tây, ví dụ như mức độ tiếp nhận các tác phẩm văn học Trung Quốc của người phương Tây. Trầm tích văn hóa của Trung Quốc tuy phong phú, có nhiều tác phẩm văn hóa xuất sắc, nhưng giải Nobel Văn học phải đến năm 2012 mới được trao cho nhà văn Trung Quốc.
Người phương Tây hiện mới vừa bắt đầu có hiểu biết nhất định về văn hóa Trung Quốc, hay nói cách khác là có ấn tượng. Thế nhưng rất nhiều tác phẩm điện ảnh Trung Quốc, bất kể về thủ pháp nghệ thuật hay nội dung đều rất bình thường, lại vẫn được người phương Tây “ghi nhận”. Theo ông Vương Kiện Lâm, ở đây đương nhiên có nguyên nhân về cách giới thiệu văn hóa Trung Quốc cho người phương Tây, nhưng điểm mấu chốt vẫn ở chỗ Trung Quốc, thậm chí là các nước phương Đông, làm thế nào giới thiệu văn hóa bản địa với các nước phương Tây.
Như vậy, có thể hiểu nguyên do Vương Kiện Lâm không chùn bước khi mua lại AMC. Tận dụng “mặt bằng” AMC thích hợp nhất này, Vương Kiện Lâm có thể giới thiệu một cách đầy đủ cho người phương Tây những tác phẩm văn hóa xuất sắc của các nước phương Đông, bao gồm Trung Quốc, để các nước phương Tây hiểu một cách kịp thời và khá toàn diện nội hàm bên trong văn hóa phương Đông.
Vương Kiện Lâm cho rằng, chỉ có làm được điều này mới có thể thật sự thực hiện tương thông văn hóa giữa người phương Đông và người phương Tây.
Vương Kiện Lâm tận dụng “mặt bằng” AMC, kịp thời giới thiệu tại thị trường điện ảnh nước ngoài các bộ phim chất lượng sản xuất trong nước như “Lạc lối ở Thái Lan”. Đây là sự xác thực quan niệm văn hóa này đã hạ cánh một cách thành công, từ đó, tương lai của “Đô thị điện ảnh Phương Đông” ngày càng rõ nét hơn trong đầu Vương Kiện Lâm.
Qua nhiều lần thử nghiệm, Vương Kiện Lâm phát hiện, cho dù môi trường sống, thói quen sinh hoạt… của người phương Đông và phương Tây tồn tại sự khác biệt nhất định, thậm chí ngôn ngữ và cách biểu đạt cũng khác nhau, nhưng nghệ thuật không có biên giới, nghệ thuật là tương thông, vì vậy ông cho rằng khoảng cách trong biểu đạt giữa người phương Đông và phương Tây không đáng là bao. Chẳng hạn như người phương Tây tuy thích bày tỏ trực tiếp nhưng cũng không hẳn không hiểu hàm ý của người Trung Quốc thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật, điểm này có thể thấy qua rất nhiều tác phẩm thơ ca người phương Tây sáng tác.
Hồi trẻ, Vương Kiện Lâm từng đọc tác phẩm của nhà thơ Hoàng gia William Wordsworth, cách biểu đạt ý tưởng của tác giả cũng không mấy khác so với thơ ca Trung Quốc. Vì vậy, theo ông, muốn người phương Tây thừa nhận văn hóa phương Đông, không phải là thay đổi hàm ý thâm sâu của văn hóa Trung Quốc, thay đổi mình theo thói quen của người phương Tây, mà phải khiến người phương Tây thực sự đón nhận văn hóa phương Đông từ trong tư tưởng và ý thức, như vậy mới có thể khiến người phương Tây thật sự hiểu được những tinh túy của văn hóa phương Đông.
Trong dự án Thanh Đảo, những gì mọi người nhìn thấy là “việc làm vĩ đại” của Tập đoàn Công nghiệp Văn hóa thực lực hùng mạnh của Vạn Đạt, hay nói cách khác, đây lại là một quyết định sáng tạo trong quá trình thực hiện chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, mà đứng đằng sau đô thị điện ảnh Phương Đông Thanh Đảo là “đế chế thương mại Vạn Đạt” khổng lồ với tư duy Vạn Đạt.
Năm 2012, Tập đoàn Vạn Đạt chính thức thành lập Hãng sản xuất phim và truyền hình, bắt đầu bộc lộ năng lực về nghiệp vụ sản xuất phim nhựa. Nhờ thời điểm phát hành phim chuẩn xác và sự hỗ trợ mạnh mẽ của chuỗi rạp chiếu, bộ phim “Nắm giữ tình yêu” đã bội thu trong ngày Thất tịch. Theo kế hoạch của Công ty Điện ảnh truyền thông Vạn Đạt: “Kể từ năm 2013, mỗi năm đầu tư không dưới 8 bộ phim, gồm: “Câu chuyện cảnh sát 2013”, “Thái cực đại hiệp”, “Cung tỏa trầm hương”... Phim “Trở về” do Vạn Đạt tham gia đầu tư công chiếu tháng 3/2014, bất kể về nghệ thuật hay đánh giá của khán giả cũng đều đạt thành tích khả quan.
Hãng điện ảnh Vạn Đạt công bố “Kế hoạch phim mới năm 2014”, tác phẩm xuất sắc từ phim mới chiếu dịp 1/5 “Đại sư thôi miên” đến phim mạo hiểm “Quỷ thổi đèn: Tầm long quyết”…, bao gồm nhiều lĩnh vực như: kinh dị, tâm lý...
Tuy nhiên, sản xuất phim trong nước còn phải đối mặt với nhiều vấn đề, gồm: nhân tài, kỹ xảo điện ảnh, chế độ duyệt phim…, khiến thị phần phim trong nước vẫn còn rất nhỏ; để “nuôi” các rạp chiếu phim chủ yếu vẫn phải dựa vào phim nhập khẩu. Còn về liệu “giấc mơ Hollywood” của Vương Kiện Lâm có thành sự thực hay không, liệu Vạn Đạt có thể thành công chuyển đổi doanh nghiệp hay nâng cấp sản nghiệp như mong muốn hay không, để rồi từ đó thực hiện ước mơ “doanh nghiệp trăm năm”, tất cả đều khiến chúng ta hào hứng mong đợi.
XÂY DỰNG THÀNH PHỐ DU LỊCH VĂN HÓA
Trên con đường mở rộng ra quốc tế, chiến tích của Vạn Đạt còn gồm năm 2013, sáp nhập Hãng du thuyền Sunseeker của Anh và tái cấu trúc công ty bất động sản Anh; đầu năm 2014 dự kiến đầu tư 2 - 3 tỷ bảng Anh triển khai dự án cải tạo đô thị tại Anh; mua lại Tây Ban Nha Building: tòa nhà biểu tượng của Câu lạc bộ Madrid Tây Ban Nha…
Hãng du thuyền Sunseeker của Anh có lịch sử lâu đời, thành lập năm 1968, sau vài chục năm kinh doanh, từ lâu đã trở thành thương hiệu du thuyền xa xỉ đẳng cấp thế giới. Đây cũng là thương hiệu du thuyền được Hoàng gia Anh yêu thích, có dịch vụ dành riêng cho Hoàng gia. Hãng này có hơn 2.500 nhân viên, doanh thu đạt 500 triệu USD/năm, rất có thực lực. Điều này đã củng cố thêm niềm tin của Vương Kiện Lâm, là sản phẩm đi đầu trong hàng xa xỉ cao cấp, ông tin chắc rằng du thuyền sẽ là xu thế tiêu dùng của các đại gia.
Theo bố cục chiến lược đã định trước đó, từ nay về sau, Vạn Đạt sẽ lần lượt thành lập câu lạc bộ du thuyền tại Đại Liên, Thanh Đảo và Tam Á, đồng thời trang bị cho mỗi câu lạc bộ ít nhất 10 du thuyền, có 300 chỗ đỗ, từ đó thu hút thêm du thuyền ở nơi khác đến. Song, kết luận được đưa ra sau khi khảo sát phân tích tỉ mỉ là mua 30 du thuyền thì chẳng thà mua luôn một công ty du thuyền, thế là cuối cùng Hãng du thuyền Sunseeker cũng nằm trong tay Vạn Đạt.
Trong quá trình mở rộng ra quốc tế, Vương Kiện Lâm chẳng những hiếm khi can thiệp vào cách quản lý, mà còn sử dụng tối đa đội ngũ quản lý sẵn có, khơi dậy tính tích cực của họ. Sau khi mua lại thành công Sunseeker, Vạn Đạt thậm chí còn không cử nhân viên thường trú sang, Vương Kiện Lâm nói: “Bây giờ chúng tôi vào công ty, chẳng qua chỉ là đổi chủ mới, dành cho họ chính sách phù hợp, chúng tôi tin rằng họ sẽ làm tốt hơn.”
Vương Kiện Lâm cho rằng, trên con đường thực hiện các thương vụ M&A ở hải ngoại, Vạn Đạt trước sau như một kiên trì 3 nguyên tắc: Một là đầu tư và sáp nhập ở những nước kinh tế phồn vinh thịnh vượng, thị trường đã chín muồi; Hai là “sáp nhập là chính, đầu tư là phụ”; Ba là khi chọn công ty để sáp nhập, bắt buộc phải là những công ty liên quan chặt chẽ đến những nghiệp vụ mà Vạn Đạt đã có, đồng thời lấy văn hóa, du lịch và bán lẻ làm trung tâm.
Để Vạn Đạt phát triển toàn diện và mảng du lịch được mở rộng, Vạn Đạt đã chi số tiền khủng mua lại nghiệp vụ du thuyền. Khi Vạn Đạt bắt tay vào làm khu nghỉ dưỡng du lịch quy mô lớn, Vương Kiện Lâm có một phát hiện quan trọng, ông cho rằng điểm then chốt trong thành bại của các dự án loại này là liệu Vạn Đạt có thực hiện việc điều động một cách hợp lý tài nguyên trên phạm vi toàn cầu hay không.
Xây dựng thành phố văn hóa là một cuộc thử sức để Vương Kiệm Lâm điều động hợp lý tài nguyên của mình. Trong ý tưởng của ông, vùng châu thổ sông Trường Giang là trọng tâm của trọng điểm, đòi hỏi đặc biệt coi trọng. Trước đó, ông từng đích thân dẫn đoàn đến Ninh Ba, Nam Kinh, Vô Tích để khảo sát thực địa, sau khi phân tích tỉ mỉ cặn kẽ, cuối cùng quyết định chọn Vô Tích. Vô Tích nằm ở trung tâm vùng tam giác Hàng Châu, Nam Kinh và Thượng Hải, ưu thế địa lý nổi bật.
Sau một thời gian lên kế hoạch kỹ lưỡng, Thành phố du lịch văn hóa Vạn Đạt tọa lạc tại quận Tân Hồ thành phố Vô Tích, tổng diện tích đất 2,02 triệu m2, diện tích xây dựng lên đến 3,4 triệu m2. Trong dự án du lịch văn hóa, Vạn Đạt đầu tư 21 tỷ đồng, chia làm 4 mảng lớn là: văn hóa, du lịch, thương mại và khách sạn, tổ hợp xây dựng gồm: đô thị Vạn Đạt, sân khấu quy mô lớn, công viên chủ đề ngoài trời quy mô lớn, khách sạn nghỉ dưỡng…
Vương Kiện Lâm nói: “Dự án này, đầu tư sức lực nhiều nhất, thời gian suy ngẫm lâu nhất, ý tưởng sáng tạo cũng nhiều nhất.” Chẳng hạn như, công viên nước không còn xa lạ với mọi người, song Vạn Đạt lại dốc sức xây dựng dự án công viên thế hệ thứ 4, trong đó có rất nhiều thiết bị phải đặt làm riêng, rất độc đáo. Ông còn chia sẻ: “Dự án này tôi bỏ ra nhiều thời gian để điều tra nghiên cứu nhất, ê-kíp xuyên quốc gia đã tiến hành thiết kế, tìm kiếm câu chuyện văn hóa và sản phẩm tương hỗ của địa phương.”
Khi trả lời phỏng vấn báo giới, Vương Kiện Lâm nói, mình từng nhiều lần đến Vô Tích khảo sát, nhóm thiết kế cũng đi lại nhiều lần; để show diễn có thể thể hiện một cách sinh động hơn đặc sắc văn hóa của Vô Tích, nhóm thiết kế đã nghĩ nát óc, phải mất đến hơn nửa năm mới xong. Cuối cùng, nhóm thiết kế chia công viên chủ đề ngoài trời ở Vô Tích thành 6 khu, mỗi một khu là một đặc sắc địa phương, ví dụ như văn hóa Tử Sa tiếng tăm lừng lẫy là một phần quan trọng trong khu này.
Ở Trung Quốc phải làm công nghiệp văn hóa như thế nào, theo Vương Kiện Lâm, đây là một đầu bài cần phải nghiêm túc nghiên cứu và đặc biệt tìm tòi. Điều đó có nghĩa là, dòng chảy văn hóa truyền thống Trung Quốc và văn hóa bản địa Vô Tích đều là những nhân tố Vương Kiện Lâm muốn giới thiệu với công chúng thông qua thành phố Vạn Đạt Vô Tích, sàng lọc ra những câu chuyện thần thoại, văn hóa địa phương và công nghệ truyền thống.
Song sự kỳ vọng cao hơn của Vương Kiện Lâm khi xây dựng thành phố du lịch văn hóa Vạn Đạt Vô Tích lại là vượt ra ngoài Trung Quốc, bước lên vũ đài thế giới, gây dựng thương hiệu văn hóa Trung Quốc.
Vương Kiện Lâm nói: “Cùng với việc chấm dứt khai thác phát triển quy mô bất động sản ở Trung Quốc, mô hình du lịch kèm bất động sản chắc chắn cũng không được lâu, tôi dự kiến trong 8 - 10 năm có thể ‘chơi’ cách này, nhưng 8 - 10 năm sau bố cục du lịch văn hóa cũng đã hình thành rồi.” Theo ông, thành phố Vạn Đạt Vô Tích được xây dựng trên cơ sở văn hóa bản địa, có sẵn ưu thế.
“Văn hóa Trung Quốc có trên 5.000 năm lịch sử, sức sống nội tại đã được khẳng định, Vạn Đạt hy vọng thông qua người tiêu dùng Trung Quốc nâng cao giá trị thương hiệu, từ đó khiến văn hóa và giá trị quan đặc sắc của Trung Quốc lại được tiếp thêm sức sống, đi ra nước ngoài vào thời điểm thích hợp.” Về mặt này, Vương Kiện Lâm không hề e sợ làm người “đi đầu” dũng cảm.