N
ăm 1994, Tập đoàn Vạn Đạt vừa thành lập được vài năm, còn đang ở giai đoạn đầu phát triển, người dân hầu như đều không biết đến sự tồn tại của nó. Mọi người bắt đầu quen với “Vạn Đạt” từ khi Vạn Đạt thành lập Câu lạc bộ bóng đá Vạn Đạt Đại Liên.
Câu lạc bộ bóng đá Vạn Đạt không chỉ khiến bên ngoài bắt đầu biết đến Vạn Đạt, mà còn khiến thương hiệu của Tập đoàn Vạn Đạt in sâu hơn trong tâm trí của mọi người. Có thể sẽ có người thắc mắc, Vương Kiện Lâm không làm bất động sản cho tốt đi, hà cớ gì lại thành lập câu lạc bộ bóng đá? Mà việc thành lập câu lạc bộ bóng đá thật ra là cuộc thí điểm về cải cách bóng đá, hay là bước chuyển mình ngoạn mục của Vạn Đạt?
Tình yêu dành cho bóng đá của người dân Đại Liên, cả Trung Quốc đều biết. Thành phố này đã đóng góp cho Quốc gia nhiều cầu thủ xuất sắc nhất. Có thể nói Đại Liên là kho nhân tài của bóng đá Quốc gia; đội tuyển Quốc gia chơi không tốt thì những cầu thủ xuất sắc của Đại Liên sẽ bị chỉ trích đầu tiên.
Tín hiệu của cải cách khiến người yêu bóng đá Đại Liên bắt tay vào hành động, từ bỏ thể chế đội chuyên nghiệp, để Liên đoàn bóng đá địa phương tìm tòi hướng khả thi cho việc thành lập câu lạc bộ.
Tại hội nghị của Liên đoàn bóng đá Quốc gia năm 1991, cựu cầu thủ đội tuyển Quốc gia, Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Trung Quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Thể thao thành phố Đại Liên - Cái Tăng Thánh - đã đề xuất ý tưởng thành lập “Đặc khu bóng đá” trong bài phát biểu tại tổ, ý tưởng này nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo phụ trách mảng thể thao của thành phố.
Hai tháng sau khi đội tuyển bóng đá Olympic Trung Quốc thất bại ở Kuala Lumpur, Ủy ban Thể thao thành phố Đại Liên chính thức nộp báo cáo về Đặc khu bóng đá lên Ủy ban Thể thao Quốc gia. Ngày 8/5, Ủy ban Thể thao Quốc gia ra văn bản đồng ý cho Đại Liên thành lập Đặc khu bóng đá. Luôn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Ủy ban Thể thao thành phố, ngay tức khắc, Vương Kiện Lâm đã nhìn thấy cơ hội của mình. Tiền trong tay ông đang là thứ Đặc khu bóng đá cần nhất, mà xây dựng cơ chế câu lạc bộ, doanh nghiệp sẽ là chủ thể; việc các cơ quan truyền thông đưa tin sẽ mở rộng tuyên truyền cho thương hiệu doanh nghiệp. Tất cả những điều này là nền tảng vững chắc Vạn Đạt có thể dựa vào khi mở rộng. Vậy là, với 4 triệu tệ tiền tài trợ, Vạn Đạt đã trở thành đối tác hợp tác được Ủy ban Thể thao Đại Liên cân nhắc đầu tiên khi trù bị thành lập câu lạc bộ bóng đá.
Ngày 8/3/1994, hơn một tháng trước khi diễn ra mùa giải đầu tiên của giải bóng đá nhà nghề, Câu lạc bộ bóng đá Vạn Đạt chính thức tuyên bố thành lập.
Cầu thủ của Câu lạc bộ bóng đá Vạn Đạt vốn đã có trình độ nhất định, giờ được tiếp thêm nguồn vốn hùng hậu, chẳng khác nào thêu hoa trên gấm, phát triển mạnh mẽ, 8 lần giành ngôi vị vô địch. Thực lực kinh tế hùng hậu là yếu tố quan trọng để Câu lạc bộ bóng đá Vạn Đạt đạt tới thành tích xuất sắc như vậy. Để các cầu thủ dốc hết tâm sức vào bóng đá, Vạn Đạt đã làm tất cả những gì có thể nhằm đem đến cho các cầu thủ một môi trường luyện tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi lý tưởng. Chẳng hạn như khi các cầu thủ của câu lạc bộ ở tại nhà thi đấu, Vạn Đạt đã cải tạo khu ký túc xá, không chỉ lát sàn gỗ mà còn lắp điều hòa.
Trong vòng loại cuối cùng của Giải vô địch Quốc gia năm 1994, đội Vạn Đạt đương đầu với đội chủ nhà Toàn Hưng Tứ Xuyên. Trước đấy, đội Toàn Hưng Tứ Xuyên chưa từng thua trận nào nên muốn giữ kỷ lục bất bại trên sân nhà. Đương nhiên, đội Vạn Đạt cũng không muốn thua, chính vì thế các cầu thủ đội Vạn Đạt đều dốc sức trên sân cỏ.
Sau nửa tiếng diễn ra trận đấu, đội Vạn Đạt đã dẫn trước đội Toàn Hưng với tỷ số 3:0, thắng lợi của đội Vạn Đạt khiến các cổ động viên của đội Tứ Xuyên “lật kèo” vào phút chót, hô vang khẩu hiệu “Vạn Đạt”. Cuối cùng, đội Vạn Đạt đã ôm về chiếc cup vô địch giải bóng đá nhà nghề.
Trận túc cầu này đã được Đài truyền hình Hồng Công phát trực tiếp tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, màn trình diễn của đội Vạn Đạt đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người mê bóng đá toàn thế giới.
Sau khi đội Vạn Đạt giành thắng lợi, Chủ nhiệm Ủy ban Thể thao Quốc gia Ngũ Thiệu Tổ đã chúc mừng thành tích đội. Không còn nghi ngờ gì nữa, thắng lợi của đội Vạn Đạt không thể tách rời sự đầu tư của Vạn Đạt.
Đương nhiên, Vạn Đạt cũng thu được không ít lợi ích vô hình. Chiến thắng vang dội của đội bóng Vạn Đạt đã nâng cao danh tiếng của thương hiệu Vạn Đạt. Tuy 6 năm sau Vạn Đạt “rút lui”, nhưng quyết định này không hề tạo ra tác động tiêu cực đến thương hiệu Vạn Đạt.
Không còn nghi ngờ gì nữa, quyết định đầu tư vào bóng đá của Vương Kiện Lâm là đúng đắn. Tuy trong cuộc thử nghiệm cải cách bóng đá này của Trung Quốc, Vương Kiện Lâm và Tập đoàn Vạn Đạt đều là “vật thí nghiệm”, nhưng Vạn Đạt lại nhờ có bóng đá mà nổi tiếng khắp nơi.
Ngoài ra, với đầu óc kinh doanh nhạy bén, Vương Kiện Lâm còn dẫn dắt Vạn Đạt mở rộng tầm nhìn phát triển doanh nghiệp, từ đó bắt đầu bước lên vũ đài rộng mở hơn.
QUẢN LÝ ĐỘI BÓNG NHƯ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP
Vương Kiện Lâm là cổ động viên bóng đá thực thụ, ông xem World Cup “không sót trận nào”. Ông đặt đồng hồ báo thức để không bị nhỡ những trận quan trọng.
Điều Vương Kiện Lâm thấy tiếc nhất là xem World Cup nhưng lại không có đội Trung Quốc. Ông cho biết đây là lý do ông đầu tư tài trợ đội bóng Đại Liên: “Mấy năm trước công ty chưa có khả năng, giờ có chút tiền, cũng nên đứng ra gánh vác.” “Mỗi năm 4 triệu tệ chỉ là con số dự kiến, cùng với sự phát triển của công ty, tiền đầu tư sẽ còn tăng lên.”
Song, sự nuối tiếc của Vương Kiện Lâm không vì sự hết lòng dành cho bóng đá mà được bù đắp, mãi cho đến World Cup Hàn - Nhật năm 2002, các cầu thủ Vạn Đạt của ông như: Hách Đông Hải, Tôn Kế Hải, Trương Ân Hoa mới lần đầu tiên xuất hiện trên sân cỏ giải World Cup. Khi đó, Vương Kiện Lâm đã rời đội bóng được hơn 2 năm, Vạn Đạt Đại Liên đã đổi tên thành Thực Đức. Tuy vậy, Vương Kiện Lâm lăn lộn nhiều năm trong làng bóng đá, hiển nhiên nhìn thấy rõ lợi ích mà bóng đá mang lại cho ông và doanh nghiệp.
Theo báo “Phương Nam cuối tuần”, Vương Kiện Lâm vốn chỉ định đầu tư vào bóng đá 4 triệu tệ trong năm đầu tiên, nhưng cuối cùng lại bội chi, phải rót thêm 2 triệu tệ, đây quả là gánh nặng cho Tập đoàn Vạn Đạt đang ở giai đoạn cất bước, thậm chí có thể nói là “đòn chí mạng”. Một lãnh đạo của Liên đoàn bóng đá Đại Liên nhớ lại, trước tình hình đó, Vương Kiện Lâm nói: “Sang năm không làm được nữa rồi.” Thực ra lúc ấy, ông đã có dự định rút khỏi làng bóng đá. Cho đến khi bị đối xử “lạnh nhạt” trong chuyến đi Singapore, ông mới kiên định niềm tin của mình.
Đợt đó, Vương Kiện Lâm và lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn sang Singapore làm việc với một tập đoàn tài chính, nhưng đã bị từ chối thẳng thừng, sau phải nhờ người quen nói rõ mình là “ông chủ đội bóng giành vô địch Giải vô địch Quốc gia Trung Quốc”, đối phương mới “xuống nước”, long trọng đón tiếp.
Sau khi từ Singapore trở về, Vương Kiện Lâm “nghiến răng” kiên trì tiếp tục làm bóng đá. Thật ra, đây không phải lần đầu tiên công ty của Vương Kiện Lâm bị “lạnh nhạt” khi tìm kiếm cơ hội mở rộng ra nước ngoài.
Ngay từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ 20, Vương Kiện Lâm đã sang Tây Âu, kế hoạch ban đầu là gặp lãnh đạo cấp cao của một công ty xuyên quốc gia. Xem xong tài liệu, đối phương liền không nể mặt nói luôn: “Công ty chúng tôi tiếng tăm lừng lẫy trên thế giới, công ty muốn hợp tác với chúng tôi nhiều không kể xiết, các anh chỉ là một công ty nhỏ, tôi không có thời gian cũng không có hứng thú, nếu các anh vẫn cứ muốn làm việc, hãy liên hệ với văn phòng đại diện của chúng tôi ở Bắc Kinh trước đi.”
Nhưng đến giữa những năm 90 của thế kỷ 20, biển quảng cáo đèn neon “Tập đoàn Vạn Đạt” lớn nhất thế giới lúc đó đã đứng sừng sững ở trung tâm thành phố Đại Liên, Vạn Đạt đã không còn là “công ty nhỏ” nữa.
Với bóng đá, Vương Kiện Lâm có cách nghĩ riêng của mình, ông không định “chơi cho vui”, ông mưu cầu quyền phát ngôn tuyệt đối trong việc kinh doanh và vận hành đội bóng. Ông từng miêu tả ý tưởng của mình về câu lạc bộ: “Thông qua đòn bẩy tiền vốn, xác lập ý thức doanh nghiệp, chuyển đổi hoàn toàn cơ chế, làm việc theo quy luật bóng đá và quy luật thị trường, từng bước quá độ đến một thực thể có tư cách pháp nhân độc lập kinh doanh tổng thể với bóng đá, lấy chế độ cổ phần làm xương sống, rồi cuối cùng hình thành chức năng tạo máu.”
Đây là phương thức vận hành điển hình của câu lạc bộ bóng đá phương Tây với “trung tâm huấn luyện tài năng trẻ”. Những nước có trung tâm huấn luyện khá hoàn thiện có: Đức, Tây Ban Nha, Mỹ, Nhật Bản.
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Vương Kiện Lâm đi theo đội bóng không sót trận nào. Ông Nhậm Cử Nhất cho biết, Chủ nhật thi đấu, thứ Bảy Vương Kiện Lâm chắc chắn tới, thứ Bảy thi đấu, thứ Sáu chắc chắn đến. Ông sẽ dẫn theo chánh văn phòng hoặc một phụ tá, không chỉ nhất định đến tận nơi, mà còn đích thân động viên các cầu thủ trước mỗi trận đấu.
Ông thậm chí còn đích thân quan tâm đến việc lớn việc nhỏ của đội bóng, bao gồm cả việc thuê huấn luyện viên nước ngoài. Huấn luyện viên Pelle đến từ Thụy Điển là một trong những huấn luyện viên nước ngoài đầu tiên của Vạn Đạt Đại Liên. Ông này có mái tóc dài chấm vai, nói như Nhậm Cử Nhất thì “giống con gái”. Theo quy định lúc đó, cầu thủ không được để râu dài và tóc dài.
Mùa giải năm 1996, vốn đã sắp xếp Pelle ra sân trong trận đấu với Thiên Tân, nhưng trước trận đấu Vạn Đạt nhận được thông báo, Ủy ban Thể thao Quốc gia chỉ đạo: Pelle không được ra sân. Lãnh đạo Liên đoàn bóng đá cho rằng, tóc Pelle quá dài, phải cắt ngay.
Phòng thay đồ không có kéo, việc cắt tóc cho Pelle rất có thể không thực hiện được. Vị huấn luyện viên thở dài thườn thượt, tỏ ra bức xúc. Pelle cho rằng ép mình phải cắt tóc là một việc rất nực cười nên không đồng ý. Pelle yêu cầu Vạn Đạt hủy hợp đồng, muốn về nước. Câu lạc bộ Vạn Đạt lập tức gọi điện thoại xin ý kiến, liền được cấp trên cho phép: Có thể buộc tóc lại, tết thành bím, để tạm thời tham gia trận này, về đến Đại Liên buộc phải cắt ngắn.
Các quy định của phía Trung Quốc khiến Pelle tức giận, về đến Đại Liên, Vương Kiện Lâm dẫn theo lãnh đạo cấp cao của câu lạc bộ đích thân đến tận nhà của Pelle để xin lỗi. Vương Kiện Lâm thật lòng muốn giữ Pelle ở lại, ông mang tặng Pelle cả bức thư pháp mình sưu tầm được. Cuối cùng, trước sự thuyết phục của Vương Kiện Lâm, Pelle đã đồng ý ở lại.
Ông Nhậm Cử Nhất cho biết, Vạn Đạt động viên Pelle cắt lấy lệ 1 cm tóc, rồi đưa chỗ tóc ấy cho Ủy ban Thể thao Quốc gia, “Đây nhé, chúng tôi đã cắt rồi, tóc đây.” Làm vậy mới làm yên lòng các bên.
Vương Kiện Lâm hiểu rằng, ngoài việc quan tâm với tư cách là ông chủ ra, tiền mới là đòn bẩy quan trọng nhất thôi thúc các cầu thủ trở nên chuyên nghiệp. Ông thử nghiệm thưởng tiền theo cơ chế kinh tế thị trường để khích lệ các cầu thủ, ở một chừng mực nào đó, điều này vô tình đã mở ra thời đại “bóng đá vung tiền”. Ông nói: “Lần đầu tiên nói chuyện với đội bóng tôi đã nhấn mạnh, mức độ cống hiến liên quan chặt chẽ đến lợi ích của mỗi người, thu nhập sẽ nâng cao theo đẳng cấp, khoảng cách rất có thể lên đến hàng chục lần. Thù lao của người có cống hiến nổi bật sẽ không ít hơn các cầu thủ chuyên nghiệp, đồng thời dành cho họ một vị trí tốt trong công ty, còn cầu thủ nào biểu hiện kém sẽ không được sắp xếp công việc sau khi giải nghệ.”
Khi đầu tư sang bóng đá, Vương Kiện Lâm vẫn giữ cách làm và quan điểm như trong xây dựng doanh nghiệp, ông mong “nhân viên” cống hiến bao nhiêu sẽ được đền đáp bấy nhiêu, thậm chí sự đền đáp phải nhiều hơn. Từng có cơ quan truyền thông đưa tin, tại các trận đấu, luôn thấy Vương Kiện Lâm xách chiếc cặp da chứa 1 triệu tệ tiền mặt.
Ngoài thưởng tiền mặt, để khơi dậy tiềm năng của các cầu thủ, Vương Kiện Lâm còn cho làm quả bóng vàng, mỗi quả nặng 300g, toàn bộ là vàng ròng. Tuy nhiên, các cầu thủ có thể không biết “nhìn hàng”, họ chỉ coi “quả bóng vàng” là một món đồ lưu niệm, không thể sánh bằng xe hơi, căn hộ…
Vương Kiện Lâm đã không phụ lòng mong đợi, ông dùng căn hộ và xe sang Mercedes để thể hiện cách quản lý của nhà họ Vương. Những gì ông làm đều nhằm mục đích khích lệ tinh thần cầu thủ, chính vì vậy khi thành tích đội bóng không tốt, ông là người đầu tiên chịu áp lực. Mùa giải năm 1995, Vạn Đạt bị thua liên tiếp, Vương Kiện Lâm đã thổ lộ với báo giới nỗi niềm trong lòng không chút giấu giếm: “Chẳng hạn như doanh nghiệp tư nhân chúng tôi, mỗi năm bỏ ra 10 triệu tệ làm bóng đá, không dễ dàng chút nào, tôi mà không bỏ ra, sẽ chẳng ai nói được gì. Lấy 10 triệu tệ, nhân viên của tôi sẽ được chia ít đi. Cách đây không lâu, đội bóng phản ánh không có phương tiện đi lại, tôi đã mua ngay một chiếc xe, hết 500 nghìn tệ. Lại vừa đầu tư thêm 2 triệu, hợp tác với Công ty Thạch Huy Thạch xây một cơ sở huấn huyện. Cơ sở huấn luyện có 2 sân, một tòa nhà nhỏ, trong phòng có điều hòa, nhà vệ sinh. Năm ngoái tôi hứa với đội là 3 căn nhà, bây giờ tôi cho 5 căn… Là ông bầu bóng đá, những gì cần làm tôi đã làm rồi, lẽ nào còn muốn tôi vào sân thay cầu thủ?”
Vương Kiện Lâm quả thật rất mạnh tay chi tiền cho đội bóng, có người so sánh Vương Kiện Lâm với nhà tài phiệt người Nga Abramovich vung tiền để đánh bóng Chelsea. Tuy nhiên, ngoài việc mạnh tay chi tiền mua cầu thủ ngoại ra, hai người họ hầu như không có điểm chung nào khác; hơn nữa Vương Kiện Lâm vào nghề còn sớm hơn Abramovich hơn chục năm, sự nghiệp bóng đá của ông cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân Đại Liên, lãnh đạo thành phố thậm chí còn giúp đội bóng Vạn Đạt thuê cầu thủ.
Trong sự nghiệp bóng đá, Vương Kiện Lâm không coi việc thống trị Giải Vô địch Quốc gia làm mục tiêu cuối cùng, ông có tham vọng lớn hơn. Sau khi có trong tay chức Vô địch Quốc gia, Vương Kiện Lâm bày tỏ: Bước tiếp theo của đội Vạn Đạt Đại Liên là phải giành chức Vô địch “Cup Vô địch các câu lạc bộ châu Á” (tiền thân của Giải Vô địch châu Á), phải đóng góp cho bóng đá Trung Quốc sớm ngày vượt khỏi châu Á bước ra thế giới. Đáng tiếc là ông không được toại nguyện.
Lần đội Vạn Đạt đến gần Cup châu Á nhất là năm 1998. Trong trận chung kết Cup Vô địch các câu lạc bộ châu Á, cuộc đối đầu giữa đội Vạn Đạt và đội Posco Hàn Quốc diễn ra vô cùng gay cấn, sau 120 phút vẫn bất phân thắng bại, tỷ số 0:0. Cuối cùng, trong lượt đá luân lưu 11m, Vạn Đạt đã thua đối thủ, đứng thứ 2.
NƯỚC MẮT CHIA TAY TRÊN SÂN CỎ
Đội bóng đá Vạn Đạt rất được chính quyền coi trọng, tuy nhiên, về mặt quản lý thật sự, Vạn Đạt lại luôn bị hạn chế bởi chính quyền. Kiểu quản lý không thể làm theo ý mình khiến Vương Kiện Lâm có nhiều phàn nàn, nghe nói, ông từng nhiều lần xung đột với lãnh đạo Thành phố về quản lý đội bóng. Ngoài ra, Vạn Đạt nhiều lần giành chức vô địch, khiến đòi hỏi của các cổ động viên cũng ngày càng cao. Sức ép từ Chính quyền thành phố Đại Liên và sự hoành hành của nạn “thổi còi đen cá độ bóng đá” khiến Vương Kiện Lâm dần dà có ý định rút lui.
Ngày 27/09/1998, trong trận bán kết Cup Các liên đoàn bóng đá giữa đội Vạn Đạt Đại Liên và đội Liêu Ninh, do bất mãn trước quyết định phạt 3 quả penalty của trọng tài chính, Vương Kiện Lâm tuyên bố “vĩnh viễn rút khỏi làng bóng đá Trung Quốc”, tuyên bố này đã châm ngòi cho việc Vạn Đạt rút hoàn toàn khỏi làng bóng đá. Năm 2000, trước khi cơn bão phòng, chống nạn “thổi còi đen cá độ” lan tràn khắp làng bóng đá, thương hiệu Vạn Đạt hoàn tất việc chia cắt cuối cùng với bóng đá, Câu lạc bộ bóng đá Vạn Đạt Đại Liên trở thành lịch sử.
Sau khi rút khỏi làng bóng đá, Vương Kiện Lâm dốc toàn bộ tâm trí vào việc kinh doanh của Tập đoàn Vạn Đạt, Vạn Đạt Plaza của ông bắt đầu mở rộng ra các thành phố lớn trong cả nước. Tuy nhiên, Vương Kiện Lâm vẫn dành tình yêu cho bóng đá. Năm 2005, trong một buổi nói chuyện tại Đại học Phục Đán, ông nhắc đến khả năng quay lại làng bóng đá: “Trở lại bóng đá Trung Quốc, cần phải hiểu vì sao chúng tôi rút khỏi. Có hai nguyên nhân, một là cảm thấy bất lực trước thể chế này, là quan chức làm bóng đá, tôi cứ thế chi tiền, không có quyền phát ngôn, tôi thấy thật vô nghĩa. Hai là, sau khi tập đoàn của chúng tôi vào thì ngăn cấm được. Khi nào tôi vào? Sau khi bóng đá quan chức đổi thành bóng đá thị trường, tôi nhất định sẽ quay lại, chắc chắn sẽ là tốt nhất.”
TRỞ LẠI LÀNG BÓNG ĐÁ
Ngày 3/7/2011, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Đạt từng quả quyết rút khỏi làng bóng đá thì nay lại tuyên bố quay lại làng bóng đá. Khác với hơn chục năm trước, ông không chọn bơm tiền cho bất cứ câu lạc bộ nào, kế hoạch của Vạn Đạt là: trong 3 năm tới chi tối thiểu 500 triệu tệ, đạt được hợp tác chiến lược với Liên đoàn bóng đá, trong đó trọng điểm là thương hiệu công ty sẽ đồng hành cùng Giải Bóng đá ngoại hạng Trung Quốc cũng như đào tạo bồi dưỡng bóng đá thanh thiếu niên.
Ngay từ tháng 1/2011, Ủy viên Quốc vụ Lưu Diên Đông hồi đó đã chủ trì triệu tập hội nghị nhằm chấn hưng bóng đá Trung Quốc. Thông điệp của Hội nghị này là, “Trung ương rất quan tâm việc cải cách và phát triển phong trào bóng đá.” Vương Kiện Lâm lập tức bày tỏ, miễn là bóng đá Trung Quốc cần, Vạn Đạt sẽ dốc sức ủng hộ, vài trăm triệu tệ không thành vấn đề.
Nửa năm sau, lời hứa được thực hiện. Ngày 3/7, lễ ký “Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc và Tập đoàn Vạn Đạt” diễn ra tại Đại học Tự nhiên Bắc Kinh. Theo đó, trong 3 năm, Tập đoàn Vạn Đạt chi ít nhất 500 triệu tệ, hỗ trợ toàn diện việc chấn hưng bóng đá Trung Quốc. Ngoài ra, dự án “Ngôi sao hy vọng của nền bóng đá Trung Quốc sang châu Âu du học” do Vạn Đạt tài trợ cũng chính thức được khởi động, là khoản tài trợ riêng cao kỷ lục trong lịch sử giải bóng đá nhà nghề, cũng như trong lịch sử thể thao Trung Quốc.
Sau khi kết thúc hoạt động, bà Lưu Diên Đông bắt tay ông Vương Kiện Lâm nói: “Ông đã làm một việc hữu ích, nhất là vào thời điểm bóng đá Trung Quốc ảm đạm nhất, việc này lại càng có ý nghĩa.” Vương Kiện Lâm không định dựa vào khoản tài trợ bóng đá để trực tiếp kiếm tiền cho mình, ông có tính toán dài hơi hơn.
“Không thể kiếm tiền, nhưng cũng không tính là nhiệm vụ chính trị. Nếu không làm, lãnh đạo cũng không ép buộc.” Vương Kiện Lâm cho rằng, có thể đi đến thỏa thuận hợp tác là sự kết hợp ăn ý giữa yêu cầu của cấp trên và nguyện vọng của mình. Vương Kiện Lâm bày tỏ, sở dĩ bản thân lại có ý tưởng đầu tư cho bóng đá Trung Quốc sau khi đã nản chí ngã lòng là vì phong trào chống nạn “thổi còi đen cá độ” đã cho ông niềm tin.
Vương Kiện Lâm nói: “Muốn làng bóng đá được trong sạch, ít ra quan chức cấp cao phải luôn có thái độ cứng rắn, sở dĩ tôi đồng ý quay lại vì qua tìm hiểu được biết sau này các giải ngoại hạng Trung Quốc, giải trong nước, Bộ Công an đều sẽ tham gia. Nói như các quan chức cấp cao là ‘phải luôn có thái độ cứng rắn.’”
Thỏa thuận tài trợ 500 triệu tệ trong 3 năm giữa Vạn Đạt và Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc gồm 6 điểm: Một là Giải Ngoại hạng Trung Quốc do thương hiệu Vạn Đạt đồng hành tổ chức; Hai là triển khai công tác tuyển chọn thanh thiếu niên dưới 16 tuổi, đồng thời đưa hạt giống bóng đá ưu tú sang các câu lạc bộ bóng đá hàng đầu châu Âu rèn luyện nâng cao; Ba là đầu tư công sức và tiền bạc cho Giải Bóng đá thanh thiếu niên toàn quốc, gây dựng Giải phát triển lớn mạnh; Bốn là không tiếc tiền của mời huấn luyện viên hàng đầu nước ngoài làm huấn luyện viên trưởng; Năm là cải cách sâu sắc việc sát hạch trọng tài và chế độ khen thưởng; Sáu là dốc sức nâng đỡ bóng đá nữ phát triển.
Có tiền rồi, Liên đoàn bóng đá bắt đầu cuộc “chọn tướng” rầm rộ, sau đó, lão tướng người Tây Ban Nha Camacho được chọn làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển Quốc gia Trung Quốc. Nhưng chẳng bao lâu sau, Vương Kiện Lâm phát hiện ra tiền của mình không được tiêu đúng chỗ.
Năm 2011, Liên đoàn bóng đá ký với ông Camacho hợp đồng 3 năm rưỡi, hợp đồng thanh toán lương hàng năm cho ê-kíp huấn luyện viên của ông Camacho là 4,3 triệu tệ sau thuế, khoản lương khủng này có thể lọt vào Top 10 bảng xếp hạng lương huấn luyện viên bóng đá trên thế giới. Nhưng trong hợp đồng lại không có bất cứ quy định cứng nào về thành tích và tiêu chuẩn sát hạch, hay nói cách khác, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với Camacho.
Mọi người đều mong đợi nhà cầm quân nổi tiếng Camacho có thể dẫn dắt đội tuyển bóng đá Trung Quốc góp mặt trong Giải Vô địch bóng đá thế giới diễn ra tại Brazil năm 2014, nhưng điều khiến mọi người thất vọng là, đội Trung Quốc ngay cả vòng loại thứ 2 khu vực châu Á cũng không vào được.
Diện mạo đội bóng không được cải thiện, không vượt qua được vòng bảng vòng loại Giải vô địch châu Á, tiếng nói yêu cầu “sa thải” ông Camacho ngày càng dâng cao. Song, do hợp đồng không có bất cứ điều khoản hạn chế nào, Camacho vẫn nhận lương khủng, tiếp tục làm “chủ soái” đội bóng đá. Cho đến tận ngày 15/06/2013, đội Trung Quốc thảm bại trước đội Thái Lan với tỷ số 1:5, trước sự phẫn nộ của người hâm mộ bóng đá Trung Quốc, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc đành phải cho ông Camacho “về vườn”.
Nguyên do chính yếu của việc Liên đoàn bóng đá không quyết tâm cho ông Camacho “về vườn” là: tiền. Bởi Trung Quốc đơn phương hủy hợp đồng, Camacho “đòi” khoản tiền bồi thường “khủng”. Vạn Đạt đã chi tiền tài trợ lại còn lỗ vốn nên từ chối thanh toán khoản tiền này. Việc đó không chỉ khiến Liên đoàn bóng đá vô cùng lúng túng, mà còn thành trò cười cho thiên hạ do ký bản hợp đồng “ngu dốt”.
Cuối cùng, Camacho hủy hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc, nhưng tiền bồi thường là “điều bí mật”.
Tháng 7/2014, Trung ương thành lập tổ Công tác đi kiểm tra, Trung tâm Quản lý bóng đá bị liệt vào danh sách đợt đầu của tổ Công tác. Trước khi đi kiểm tra, tại hội nghị Bố trí công tác, với tư cách là Tổ trưởng tổ Công tác, ông Vương Kỳ Sơn nói: “Chỗ nào có vấn đề, chỗ đó có tổ Công tác.”
Trong đợt kiểm toán đầu tiên có cả hợp đồng của Camacho, Vạn Đạt có thể thông qua đợt kiểm toán này “đòi lại công bằng” cho số tiền mình đã đầu tư vào. Song, Vương Kiện Lâm hiểu rằng, tiền có thể nâng cao thành tích của một đội bóng một cách nhanh chóng, nhưng không thể cứu vãn bóng đá Trung Quốc. “Vấn đề lớn nhất của bóng đá Trung Quốc là xây dựng thể chế và cải cách chế độ.” Ông thừa nhận, mình “chỉ là nhà tài trợ, người chi tiền mà thôi.”
Vương Kiện Lâm từng tự giáo huấn trong phòng thay đồ, rằng sẽ không bao giờ so đo việc kiểm soát một đội bóng nữa, ông bắt đầu mưu cầu quyền phát ngôn của mình trong thiết kế thượng tầng.
TƯƠNG LAI CỦA BÓNG ĐÁ TRUNG QUỐC
Vương Kiện Lâm thừa nhận, hồi đó ông đưa ra quyết định rời khỏi bóng đá là vì nóng giận, tuy đã thề không mảy may dính đến bóng đá, nhưng nhiều năm qua, ông không thể rũ bỏ tình cảm với bóng đá. Với ông, bóng đá là ước mơ. Theo ông, bóng đá Trung Quốc sở dĩ không thể bước ra khỏi châu Á là do cơ sở quần chúng trong nước không đủ chắc chắn. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, thanh thiếu niên làm phong trào bóng đá ở Trung Quốc chỉ có khoảng 10 nghìn người, trong khi tại Nhật Bản và Hàn Quốc, con số là 1 triệu người. Chỉ cần so sánh với hai quốc gia khác cũng ở châu Á thôi, sự chênh lệch đã khiến người ta giật mình.
Từ số liệu này, Vương Kiện Lâm có thể nhìn thấy khoảng cách rõ rệt giữa Trung Quốc và hai nước có nền bóng đá phát triển trong khu vực, bởi mức độ phổ cập trong quần chúng là mấu chốt quyết định liệu một môn thể thao có phát triển tốt không. Ví dụ, sở dĩ bóng bàn trở thành môn bóng quốc dân của Trung Quốc là vì đi khắp Trung Quốc, hầu như đâu đâu cũng nhìn thấy bàn bóng bàn. Kết quả của việc người dân nhiệt tình tham gia là những năm gần đây, Trung Quốc luôn độc chiếm vị trí quán quân môn bóng bàn.
Vì thế, Vương Kiện Lâm chuyển mục tiêu sang thanh thiếu niên, nhưng không phải ông đặt hy vọng thay đổi hiện trạng bóng đá Trung Quốc trong thời gian ngắn, mà mong bóng đá Trung Quốc thực sự lớn mạnh trong 8 - 10 năm tới.
Không chỉ có vậy, Vương Kiện Lâm còn chi tiền tài trợ cho đội bóng đá nữ Trung Quốc, vì theo ông, muốn nâng cấp một môn thể thao cần phải triển khai một cách toàn diện, như vậy mới thực sự nâng cao trình độ thi đấu. Dù bóng đá nữ không sôi động như bóng đá nam, nhưng về mặt thi đấu thể thao, luôn dễ chi tiền cho đội nữ hơn. Lúc này, Vương Kiện Lâm bơm tiền cho đội bóng đá nữ chủ yếu là để nâng cao sĩ khí của đội bóng đá nữ Trung Quốc. Ông không chỉ chi tiền cho đội nữ mời huấn luyện viên nước ngoài, mà còn gắn thương hiệu công ty đồng hành cùng Giải Vô địch bóng đá nữ Trung Quốc.
Tâm tư của Vương Kiện Lâm dành cho bóng đá Trung Quốc cũng giống như các doanh nghiệp từng kinh doanh câu lạc bộ bóng đá. Theo họ, bóng đá Trung Quốc nếu muốn phát triển, buộc phải thoát ra khỏi cái bóng của Chính phủ, có như vậy bóng đá Trung Quốc mới thực sự thực hiện kết nối hoàn toàn với thị trường, trở thành một ngành kinh doanh.
Như vậy cũng có nghĩa là, nếu chỉ cởi bỏ chiếc áo ngoài Chính phủ, bóng đá Trung Quốc sẽ khó mà phát triển, không những thế, rất có thể còn từ từ đi vào ngõ cụt. Song, cải cách phải có một quá trình, thời gian thành lập Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc cũng chỉ mới vài chục năm ngắn ngủi. Lúc này, nước Trung Hoa mới vừa thành lập, phải xây dựng lại từ đầu, kinh tế Trung Quốc còn chưa phát triển, bóng đá đương nhiên càng khó phát triển. Hồi đó, do yếu tố thời đại, rất nhiều ngành nghề đều thuộc sở hữu nhà nước. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc cũng như xu hướng nhất thể hóa toàn cầu không ngừng được thúc đẩy, việc cải cách thể chế nhà nước cũng được tiến hành, nhưng rất nhiều cơ quan do liên đới quá nhiều nên đành phải tạm thời gác lại, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc là như vậy.
Hiệu ứng thị giác của bóng đá có sức hút rất mạnh, khiến rất nhiều doanh nghiệp trong xã hội nhắm vào chiếc bánh này, từ chỗ ban đầu là các loại khen thưởng khích lệ các cầu thủ giành ngôi vị quán quân trong các giải đấu quan trọng rồi đến sau này, các doanh nghiệp lớn lần lượt dùng bóng đá làm tấm danh thiếp thể thao của doanh nghiệp để mở thị trường.
Nếu nhìn tổng thể quá trình phát triển của bóng đá Trung Quốc, Vương Kiện Lâm cho rằng, sự tham gia của nguồn vốn tư nhân giống như “bát mì trộn” nóng hổi, song song với việc khơi dậy niềm đam mê đá bóng trên sân cỏ của các cầu thủ thì cũng phải khơi dậy tình yêu bóng đá của khán giả Trung Quốc. Dù sao thì bóng đá cũng là môn thể thao được con người đua nhau hâm mộ sớm nhất, hơn nữa bóng đá Trung Quốc trở nên có sức sống như hiện nay cũng là nhờ sự tham gia của vốn tư nhân.
Tuy nhiên, sau khi Vương Kiện Lâm rời khỏi làng bóng đá, bóng đá Trung Quốc cũng không có dấu hiệu thay đổi khả quan, ngược lại, hiện tượng tham nhũng lại càng nổi cộm hơn. Lúc đó, có rất nhiều ông bầu câu lạc bộ bóng đá, bao gồm cả bầu Thực Đức tiếp quản Câu lạc bộ Vạn Đạt Đại Liên, từng cùng phản ánh lên trên và kêu gọi cải cách thể chế bóng đá, nhưng không có gì tiến triển.
Trước lời kêu gọi của các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào bóng đá Trung Quốc, cộng thêm liên tiếp xảy ra “vấn đề lãnh đạo Liên đoàn bóng đá”, làng bóng đá Trung Quốc bắt đầu vấp phải “Waterloo”, điều này khiến làng bóng đá Trung Quốc vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề giờ thì “mất trâu lại thêm mẻ rìu”.
Vương Kiện Lâm cho rằng, bóng đá Trung Quốc rơi vào tình cảnh như hiện nay, nhìn bề ngoài thì khó bề phát triển, nhưng nếu nhìn xa thì lại có thể tiến bộ: hiện trạng “lao dốc” có thể là cú hích, tác động đến cả tiến trình bóng đá Trung Quốc tiến quân vào thương mại hóa, thúc đẩy bóng đá Trung Quốc sớm thoát ly “bình phong” Chính phủ, thật sự thực hiện thương mại hóa toàn diện.
Muốn thay đổi hiện trạng bóng đá Trung Quốc từ gốc rễ, về mặt thể chế, buộc phải đem “gả” bóng đá cho thị trường, chỉ dưới cơ chế vận hành của thị trường, bóng đá Trung Quốc mới có thể phát triển lành mạnh. Nói cách khác, bóng đá Trung Quốc nếu muốn bước ra khỏi vực thẳm và vươn lên, buộc phải tiến hành một cuộc cải cách triệt để, thay đổi các cơ chế, bỏ đi thể chế cũ không còn phù hợp cho sự phát triển.
Năm 2015, Vạn Đạt đã mua lại 20% cổ phần của Câu lạc bộ Madrid với giá 45 triệu euro. Ngày 18/03/2016, Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA) và Vạn Đạt ký thỏa thuận hợp tác chiến lược có hiệu lực lên đến 15 năm, Vạn Đạt trở thành nhà tài trợ hàng đầu của FIFA.
Vạn Đạt cho biết, trở thành đối tác của FIFA sẽ phát huy vai trò to lớn hơn trong việc đăng cai tổ chức các giải thi đấu bóng đá quốc tế lớn như World Cup, nhờ đó, thu hẹp được khoảng cách giữa bóng đá Trung Quốc và bóng đá thế giới, nâng cao quyền phát ngôn của bóng đá Trung Quốc trong hệ thống bóng đá quốc tế. Ngoài ra, sẽ tận dụng năng lực chuyên nghiệp của bóng đá quốc tế để hỗ trợ bóng đá Trung Quốc nâng cao trình độ chuyên nghiệp hóa và vận hành thương mại hóa, tăng tốc chấn hưng bóng đá Trung Quốc. Từng bước đi của Vương Kiện Lâm đều nhằm thực hiện cam kết chấn hưng bóng đá Trung Quốc của ông.