LẦN ĐẦU THỬ DAO MỔ TRÂU
Sau khi rời quân ngũ, Vương Kiện Lâm chưa vội lao vào làn sóng khởi nghiệp “ra khơi” đang thịnh hành hồi đó, mà dựa vào mối quan hệ với chính quyền tích lũy được suốt quá trình tại ngũ và năng lực của bản thân, xem xét nhận định tình hình, lựa chọn bước vào cơ quan nhà nước.
Biểu hiện của Vương Kiện Lâm trong quân đội đều được ghi chép đầy đủ trong hồ sơ, một quân nhân xuất sắc như vậy cũng sẽ được trọng dụng trong cơ quan nhà nước. Thật vậy, ông đã trở thành Chánh văn phòng chính quyền quận Tây Cương, thành phố Đại Liên.
Đại Liên là thành phố ven biển, môi trường làm việc ở chính quyền quận Tây Cương cũng rất tốt. Ngày đầu tiên Vương Kiện Lâm đi làm, còn chưa kịp thông thuộc hết mọi thứ, mới làm quen với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt thì đã đến giờ ăn trưa. Ông phát hiện, rất nhiều đồng nghiệp ra ngoài ăn. Ông thấy hơi lạ, liền hỏi một đồng nghiệp bên cạnh, “Sao mọi người không đến nhà ăn ăn cơm?” Đáp án là: không có nhà ăn.
Sau khi hỏi thêm các đồng nghiệp, Vương Kiện Lâm mới biết, thật ra chính quyền quận không phải không muốn xây nhà ăn: xây nhà ăn thì dễ thôi, nhưng không được lắp hệ thống ga. Sao lại không được lắp ga? Bởi vì phòng ban liên quan của chính quyền quận không làm thủ tục sử dụng ga, cũng có nghĩa là nếu dùng ga, chính quyền quận sẽ là “hộ sống chui” không có hộ khẩu.
Vương Kiện Lâm không cho rằng việc này khó giải quyết như vậy, miễn là phù hợp quy định liên quan về bồn chứa ga, thủ tục đầy đủ, làm gì có chuyện không xử lý được? Sau một hồi thắc mắc, Vương Kiện Lâm bèn liên hệ với tổng công trình sư phụ trách lắp đặt ga của thành phố, phản ánh vấn đề với ông ấy. Không ngờ, vị kỹ sư đó vừa nghe thấy nói “chính quyền quận Tây Cương” liền xua xua tay, không đếm xỉa đến Vương Kiện Lâm nữa. Sau vài lần bị từ chối, Vương Kiện Lâm nghĩ bụng: Vì sao ông kỹ sư này lại làm vậy?
Qua một thời gian không thấy có văn bản trả lời, Vương Kiện Lâm vẫn không bỏ cuộc. Hễ rảnh là ông lại chạy đến đơn vị của vị kỹ sư đó, dù chỉ gặp một cái, đối phương quay lưng đi luôn ông cũng không hề giận. Vương Kiện Lâm nghĩ, dù thế nào cũng phải giải quyết được vấn đề khí ga này. Sau vài lần trắc trở, Vương Kiện Lâm đã dò hỏi được địa chỉ nhà vị kỹ sư đó từ nhân viên phòng thường trực đơn vị ông ấy.
Một hôm, Vương Kiện Lâm đến thăm nhà vị kỹ sư. Vừa nhìn thấy mặt ông, đối phương đóng “rầm” cửa luôn. Vương Kiện Lâm không tức giận, sau đó “mặt dày” đến thêm vài lần, cuối cùng thì vị kỹ sư cũng cảm động trước sự nhiệt thành của Vương Kiện Lâm và đã nói rõ nguồn cơn sự việc.
Hóa ra, hồi trụ sở chính quyền quận mới xây xong, đã có nhân viên tìm đến vị kỹ sư này bàn chuyện lắp hệ thống ga, nhưng đúng lúc đó vị kỹ sư lại đang bận xử lý việc khác, hay cũng có thể thái độ có chút lạnh nhạt, nên không ngờ làm đối phương nổi giận, nói ra những lời rất khó nghe. Vị kỹ sư đã nén giận trong lòng, sau đấy hai bên có gặp lại để bàn việc, nhưng cứ nghĩ đến chuyện lời qua tiếng lại lần trước, hai người lại tranh cãi gay gắt. Nỗi oán hận giữa hai bên cứ thế tích tụ lại.
Vị kỹ sư đã nói hết nỗi uất ức trong lòng mình cho Vương Kiện Lâm nghe. Thế rồi, thủ tục sử dụng khí ga mà chính quyền quận Tây Cương làm mãi không xong, đến tay Vương Kiện Lâm đã được giải quyết một cách chóng vánh. Không chỉ có vậy, Vương Kiện Lâm lại “quay lại nghề cũ”, làm công việc trước đây từng làm trong quân đội: đích thân phụ trách khâu mua sắm của nhà ăn. Vương Kiện Lâm tận dụng những kiến thức về tài vụ và quản lý khi còn trong quân đội, trước tiên là kiểm soát chi phí mua sắm thật hiệu quả. Sau đó, ông đã dùng số tiền tiết kiệm được đầu tư vào cải thiện bữa ăn cho đồng nghiệp, việc làm này được mọi người ủng hộ. Đây là lần đầu tiên Vương Kiện Lâm thể hiện năng lực quản lý kinh tế của mình sau khi giải ngũ.
Năm 1988, sau hai năm làm Chánh văn phòng chính quyền quận Tây Cương, Vương Kiện Lâm đã quen với quy trình làm việc trong cơ quan nhà nước, đồng thời xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các đơn vị.
Hồi đó, có một việc khiến lãnh đạo quận rất đau đầu: Công ty Phát triển nhà thuộc chính quyền quận Tây Cương do vấn đề lịch sử, cộng thêm xã hội lúc đó hoàn toàn không có khái niệm làm kinh doanh nên hoạt động trì trệ, thua lỗ. Chính quyền quận đã nhiều lần thay giám đốc công ty nhằm giúp công ty phát triển, nhưng không thu được hiệu quả. Mà ngược lại, việc thay đổi lãnh đạo liên tục đã khiến công ty như con thuyền nhỏ chao đảo trong mưa bão, nợ nần hàng triệu tệ, trở thành bài toán vô cùng hóc búa đối với lãnh đạo quận.
Cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ 20, vài triệu tệ quả là con số trên trời. Mà một công ty cấp quận nợ nần nhiều như vậy, không cần nói cũng biết tình hình công ty đã “thảm” đến mức độ nào rồi, thậm chí có thể nói, chỉ thiếu mỗi nước tuyên bố phá sản mà thôi. Nhưng công ty lại do chính quyền quận thành lập, nếu buộc phải cho nó phá sản thật, chắc chắn sẽ để lại di chứng. Sau khi suy tính cân nhắc, chính quyền quận không còn cách nào khác đành phải công khai tuyển dụng nhân tài. Cũng giống như khi đối mặt với “lệnh cắt giảm 1 triệu quân” của Quân ủy Trung ương, Vương Kiện Lâm đã tự tiến cử, và đề xuất được đảm nhận vị trí Giám đốc Công ty Phát triển nhà.
Trước hành động của Vương Kiện Lâm, không chỉ rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp xung quanh thấy khó hiểu, mà ngay cả lãnh đạo quận cũng thấy bất ngờ, buồn vui lẫn lộn.
Mừng là kể từ sau khi Vương Kiện Lâm đến quận Tây Cương biểu hiện luôn rất xuất sắc, là lực lượng dự bị đã được nội bộ chính quyền quận quyết định. Ông đứng ra thu dọn mớ bòng bong của Công ty Phát triển nhà, chưa biết chừng lại làm nên chuyện giống việc lắp hệ thống ga nhà ăn. Ngoài ra, có Vương Kiện Lâm dũng cảm đứng ra gánh vác trách nhiệm nặng nề cũng khiến chính quyền đỡ lúng túng.
Còn lo là nếu Vương Kiện Lâm tiếp quản công việc khó nhằn này, nhỡ ông cũng giống những người khác - lúc đi mặt mày hớn hở, lúc về thiểu não chán chường - thì sẽ ảnh hưởng đến tương lai của ông. Hơn nữa, ông mà đi, nội bộ mất một trợ thủ đắc lực. Phải làm sao đây?
Chỉ được chọn một trong hai, lãnh đạo quận cân nhắc suy đi tính lại, lại trao đổi với Vương Kiện Lâm vài lần, cuối cùng đưa ra quyết định bổ nhiệm Vương Kiện Lâm là Giám đốc Công ty Phát triển nhà Tây Cương.
Thay đổi hiện thực, trước tiên là phải bắt đầu từ thay đổi tư tưởng. Nếu muốn thay đổi hiện trạng của công ty, Vương Kiện Lâm phải thay đổi cách nghĩ, cách làm của chính mình. Ông tiến hành cải cách nội bộ công ty một cách quyết đoán và mạnh mẽ, nghiêm túc nghiên cứu những quy định quản lý thiếu hợp lý của công ty, hễ phát hiện có văn bản nào cản trở công ty phát triển thì lập tức sửa đổi, thậm chí là hủy bỏ. Sự quyết liệt và cứng rắn trong các biện pháp cải cách của Vương Kiện Lâm bắt nguồn từ tác phong của một quân nhân với tinh thần sắt đá đã ăn sâu vào máu.
Mang theo tư duy mới, Vương Kiện Lâm tích cực yêu cầu công nhân viên xây dựng tác phong làm việc “động não suy nghĩ”, “khai thác trước, phát triển sau”, “chủ động xuất kích”, “thoát ra khỏi lối tư duy cố hữu”, từ đó đưa công ty bước ra khỏi vũng bùn, bắt đầu hồi sinh với diện mạo mới.
Cũng trong năm tiếp quản công ty, Vương Kiện Lâm ký được dự án Khai thác và phát triển nhà ở Nam Sơn. Lúc làm dự án này, phương án cải cách của ông đã phát huy đầy đủ tác dụng.
Khi thực hiện những dự án trước đây, công nhân của Công ty Phát triển nhà quận Tây Cương không có chí tiến thủ, làm việc uể oải, khiến công trình bị kéo dài và chất lượng không đảm bảo, vì thế rất nhiều người bất mãn với Công ty.
Tuy nhiên, Vương Kiện Lâm dù sao cũng là “dân ngoại đạo” trong ngành bất động sản, tuy ông dẫn dắt công nhân viên thu được lợi ích từ dự án Nam Sơn, coi như đã giành chiến thắng ngoạn mục để “đổi đời”, nhưng so với số tiền mà công ty đang nợ, quả thật không thấm vào đâu. Để nhanh chóng vực dậy công ty, không bao lâu sau, Vương Kiện Lâm lại làm một việc khiến mọi người sửng sốt. Ông nhận dự án mà rất nhiều bậc tiền bối trong ngành ngán ngẩm hay nói cách khác là không đủ can đảm để làm: dự án cải tạo khu phố cũ.
Lúc đó, rất nhiều người trong ngành cười nhạo Vương Kiện Lâm, nói ông tự cho mình được thần may mắn phù hộ, có chút thành tích trong dự án Nam Sơn thì không còn biết trời cao đất dày là gì nữa. Lãnh đạo quận cũng lo thay cho Vương Kiện Lâm, họ không biết liệu ông có mang lại niềm vui bất ngờ như trước đây được hay không.
Trước mắt lại là một mớ hỗn độn. Mặc cho các bên bàn tán, Vương Kiện Lâm vẫn không chịu từ bỏ phi vụ làm ăn đã nằm trong tay, cuối cùng vẫn quyết định lăn xả vào làm cho bằng được. Các vấn đề liên quan đến lợi ích, dự tính của ông là: Đợi nhà cải tạo xong, mỗi mét vuông bán hơn vài trăm tệ thì mọi vấn đề tự nhiên sẽ được giải quyết dễ dàng. Cứ như vậy, ông dẫn dắt công nhân viên công ty vượt lên mọi khó khăn. Ông khích lệ công nhân viên: “Nếu bán được nhà với giá 1.500 tệ/m2 là chúng ta có lãi rồi.”
Mức giá “1500 tệ/m2” mà Vương Kiện Lâm đưa ra khiến không ít công nhân hoài nghi, nhưng ông lại rất lạc quan, khẳng định rằng chỉ cần động não nghĩ cách để giá “vọt” lên mức này là thắng.
Trong tình huống cấp bách, Vương Kiện Lâm và ê-kíp của mình đã cùng nhau thảo luận, sau khi nghiên cứu những kiến thức về bất động sản, cuối cùng quyết định áp dụng 4 điểm sáng tạo:
Thứ nhất, đưa ra khái niệm “cao tầng”. Hồi đó ở thành phố Đại Liên chưa hề có khái niệm “cao tầng”, vì thế Công ty Phát triển nhà Tây Cương muốn nhấn mạnh điểm này để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, xây tòa nhà cao 30 tầng. Những tòa nhà này sau được gọi là “Cao ốc Vạn Đạt” (Công ty Phát triển nhà Tây Cương sau cũng đổi tên thành Công ty hữu hạn cổ phần Vạn Đạt Đại Liên).
Thứ hai, sáng tạo đổi mới trong thiết kế. Công ty không chỉ đưa ra căn hộ rộng 130m2, mà còn mở ra xu thế thiết kế hiện đại: phòng khách có cửa sổ kính, sử dụng khung nhôm. Hồi đó, hầu như tất cả các công ty bất động sản đều không xây căn hộ diện tích rộng, càng chưa có khái niệm có cửa sổ và không có cửa sổ.
Thứ ba, mỗi căn hộ đều có nhà vệ sinh rộng khoảng 5m2. Hồi đó, không phải tất cả nhà phổ thông đều có nhà vệ sinh, đa phần mọi người đều phải bịt mũi chịu đựng mùi hôi thối trong nhà vệ sinh công cộng, chỉ những người có địa vị như lãnh đạo cấp huyện hay trung đoàn mới được ở căn hộ có nhà vệ sinh. Về mặt này, Vương Kiện Lâm vẫn là người “đi trước đón đầu”.
Thứ tư, lắp cửa chống trộm. Đúng thời điểm đó, cửa chống trộm “Pan Pan” vừa xuất hiện trên thị trường, mỗi chiếc cửa chỉ 8, 9 chục tệ, Vương Kiện Lâm cho rằng nó chắc chắn hơn cửa gỗ, giá thành cũng không đội lên là mấy, thế là mỗi căn hộ lắp một chiếc cửa chống trộm. Lắp xong, cả căn nhà nhìn khác hẳn, đây cũng là sáng tạo lớn nhất lúc đó.
Ngoài “4 điểm chắc thắng” này, về mặt tiếp thị, Vương Kiện Lâm cũng bộc lộ tư duy độc đáo. Đầu tiên, ông nghĩ đến việc làm quảng cáo, nhưng vừa bắt đầu đã vấp phải tình trạng độc quyền. Hồi đó, chưa tờ báo giấy nào ở Đại Liên được tùy ý đăng quảng cáo, cả thành phố chỉ có hai tờ báo giấy chính thống, và số trang dành cho quảng cáo cũng vô cùng hạn chế.
Suy đi tính lại, Vương Kiện Lâm chợt nảy ra ý tưởng: Sao không đến đài truyền hình bàn chuyện hợp tác? Hồi đó, phim truyền hình Hồng Công, Đài Loan đang rất được ưa chuộng, nếu có thể quảng cáo ở đầu phim hoặc xen vào giữa phim thì hiệu quả chắc chắn sẽ rất tuyệt. Thế là ông tích cực liên hệ với đài truyền hình, và rồi được duyệt thời gian quảng cáo xen vào phim. Sau đó, khi phim truyền hình được chiếu, người dân thành phố đều được xem quảng cáo nhà đất của Vương Kiện Lâm.
Những năm 80 của thế kỷ 20, điều kiện nhà ở ở Đại Liên nhìn chung là kém, Vương Kiện Lâm động não suy tính, chỉ thay đổi vài điểm nhỏ nhưng đã cải thiện rất nhiều chất lượng nhà ở, được người dân thành phố ủng hộ, Vương Kiện Lâm cũng thu về lợi nhuận như dự tính. Điều mấu chốt hơn là, qua dự án này, ngoài thu hoạch về lợi nhuận, ông còn tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền thành phố.
THAY ĐỔI CƠ CHẾ, VẠN ĐẠT RA ĐỜI
Dự án cải tạo nhà ở thu được thành công ngoài mong đợi, Vương Kiện Lâm biết, đằng sau thành quả này là mồ hôi và nước mắt của anh chị em công nhân. Tuy công ty thu lợi lớn, nhưng những công nhân vất vả nỗ lực lại không được chia sẻ thành quả này. Hồi đó ông chưa có quyền thưởng cho công nhân, bởi thế, luôn thấy day dứt trong lòng. Nghĩ đến việc rất nhiều công nhân viên đều muốn bày tỏ niềm vui của mình trước những thành tựu mà công ty đạt được bằng một hình thức nào đó, thế là ông quyết định tổ chức cho nhân viên đi du lịch một chuyến vào ngày 1/5.
Tuy nhiên, ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ 1/5, một số kẻ rắp tâm gây rối đã đến Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Thành ủy Đại Liên tố cáo Vương Kiện Lâm vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Thành ủy: lạm dụng công quỹ, ăn no uống say. Vu oan giá họa. Muốn đổ tội cho người khác, không lo thiếu chứng cứ. Vương Kiện Lâm bị chụp mũ. Lạm dụng công quỹ là hành vi vi phạm kỷ luật vô cùng nghiêm trọng. Nhà nước lúc đó đang đẩy mạnh chống tham nhũng, tuy hành vi của Vương Kiện Lâm không phải tham ô, nhưng lại có chút biểu hiện “tham nhũng”, vì vậy, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật quyết định sẽ xử lý nghiêm khắc Vương Kiện Lâm bằng hình thức kỷ luật cảnh cáo hoặc thông báo phê bình.
Sau khi cán bộ Ủy ban Kiểm tra kỷ luật tiến hành điều đình hòa giải, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Thành ủy Đại Liên cũng nhượng bộ, cán bộ của ủy ban này cho biết: “Chúng tôi có thể thông cảm với cách làm của ông Vương Kiện Lâm, có thể không ra thông báo hoặc kỷ luật cảnh cáo, nhưng nhất định phải phê bình ông ấy, gióng hồi chuông cảnh tỉnh cho ông ấy, để tránh tái phạm sai lầm. Hơn nữa, chi phí du lịch bình quân 200 tệ/ người lấy từ công quỹ, nhân viên Công ty Phát triển nhà Tây Cương phải hoàn trả lại.”
Việc này sau đó cũng lắng xuống, nhưng trong lòng Vương Kiện Lâm thì không yên được. Ông nghĩ, công nhân sau khi đóng góp lớn cho công ty, phải được thưởng xứng đáng, nếu không có cơ chế khen thưởng, công nhân lấy đâu ra động lực? Ông còn nghĩ đến những vấn đề khác công ty đang phải đối mặt, càng nghĩ càng bế tắc, ý định thay đổi ngày càng mãnh liệt. Cái tiếng “không chịu an phận” của Vạn Đạt sau này cũng hé lộ từ đây.
Đứng sau Công ty Phát triển nhà Tây Cương là chính quyền quận Tây Cương, coi như là doanh nghiệp quốc hữu, mà hồi đó thể chế cố hữu của các doanh nghiệp quốc hữu lại là “gông cùm” đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Sau khi nhậm chức Giám đốc Công ty Phát triển nhà Tây Cương, Vương Kiện Lâm liên tục vấp phải rất nhiều vấn đề nan giải.
Một là Vương Kiện Lâm không có quyền tuyển dụng và sa thải nhân viên hay bổ nhiệm bãi nhiệm cán bộ.
Hai là Vương Kiện Lâm không có quyền phân phối lương thưởng cho nhân viên có đóng góp cho công ty.
Là người đứng đầu công ty lại không thể phân phối thành quả lao động, làm “anh cả” như vậy thật vô dụng. Cộng thêm việc cho nhân viên đi du lịch trước đó, Vương Kiện Lâm lại càng không thể làm ngơ trước hiện trạng mình bị mất thực quyền và bị giật dây như một con rối. Sau khi phân tích tỉ mỉ, mọi thứ đều sáng tỏ, thể chế của công ty là “kẻ đầu sỏ” của mọi vấn đề nan giải, muốn thay đổi hiện trạng công ty từ gốc rễ, buộc phải thay đổi thể chế công ty.
Đúng lúc Vương Kiện Lâm đang đau đầu suy nghĩ làm thế nào thay đổi thể chế công ty, thì có một tin phấn chấn lòng người: Ủy ban Cải cách thể chế Nhà nước và Ủy ban Cải cách thể chế thành phố Đại Liên quyết định, Đại Liên chọn ra 3 công ty tiên tiến làm thí điểm chế độ cổ phần đợt 1 của khu vực Đông Bắc. Đó là năm 1992.
Sau khi nghe được tin này, Vương Kiện Lâm vui mừng khôn xiết, ông ý thức được rằng cơ hội đã tới, thế là tích cực đi xin một suất. Ủy ban Cải cách thể chế Nhà nước và Ủy ban Cải cách thể chế thành phố Đại Liên thấy được thái độ tích cực của Vương Kiện Lâm trong khi rất nhiều doanh nghiệp quốc hữu không muốn thay đổi hiện trạng công ty, hơn nữa công ty do Vương Kiện Lâm lãnh đạo làm đâu ra đấy, thành tích ai cũng trông thấy, thế là duyệt cho ông một suất. Như vậy là Vương Kiện Lâm đã giành được cơ hội tiến hành cải cách toàn diện thể chế công ty. Đây là bước đi quyết thắng trong cuộc đời Vương Kiện Lâm. Sau khi có được suất này, Công ty Phát triển nhà Tây Cương được thay thế bởi “Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Đạt Đại Liên”.
Sau khi vay mượn gom tiền mua lại cổ phần quốc hữu, Vương Kiện Lâm chính thức trở thành người sở hữu và người kiểm soát công ty, đây là sự thay đổi mang tính lịch sử. Cho đến hôm nay, ý nghĩa của việc thay đổi thể chế này, dù có nhấn mạnh đến thế nào cũng không hề quá lời. Từ đó về sau, Vạn Đạt được cởi trói, tham chiếu quy luật thị trường, theo ý chí của Vương Kiện Lâm, thỏa sức vùng vẫy trong biển cả thương mại mênh mông.
Công ty đổi tên, nhưng không hề đơn giản như bên ngoài nhìn vào, dù sao thì thể chế đã khác, việc phân phối quyền sở hữu vì thế cũng khác. Kể từ lúc này, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Đạt Đại Liên không còn bị hạn chế, nó đã được chắp đôi cánh tự do, thỏa sức tung bay trên bầu trời xanh, bản thân Vương Kiện Lâm cũng chính thức mở ra thời đại Vạn Đạt của riêng mình!
Sau khi cải cách thể chế thành công, Vạn Đạt trở thành vũ đài để Vương Kiện Lâm thực hiện ước mơ của mình. Đầy tham vọng và hoài bão, dù thiếu kinh nghiệm thương trường nhưng Vương Kiện Lâm vẫn quyết theo trào lưu hồi đó, thử đi con đường đa dạng hóa. Ông đầu tư vào nhà máy sản xuất thuốc, sản xuất thang máy, thậm chí còn có thiết bị biến áp, tuy nhiên, do đối tác hoặc chưa đủ chuyên nghiệp nên những dự án đầu tư này đều thất bại.
Thất bại tạm thời của chiến lược đa dạng hóa khiến Vương Kiện Lâm nhận ra giá trị của việc chuyên sâu vào một lĩnh vực, vì thế một thời gian sau, Vương Kiện Lâm từ chối đề nghị đi Nội Mông mua mỏ than để đầu tư. Ông kiên trì “cày sâu cuốc bẫm” trong lĩnh vực bất động sản mà mình tinh thông. Dựa vào mối quan hệ phong phú ở Đại Liên cùng kinh nghiệm và nguồn vốn không ngừng được tích lũy, Tập đoàn Vạn Đạt nổi như cồn trong lĩnh vực bất động sản, rồi dần trở thành một trong số ít doanh nghiệp khai thác bất động sản chỉ đếm được trên đầu ngón tay của Đại Liên.
Phát triển càng mạnh, vấn đề nảy sinh càng nhiều, đây là thời kỳ then chốt thử thách doanh nghiệp. Đầu năm 1996, Vương Kiện Lâm chèo lái doanh nghiệp phát triển ổn định vững chắc, lo trước tính sau. Trước hiện tượng chất lượng kém, diện tích hẹp, mua bán lừa đảo… phổ biến trong ngành, Vương Kiện Lâm dẫn đầu các doanh nghiệp bất động sản trong cả nước đưa ra “ba cam kết”: thứ nhất, đảm bảo nhà không bị thấm; thứ hai, đảm bảo diện tích không bị chật; thứ ba, tự do trả lại tiền.
Ba cam kết này đã làm dấy lên tranh luận và ảnh hưởng cực lớn trên thị trường bất động sản Trung Quốc lúc bấy giờ, vì thế, chính quyền thành phố Đại Liên ra văn bản, kêu gọi hệ thống xây dựng trong toàn thành phố học tập Tập đoàn Vạn Đạt. Sức ảnh hưởng khổng lồ quả thật đã mang lại thành công như dự tính của Vương Kiện Lâm.
Tính đến năm 1988, tại thành phố Đại Liên, doanh thu của Vạn Đạt đạt gần 3 tỷ NDT, chiếm 25% thị phần thị trường bất động sản toàn thành phố, đế chế Vạn Đạt dần trỗi dậy.
PHÁT SÚNG ĐẦU TIÊN VỀ BẤT ĐỘNG SẢN THƯƠNG MẠI
Sở dĩ Vương Kiện Lâm kiên trì, bền bỉ khai thác phát triển sản nghiệp mới, một mặt là vì muốn Vạn Đạt được ổn định, hưởng lợi lâu dài; mặt khác là do sự nhạy bén của ông trước các thông tin thương mại. Ông cho rằng, Vạn Đạt chỉ dựa vào phát triển bất động sản nhà ở thì sẽ không đi xa được.
Vương Kiện Lâm phát hiện, bất động sản nhà ở tuy tương lai phát triển rất tốt, nhưng có một khiếm khuyết không được phép coi nhẹ: dòng tiền mặt không ổn định. Lúc có dự án để bán, công ty sẽ có dòng tiền mặt; một khi dự án bán hết, cần mua đất chỗ khác thì dòng tiền mặt của công ty sẽ giảm sút. Xuất phát từ việc cân nhắc lợi ích đơn giản như vậy, để tìm kiếm dòng tiền mặt ổn định, đương nhiên Vạn Đạt cần phải tìm tòi cái mới. Nhưng mãi cho đến năm 2000, Vạn Đạt mới quyết định xem bất động sản thương mại là trụ cột phát triển của công ty.
Ngày 17 tháng 5 năm 2000, Hội nghị “Tuân Nghĩa” của Vạn Đạt được khai mạc trọng thể. Tại hội nghị Hội đồng quản trị lần này, Vương Kiện Lâm tung ra kế hoạch phát triển địa ốc thương mại. Quan điểm của ông là: bán nhà thu tiền, tiền trao cháo múc, cửa hàng vừa có thể cho thuê, lại vừa có thể bán, còn có thể tự kinh doanh, có thể thu lợi lâu dài.
Từ góc độ phát triển, ý tưởng của Vương Kiện Lâm không hề thiếu tính khả thi, nhưng đáng tiếc là, không phải ai cũng có tầm nhìn xa rộng như vậy. Nội bộ tập đoàn không dám gật bừa về kế hoạch của ông, không ít các vị nguyên lão còn nói thẳng, kế hoạch địa ốc thương mại không phù hợp với sự phát triển hiện nay, nếu triển khai có thể sẽ chuốc họa vào thân.
Trước những băn khoăn và hoài nghi, Vương Kiện Lâm vẫn kiên trì quan điểm của mình. Thật ra, ông cũng từng do dự. Thổi phồng địa ốc thương mại thì trước đây, hàng ngũ tiền bối từng tiên phong mở đường, nhưng đa phần đều thất bại. Tuy nhiên, Vương Kiện Lâm nghĩ rằng, nếu Vạn Đạt muốn đi ra khỏi Đại Liên, trở thành doanh nghiệp chuỗi mang tính toàn cầu thì những dự án bất động sản cao cấp mới là chiều hướng phát triển.
Vương Kiện Lâm ngang bướng cuối cùng quyết định: Bỏ ra 5 năm thực hiện chuyển đổi mô hình của Vạn Đạt, nếu đến năm 2005 vẫn không có thành quả sẽ lập tức hủy bỏ. Vương Kiện Lâm không chỉ muốn cho mình một cơ hội, mà còn muốn cho tập thể của mình trải qua thách thức chưa từng có từ trước đến nay.
Sau khi Vạn Đạt quyết định chuyển đổi mô hình khai thác phát triển bất động sản thương mại, sản phẩm thế hệ đầu tiên được đưa ra là cao ốc Vạn Đạt: Đây là loại nhà cao tầng đơn khối, tòa nhà văn phòng hoặc chung cư có thể bán, tầng 1, 2 và 3 cho thuê làm trung tâm thương mại. Hồi đó, nguồn hộ kinh doanh của Vạn Đạt là con số 0, vào thuê chủ yếu là các hộ kinh doanh nhỏ và nhà hàng. Do các hộ kinh doanh thuê mặt bằng thường xuyên nợ tiền thuê nhà, buộc Vương Kiện Lâm phải thành lập “tổ thu tiền thuê nhà”, vừa tốn công sức vừa mất thời gian, mà thu về cũng không được là bao.
Để thay đổi hoàn cảnh khốn khó này, Vương Kiện Lâm thay đổi tư duy, quyết định hợp tác với đối tác vào thuê có thực lực và đưa ra khẩu hiệu: “Thu tiền của Top 500 công ty hàng đầu thế giới”. Vừa hay lúc đó, Walmart đổ bộ vào Trung Quốc chưa lâu, cần tìm gấp nguồn mặt bằng trung tâm thương mại để mở rộng thị trường, còn Vạn Đạt thì lại có thể tận dụng tiếng tăm và tầm ảnh hưởng của Walmart để mở ra cục diện mới.
Sau vài lần đàm phán, Phó tổng giám đốc của Walmart vẫn chưa chịu đồng ý, Vương Kiện Lâm không còn cách nào khác, qua vài người giới thiệu lại tìm đến ông Chung Hạo Uy, Giám đốc Điều hành khu vực châu Á Thái Bình Dương của Walmart. Sau khi thương lượng, vị giám đốc điều hành này bày tỏ một cách dè dặt, tạm thời chưa đề cập đến việc hợp tác chiến lược, có thể làm thử một cái trước, xem tình hình thế nào rồi tính tiếp.
Cứ như vậy mất gần nửa năm, hai bên tiến hành hàng chục cuộc đàm phán, Walmart cuối cùng cũng gật đầu đồng ý hợp tác với Vạn Đạt, bắt đầu bằng Vạn Đạt Plaza ở thành phố Trường Xuân tỉnh Cát Lâm. Đây có thể coi là phát súng đầu tiên trong kế hoạch địa ốc thương mại của Vạn Đạt.
SÁCH LƯỢC ĐƠN HÀNG
Sự trỗi dậy của Vạn Đạt trong dự án bất động sản thương mại là nhờ Vương Kiện Lâm áp dụng sách lược tiếp thị được ông lấy tên là “địa ốc thương mại theo đơn đặt hàng”: tức là tìm các doanh nghiệp nổi tiếng ký hợp đồng thuê trước, sau đó mới xây trung tâm thương mại. Có thể nói, mô hình địa ốc thương mại theo đơn hàng đã giảm rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.
Trong số rất nhiều công ty nổi tiếng, Vương Kiện Lâm muốn hợp tác trước tiên với Walmart vốn có tầm ảnh hưởng lớn. Sau năm lần bảy lượt, Walmart mới miễn cưỡng đồng ý “bắt tay” với Vạn Đạt. Mà bước đầu tiên chuẩn bị cho việc hợp tác là chọn địa điểm. Sau khi Walmart biết được Vương Kiện Lâm chọn địa điểm Vạn Đạt Plaza ở Trường Xuân thì Giám đốc phát triển dự án của Walmart liền phủ quyết luôn, bởi vì ở Mỹ lúc chọn địa điểm, Walmart chỉ chọn ở ngoại ô, chưa bao giờ chọn trong thành phố, lại càng không chọn ở trung tâm thành phố.
Vương Kiện Lâm có cách nghĩ của mình, ông không muốn từ bỏ điều này. Sau đó, ông đích thân đến gặp CEO khu vực châu Á của Walmart, trình bày rõ ý tưởng cụ thể của Vạn Đạt. Nghe xong, CEO khu vực châu Á thấy ý tưởng này rất khả thi, liền đến địa điểm của Vạn Đạt ở Trường Xuân khảo sát, rồi cho rằng có thể thử. Vì thế, Trung tâm thương mại Vạn Đạt Trường Xuân khai trương thành công.
Thật ra, ngay từ đầu Vương Kiện Lâm đã dự tính được quyết sách này của mình sẽ thành công, nhưng ông cũng không thể ngờ Trung tâm thương mại Vạn Đạt Trường Xuân sau khi khai trương lại bùng nổ như vậy; khiến Walmart thay đổi hẳn thái độ, quyết định ký tiếp hợp đồng với Vạn Đạt mở thêm 5 điểm tại trung tâm thành phố.
Vương Kiện Lâm ra sức tranh thủ các dự án hợp tác với Walmart, dần phát huy giá trị tiềm năng vốn có của mình. Là công ty chủ lực đóng tại Trung tâm thương mại Vạn Đạt Trường Xuân, Walmart với sản phẩm phong phú, môi trường mua sắm dễ chịu và chất lượng đáng tin cậy chẳng mấy chốc được người tiêu dùng ưa chuộng.
Bước ngoặt của Walmart khiến các công ty khác rục rịch hành động. Nghe nói, hồi đầu khi Vạn Đạt ký hợp đồng với Walmart đều làm theo tư tưởng “thuê một nửa tặng một nửa”, sự thành công của Trung tâm thương mại Vạn Đạt Trường Xuân đã khiến các công ty nhận ra nguồn lợi khổng lồ có thể thu về bằng chính sách này, vì thế họ lũ lượt kéo đến hợp tác với Vạn Đạt.
Thời kỳ đầu khi hợp tác với Walmart, Vạn Đạt có chịu thiệt thòi một chút, song nguồn thu từ quảng cáo sau những hợp đồng này là không hề nhỏ. Hơn nữa, cùng với sự phát triển của Vạn Đạt, vị trí giữa Vạn Đạt và Walmart vô hình trung cũng nảy sinh sự chuyển biến khá tế nhị. Đây cũng được coi là phiên bản thực tế trong kế sách kinh doanh “bỏ ít thu nhiều” của Vương Kiện Lâm.
Cùng với với sự phát triển của Vạn Đạt, các công ty hợp tác cũng ngày càng đa dạng. Ví dụ, siêu thị hợp tác với Vạn Đạt, ngoài Walmart ra còn có Carrefour, Tesco, Hoa Nhuận…, thậm chí các công ty này còn bày tỏ, miễn là Vạn Đạt chịu hợp tác, họ sẵn sàng bỏ quyền lợi chọn địa điểm. Cũng có nghĩa là, Vạn Đạt mở Trung tâm thương mại Vạn Đạt ở đâu, họ sẽ chọn Vạn Đạt ở đó để ký hợp đồng.
Sau vài năm lăn lộn trong lĩnh vực địa ốc thương mại, Vương Kiện Lâm đã nhìn thấu ngành này, có thể tối ưu hóa sự phân bố. Chẳng hạn như trong các trung tâm thương mại Vạn Đạt ở các thành phố lớn, các cửa hàng ăn uống đều tập trung ở tầng trên cùng. Đây cũng là sáng tạo của Vương Kiện Lâm, ông còn phát minh ra một cụm từ mới là: “hiệu ứng dòng thác”. Ông phân tích: “Đặc điểm của người Trung Quốc là háu ăn, gom các món ngon lại, tập trung ở tầng trên cùng, để được ăn ngon, họ sẽ phải chạy lên; lúc đi xuống, họ sẽ phải qua một số lối đi, như vậy có thể tăng thêm thời gian dừng nghỉ của khách, giống như dòng thác đổ từ trên cao xuống.”
Ngoài ra, nhờ có thỏa thuận hợp tác chiến lược lâu dài ký với Walmart, “mô hình đơn đặt hàng” Vạn Đạt đưa ra cũng dần chín muồi. Do vấn đề thu hút đầu tư vào các vị trí chủ chốt được giải quyết thỏa đáng trước khi khởi công dự án Vạn Đạt, hơn một nửa diện tích cho thuê của dự án đều đã có chủ. Khi triển khai trong thực tế, Vương Kiện Lâm cũng cực kỳ “nhân văn”, tức là làm rõ nhu cầu của khách hàng lớn, sau đó điều chỉnh theo nhu cầu khách hàng. Một trong những bí quyết trong kinh doanh địa ốc thương mại chính là biết suy nghĩ cho khách thuê, khách thuê có kiếm được tiền thì Vạn Đạt mới kiếm được tiền.
“Mô hình bất động sản thương mại theo đơn đặt hàng” của Vạn Đạt đã thực hiện được mục tiêu lôi kéo khu vực xung quanh phát triển trong thời gian ngắn nhất, khiến Vạn Đạt trở thành “trung tâm sôi động nhất thành phố” ở khu vực sở tại. Được biết, lưu lượng người tại khu vực này mỗi ngày là 80 nghìn - 150 nghìn người, lúc cao điểm thậm chí còn đạt gần 300 nghìn người. Hiển nhiên, con số đó tỷ lệ thuận mạnh mẽ với nhu cầu tiêu dùng gia tăng của người dân và sự phồn thịnh của thành phố.
Sau này, mô hình bất động sản thương mại theo đơn đặt hàng phát triển thành một trong những thế mạnh cạnh tranh cốt lõi của Tập đoàn Vạn Đạt, Vương Kiện Lâm tự hào nói, nhiều công ty bất động sản làm theo mô hình “địa ốc đơn hàng” này, nhưng chưa một công ty nào có thể vượt qua Vạn Đạt.
ĐỊA ỐC CHUYỂN MÌNH
Vạn Đạt dựa vào Đại Liên, sau nhiều năm không ngừng phát triển, Vạt Đạt đã trở thành Vua bất động sản ở Đại Liên, sau đó bắt đầu mở rộng việc kinh doanh ra toàn quốc. Vương Kiện Lâm đã nhắm chuẩn thời điểm then chốt này, khiến Vạn Đạt nổi trội trong số các công ty khai thác bất động sản, trở thành công ty khai thác bất động sản nổi tiếng có tầm ảnh hưởng trong cả nước.
Thật ra, Vương Kiện Lâm hướng tầm nhìn ra cả nước từ rất sớm. Ngay từ năm 1993, ông đã bắt đầu thử khai thác và phát triển dự án ở Quảng Châu. Những năm đó, công ty bất động sản tư nhân làm dự án xuyên khu vực là rất hiếm, cơ quan công thương Quảng Châu thậm chí còn không muốn nhận hồ sơ đăng ký của công ty Vạt Đạt, bất đắc dĩ, Vương Kiện Lâm đành phải triển khai nghiệp vụ thông qua một công ty Hoa kiều địa phương, tuy trắc trở khó khăn, nhưng hướng ra toàn quốc luôn là ước mơ của ông.
Mô hình bất động sản thương mại của Vạn Đạt đã đưa Vương Kiện Lâm đi khắp toàn quốc. Từ năm 2001, Tập đoàn Vạn Đạt của Vương Kiện Lâm đã dũng cảm lao vào trung tâm của các thành phố bằng các tòa nhà thương mại đơn khối, hình thức thể hiện cụ thể chính là cao ốc Vạn Đạt và Trung tâm thương mại Vạn Đạt, mà mỗi cao ốc hay plaza đều đi kèm các siêu thị lớn, rạp chiếu phim, cửa hàng và khu ẩm thực, sức mạnh trong lĩnh vực bất động sản thương mại khiến Tập đoàn Vạn Đạt vốn sống nhờ ở vùng đất xa xôi bắt đầu bộc lộ năng lực trong ngành bất động sản.
Bất động sản thương mại thế hệ đầu tiên được gọi là cửa hàng đơn lẻ. Từ tên gọi có thể thấy, toàn bộ các loại hình kinh doanh đều nằm bên trong công trình đơn khối có tổng diện tích từ 50 - 60 nghìn m2. Quy trình thao tác là: Xây một tòa nhà thương mại trước, Tập đoàn Vạn Đạt sẽ tận dụng tầng 1 của tòa nhà để mở các cửa hàng xa xỉ, tầng 2 mở siêu thị, tầng 3 dành cho đồ gia dụng, tầng 4 là rạp chiếu phim. Những công trình tiêu biểu của mô hình này là: Trung tâm thương mại Vạn Đạt Trường Xuân, Trung tâm thương mại Vạn Đạt Thanh Đảo, Trung tâm thương mại Vạn Đạt Nam Kinh.
Sản phẩm thế hệ thứ hai được nâng cấp, gọi là tổ hợp cửa hàng. Sản phẩm này ra đời năm 2003 - 2005, gồm nhiều cửa hàng đơn lẻ, diện tích thường từ 100 - 150 nghìn m2 với gần 10 loại hình kinh doanh như: khu mua sắm, siêu thị, rạp chiếu phim. Công trình đại diện cho mô hình này là: Trung tâm thương mại Vạn Đạt Thiên Tân, Trung tâm thương mại Vạn Đạt Nam Ninh, Trung tâm thương mại Vạn Đạt Vũ Hán… Trong thời gian này, để thu hút thêm nhiều người tiêu dùng, mô hình thế hệ thứ hai của Vạn Đạt bắt đầu thử sức phát triển đa dạng hóa, thu hút thêm loại hình kinh doanh mới như game, ẩm thực… Điều quan trọng hơn là Vạn Đạt bắt đầu chú trọng quy mô bất động sản thương mại của mình.
Thế hệ thứ ba của Vạn Đạt là thành phố phức hợp, còn được gọi là HOPSCA - “H” là khách sạn, “O” là văn phòng, “P” là không gian công cộng, “S” là trung tâm mua sắm, “C” là công trình vui chơi giải trí văn hóa, “A” là chung cư. Thành phố phức hợp trở thành ưu thế cạnh tranh cốt lõi của Tập đoàn Vạn Đạt, là nơi tiêu dùng từ A - Z, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân một cách toàn diện, chẳng khác gì tạo ra một trung tâm thành phố mới. Công trình tiêu biểu của mô hình này là: Trung tâm thương mại Vạn Đạt Thượng Hải, Trung tâm thương mại Vạn Đạt Bắc Kinh, Trung tâm thương mại Vạn Đạt Ninh Ba, Trung tâm thương mại Vạn Đạt Thành Đô.
Trong mô hình thương mại thế hệ thứ ba Vạn Đạt Plaza, Tập đoàn Vạn Đạt mở phố đi bộ bên trong, sau đó xếp đặt cửa hàng của các thương hiệu chủ lực chạy xung quanh phố đi bộ, chứ không phải “mỗi người cát cứ một phương”, đây là ý tưởng sáng tạo trong thiết kế bất động sản thương mại của Tập đoàn Vạn Đạt.
Từ năm 2000 bắt đầu chuyển đổi mô hình làm bất động sản thương mại, đến năm 2005, ra mắt thành phố phức hợp Vạn Đạt. Trải qua 5 năm, Vạn Đạt đã hoàn thành sự chuyển mình ngoạn mục. Nói một cách khách quan, đến năm 2005, tiếng tăm của Tập đoàn Vạn Đạt đã nổi như cồn ở trong nước, hơn nữa mô hình thành phố phức hợp thế hệ thứ ba cũng đã chín muồi. Tuy nhiên, trong hàng ngũ các công ty khai thác bất động sản, thực lực và tầm ảnh hưởng của Vạn Đạt còn chưa đuổi kịp Vạn Khoa, thậm chí còn chưa bằng Bích Quế Viên niêm yết năm 2007. Song, Vương Kiện Lâm đã phát huy năng lực huy động vốn siêu việt của mình, giúp Tập đoàn Vạn Đạt mở rộng nhanh chóng. Đến năm 2007, Tập đoàn Vạn Đạt đã sở hữu hàng chục Trung tâm thương mại Vạn Đạt trong cả nước, dẫn đầu trong lĩnh vực địa ốc thương mại.
Năm 2008, Mỹ nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính, cỗ máy xuất khẩu của nền kinh tế Trung Quốc bị “tắt máy”, Chính quyền Trung ương quyết định áp dụng chính sách mở rộng tài chính để kích thích kinh tế phát triển, trước tiên là “bơm” 4 nghìn tỷ tệ. Hồi đó chính sách tiền tệ khá nới lỏng, cộng thêm cuộc khủng hoảng tác động đến hầu hết các lĩnh vực, nên Chính quyền địa phương hy vọng sớm biến đất đai trong tay thành tiền mặt, còn các ngân hàng cũng mong khách hàng “sộp” vay nhiều tiền.
Lúc đó, Ủy ban giám sát ngân hàng hàng tháng đều theo dõi sát sao chỉ tiêu cho vay của các ngân hàng, để xem liệu có đạt quy chuẩn hay không. Vì vậy, khi một số công ty bất động sản có máu mặt có nhu cầu vay tiền thì hầu như không cần nói đến câu thứ hai.
Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đã tác động đến rất nhiều lĩnh vực trên phạm vi toàn thế giới, đa số các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Song với tài trí và tầm nhìn xa rộng, Vương Kiện Lâm lại tận dụng cơ hội này tăng tốc phát triển Vạn Đạt theo đồ thị “hình chữ V”, nhanh chóng bỏ lại phía sau những công ty lớn từng dẫn trước Vạn Đạt, kết quả thật khiến nhiều người sửng sốt.
Giai đoạn này, sở dĩ Vạn Đạt phát triển mạnh mẽ cũng là nhờ vào việc lấy mô hình thành phố phức hợp làm xương sống của Vạn Đạt cực kỳ “hợp khẩu vị” của Chính quyền địa phương. Mô hình khai thác tổng hợp này của Vạn Đạt quy mô lớn, đầu tư khủng, vai trò thúc đẩy kinh tế địa phương rất rõ rệt. Ngoài ra, trung tâm thương mại Vạn Đạt còn thu hút rất nhiều thương hiệu hàng đầu trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao hình ảnh của thành phố, vì vậy họ có động lực để hợp tác với Vạn Đạt.
MÔ HÌNH VẠN ĐẠT
Vạn Đạt có một câu khẩu hiệu nổi tiếng: “Mỗi Vạn Đạt Plaza là một trung tâm thành phố”, câu khẩu hiệu này cho thấy thực lực và năng lực tái tạo trung tâm thành phố của Tập đoàn Vạn Đạt. Vạn Đạt tận dụng ưu thế của mình, có thể chọn vị trí thích hợp tại rất nhiều các thành phố loại 2, 3, 4 trong cả nước để nhanh chóng xây dựng Vạn Đạt Plaza. Với tốc độ bình quân mỗi năm xây 20 Vạn Đạt Plaza, Vạn Đạt đang tăng tốc mở rộng trên bản đồ rộng lớn của Trung Quốc.
Điều này không những đảm bảo hiệu ứng thương hiệu và tốc độ kiếm tiền nhanh chóng của Vạn Đạt, mà còn khiến mô hình Vạn Đạt Plaza thâm nhập vào từng nhóm khách hàng trong thành phố, với mỗi loại hình, chiến lược phát triển của Vạn Đạt đã thay đổi sâu sắc sự phát triển mô hình thương mại của thành phố.
Một ví dụ điển hình là, ở thành phố Ngân Xuyên nơi dân số vừa vượt 2 triệu người, Vạn Đạt đầu tư 3 dự án bất động sản. Chỉ trong 3 năm, đầu tư 7,5 tỷ tệ, tổng cộng xây mới 2 tổ hợp thương mại. Ngân Xuyên không phải thành phố loại 1, vậy vì sao được Tập đoàn Vạn Đạt coi trọng như vậy? Điều này bắt nguồn từ khát vọng sở hữu thành phố phức hợp của người dân địa phương.
Năm 2011, Trung tâm thương mại Vạn Đạt Kim Phượng Ngân Xuyên chính thức khai trương, trước đó 4 ngày, số người vào mua sắm đã lập kỷ lục tới hơn 800 nghìn người, điều này hiển nhiên là cơ sở thôi thúc Vạn Đạt tiếp tục “cày sâu cuốc bẫm” ở Ngân Xuyên.
Đến năm 2012, doanh số của Vạn Đạt Kim Phượng đạt 800 triệu tệ, chỉ trong một năm đã soán ngôi số 1 về tốc độ tăng trưởng doanh thu trong hơn 70 Vạn Đạt Plaza trên cả nước. Trong khi đó, Vạn Đạt Plaza Tây Hạ khai trương mới chỉ 2 ngày, lưu lượng khách đã lên đến 690 nghìn lượt người, doanh số đạt 39 triệu tệ.
Từ năm 2006, Tập đoàn Vạn Đạt đã xây dựng công trình tiêu biểu đầu tiên của mình ở Ngân Xuyên: Trung tâm chiếu phim Vạn Đạt Đông Phương Hồng, sự kiện này hồi đó gây chấn động một thời, cũng nhờ vậy mà ngày càng có nhiều người quay trở lại rạp chiếu phim. Đây cũng là cách làm quen thuộc để tiến quân vào một thành phố của Vạn Đạt trong vài năm qua: xây dựng rạp chiếu phim hoặc trung tâm thương mại ở địa phương trước, để thương hiệu Vạn Đạt dần ăn sâu vào tâm trí của người dân, sau đó mới xây Vạn Đạt Plaza hay thậm chí cả thành phố phức hợp.
Thật ra hồi đó không ít người đã ý thức được rằng, Trung tâm chiếu phim Vạn Đạt được đưa vào Đông Phương Hồng Plaza là đã hình thành dáng dấp của thành phố phức hợp.
Theo “thông lệ của Vạn Đạt”, thành phố phức hợp phải hội tụ đủ các chức năng kinh doanh, thương mại, nhà ở..., cung cấp dịch vụ từ A - Z: mua sắm, ăn uống, gym, thư giãn, vui chơi, làm việc...
Quả nhiên, 5 năm sau, Trung tâm Thương mại Vạn Đạt Kim Phượng chính thức ra đời, đáp ứng toàn diện nhu cầu ăn uống, vui chơi, mua sắm, giải trí của người dân; còn sự xuất hiện của chung cư kiểu khách sạn và tòa nhà văn phòng cũng đã giải quyết luôn được vấn đề không gian làm việc.
Kể từ khi khai trương, Trung tâm thương mại Vạn Đạt Kim Phượng tăng trưởng liên tục, từ năm 2012 - 2014, doanh số hàng năm đều đạt mức tăng trưởng hơn 200 triệu tệ, lần lượt đạt 800 triệu, 1,1 tỷ và 1,3 tỷ tệ.
Điều đáng chú ý là, 10% chủ hộ kinh doanh mua cửa hàng trong Vạn Đạt Kim Phượng là người ngoại tỉnh, Vạn Đạt Tây Hạ cũng có không ít người ngoại tỉnh, điều này càng làm nổi bật giá trị của thành phố trung tâm khu vực Ngân Xuyên.
Trên một mức độ nào đó có thể nói, nhờ có Vạn Đạt, cục diện thương mại của Ngân Xuyên mới dần thay đổi từ đơn nhất sang đa dạng, điều này mang lại lợi ích to lớn cho cả Ngân Xuyên và Vạn Đạt.
Thông qua nhân bản bất động sản thương mại, Vương Kiện Lâm quả thật đã vươn “vòi bạch tuộc” Vạn Đạt Plaza sang các khu vực xa khác trên khắp Trung Quốc, không ngừng bén rễ, đâm chồi nảy lộc ở muôn nơi. Nếu nói đây là sự khuếch trương kiểu bảo thủ của Vương Kiện Lâm, thì chẳng thà coi đó là sự tự tin của ông đối với mô hình Vạn Đạt, miễn là có Vạn Đạt, bất kể ở đâu cũng đều thu hút lượng lớn người tiêu dùng.